Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐÔI BỜ CHE SARÀ – QUI SAURA


C ó một số bài hát mà sức lan tỏa của nó đã vượt qua biên giới nhiều quốc gia. Bài hát Che Sara (tạm dịch là “Chẳng biết mai này ra sao”) do nhà soạn nhạc người Ý Jimmy Fontana viết cho Liên hoan Sanremo 1971 là một trong những bài hát như vậy. Bản ballad chậm với âm điệu tự sự, ngân nga, thoảng chút luyến láy của âm hưởng bolero kể về câu chuyện của một thanh niên phải rời bỏ quê hương ra đi, tìm kiếm mưu sinh nơi đất khách quê người mà chưa biết tương lai sẽ ra sao. Với cảm giác mất mát về qúa khứ, nuối tiếc những niềm vui từng có bên bạn bè - những người mà cũng đã và sẽ lần lượt rời bỏ ngôi làng đầy ngái ngủ bên ngọn đồi kia để ra đi - anh phó mặc tương lai cho dòng đời, mang theo cây guitar, khóc trong đêm bằng điệu dân ca truyền thống của quê nhà, tạm biệt mối tình đầu với lời hứa là sẽ quay trở về dù chưa biết bao giờ…Bài hát đã được dịch và hát bằng nhiều thứ tiếng khác như Pháp, Sec, Iceland, Bungari, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Bài hát cũng có phiên bản tiếng Việt với tựa đề “Đôi Bờ” được đặt lời bởi Lân Thanh và trình bày thành công nhất bởi cố ca sĩ hải ngoại Anh Tú.

Phần ca từ tiếng Việt có thể xem như một sự thành công lớn, chuyển tải được phần hồn của bài hát gốc với tinh thần rất Việt. Đó là nét trang nhã tinh tế của ý tứ, của câu từ đậm nét văn hóa Việt Nam. Đó là bối cảnh Việt Nam với sự li tan trong lòng người, sự li tan bởi hậu quả của chiến tranh với những dòng người li hương, tìm đến bên kia bờ đại dương, bỏ lại sau lưng những người thân yêu, những câu chuyện muôn kiếp không có kết thúc như đôi bờ sông Ngâu mãi mãi khóc nhau trong sự mong chờ.

Bài hát mở đầu bằng một giấc mộng dài: “Đêm qua anh mơ thấy em yêu đến trong mộng buồn, dĩ vãng thoáng tới đốt cháy trái tim thương em”. Một dĩ vãng chỉ “thoáng tới” thôi mà đã “đốt cháy trái tim thương em” thì hẳn đó phải là một cảm xúc sâu nặng lắm. Ở đây chữ “thương” được dùng thay thế cho chữ “yêu” rất đặc thù theo kiểu người miền Nam, nhằm diễn tả cho một tình cảm gần gũi, sâu nặng, chân thành, tích hợp hòa quyện cả “tình yêu”, “tình thương” lẫn “tình nghĩa”, “tình người”trong đó. Vì sâu lắng như vậy nên hình ảnh người con gái với mái tóc ngang vai đang khóc – có lẽ là hình ảnh cuối cùng trong buổi chia tay – đã không thể phai mờ, đã trở nên day dứt không bao giờ cạn vơi trong một góc tâm hồn của người xa xứ: “Khoé mắt đẫm ướt mái tóc xõa mới chấm vai cho anh thương em ngàn đời, anh kêu tên em qua vùng biển sóng chân trời”.

Giữa hai người lúc này là một đại dương mênh mông xa cách không thấy bến bờ, thế nhưng nỗi buồn và sự luyến lưu dường như trào dâng muốn vượt qua cả khoảng cách bao la ấy. Lời gọi tên day dứt vọng cố hương, gửi về bên kia bờ đại dương như rơi tõm vào vùng chân trời bao la đầy sóng gió không thể nào nghe tiếng vọng. Lời kêu tên ở đây không khỏi khiến người nghe liên tưởng đến Ngô Thụy Miên với Riêng một góc trời “gọi tên em mãi qua cơn mê này mình nhớ thương nhau”. Tên của một người vốn dĩ là một điều đặc biệt. Dưới nhãn quang Phật giáo, một con người có thể chuyển rất nhiều kiếp và do đó có thể mang rất nhiều cái tên khác nhau. Nhưng ở kiếp này đây, tên của một người vẫn cứ là đại diện cho cái bản ngã kiếp này của họ với tất cả mọi vui buồn sướng khổ, với tất cả mọi nỗi đời riêng. Gọi tên một người từ tâm thức nó thể hiện sự “hướng tâm” đến đúng người đó ở kiếp này, tìm kiếm sự giao cảm với đúng người đó ở kiếp này, ở lúc này, chứ không phải là với bất cứ một người nào khác… Thế nhưng trước sự thật nghiệt ngã của cuộc đời, tiếng gọi từ nội tâm kia chỉ là vô vọng và tan biến vào hư không:“Bóng con thuyển vượt nghìn trùng lệ trào dâng, lời anh kêu tan trong gió reo sóng dâng bao la, và từ đây mãi mãi mất nhau, mãi mang thương đau mây đen giăng mờ, để duyên ngâu chia đôi bờ, tình mãi mong chờ…”

Điển tích “duyên ngâu” Ngưu Lang – Chức Nữ được sử dụng rất nhẹ nhàng và tinh tế để diễn tả nỗi đau khổ thầm kín trớ trêu của mối tình mãi mãi cách xa nhưng mãi mãi ngóng trông, đồng vọng. Vì “mãi mong chờ” mà ước mơ về sự đoàn tụ đã len lỏi cả vào trong giấc mộng. Bài hát kể tiếp về giấc mơ đầy cảm động với những hình ảnh và đời sống tình cảm học trò rất quen thuộc, rất Việt Nam: “Đêm qua anh mơ bóng quê xưa bước anh trở về, đứng dưới bóng mát, đến đón em khi tan trường, dáng cũ luyến nhớ đã cách mấy nắng mưa, ôi trông nhau sao bồi hồi, anh kêu tên em, em mừng chẳng nói nên lời”. Hình ảnh đợi chờ đón đưa khi tan trường có lẽ là hình ảnh rất đặc thù cho những tình cảm thơ mộng, trong trẻo, lãng mạn của học trò Việt Nam. Lời hát giàu tình cảm khiến cho tất cả những ai dù đã trải qua hay chưa trải qua một mối tình học trò cũng đều cảm thấy xúc động trước câu chuyện của nhân vật trong bài hát. Cô gái trong bài hát trong bên ngoài thực tế có thể đã già, nhưng trong tâm trí của người xưa, cô vẫn như mãi mãi còn ở tuổi học trò, hình ảnh của cô trong giấc mơ vẫn cứ gắn liền với cảnh tan trường, với sự đợi chờ đón đưa một thuở. Hình ảnh hội ngộ trong bài ca đầy mừng mừng tủi tủi. “Nước mắt rơi lòng bùi ngùi mình dìu nhau, nghe tim mơ say gió tới cuốn lá thu bay bay...”. Mùa thu vốn là mùa của thi ca, nhưng “nghe tim mơ say” là trạng thái chỉ có thể có ở những người có tính nghệ sĩ khi họ đắm chìm trong thế giới cảm xúc của chính mình, của nghệ thuật, của cái đẹp, của thi ca. Những người thực tế thì vốn dĩ đầu óc thường “tỉnh táo” đến mức không bao giờ có thể “mơ say” được. Chữ “mơ say” ở đây cũng đã từng được nghệ sĩ Ngô Thuỵ Miên thả vào bài Riêng một góc trời: “Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay nay còn đâu”. Sau trạng thái “mơ say”, người nghệ sĩ nào cũng phải đối diện với sự u hoài bơ vơ của chính mình: “Chợt mộng tan, gác vắng bóng em, thoáng trước hiên nghe mưa rơi u hoài, buồn thương thân lang thang quê người trọn kiếp lưu đày”. Hình ảnh “em” ở đây thực ra đã không còn là hình ảnh cụ thể của một người con gái cụ thể, mà như đã trở thành hình ảnh đại diện cho cái đẹp đã mất, cho quá vãng phai tàn. “Mộng tan” ở đây cũng không phải chỉ là giấc mộng dành cho một người cụ thể, mà đó là sự dằn vặt, hụt hẫng, cô đơn, là sự đau đớn tiềm ẩn khôn nguôi trong tâm hồn của người nghệ sĩ khi họ luôn phải đối mặt với mâu thuẫn giữa thực tế và mộng mơ, giữa cái đẹp không thể nào bất tận với cuộc sống đời thường, giữa sự mất mát của quá khứ đã ra đi không bao giờ có thể quay trở lại với sự lo toan của hiện tại, với nỗi bất định của tương lai. Tiếng mưa rơi u hoài như chạm vào nỗi niềm hoài cảm và sự bơ vơ cố hữu trong tâm hồn của người nghệ sĩ – những người hay có “thú đau thương”, và càng làm tăng thêm sự cô đơn của nỗi li hương “lang thang quê người trọn kiếp lưu đày”.

Những phần còn lại của bài hát đều có ca từ với ý tứ thanh nhã, u hoài, tràn đầy tình cảm giống như ở phần đầu. “Trong đêm đơn côi gió mưa nhớ em vời vợi, thương cánh hoa xưa xa cách đã lâu không thấy nhau. Qua bao thương đau bóng liễu có thắm như xuân ta trao mối duyên đầu? Đôi môi son tươi và vùng biển mắt xanh màu…”. Lời hát thể hiện tính thẩm mỹ rất cao trong xây dựng hình ảnh. Nỗi thương hoa tiếc ngọc và niềm hoài cổ tạo nên cảm nhận rất đẹp cho người nghe. Câu hỏi tu từ ý nhị “bóng liễu có thắm như xuân ta trao mối duyên đầu?” gợi nhớ đến điển tích trong truyện Kiều của Nguyễn Du với niềm vọng cố nhân “Ai về hỏi liễu Chương Đài”, hoặc đến thơ Đinh Hùng với nỗi bâng khuâng: “Em trở về đây với nắng hồng/ Hồn xưa còn đẹp ý xưa không?”… Hình ảnh “đôi môi son tươi và vùng biển mắt xanh màu” đi liền với gam nhạc trầm cũng giàu tính thẩm mỹ đến mức có thể khiến người ta bị “mơ say”, cuốn theo như “nhớ môi em và màu mắt biếc, suối hẹn hò trăng thanh đầu non” trong Lệ Đá của Trần Thịnh, thơ Hà Huyền Chi.

Cả bài hát nói về một giấc mộng, nên kết thúc của nó cũng nhắc đến một giấc mộng: “Nếu sớm nào ngày trở về liệu rằng em, còn yêu anh như khi chúng ta mới thương yêu nhau? Ngại đôi khi bão táp đã khiến núi sông cách ngăn cho em thay lòng, tình ly tan cho hương thề mộng cũ phai tàn…”. Giấc mộng cũ đó đã phai tàn nhưng lòng người hữu tình nên còn nhiều luyến tiếc, thế nên có người nào đó vẫn còn gọi tên nhau mãi trong tâm tưởng vọng suốt đôi bờ duyên ngâu:

“Hỡi non cao ơi sông sâu đời bể dâu Kể từ đây mãi mãi mất nhau, mãi mang thương đau

Lời anh kêu tan theo sóng dâng gió reo âm vang bao la xa mờ Để cho ta duyên ngâu đôi bờ tình mãi mong chờ”

……………………………………………………..

Có một điều đặc biệt là những ca sĩ từng thành công nổi tiếng với ca khúc này đều là những người li hương, đều có cuộc sống riêng khá thăng trầm và ít nhiều bạc mệnh. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ guitare mù nổi tiếng người Mỹ gốc Porto Rico Jose Feliciano là người đầu tiên đã chuyển thể bài hát gốc từ tiếng Ý này sang tiếng Tây Ban Nha (vốn dĩ tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha khá giống nhau, người nói tiếng Tây Ban Nha đi trên đường phố Ý có thể hiểu được đến 70% những gì người dân địa phương nói). Ông rời bỏ làng quê nghèo khổ ở Nam Mỹ để đến New York lập nghiệp, và bài hát Che Sarà do ông chuyển ngữ đã được xem như bài hát tiêu biểu cho người Nam Mỹ nhập cư.

Cố ca sĩ Lữ Anh Tú – người trình bày thành công nhất bài hát này với phiên bản tiếng Việt cũng là một người đến Mỹ nhập cư ở lứa tuổi 25 – lứa tuổi mà kí ức về quê hương, kí ức về những rung động đầu đời chắc đã kịp trở thành những khắc khoải day dứt khó nguôi trong tâm hồn người nghệ sĩ xa xứ. Nam ca sĩ bạc mệnh cũng đã qua đời nơi đất khách quê người ở tuổi 53 trong một tai nạn xe hơi, để lại ấn tượng về một giọng ca lạ với lối phát âm bằng giọng mũi theo kiểu hát tiếng Pháp (sinh thời, cố ca sĩ Anh Tú cũng rất thành công với những bài hát nhạc Pháp) mà như nhận xét của nhạc sĩ Quốc Bảo là hát đẹp mà không cần dụng công, hát nhẹ nhàng như tự sự.

Phiên bản tiếng Pháp của bài hát (Qui Sara) cũng vô cùng nổi tiếng với phần trình bày lẫn tự đặt lời của ca sĩ người Isarel  Mike Brandt. Đó là một nam ca sĩ đẹp trai có bố mẹ là người Ba Lan – một dân tộc mà người dân từng sống lưu vong trên chính đất nước của mình hàng bao nhiêu thế kỉ. Anh lớn lên cùng gia đình trong trại tị nạn của vùng Palestine – một vùng đất không rõ ranh giới quốc gia, đến tận ngày nay vẫn nằm trong sự giao tranh, rồi sau đó chuyển đến sống ở nước Israel khi dân tộc người Do Thái hàng nghìn năm mất nước lang thang trên khắp thế giới này trở về phục quốc. Sau đó, Mike Brandt lại chuyển đến Pháp, thành danh tại Pháp với vốn tiếng Pháp bập bẹ, với những bài hát tiếng Pháp đầu tiên được anh tập bằng cách phiên âm tiếng Pháp sang tiếng Do Thái để phát âm. Mike Brandt tự vẫn ở tuổi 28 – lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, không rõ lí do. Người ta nói rằng có thể anh đã không tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi mà anh đã tự đặt ra trong bài “Qui Saura”: “Nào ai giúp tôi tìm lãng quên, nào ai cho tôi lẽ sống?” khi “cô gái duy nhất có thể trả lại mọi nỗi mất mát cho tôi, tôi biết sẽ chẳng quay về”.

Ghi chú: Mời độc giả quan tâm có thể thưởng thức bài hát này với các phiên bản tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Ý sau đây:
* Phiên bản tiếng Việt của Anh Tú: https://www.youtube.com/watch?v=vO7SIEv8w3E
* Phiên bản tiếng Pháp của Mike Brandt: https://www.youtube.com/watch?v=SYCIpBtaON0
* Phiên bản tiếng Ý của Jose Feliciano: https://www.youtube.com/watch?v=jRhtJtUDAZs

Dreden mùa đông năm 2018



VVM.02.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .