Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

HAI CHIẾC THUYỀN RỒNG Ở HỒ NÉMI



            nguyên bản của Jean de Kerdéland

N hững công trình khảo cổ thường kém hấp dẫn đối với quảng đại quần chúng nếu nó không liên quan đến kho tàng hay ít ra là liên quan đến một lối sống của một dân tộc nào đó. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một công trình loại đó để biết rằng công lao của các nhà khai quật đôi khi chỉ được chính họ tán thưởng.

Ít có du khách nào tới thăm nước Ý mà lại không biết tới hồ Némi, một cái hồ tuyệt đẹp ở vùng phụ cận thành Rome. Mấy ngàn năm trước người La Mã có xây trên một mũi đất ở trong hồ một ngôi đền nhỏ thờ nữ thần Diane; ngày nay tuy ngôi đền đã biến mất nhưng cái tên “Mảnh gương của nữ thần Diane” mà các thi sĩ thành La Mã đặt cho hồ thì vẫn còn. Hai ngàn năm trước hồ cũng được Hoàng đế Caius Cœsar Augustus Germanicus (kẻ được người đời biết đến nhiều hơn dưới cái tên Caligula) để ý tới.

Ông bị người đời sau coi như một bạo chúa, hoang dâm và thác loạn. Trong suốt triều đại của mình, vị Hoàng đế La Mã này chỉ làm được có một việc đáng kể là ông đã phong quan tước cho… chú ngựa của mình, còn thì tất cả mọi việc khác đều tệ hại hết. Tuy nhiên vị Hoàng đế điên, gàn này lại rất biết thưởng thức vẻ đẹp êm dịu và tĩnh mịch của hồ Némi, vì ông đã chọn cái hồ này làm nơi nghỉ mát riêng cho mình. Thỉnh thoảng ông lại bỏ thành Rome, lúc đó đang trên đường suy tàn, để lên kiệu, mang theo vài nhạc công và nhạc sĩ, lặng lẽ đến hồ Némi, để tìm những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn.

Đậu cách bờ hồ hai mươi thước là một chiếc thuyền rồng cực lớn, một toà lâu đài nổi, ở trên có nước ngọt, có lò sưởi, có tượng ngà, tượng vàng, kỳ hoa, dị thảo, vàng bạc châu báu, lụa là quý hiếm từ Đông Phương mang tới, không thiếu một thứ gì. Thuyền rồng được sơn son thiếp vàng khắp nơi, trên thành các buồng ốc là đủ loại thảm quý, dưới sàn cũng trải thảm.

Một thuyền rồng thứ nhì, nhỏ hơn nhưng được trang bị không kém vẻ sang trọng, nối liền bờ hồ với toà lâu đài nổi. Ngoài hai chiếc thuyền nói trên, tuyệt đối trên hồ không có một thuyền nào khác được lai vãng; kẻ nào bị bắt sẽ bị hành quyết ngay tức khắc. Tuy nhiên do tính khí bất thường, nên một ngày kia, trong một cơn giận dữ, ông đã ra lệnh đánh đắm cả hai thuyền rồng, với tất cả mọi bảo vật bên trong…

Cố nhiên, một chuyện như vậy không thể không lọt ra ngoài, cho nên ngay từ đầu thời Trung Cổ, đã có nhiều người tìm cách mò lấy các bảo vật chứa trong hai chiếc thuyền rồng. Nhiều thợ lặn đã tìm ra được vị trí của chúng và một số đã lấy được nhiều đồ chạm trổ quý giá.

Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, nhiều chuyên viên tìm kho tàng đã tới hồ để thừ thời vận và tài năng. Thế kỷ thứ XIX có những người như Fusconi năm 1820, Borghi năm 1875, Lucchesi năm 1880. Tuy không trục được hai chiếc thuyền đắm, nhưng họ mang lên bờ nhiều đồ nghệ thuật quý giá: một cái đầu “Gorgone” (đầu người tóc rắn) chạm trổ rất nghệ thuật, những con sư tử và những con chó sói bằng đồng và nhiều mảnh kim khí được chạm trổ thật công phu. Các cổ vật nói trên, nay được trưng bày trong khung kính tại các viện Bảo tàng Therme và Vatican, tuy giá trị không đáng kể lắm, nhưng cũng cho hậu thế biết được một số mẫu của nền nghệ thuật tân – La Mã.

Năm 1900, Cianelli, một đại tá người Ý có một kế hoạch táo bạo là dùng một khí cầu thật mạnh để trục hai thuyền rồng lên khỏi bãi bùn nơi đáy hồ. Nhưng hai ngàn năm chìm dưới đáy hồ sâu đã làm các thuyền hầu như mục cả, khiến kế hoạch của vị đại tá nói trên bất thành.

Năm 1929, nhà độc tài Ý Mussolini đã đích thân chỉ đạo việc lấy kho tàng nơi đáy hồ này. Ông triệu tập các chuyên viên và ra lệnh cho họ “làm các việc cần thiết để thu hồi kho tàng”.

Kỹ sư Tosi, người chỉ huy chiến dịch tìm kho tàng đã lục lọi trong các thư viện lớn, thâu thập các tài liệu trong văn khố và viết lại một lịch sử thật đầy đủ về vấn đề mình phụ trách. Sau đó, ông tới thẳng ngay hồ Némi để khảo sát tại chỗ.

Tình trạng những thuyền rồng, sau hai ngàn năm bị ngâm sâu dưới đáy hồ, không cho phép trục chúng lên và kéo vào bờ; cách làm này có thể làm hai chiếc thuyền rồng tan vỡ hoàn toàn, như người ta đã có kinh nghiệm trong mấy lần trước đó. Vậy phải tiến hành ngược lại: rút cạn sạch nước ra khỏi hồ. Hồ Némi nằm trên một miệng núi lửa cũ. Thành hồ rất cao nên không thể nào dùng bơm để đẩy đi một lượng nước là ba mươi mốt triệu thước khối. Chỉ có một phương cách duy nhất: đục một đường hầm ở trong bờ thành khúc khuỷu của miệng ngọn núi lửa để nối liền đáy hồ với đồng bằng ở lân cận; từ đó nước sẽ được chuyển ra bể - cách đó khoảng 24 cây số - bằng một con kinh.

Trong lúc tìm địa điểm để đào đường hầm, Tosi và các phụ tá của ông khám phá ra một điều may mắn: đường hầm đã có sẵn. Hơn hai ngàn năm trước không biết vì lý do gì những người cổ La Mã đã dự kiến một lối thoát nước để có thể vét hồ. Miệng hầm được đóng kín bởi một bức tường đá, nằm sát ngay mực nước thấp nhất: một đường hầm vững chắc dài 1800 thước chạy xuyên qua ngọn đồi để thông qua bình nguyên. Tiếp đó một con kinh, còn thấy lờ mờ dấu vết, dài 22 cây số nối liền miệng hầm thoát nước với một điểm gần bờ biển nhất. Toán công tác Tosi chỉ cần tu bổ lại các công trình mà người thời xưa đã làm sẵn.

“Mảnh gương của nữ thần Diane” sống trong im lìm quên lãng trong hai ngàn năm bỗng bị xâm chiếm bởi đủ loại tàu cuốc, tuabin và hàng trăm thứ bơm, ngoài ra còn có những người thợ lặn trong bộ đồ lặn. Những tiếng động cơ nổ, những tiếng gào thét của máy hơi nước và những máy hàn điện bỗng vang lên trong khắp vùng lân cận.

Để tát cạn hồ, các kỹ sư đề ra một kế hoạch lưỡng lợi. Công trình đòi hỏi những chi phí rất lớn, vì vậy người ta sự tính sau khi hoàn thành công tác, hồ Némi sẽ được đổ nước lại một phần. Diện tích sơ khởi của nó là 1 719 000 m2 sẽ được giảm xuống còn 900 000, do đó lợi được 819 000 m2 mà người sẽ dùng vào việc canh tác.

Trên toàn thế giới, các nhà khảo cổ chăm chú theo dõi việc thu hồi kho tàng. Chính nhà độc tài Mussolini, từ lâu đài Chigi, đã tự tay hạ một tay gạt để cho lệnh khởi công. Ngay lúc đó, máy móc chạy bằng điện lực được phát khởi và nước trong hồ bắt đầu chuyền ra phía biển.

Khi mực nước trong hồ đã gần cạn, người ta thấy lờ mờ dưới hồ có hai thuyền, cái lớn còn như nguyên được hình thể lúc ban đầu, Các nhà khảo cổ lo lắng, giậm chân vì sốt ruột…

Tiếc thay, người ta không tìm thấy một chút gì vì cả hai thuyền đều trống rỗng: có thể là trong mấy ngàn năm qua, các vàng bạc châu báu đã chìm hết vào trong những lớp bùn, và cũng có thể nhiều kẻ tìm kho tàng từ trước đã im lìm mò lên hết mà không ai biết. Dù sao công cuộc này đã có lợi về mặt lịch sử và nông nghiệp! Và chỉ có các nhà khảo cổ là không hoàn toàn thất vọng bởi vì chính nhờ các công trình ở Némi mà giờ đây, các nhà bảo tàng của xứ sở họ mới có được hai mẫu thuyền rồng La Mã duy nhất trên thế giới./.




VVM.12.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .