Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TRISTAN VÀ ISEULT
TRUYỆN TÌNH ĐAM MÊ NHẤT
THỜI TRUNG CỔ




T ruyền thuyết về truyện tình của Tristan và Iseult là một sáng tạo lớn của trí tuệ, được hình thành bởi sự gặp gỡ của nhiều luồng tư tưởng văn minh khác nhau. Truyện tình rất đam mê, ai oán, não nùng, nhưng cũng rất “người” này, cho thấy là khi đụng phải nó, các cổ tục khắt khe, các luật lệ nghiêm khắc đều phải bó tay. Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, mối tình của Tristan và Iseult vẫn làm say mê lòng người cũng như vẫn gây những xúc động mạnh. Sau hàng ngàn vạn đổi thay trong những chi tiết, truyện tình này đến với chúng ta ngày nay như sau:

Tristan, con trai nhỏ của Rivalen, vua xứ Léonois, và của hoàng hậu Blanchefleur, là em gái của vua xứ Cornouailles, Marc, ngay từ khi mới mở mắt chào đời đã gặp nhiều tai họa. Khi cậu ra đời thì cha cậu đã mất ngôi vua, còn mẹ cậu thì đã chết ngay sau khi sanh cậu. Cậu bé mất mẹ được giao cho một thân nhân tên là Gorvenal nuôi nấng. Tên Tristan của cậu có nghĩa là “cậu bé buồn” và đến khi đuợc 15 tuổi, Tristan lưu lạc tới triều đình của chú mình là vua Marc; tại đây cậu bé lúc này đã trở thành một thiếu niên anh tuấn, được tất cả mọi người quý mến, yêu thích vì chàng rất can đảm và chơi đàn hạc (harpe) rất hay. Nhưng, trong một cuộc đụng độ với tên khổng lồ Morholt, em họ của vua xứ Irlande, tuy chàng giết được hắn nhưng bị thương bởi lưỡi dao tẩm chất độc của hắn, bị bỏ vào một cái thuyền cho trôi dạt và cuối cùng chàng lại đến được bờ biển chính xứ Irlande. Tại đây, chàng giả dạng là người làm trò xiếc tên là Tantris và tình cờ gặp được chính bà hoàng hậu xứ Irlande. Bà này chữa cho chàng khỏi bịnh như một phép lạ và giao con gái của mình là Iseult Tóc Vàng cho chàng nhờ chàng dạy nhạc. Khi trở lại xứ Cornouailles chàng bị quần thần của chú chàng tố giác là làm cản trở cuộc hôn nhân của nhà vua. Chàng liền xin được đích thân đi đón người thiếu nữ duy nhất mà vua Marc chịu cưới; đó chính là nàng Iseult mà Tristan đã rất nhiều lần mô tả với chú chàng. Trở lại xứ Irlande, Tristan đánh nhau một trận kịch liệt và hạ được một con rồng rất hung dữ. Sau đó chàng xin cưới Iseult cho vua Marc, chú của chàng. Chẳng may nàng Iseult tình cờ biết rằng chàng chính là thủ phạm đã giết chết tên khổng lồ Morholt, chú họ của nàng, nên nàng muốn hạ sát chàng. Nhưng bà hoàng hậu dàn xếp được ổn thỏa và nàng Iseult chịu theo Tristan trở lại Cornouailles; bà hoàng hậu cũng trao cho Iseult một ve bùa để nàng tăng thêm tình yêu đối với vua Marc. Tuy nhiên, trên đường về, Tristan, do một sự nhầm lẫn tai hại, đã uống nhầm phải ve bùa yêu khiến cho hai người phải yêu nhau đến chết, vô phương rời bỏ.

Đám cưới giữa Iseult và vua Marc được tiến hành, nhưng trong đêm tân hôn, Iseult đem tráo người tùy nữ thân tín là Brangian vào chỗ của mình. Tristan và Iseult tiếp tục yêu thương nhau và các kẻ thù của Tristan (đặc biệt là một người tên là Andret) vận động làm cho chàng bị đuổi khỏi triều đình tuy rằng nhà vua vẫn không chịu tin rằng chàng là kẻ có tội. Tuy nhiên hai kẻ tình nhân vẫn tiếp tục lén lút gặp nhau, họ hẹn nhau ban đêm khi thì trong vườn, khi thì bên suối và mỗi lần như vậy Tristan thả xuống suối những mảnh gỗ để làm hiệu. Hai người lại bị tố giác một lần nữa bởi tên lùn quái ác Frocin nên bị xử phải chết thiêu trên dàn lửa. Nhưng rồi họ được cứu thoát bởi một phép lạ và lang thang sống một cách cực khổ bên nhau trong rừng rậm. Cuối cùng vua Marc và thủ hạ của nhà vua tìm ra họ. Nhưng khi họ nằm bên nhau một cách thánh thiện, vì Tristan để giữa chàng và Iseult thanh kiếm của chàng, vua Marc cảm động để cho họ được tiếp tục ngủ yên; và để đánh dấu sự hiện diện của nhà Vua, vua Marc thay thế thanh kiếm của mình vào chỗ thanh kiếm của Tristan và đeo vào ngón tay Iseult cái nhẫn của mình, rồi lại cẩn thận dùng một bao tay che ánh sáng không cho chiếu vào mắt nàng. Cảm kích trước sự độ lượng vô biên của nhà vua. Iseult trở lại triều đình và Tristan vui vẻ lên đường đi đày ở xứ Bretagne. Tại đây chàng cưới nàng Iseult Tay Trắng, cô con gái xinh đẹp của tử tước Hoel và làm bạn với anh nàng Keherdin. Nhưng dù có vợ; Tristan không bao giờ đụng chạm tới vợ mình và luôn luôn tìm cách gặp lại Iseult Tóc vàng. Để được thấy nàng, chàng cải dạng làm một người cùi, người điên, nhà tu hành, và đôi khi chàng ăn xin trên lộ trình. Khi trở lại chàng giúp Kaherdin trong một cuộc phiêu lưu tình ái nguy hiểm. Kết quả là Kaherdin bị thiệt mạng còn Tristan thì bị thương nặng. Chàng vội cầu cứu Iseult Tóc Vàng là người duy nhất có thể chữa cho chàng khỏi. Được tin, nàng Iseult tức tốc lên đường. Nhưng Iseult Tay Trắng, vì ghen, đã gạt Tristan bảo chàng rằng Iseult Tóc Vàng không tới. Quá thất vọng, Tristan gục chết, và nàng Iseult Tóc Vàng vừa tới nơi cũng gục chết ngay trên mình chàng. Vua Marc khi được biết tin về cái chết của cặp tình nhân lại vừa được biết chuyện họ uống nhầm bùa yêu đã cho chôn cất họ một cách thật tốt đẹp tại Cornouailles; chẳng bao lâu từ hai ngôi mộ nằm cạnh nhau của họ nẩy lên hai cái cây cành lá xoắn chặt lấy nhau không cách nào gỡ ra nổi, và nếu chặt chúng đi thì chúng lại mọc lên to hơn, rậm rạp hơn và còn xoắn xít chặt chẽ hơn nữa.

Từ thế kỷ thứ XII tới nay đã có hàng trăm tác giả khác nhau ở khắp Châu Âu, nhất là ở Pháp, Đức, Ý, đã đưa ra các sách thuật lại truyện tình của Tristan và Iseult khác nhau. Bản xưa nhất người ta được biết là của tác giả Thomas, tựa đề là Tristan được viết vào năm 1170 mà năm đoạn người ta còn lưu giữ được gồm khoảng 3000 câu thơ kể lại những gặp gỡ của cặp tình nhân trong vườn, sự chia ly của họ, đám cưới của Tristan với Iseult tay trắng và cái chết của họ, chứ không nói gì tới những đoạn Tristan giả dạng làm nhà tu, người cùi vv... Ở Đức, bản đáng chú ý nhất là bản Tristan und Iseult của Gottfried de Strasbourg viết năm 1201 bằng thứ tiếng Đức thời trung cổ, vào thế kỷ thứ XIII người ta bắt đầu phân loại các bản truyện Tristan và Iseult khác nhau và khám phá ra rất nhiều dị biệt giữa các bản khác nhau, với đủ mọi cách viết rất bịa đặt và phi lý. Từ thế kỷ XV đến giờ cũng phải có vài chục bản nhưng bản đáng kể nhất là bi nhạc kịch 3 hồi của đại nhạc sĩ Richard Wagner. Ông này cũng có một mối tình với một thiếu nữ 23 tuổi trong những ngày tháng bị lưu đày; chính mối tình này đã cho Wagner cảm hứng để soạn ra bi nhạc kịch nói trên.

Ở nước ta tuy truyện tình Tristan và Iseult không được phổ biến mấy, nhưng không phải là không ai biết tới, vì thời tiền chiến nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có một bản dịch mà ông dịch là Tiễu Nhiên và My Cơ. Bản dịch này đã được tái bản lại khoảng năm 1965, và gần đây vào năm 1991 hình như nó cũng đã được tái bản lại.

Ngày nào trên cõi đời này còn những trái tim, những tâm hồn đa sầu, đa cảm, thì những chuyện tình như truyện Tristan và Iseult sẽ vẫn luôn luôn là những truyện hay.




VVM.11.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .