MỘT HIỆN TƯỢNG
XÃ HỘI QUA NHỮNG TRANG VĂN
T háng vừa rồi, trong một thông báo của chính quyền Hòa (hay Hà)- Lan, các cơ quan hành chính dính líu đến việc quản lý căn cước của người dân cho biết rằng rồi đây (được dự tính khoảng 2024 hoặc 2025) trên thẻ căn cước, ở mục giới tính người ta sẽ bỏ trống không ghi rõ đương sự thuộc phái nam hay nữ hay … gì gì khác. Những loại tin tức như thế này có thể khìến bạn ngạc nhiên hay dửng dưng tùy cách nhin riêng, dù sao đó cũng là một trong những hiện tượng xã hội nơi chúng ta đang sống ; có những điều ngày hôm qua mọi người tuy biết rằng không đúng nhưng đành chấp nhận, nhưng đến hôm nay nếu có kẻ bày tỏ công khai ý kiến bằng những thái độ phân minh, dứt khoát hơn, tùy theo không khí chính trị của nơi phát sinh thì sự việc sẽ có thể trở nên sôi động khó lường. Ông vua không ngai của Holywood, nhà sản xuất phim nổi tiếng Harvey Weinstein không phải chỉ đến hôm nay mới thử sờ mó phụ nữ lần đầu nhưng phải chờ tới khi có nạn nhân đủ can đảm khui ra và tiếp sau là phong trào #me too ầm ầm dậy sóng mới khiến Weinstein bi hạ bệ. Tương tự với trường hợp Gabriel Matzneff của Pháp, một văn nhân viết những trang sách ca tụng hoạt động thân xác với các cô gái trẻ khoảng tuổi mười ba mười bốn, khốn thay ông ta vẫn được giới văn nhân và chính trị gia nâng đỡ lấy cớ rằng ông ta có biệt tài mà lại túng thiếu mọi bề. Cho tới khi ông ta bị một nhà văn khác tố giác, bà Vanesa Springora, trong cuốn Le Consentement. Vừa tố cáo hành tung của Matzneff, bà Springora cũng lên án sự bao che của rất nhiều nhà văn tên tuổi, từ Sartre, Aragon, Barthes, Beauvoir, Cioran, d’Ormesson… đến các chính trị gia như François Mitterand và cho đến khi vì cuốn sách bà Springora, Matzneff mới đành phải trốn khỏi đất Pháp sang Ý cư ngụ trong khi một phần phụ cấp dành cho ông vẫn còn được nhà nước Pháp chuẩn nhận. Sự nẩy sinh những phản ứng của quần chúng thường bất ngờ và hung bạo nhưng phần nhiều là những phản ứng ầm thầm, tưởng như mờ nhạt nhưng kỳ thật cũng rất khó xử cho giới cai trị. Dù muốn dù không, để gắng duy trì một không khí ổn định , họ phải xuôi theo những đòi hỏi hợp pháp đó.
Tuy nhiên chính cái xã hội cởi mở Hòa Lan trong trường hợp kể trên đây cũng gặp khó khăn vì nền hành chính của Liên hiệp Âu châu vẫn chưa chạy theo kịp đà tiến bộ của họ, kết cuộc họ đã âm thầm thỏa hiệp bằng cách vẫn giữ mục này trên thông hành, như mọi thông hành của người dân các nước khác trong khối LHAC (nghĩa là vẫn còn giữ ghi chú về mục giới tính). Nhân chuyện Hòa lan tôi liên tưởng đến nước tôi với hiện tượng LGBTQ ở xứ mình—ít ra thì chúng ta chưa thấy bằng cớ của những đàn áp trắng trợn như ở Nga của ông Putine chẳng hạn…
Thuở ấy tôi còn bé, ở phố nghèo và thưa thớt nơi chúng tôi trú ngụ có một hiện tượng khiến bọn trẻ tò mò : có đứa con trai khoảng 12, 13 tuổi không biết có bố mẹ không, nhưng anh ta lang thang ngoài chợ hoài, cách thế sinh nhai của anh ta là bán những món ăn rẻ tiền, khi thì rổ ổi chua khi nắm khoai luộc hoặc bó mía. Hẳn là cuối ngày anh ta cũng kiếm được món tiền lời nhỏ đủ cho bát cơm khổ. Tội nghiệp cho anh ! Nhưng có lẽ đối với anh ta điều ấy chưa đáng bận lòng bằng sự việc anh bị mọi người trêu ghẹo, cách trêu ghẹo nhiều khi đưa tới chỗ gây thương tích (ngay trên thân xác chứ không chỉ tinh thần thôi đâu). Thật ra kẻ gây thương tích cho anh thoạt tiên cũng không có chủ định dữ dằn nào, y chỉ muốn… “vở lẽ” ! Thật đáng sợ cho cái tò mò của con người. Chả là vì người ta đồn rằng anh không hẳn là …con trai, vì thế để thỏa mãn tính tò mò mọi người xúm lại đè anh ta ra để vạch quần soi mói. Mà có lẽ ngay cả điều ấy cũng chưa đáng trách đối với kẻ lần đầu muốn biết ; cái tệ hơn là một khi đã biết sự thật rồi người ta vẫn tiếp tục quấy phá trêu ghẹo anh. Còn anh, mặt khác, cũng muốn hợp thức hóa tư tưởng thầm kín nuôi giữ trong trí : anh tin rằng anh thuộc phái tính nữ. Giữa ý muốn che dấu thân xác bất toàn của mình và ý muốn công bố về bản năng giới tính, tôi nghĩ đó là mối bi thảm cá nhân tột cùng.
Trong khi đó, cái nhìn của xã hội là cái nhìn đố kỵ, hẹp hòi, từ khước. Mối ác cảm không hợp lý, và nếu đứng trên căn bản đạo đức mà xét, thì hoàn toàn sai lầm. Thế nhưng, cái nhìn hiểm độc của xã hội, từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn không thay đổi là bao, trừ phi trình độ văn hóa phát triển, song song với nó ý thức nhân bản cũng được nâng cao thì cách xử sự sẽ được cải hóa một chút. Điều đó được chứng minh bằng những tư tưởng tiền phong trong mọi cải cách văn hóa và xã hội (nên biết rằng nó gồm cả tinh thần nhân đạo trong ấy nữa) mà cho đến giờ này các xã hội Tây phương vẫn giữ vị thế đi trước. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi các xã hội này hợp lệ hóa hôn nhân giữa hai người cùng giới tính, công nhận việc cải đổi giới tính qua việc hợp thức hóa hộ tịch cùng là tiếp tay với các tổ chức xã hội dân sự tranh đấu dành chỗ đứng cho thành phần gọi là giới tính thứ ba.
Nhờ những khám phá khoa học người ta hiểu rằng những hiện tượng trên đây, cho dù vẫn còn gây ra nhiều tranh cải, tùy thuộc khá nhiều vào yếu tố sinh hóa được cấu tạo bẩm sinh. Mặt khác dù đánh giá cao phần ảnh hưởng tâm lý như trường hợp Simone de Beauvoir mà giới trí thức Pháp cho đến nay vẫn khăng khăng (họ còn đưa hẳn quan niệm này vào chương trình giáo khoa : on ne naît pas femme, on le devient !) nhưng vẫn dành lại vị trí lớn cho những phát giác khoa học. Rốt lại, một bên cương quyết rằng giới tính và khuynh hướng tình dục không thể nào là kết quả của sự chọn lựa hay là một thiên lệch về tâm lý (như quan niệm của giáo sư sinh vật của đại học Liège, Bỉ, Jacques Balthazart), còn bên kia thì chủ trương rằng thiên hướng cá nhân vẫn có thể bị chi phối bởi tính mềm dẻo và khả năng sửa sai qua học hỏi và trải nghiệm như chủ trương của các trường phái Pháp, (thí dụ bà Cathérine Vidal, giám đốc viện nghiên cứu thuộc viện Pasteur, Pháp)[i], dù sao dung hòa được cả hai bằng những tiếp cận nhân bản nhất, các nhà nước Tây Âu đã dần dần đi đến một thỏa hiệp trên bình diện pháp lý cũng như tình người, trước là hợp pháp hóa các cuộc hôn phối giữa hai kẻ đồng phái, và trong tương lai, nhằm cho phép các “gia đình mới” này viễn tượng chuyển tiếp của thế hệ thứ hai (hiện nay họ chỉ có thể nuôi con nuôi mặc dù các tiến bộ khoa học có thể giúp cho họ, nếu muốn, được quyền sinh con nhờ khả năng của một trong hai kẻ phối ngẫu). Trở ngại sau có tính tâm lý và xã hội theo đó người ta cho rằng thường những trẻ em trưởng thành trong những gia đình vắng bóng cha là một trong những nguyên nhân tâm lý khiến đứa trẻ dễ có thiên hướng đồng tính.
Chừng nào các nghiên cứu khoa học chứng minh được tính vô hiệu của sự vắng mặt của một trong hai người phối ngẫu không gây ảnh hưởng nào cho sự phát triển toàn diện về mặt thể xác và tinh thần của đứa bé trong những gia đình gồm hai thành viên đồng tính thì có lẽ lúc ấy những nhà làm luật sẽ đạt tới chỗ đồng thuận cho phép áp dụng các phương pháp sinh sản trực tiếp do một trong hai phối ngẫu cung ứng.
Nói chung, quan niệm này có thể được ca tụng hay lên án tùy từng góc nhìn. Những xã hội với tôn giáo hoặc chủ trương chính trị độc tôn khó có thể chấp nhận nó. Có những điều mà các ông chính ủy văn nghệ vẫn thường nhắc nhở, có khi còn khăng khăng truy buộc rằng kẻ sáng tác phải nhớ phản ảnh xã hội mà mình đang sống vào tác phẩm. Tôi tưởng điều đó nó đến hết sức tự nhiên chứ cần chi phải bắt người ta tâm niệm? Làm sao xóa nổi vết cắt cuống thai của bà mụ đỡ đẻ khi nghệ thuật được khai sinh từ đấy mà ra? Khi viết “Chí Phèo”, Nam Cao chưa hề được nghe lý thuyết văn nghệ của tổng bí thư Trường Chinh nhưng Nam Cao vẫn phản ảnh đúng đắn bức tranh xã hội trước cách mạng tháng tám. Và trên những trang viết ngày nay liệu có vắng bóng hình ảnh bàn máy vi tính, cái điện thoại di động, chai nước coca, ly cà phê starbuck, bánh Mac Donald và ái tình đồng tính? Hẳn là không. Kèm với những phương tiện vật chất ấy, tinh thần của con người ít nhiều cũng trùng nhịp đập với thời đại chứ?
Tuy nhiên việc đó chỉ được khuyến khích khi chàng chính ủy đang còn đứng ở vị thế phản kháng, tức phô bày bộ mặt trái của xã hội mà chàng chưa có chân đứng tốt chứ không phải khi chàng ở địa vị thống trị. Lúc bấy giờ, khi những“chỉ dấu tiêu cực” được phô bày quá nhiều chàng chỉ muốn che dấu chúng bớt đi. Vấn đề không còn là phản ảnh mà đừng nên phản ảnh nữa. Chính việc làm ngược lại này mới là điều khó.
Dưới chính thể tự do, người ta không cần che dấu ; căn bệnh ấy chỉ thấy nơi kẻ toàn trị. Mà nhiều khi chúng bắt nguồn từ những nguyên do xa xôi thuộc phạm vi tâm lý và tinh thần, ngay cả bởi những xáo trộn do môi trường sinh thái, chung qui chúng chỉ là căn bệnh thời đại chung chung ; chấp nhận và tìm giải pháp chẳng hơn là đàn áp và chận đứng như chính quyền Putine đang làm sao? Dưới mắt nhà khoa học, vấn đề được soi chiếu theo chiều hướng khác. Tuy nhiên, trước tiên ta thử xét bằng con mắt của một kẻ ngoài phố, một kẻ bình thường, thiển cận, dốt nát như kẻ viết bài này chẳng hạn, xem thử hắn ngửi thấy mùi gì. Đầu tiên, hắn chỉ chấp nhận được cái bình thường ; những gì khác thường, hắn phải được quyền suy nghĩ và để cuối cùng trước khi chấp nhận hắn cần được dẫn giải cặn kẽ. Thì đấy, công việc của người hiểu biết, trách nhiệm của giới lãnh đạo. Một xã hội có trình độ giáo dục tốt, sự lãnh hội sẽ dễ dàng, mà lãnh hội dễ dàng thì không khí cuộc sống trở nên khoan hòa, tinh thần cố chấp vắng mặt, người với người sẽ hòa đồng nhịp nhàng, sự khác biệt được nhận biết bằng cái nhìn rộng lượng, khách quan hơn.
Từ những nhận xét trên đây tôi thử tìm hiểu phản ứng ở xứ ta trước những hiện tượng nêu trên. Xin trở lại với những phản ảnh trong lĩnh vực văn hóa. Xa xứ và cũng không có điều kiện theo dõi, nghĩ đến vấn đề đang đề cập tôi hy vọng tìm thấy trong văn chương. Xin nhớ đây không phải cuộc khảo xét phê phán tác phẩm văn chương mà là dò tìm qua văn chương, những khám phá (dù hạn hẹp) xoay quanh một hiện tượng xã hội mà có lẽ đã được hé lộ ít nhiều, ít ra là ở các đô thị nơi đời sống cá nhân dễ bị nhận chìm vào sinh hoạt xô bồ. Trong trường hợp này không phải là một thiệt thòi mà là một lợi điểm đối với người trong cuộc. Cuộc truy tầm chỉ được lọc qua hai tác phẩm (ở hải ngoại không dễ tìm ra sách Việt), một trong hai tôi chắc là khá tiêu biểu vì được viết bởi một cây bút tăm tiếng, Nguyễn Ngọc Tư với “Sông”. Cuốn còn lại, nghe đâu cũng được nhiều người biết đến, của một tác giả trẻ nhưng cũng đã có kinh nghiệm qua ba lần viết truyện dài : Linh Lê với “Người Tình Sàigòn”.
Qua hai cuốn sách vừa kể, chúng ta thấy, cũng như trong nhiều xã hội khác, những người đồng tính hoặc hoán/lưỡng tính, vẫn còn sống trong tình trạng nửa bí mật nửa công khai. Họ không thể công khai bày tỏ trong cách phát biểu tập thể, chẳng hạn trong các cuộc biểu tình, mít-ting, điều này đối với Việt-Nam lại có liên quan với các hình thức phản kháng có tính chính trị khác, do đó việc cấm cản không có nghĩa chỉ nhằm riêng đối với thành phần xã hội này mà thôi. Chưa ai dám tưởng tượng đến một cuộc biểu tình dành riêng cho thành phần đồng tính với những đòi hỏi riêng của họ liên quan đến sách lược đối xử dành riêng cho một thành phần xã hội đặc biệt trong một chính thể cũng rất đặc biệt như chính thể của CHXHCN Việt- Nam, nhưng nội không có sự ngăn-chận-có-hệ-thống từ chính quyền cũng đã là điều đáng kể.
Phản ảnh của cuộc sống thực vào văn chương đã là một biểu tỏ nghiêm chỉnh từ phía người sáng tạo ra chúng. Cuốn Sông của Nguyễn Ngọc Tư là một ảo hóa toàn diện của tác phẩm từ nhân vật đến sự việc, cảnh vật. Sử dụng kỹ thuật hết sức flou artistique đã cho phép nhà văn một tự do gần như tuyệt đối trong công trình sáng tạo tác phẩm. Nhân vật chính có tên là Ân, nhưng chưa nghe ai gọi tên cậu ngoại trừ bà mẹ, gọi một cách trìu mến và bằng hữu. Cậu là nhà báo trẻ, có ý định làm cuộc du hành dọc theo con sông huyễn tưởng (của tác giả hay của nhân vật do tác giả tạo nên ?), sông Di, với mục đích cũng mơ hồ và vô định như cách sống của cậu. Khi đưa tin nhắn tuyển người đồng hành cậu quên hoặc không tiện nêu ý định nhưng rõ ràng là cậu không muốn có phụ nữ trong nhóm, lấy cớ chuyến đi không thích hợp cho nữ giới ; đổi lại, trong cuộc tuyển lựa ở vòng chung kết tuy không để ý tới “ngón tay út hay cong tớn lên như một dấu hiệu của đồng loại” cậu đã chọn một người vì nghĩ rằng anh này thích chụp ảnh sẽ giúp cho cậu trong việc săn ảnh để in vào cuốn du ký dù không có gì bảo đảm là cuốn sách sẽ thành hình. Cuộc hành trình vô định nên cuốn sách vô định, những món tiền tiêu cũng vô định mặc dù chị thủ quỹ trong tổ chức căn dặn cậu kỹ càng là phải ghi mọi chi tiêu vào sổ (dường như với tổ chức thì chuyến đi của cậu được xem như có mục đích rõ ràng, do đó chị thủ quỹ là kẻ duy nhất tin rằng cậu sẽ quay về với đầy đủ tài liệu ghi chép cho cuốn sách tương lai) nhưng chỉ cần nửa tháng sau ngày cậu ra đi chị đã nhận được những giòng chữ nguệch ngoạc trên giấy bao thuốc lá báo rằng “ở chốn hoang vu tiền cũng như lá mục, tôi đem đi xài dùm cho. Giỏi thì tìm tôi mà lấy lại…” ắt chị phải hiểu tính chất phiêu lưu của lời ấy cùng ý nghĩa chuyến đi.
Văn Nguyễn Ngọc Tư trĩu chất tình, thứ tình cảm tưởng như không chìm trong chữ nghĩa mà loang loáng rịn ướt từ mỗi trang sách đến nỗi ta ngại ướt cả ngón tay lật trang, nhờ vậy bà tạo ra cậu chưa kịp tròn nhân dáng đã đủ cung cách của mẫu người giữa hai phái tính. Thí dụ qua ý kiến của Tú, “người tình” cũ của cậu vừa lấy vợ : “ở Ân cái gì cũng mảnh mai. Yêu chịu không nổi”. Dù vậy cậu không “bộc lộ thiên tính, phơi bày bản thân” bởi, cũng như phần nhiều những người như cậu, họ luôn nghi ngờ về căn cước bản thân, không tự xếp loại mình được ; chưa kể cậu là đứa trẻ có giáo dục. Vả lại áp lực chung quanh luôn đè lên cậu, từ bà mẹ là kẻ biết cậu hơn hết nhưng vẫn muốn làm ngơ phía bóng tối dù thỉnh thoảng vẫn đè chừng : “có lên đều không đó ông con ?” Bà không nghĩ rằng khía cạnh sinh hoạt đó, dù bình thường vẫn không đủ bảo đảm cho phần còn lại : thiên về phái nào. Cậu thật tử tế, có lần đã đủ thiện chí muốn “giúp” cho một chị bán bánh rán có con nhưng không thành công ; cũng như toan áp dụng lý thuyết của anh bạn Tú : lập gia đình thì lập nhưng vẫn tiếp tục …yêu theo kiểu của họ. Có thể Tú là mẫu lưỡng tính chăng ? Chung quanh cậu, tập trung những mẫu người như Tú, như Xu, như Bối những kẻ không đủ tính tuyệt đối đại diện cho một “chủng loại” : Xu bẻ cổ gà vịt không chùn tay lại có một nhân dáng quá đàn ông chỉ đến lúc quá say mới mơ hồ nhận ra việc làm của cậu, Bối thì tuy có gương mặt nhỏ nhắn thanh tú, hay “liếm mép khi nói xong một câu gì đó hơi văn chương” khiến cậu ...ham muốn nhưng đã đào ngũ giữa chuyến đi bỏ cậu và Xu lại.
Nên tin rằng mọi sự đã được thai nghén trong trí tưởng tác giả nhưng lại dựa rất nhiều vào lý thuyết (khá vững chắc) của những nhà phân tâm học, sinh vật học, các nhà nghiên cứu về sinh lý học ái tình đến nổi tưởng chừng nếu đưa cậu Ân đến trình diện các vị nêu trên hẳn họ sẽ gật gù cho rằng sự việc đã diễn tiến y boong theo những luận chứng mà họ đề ra, kể cả mặc cảm Œdipe theo Freud ! Không thể tóm tắt cuốn truyện của Nguyễn Ngọc Tư bằng cách nói rằng nhà văn chỉ kể câu chuyện đồng tính luyến ái mặc dù mối chỉ xuyên suốt bắt đầu bằng nhân vật Ân cũng kéo dài cho đến khi dứt truyện với chất hàm hồ (ambiguïté) của sự tự quyết định số phận do nhân vật này qua việc sửa soạn hồi cuối từ chiếc thuyền (tác giả gọi là quách, sử dụng một từ cũng …hàm hồ mà ta không biết có thực hay chỉ trong ý thức sáng tạo của nhà văn) đến nơi chốn (đoạn sông có tên là túi với vẻ hăm dọa bất nhất của nó) và đến cả những nhân vật tháp tùng hành tung cổ quái, bởi vì chung quanh Ân còn có cả tá nhân vật người nào cũng đáng yêu và đáng thương như nhau, đặc biệt là các nhân vật nữ, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người đều có những oan trái khác nhau những gút mắc khác nhau, cũng cần giải quyết trước khi họ tự giải quyết bằng những hành động tuyệt vọng bởi chính họ. Ngoài ra, như ta thường biết, trong khi nhà nghệ sĩ phác họa chỉ một vật thể, nhưng kẻ thưởng ngoạn thì nên nhìn cả toàn cảnh mới hy vọng nắm bắt được tinh thần bức tranh kẻo rồi như Magrite phải bắt buộc chú thích rằng trên đây chẳng phải tôi vẽ chiếc tẩu… chẳng hạn về chính kiến, về quan điểm về các vấn đề xã hội, rất nhiều điều nên ghi nhận theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”, nhưng đây là chuyện lạc đề đối với chủ ý của bài viết này.
Cuốn “Người tình Sài gòn” của Linh Lê giản dị hơn, nếu tôi có quyền bảo đó là những bi kịch hiền hòa, như chính tác giả đã nghĩ : “điều thú vị trong cuộc sống này là bạn sẽ không bao giờ đoán được mình sẽ được đưa đẩy đến đâu, … nó giống như một trò chơi của thời thơ ấu, bạn bị bịt mắt và lao về phía trước để tìm kiếm đúng thứ cần tìm, rồi cũng phải tiếp nhận cả những thứ không đi tìm.” Rõ ràng đấy nhé, không có gì bi thảm đâu, chỉ là trò may rủi thôi ! Trò chơi của cô gái có khả năng tìm một công việc tốt và đúng với tầm tay mình nhưng cô lại chọn một công việc phiêu lưu, có khả năng tìm ông hoàng tử nhưng cô chọn anh bồ đã có vợ, rồi chấp nhận những cuộc “bịt-mắt-bắt-heo-nghề-nghiệp” làm tâm lý gia chữa bệnh tuyệt vọng cho những kẻ tình si. Mà có thật họ là kẻ tình si hay chỉ là những người hoang mang không xác định được căn cước bản thân ? Nhân vật có tên là Yama “yêu” Đông. Đông là người đàn ông đã đến tìm cô gái, trả tiền cho cô nhiều lần để nghe cô nói chuyện, cô làm công việc gần giống như những người chuyên gỡ rối tơ lòng trên các trang báo lá cải, rồi cuối cùng thì Đông tỏ ra yêu cô ; nhưng ông ta cùng lúc có một người bạn trai Yama yêu ông thắm thiết, yêu đến muốn chết vì ông, cũng là một thân chủ của cô gái. Ở đây chúng ta có đủ mọi hiện tượng : hiện tượng đồng tính nam, đồng tính nữ và lưõng tính như trường hợp ông Đông nhưng có thể ông chỉ là kẻ bị động. Cũng có trường hợp ít bị động hơn như cặp Ní và Hạ Liêu : Ní là gái, Hạ Liêu cũng là gái. Hạ Liêu có bồ đàn ông nhưng cũng yêu Ní đến nỗi anh bồ của nàng phải gây ẩu đả để nhận ra người tình Hạ Liêu của mình nghiêng về khuynh hướng nào. Trên kia tôi có đặt nghi vấn là liệu trong trường hợp luyến ái đồng tính, yêu đương có thật là động cơ đưa đến tuyệt vọng hay nó chỉ che đậy đàng sau nó một nguyên nhân sâu xa khác là sự bất khả trong việc tự xác định bản thân. Tương tự trường hợp của cậu Ân trong cuốn Sông, tâm trạng hoài nghi miên viễn về mình đã khiến cậu không có cách giải quyết nào hơn là tự chấm dứt kiếp sống. Trước đó nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã “sắp đặt” cho cậu bằng cách bẻ gãy mọi bám víu vào những người có thể níu chặt cậu không cho cậu đi tìm giòng nước xoáy, chẳng hạn (và nhất là) chị San, người đàn bà cả quyết với cậu rằng cậu là người bình thường (ôi, cái từ ngữ đó quan trọng biết chừng nào đối với cậu) mặc dù chính chị đã có lần xin cậu cho chị đứa con mà cậu không làm được và về phía cậu thì cậu cho rằng sức mạnh của mình là do chị San cho (trang 203). Mối hoài nghi về chính bản thân của người đồng tính cũng sẽ gây hoang mang cho họ dù họ đã sống trong trạng thái hợp pháp và ổn định như trường hợp tại các xã hội tây phương. Các nhà tâm lý giải thích rằng dù họ sống đời đôi lứa nhưng kẻ kia không có đủ tính chất bổ khuyết của một người khác phái, chính tình trạng này gây chông chênh cho sự cân bằng cần thiết trong cuộc phối ngẫu. Ngày nay, tại các xã hội tiên tiến, ít ra về mặt pháp lý đời sống của những đôi lứa người đồng phái đã được bảo vệ tuy thành kiến thì vẫn chưa được hoàn toàn xóa bỏ. Ở nhiều quốc gia, để được an toàn hơn, người ta lập ra những khu cư ngụ dành riêng cho họ, dù vậy được mặt này thì lại mất mặt kia ở chỗ không có sự hòa đồng, dễ gây chú ý cho những kẻ hẹp hòi kỳ thị.
Vai trò giáo dục xã hội sẽ là khâu quan trọng số một để đưa đến tình trạng “hội nhập” hoàn mỹ. Muốn đạt tới, phải có sự nỗ lực của đôi bên. Về phía người đồng tính họ phải đủ sức gạt bỏ mặc cảm rằng họ không phải là người bình thường. Họ không có trách nhiệm gì hết trước sự việc xảy ra : đồng tính không phải là một căn bệnh đáng xấu hổ ; chính thiên nhiên đã tạo họ ra như vậy. Tốt hơn cả là họ không nên dấu diếm, vì dấu diếm là vô hình chung cho rằng mình có lỗi. Mặt khác, việc phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học sẽ làm sáng tỏ vấn đề, giúp cho dư luận bớt khe khắt. Hy vọng rằng trong tương lai, một xã hội có ý thức, biết nhận định sẽ cho phép những cá nhân này thỏa hiệp được với đời sống với cộng đồng và dòng nước xoáy ở nơi có tên là Túi sẽ không có những chiếc quách bị nhận chìm nữa.