Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



TỰ NHIÊN ... NHỚ SÀI GÒN


T ự nhiên nhớ Sài gòn! Nhớ ray rứt, như người ta nhớ tình nhân, như Marcel Proust nhớ bánh Madeleine!

Nhớ những ngày hè nóng nực nhảy lên xe Lambretta cùng bạn bè kéo nhau ra Vũng Tàu ngồi bãi trước nhậu cá sardine nướng lò than uống la de lạnh thật đã đời! Hoặc phóng lên Đà Lạt hít không khí trong lành.

Hay những buổi sáng đẹp trời tà tà thả bộ ra Brodard uống cà phê ăn bánh  croissant hay pâté chaud, buổi chiều tạt qua nhà hàng Thanh Thế nhậu cánh gà hay đùi ếch chiên bơ tỏi ,hoặc ngồi ở Givral đấu hót với Cao Dao, Phạm xuân Ẩn hay mấy anh chị phóng  viên ngoại quốc, buổi tối đến Pointe des Blageurs ăn cơm tay cầm với dê hầm bát bửu ,hầu như ngày nào cũng “đi khách”nhậu nhẹt tưng bừng!

Sướng nhất là lâu lâu được nhâm nhi món con đuông chiên bơ nhậu với Martel cổ lùn , món nhậu này thần sầu , mấy chục năm nay chưa được nếm lại.

Lúc nào yếu địa thì kéo nhau đi Chợ Cũ ăn phá lấu của chú Tầu già có gánh hàng rong đậu bên hông Nha Tổng Ngân Khố , hoặc húp tô cháo cá hay cháo bầu dục hoặc làm tạm một đĩa bánh ướt giò lụa.      


vương cung thánh đường Sàigòn  
       

Đến khi có bạc rủng rỉnh thì kéo vợ con bạn bè đi La Cave, Ramuncho, La Cigale hay La Casita. Hồi ở Sài gòn tôi ít khi đi ăn cơm Tầu, chỉ vào dịp Tết các Bệnh viện Phước Kiến hay Quảng Đông đãi tiệc tại các Câu Lạc Bộ tư của họ thì mới có dịp nếm mùi đồ ăn Trung Hoa, họ chuốc rượu mạnh say lăn cù đèn chẳng còn biết món nào vào món nào, chỉ còn nhớ mang máng món chim bồ câu hầm nhồi yến và món bào ngư xào nấm đông cô là những cao lương mỹ vị ăn ngon nhớ đời!

Đây cũng là dịp duy nhất tôi du hí ở Chợ Lớn , còn ngoài ra ít lảng vảng xóm các chú Ba! Thật trái ngược với bây giờ, ở Toronto hàng năm dự đến cả vài chục bữa tiệc cơm Tầu!

Hồi còn nhỏ ở Hà Nội, nghe đến tên Sài Gòn vẫn thường thắc mắc tự hỏi không biết tên này ở đâu ra ? Sao nghe ngộ quá? Và có nghĩa gì? Đến nay nghiên cứu thì được biết :

Về danh từ SÀI GÒN, Huỳnh Tịnh Của viết:

---Sài: tức là củi thổi;

---Gòn: tên loại ây bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để độn gồi. Người Bắc gọi ây bông gạo (kapok, kapokier).

Hiện nay, người ta còn đang tranh luận về danh từ này. Riêng tôi nhận định cách giải thích của học giả  Vương hồng Sển là hợp tình hợp lý nhất.    


Cảng Sài Gòn xưa và nay  
 

Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, cụ Vương cho biết có ba vùng sau này sát nhập biến thành Sài Gòn:

---vùng người Miên Prei Nokor (lâm quốc) xuất hiện đầu tiên , nay thuộc về Phú Lâm chạy lên tới Bà Điểm và Gò Vấp;

--vùng người Tầu Tai-ngon hay Tin-gan hay Đê Ngạn, nay là Chợ Lớn;

--vùng người Việt Bến Nghé hay Chợ Vải, nay là Chợ Cũ.

Người Trung Hoa gọi vùng người Việt là “Xì-coón” hay “Xây-coón” (giọng Quảng), chữ viết là Tây Cống. Danh từ Sài Gòn do người Việt phiên âm phát nguồn từ đây.

Thành Sài Gòn do Vua Gia Long xây năm 1790 gọi là Quy Thành, bị Vua Minh Mạng giận giặc Lê văn Khôi, phá hủy năm 1835, tồn tại được 45 năm.

Thành do Vua Minh Mạng xây năm 1836 bị quân Pháp phá hủy năm 1859, tồn tại được 23 năm.

Theo tài liệu thì nhân số thành Sài Gòn năm 1819 phỏng độ lối 180.000 dân Việt và 10.000 người Trung Hoa. Tới nay sau gần 200 năm, nhân số tăng tới hơn 10 triệu mạng! ( gồm cả các vùng phụ cận) .

Hai điểm đặc biệt của Sài thành thời nay là xe gắn máy và dây điện.    


xe gắn máy và dây điện  
   

Hàng ngày có cả triệu xe gắn máy chạy ào ào ngoài đường phố chật hẹp, gây ra một tiếng động đinh tai nhức óc, khói bụi bay mù mịt, ô nhiễm thật là khủng khiếp!

Còn dây điện thì chằng chịt từng bó lớn nặng chĩu kéo cột đèn xiêu vẹo ngả nghiêng, đi ngoài đường chỉ sợ bị rớt xuống đầu, điện dựt cho chết không kịp ngáp!        

Ngày nay vắng bóng xe cyclo đạp tại trung tâm thành phố. Hình như các gánh hàng rong cũng bị cấm lai vãng tại Quận Nhất.

Cái thú nho nhỏ của tôi là sáng sáng ngồi xe cyclo đến trường Y Dược ớ góc đường Testard và Barbé nay không còn nữa.

Ngôi trường xinh xắn đổi thành Viện Bảo Tàng Chiến Tranh, bị chôn vùi dưới những vật dụng và xây cất ngổn ngang, nhìn thấy không khói bùi ngùi!      

Biệt thự 28 đường Testard---trước là Trần Quý Cáp, nay là Võ văn Tần— tọa lạc trên nền móng cũ của chùa Khải Tường.

Đây là một cổ tự được xây cất cùng với chùa Từ Ân vào năm 1754 tại ấp Tân Lập, Gia Định. Quanh đó còn có đền Hiển Trung (pagode aux Mares),chùa Kiểng Phước (pagode des Clochetons) và chùa Cây Mai (pagode des Pruniers). Xin coi bản đồ dưới đây.    


  Chùa ấp Tân Lập và Bản đồ bốn Chùa ấp Tân Lập (mầu vàng).  
 

Theo dật sử thì hoàng tử Nguyễn Phúc Đàm, sau này là vua Minh Mạng, ra đời tại hậu liêu chùa Khải Tường trong khi chúa Nguyễn Ánh trốn tránh quân Tây Sơn ẩn núp ở chùa này( 1791). Năm 1804, để tạ ơn, vua Gia Long đã gửi vào dâng cúng một pho tượng Phật A-di-đà tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng ngồi trên tòa sen cao 2.5m. Tượng hiện được trưng bầy tại Viện Bảo tàng Sài Gòn.

Năm 1860, quan kinh lược Nguyễn tri Phương lập đại đồn Chí Hòa chống quân Pháp xâm lược. Binh lính của ông đã phục kích giết viên Đại úy Pháp tên Barbé đang đóng quân tại chùa Khải Tường. Quân Pháp tức giận phá tan hoang mấy ngôi chùa.  


 28 Testard Saigon  
   

Sau đó, chính phủ bảo hộ cho xây cất một biệt thự trên khu đất chùa Khải Tường để cho các viên chức cao cấp sử dụng. Chủ nhân chót là Nghị viên kỹ sư Canh nông Bùi quang Chiêu. Con gái thứ của ông, bà Bác sĩ Henriette Bùi quang Chiêu, đã cống hiến biệt thự 28 đường Testard cho Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1954 để làm cơ sở Trường Y Dược đầu tiên tại Saigon. Bà Henriette Bùi quang Chiêu là Bác sĩ phụ nữ Việt Nam đầu tiên tại Việt Nam. Bà sanh ngày 8 tháng 9 năm 1906 và mẩt ngày 27 tháng 4 năm 2012, thọ 105 tuổi.


     

 Bác sĩ Henriette Bùi quang Chiêu  
                           
  2013




VVM.30.11.2023-SVQY.org.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .