H ồi ấy, đêm của Phan Thiết là hình ảnh chong chao những bóng điện vàng vọt càng thấy lẻ loi dưới vòm trời mờ ảo bởi những chùm pháo sáng hỏa châu phía ngoại ô Trinh Tường, Phú Hội, Kim Ngọc, Bình Tú…Tiếng đại bác đì đùng dội về góc quê Tam Giác đã đánh thức nỗi bồi hồi, bế tắc trong lòng những người trẻ có tâm hồn dễ xúc động. Chúng tôi đều dưới tuổi ba mươi nhưng, nghĩ lại thấy thật lạ lùng về việc làm của mình dù mỗi cuộc đời có riêng một thân phận, một hoàn cảnh đến tội nghiệp. Kẻ thì áo lính trận mà không bao giờ biết đến ổ “bóp cò”, người thì qua mấy tháng quân trường được biệt phái trở lại nghề dạy học, anh thì chui vào nghề công chức, dân vệ để được núp áo thường dân…
Tôi còn nhớ, câu chuyện Văn nghệ được khởi đầu trong một buổi bàn luận tại căn nhà lầu số l đường Chu Văn An cạnh trường Nam Phan Thiết là nhà của Nguyễn Bắc Sơn. Lê Văn Chính- Sương Biên Thùy, Nguyễn Bắc Sơn rất khuấy động với ước mơ hình thành một tạp chí văn nghệ đúng nghĩa là diễn đàn văn học nghệ thuật đích thực và sẽ nuôi được các trẻ em đánh giày, ăn xin do chiến tranh…Tại chỗ đã có Từ Thế Mộng, Ôn Năng Khang, Thương Đài Giao, Vĩnh Giên, Thy Linh Thy, Thái Phi Kích, Cung Đức Đàn…lại kéo được Tạ Chí Đại Trường, Đông Thùy đang làm việc ở bệnh viện Đoàn Mạnh Hoạch đóng trên Căng Ê-xi-píc. Thế là tập số 1 tạp chí Quê Hương với chủ đề “Viết về thành phố Phan Thiết” ra mắt tháng 11.1969. Thật “bạt mạng” khi bài mở đầu như một lời tuyên ngôn: “…Quê Hương là một diễn đàn Tự Do của hết thảy mọi người, là một đất đai cho trăm hoa đua nở. Quê Hương không phải là diễn đàn độc quyền, độc thoại cho hay của một nhóm người nào, cho hay của một phe đảng nào, kể cả chính quyền”. Số đầu tiên này tập họp được thêm nhiều cây bút “dân Bình Thuận” đang xa quê như Kiều Thệ Thủy với câu thơ tôi thuộc lòng “có bao nhiêu mái tóc bên kia cầu/ và bao nhiêu người hò hẹn yêu nhau” là hình ảnh buổi tan trường với những nữ sinh áo dài trắng đi qua chiếc cầu sắt trên dòng Mường Mán in bóng tháp nước Vườn Bông. Với Đài Nguyên Vu bài thơ “Mãn Kiếp” rờn rợn liêu trai nằm trong sổ tay của nhiều bạn trẻ yêu thơ….Thời gian này, Nguyễn Bắc Sơn chia sẻ, cho tôi xem bản thảo tập thơ với tựa “Lửa” lúc vợ chồng anh ra riêng ở một căn nhà giáp mé biển Đức Thắng, cạnh đường Ngư Ông. Anh cũng đang lúc chắt chiu tập “Lạc Thuyết”, mà theo anh lý giải “dùng phương pháp lý luận nào để người ta không tài nào chối cải mục đích đời người nằm trong chữ Lạc và Lạc là gì?”. Về thơ, có lẻ đây là những bài thơ đầu của Nguyễn Bắc Sơn được công bố là bài “Chiến tranh Việt Nam và tôi” cùng chùm thơ đăng trên tuần báo Đời, sau này được in trong tập thơ cùng tựa. Trước tình trạng sức khỏe sa sút hiện giờ của Nguyễn Bắc Sơn, nhớ nhớ quên quên làm cho tôi không quên sự tỉnh táo, ngang tàng rất dễ thương của anh thời đó,“Có thực cuộc đời quan trọng như chúng ta thường tưởng. Quan trọng đến nỗi phải làm ta từng đêm khắc khoải, từng ngày mệt nhọc, rồi sợ hãi, vui mừng, lo âu, giận dữ. Tôi mất bảy năm trời giải thích nụ cười của Thích Ca và cuối cùng đạt được cái thư thái thung dung…”. Nhưng với tôi vẫn đọc được nỗi ám ảnh ở anh về cái chết của Tôn Thất Tiển, tự tử ở cầu Phan Thiết. Anh tâm sự, có đêm say rượu đi qua cầu nhìn thấy đàn cá lởn vởn chân cầu, âm thầm, tìm kiếm chợt nghĩ chúng đang cử hành đám tang một con cá bạn vừa qua đời lạnh lẽo. Nguyễn Bắc Sơn đồng cảm với Tôn Thất Trâm (Đài Nguyên Vu) anh ruột Tôn Thất Tiển, bởi họ đang sống trong một thế giới đầy điều kiện. Những lúc chìm sâu trong cuộc đời thực tế, nhìn trăng đọc và ngâm thơ bạn: “Tháng tám rồi hạt châu reo trong bãi/ Ta bò lan tới ngậm một tinh ngao/ Đêm trăng cổ và thành xưa Phan Thiết/ Đều mê man nghe nhạc rót ban đầu”.
Có vẻ trầm lặng hơn, Tạ Chí Đại Trường (TCĐT) đang là cao học sử, đã sớm hoàn thành công trình nghiên cứu “Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771- 1802” vào năm 1964, nói về vai trò nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Sau đó được giải thưởng văn học nghệ thuật quốc gia về sử học khoảng năm 1970. Tôi thường theo chân TCĐT đi điền dã tận làng quê Phú Long, Phú Hài…Lúc này anh đang sưu tập để chuẩn bị cho một công trình mới về tiền cổ Việt Nam. Một valy tiền điếu, xu hào lổn ngổn có đồng chỉ còn một mặt chữ. Tự dưng bị mất trọn trong căn phòng vách tôn, bao cát ở khu tập thể bệnh viện. Buồn và tiếc, anh thất thểu suốt cả tháng trời. Trong tập Quê Hương, Tạ Chí Đại Trường có bài viết về Phan Thiết. Không ưa gì chiến tranh, dưới mắt anh Phan Thiết bấy giờ không còn là xứ sở của hải sản giàu có mà chỉ thấy: “Chiến tranh không có dấu vết rõ rệt trên những đường phố bằng ngoài bãi biển. Ghe vẫn còn đông, lưới vẫn còn kéo hàng ngày. Nhưng hãy lại gần. Đứng gỡ cá vừa mới bắt lên trong tấm lưới đón cá từ dưới lưới lớn chạy qua là một ông già miệng móm, da nhăn, tóc bạc. Hỏi tuổi: 60. Hỏi con trai: đi lính. Còn thì lu bu quanh mớ cá vừa trút xuống bãi cát là một đám đàn bà, con gái, trẻ con. Trên thuyền bập bềnh ở đầu lưới kia cũng là đàn bà, trẻ con. Từng hàng dài đàn bà trẻ con thụt lùi kéo lưới lên bãi…”. Mới đây, nhân dịp anh từ Mỹ về, ghé Phan Thiết đã tặng tôi tập biên khảo “Người lính thuộc địa Nam Kỳ”, nhưng trước đó tôi cũng tìm đọc được mấy tác phẩm được đánh giá là nhà sử học có một giọng điệu riêng, lập luận riêng, xuất bản tại Việt Nam như “Thần, người và đất Việt” và “Những bài dã sử Việt”...
Quê Hương ra mỗi số không kỳ hạn nhưng đến số 2 Xuân 1970 thì không còn nữa do mỗi người mỗi cảnh. Tuy vậy, Quê Hương cũng một thời góp mặt cùng các tạp chí văn nghệ Miền Trung rất phong phú như Ý Thức, Thế Đứng ở Phan Rang, Dựng Đất ở Nha Trang, Sóng, Hiện Diện ở Tuy Hòa, Nhìn Mặt ở Qui Nhơn… Điều gì đọng lại trên những trang chữ ngày ấy? và ngày ấy là cuộc chiến hải hùng, lớp trẻ chúng tôi luôn bị ám ảnh cảnh tượng ghê rợn của chết chóc và tự chôn mình trong hoàn cảnh bế tắc. Cho nên dù là thái độ phản kháng, chán chường, tình tự, ưu tư…nhưng trên trang viết vẫn có một giá trị chân thật, trải lòng mà sau này nhìn lại mỗi người có cái lý lẻ riêng để tha thứ cho chính mình.