Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



      

LẠM BÀN VỀ GIỌNG NÓI




H ôm qua đọc một status của người bạn fb, anh ta làm giám đốc một ngân hàng ở Huế có chuyến công tác ở Sài Gòn mấy ngày. Anh viết rằng: Lúc đi trong một khu phố, mình nói chuyện với mấy người dân họ cứ tròn xoe mắt lên nhìn mình rồi lắc đầu bảo: “hổng hiểu”. Mình cũng từng tự hào về giọng Huế của mình nhưng đi địa phương khác thì…, đôi khi cứ phải chấp nhận như nước sông Hương thượng nguồn khác nước sông khi trôi về biển.

Còn tôi với phận “dân nhập cư” chưa lâu nên khi giao tiếp với người bản xứ thì phải nói thật chậm, có khi còn phải nói theo giai điệu của người SG (không được nhiều, nhưng được chút nào hay chút nấy, miễn sao cho họ dễ hiểu, khỏi hỏi tới hỏi lui hoặc là căng mắt lên nhìn như người từ hành tinh khác tới là được). Có lần nhà thơ LP ở Tiền Giang gọi điện thăm tôi, sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, chuyện viết lách xong, ảnh phàn nàn rằng: Vân Khánh ở SG lâu năm rồi nên nói giọng Sài Gòn nhẹ lắm. BH nói giọng Huế rặt, đậm chất miền Trung còn nặng! Tôi nói: “Vậy mà bạn bè tui chưa ai chê tui “noái” giọng nặng hết nghe “ôn”. Ai cũng hiểu chỉ mình ông hổng hiểu là sao ta? Ha.. ha…! Mà sao anh lại đem ca sĩ Vân Khánh ra so- người ta là ca sĩ mà!

Tôi nghĩ bụng “Trời đất ơi! Mình là người Việt, nói Tiếng Việt mà đi khác vùng miền đã khó nghe rồi huống chi ra nước ngoài ta. Ngôn ngữ bất đồng sẽ khó khăn biết bao! BH cũng có học tiếng Anh và thi xong 3 bằng A, B, C (hồi thập niên 90) mà khi qua Sing, người ta nói 10 câu, may ra mình chỉ hiểu có 3 câu. Đi bệnh viện có từ chuyên môn nhiều cần phải có phiên dịch. Còn đi ra ngoài như đi chợ, siêu thị, thì nói được câu nào thì nói, câu nào không nói được thì dịch trên điện thoại chứ biết sao giờ. Mặc dù lúc học ngoại ngữ cũng chăm lắm. Bài nào có bao nhiêu từ mới cũng học thuộc. cứ mỗi ngày 5 từ, đi đâu, ngồi đâu cũng viết ra và lẩm nhẩm (cái này không nói dốc à nghe. Đến nỗi chị Niên kế toán ở công ty Thuỷ Lợi 6 học hơn BH 1 bằng mà chị bảo: “chị không thuộc hết từ mới mỗi bài đâu, học như BH rứa thì khi bằng A cũng hơn tui bằng B rồi”. Cuối tuần rảnh rỗi BH cùng với cô bạn thường đi vào Đại Nội để tìm mấy người ngoại quốc đi theo họ thực hành nói để cho quen mà thi vấn đáp. Vậy mà kiến thức bao la, những chữ mình học được chỉ như muối bỏ biển. Thảo nào có cô em học xong 4 năm ĐHSP ngoại ngữ xin vào làm ở nhà máy bia huda được mấy tháng thì xin nghỉ vì lý do áp lực, và vì vốn ngoại ngữ 6 năm phổ thông và 4 năm ĐH không ăn thua gì vì từ chuyên môn nhiều, không kham nổi.

Trở lại chuyện người Việt nói tiếng Việt. Đối với tôi (người miền Trung) thì người Bắc hay Nam nói tiếng phổ thông tôi đều hiểu cả, cũng nghe được, dễ hiểu không có gì trở ngại. Nhưng chồng tôi có lần đi ăn giỗ nhà người em ở một làng ven biển trù phú. Ảnh về kể với tôi rằng, người em và người trong nhà cô ấy nói thì anh hiểu còn mấy người bà con của cô em nói thì anh không hiểu gì cả: Anh thấy họ cười thì anh cười theo, thấy họ vỗ tay thì anh vỗ tay thôi chứ anh không hiểu mô tê chi hết!

Hiện nay ở một số làng quê, dân gian, nhất là mấy mệ già vẫn còn dùng nhiều từ địa phương. Theo cô Bạch Nhạn (lúc học ngữ văn, chúng tôi may mắn được học với cô ở phân môn này) cho biết đó là từ Việt cổ.

Ví dụ:

   - đầu gối- trục cúi.

   - Đầu- trốôc

Những tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học,…cũng cho chúng ta biết: Tổ Tiên người Việt Nam đã hiện diện hàng thiên niên kỷ trên lãnh thổ Bắc phần Việt Nam, rồi mở cõi di dân đến Trung phần và toàn lãnh thổ VN ngày nay. Là một dân tộc có gốc nguồn xa xưa nhất. Tiếng nói của người Việt đã được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm, đã hình thành được một ngữ hệ dân tộc và phát triển qua các giai đoạn Tiếng Việt cổ đại, trung đại, hiện đại là tiếng Việt phổ thông (mà người Việt chúng ta đang dùng). Để đáp ứng với nhu cầu diễn đạt và ngày càng phong phú.

Ví dụ: “tlâu ăn giữa vạc ló lỗ đã ngụy chưa tề” (trâu ăn giữa vạt lúa trổ đã ngụy chưa kìa.)

Hay là "Mặt blời đã lặn ngang tầm bụi tle" ( mặt trời đã lặn ngang tầm bụi tre)

Trong ca dao, dân ca:

“Trăm năm dầu lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cộ con đò khác đưa.
Cây đa bến cộ còn lưa,
Con đò còn đó người đưa đâu rồi.

cây đa, có nơi gọi là cây da, bến cộ là bến cũ, còn lưa là còn lại

Và còn nhiều nữa, thú thật thống kê ra một bản dài đằng đẳng. Cô dịu dàng, dạy giỏi mà tại cái phân môn này nó khô quá nên tôi không thích học phần này lắm nhưng tất nhiên cũng phải ráng để thi mà vượt qua ải ! Thật không phải với cô chút nào khi mà có phân môn thì say sưa học, có phân môn thì miễn cưỡng: “Cô ơi! Cô tha lỗi cho đứa học trò học dở như em”!

Mà có lẽ vì sự phân công mà cô phải dạy chứ ai mà chẳng muốn dạy các phân môn khác để nói thao thao bất tuyệt như giảng truyện Kiều hay các tác phẩm kinh điển khác của việt nam và thế giới, để học trò cứ há hốc, tròn mắt lên nghe cô thầy giảng bài đến nỗi trống báo hiệu giờ giải lao rồi mà vẫn không chịu ra. Cả lớp còn ngồi im, lắng động trầm tư mặc tưởng theo dư âm tiết giảng bài mà tiếc ngẩn ngơ vì hết giờ.

Vừa rồi, tôi được mời về làng ăn giỗ. Gặp một cô giáo H người địa phương, dạy địa phương thuộc một tỉnh miền Trung. Cô tự hào bảo: “Ai nói chi thì nói chơ tau dạy học trò là cứ con ja (tạm ghi chứ không tìm ra phụ âm để ghi chữ này) (con gà), cái jáo (cái gáo múc nước) đau trôốc (đau đầu),…”

Tôi không nói gì, vì người ta hội ngộ đang vui không lẽ mình ngồi cãi, nhưng ra về cứ ám ảnh mãi. Ôi cô không dạy tiếng phổ thông làm sao các em làm tập làm văn và còn đi thi lên các bậc học cao hơn. Đồng ý là quê hương như một cái nôi, nhưng trưởng thành thì bước ra khỏi nôi rồi còn tỏa ra muôn phương nữa chứ. Quê hương đâu có đủ chỗ mà ôm ấp tất cả mọi đứa con của mình. Dạy cho trò đi ra chứ không phải dạy cho trò ở mãi một chỗ trong xóm mình cô ạ. Sẽ thiệt thòi cho các em khi phải học cô giáo bảo thủ như vậy. Nhưng tin rằng các em dù học trong nhà trường vốn liếng ít ỏi vậy thì phải tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu để trưởng thành để “vỗ cánh” bay khắp phương trời để học hành tiếp và mưu sinh. Như vậy tóm lại là để cho việc giao tiếp thuận lợi thì cứ ăn cơm vùng nào nói tiếng vùng đó. Trừ trường hợp khi mình đã cũ (lớn tuổi, giọng cứng đi rồi) thì cố gắng nói chậm và bằng tiếng phổ thông để ít mất thì giờ cho việc làm ăn, giao dịch đạt hiệu quả nhất có thể.

Hiện nay lớp trẻ có những bạn để thích nghi đã bắt nhịp cuộc sống cũng như giọng nói rất nhanh. Có lần lên bệnh viện ĐHYD Tp HCM (tại quận 5). Có nữ bác sĩ KN khi nói chuyện với đồng nghiệp thì nói giọng SG, y hệt như người SG, khi khám cho tôi, nhìn thẻ bảo hiểm có ghi rõ hộ khẩu thường trú, nữ bác sỹ quay qua nói giọng Huế với tôi. Và nhiều nữa. ra chợ, vào nhà hàng, lên khu vui chơi, gặp nhân viên họ hướng dẫn bằng giọng SG, nhưng khi nghe mình nói giọng miền Trung, họ quay lại nói bằng giọng miền Trung ngay lập tức với mình. Đó là những người miền Trung sinh sống và lập nghiệp tại SG. Qua đó thấy sự thích nghi là cần thiết. Và cũng qua đây mong mấy bạn ở quê nhà đừng tỏ ra khó chịu khi một ai đó trở về từ Hà Nội, Sài Gòn,…hay nơi nào trên trái đất sau bao năm tháng bôn ba mưu sinh, họ nói quen giọng pha pha chút nơi họ cư ngụ chứ không nói giọng nguyên chất như thuở ở quê nhà. Thì đừng bảo: “ Bạn nớ mới lên Hà Nội (hay Sài Gòn,…) mấy bữa mà chừ léo giọng đi rồi”! Khổ lắm, nói giọng mình người ta “hổng hiểu” thông cảm cho người ta! Nói riết thành quen, trở về cố gắng nói lại giọng quê mình được chút nào hay chút đó thôi!

Ví như khi nghe MC Diệp Chi (quê Nghệ An) nhưng nói giọng Hà Nội cứ tưởng cô là người Hà Nội. Hay như Ốc Thanh Vân cô sinh trưởng ở Hải Phòng, năm 18 tuổi cô vào SG mà với chất giọng đẹp và nói dẻo y hệt SG. Cô thành công với nghề MC, diễn viên.

Tôi xin kể thêm chuyện này. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn (trước 1975 dạy học ở Huế” một lần chấm thi tú tài tại SG. Ông đã chấm bài luận văn của một thí sinh 19/20. Với điểm số tối đa này, theo nguyên tắc trường thi thời đó phải được đem ra hội đồng duyệt xét lại và giám khảo của bài thi phải chịu trách nhiệm trình bày để bảo vệ cho sự đánh giá của mình. “Tôi đã đem hết khả năng ngôn ngữ (rất Huế) của mình để thuyết phục hội đồng về những nét ưu tú trội bật của bài thi. Tôi không bực mình lắm khi điểm bài thi còn lại 17,5/20. Nhưng cảm thấy bị thương tổn khi một đồng nghiệp từ miền Hậu Giang vỗ vai tôi và “khen” rằng: “ Tôi nghe anh nói hùng hồn và rất hay, nhưng anh nói cái giọng ngoải làm tôi không hiểu anh nói gì cả” nghe bi hài làm sao cũng không nhịn được cười. Thế mới hay, giọng vùng miền mới đi trong nước thôi đã vậy, ra ngoài nước nữa thì phức tạp đến cỡ nào, nên phải học và học cả đời không ngừng nghỉ. Mới thấm thía câu nói của nhà văn Trần Kiêm Đoàn: “Tôi nói tiếng Việt để thương mà nói tiếng Anh để sống”, (cũng như nữ bác sĩ đại học Y dược hay ca sĩ Vân Khánh nói tiếng Huế để thương và nói tiếng SG để sống” vậy thôi!) đó là câu nói rất hay, rất thực tế của nhà văn Trần Kiêm Đoàn (ông từng giảng dạy tại một trường ĐH ở Hoa Kỳ, hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ) khi ông có dịp trở về Việt Nam thăm quê.

Sài Gòn ngày 24/7/2023




VVM.01.11.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com