T rong hai thập niển lớn mạnh của nền Đại Học Việt Nam ở Miền Nam, nói về mặt công trình khảo cứu, giáo sư các khoa, Sư phạm Sài gòn và Huế đóng góp nhiều hơn cả. Muốn tìm hiểu học thuật Việt Nam thời này ta không thể bỏ qua các sách vở, trước tác của những giáo sư từng phục vụ tại đây. Thật vậy, các tên tuổi Nguyễn Sỹ Giác, Thẩm Quỳnh, Nguyễn Nam Châu, Nguyễn Văn Thích, Lê Văn Lý, Hoàng Sỹ Quý, Trần Trọng San, Lê Thanh Minh Châu, Thanh Lãng, Thích Quảng Liên, Trần Kinh Hòa, Bửu Cầm, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Kham, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nghiêm Toản, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đĩnh, Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Bào, Lê Hữu Mục, Nguyễn Thiên Thụ, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Khuê, Đoàn Khoách… là những tên tuổi có giá trị về phong cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo lẫn giá trị về đóng góp tư tưởng để lại đó đây trong các bài viết và những công trình nghiên cứu có thế giá.
Sự khảo sát nghiêm túc về tác phẩm của những vị nầy là chuyện cần thiết để thấy rõ bộ mặt học thuật, văn hóa – và những nguồn gốc ảnh hưởng lên nó - của VNCH, một phần đất Việt Nam thật quan trọng thời nước nhà còn chia cắt.
Bài này chỉ là những nhận định sơ khởi, có tính chất như một bài bút ký, phần nhiều mang thái độ cảm tính về hai vị Giáo sư của Sài Gòn là Nghiêm Toản và Thanh Lãng, hai người thầy học của tôi, theo yêu cầu của chủ đề tờ tập san quý vị đang cầm trên tay (tờ Dòng Việt, xuất bản ở California, do GS Lê Văn nguyên Khoa Trưởng khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn chủ trương…)
2.- Tôi học với thầy Nghiêm Toản môn Việt văn năm Đệ Nhị B (57-58) trường tư thục Văn Lang đường Đề Thám, buổi chiều. Thầy Toản dạy lớp nầy song song với thi sĩ Vũ Hoàng Chương chỉ thuần giảng Kiều. Những gì học được lúc đó, có lẽ vẫn còn nằm đâu đó trong số kiến thức tôi có cho tới bây giờ, nhưng biểu nói những gì mình học ở thầy thì thú thiệt là không thể nhớ để kể ra. Mấy ai làm được điều đó! Điều lớn nhứt tôi chịu ảnh hưởng từ thầy là quyết định sau nầy mình sẽ cố gắng để khi lớn lên có thể viết sách được về Văn chương Việt Nam. Thời gian nầy phần lớn học sinh đi thi Tú Tài theo học Toán, ban B hay Vạn vật ban A. Hai ban nầy thi dễ đậu hơn Văn Chương, Triết Học, ban C, nếu nắm vững Toán Lý Hóa hay Vạn Vật Lý Hóa. Mặt khác, theo các ban A, B chân trời mở rộng hơn khi vào Đại học (1). Tôi ở trong số đông đó. Cày cục với Toán và các môn Lý, Hóa cho tới một ngày tôi bùng vỡ ý thức về mình để thấy mình thích và muốn hòa điệu với những vần thơ Việt trong Đoạn Trường Tân Thanh, những câu ca dao tục ngữ, những phát biểu của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát về thái độ ở đời, của Trần Tế Xương về cuộc đời bất ưng ý, của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh về con đường cứu nước… qua sự cắt nghĩa của những vị thầy dạy Việt Văn của mình từ những năm Đệ Tứ, (thi sĩ Bàng Bá Lân), Đệ Nhị (2) mà thầy Nghiêm Toản là một…
Thầy Toản đến với học sinh chúng tôi bằng một phong cách từ tốn, khoan thai của nhà Nho cựu học. Lúc nào ông cũng nhẹ nhàng – nhẹ nhàng trong cử chỉ, trong từng lời giảng dạy, từng câu giải thích, trong lời nói chuyện bên ngoài giờ học với học trò. Tôi nhớ như in người thầy thấp thấp nhưng tròn trịa, mặt vuông, đầy đặn, nhiều tàn nhang của người lớn tuổi, một cái răng hàm trên, phía trước mọc xiên xiên, hé ló nửa mình ra khỏi hàng, nhưng trắng bóng và mạnh mẽ. Vào tới lớp, lúc ở Trung học hay sau này gặp lại thầy ở Đại Học Văn Khoa cũng vậy thôi, thầy ngồi xuống ghế, mở cặp lấy ra cái quạt giấy, quạt quạt nhẹ nhàng rồi mới bắt đầu giảng bài. “Tôi thích dùng quạt tay, quạt máy cung cấp cho chúng ta cái hư khí, không phải là cái gió thật. Quạt tay cho ta chân khí, cái gió thật, không phải do cơ khí tạo ra”. Thầy cắt nghĩa khi thấy ánh mắt của cô cậu học trò nào đó tỏ vẻ lạ lùng về cử chỉ của thầy. Nghe thì nghe vậy thôi. Cái chân khí mà thầy nói đến, chúng tôi thấy vẫn không bằng cái hư khí cả lớp cần có cho một gian phòng đầy người, nhất là buổi chiều oi ả của Miền Nam nóng bức. Điều nhỏ mọn đó có thể nhiều bạn học cũng thời với tôi đã quên, nhưng tôi vẫn còn nhớ. Mỗi người trong chúng ta bị ký ức mình gạn lọc những gì cần giữ hay bỏ đi tùy theo tính tình và sở thích của từng người. Biết sao!
3. Trong hai năm học với thầy ở Đại Học sau đó, năm Dự Bị Việt (1960 – 1961) và năm chứng chỉ Việt Hán (61 – 62), tôi học được cách chú thích cẩn thận từng điển tích, từng từ khó, từng tên nhân vật, tên người, tên đất. Thầy cẩn thận đối với vấn đề nầy. Thầy nói hiểu điển tích mà tác giả muốn dùng, hiểu nhân danh, địa danh của câu chuyện, nắm vững từ khó, từ cổ thì hiểu hết tác phẩm. Phần tư tưởng và thái độ của tác giả ta suy ra từ đó, không khó. Sinh viên học xong, ra trường, nếu giữ lại những ghi chú cẩn thận của bài học thì khi đi dạy trung học việc soạn bài đã đỡ được một phần lớn. Thật vậy, sau này, coi lại các công trình của thầy về mặt nầy như: Thơ văn Việt Nam từ đời Trần đến cuối đời Mạc (3), Quân Trung Đối (4), Tam Quốc (5), Đạo Đức Kinh, tôi thấy rằng đi vào đường tìm hiểu từng điển tích, từng chữ, từng câu, từng địa danh nhân danh, chưa ai làm được những gì hơn thầy Toản đã làm. Đây không phải là sự tầm chương trích cú lạc lối trong rừng rậm ngả rẽ như người xưa đã làm, đây là phản ảnh việc làm cẩn thận, kiên nhẫn và học rộng biết nhiều của người viết. Công việc nhìn qua thấy dễ dàng nhưng thiệt là khó khăn vì không được đưa ra những suy luận chủ quan, những lời dao to búa lớn, gây sự chú ý trong học giới nhưng thực tế thì không gì quan trọng, rỗng tuếch…
Trong phần nhận xét về “động tác” của truyện Quân Trung Đối, thầy Nghiêm Toản cho thấy kiến văn quảng bác và việc làm nghiêm chỉnh của ông. Ông sử dụng suy luận khi cần thiết để giải quyết những vấn đề sanh ra từ tác phẩm như tìm hiểu thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật thực hay được tạo ra do ngòi bút của người sáng tác….
“Quân Trung Đối” là một cuốn tiểu thuyết thuộc loại Thông tục diễn nghĩa như Thuyết Đường. La Thông Tảo Bắc… có lẽ có lam bản bằng chữ Hán, nhưng cho tới nay chưa thấy lưu hành ở Việt Nam. Đã là diễn nghĩa, tự nhiên cốt truyện thêu dệt rất nhiều; tuy có một vài nhân vật lịch sử nhưng hoạt động khác với những điều ghi chép trong tín sử rất xa, còn phần lớn đều do tác giả đặt bày, ngay những vai chính chưa hẵn đã là người có thực (tỷ dụ: La Thành, Đậu Tuyến Nương, Phàn Lê Huê, Tiết Đinh Sơn, La Côn, La Xán…). Dầu sao nếu ta căn cứ vào mấy điểm: Đậu Kiến Đức và La Nghệ đánh nhau năm 620 (tháng chín), Đậu Kiến Đức, Đơn Hùng Tín bị nhà Đường giết năm 621, và La Nghệ làm phản, bị giết năm 627, thì động tác ắt phải diễn tiến vào đầu thế kỷ VII, trong khoảng thời gian nhất định là năm sáu năm.” (6)
Chịu ảnh hưởng và cách viết của nhà nho, phần đánh giá về loại văn của Quân Trung Đối, ông viết:
“Cách hành văn già dặn, có khuôn phép, song hoàn toàn thuộc lối kể chuyện, thiếu hẵn những câu phân tích tâm lý sâu sắc hay những đoạn tả cảnh xứng với lời phê “trong thơ có vẽ’’ cho nên mặc dầu Đạm Trai đã đặt tác giả bên cạnh ông anh (7) mà quá khen với hai chữ “nan đệ”, ta cũng phải giữ thái độ khách quan mà nói: Quân Trung Đối xấp xỉ vào cỡ Nhị Độ Mai (8).
Nhận xét nầy ngắn gọn nhưng là lời xác định chắc nịch về giá trị văn chương của tác phẩm. Đưa ra ý mình, muốn nói rằng mình không đồng ý với nhận xét quá khen của một nhà nho đi trước, Nghiêm Toản nói nhẹ nhàng, gián tiếp, thật ít có ngòi bút như vậy!
Tuy nhiên tôi rất tiếc trong khi giới thiệu tác phẩm Quân Trung Đối. Giáo sư Nghiêm Toản muốn cho công việc làm của mình thật khách quan, đã không sử dụng kiến thức uyên bác của mình để bày tỏ lập trường về trường hợp có thể gây ra tranh luận sau này, mặc dầu tranh luận về một vấn đề rất thích thú trong văn học. Khi ông giao điều có thể gây tranh luận lại cho độc giả, ta biết rằng ông không đồng ý với một kiến giải nào đó, nhưng mà người đi sau chúng ta sẽ thích thú biết bao nếu chính ông nói bằng những dẫn chứng và lý luận cụ thể. Chẳng hạn về trường hợp lý do sáng tác quyển Quân Trung Đối của Nguyễn Chu Kiều, Nghiêm Toản giao trái banh lại cho chúng ta, ta cầm banh mà ngơ ngác không biết thảy về phía nào! Mấy ai trong số độc giả ít ỏi thời đó của Quân Trung Đối đọc kỹ bằng ông. Vậy mà sự cẩn thận và hòa nhã đã không cho phép ông nói rõ ý mình! Tiếc thay (9)!
“Ông bạn tôi mượn sách (10) có ý kiến rằng Nguyễn Chu Kiều viết Quân Trung Đối có dụng ý trái ngược với ông anh viết Đoạn Trường Tân Thanh. Nếu Nguyễn Du muốn gởi gắm nỗi lòng “bất đắc dĩ phải làm một tôi hai chúa” vào truyện Kiều, thì ở đây Nguyễn Chu Kiều, muốn mượn truyện La Thành, Đậu Tuyến Nương để gởi gắm tấc lòng ‘trung trinh trước sau như một’. Ý kiến ông bạn, xin nhường để độc giả xét lại xem.” (11).
Dầu sao đi nữa, các công trình nặng về giới thiệu và chú giải của Nghiêm Toản rất có giá trị, ngoài giá trị về lao tác cung cho học giới phương tiện để hiểu rõ hơn tác phẩm, còn có giá trị như mẫu mực của một công trình thâm cứu nghiêm túc.
Quyển sách mà người làm công tác văn học Việt nào cũng biết là quyển “Việt Nam văn học sử trích yếu (12). Đây là quyển Văn học sử viết sau quyển của Dương Quảng Hàm nên được những ưu điểm mà sách cụ Hàm không có: gọn gàng, hợp lý trong sự phân chia chương mục (13) và các thời kỳ văn học. Tác giả nói trước rằng khi viết sách này ông chọn con đường ngắn gọn, hy sinh tất cả những chi tiết có thể làm rối rắm người đọc khi phải đi sâu vào những ngõ ngách tiểu sử hay những vấn đề sanh ra từ tác phẩm. Mỗi cách viết, ngắn gọn hay chi tiết đều có ưu và khuyết điểm, đều có số độc giả riêng của mình.
Không có sự đúng sai ở sự lựa chọn cách viết, chỉ có sự đúng sai về những gì được viết ra mà thôi. Quyển Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu không có sai lầm nào về mặt tài liệu, đó cũng là một lý do cho tới ngày nay quyển sách vẫn còn được ưa chuộng bởi người nghiên cứu văn học Việt Nam.
Điều quan trọng và đáng nêu ra ở đây là tác giả có một quan điểm văn học rõ ràng khi viết quyển sách này. Hãy đọc lời nói đầu… - nên nhớ sách viết và in năm 1949, những năm đầu của cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam, những năm bắt đầu sự thành công của họ Mao ở phía Bắc, những năm có những nghị quyết căn bản về Đề Cương Văn Hóa của Cộng Sản Việt Nam.
“Sau hết, trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu nầy, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: Văn học là phản ảnh của xã hội, tự do dân chủ phát sinh và phải luôn luôn quay về dân chúng mới đủ khả năng trưởng thành; văn học Việt Nam theo hai động lực phát triển nhịp nhàng; tranh đấu và dân chúng hóa. Chúng tôi đã tự thú nhận những khuyết điểm, lại nói rõ lập trường chúng tôi làm cơ sở lập luận, nhưng công việc chứng minh không chắc thành tựu hẵn; chúng tôi chỉ là người ngồi giữa đường đan sọt, hy vọng duy nhất là được bàng nhân nghịch mắt chỉ cho những chỗ sai lầm”.
Viết văn học sử mà dùng một lập trường cơ bản làm mối để giải thích sự kiện văn học hay giải thích sự phát sinh một trào lưu tư tưởng của một thời kỳ hay hệ thống tư tưởng của một tác giả là điều rất tốt, đáng hoan nghinh và noi theo. Người đọc dễ dàng thấy trong muôn ngàn ngõ ngách của các vấn đề văn học một nước hay một thời kỳ đều không ngoài những điểm cốt yếu mà người viết nắm lấy làm quan điểm của mình (14). Quan điểm tranh đấu và dân chúng hóa là quan điểm tiến bộ thời đó và cho cả ngày nay nữa nếu ta sử dụng đúng cách và không đi lạc lối vô con đường phục vụ cho nhóm của mình, dầu là nhóm đương nắm chánh quyền. GS Nghiêm Toản can đảm và thành thật khi đưa ra lập trường của mình, nhưng viết theo và giải thích bằng lập trường đó là cả một vấn đề. Suốt trong quyển sách ta không thấy các điểm cơ bản là tranh đấu và dân chúng hóa được theo sát. Tôi không thấy những giải thích bằng sự đấu tranh và vai trò của quần chúng trong toàn bộ tác phẩm. Phần ca dao, tục ngữ, truyện cổ, phần lý do sáng tác chữ Nôm, phần thắng thế của chữ quốc ngữ…, sự giải thích bằng quan điểm trên sẽ mang được rất nhiều tính cách thuyết phục, nhưng tiếc thay giáo sư Nghiêm Toản ở những chỗ này đã không đưa ra lý giải.
Trong phần khảo sát về thơ ca thời Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí, ông có nói xa xôi:
“Thơ ca trong hồi này thực phản ảnh tâm hồn dân tộc đang sống trong vòng áp bức cho nên có ba đặc tánh:
1. vẫn giữ khuôn sáo cũ (dù cổ phong hay thơ luật);
2. là sản phẩm của bọn tư sản trí thức, lại dành riêng cho bọn họ ngâm đọc, vì họ sống đầy đủ về vật chất nhưng tâm hồn trống rỗng;
3. ủy mị, lãng mạn, chuyên tả những nỗi buồn vơ vẩn, hay những sự chán nản trước đời sống không lý tưởng, không mảy may hy vọng vào ngày mai (15).”
Chắc chắn không các đặc tánh trên sở dĩ hiện hữu là vì dân tộc đang bị áp bức như tác giả quả quyết? Tôi e rằng nhiều người không đồng ý với lời quyết đoán đó.
Cái khổ của sự viết với một lập trường có sẵn làm cương chỉ là ở đó! Rất nhiều chỗ sự giải thích của mình không thuyết phục được người đọc, tranh luận dễ dàng xảy ra, đó là chưa kể những cương chỉ này một đảng phái nào từng đem ra dùng nhiều lần thì người viết rất dễ dàng bị coi như là một thành phần của đảng phái chánh trị đó.
Bài viết giá trị, đáng đọc khi tìm hiểu về Nghiêm Toản là bài ở cuối sách: “Việc xây dựng một nền quốc học và văn hóa Việt Nam”. Trong bài nầy ông đã dùng giọng văn tranh biện, sôi nổi cần thiết để bác bỏ ý kiến khác mình và đưa ra ý kiến riêng về về nền quốc học. Ông cho rằng phục cổ là “khờ khạo”, chiết trung là “vá víu, chắp nhặt” (16). Một nền quốc học mới phải khởi sự từ những cái mới đương đại, bỏ hết những cái cũ.
Thái độ dứt khoát nầy rất cần thiết. Tôi chỉ dám nói cần thiết thôi, chưa dám nói đúng sai. Càng không dám nói đúng sai khi đi vào chi tiết những gì cần phải có để làm nền tảng mới cho một nền quốc học mới, nguyên chuyện có cần phải đặt sẵn cái nền móng cho một nền quốc học hay không đã là vấn đề sống chết của dân tộc không phải ai cũng có thể bàn được.
Tôi từng học với thầy Nghiêm Toản trong ba năm, tôi ngồi đây viết bài đưa ra ý kiến mình về công trình của thầy, vẫn cảm thấy có điều gì bất ổn. Càng bất ổn hơn khi viết vội và không đủ điều kiện đọc lại hết những gì thầy mình đã viết ra. Chỉ có một điều làm tôi tạm vừa ý là đã nhìn lại công trình của thầy với cái nhìn phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến sự khách quan và thiết tha với văn chương chữ nghĩa.
Tôi từng làm việc chung trường với thầy 8 năm, tôi biết rõ phong cách của thầy. Đâu đó trong báo chí thời xa xưa tôi đọc được rằng thầy có mặt trong nhóm VNQDĐ của lãnh tụ Nguyễn Thái Học và biến cố 1930, thầy đã từng bị tù Côn Đảo vì lòng yêu nước, không chịu được sự áp bức của ngoại bang. Tôi tâm phục và kính nễ những người từng có những hành vi dấn thân chánh trị / cách mạng trong thời thanh niên. Tôi luôn luôn nhìn thầy như một người đã trả xong món nợ tranh đấu cho nền độc lập của quốc gia; khi dạy học, khi viết sách là thầy trả thêm món nợ văn hóa cho dân tộc. Những món nợ nầy chính từng cá nhân thấy rằng mình phải trả, không ai ngoài chúng ta bắt buộc được. Bắt buộc là áp đặt, là sai trái.
Năm 1977, thầy xin nghỉ khỏi ngôi trường mà mình có mặt hai chục năm cũng là vì muốn muốn tránh những áp đặt sai trái đó. Tóm lại, dưới mắt tôi, giáo sư Nghiêm Toản là một trong số những nhà nho cuối mùa, yêu nước. Khi thất bại trong tiến trình đấu tranh chánh trị, trở về vai trò một học giả, ở mặt nầy các tác phẩm của ông đã thành công trong chừng mực nào đó. Tên tuổi của nhà Nho Nghiêm Toản ít được biết đến ngoài giới nghiên cứu văn học Việt Nam vì những đề tài viết lách của ông cao sâu quá, chuyên môn quá, không va chạm đến những vấn đề gây ra do hoàn cảnh thực tế của thời đại để có ảnh hưởng trong quần chúng thời tác phẩm của ông xuất hiện hay sau đó…