Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐỌC BÀI THƠ

"XEM TIỂU THUYẾT TỜ CHÚC THƯ"

CẢM ĐỀ CỦA NHÀ THƠ TẢN ĐÀ






     T uần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận, nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, đã ăn của đút gần 3000 đồng. Tản Đà gợi ý cho Ngô Tiếp, nhân viên của toà soạn An Nam tạp chí viết thành truyện, lấy tên là “Tờ chúc thư”.

Nhà thơ Tản Đà xem tiểu thuyết “Tờ di chúc” của Ngô Tiếp và xúc cảm làm bài thơ này. Đây là một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường.

1. Hai câu đề: Nhà thơ giả bộ hỏi chuyện ăn hối lộ của Tuần phủ Vĩnh Yên là “Thật có hay là mắc tiếng oan?”. Nhưng rồi nhà thơ liền đưa ra số liệu cụ thể, “Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!” thì chuyện ăn hối lộ của tên Đào Trọng Vận xem như đã là sự thật.

2. Hai câu thực: Nhà thơ đã thực hiện phép đối rất hay: “Hơi đồng” – “Mặt sắt” và “mồm ông lớn” – “miệng thế gian”. Mồm ông lớn có thể đã sạch hơi đồng, ông lớn đã nuốt trọn 2500 đồng ấy nhưng cái mặt sắt của ông lớn thì thế gian vẫn không bao giờ quên, vẫn luôn được nhắc tới.

3. Hai câu luận: Người đọc chúng ta có lẽ rất ngỡ ngàng và rồi rất thấm thía về lời luận bàn của nhà thơ: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, Cho nên quân nó dễ làm quan.” Hai câu luận vừa đối nhau vừa có quan hệ nhân – quả. Thật xót xa nhưng cũng thật đúng. Dân càng ngu, bọn quan lại càng dễ bề ức hiếp, vơ vét. Những nhà nước độc tài, vì thế, luôn luôn dùng sách lược ngu dân để trị dân. Do đó khi người dân thực sự làm chủ đất nước thì mọi tệ nạn của quan lại sẽ không còn. Người đọc có thể không nhớ cả bài thơ nhưng hai câu luận độc đáo này chắc là có nhiều người nhớ!

4. Hai câu kết: Họ của tên tuần phủ ăn hối lộ là Đào (Đào Trọng Vận). Nhà thơ đã rất khéo léo khi lặp từ “đào” đến 3 lần ở câu thơ áp cuối: “Đào mà đào được nên đào mãi”. Nhà thơ vừa nói đến chuyện tên tuần phủ “đào” tiền của dân, vừa nhắc tới cái họ Đào của tên tuần phủ, vừa khẳng định việc ăn hối lộ của tên tuần phủ này không chỉ diễn ra một lần.

Cuối cùng, nhà thơ nhắn nhủ, hỏi han người dân Vĩnh Yên: “Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?”. Có lẽ nhà thơ muốn khuyên người dân phải “cứng”, phải rắn, không được “mềm” vì bọn tham quan ô lại thường “mềm nắn rắn buông”, “được đằng chân lân đằng đầu”.

Tóm lại, bài thơ có nhiều nét độc đáo trong phép đối, trong cách sử dụng từ ngữ, trong cách diễn đạt … đã phơi bày bản chất gian tham của bọn quan lại và cũng mạnh mẽ chỉ ra sự thiếu sót, hạn chế của người dân trong việc ngăn chận tệ nạn ăn hối lộ, nhũng nhiễu của bọn chúng.

Phụ lục:

Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề

Thật có hay là mắc tiếng oan?
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn,
Mặt sắt còn bia miệng thế gian.
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn,
Cho nên quân nó dễ làm quan.
Đào mà đào được nên đào mãi,
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?

Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu
(An Nam tạp chí, số 8, 1927 & “Tản Đà toàn tập” - tập I, NXB Văn học, 2002).

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ NinhThuận .