N hững câu Kiều đi qua cửa môi các quan chức Hoa Kỳ,dù là khẩu ngôn ngoại giao nhưng đã có sức lay động trái tim Việt Nam:
Phát biểu trong chuyến thăm VN năm 2000 ,TT Bill Clinton đã lẩy Kiều- “Sen tàn cúc lại nở hoa - Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” - nói về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước.Hai câu thơ mang hàm ý khép lại quá khứ như “sen tàn”,khép lại mùa hè và mở ra tương lai tươi sáng trong quan hệ hai nước như “cúc lại nở hoa” tức là bắt đầu của một mùa mới.
Ông Joe Biden khi còn PTT - trong tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng tối 7/7/2015 tại Bộ ngoại giao Mỹ- cũng đã mượn câu Kiều “Trời còn để có hôm nay-Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”- (Thank heaven we are here today;To see the sun through parting fog and clouds), bày tỏ niềm hân hoan,đất trời quang tạnh,hai nước xích lại gần nhau - hãy cùng nhìn về phía trước.
Thiền sư Nhất Hạnh diễn giải:“Trời còn để có hôm nay”.Đó là một giác ngộ rất lớn.Chúng ta còn có được ngày hôm nay.Mỗi ngày là một tặng phẩm của đất trời.Không biết ngày mai như thế nào nhưng hôm nay mình có hôm nay đây.Ta phải làm thế nào để tỏ sự trân quý của mình đối với ngày hôm nay.Sáu chữ được làm bằng chánh niệm tỉnh thức.Chánh niệm là gì ?Là thứ năng lượng làm tan đi hết tất cả những u mê,thất niệm.“Tan sương đầu ngõ,vén mây giữa trời”- lại thấy hoa và trăng trở lại.Sự thật là ta có ngày hôm nay.Nếu chúng ta tiếp xúc được với cái hôm nay mầu nhiệm thì cũng có nghĩa những u mê,thất niệm,những trở lực thuộc tham,sân,si kia đều được vén ra “Hoa tàn mà lại thêm tươi – Trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa”. (trg 39 - Thả một bè lau - NXB Tôn giáo ,2004)
TT Barack Obama trong chuyến thăm VN,đã có bài phát biểu tuyệt vời tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia,Hà Nội (ngày 24/5/2016),khi ông chốt lại :
"Sau này khi người Mỹ,Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói :“Rằng trăm năm cũng từ đây.Của tin gọi một chút này làm ghi”.
“Của tin” là của gì? Phải chăng đó là : Niềm Tin và Giá trị tự thân Dân tộc.Niềm Tin rằng nước Mỹ không có ý định can thiệp vào thể chế chính trị của Việt Nam, rằng tương lai của Việt Nam là do nhân dân quyết định và Hoa Kỳ sẽ mãi là một người bạn với nhân dân Việt Nam. Còn giá trị tự thân Dân tộc là khi ông liên tục nhắc cho nhân dân Việt Nam về sự vĩ đại của họ. Đó là một quốc gia của Hồ Chí Minh,Võ Nguyên Giáp,Lý Thường Kiệt,Hai Bà Trưng, …
Ông nói: “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam”.
Về vấn đề Biển Đông,ông Obama cho rằng :“Ở Biển Đông,chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp phải thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác cũng hành động như vậy” - “Không thể cứ cậy nước lớn mà bắt nạt nước nhỏ”. Ông tuyên bố bỏ toàn phần cấm vận bán vũ khí như một cam kết hỗ trợ tích cực Việt Nam đối phó với TQ.
Và mới đây chuyến thăm VN hai ngày (10&11/9/2023) của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã đánh dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Việc nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng,ông đã mượn hai câu Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần - Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” và cho rằng: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước chúng ta”.
Xỏ xâu các sự kiện ta có cảm giác mấy ông Mỹ này hay thiệt - trước một Việt Nam “yêu kiều,diễm lệ - tài nguyên thiên nhiên trù phú - dân tộc thông minh kiên cường - vị trí chốt chặn lợi hại bọn bành trướng” - khiến liên tục mấy đời Tổng thống Mỹ đã kiên nhẫn “ve vãn”- kiên trì “thả thính” và nay dường như muốn gút lại xin“cầu hôn” luôn…!?
Welcome ba chú rể ! - Ít nhất là “The Here and now” (ở đây và bây giờ - thời gian ngay trước mắt).
Không ngờ Truyện Kiều lại là cầu nối - là chất xúc tác bôi trơn cho sự xích lại giữa hai quốc gia .Một lần nữa xin được kính bái Đại Văn hào Nguyễn Du - Người “đã đứng ở vị thế giữa cái hữu hạn và cái vô hạn,sự sống và cái chết,biến và bất biến để nói với không phải chỉ người đương thời mà với muôn năm về những lẽ đời trên cơ sở của tình yêu thương vô hạn và tư tưởng tự do,bình đẳng”- (“Khi Nguyễn Du viết Kiều,đất nước hóa thành văn”- Nguyễn Sĩ Đại,nhân Kỷ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du- 3.1.2015).