Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.
>


1- CAO MỴ NHÂN


(1939 - )

Khoảng 1952 trên nhật báo Giang Sơn, Hà Nội (Chủ nhiệm: Hoàng Cơ Bình) có Trang Học Sinh do Thy Thy Tống Ngọc phụ trách, tôi gặp bút danh Cao Mỵ Nhân qua những bài thơ nhỏ, đó là tiếng nói thơ của trẻ thơ như lần nào đọc thơ Trần Trung Phương. Nhưng hồi ấy, tôi không mấy lưu ý vì thế giới trẻ thơ của Cao Mỵ Nhân không nổi bật. Lại nữa, những tác phẩm nói về trẻ thơ của người phụ trách Trang Học Sinh ào ạt xuất bản, qua Cu Tý, Khúc Ca thơ Ấu.
     Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại Cao Mỵ Nhân ở Sàigòn qua những bài thơ đăng trên nhật báo Quốc Gia (1955), Văn Nghệ Học Sinh (1957), nhất là trong một bài tựa đề Dậy Thì - lúc bấy giờ tôi mới chợt nhớ lại hình ảnh những năm xưa còn ở Hà Nội; Cao Mỵ Nhân, tác giả bài văn thơ nhí nhảnh, đôi khi có giọng mỉa mai, đùa cợt, dầu là còn trong tuổi học trò.


     Cao Mỵ Nhân làm rất nhiều thơ, đủ các thể loại nhưng rất ít đăng báo mà chỉ chép lại cho bạn bè, thân thuộc hoặc quay ronéo tặng anh chị em Hướng đạo sinh (cô là đội viên nữ ). Trong số những người con gái làn thơ hôm nay vào loại tuổi hai mươi hai, hai mươi ba… Cao Mỵ Nhân và Hà Phương là đáng kể hơn cả. Riêng người thơ thứ hai này, cũng là một nữ sinh, nhưng đã xuất bản hai tập thơ Giòng Thơ Sang Mùa và Buồn Hoang Thế Kỷ. Thi phẩm đầu tay của Hà Phương mang nét suy tư già dặn và điêu luyện. Tôi sẽ trở lại với Hà Phương trong kỳ tới (bài nhận định đăng từng kỳ trên tuần báo Tân Dân khi ấy), qua nét phác họa, qua vóc dáng thơ phản ánh trong hai thi phẩm của cô.
     Trở lại với Cao Mỵ Nhân, cô thường làm thơ bẩy chữ, lục bát - có nghĩa là làm thơ mới theo lối thơ tiền chiến. Nhưng cô cũng làm thơ tự do theo lối thơ tự do hôm nay. Qua những bài thơ được đọc, tôi nhận thấy tài diễn tả của cô quen với lối thơ bẩy chữ hơn cả. So sánh với các nhà thơ nữ đi trước (tuy khoảng cách thời gian không nhiều) như Huyền Chi thì Cao Mỵ Nhân không đưa vào thơ mình, ám ảnh cuộc sống rộng lớn mà chỉ bày tỏ cảm tưởng nhỏ qua chặïng đường cô hiện đang sống. Lối thơ diễn tả nỗi sầu man mác xót sa đời của Huyền Chi trong Cởi Mở cho người đọc nhận rõ được hình ảnh người con gái bước vào đời đầy khói lửa, gia nhập đời sống bằng kinh nghiệm chát chúa, buồn buồn một lối thương đau riêng. Chẳng hạn như :

… Bơ vơ quá giữa kinh thành
Có ai may áo viễn hành nữa đâu?
Lạc loài từ độ xa nhau
Đừng phai dấu cũ nhạt màu thời gian.

(Huyền Chi, Bơ Vơ)

Hiện cảnh thời cuộc vào 1952 diễn lại trước mặt một thiếu nữ khoảng trên hai mươi tuổi chống tay nhìn ra trời, gió heo may thổi, vọng về từ nơi những người anh chiến đấu và buồn cho hoàn cảnh mình ở lại trong lồng son chính trị Liên Hiệp Pháp. Với Cao Mỵ Nhân hồi ấy, chắc mới chỉ là cô bé mười lăm tuổi nên không có dịp may mắn như đàn chị, không được chứng kiến cuộc kháng chiến và chẳng thể có quan niệm chứng tỏ đối với đời sống bạo hành dưới ách thực dân thống trị. Cho đến khi cô có khả năng đem hình ảnh đời sống vào thơ, đánh dấu sự trưởng thành của mình thì lúc này Cao Mỵ Nhân lại sống với nội tâm, bày tỏ lòng mình chân thành nhất - mà còn gì ngoài tình yêu:

Trắng vai hai đứa còn bơ vơ
Còn đứng nhìn nhau thay dặn dò
Mà dặn dò chi dang dở lắm
Em thương giấc mộng ép trong thơ…

(Chuyện vừa qua của Mỵ)

Trong cái đinh vỏ ốc xoáy tròn tình yêu ấy, đôi khi cô có giọng thơ mai mỉa cuộc đời, bắt đầu yêu lại khi gặp đời man trá, trò lửa cuộc đời lăm le thiêu đốt. Có những vần thơ rất táo bạo:

Nhưng cười ròn vỡ tan gian nhà chật
Nở lòng thương ta khẽ nhủ: thật thà yêu
Chân thành lắm, cho nên đời phỉ nhổ
Phải không em? Dù chúng mình yêu nhau!

(Bắt đầu yêu của Mỵ)

Thế giới yêu của Cao Mỵ Nhân đôi khi được lồng vào ngoại cảnh, pha chế vào những dáng lá cây xanh, núi non, giấu vào trong đợt sóng biển. Có những hình ảnh đẹp được tô lại rất mạnh bạo - nhất là với người con gái nhìn vòng tay ôm ấp mà lại nhớ đến Trường Sơn và Thái Bình Dương:

Trường Sơn chỉ cách Thái Bình Dương
Có một vòng tay xiết gọn gàng
Đèo Cả, người ơi lên diệu vợi
Tình yêu non nước ngát muôn hương !

(Chiều trên Đèo Cả)

và rất điêu luyện ở cách so sánh tình yêu với đường tàu:

Một đôi đường sắt chạy song song
Đường nối tình em tới bạn lòng
Đường nối ga đời xa héo hắt
Anh về, em khóc, thế thôi xong.

(Tức Tủi)

Khoảng 1959, Cao Mỵ Nhân cho đóng tập bản thảo Cuối Một Đường Vòng (bản đánh máy) gồm hơn mười bài thơ nhận diện cuộc đời hoà hợp với đời mình ra sao? Có những câu thơ tức tủi, như bị hắt hủi, như bị lừa dối, Cao Mỵ Nhân đem ý tưởng chán sống vào thơ. Qua Với Linh Hồn, Mất Đất, Xin Ánh Sáng, Mở Mắt, Ngửa Mặt, Xốn Xang v.v… đều hướng về Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, măïc dầu cô chưa là tín hữu của Chúa. Cô chỉ học Trường Xã Hội Trợ Tá do các nữ tu dạy. Cao Mỵ Nhân tin vào vẻ cao đẹp mầu nhiệm của Đức Mẹ, đem lối thoát tâm linh cho tác giả - cũng như thi sĩ Quách Thoại một lần ở Như Băng Trường Tình. Phải chăng người yêu của nữ sĩ là tín hữu Thiên Chúa Giáo hay là người lương sống trong xóm đạo - để tác giả ngẫu hứng viết trong thơ, có những câu như:

Buổi sáng chạy vòng quanh nhà thờ
Tôi quên tìm mầu mây mặt trời

Như thấy sương mù cắt ngang tháp chuông

Như thấy chia đôi cuộc đời
Tôi lại cắm đầu chạy vòng quanh nhà thờ
Bộ áo tu hành sóng sượt chẩy xuôi
Có ai nhìn nên nóng gáy nóng vai
Có ai sầu nên lòng buồn rời rợi.

hoặc trong toàn bài Xốn Xang:

Bỗng dưng muốn khóc lên như trẻ nhỏ
Chán cuộc đời nên chán cả làm thơ
Bước vào hồn, định hát khẽ say sưa
Mà lại vội quay đi, sầu muộn nở

Tay chứa đầy nhớ thương và thương nhớ
Không nói gì nhưng cũng đủ ưu tư
Thế là buồn là tiếc những năm xưa
Người yêu bỏ niềm tin tôi cũng bỏ

Tôi viết vội bài thơ mà khiếp sợ
Viết cho Người hay cho tôi hôm nay
Viết cho Người sao thấy vấn vương đây?
Viết cho tôi thì có nhiều xấu hổ?

Bỗng dưng buồn mà má hồng lên sắc đỏ
Mấy mươi lần thét gọi lại băn khoăn
Nhưng hỡi Nhưng? Ngàn thuở vẫn phân vân
Bừng thức giữa hồi chuông nhà thờ đổ.

và thêm một bài Nhắn Nhủ:

Trong phút chốc linh hồn chìm đi
Những mảnh hình hài theo nhau tan biến
Chép đều tay tên một người chợt đến
Thánh ngự trị trên vai

Thoáng tiếng chuông buồn
Thoáng đoán cuộc đời
Tôi khẽ hỏi
Phải chăng ngày mai?

Có cả tôi hôm nay
Những chiên lành nằm dài giữa cỏ
Tôi đứng dậy để tập quên tập nhớ
Và ghi tên kẻ phản Chúa năm xưa
Bước lang thang tôi đến sau nhà thờ
Vụng trộm nhìn hành lang
Rồi khổ sở nhắc mình
Chắp tay để cầu xin phù trợ.

Như đã nói, thơ Cao Mỵ Nhân hoàn toàn nói về tình yêu. Được yêu, người thơ vẫn cảm thấy lo sợ; làm như bóng hạnh phúc luôn luôn bị đe dọa. Chợt thức giấc là bị phản bội, người thơ có lời thơ nguyền rủa chua chát. Nhưng bao giờ thơ cũng dễ yêu, dễ cảm, dễ khiến người đọc thơ mến phục nét ngang tàng, bướng bỉnh; đôi khi rất-không-cần-đời của cô. Dưới đây là bài thơ Trăng soi đường đèo trích trong tập thơ bản thảo mang tên Sóng dội chân tường (1960) là một bài thơ của nữ sĩ ghi lại giai đoạn được yêu rồi em dấu tận trong cung (thơ Mai Đình) nhưng bên ngoài vẫn đề cung cấm :

Nhìn tôi người thở than rằng
Đèo hoang, trăng đuổi mây rừng về xuôi
Ngày mai xa cách nhau rồi
Biển buồn nổi sóng, chân trời nhớ nhung
Tôi về bãi rộng mênh mông
Vấn vương ở lại thì không thể nào
Tuổi còn mộng mị trăng sao
Nên còn ngần ngại, hồn nao nức sầu.
Đường khuya trăng giữa đỉnh đầu
Thời gian chạy trốn nơi đâu thế này?

Từng cơn gió tạt đôi vai lạnh lùng
Định về sao vẫn lang thang
Dìu nhau đi kiếm thiên đường ngày mai
Ngập ngừng môi sát vào môi
Rất thân tôi mới mỉm cười quay đi
Chưa bao giờ nghĩ biệt ly
Không cần biết cả đường đi lối về
Đèo trăng rực rỡ lê thê
Bóng dài ôm ấp, niềm vui chợt buồn

( Trăng soi đường đèo)

Mặc dầu Cao Mỵ Nhân có lối gieo vần dị loại, thơ cô vẫn không có gì mới lạ lắm, nhưng cũng không cũ. Tôi nghĩ rất nhiều đến trường hợp độc đáo của một nhà thơ có bản sắc - ngoài thiên phú ra - còn phải gia nhập cuộc đời, nói một cách khác là dấn thân, mới nắm trong tay nhiều hình tượng cuộc sống. Khi ấy mới có thể nói đến một ngôn ngữ đặc thù trong bảøn sắc chỉ riêng mình có. Với tài tưởng tượng phong phú, Cao Mỵ Nhân hiện nay có sẵn trong tay mấy trăm bài thơ - song chưa một lần nào xuất bản(§). Làm thơ chỉ để ghi lại cảm tưởng đời mình sống trải, giải thoát tâm tư của người thơ đối với trục đời xoay. Cô đã nổi tiếng trong nhóm thơ văn; bạn đồng thời với cô như Trần Dạ Từ (lúc ấy ký Hoài Nam), Viên Linh (văn và thơ), Dương Nghiễm Mậu (văn) … hy vọng rồi ra Cao Mỵ Nhân qua tiếng thơ còn vang dội nhiều hơn trong đám quần thoa thi sĩ hôm nay: Hà Phương, Tuyết Linh, Thanh Nhung, Như Lan, Hà Yên Chi vv…

© Trích thơ CAO MỴ NHÂN:

GIẤC NGỦ CỦA NGƯỜI GIANG HỒ

Người khách giang hồ
bước đi giữa đêm đen giá lạnh
con đường dài đại lộ
khuất cuối trời sương
một chút bơ vơ ghế đá chân tường
nghe sóng dội điệu buồn vô hạn thuở

Lang thang một kẻ trên bờ đau khổ
bến đuổi thuyền xa, lửa lập lòe
ghế đá âm thầm
chân tường ai đứng nhìn theo nhung nhớ
người khách giang hồ không bao giờ tâm sự
dù rất thương cô bạn nhỏ
đôi mắt ướt sầu ướt lệ đỏ hoe
người khách giang hồ khói thuốc đam mê
thù hằn trần gian nức nở

Ba trăm đồng dùng cho hai đêm thuê phòng ngủ
định ngả lưng một đêm
chìa khoá bỏ quên
thánh đường buổi tối vắng đàn chiên
người khách giang hồ ngả lưng trên đó
Sáng hôm sau khách vô tình đạp chân lên chìa khóa
con số 25 giận hờn nhắc nhở (1)
ba trăm đồng lang thang một giấc ngủ
chìa khoá trên tay khách ném sang vệ đường
“ - Anh cho em một căn buồng
tráng lệ như cung hoàng hậu
đêm qua anh ra ngủ đậu
nhà thờ, bậc chót lang thang ”

Cô bạn trung thành nhặt chìa khóa yêu đương
tủi thân, ép giữa đôi bàn tay nhẫn nhục
người khách giang hồ cười ngờ vực
“ - Thả cho anh xuống biển Đông ”

Giấc ngủ đêm qua làm bê tha người giang hồ
còn đêm qua cô bạn nhỏ ngây thơ
“ - Thấy mình sung sướng hơn Công chúa
mộng suốt đêm dài ngủ quá trưa .”


Cap St Jacques 1960
(trích Giai Phẩm Văn Mới 1962)

CAO MỴ NHÂN


_________________________________________________
(1) Chìa khóa phòng số 25 - Chú thích của CMN.


Tiểu Sử Cao Mỵ Nhân

Sinh tại Chapa, Hoàng Liên Sơn. Học nữ tiểu học Lệ Hải, Hải Phòng. Di cư vào Nam 1954. Học nữ trung học Trưng Vương Sàigòn. Học nữ cán sự Xã Hội tại Centre Caritas thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái Sài Gòn. Sĩ quan VNCH (cấp bậc và chức vụ sau cùng: Thiếu Tá Trưởng phòng xã hội, bộ tư lệnh quân đoàn I và quân khu 1). Sau 1975, bị bắt đi học tập . Từ cuối năm 1991 định cư tại Los Angeles California .
Viết truyện cổ tích và làm thơ từ nhỏ, những bài đăng đầu tiên trên các báo Liên Hiệp, Giang Sơn ở Hà Nội từ 19.3.1953. Ðã có bài trên nhiều tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san...trong nước cũng như tại hải ngoại liên tục trong năm thập niên qua,

Tác Phẩm Đã Xuất Bản :

* Hoa Sao (thơ,1958)
* Thơ Mỵ 1 (1961)
* Thơ Mỵ 2 (1997)
* Chốn Bụi Hồng 1 (1994)




2 - DIỄM CHÂU
(Phạm Văn Rao, 1937 – 2006 )



T ập thơ đầu tay gồm hai tác giả in chung (hai tập thơ của hai tác giả in chung trong một tập), phân chia rất rõ ràng. Tôi xin lỗi bỏ qua tập đầu của Đỗ Quí Bái (theo tôi, chưa thể là một tác-giả-thơ) chỉ phân tích tập sau, ký Diễm Châu. Một dịp nào tiện, và thơ của Đỗ Quý Bái còn tiếp tục xuất bản, bàn đến hẳn chưa muộn.

Tôi chỉ nói đến Hạnh Hoa của Diễm Châu (tên thật là Phạm văn Rao, sinh 1936). Ở ngoài đời, anh tự nhận tên là Phạm Ngọc Dao, không hiểu vì lý do nào anh không thích tên thật do cha mẹ đặt cho. Dường như anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm khoá đầu, vào 1960.

Hạnh Hoa gồm hơn ba chục bài, chia làm ba khu vực : Hạnh Hoa, Hàm Tiếu, Vực Sâu, Triền Mộng, Triền Cầm, Xuất Thế và một bài thơ khép Hạnh Hoa Mãn Khai. Ai đọc thơ cũng dễ thấy rõ ý định của Diễm Châu: bài cuối mới là đợt mở đầu của mãn khai, còn phần trên chỉ là tình-cảm-thơ của một người mới làm quen với thi ca. Con đường nào đi xuống, theo tác giả, dưới kia là vực sâu, băn khoăn với con đường đi qua không ánh sáng, đầy tối tăm. Có một bài mang tựa đề Nửa Đường làm tặng Thế Phong, giai đoạn anh đọc Nửa Đường Đi Xuống của tác giả khi còn là bản thảo. Thơ anh lời lẽ chau chuốt, vun quén ngữ từ, gieo âm thanh dị loại, anh muốn tạo cho mình một bản sắc không thể lầm lẫn với ai khác, nói khác đi, độc đáo trong bản sắc thơ Diễm Châu. Nhưng không hiểu rằng anh muốn tạo cho mình có bản sắc độc đáo rất riêng ấy đã đạt được chưa, thì còn phải chờ! Mặc dầu anh hiểu rằng lớp nhà thơ mới đi trước sống trong cuộc sống nhỏ hẹp mà thơ đầy từ ngữ vang xa - nhưng phần nhiều ý tưởng rỗng tuếch. Họ đã thất bại rồi. Hãy nhìn nhóm Xuân Thu Nhã Tập tiền chiến, thơ Nguyễn Xuân Sanh một bước đi, một lời giảng bình ; mà chưa chắc tác giả có hiểu được đúng giảng bình kia là đúng với ý của mình diễn đạt (kể cả đối với chính tác giả)? Tôi vẫn giữ vững: thơ hay phải độc đáo, không thể nào sống không sâu sắc với thế giới sống của riêng mình mà thơ có bản sắc độc đáo được? Như có lần nhà thơ R.M Rilke nói lên quan niệm thơ của thi sĩ: ngoài sống ra, còn phải biết cả đường đi lối về của một loài kiến hoặc cất cánh như thế nào ở một loài chim? Như vậy, thi hào Đức kia nhấn mạnh: ngoài việc nhà thơ sống sâu, trải rộng đời, còn phải biết quan sát, nhận diện đời sống muôn mặt ở xung quanh ta nữa. Chúng ta đã nhìn thấy lớp thi sĩ tiền chiến làm thơ hôm nay, thì quanh đi quẩn lại, vẫn ăn bám vào hình tượng, rung cảm cũ, như lối mòn của đường quay chiếc cối xay. Nào là thế giới siêu thực, hay tượng trưng, triết-học-đau-khổ như thơ có âm thanh dị loại của Hàn Mặc Tử có ảnh hưởng trực tiếp đến thơ Diễm Châu không; phải nhận ngay là có, có nhiều nữa trong vần thơ đầu của anh. Chúng ta nên nhớ Hàn Mặc Tử không bị gọi thơ hay mà rỗng tuếch tư tưởng, vì đời sống tình cảm có chiều sâu của ông làm đầy trong thơ, không thơ ai giống ông, hoặc thơ ông không giống bất cứ ai, nên Hàn Mặc Tử trở nên có ý nghĩa độc đáo. Trái lại, trong thơ Diễm Châu, như dưới đây, có ý nghĩa khác:

Một son gót ấm lầu chong lạnh
Nửa ngà bóng nõn mực hong lành

đọc lên, quả là hai câu trích trong Men Thơ; cũng như ba đoạn tiếp theo có hình ảnh bàng bạc lối gieo vần dị loại; mà tư tưởng rỗng tuếch! Mặc dầu thơ Diễm Châu cố làm ra mới lạ, khác thường.Đến bài Nửa Đường cũng chưa lột tả nổi cảm tưởng gần gũi nhất với tác giả Nửa Đường Đi Xuống (§) qua câu duy nhất tạm có ý nghĩa:

Nửa đường trông tới chiều mê loạn
(trang 79)

Không có ý trách hay phân tích gắt gao thi phẩm đầu tay của Diễm Châu hay nói khác, nghiệt ngã, vì chính thế, hôm nay tôi nhắc lại ở đây cảm tưởng này, là một phần chính yếu trong một đêm hai chúng tôi tranh luận về Hạnh Hoa. Tôi cũng vô cùng tiếc là không được đóng góp bài viết về tập thơ đầu tay của anh, dù anh muốn tôi có trong đó. Tôi đành lòng từ chối; như với chính tập văn thơ của tôi phải bỏ đi, không thể cho ra mắt người đọc, vì đọc lại thấy tôi còn ấu trĩ về tư tưởng, non nớt về nghệ thuật, nông choèn về lập luận (§). Đến thơ lục bát của Diễm Châu, phải thành thật nhận, theo tôi, một đôi bài rất trội, với những câu thơ đẹp:

Rong rêu mình cỏ lướt nhanh
Ngàn trùng trở mộng một thềm hạnh hoa
Cũng là gió táp mưa sa
Nghìn xưa sau vẫn là ta với mình

hoặc ở trong một bài khác:

Nghìn xưa sau có còn ta?
Nghìn xưa sau biết còn ta với mình?
Hạnh hoa trổ lạnh thềm huỳnh.

như bài thơ gieo vận sáu rất đẹp của Nguyễn Bính trong Mười Hai Bến Nước, qua câu gieo vận chót : Sáu :

Chiêu Quân lên ngựa mất rồi.

người đọc xong câu thơ trên cảm thấy mênh mang buồn cho kiếp người con gái bị đưa sang cống đất Hồ; ôi lạc lõng biết là bao! Ở đây, Diễm Châu, với lập ý cao trong thơ anh, nhìn về đời sau của mình và của đời, nói chung - đem theo một ý chân thành vọng tưởng đến ngàn sau.

Nói về lối làm dáng trong thơ Diễm Châu: lời đẹp, âm thanh dị loại, nhưng vô nghĩa, đôi khi tôi sợ cho anh như nhìn vào di sản còn lại như nói ở trên, nghiệp thơ không âm vang của Nguyễn Xuân Sanh.

Kết lại, tập Hạnh Hoa, tập thơ đầu tay nhiều làm dáng hơn thực chất thơ có; tập thơ mang sự che giấu nửa chừng, không dám bộc lộ thành khẩn về ý tưởng thơ qua đời sống cảm nhận, như là sợ hãi; như là sợ có một đe dọa nào đó đang bủa trên đầu mình; ôi thật là phức cảm! Với tôn giáo, anh cũng chỉ là kẻ đứng bên lề mà nói đến trong thơ; kể cả với tình yêu cũng vậy - tuy nhiên ở khiá cạnh này đôi khi ló dạng rất đáng yêu:

Sáng ơi còn nhớ chiều hôm ấy
Đưa mình về tắp tít nẻo xa
Hoàng hôn rủ sắc mây hồng dậy
Phút chốc là đêm xuống mọi nhà
…………………………………………………………………
Chiều nay, nhìn khói nhà ai bốc
Trạnh nhớ chiều nao mộng với mình
Chiều nao tình ngủ bên người ngọc
Mắt Sáng dồn tia nước mộng xinh (§)
(Sáng, trang 88)

Ý thức trong đời sống có, nhưng thiếu vốn sống - đó là thế giới thơ anh. Đôi khi anh còn ngập ngừng khi phải nhận diện cuộc đời riêng tư của mình và xã hội, vì e ấp thẹn thùng, chưa dám có thái độ dứt khoát: chìa khoá bản sắc thơ độc đáo từ đấy bị hụt hẫng. Tôi tin với thời gian, với ý sống thâm hậu thèm yêu, thèm sống, qua con mắt khá tinh sảo để đem ý tưởng, đời sống vào thơ mãnh liệt - hẳn thế giới thơ Diễm Châu không còn vật vờ như hôm nay ở tập thơ đầu Hạnh Hoa.


© Trích thơ DIỄM CHÂU:

TRÊN QUỐC LỘ 4

Tôi băng trên con đường lỗ chỗ
về miền Tây vựa lúa nước tôi
những cánh đồng mênh mông như lời mời gọi
Những lạch sông rực ánh mặt trời
những cây cầu chênh vênh
những chuyến phà lộng gió
những món quà đượm hương thơm đồng nội
những mẹ hiền và thiếu nữ ngây thơ…
Tôi đi mãi vào miền hy vọng ấy
tưởng chừng như nhịp gót chân tôi
cả trăm vạn người xưa cùng bước
bàn tay nào mở mang bờ cõi
bàn tay nào dựng nước dựng nhà
khi khói lên xanh trên hàng dừa thẳng tắp
khi cá về đầy ắp những bến sông
và lúa vàng rào rạt trổ bông
tôi biết rõ là hơi thở ấy
đã thổi vào lòng đất quê hương
tôi biết rõ những giọt mồ hôi ấy
đã làm sương phủ khắp cánh đồng
và tiếng chim kêu trên bờ lau
nhắc tôi tới những ngày nào đơn độc
cánh tay trần chống trả với thiên nhiên
con cá lội ngu ngơ giữa hai dòng nước biếc
mở cho tôi cánh cửa bình yên
của lao tác hiền hòa của kiên cường bất khuất.

Tôi kiêu hãnh nhìn quê hương lớn mãi
với giấc mơ một dân tộc anh hùng
tôi nghe tiếng người xưa thầm gọi
trong miên man triều sóng biển khơi
và tôi hiểu là đời tôi không thể
ở yên như núi xa
ở yên như dòng sông lặng lờ trôi cùng lục bình
tưởng nhớ.(§)


1961
(trích Đất Nước 1970)

DIỄM CHÂU



...... CÒN TIẾP ...




VVM.22.9.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .