Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


MỘT BẾN SÔNG THIÊNG

  


K  hi nghĩ về thơ, thật sự tôi tâm đắc ý tưởng: “…Dẫu là một tia nắng, thì tia nắng ấy cũng phải vượt cả bát ngát quãng không mà đến/… / Những nhà thơ ba ngày thôi cũng làm ra thơ của nghìn ngày/ Miễn anh đem cái vơi, cái hữu hạn của thời anh múc vào dãi sông đầy/ Ở sự sống của nhân dân vô lượng bể/ Nhân dân- Người mẹ đẻ của muôn đời thi sĩ”(Có một nghề thơ- Chế Lan Viên). Và người Bình Định đã “đem cái vơi, cái hữu hạn của thời anh múc vào dãi sông đầy” ấy hòa cùng làng thơ Việt Nam hiện đại khơi nguồn từ những năm ba mươi chính là Nhà thơ Yến Lan.

Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh năm 1916 tại quê nhà An Nhơn. Sáng tác thơ khi còn rất trẻ, kể từ những năm 1932 cho đến cuối đời 1998. Đáng kể nhất là thơ tứ tuyệt, có thể minh chứng lời Trúc Thông đã nhận xét: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm...”, chững chạc từ một nhà giáo giàu độ bền sâu lắng:

“Em đến xin hồng hồng chửa nụ
Hôm nay hồng nở bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa”.

(Cầm chân em, cầm chân hoa)

Một tiếng lòng bộc bạch thanh cao mà trăn trở:

“Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”.

(Nợ)

Vậy là món “nợ” thi nhân đâu chỉ ở hàng mấy trăm bài tứ tuyệt có thể kể như: Xuân muộn, Chị đi, Rượu mơ uống ở chùa Hương, Nhà xưa, Chèo, Lữ thứ, Nhường, Vô tình mà hữu hình (Gửi tặng Quách Tấn), Mừng bạn có nhà (Gửi Chế Lan Viên), Mùa chim di cư (Tặng Phùng Quán), Họa mi trong lồng (Tặng Quang Dũng), Đi qua nhà 24 Cột Cờ (Nhớ Xuân Diệu),…

Chọn thơ tứ tuyệt tuy lời ngắn “giải mã” tình dài vời vợi với người thân ruột rà, với bạn bè tri âm, tri kỉ vẫn chưa đong đầy lượng bể. Cái bể nghĩa tình sâu lắng nhất vẫn là Nhân dân. Bởi “Nhân dân- Người mẹ đẻ của muôn đời thi sĩ ” để gắn bó, yêu thương quê hương Bình Định gần gũi nhất. Chẳng có gì lạ khi người đọc bắt gặp những bài thơ dài trên hai mươi câu được viết trong giai đoạn 1935- 1975. Còn cái thời Yến Lan cùng Quách Tấn, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên làm nên một “Bàn thành tứ hữu” cho “Rượu ân tình- Bình Định xứ lên men”, mà trước đó nơi đây đã từng là: “Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo” hội tụ những bậc anh tài áo vải cờ đào của đất võ và giờ đây mở lối khơi nguồn cho thi ca rạo rực khao khát:

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt.
Đàng chờ xe sông nước ước mong thuyền.
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời tương tư nhạc triền miên.”

(Bình Định 1935)

Có thể nói cách ngắt nhịp trong hai câu (không theo ý chủ quan của người viết bài này mà trước đây, tôi thường gặp cô Nguyễn Thị Lan- vợ thi sĩ Yến Lan, sinh thời thường về quê nội ở Phước Lộc thắp hương, cô họ tôi thích sẻ chia: đời làm thơ khởi đầu của dượng con là bài Bến My Lăng, nhưng tiếng nói tâm tình của nhà thơ mới là bài Bình Định 1935 và một số bài thơ viết về quê hương mình, ông tâm đắc nhất mỗi khi đọc đoạn thơ trên) là sự ẩn mình “Tịch dương, liễu không biết mình đang biếc/ Tương tư trời tương tư, nhạc triền miên ”đã khơi được ngọn lửa trái tim dẫu là nương, là cậy tự nhiên: mây, nguyệt ; là chờ, là ước phương tiện: xe, thuyền của người đến hay dù có tịch dương đi chăng nữa, thì thân liễu này cứ miệt mài Tương tư trời tương tư cho biếc khúc nhạc triền miên xanh. Phải chăng cốt cách nghệ sĩ phóng khoáng từ buổi ban đầu tìm ra được giá trị chân thực để định vị mà nung nấu tình yêu xứ sở: “Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi/ Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm” (Bình Định 1935) thổi bùng khí thế sục sôi một sức mạnh của giai cấp vô sản quyết giành chính quyền:

“Bùn rắn lại trên bàn tay cày cuốc
Trán công nhân rực thét lửa chân đe
Nét khẩu hiệu, tay huơ bừng ngọn đuốc
Tay vót căm thù bén những thanh tre”

(Bình Định 1945)

Mỗi bàn tay người Bình Định không chịu làm nô lệ nơi thành Đồ Bàn ngày ấy “huơ bùng ngọn đuốc” hòa chung chiến thắng vang dội kịp thời từ trên mọi miền đất nước: “Tin xa lạ những Ba Tơ, Việt Bắc/ Người kề nhau như kể chuyện truyền kỳ/ Đất ê ẩm dưới đinh giầy Pháp Nhật/ Vội trở mình ôm chặt gót thu đi” đã thắp sáng thêm niềm tin mãnh liệt cho người sáng tác. Bên cạnh sông Côn Bình Định cũng bao tháng ngày vượt qua ghềnh thác về cùng hợp lưu: “Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập/ Tình Trung châu: Hương mật nặng khoang thuyền/ Duyên cá nục, măng le về hội họp/ Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên”. Và lúc này, niềm vui đong đầy niềm vui “Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ/ Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ”nữa, hạnh phúc dâng trào:

“Nét mực đỏ gạch dưới hàng nhật ký:
Đây mùa thơ của dân chủ cộng hòa”

(Bình Định 1945).

Mùa thơ của dân chủ cộng hòa là dấu ấn khó quên trong tâm tưởng thi sĩ Yến Lan hoàn toàn đối lập với thoát li thực tại, đoạn không thể không nhắc đến Bến My Lăng đã làm biết bao nhiêu người cầm bút luận bình. Và hiểu theo cách nào chăng nữa, thì Bến My Lăng toàn bích về một không gian nghệ thuật ngôn từ: trăng rơi vàng trên mặt sách, có con thuyền cùng ông lái buồn để gió lén mơn râu mơ màng thả hồn theo mây gió, điểm thêm chàng kị mã với màu áo ngọc lưu li: “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/  Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/…/ còn “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”.   Ông tạc bức tranh đầy thi vị cho dấu lặng buồn, lẽ ra phải có lời hô ứng!... Từ việc khai thác giữa thực và mộng, giữa động và tĩnh đan xen trong hoàn cảnh bến trăng lung linh mà huyền ảo quá, bến sông năm nào nơi người mẹ chợ xa tảo tần lỡ chuyến đò ngang, sinh ra thi sĩ “Tôi lọt lòng ra giữa bến trăng ” chăng!Hay bến sông của một cậu bé Lâm Thanh Lang từ lúc lên sáu hớt hãi cùng cha gọi đò khi mẹ mất!... Hay còn là bến sông của bao lượt đi về, là sự mong mỏi đợi chờ một tiếng nói chung, một sự đồng lòng từ xóm làng quê hương mình. Và tôi cho đây là một bến sông thiêng bởi chứa cả hồn thơ Yến Lan dành trọn vẹn về một nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông trưởng thành mà không thể nào quên về hình ảnh người thầy đầu tiên: “Tôi biết thầy lo chuyện nước non/ Lòng phơi như ánh mặt trăng tròn/ Mỗi khi nhắc đến người bôn tẩu/ Tâm sự trào lên ngọn bút son/…”(Thầy tôi). Và người học trò, cây bút trẻ ấy đã chọn “sự sống của nhân dân vô lượng bể” để cứu cánh đâu chỉ riêng mình mà còn cho cả dân tộc và đất nước. Vậy thì Yến Lan, từ sự chuyển tiếp Bình Định 1935, đến Bình Định 1945, và Bình Định 1947 đã mở ra một chặng đường thi ca khởi sắc: “ Đường cách mạng thơm từng trang lịch sử/ Trong nhớ thương sông núi bớt mơ hồ”, nên Bình Định những ngày này đã bền bỉ, thắt lưng buột bụng: “co lại từng vắt cơm, nắm muối” gian khổ cho cuộc kháng chiến lâu dài:

“Tin hỏa tốc bạt thếp đèn của quán
Lửa mài gươm sáng rực xóm Lò Rèn,
Mẹ binh sĩ lòng khâu theo túi đạn
Phòng tuyển binh người áo vải chân chen”

Còn những người con trai, con gái Bình Định phải chăng là “chàng kị mã với màu áo ngọc lưu li ” ngày xưa ám ảnh triền miên, bí ẩn giờ đã tự giác vượt sông trở thành chiến sĩ quả cảm để có mặt cùng với nhân dân trên từng chặng đường, những địa danh quen thuộc:

“ Trai Bình Định ôm bom vào Tú Thuỷ, 
Ngự đèo Nhong hay canh bãi Vân Sơn. 
Gái quạt trấu cũng hoá thành dũng sĩ,
Cầu Bà Di đẩy dựng những toa goòng”.  

Với thái độ tích cực của một thi nhân biết tách mình ra khỏi mộng mị mơ hồ, Yến Lan đã đi tìm về thực tại từ bến sông ắp đầy kỉ niệm “Mưa đưa thương nhớ về làng/ Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông”(Đi trong nắng mới) cho tới những ngày xa quê nhà, vẫn trọn vẹn thân thương thuở nào: “Tên mảnh đất non cao che lũng thấp/ Ôm nương rẫy nắng vàng theo màu sáp/ Vị hồ tiêu trát ấm cả trung châu/ Tỏa hơi say rời bến những thuyền trầu”(An Lão), ngỡ bình yên với tên gọi An Lão, nhưng khi giặc càn áp giải cùng băng đạn tuần khuya thì cả làng không hề chùng bước, bền gan chiến đấu đến cùng: “Đất An Lão đâu nằm im chịu giặc/  Rẫy dứa hầm chông, ngọn cau liên lạc/ Anh cầm cày, chị bắt ốc ven sông/ Đặt bẫy, gài mìn chờ cuộc phản công” (An Lão).

Rồi bù lại sau bao đêm trường khắc khoải âu lo, mong đợi, lời thơ như thủ thỉ ngân vang khúc khải hoàn: “Thôi không còn sốt ruột nữa em/ Cái ta chờ, cái ta đợi ngày đêm/ Tất đã đến và hôm nay đã đến/ Cờ Giải phóng rợp dày trên cửa biển/ Thành phố những dân ca đầy sự tích anh hùng”(Hôm nay đã đến, Bình Định ơi!), những xôn xao tiếp nối xôn xao dâng trào sau bao năm xa cách, vỡ òa hạnh phúc cho mỗi người con đi xa nay trở về cùng gia đình sum họp, đất nước liền một dải :

“ Xanh sắc lại, mênh mông trời rộng mở
Hồn ta nay ước choáng cả không gian
Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa.
Bừng lên – bừng thành một cuộc hoa đăng”


(Bình Định 1975-1976)

Vậy là Bình Định từ lúc “Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm” đến khi “con tim ấp lửa” đã “Bừng lên- bừng thành một cuộc hoa đăng” như chính cuộc đời và sự tồn tại về cái Bến My Lăng của ông. Hơn mười lăm năm qua, kể từ rằm tháng tám năm Mậu Dần (1998), từ tâm nguyện “Hồn ta nay ước choáng cả không gian”, không chỉ là “Những nhà thơ ba ngày” mà cả giai đoạn! Điều đó đủ khẳng định những bài ấy mang tính thời sự, nhưng rất vĩnh cửu, nên Yến Lan “cũng làm ra thơ của nghìn ngày” rồi! Bởi thơ ông đâu chỉ kịp thời phản ánh cuộc kháng chiến trường kì chống ngoại xâm của nhân dân Bình Định nói riêng, mà trước đó còn cổ vũ phong trào đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tôi tin chắc rằng, Yến Lan- “Dẫu là một tia nắng , thì tia nắng ấy cũng phải vượt cả bát ngát quãng không mà đến” với chúng ta rồi. Cái tia nắng ấy như là sự kế thừa, nhắc nhở, nâng niu gìn giữ. Nếu chỉ chú trọng Yến Lan với thơ tứ tuyệt, là kịch thơ, là truyện ngắn,… thì ta quý tấm lòng thi sĩ tài hoa. Còn những bài thơ viết về Bình Định, giả sử có thể gom lại thành một trường ca, ta càng trân trọng bản lĩnh Nhà thơ đúng nghĩa được viết hoa!

Phước Lộc, 01. 3. 2016

VVM.22.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .