m Nhạc rất gần gũi với cuộc sống vì bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng có thể thưởng thức được. Khi thưởng thức bản nhạc qua tiếng đàn, tiếng hát, ban nhạc… nếu hiểu khái quát về nhạc lý thì dễ cảm nhân hơn, và đôi khi hòa nhịp cùng bước chân như tập thể dục. Nay có đàn Keyboard (Electronic Keyboard), loại Synthesizer cài đặt sẵn tất cả Program về Điệu (Style, Rhythm) nên solo với tiếng hát, coi như ban nhạc nhẹ. Cấu trúc bản nhạc (Structure) thông thường gồm 3 Phiên Khúc (Verse) và 1 Điệp Khúc (Chorus).
Dạo Nhạc (Intro) là đoạn dạo đầu của ca khúc. Chuyện Đoạn (Breakdown) là quá trình chuyển đổi từ cuối đoạn Chorus tới đầu phần Verse tiếp theo của ca khúc. Chuyển tiếp cuối bài (Bridge) là phần chuyển tiếp tùy chọn ở gần cuối ca khúc. Đoạn Bridge (nếu có) chỉ xuất hiện một lần trong ca khúc, nhạc cùng lời ca khác biệt với tất cả các phần còn lại trong ca khúc. Và phần Kết Thúc (Outro) thường có độ dài tương tự như Intro. Phần lời của ca khúc là Lyrics.
Nhịp Độ (Tempo) là tốc độ của một bản nhạc, được ký hiệu bằng chữ, thường được viết trên khuông nhạc ở đầu bản nhạc hay đoạn nhạc, chương nhạc. Những ký hiệu chỉ nhịp độ thông dụng thường là tiếng Italia. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, người ta có thể dùng cả ngôn ngữ riêng của đất nước mình để ký hiệu nhịp độ. Tempo có thể thay đổi tùy theo thể loại nhạc, nhưng dù chơi nhanh hay chậm thì vẫn phải đều nhịp. Tempo cho biết từ Larghissimo (rất chậm), Lento (chậm)… Adagio (chậm & khoan thai)… Moderato (vừa, nhẹ nhàng)… Allegretto (nhanh vừa), Allegro (nhanh)… Vivace (sống động và nhanh)… đến Presto, Prestissimo (cực nhanh). Trong nhạc phẩm có lời thì từ Lento đến Allegro. Ví Dụ: Ca khúc Tiếng Xưa (Lento Tristamente) của Dương Thiệu Tước. Ca khúc Dừng Bước Giang Hồ (Allegreto) của Hoàng Trọng với điệu Paso Doble, hát cũng hụt hơi thở.
Thông thường, bản nhạc có từ 32 đến 40 Ô Nhạc (Trường Canh, Mesure). Ví Dụ: Ca khúc Làng Tôi của Chung Quân có 26 trường canh và phần dạo nhạc với 4 trường canh. Nhưng ca khúc Làng Tôi của Văn Cao chỉ có 16 trường canh, không có phần dạo nhạc. Nhưng ca khúc Thiên Thai của Văn Cao có 76 trường canh và 2 trường canh dạo nhạc. Ca khúc Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn & Từ Linh có 40 trường canh và phần dạo nhạc với 8 trường canh… Vì vậy không có giới hạn với từng ca khúc về trường canh.
* Nói đến ca khúc với Giai Điệu & Tiết Tấu.
Giai Điệu (Mélodie, Melody) là một chuỗi nối tiếp của các nốt nhạc, sự kết hợp của cao độ và nhịp. Các giai điệu cũng có thể được mô tả bởi sự chuyển động đều đặn của chúng hoặc các khoảng trống hoặc các khoảng giữa các khoảng trống. Như vậy, một bài hát, một bản nhạc chính là sự kết hợp của nhiều giai điệu lặp lại nhau một cách liên tục. Các giai điệu sẽ được chia nhỏ thành những trường canh và nối tiếp với nhau thành một bài hát hoàn chỉnh.
Tiết Tấu (Rythme - Pháp) là sự chuyển động trong thời gian, có âm thanh trước, âm thanh sau nối tiếp nhau từ đầu bài cho đến cuối bài. Tiết tấu chính là sự sắp xếp các âm thanh ngắn dài khác nhau, thành từng nhóm nhỏ, nhóm lớn theo cảm hứng của người soạn nhạc. Nhạc sĩ Vincent d’Indy định nghĩa: “Tiết tấu là sự trật tự và cân xứng trong không gian và thời gian” (Le Rythme est l’ordre et la proportion dans le temps et l’espace).
Vì vậy khi đề cập đến ca khúc thường nhận xét về Giai Điệu và Tiết Tấu cùng lời để đánh giá về ca khúc đó, giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu dồn dập…
Khi tiết tấu gồm toàn những phách đều nhau và cùng loại, người ta có thể chia tiết tấu chung ra thành từng phần nhỏ đều nhau bằng các vạch nhịp, tạo thành những ô nhịp (trường canh). Phần tiết tấu được chia đều trong các ô nhịp là tiết nhịp. Để chỉ rõ mỗi tiết nhịp có bao nhiêu phách, mỗi phách trường độ ra sao, ghi ở đầu nhạc phẩm với phân số gọi là số tiết nhịp (hoặc số nhịp).
Trong tiết tấu có hai phần: Tiết tấu bình thường có trường độ, phách đều nhau. Tiết tấu bất thường phách ngắn dài, có nghịch phách (đảo phách). Đảo phách (Syncope), Nghịch Phách (Contre-temps). Nên tiết tấu là sự liên kết giữa các trường độ với nhau, trường độ có thể giống hoặc khác nhau. Có thể nói sự kết hợp này của tiết tấu tạo nên các yếu tố đảo phách và nghịch phách. Ví Dụ: Ca khúc Lệ Đá Xanh của Cung Tiến, lúc 4/4, khi 3/4
Thông thường, hấu hết các ca khúc (bản nhạc) rất phổ thông với các Thể Điệu (Điệu Nhạc) được phổ biến rộng rãi nhất. Trong Khiêu Vũ (Dance) cũng vậy, từ những vũ điệu đơn giản như Slow, Blues… đến Pasodoble, Tango, Valse. Có những người ít am tường về âm nhạc nhưng qua tiếng trống Nhịp & Phách lả lướt trên sàn nhảy.
* Nhịp (Rythm), Phách (Beat) trong Tiết Tấu
Cấu Trúc Về Nhịp (Rythmic Structure) với những nốt nhạc với trường độ giống nhau trong mỗi trường canh. Thông thường người ta hay ghép nhịp và trường canh vào một cho dễ hiểu.
Nhịp
Khi nghe bản nhạc hay bài hát, thường thấy cách một khoảng thời gian đều nhau nào đó có một tiếng đệm mạnh (hay một tiếng trống đệm theo). Khoảng thời gian đều nhau giữa tiếng mạnh trước với tiếng mạnh sau gọi là nhịp.
Nhịp là phần trường độ gồm những nốt nhạc hay dấu lặng được phân chia đều nhau trong bản nhạc. Trường độ đó được thể hiện qua những nốt nhạc dài ngắn: Tròn (4 phách), trắng (2 phách), đen (1 phách), móc đơn (1/2 phách)… Mỗi phách có giá trị bằng một giây. Số phách trong mỗi ô nhịp được quy định ngay từ đầu bản nhạc bởi tử số của số chỉ nhịp, còn mẫu số của số chỉ nhịp thì chỉ giá trị của một phách.
Về hình thức, Trường Canh được phân định bởi các đoạn thẳng đứng vạch trong khuông nhạc, những vạch đó được gọi là vạch nhịp hoặc gạch nhịp (Barline). Có hai loại vạch nhịp là vạch nhịp đơn và vạch nhịp kép. Vạch nhịp đơn dùng để phân định từng ô nhịp trong nhạc phẩm; vạch nhịp kép dùng để kết đoạn, kết bài, đổi hóa biểu, đổi số nhịp, làm dấu tái đoạn và dấu hoàn…
* Nhịp Điệu Tiêu Biểu
Nhịp 2/4: Số 2 biểu thị cho số phách có trong ô nhịp là 2 (1 phách mạnh, 1 phách nhẹ); số 4 biểu thị cho độ dài của mỗi phách bằng một nốt đen (nốt tròn chia cho 4).
Nhịp 3/4: Số 3 biểu thị cho số phách có trong ô nhịp là 3 (1 phách mạnh, 2 phách nhẹ); số 4 biểu thị cho độ dài của mỗi phách bằng một nốt đen.
Nhịp 4/4 hay (C) là loại nhịp kép 4 phách: Phách đầu (mạnh), phách hai nhẹ, phách 3 mạnh vừa, phách 4 nhẹ.
Nhịp 3/8 là nhịp đơn trong mỗi ô nhịp có 3 phách, mỗi phách bằng 1 hình nốt móc đơn (mỗi nhịp có 3 hình nốt móc đơn)
Nhịp 6/8 là nhịp kép, gần như là 2 nhịp 3/8 cộng lại. Gồm 6 phách: Phách 1 mạnh, phách 2 & 3 nhẹ, phách 4 mạnh vừa, phách 5 & 6 nhẹ. Mỗi phách tương đương một móc đơn.
Phách
Trong mỗi ô nhịp (trường canh) có giá trị thời gian bằng nốt tròn trắng, lại chia ra nhiều quãng thời gian đều nhau nhỏ hơn gọi là phách. Mỗi nhịp đều có phách mạnh, phách nhẹ. Phách mạnh bao giờ cũng nằm ở đầu ô nhịp. Nhờ có phách mạnh, phách nhẹ nên mới phân biệt được các loại nhịp khác nhau.
Dấu tròn (Whole note) lâu bằng 2 lần dấu trắng (Half note). Dấu trắng (Half note) lâu bằng 2 lần dấu đen (Quarter note). Dấu đen (Quarter note) lâu bằng 2 lần dấu móc đơn (Eighth note). Dấu móc đơn (Eighth note) lâu bằng 2 lần dấu móc đôi (Sixteenth note). Dấu móc đôi (Sixteenth note (x)) lâu bằng 2 lần dấu móc ba (Thirty-second note). Dấu móc ba (Thirty-second note) lâu bằng 2 lần dấu móc tư (Sixty-fourth note)… Về Dấu Lặng (Rest) cũng vậy (dấu lặng tròn, dấu lặng trắng, dấu lặng đen, dấu lặng đơn, dấu lặng kép, dấu lặng móc ba, dấu lặng móc tư với ký hiệu riêng của nó)
Nhạc phẩm với nhiều nốt tròn trắng như Bến Cũ của Anh Việt. Tình Nghệ Sỹ của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Thường là điệu Slow ở cuối mỗi lời ca.
Nhạc phẩm với nhiều nốt trắng như Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước. Thoi Tơ của Đức Quỳnh.
Nhạc phẩm với nhiều nốt đen như Tiếng Thu của Phạm Duy. Nốt trắng và đen đều ngang nhau như Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn.
Nhạc phẩm với nhiều nốt móc đơn như La Musique de L’Amour của Paaul de Seneville & Oliver Tousaint. Móc đơn và móc kép như Tôi Đưa Em Sang Sông của Nhật Ngân. Hẹn Hò của Phạm Duy. Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước. Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Rất nhiều nhạc phẩm với móc đơn vì linh động uyển chuyển thêm, bớt với móc đôi để lời ca hợp với giai điệu.
Nhạc phẩm với nhiều nốt móc kép như Lyphard Melody của Paaul de Seneville & Oliver Tousaint.
Nhạc phẩm với nhiều nốt móc kép, ba và bốn như Nocturne Op.9, No.2 của Chopin.
* Số lượng phách trong mỗi ô nhịp tùy thuộc vào số chỉ nhịp.
Phách có thể chia ra làm nhiều phần nhỏ hơn một nốt nhạc hoặc có thể có nhiều phách trong một hình nốt nhạc. Ví Dụ: Như đề cập ở trên, trong nhịp 4/4, một phách có thể bằng một hình nốt đen hoặc 2 hình nốt đơn hoặc 4 hình nốt móc kép…
Nếu nhạc phẩm được bắt đầu bằng một ô nhịp không đầy đủ, thì ô nhịp đó được gọi là ô nhịp lấy đà. Trong trường hợp này, ở cuối nhạc phẩm cũng sẽ có một ô nhịp không đầy đủ bổ sung cho nhịp lấy đà, nghĩa là tổng giá trị trường độ của hai ô nhịp này cộng lại vừa bằng giá trị trường độ của một ô nhịp bình thường.
Nhân đây, đề cập tổng quát về các Nhịp thông dụng với các Thể Điệu của bản nhạc.
* Nhịp 2/4:
Slow: chậm rãi. Slow Rock
Slow và Slow Rock đều được đánh ở nhịp 2/4 và 4/4 (Slow Foxtrot) nên dễ nhầm là 2 câu này đánh giống nhau nhưng thật chất điệu Slow được đánh là bùm bum chát bum: Bass 3-2-1-3. Có khi nhầm tưởng là điều Blues nhưng Blues được đánh là bum chát bùm bum: Bass 3-2-1 dây trầm.
Slow Rock là điệu nhạc kết hợp giữa sự chậm rãi của điệu Slow và sự lôi cuốn của điệu Rock nó được rải điều đặn từ những chùm liên ba liên tiếp nhau bùm chát chát chát chát bùm: Bass 3-2-1-2-3. Ví Dụ: Sau Một Cuộc Tình của Song Ngọc.
Slow Fox: Tương tự như Slow nhưng đệm nhanh hơn
Swing: Tương tự như Slow Fox nhưng nhanh và nhộn hơn. Ví Dụ: Ca khúc Đón Xuân của Phạm Đình Chương.
Blues: Tương tự như Slow, nhưng có thể không cần ngắt ở phách hai, nghĩa là đánh trải 2 hợp âm đều đặn, chậm và đậm tính day dứt! Thực sự nghe ra thì rất gần với Slow. Ví Dụ: Ca khúc Lụy Tình của Đỗ Lễ.
Tango: Nhịp 2/4, (có khi nhịp 4/4) dứt khoát, giai điệu nhẹ nhàng nhưng không kém phần sôi động với nhịp điệu nhộn nhịp và tình cảm. Điệu Tango cũng có khá nhiều biến thể và nhịp điệu nhanh chậm khác nhau:
Điệu Tango thường: “chát chát – chát bùm chát” với phần điệp khúc “chát chát chát chát”. Điệu Tango Hebanera: “bùm chát chát – chát bùm bum” với phần điệp khúc dồn dập theo điệu. Ví Dụ: Tango Dĩ Vãng của Anh Bằng. Con Đường Mang Tên Em (Tango Habanera) của Trúc Phương. Bóng Chiều Tà của Nhật Bằng.
Bebop: Nhịp 2/4 (có khi 4/4). Ví Dụ: Gặp Nhau Làm Ngơ của Trần Thiện Thanh.
Pasodoble: Nhịp 2/4 mang đặc trưng Flamengo Tây Ban Nha. Ví Dụ: Dừng Bước Giang Hò của Hoàng Trọng. Thưởng khởi đầu cho buổi khiêu vũ, phần dạo nhạc với 7 trường canh.
* Nhịp 3/4:
Boston: chậm (đầu bản nhạc thường ghi tempo 60 đến 80). Ví Dụ: Điệu Boston Buồn của Đỗ Lễ.
Valse: nhanh (đầu bản nhạc thường ghi tempo 140 trở lên). Ví Dụ: Ly Rượu Mừng của Phạn Đình Chương rất phù hợp cho dịp đầu Xuân.
Điệu Valse có một mẫu nhịp phổ biến là “bùm chát chát bùm chát chát” kèm theo các biến thể như “Bass 3-2-1-2-3” hay “Bass 321 321”.
* Nhịp 4/4 (C)
Boléro (có khi nhịp 2/4). Ví Dụ: Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên, Cánh Thiệp Đầu Xuân của Lê Dinh & Minh Kỳ. Điệu Boléro với nhịp độ (tempo) từ 60-80.
Rumba, nhanh hơn với nhịp độ (tempo 80-100, có Rumba Moderato (Ví Dụ ca khúc Tiếng Hát Cho Đời của Song Ngọc).
Mambo như ca khúc Mambo Italiano của Bob Merrill.
Chachacha: Các phách 1, 2, 3, 4 được đánh như nhau. 1 2 3 4 & 1. Khi nhận ra các phách đánh thì có thể nghe kiểu tượng thanh như sau: chát (2) chát (3) bùm (4) bùm (&) bùm (1).
Twist là một điệu nhảy của Mỹ được truyền cảm hứng bởi dòng nhạc Rock and Roll.
Nhảy Twist thì hai bàn chân thường chuyển động cùng chiều. Nhảy Twist thì chuyển động từ hông xuống chân là chính. Nhảy Twist có thể chuyển động trên phần mũi giày hay trên phần gót chân. Sự hoán chuyển giữa chuyển động mũi và chuyển động gót trong lúc nhảy sẽ tạo ra những di chuyển Twist đẹp hơn. Các bước nhảy thần kỳ của Michael Jackson thì sẽ hiểu được sự tinh tế của kỹ thuật này. Ví Dụ: 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân. Ca sĩ Mai Lệ Huyền được thành danh của ca khúc nầy.
Nếu Twist không dở chân thì Rap sôi động với đôi chân. Đặc điểm ở điệu Rap khi khiêu vũ, nam nữ sánh vai nhau và cùng bước chân phải trước.
Thông thường trong một bản nhạc không thay đổi giá trị nhịp và phách, tuy nhiên một số thể loại âm nhạc “phức tạp” có thể thay đổi chỉ số nhịp như Jazz, Fusion, Progressive Rock … (đoạn intro có chỉ số nhịp 4/4, sang đoạn điệp khúc thì thay đổi thành 5/8, kết bài với 2/4).
Ví Dụ: Le Beau Danube Bleu) của Johann Strauss II tuy là Valse nhưng lúc khoan thai, khi đến Phiên Khúc dồn dập như sóng vỗ, nên sành nhảy phải quay liên tục cho đến khi trở lại Điệp Khúc.
* Cách Nhận Biết Điệu Nhạc Khiêu Vũ
Khi học khiêu vũ, đầu tiên với miệng đếm. Đếm ở đây có nghĩa là đếm nhạc, và cần đếm nhạc một cách chính xác theo nhịp của điệu nhảy trước khi học những bước nhảy.
Có 2 cách đếm nhạc: Đếm cơ bản là cách học để quen với nhịp và phách, không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật. Đếm thực tập khi đi sâu vào chi tiết kỹ thuật. Ví Dụ: Điệu Chachacha, đếm cơ bản như sau: hai ba cha cha một, và khi các bạn học chi tiết hơn thì sẽ đếm hai và ba và bốn và một, vì chữ và chỉ bước chân lên xuống hay qua trái qua phải ở các con số hai ba bốn một.
Miệng đếm, chân nhảy
Khi nào miệng đếm nhuần nhuyễn theo nhạc được rồi áp dụng khi học cách bước chân. Miệng đếm chân nhảy theo tiếng nhạc, cứ miệng đếm chân nhảy liên tục, chỗ nào chưa thông thì ngừng lại và tập lại cho đến khi thông, và khi nào miệng đếm và chân nhảy đồng nhịp với nhau thì hoàn tất giai đoạn đầu. Nữ thì dễ dàng hơn nam vì nam có “bổn phận” phải dìu nữ.
Ngày hai có vài thể điệu nhảy thông dụng, không những trong vũ trường mà còn trên các sân của đường phố.
Nhạc Boléro thường chậm hơn nhạc Rumba. Nhạc Boléro viết theo nhịp 4/4, thông dụng nhất ở miền Nam VN trước đây với các ca khúc của Trúc Phương, Nhật Trường, Hoàng Thi Thơ, Châu Kỳ…
Nhạc Boléro có cách đánh (trống hay đàn) khác với điệu Rumba vì sự nhanh, chậm như đề cập ở trên
Tiếng đánh nghe to nhất chưa hẳn là của trọng âm (phách 1). Tiếng của trọng âm thường là tiếng trầm, mạnh và chắc. Thí Dụ: tiếng “chát” khi gõ vào mâm (cymbal) nghe kêu rất to và vang (nhưng không trầm và chắc) không phải là tiếng của trọng âm
1. Trong Rumba tiếng đánh vào cymbal thường là ở phách 2 và 4. Chính tiếng trống đạp nghe “bùm bùm” mới chính là trọng âm, nghe mạnh, chắc và trầm.
Tiếng trống đánh cho điệu Bolero:
Người đánh trống có lúc tay phải đánh nhanh vào 3 trống: trống giữa, trống phải, trống trái: tiếng cuối cùng đánh vào trống bên trái là phách 1.
Sau đó là khua trống: gõ 2 dùi rất nhanh lên trống trái, cùng lúc đạp chân trái để chập cymbal tạo ra 1 chuỗi âm thanh: đó là phách 2, gõ tiếp 2 dùi vào trống trái: phách 3, tay phải đánh liên tục vào 3 trống (giữa-phải-trái): lúc gõ vào trống giữa là phách 4, phải là 4, trái là phách 1.
Đã một thời nhạc Boléro rất thịnh hành, dăm ba người về hậu phương, tụ nhau bên bàn nhậu, nghe nhạc Boléro, tay cầm đũa gõ vào ly, chén, bát và hát theo như tay trống “chuyên nghiệp”. Thế nhưng, đã một thời bị phê phán là “nhạc vàng ủy mị”… nhưng không chết.
Nay thì nhạc Boléro được thông dụng nhất, có nhiều nơi ở phố thị, nó trở thành điệu khiêu vũ cộng đồng, tập thể… từ đường phố đến công viên.
Nhà soạn nhạc Pháp ở thế kỷ XIX Camille Saint Saens cho rằng: “Không có gì khó hơn là nói về âm nhạc” (There is nothing more difficult than talking about music”. Ông là thiên tài âm nhạc, thành viên sáng lập Hội Quốc Gia Âm Nhạc (Societe Nationale de la Musique) ở Paris. Với ông mà nhận định về bộ môn âm nhạc như vậy thì ít có ai tự hào nói về lãnh vực nầy.
Tài hoa như thi hào Nguyễn Du với thi phẩm Kiều bất hủ mà hai câu thơ cuối cùng rất khiêm nhượng: “Lời quê chắp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh” thì kẻ hậu sinh chỉ biết thưởng thức qua ca khúc, trong lúc cảm hứng viết về đề tài nầy cho vơi bớt cái nóng oi bức của mùa Hè.
Little Saigon, August 2023