Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ANH CẢ, ANH HAI





miền Bắc nước ta, người con đầu gọi là con cả. Các em gọi anh, chị của mình với vẻ tôn trọng trước người khác, thường nói: “ Thưa…anh cả tôi..hoặc chị cả tôi”.

Còn người con trưởng thường chỉ tính người con trai đầu. Có thể người con trai ấy sinh đầu tiên thì anh ta có hai chức năng. Vừa là con cả vừa là con trưởng. Có thể anh ta sinh sau một hoặc hai người chị gái, anh ta không giữ vai trò anh cả trong nhà, nhưng vẫn là trưởng nam. Bởi phong tục nước ta xưa theo chế độ phụ quyền. Tức quyền hành trong gia đình và xã hội đều do người đà ông nắm giữ và quyết định.

Chế độ phụ quyền Nho giáo, thì vai trò của người anh cả quan trọng, chỉ kém người cha trong gia đình có một bậc. Bởi người con trai cả đến tuổi trưởng thành, mà nếu có việc gì người cha phải xa nhà, mọi công việc đều trao lại cho anh ta đảm nhiệm.

Và khi người cha qua đời, thì toàn bộ sự định đoạt các việc lớn, nhỏ trong gia đình, đều thuộc về người anh cả hoặc người con trai trưởng. Người anh cả thay cha mình phụng dưỡng ông bà, nếu ông bà còn sống. Anh ta cũng phải lo phụng dưỡng mẹ mình cho tròn đạo hiếu. Lại phải thay cha nuôi dạy và dựng vợ gả chồng cho các em. Vì thế người con cả mới được trao cho một thứ quyền, gọi là “ quyền huynh thế phụ”. Có nghĩa là người anh được quyền thay cha.

Bởi vậy trong các gia đình xưa coi trọng việc giáo dưỡng người con cả, để lớn lên anh ta vừa làm gương cho các em, vừa thay người cha để bảo ban, dạy dỗ các em, và tiến lên địa vị người chủ gia đình trong tương lai.

Xã hội Nho giáo xưa, một con người hoàn chỉnh phải trải qua bốn công đoạn, thu về có bốn chữ: Tu - Tề - Trị – Bình, tức là “ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Điều đó chỉ có nghĩa rằng một người ngay từ thủa niên thiếu, phải lấy sự rèn luyện bản thân làm chính. Rèn luyện đây bao gồm cả học tập văn hoá, lao động và tu chỉnh các giá trị đạo đức, sao cho mình trở thành một người có học thức, có giáo dục. Trước khi trưởng thành, phải lo việc quán xuyến gia đình, sao cho gia đình là một tổ ấm; vợ con không phải lo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành. Xong hai khâu đó, được xã hội thừa nhận, mới đủ tư cách tham gia vào bộ máy chính quyền. Tức làm việc quản lý xã hội, mà người xưa gọi là “ trị quốc”. Khi tham gia vào bộ máy nhà nước, hãy đem sức “tu”, sức “ tề” của anh, tức là đem tài năng của anh giúp vào việc bình ổn xã hội. Tức là làm cho mọi người đều được an cư lạc nghiệp. Người xưa gọi việc ấy là “ bình thiên hạ”.

Có một thời gian dài tiến công vào nếp sống lạc hậu xưa cũ, ta quan niệm hơi thiên lệch về ý nghĩa của các từ “trị ” và “ bình”. Và vì thế ta cũng coi nhẹ việc “tu, tề”.

Xã hội xưa trọng chữ hiếu. Gia đình nào khi cha mẹ chết, người con cả không có nhà, coi như nhà vô phúc. Và bản thân người đó sống quãng đời còn lại luôn day dứt, ân hận và có phần tủi hổ với cộng đồng.. Chính vì thế Khổng Tử có lời khuyên:

“Phụ mẫu tại, bất khả viễn du. Du tất hữu phương ”. Nghĩa là cha mẹ còn sống, không nên đi xa. Mà nếu đi xa thì phải có chủ đích ở nơi nào. Tức là phải biết rõ đi đâu, để nếu gia đình có việc còn biết nơi chốn kiếm tìm.

Thực ra thì Khổng Tử chỉ khuyên như vậy để mọi người đừng ham mải làm ăn hoặc chơi bời xa nhà, để cha mẹ phải cô đơn, thậm chí khi cha mẹ chết, con cái cũng không có mặt. Sau này đạo Nho suy thoái, người ta làm cái gì cũng thái quá. Đến nỗi khi cha mẹ vào tuổi già, con cái không dám đi xa nhà.

Họ đâu biết chính Khổng Tử cũng để cha mẹ ở nhà, đi chu du khắp thiên hạ. Và Mạnh Tử, khi mẹ ông mất rồi ông mới về chịu tang. Vậy là Nho giáo thời cổ không câu nệ bó buộc như các đời Tống - Minh –Thanh sau này.

Nước ta thời Lý- Trần phong tục khoáng đạt, nhưng sang Lê- Nguyễn cũng bắt chước thói hủ nho của các đời Minh- Thanh bên Tàu, khiến phong tục trở nên nặng nề.

Như tựa đề bài này, tôi đặt là “ ANH CẢ, ANH HAI”. Anh Cả như trên đã nói rõ nguồn gốc. Còn anh Hai thì sao? Theo thứ tự thì “hai”, có nghĩa là người thứ hai, người sinh sau người con cả. Nhưng theo phong tục miền Nam nước ta, thì anh hai, chị hai lại chính là người con sinh ra đầu tiên, tương ứng cách gọi anh cả, chị cả ở ngoài Bắc. Vì sao có hiện tượng khác biệt tưởng như vô lý này?

Như trên đã nói phong tục nước ta buộc chặt người con cả với gia đình,dòng họ. Tức là ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ, anh ta còn bổn phận thờ cúng tổ tiên, gìn giữ gia phong. Bằng ấy trách nhiệm, cột anh ta với quê hương làng xóm. Vì vậy những việc khác như đi xâu, đi lính, nhà nước còn cho phép người em có thể đi thay được. Việc này bắt nguồn từ năm Mậu Ngọ ( 1558) đời Lê Anh Tông. Sử chép:

“ Tháng 10, thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu xin sai con thứ của Chiêu huân tĩnh công là Đoạn quận công Nguyễn Hoàng, đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, để phòng giặc phía Đông, cùng trấn với Trấn quốc công ở Quảng Nam, cùng giúp đỡ nhau…”. Như mọi người đều biết, vợ Trịnh Kiểm là chị ruột Nguyễn Hoàng. Kiểm muốn dùng Hoàng tăng thêm vây cánh. Nhưng sau anh em nghi kỵ nhau. Sợ bị hại, Nguyễn Hoàng không ra Bắc nữa, mà ở lại xứ Thuận Hoá, xưng thần với nhà Lê, từ đó cát cứ tại phía Nam, lấy sông Giang là địa giới phân ly cùng với họ Trịnh tranh thiên hạ. Nguyễn Hoàng là em của Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng chính là chúa Tiên, là Thái tổ của triều Nguyễn sau này. Ông là con thứ của Triệu tổ Nguyễn Kim.

Xuất xứ từ Nguyễn Hoàng và cả những người sau này theo ông vào Nam cũng là con thứ, còn những người con cả đều phải ở lại quê hương giữ đạo hiếu, giữ hương hoả. Cũng từ đó, nói về anh cả là chỉ các người con ở lại đất Bắc, và những người đi lập nghiệp tại phía Nam đều là các anh hai. Chính vì thế miền Nam không có từ anh cả, chị cả mà chỉ kêu là anh hai, chị hai. Điểm xuất phát ấy sau trở thành nếp, thành thói quen, thành phong tục, không những thế, nó còn là đạo lý truyền thống của dân tộc ta.-./.




VVM.21.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .