T ừ lúc bắt đầu nghiên cứu Đạo Phật, gặp những cái lý chính xác trong đó, không thể bắt bẻ được thì tôi ít để ý tới Tôn Giáo nào khác, vì thì giờ tôi dành trọn cho những thắc mắc và tìm lời giải đáp trong những Bộ Chính Kinh. Mục đích để hiểu cho thật rõ và tôi muốn tự mình tìm để có cái hiểu biết của chính mình, không chờ người khác đọc rồi giảng để hiểu theo cái hiểu của họ.
Tôi đã đọc kỹ hầu hết những Bộ Kinh lớn. Sau đó, muốn hiểu rõ hơn, tôi đã lược giải cả thảy 10 quyển Kinh. Nhưng tôi chỉ xin Ban Tôn Giáo cấp phép để in 3 quyển Duy Ma Cật, Pháp Bảo Đàn Kinh, Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất và quyển Từ Tu Thiền đến Tu Phật gồm những nhận định của tôi về Pháp Môn Tu Thiền. Những quyển còn lại đều nằm ở dạng bản thảo, vì sự lý giải Đạo Phật của tôi theo đúng ý nghĩa trong Chính Kinh thì rất hiếm người chấp nhận. Phật Tử đa phần đã được đào tạo tin Phật là Thần Linh và quen với việc Cầu xin, thờ cúng, không hề mong muốn được thành Phật, nên in rồi tặng không cũng ít người muốn nhận ! Hơn nữa, tôi nghĩ rằng khi lược giải một quyển Kinh bắt buộc mình phải tìm hiểu cho thật kỹ những gì được Chư Tổ giải thích trong đó. Vì muốn khai sáng cho mình, nên tôi đã bỏ ra cả chục năm để làm cho được điều đó.
Nhưng tôi xuất thân từ gia đình Công Giáo dòng, mấy đời sống trong một Họ Đạo. Cha tôi ngày xưa tu ở Đại Chủng Viện ở Cường Để Saigon. Suốt những năm tuổi thơ của tôi mỗi ngày đều phải xem cả 2 Lễ. Lễ Nhứt và Lễ Nhì, vì Tôi là Đồng Nhi hát So lo trong nhà Thờ, mà Lễ nào cũng có hát. Trước đó là chị tôi. Nhưng không hiểu sao sau khi chị tôi lấy chồng đi xứ khác thì các Dì Phước chọn tôi để thay thế, dù lúc đó tôi chỉ mới học lớp Nhì.
Dưới quê tôi chỉ có một Trường duy nhất, là Trường của Nhà Thờ do các Dì Phước Cái Mơn dạy. Tất cả những trẻ em trong Họ Đạo, khi lên 5 tuổi, bắt đầu đi học thì đều học ở Trường đó. Lúc đó, cứ học hết lớp 5 (Bây giờ là lớp 1), sau khi biết đọc, biết viết là phải học thuộc lòng quyển Giáo Lý, gọi là Sách Phần. Bao giờ các dì Phước sát hạch, mở quyển Sách Phần ở bất kỳ trang nào, đọc câu hỏi mà trả lời thuộc thì mới được lên lớp đồng thời được Xưng Tội, Rước Lễ. Bằng không thì cứ tiếp tục ở lại lớp. Trường ở quê tôi lúc đó chỉ có đến lớp 5. Thi Tiểu Học xong, học thêm lớp Tiếp Liên, sau đó muốn học tiếp thì phải đi lên Tỉnh hay Saigon.
Dù từ khi rời quê lên Saigon đi học, nhất là sau đó đi làm thì tôi cũng lơ là chuyện đi Nhà Thờ xem Lễ, đọc Kinh. Nhưng những gì được học từ nhỏ đã in sâu vào đầu óc, nên lúc nào tôi cũng không dám vi phạm đức công bình. Không dám phạm tội vì sợ “mất nước Thiên Đàng”, dù chưa bao giờ thắc mắc xem có thật hay không ? chỉ biết rằng phải Tin những gì đã được nghe giảng dạy, vì “Phúc cho ai không thấy mà Tin”, và theo Đạo Thiên Chúa, “Đức Tin mầy sẽ cứu lấy mầy” . Cũng không dám nói láo vì sợ “quỷ cắt lưỡi” theo lời hù dọa của các Dì Phước !
Tôi đã bỏ ra khá nhiều năm để nghiên cứu Đạo Phật. Sau này thử nhìn lại những gì đã được học bên Đạo Thiên Chúa, tôi thấy có quá nhiều điều Đạo Phật dạy rất giống bên Đạo Thiên Chúa, có thể đến 90%. Số không giống còn lại là do giải thích khác nhau, làm tôi quá ngạc nhiên. Xin lần lượt trích ra như sau :
* Đạo Phật nói “trần gian là bể Khổ”, thì Đạo Thiên Chúa cho trần gian là vũng khóc lóc, vũng lưu đày.
* Đạo Phật cho rằng “cõi trần Cõi Tạm” thì Đạo Thiên Chúa cho rằng Trần gian là nơi để luyện tội.
* Đạo Phật cho rằng “Thân người do Tứ Đại hợp thành, khi hết nghiệp sẽ hoàn lại cho Tứ Đại”, thì Đạo Thiên Chúa cho rằng con người là từ tro bụi, một ngày nào đó sẽ trở về với bụi tro.
* Đạo Thiên Chúa nói “Chúa ở cùng anh chị em” thì Đạo Phật nói rằng mỗi người đều có Phật Tánh tức là chủng tử của Phật.
* Đạo Phật dạy TỪ, BI, HỈ, XẢ thì bên Đạo Thiên Chúa dạy “ Yêu người như mình ta”.
* Bên Đạo Thiên Chúa thì có Thiên Thần Hộ Thủ. Bên Đạo Phật thì có Quán Thế Âm Bồ Tát tầm thinh cứu nạn.
* Bên Đạo Phật thì Cầu Siêu. Bên Thiên Chúa Giáo thì Cầu Hồn, gởi Lễ.
* Bên Đạo Phật thì THIỀN QUÁN, Tư Duy. Bên Thiên Chúa Giáo là SUY GẪM.
* Khi phạm tội thì bên Thiên Chúa Giáo là Xưng tội, bên Đạo Phật là Sám Hối.
* Cả Đạo Thiên Chúa và Đạo Phật đều cho Ma Quỷ là những thứ xấu xa, làm hại con người, nhưng giải thích khác nhau. Ma quỷ bên Đạo Thiên Chúa là một nhân vật đen điu, xấu xí, có sừng, có đuôi, ở Địa Ngục và bên ngoài con người. Nó chuyên rình mò để cám dỗ con người làm chuyện phản nghịch với Chúa. Trong khi đó, Đạo Phật cho rằng những cái xấu tượng trưng là ma quỷ khởi ra từ chính con người, trong Tâm con người, khi chưa sáng suốt, gọi là Tâm Ma, vì thực tế, có bao giờ chúng ta thấy được con Ma nào lù lù xuất hiện để dụ dỗ ta đi ăn trộm, ăn cắp hay làm điều sai quấy ? Chính tự con mắt ta nhìn thấy người khác có tiền bạc, của cải, hay thấy người khác có vợ đẹp nên sinh tâm muốn chiếm đoạt, nên Đạo Phật gọi là “Mắt thấy, Tâm sinh
Đạo Phật có Năm GIỚI là : SÁT,ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU, thì 10 ĐIỀU RĂN của Chúa là :
- Thứ nhất : Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
- Thứ Hai : Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
- Thứ Ba : Giữ ngày chúa Nhật
- Thứ Bốn : Thảo Kính cha mẹ
- Thứ Năm : Chớ giết người
- Thứ Sáu : Chớ làm sự dâm dục
- Thứ Bảy : Chớ lấy của người
- Thứ Tám : Chớ làm chứng dối
- Thứ Chín: Chớ muốn vợ chồng người
- Thứ Mười : Chớ Tham của người
Mười Điều Răn ấy tóm về hai điều này : Trước Kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen. Trong MƯỜI ĐIỀU RĂN, thì :
*Điều Răn Thứ Tư : “Thảo Kính Cha Mẹ” thì giống Ân PHỤ MẪU là Ân Thứ Nhất trong TỨ ÂN của Đạo Phật.
*Riêng ĐIỀU RĂN Thứ Năm, được dịch tiếng Việt là : “Chớ giết người”, thì ngày trước tôi có anh bạn tu Dòng nói rằng anh đọc Điều Răn này bằng tiếng Pháp thì chỉ thấy nói Tu ne tues pas, tức là Chớ giết. Bên Tiếng Anh cũng thấy ghi là You shall not kill cũng có nghĩa là Chớ Giết. Không có chữ nào đề cập tới giết Người. Không hiểu sao lúc chuyển sang tiếng Việt lại được dịch ra như thế.
Điều Răn này giống Giới SÁT của bên Đạo Phật. Nhưng theo bên Thiên Chúa Giáo thì chỉ cấm SÁT NHÂN, tức Giết Người. Còn bên Phật Giáo thì cấm cả GIẾT những Sinh vật, gọi là Sát Sinh, vì cho là chúng nó cũng có sinh mạng, cũng ham sống, sợ chết. Chúng cũng có trống, mái, đực cái, tức cũng có vợ chồng, sinh con, đẻ cái, cũng không muốn bị giết hay chia rẻ gia đình chúng.
*Điều Răn thứ 6 “Chớ làm sự Dâm Dục”, và Thứ 9 “Chớ muốn vợ, chồng người” thì giống Giới DÂM.
*Điều Răn Thứ 7 “Chớ lấy của người” và Điều Răn Thứ 10 “Chớ Tham của người” thì giống với Giới ĐẠO của Đạo Phật.
*Điều Răn Thứ 8 “Chớ làm chứng dối “thì giống Giới VỌNG NGỮ.
Với Mười ĐIỀU RĂN, thì các Điều Răn số 5,6,7,8,9,10 thì giống Ngũ Giới là SÁT, ĐẠO, DÂM và VỌNG NGỮ của Đạo Phật. Cộng thêm Điều Răn Thứ Bốn là Thảo Kính Cha Mẹ thì đó là Ân Phụ Mẫu là Ân đầu tiên trong TỨ ÂN của Đạo Phật. Như vậy Mười ĐIỀU RĂN thì có đến 7 giống bên Đạo Phật. Nhưng xem kỹ ĐIỀU RĂN của Đạo Thiên Chúa, hay GIỚI của Đạo Phật, thì mục đích cũng chỉ là để giáo hóa tín đồ sống cho đúng với tính cách của một con người có đạo đức mà thôi.
Đạo Phật ra đời đã gần 3.000 năm, tại Ấn Độ, trong khi Đạo Thiên Chúa được bắt đầu vào Thế Kỷ thứ I theo Tây Lịch tại Galilée của Do Thái, năm nay là năm thứ 2.024, cách nhau gần 1.000 năm. Nhưng chắc chắn thời đó các nước chưa có phương tiện để giao thông với nhau, nên các nhà Truyền Giáo của Đạo Phật chưa thể sang tận Do Thái để truyền đạo. Vậy mà do cùng tình yêu thương con người, muốn cho con người được sống hạnh phúc, an vui, nên cùng hướng tín đồ về đường Thiện, mà Giới của Đạo Phật và Điều Răn của Đạo Thiên Chúa lại giống nhau như cùng một cùng một nguồn mà ra.
Tôi tin rằng Vị đặt ra những ĐIỀU RĂN nầy, không cần biết đó chính do Chúa hay một Thánh Tông Đồ nào đó, là người của nước nào, phải là bậc Thánh Nhân, vì hướng con người đến đời sống đạo đức, biết thảo kính cha mẹ và không làm trái đạo lý làm người. Giữ được bao nhiêu đó cũng đủ để không tạo Nghiệp và không bị xuống Địa Ngục theo Đạo Thiên Chúa, và không đọa vào các Đường Ác, nói theo Đạo Phật.
Sự thưởng phạt cũng gần giống nhau :
- Được Thưởng, thì Bên Thiên Chúa là Thiên Đàng, là Nước Trời. Bên Đạo Phật là Niết Bàn, Tây Phương Cực Lạc.
- Bị Phạt, thì Bên Thiên Chúa Giáo là Hỏa Ngục, Địa Ngục. Bên Đạo Phật cũng là Địa Ngục hoặc Ba Đường Dưới (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh).
NIỀM TIN VỀ ĐỜI SAU thì bên Thiên Chúa Giáo tuy không có Luân Hồi, nhưng Tin kẻ chết sống lại. Tin sự sống đời sau. Bên Phật Giáo thì cho rằng con người không phải Chết là hết, mà do Nghiệp đã gây tạo nên phải tái sinh để Trả Nghiệp. Cứ thế vòng đi vòng lại gọi là Luân Hồi.
Phương pháp giáo hóa của hai tôn giáo cũng giống nhau. Dù hứa hẹn Thiên Đàng, Nước Chúa, thì tín hữu cũng phải “Làm lành, lánh dữ” , theo bên Đạo Thiên Chúa. Bên Đạo Phật thì Cải Ác, Hành Thiện.
Cả hai bên đều trông chờ Vị Cứu Tinh sẽ giáng trần để cứu nhân loại.
- Bên Thiên Chúa là Chúa Giêu Su trong hình dạng Chúa Hài Đồng.
- Bên Đạo Phật là Đức Di Lặc.
Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ là trước khi ra giảng Đạo thì Chúa Giê Su vô sa mạc ăn chay và cầu nguyện trong 40 ngày. Đức Thích Ca thì Ngồi tĩnh lặng (tức Thiền Định) trong 49 ngày đêm, sau đó mới Đắc Đạo rồi mới bắt đầu truyền đạo.
Theo lịch sử của Thiên Chúa Giáo thì Chúa Giê su sinh trong một hang lừa tại Bê Lem xứ Ginda thuộc Palestine. Cha là một thợ mộc, mẹ là một phụ nữ đồng trinh. Ngài là Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngài có nhiệm vụ xuống trần gian để dạy Đạo Tôn Thờ Thiên Chúa. Ngài bắt đầu truyền đạo năm 30 tuổi và 33 tuổi thì bị hành hình, đóng đinh trên cây Thánh Giá, sau đó Phục Sinh. Ngài có 12 Thánh Tông Đồ là những người nối tiếp sứ mạng truyền Đạo.
Đức Thích Ca thì cũng bắt đầu ra truyền Đạo vào độ tuổi 30, thọ đến 81 tuổi. Truyền Y Bát lại cho được 33 Vị Tổ.
Một sổ điểm khác biệt là :
1/- Bên Thiên Chúa Giáo dạy Thờ phụng Thiên Chúa, trong khi Đạo Phật thì dạy cách tu sửa để được Thoát Khổ hay Giải Thoát như Phật. Không dạy Thờ Phật. Vì Phật chỉ có nghĩa là Giải Thoát, ai cũng thực hiện được, không riêng gì Đức Thích Ca hay Chư Tổ. Các Vị được cho là “Đắc Quả Vị” bên Đạo Phật là do tu sửa bản thân nhiều hay ít, không phải giống như bên Thiên Chúa Giáo là do kính mến Chúa.
2/- Bên Thiên Chúa Giáo thì buộc tín đồ phải TIN. “Phúc cho ai không thấy mà Tin”. Bên Đạo Phật thì “Nghi lớn, ngộ lớn. Không nghi thì không ngộ”, và “Ngay cả lời nói của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ thì cũng không nên thọ trì”.
3/- Bên Thiên Chúa Giáo thì tin rằng con người do Chúa tạo dựng và sắp đặt cho mọi thứ, vui, buồn sướng, khổ, kể cả sống chết. “Một sợi tóc trên đầu con rụng xuống là cũng do ý Chúa”. Đạo Phật cho rằng không ai có quyền sắp đặt cho người khác, ngoài cái Nghiệp do chính họ gây tạo nên họ phải nhận lại hậu quả, gọi là NHÂN QUẢ.
4/- Bên Đạo Thiên Chúa cho rằng mỗi người sinh ra là phải mang tội do Tổ Tông đã làm, nhưng Đạo Phật cho rằng mỗi người tự làm, tự chịu, không có chuyện “Trời làm mà Phật chịu” ! .
Cái Thân con người thì mong manh mà hết bệnh tật lại chiến tranh, thiên tai đe dọa. Vì thế, Tôn Giáo như chiếc gậy cho con người có thêm niềm tin dựa vào để sống. Mỗi người đều có quyền lựa chọn Tôn Giáo phù hợp với mình để nương tựa. Nhưng theo tôi, bất cứ Tôn Giáo nào, dù dùng phương tiện là hứa hẹn Quả Vị hay đe dọa Địa Ngục, hoặc sợ làm cho Chúa buồn lòng…để hướng dẫn cho con người một cuộc sống hướng thiện, biết tôn trọng yêu thương, giúp đỡ nhau, thì đều là Sứ Giả xuất phát từ cùng một nguồn, hoặc gọi là Thượng Đế hay Chúa Trời hay Tình Thương hay Điểm Linh Quang…cũng chỉ là Danh Xưng do con người đặt ra. Giáo Pháp nào đưa con người về với đạo đức, với sự thanh tịnh, trong sáng, không phạm tội ác, không làm tổn hại người khác và nâng đỡ nhau để giảm bớt những nỗi Khổ trong cuộc sống thì đó là CHÁNH PHÁP. Sắc áo. Màu da, xứ sở , dân tộc, giòng dõi, danh xưng … không quan trọng, miễn là cùng mục đích như nhau. Do đó, tôi không xét Giáo Chủ từ đâu đến, chỉ xét mục đích của Giáo Pháp với những điều luật được yêu cầu Tín đồ phải thực hành, kết quả mà họ sẽ đạt được.
Về truyền Đạo phía các Linh Mục Thiên Chúa Giáo thì tất cả đều được đào tạo bài bản. Thời xưa thì bắt đầu từ sau Tiểu Học. Vô tu rồi thì được đào tạo cả về trình độ thế gian (Thời cha tôi đi tu thì Chủng Sinh phải qua trình độ Tú Tài Pháp. Nói và viết tiếng Pháp cũng như tiếng La Tinh thông thạo, nhưng không được ra ngoài thi để lấy Bằng, vì Chủng Viện sợ họ lấy Bằng Cấp rồi bỏ về làm ăn, không tiếp tục tu nữa) lẫn Thần Học của Đạo một thời gian khá dài. Qua bao thử thách, từ Chức 1, chức 2…đến Chức Sáu thì mới được thụ phong Linh Mục, và hệ thống Thiên Chúa Giáo ở tất cả các nước trên thế giới đều do một người cầm đầu là Đức Giáo Hoàng ở La Mã.
Ngược lại, phía Đạo Phật thì ai Xuất Gia cũng được, trình độ nào, tuổi nào cũng làm Tu Sĩ được. Họ có thể gia nhập hệ thống Giáo Hội, hoặc tự cất Chùa, Tịnh Xá cũng được. Vì thế những kẻ lười nhác, lợi dụng chiếc áo Tu Sĩ để kiếm sống không ít. Chính những người này đã biến Đạo Phật từ một Con Đường Thoát Khổ, mỗi người phải tự theo hướng dẫn của Đạo mà hành trì để Giải Thoát, lần hồi trở thành Tôn Giáo màu mè, sắc tướng, tạc tượng Phật cho to, rồi thờ Chư Bồ Tát, Chư Phật và cúng kiến, cầu xin đổi xấu lấy tốt, đốt vàng mã, Cầu An, Cầu Siêu !
Dù rằng cho tới thời nay có rất nhiều Tôn Giáo với đủ mọi cách dẫn dắt tín đồ. Bỏ qua những truyền thuyết, vì có thể những nhà truyền giáo muốn thêm vô để tôn vinh, làm cho Giáo Chủ của mình nổi bật hơn. Tôi chỉ xét qua những gì giao cho Tín Đồ phải thực hành, được xem như cốt lõi của Đạo, tôi thấy cuối cùng chỉ còn lại hai bên : THIỆN và ÁC. Do vậy, dù theo bất cứ Tôn Giáo nào, nếu dạy cho tín đồ Cải Ác, hành THIỆN thì tôi tin chắc sẽ cùng về một bên với nhau. Như nhiều nhóm cùng leo lên đỉnh núi, thì dù leo bên phía Đông hay phía Tây thì cuối cùng cũng gặp nhau trên đỉnh. Đó là CHÂN, THIỆN. MỸ, người đi theo sẽ được sống an vui, hạnh phúc cho đến hết kiếp. Màu cờ, sắc áo chỉ là phương tiện cho con người chọn lựa mà thôi.
Bên nào cũng cho rằng tín đồ phải thực hiện những điều Răn hay Giới để được phù hộ, che chở. Nhưng nhiều người quên rằng, dù “Chúa nhân từ vô cùng. Cứ xin thì sẽ cho. Cứ gõ là sẽ mở” nhưng không phải cứ xin Bình an là được phân phát, mà “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, tức là muốn được bình an thì phải có cái Tâm thánh thiện. Phật thì chê trách những người ca tụng, tán thán suông : “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không Hành theo lời ta chỉ dạy. Kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta”. Chứng tỏ cả hai bên đều chú trọng phần thực hành, không phải chỉ ca tụng các Ngài mà làm cho các Ngài hài lòng.
Qua đối chiếu ĐIỀU RĂN và GIỚI của hai bên : Tôi thấy, từ xưa đến nay, hai Tôn Giáo thấy không liên quan gì tới nhau. Nếu không nói là trong âm thầm, bên nào cũng thấy mình mới đúng Chân Lý hơn hay là mình mới gần với Thượng Đế hơn, mình mới là Con của Thượng Đế. Không ngờ tuy Giáo chủ của THIÊN CHÚA GIÁO là Chúa Giê Su, và Giáo chủ PHẬT GIÁO, là Đức Thích Ca có vẻ hoàn toàn khác biệt nhau. Các nhà Truyền Giáo hai bên cũng vô cùng khác biệt, từ cung cách tới trang phục : Một bên là các Linh mục với chiếc áo Dòng màu Đen, được đào tạo bài bản cả Đạo lẩn học thức ngoài đời, nên toát ra vẻ trí thức, tác phong rất văn minh, hiện đại. Một bên là các Tỳ Kheo với bộ Y Cà Sa màu vàng cổ kính, lạc lỏng giữa thời đại. Tuy hình thức, lối truyền Đạo hoàn toàn khác. Nhưng những gì cả hai bên truyền bá lại cùng một mục đích như nhau : Hướng con người về Nẻo Thiện. Nhưng không phải để tôn vinh các Giáo Chủ, mà để tín đồ được tự hưởng thành quả : Sẽ được về Thiên Đàng hoặc Niết bàn. Nhưng cũng không phải chờ đến hết kiếp, mà ngay tại hiện đời. Thử hỏi, một tâm hồn trong sạch, thánh thiện, không trộm cắp gian tham, tà dâm. Không lấn người, hại vật. Không toan tính, thủ đoạn, âm mưu hại người thì luôn được an lành, hạnh phúc, chẳng phải là ý nghĩa của Thiên Đàng hay Niết Bàn sao ?
Tôi tin rằng Chúa cũng như Phật không bao giờ chấp nhận một con chiên ngày ngày đi xem lễ đọc Kinh rất chăm chỉ, nhưng hỗn láo, bất hiếu với cha mẹ, dối trên, lừa dưới, tham lam, độc ác, hay một Phật Tử chỉ biết Tụng Kinh, Niệm Phật mà đối nhân xử thế chẳng ra gì, chỉ biết cúng kiến để trao đổi, Cầu xin để đổi xấu, lấy tốt, và lựa chọn Tôn Giáo để theo chỉ vì Giáo Chủ bên đó hứa hẹn nhiều thứ hơn !
Tôi cũng tin rằng nếu các tín đồ bên Phật Giáo mà thực hiện đúng Giới luật, đi trong Bát Chánh Đạo, cải Ác, hành Thiện thì trong tâm họ sẽ được an vui, hạnh phúc, đó là ẩn dụ của Đức Di Lặc đã giáng trần nơi Tâm của nọ, đâu cần sinh ra bên ngoài , vì Đạo Phật là Tự Độ, đâu có Độ Tha ?
Hàng ngày, người Đạo Thiên Chúa vẫn đi xem lễ, rước Mình Thánh Chúa, là Phép Bí Tích của Chúa truyền, để nhắc nhở rằng trong lòng mỗi người lúc nào cũng có Chúa ngự. Nhưng nếu chúng ta không thể hiện đúng tính cách của Chúa, là “Bác Ái, Công Bình, yêu người như chính mình ta ”, như Điều Răn đã dạy, mà lại tranh giành, đấu đá, lấn át, dẫm đạp người khác, thì liệu Chúa có dám tiếp tục ngự ở trong ta không ? Vậy thì rước Chúa để làm gì ?
Năm nào, vào Mùa Giáng Sinh, người Thiên Chúa Giáo cũng sắm sửa tưng bừng.. nào hang đá, máng cỏ với đèn màu lấp lánh, có Thiên Thần vây quanh. Chiếc nôi Chúa Hài Đồng. Có cả bò, lừa… để chờ Chúa Giáng Sinh đã suốt hơn 2.000 năm qua rồi. Họ quên rằng hàng ngày họ đi Nhà Thờ, và Rước Mình Thánh Chúa, là họ đã rước Chúa về ngự trong lòng. Đó chẳng phải là Chúa sao ? Sao phải đợi Chúa nào Giáng Sinh nữa ?
Chẳng phải lúc nào đi Nhà Thờ Linh Mục vẫn nhắc nhở : “Chúa ở cùng anh chị em”, mọi người đều trả lời : “Và ở cùng cha” ? Đó là lời nhắc nhở : Chúa đang hiện diện trong mỗi người. Vậy mà cứ mong ngóng Chúa sẽ ra đời trong Máng cỏ giữa đêm Đông giá lạnh !
Phải chăng, Hang lừa, Máng Cỏ được bày ra mỗi năm, là để nhắc cho tín đồ nhớ rằng : Ngôi Hai của Trời sẵn sàng lìa bỏ Ngôi trời để Giáng Sinh thấp hèn trong hang lừa. Chịu lạnh, chịu đói khát, còn bị chết vì hành hình rồi đóng đinh trên Thánh Giá là vì thương con người, vì muốn giáo hóa cho con người sống tốt đẹp bằng cách giao cho họ MƯỜI ĐIỀU RĂN, để người giữ trọn vẹn chắc chắn sau khi chết sẽ được rước về Nước Chúa, được hưởng phước Thiên Đàng. Với kiếp sống thực hiện đầy đủ các ĐIỀU RĂN như thế thì như lời Thánh Kinh : “Cây xiêng bên nào thì ngả bên đó” . Cả đời sống đã hướng về Thiên Đàng, thực hiện đúng theo lời Chúa thì đương nhiên sau khi qua đời Chúa sẽ rước về Thiên Đàng, cần gì phải Cầu Hồn, gởi Lễ ?
Chúng ta không thể làm cho “nước cha trị đến” hay mở rộng Đạo Phật bằng cách lôi kéo nhiều người chịu vô Đạo, chịu Rửa Tội, chịu Quy Y, vì “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Ít người, nhưng sống đúng lời Chúa, lời Phật hơn là rủ nhau vô Đạo cho đông, chỉ để ngày ngày diện đồ cho đẹp để đi Chùa, đi Nhà Thờ. Có vẻ siêng năng, nhưng thật ra là để xin đủ thứ ơn, rồi chờ lâu mà chưa nhận được thì bắt chước nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, trách “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người” , mà không xét lại mình có xứng đáng chưa !
Vì vậy, thay vì phải đợi Mùa Noel đến để tưng bừng sắm sửa, trang hoàng Hang Đá cho lộng lẫy, hay chờ Lễ PHẬT ĐẢN để kết cả đoàn xe hoa, thả vô số Hoa Đăng để ăn mừng, sao không làm cho CHÚA, cho PHẬT, ĐẢN SINH TRONG TÂM CỦA MỖI CHÚNG TA, bằng cách Giữ GIỚI, đi trong Bát Chánh Đạo, và giữ CÁC ĐIỀU RĂN cho nghiêm chỉnh ? Muốn “Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến”, muốn Đạo Phật được phổ cập đến với mọi người, thì không cần khăn áo chỉnh tề rồi đến Nhà Thờ để nghe Linh Mục giảng Đạo, hay diện Bộ pháp phục màu Lam hay Nâu, đến Chùa để nghe các Sư thuyết pháp, mà mọi người hãy SỐNG ĐẠO mỗi ngày cho tốt đẹp, để những người khác tôn giáo nhìn vào sẽ ngưỡng mộ Tôn Giáo mà mình đang theo qua tính cách, qua đạo đức mà mình thể hiện. Theo tôi, đó mới thật sự là Phật Tử làm theo lời Phật dạy, là những người con Thiên Chúa, luôn “Vâng theo ý cha dưới đất cũng như trên trời” vậy.-./.