Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


Lời Tác Giả :

            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


2. Không Gian- Thời Gian Nghệ Thuật Trong Thơ Hoàng Cầm

T hơ Hoàng Cầm toả sáng một không gian- thời gian nghệ thuật ghi tạc không năm tháng, mà tôi gọi là vô lượng Ánh sáng, bởi ông đã sáng tạo thơ, tư duy theo trường phái nghệ thuật siêu thực đầu thế kỷ XX, qua phong trào Thơ mới.     

   Hoàng Cầm không tả thực khung cảnh thiên nhiên (dòng sông, bến đò, làng thôn, nắng mưa, gió, bão…) cũng không kể chuyện cụ thể về thân phận con người (thiếu nữ, bà hoàng, công chúa, người mẹ, người vợ, người yêu, cụ già, em nhỏ) và cũng không mô tả cảm xúc của mình về cảnh vật và con người… như thơ lãng mạn.      

  Nhà thơ lãng mạn thường có những bài thơ dài kể chuyện hoặc nói về nỗi đau khổ của mình.       

  Baudelaire biểu hiện cái bên trong, những giấc mơ, những cảm giác, sự bí ẩn, sự tương hợp giữa con người và vũ trụ… qua thơ tượng trưng.     

  Verlaine cho rằng thơ phải gần với âm nhạc, phải gợi lên một “thế giới khác”, chứ không mô tả đường nét, hình thể. Thơ tượng trưng “làm cho ngôn ngữ thành không gian thuần tuý, nơi mà sự tuyệt đối cũng như sự hư không của bản thể bộc lộ hoàn toàn trong suốt”.       

Sang đầu thế kỷ XX, các nhà thơ siêu thực cho rằng “sức tải của thơ là tiềm ẩn”.      

  Apollinaire tuyên bố thi pháp của thơ siêu thực là “chiều sâu của ý thức, kéo lên từ vực sâu của ý thức những gì sinh động của toàn bộ vũ trụ”. Đôi khi thơ siêu thực giải toả những ẩn ức theo thuyết Phreud. Các nhà thơ siêu thực viết trong trạng thái tự động tâm linh. Đó là sự hoạt động của tư duy. Tư duy đọc lên mà không hề có sự kiểm tra của lý trí. Nó ở bên ngoài sự chăm lo về thẩm mỹ hay đạo đức. Siêu thực là trò chơi vô tư của trí tuệ.        

Hoàng Cầm thiên về lối viết tự động này. Ông thường nói: “Định nghĩa thơ thật khó. Với riêng tôi, thơ là thăm thẳm tâm linh chợt bật ra bằng tiếng nói hằng ngày. Những gì cao đẹp, chân thực và tốt lành nhất của đời sống con người và xã hội hun đúc trong tôi từ lúc lên ba, lên bốn. Mà hình như hun đúc từ kiếp trước, từ trong giọt máu li ti của của tôi hay của bà nội, ông ngoại tôi”.       

Những khoảnh khắc viết tự động, viết theo vang động của tâm linh hiện ra trong thơ Hoàng Cầm là sự sống dậy của vô thức. Bài thơ Lá Diêu Bông là sự bất chợt ào ạt, bất ngờ của vô thức, hiện hữu thành hệ thống ngôn từ tự do, không mang ý nghĩa cụ thể, nhưng những âm vang của nó lại gợi rất mạnh về một mảng hiện thực, một tâm trạng nào đó, làm cho các nhà thơ siêu thực thoả mãn.        

Nếu ta hỏi Hoàng Cầm các tên gọi: “Lá Diêu Bông”, “Cầu Bà Sấm” “Bến Cô Mưa”… là gì? Ông đều lắc đầu, không thể giải thích được. Sự mơ hồ, bí ẩn đó, tạo ra tầng tầng, lớp lớp những không gian, thời gian nghệ thuật trong thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ chớp lấy tia chớp của tiềm thức, vô thức trong một trạng thái tâm linh nào đó, bỏ lại những tình huống, những chi tiết bề bộn, ngổn ngang của đời sống, của lịch sử, ghi lại phút loé sáng của tâm linh.       

    Đó chính là khoảnh khắc mà sự thật của hiện thực đã được nhận thức sâu sắc trong tiềm thức, vô thức. Cái sự thật đó, cô lại, hiện ra trong một cấu trúc ngôn ngữ bị buông lơi của ý thức. Nó bay lên hư ảo bên trên cái nền của không gian địa lý, không gian xã hội, thành một không gian tinh thần, không gian tâm linh, không gian ảo…     

   Chính bởi thế nên câu thơ Hoàng Cầm chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp ý nghĩa. Nó còn có khả năng mở ra vô vàn những suy tư qua các lớp nghĩa gợi mở đó, đọc một lần không dễ gì ta hiểu được, mà phải bóc từng lớp, từng lớp nghĩa của một “tảng băng trôi”.       

   Ví dụ câu “Mẹ đón con rung gậy mía Đường Trèo” mỗi chữ bao hàm một lớp ý nghĩa, một tín hiệu, hợp thành một hệ thống tín hiệu sâu xa bao quanh câu thơ.  “Đường Trèo” là một địa danh vùng Thanh Hoá. “Mía Đường Trèo” ngọn đẹp, thân dài, thẳng, ngon ngọt, dùng để tiến vua. “Gậy mía” liên quan đến tục dâng hai cây mía lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết để các cụ chống gậy về ăn Tết của nhân dân vùng Kinh Bắc. “Gậy mía” còn liên tưởng đến cây gậy mà người con trai phải chống trong đám tang bố mẹ “ Cha đưa. Mẹ đón”. Lẽ ra, người con trai phải chống gậy đi giật lùi, đón người mẹ của mình về cõi Âm, thì ngược lại, do chiến tranh, giặc giã, người mẹ lại đón con xuống mộ trước. Thân mình mẹ khuỵu xuống “rung gậy mía”. Có nỗi đau nào hơn thế! “Mẹ đón con rung gậy mía Đường Trèo”.      

  Thơ siêu thực là thế. No không hề mô tả hay kể lể chi tiết đến một cảnh, một người, một sự kiện, một tình huống, một phong cảnh cụ thể nào. Thơ siêu thực cũng không nói rõ một ý tưởng, một quan niệm nào của riêng nhà thơ. Thơ siêu thực chỉ gợi ra một thế giới huyền ảo bằng cấu trúc đặc biệt của ngôn ngữ để người đọc tự cảm nhận, tự liên tưởng, suy ngẫm về nỗi thăng trầm của lịch sử và “bể khổ trầm luân” của thân kiếp con người trong vũ trụ vô thường mà thôi!      

  Yếu tố nghệ thuật về sự sáng tạo không gian, thời gian trong thơ Hoàng Cầm là thi pháp siêu thực. Nó mở ra muôn tầng không gian, thời gian, toả Ánh sáng linh diệu Một Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.    

      Người đọc yêu Hoàng Cầm, bị hút hồn bởi thơ ông, hãy trầm tĩnh, ngâm ngợi nhạc thơ Hoàng Cầm, mở ra các tầng thời gian, không gian ẩn chứa trong những hàng chữ ngọc mà Hoàng Cầm yêu thương dâng hiến trong những khoảnh khắc tâm linh bừng nở ngọn lửa tình yêu người, yêu thiên nhiên nước Việt.    

     Không Gian Địa Lý & Xã Hội:    

    Đất Kinh Bắc có nhiều sông. Những dòng sông miên man toả sáng chân trời xanh ngọc lúa, hiện đẫm mát trong thơ Hoàng Cầm là: sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Hồng… cả cái bến Luy Lâu thời tiền sử.         

Núi non Kinh Bắc không nhiều, nhưng đồi Lim và núi Thiên Thai là hai biểu tượng thơ Hoàng Cầm về thiên nhiên, văn hoá, tình yêu, tình người Kinh Bắc. Đặc biệt là không gian thiêng liêng đình, chùa, miếu, đền thờ… Kinh Bắc toả Ánh sáng linh thiêng. Hình như không còn thiếu một ngôi chùa, mái đình nào của Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm: chùa Dâu, Bút Tháp, Pháp Môn, Phật Tích, Đền tám vua triều Lý, Đền Cổ Loa, Miếu Hai Cô, Đình Lim, Đình Bảng…     

  Và các làng quan họ, làng nghề, làng trồng dâu nuôi tằm, ở quê Kinh Bắc hiện lên trong thơ Hoàng Cầm, sáng bảy sắc cầu vồng với đủ, của ngon, vật lạ, hương thơm, người hiền: gấm Song Cầu, tranh Đông Hồ, gạch Bát Tràng, chợ Hồ, chợ Sủi, làng Sim, làng Cháy, cầu Lim, Nội Duệ, ếch Quế Dương, sáo sậu Phù Ninh, bưởi Nga My, trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ, cầu Lim và các phường quan họ: phường Lim, phường Nội, phường Tam Sơn, phường Núi Dạm, Núi Chè…         

Thơ Hoàng Cầm khởi dựng một không gian địa lý vùng Kinh Bắc. Nhưng đây không phải không gian địa lý thuần tuý. Trong cấu trúc nghệ thuật thơ Hoàng Cầm, dấy lên một không gian văn hoá, không gian xã hội, không gian tinh thần, không gian tâm linh… quanh những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi thân thương ấy.     

   Theo “ngũ kinh tương khắc” Kinh Bắc là một thế giới vận động của con người cùng vũ trụ gồm đủ năm tố chất: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Năm tố chất này, tương sinh, tương khắc, nhưng lại thống nhất, hoà hợp. Song trong vũ trụ thơ của mình, Hoàng Cầm ca ngợi yếu tố “sinh”, và đau đớn, khắc khoải trước yếu tố “khắc”, huỷ diệt sự sống của con người, vạn vật, thiên nhiên.      

  Trong cái nhìn xuyên lịch sử của nhà thơ, Kinh Bắc là một vùng đất đai trù phú, sản sinh ra một nền văn hoá Kinh Bắc, từ sự tích, cổ tích, đến lịch sử từng thời kỳ, đến điêu khắc, kiến trúc, con người vui sống yêu thương, hồn hậu.      

Kinh Bắc sáng tươi huyền thoại Mỵ Châu, Trọng Thuỷ, Trương Chi, Phù Đổng…      

 Kinh Bắc sáng ánh nâu Thiền Chùa Dâu, cội nguồn cuả đạo Phật được truyền bá từ Ấn Độ sang.      

 Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm sáng Hội đền tám vua triều Lý, vang bóng những phụ nữ tài danh: Ỷ Lan, tuyên phi Đặng Thị Huệ, Lý Chiêu Hoàng, Lê Ngọc Hân…       

 Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm ngọt ngào những làn điệu dân ca nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng: quan họ, chèo, ca trù…    

Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm hoà sáng rực rỡ gốm Bát Tràng, tranh dân gian Đông Hồ “gà lợn nét tươi trong”…         Nhưng Đất và Người Kinh Bắc chịu nhiều cơn sóng gió, bão lửa, sấm sét của thiên nhiên, của lòng người, của chiến tranh, ly loạn… tàn phá sự sống muôn loài, muôn người, làm cho thơ Hoàng Cầm tràn tuôn nước mắt:      

“ Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười, con thoảng nhớ, thoảng quên
Hình nhân má điệp tóc mực tàu
Mắt nghiêng dựa liếp
Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu
Gấm Song Cầu lại khoác  áo ngày xưa”


(Đêm Kim)  

    Nước mắt chứa chan linh cảm về sự mất mùa, đói rét:     

 “Đại hạn tháng ba, lúa rang châu chấu”

(Đêm Hoả)  

      Thơ Hoàng Cầm linh cảm thấy những cái chết của những người con Kinh Bắc với hình ảnh “gậy mía Đường Trèo” trong lễ tang:

“Giặc bên sông đã cắm cờ hạ trại
           Mẹ đón con, rung gậy mía Đường Trèo”    
  

  Lấy con người làm trung tâm (tiểu vũ trụ) xung quanh hành tinh, nhà thơ hướng về sự hoạt động của con người trong xã hội. Hoàng Cầm nhìn vào nhịp sống hằng ngày của con người Kinh Bắc như một tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, mà bài thơ Bên kia sông Đuống là một bức tranh rộng lớn, khái quát sâu sắc ở tầm nhân văn, nhân bản, với quan niệm triết học vị nhân sinh. Sông Đuống hiện ra như một bức tranh hoành tráng, lay động tâm thức người đọc đến từng chi tiết:     

        Anh đưa em về sông Đuống
             Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
             Sông Đuống trôi đi
             Một dòng lấp lánh
            Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
    

  Sông Đuống là quà tặng vô giá của tạo hoá. Con người đã sống và nâng niu sông Đuống, biến nó thành thiên đường xanh tươi sự sống.       

   Hai bờ “Xanh xanh bãi mía, bờ dâu, ngô khoai biêng biếc” cùng một biển lúa vàng thơm với những ngôi làng quê trù phú:     

 “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
            Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
              Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
 

      Nhưng thiên đường lúa đã chìm trong ngọn lửa chiến tranh:     

         “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
              Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”     

   Bài thơ có hình khối. Nhà thơ đứng ở một bên sông Đuống, nhìn xuống dòng nước chảy “nghiêng nghiêng”, thấy cả một không gian xã hội Kinh Bắc với bao cụ già, em nhỏ, người mẹ, người vợ, người em gái đang trôi theo dòng cuốn của khói lửa chiến tranh. Không gian xã hội đó, sáng màu sắc âm thanh của sự sống với những khuôn mặt búp sen, những cô hàng xén răng đen “ miệng cười như mùa thu toả nắng”, những chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen, những tấm lụa màu, gói kẹo vừng, kẹo lạc…      

    Không gian sáng tươi sự sống ấy bỗng im bặt trước ngọn lửa hung tàn. Những câu hỏi lặng câm “Bây giờ đi đâu? Về đâu” từ bên kia sông Đuống vọng âm vang, rồi chìm dần, chìm dần giữa “cánh đồng im phăng phắc”.     

    Do cấu trúc hình khối, bài Bên kia sông Đuống  đã tạo ra nhiều không gian khác nhau.      

   Một không gian địa lý của sông Đuống chạy dài hai bờ Nam- Bắc được nhìn theo mặt phẳng. Một không gian nghiêng nhiều chiều, có thể chứa đựng cả một không gian xã hội, để nhìn vào đó, người đọc thấy cả một thời kỳ lịch sử biến động dữ dội, kéo theo những thân phận con người vào cuộc hành trình máu và nước mắt:

    “Sông Đuống trôi đi
                 Một dòng lấp lánh
        Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”


... CÒN NỮA




VVM.26.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .