Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TÂN CƯƠNG
TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM


           KỲ 1

Giới thiệu

Việt Nam và Tân Cương xưa nay chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao. Việt Nam là một quốc gia, ở phía Nam nước Tầu. Tân Cương ở phía tây Trung Hoa, gồm nhiều bộ lạc, chủng tộc khác nhau, xưa người Tầu gọi là “rợ”, mọi rợ?, - cũng như người Tầu gọi những dân tộc ở phía nam của nước họ là man - dã man?- thường bị người Tầu xâm lăng và cai trị. Cũng có khi nhân nước Tầu suy yếu thì họ mạnh lên, lật đổ ách cai trị, chống lại người Tầu và bắt phải đem vàng bạc và người cống cho họ như câu chuyện “Chiêu quân cống Hồ.”

Một xứ ở phía tây, một nước ở phía nam Trung Hoa, không giao thiệp, không tiếp xúc, thì tại sao lại có chuyện việc bên Tân Cương vào “ngồi” trong văn học Việt Nam. Điều ấy, sở dĩ có là vì người Tầu.

Người Tầu làn trung gian giữa Tân Cương và Việt Nam.

Người Tầu không bao giờ nằm yên trong địa giới của họ, khi thì họ gọi là Tây chinh – chinh phục vùng phía tây - khi thì họ gọi là Nam phạt, - trừng phạt nước Việt ở phương Nam. Họ tự cho là trung tâm (Trung Quốc, nước ở giữa). Các nước chung quanh là chư hầu, là phiên ly, rào dậu bảo vệ cho Trung Quốc, thành ra văn hóa, văn học của họ có ảnh hưởng đến người phương Nam, nước Đại Việt.

Những cuộc Tây chinh của người Tầu tạo nên nhiều ly cách, chết chóc, đau khổ… không chỉ cho những dân tộc bị họ chinh phục, cho những “rợ” ở phương bắc, phương Tây, như “rợ Hồ”, “rợ Thuyền Vu” (hay Thiền Vu?), “rợ Quắc”, v.v… như đã mô tả trong câu thơ Chinh Phụ Ngâm: “Máu Thuyền Vu, Quắc nhục chi, Ấy thì bữa uống, ấy thì bữa ăn” (1) mà ngay cả cho người Tầu, cho chính dân tộc của họ nữa.

Việc đem quân đánh Tân Cương, tạo ra những ly cách và đau khổ đã khiến những nhà thơ Tầu làm thơ trách oán, than vãn, ghi lại nơi họ hay người Tầu đã chiến đấu, kinh qua… Những nơi đó, những địa danh đó là ở Tân Cương. Khi những địa danh đó, những câu chuyện chiến chinh đó đi vào thơ Tầu là vô tình đi vào thơ Việt vì người Việt học và viết theo văn học Tầu.

Ảnh hưởng đó rõ lắm. Khi độc giả đọc Cổ Văn Việt Nam như Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc hay Truyện Thúy Kiều… sẽ thấy những ảnh hưởng đó, từ những từ ngữ thông thường như “quan ải”, “quan san”, “quan tái”, v.v… cho tới những truyện cổ như Thiên Thai, Hoàng Hạc, những địa, danh, điển tích như Liễu Chương Đài, Hãn Hải, Tiêu Quan, Thanh Hải, Bạch Thành, Thiên Sơn… Việc nầy tôi sẽ nói thêm về sau.

Cũng có thể có người cho rằng đó chỉ là tình trạng văn chương Việt Nam của những thế kỷ trước, những thời kỳ văn Nôm của thế kỷ thứ 18, 19 chứ còn bây giờ thì đâu còn nữa. Ảnh hưởng văn học học Pháp và Âu Mỹ đã đánh bạt ảnh hưởng văn thơ Tầu ra đứng ngoài lề.

Cũng có thể!

Nhưng bị đứng hẵn ngoài lề văn chương Việt Nam hiện đại thì không!

Dù nói không, phủ nhận thì chúng ta lại phải đọc nó, tìm hiểu nó, nghiên cứu nó để xem thử ý nghĩa cổ văn là gì, văn chương hiện đại là gì và nó có giao hòa gì với nhau?

Hơn thế nữa, trong hơn nửa thế kỷ nay, nhất là kể từ những năm 53-54 nền giáo dục ở miền Nam ngày càng phát triển và cũng không thiếu tự do. Nền giáo dục đó phát triển hai hướng khác nhau. Mặt thứ nhất thì hướng về văn học Âu Mỹ hiện đại, kể cả văn chương của các nước trong khối Cộng Sản, hướng thứ hai thì quay về với Cổ Văn, không những chỉ với Cổ Văn Việt Nam mà cả với Cổ Văn Trung Hoa. Sự kiện bây giờ nhiều người làm thơ Đường luật nhiều hơn, không chỉ “cô đơn” như Quách Tấn với Mùa Cổ Điển thời tiền chiến, chính là một biểu hiện hướng thứ hai như tôi vừa trình bày vậy.

Tôi xin chứng minh như sau đây:

Hoàng Hạc Lâu là một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, một thi nhân “Thịnh Đường”. Ông quê ở Biện Châu, Hà Nam, đậu tiến sĩ và làm quan đời Huyền Tông.

Tương truyền ở ngọn núi đá Hoàng Hộc có tiên hay cưỡi hạc đi về, nên dân chúng dựng lên ở đó một ngôi lầu cho tiên ghé chân, gọi là Hoàng Hạc Lâu. Ông Phí Văn Vi khi thành tiên cũng thường hay cưỡi hạc lui tới nơi nầy. Dĩ nhiên, một bận Thôi Hiệu qua chơi Hoàng Hạc Lâu rồi làm bài thơ cùng tên. Bài thơ Tầu như sau:

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Bài thơ nầy nổi tiếng hay đến nỗi khi Lý Bạch đến chơi ở đây, đọc bài thơ của Thôi Hiệu viết trên vách (?), phải than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...

Có nghĩa là:

Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu!

Bản dịch của Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

Dĩ nhiên, vì là một bài thơ hay nên có nhiều người dịch ra tiếng Việt, như Tản Đà, Ngô Tất tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San và một số người trẻ hiện tại. Tôi chỉ chọn chép lại đây bản dịch của Tản Đà vì bản dịch của ông, theo ý kiến nhiều người là hay nhứt, có lẽ nhờ ông là một nhà thơ hay và cũng vì tại đây là một bài báo, không đủ chỗ để chép hết ra!

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có ảnh hưởng đến văn chương nước ta. Dĩ nhiên! Nói về Cổ Văn, Nguyễn Du là một người trong số các cổ nhân thích bài thơ nầy.

Nguyễn Du làm quan đời nhà Nguyễn, trong lần đi sứ Trung Quốc, không rõ có ghé thăm Hoàng Hạc Lâu hay không nhưng trong tập thơ của ông nhan đề Bắc Hành Tạp Lục có bài thơ như sau:

Hoàng Hạc lâu

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

Dịch (không rõ dịch giả):

Lầu Hoàng Hạc

Thần tiên đâu đó bấy lâu nay
Tích xưa lưu lại bến sông này
Lư nhân một giấc mộng vẫn thế
Thơ Hạo lầu không hạc đã bay
Ngoài sông khói sóng vẫn bao la
Nhìn xem cây cỏ chẳng khác xa
Biết ngỏ cùng ai tình dào dạt
Trăng trong gió mát hiểu gì ta.

Đề tài chung thì như thế, là Lầu Hoàng Hạc và tiên đi về lui tới, nhưng xem trong câu cuối của Nguyễn Du thì mỗi người mỗi tâm sự, chắc gì ai đã hiểu ai. Hèn chi trong Kiều, Nguyễn Du tâm sự: “Một mình mình biết, một mình mình hay” hoặc “Ai tri âm đó mặn mà với ai.”

Người ta vẫn thường cho rằng hai câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là hay nhất. Tản Đà dịch là: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!” Chữ Yên ba giang thượng dịch là khói sóng trên sông. Bài thơ của Nguyễn Du viết là “Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu”. Người dịch dịch là “Ngoài sông khói sóng vẫn bao la.”

Cũng có tài liệu nói rằng Yên Ba là danh từ riêng, là tên một khúc sông gần lầu Hoàng Hạc. Hiểu nó là một tên sông thì cái hay của bài thơ mất đi nhiều lắm.

Ngay hai tiếng Yên ba nầy, hồi thập niên 1960, trên nhựt báo Tự Do, nhà văn Như Phong Lê Văn Tiến cũng cho đăng một truyện dài của ông nhan đề là “Khói Sóng”. Có lẽ Như Phong cũng không nằm ngoài những người yêu bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Trở lại ý trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu, chúng ta thấy gì?

Lầu thì còn trơ lại ở đó (“Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ- TĐ). Tiên thì đã đi mất từ hồi nào (Hạc vàng đi mất từ xưa – TĐ), và (Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay - TĐ ) (“Ngàn Năm Mây Bay.” - tiểu thuyết của Văn Quang, phim của Hoàng Anh Tuấn -) và … buồn vì nhớ nhà (Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!)

Những ý tưởng đó, chúng ta cũng thấy ngay trong thơ của Tản Đà như “Tống Biệt” đã có và còn thấy lại nữa, ở nhiều nhà thơ khác, thế hệ trẻ hơn.

Trong bài thơ Tống Biệt Tản Đà viết “Cái hạc bay lên vút tận trời” thì đó là cái hạc cho tiên cưỡi, hay chính cái hạc đó là tượng trưng cho tiên?

Nếu trong Thôi Hiệu có “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” thì trong Tống Biệt, Tản Đà viết là “Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”. Dù hình ảnh có khác đi (mây và trăng) nhưng cả hai đều biểu tượng cho thời gian. Thời gian “trôi” mãi, không bao giờ dứt, mặc dù, Tống Biệt của Tản Đà là cảnh Thiên Thai chứ không phải là Lầu Hoàng Hạc.

Thiên Thai và Lầu Hoàng Hạc giống hay khác nhau?

Không khác nhau vì nơi nào cũng là nơi tiên ở. Ở đó, Lầu Hoàng Hạc khác chi cảnh tiên. Tiên cưỡi hạc đi về khác chi nơi tiên cảnh.

Tống biệt

Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm lơ lửng bóng trăng soi

Tôi sẽ không phân tích cái hay của bài Tống Biệt, xin hẹn một dịp khác.

Cũng không ra ngoài những ý tưởng đó, sau Tản Đà một thế hệ, Thế Lữ viết bài thơ Tiếng Sáo Thiên Thai:

Tiếng Sáo Thiên Thai

                               Tặng Ngô-Bích-San

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! xa vắng, mênh mông là buồn...
Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng-lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên-Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...

Trong khi Thôi Hiệu viết “sử nhân sầu” thì Thế Lữ viết “Buồn ơi xa vắng, mênh mông là buồn”. Những tiếng “Xa vắng”, “mênh mông”, nghe phảng phất như có “Bãi xa anh vũ” hay “May trắng còn bay” của Thôi Hiệu. Thôi Hiệu viết “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?” thì Tản Đà viết “Cái hạc bay lên vút tận trời”. Thế Lữ viết rõ hơn một chút “Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.” Thế Lữ viết “Hai con hạc trắng” là ám chỉ hai chàng Lưu Nguyễn đó chăng? Trong cách viết như thực như hư ấy, nhưng rất biểu tượng thì hạc là phương tiện của tiên di chuyển hay hạc chính là tiên?

Một thế hệ sau, Trịnh Công Sơn viết “Như Cánh vạc bay”. Trong suốt trong bài hát của ông, người ta chỉ thấy bóng hạc có một lần: “Như cánh vạc về chốn xa xôi”. Về hình ảnh chim hạc, hình như có một sự “gần gũi” giữa Thế Lữ và Trịnh Công Sơn. Trong khi Thế Lữ viết “Tiên Nga xỏa tóc bên cồn” thì TCS viết “Tóc em… rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.” “Sóng lênh đênh” của đời có phải cũng làm bằng nước mắt người đẹp “Từng giọt lệ… rớt xuống hồ thành nước long lanh.”

Tiên ở Bồng Lai thì đẹp. Người trần cũng “đẹp như tiên”. Tuy nhiên, thời đại của TCS là thời chinh chiến. Súng đạn không làm cho người đẹp bớt đẹp đi nhưng tạo ra đau khổ thì nhiều hơn. Bài thơ của Thế Lữ có buồn, buồn xa vắng, buồn mênh mông, dù buồn như thế nào thì đó cũng chỉ là một nỗi buồn êm đềm của một thuở thanh bình, có tiếng chim, tiếng sáo… “lên khơi.” Té ra “tiên đời thanh bình” và “tiên thời chinh chiến” khác nhau nhiều lắm, dù môi em có đẹp hơn nắng hồng (“Nắng có hồng bằng đôi mắt em”), dù mây hay tóc em có buồn bằng “đôi mắt em.”

Thời gian thì trôi mãi, vô hạn, không thủy, không chung, dù đôi khi “Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi” như Thế Lữ thấy. “Bóng chiều không đi” không có nghĩa là thời gian ngừng lại. Một giây, một phút hay một ngày một năm… tất cả chỉ là biểu tượng, một định mức của thời gian, một cách diễn tả, còn bản chất của thời gian là chuyển động không ngừng nghỉ.

Không gian cũng vô cùng, như “Trời cao xanh ngắt - Ô kìa. Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.” Nhận xét ấy, TCS ví “Như cánh vạc về chốn xa xôi” hay là… “xa nghìn trùng.”

Tất cả những điều người đời sau nói về thời gian và không gian, chúng ta có thể thấy trong Hoàng Hạc Lâu. Ở bài thơ đó, thời gian thì:

Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Và không gian thì:

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non

Những hình ảnh “Lầu còn trơ” hay cảnh “Hán Dương sông tạnh cây bày” hoặc bãi cỏ xa cũng chỉ là dùng để nói lên cái vô cùng của vũ trụ.

Qua thi ca, người ta thường thấy không gian và thời gian được biểu tượng bằng những hình ảnh cụ thể.

Cũng đề tài nầy, Hoàng Nguyên, lớn lên trong chiến tranh nên ông thấy đời đau đớn, tuyệt vọng hơn. Vì đau đớn, tuyệt vọng, muốn đi tìm một thế giới hạnh phúc khác nên ông cứ hỏi mãi: “Đường nào lên Thiên Thai”. Hỏi tới ba lần như thế là ông khao khát Thiên Thai lắm! Làm gì có Thiên Thai trong đời thực nên không có đường lên Thiên Thai. Hoàng Hạc Lâu thì có thật, nhưng tiên ở Lầu Hoàng Hạc chỉ là hư truyền. Thiên Thai hay Bồng Lai cũng chỉ là hư truyền.

Những tác giả như Tản Đà thuộc đầu thế kỷ 20, Thế Lữ thời tiền chiến, Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn thuộc thời kỳ chinh chiến. Và Hoàng Hạc Lâu, như thế đã chấm dứt trong văn học Việt Nam!

Không phải vậy. Mãi đến 1968, Vũ Đức Sao Biển còn viết Thu Hát Cho Người. Thính giả, nếu có theo dõi một dòng xuôi văn học như trình bày ở trên, sẽ không ngạc nhiên khi nghe “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.” Hoàng hạc còn bay đấy, nhưng Hoàng Hạc ngày nay có khác gì Hoàng Hạc của Thôi Hiệu ngày xưa? Tiên cuỡi hạc về cõi tiên. Tiên là cõi người đời mơ ước. Vậy thì khi “hoàng hạc bay mãi bỏ trời mơ” thì người đời nay đã đánh mất niềm tin rồi chăng?

Dù còn niềm tin hay không thì hạc vàng cũng sẽ bay ngàn năm và “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.”

Thời gian và không gian bao giờ cũng vô cùng vô tận!

Một hôm nào đó, nghe “Thu Hát Cho Người” , nghe “hoàng hạc bay mãi…” và chúng ta thấy vui. Té ra người ngàn năm trước và người đời nay vẫn còn gặp nhau!





VVM.19.9.2024-NVATCHLH.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .