Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        





CUỘC XÂM LĂNG BẰNG VĂN HÓA
CỦA PHƯƠNG BẮC QUA VĂN KHẮC Ở VIỆT NAM

  


1-Đặt Vấn Đề:

     Trong khuôn khổ bài viết hết sức nông cạn này, chúng tôi chỉ bước đầu nghiên cứu cuộc xâm lăng về Văn hoá của phương bắc qua văn khắc ở Việt Nam .
    Qua các cuộc " điền dã" thực tế và với nguồn tư liệu ở các thư viện Việt Nam còn rất hạn chế , chắc chắn bài viết còn nhiều sơ hở .Rất mong các Bậc Cao Minh chỉ giáo thêm.

     2- Thực Trạng Văn Khắc về cuộc Xâm Lăng Văn Hoá của phương Bắc ở Việt Nam

     2.1 Theo địa phương : Văn khắc có dấu vết văn hoá phương Bắc cũng chỉ tập trung ở một vài địa phương. Đó là Bắc Ninh, Hưng Yên ,Hà Nội, Vĩnh Phú,Quảng Ngãi, Quảng Nam, Sài Gòn, Đồng Nai, Kiên Giang .
Địa phương đáng lưu ý Bắc Ninh, Quảng Nam và Sài Gòn.

2.2 Theo thời gian:
     Loại văn khắc này rải rác theo thời gian các năm :

798,1450,1597,1640,1647,1656,1661,1664,1671,1686,1697,1729,1735,1737, 1740,1769,1782, 1791,1800,1809,1811,1812,1818,1820,1828,1830,1834,1840,1842, 1844,1845,1848,1853,1856,1859,1860,1867,1871,1872,1875,1885, 1886,1894,1897,1898,1900,1901,1902,1906,1908,1919, 1936,1954,1967,1968,1969,1972,1973,1974,1988,1991,1995.

Như vậy nhiều nhất là thế kỷ 17,18, 19 chủ yếu ở phía Bắc và Thế kỷ 20 chủ yếu ở Sài Gòn.

     3. Những Nhận Xét

     3.1. Dấu vết cổ nhất:
     Có lẽ văn khắc liên quan đến văn hoá người Hoa ở Việt Nam còn dấu vết sớm nhất đó là Văn bia Chuông xã Thanh Mai ( năm 798 đời Đường ). Chuông 4 mặt, ghi nhiều người Hoa có quê quán Trung Quốc lấy vợ người Việt và sống ở đất Việt đã làm công đức đối với chùa ở xã Thanh Mai. Hoặc Hà Văn Tấn trong bài Minh văn và lịch sử Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội ,năm 2002,trang 64) có nói về một số viên gạch tìm thấy ở Mộ họ Đỗ (Hoài Đức) có chữ Hán, dòng chữ trên viên gạch liên quan đến cuộc nổi dậy của Lư Tuần vang dội ở Trung Quốc.Năm 411 sau mấy lần đánh thua chạy về Hợp Phố rồi vào Long Biên, những người Việt đi theo Lư Tuần đều tự tử.
Văn khắc năm 1450 tại chùa Phúc Thành ( Bắc Ninh) có nhắc đến vị hoà thượng người Phúc Kiến, sau khi chạy sang nước ta triều Minh, Cảnh Thái 8 (1450-1497) đã dựng chùa Phúc Thành.

     3.2. Dấu vết các nhà sư:
     Văn khắc để lại dấu vết một số nhà sư phương bắc hành đạo ở Việt nam.
     Văn khắc 1647 tại chùa Ninh Phúc có nhắc đến nhà sư người Bắc quốc sinh 1590 mất 1644, ông đạo cao đức trọng, thuộc hàng bồ tát sống, lòng từ bi rộng lớn, thương sót giúp đỡ người nghèo, được các bậc vua chúa tôn trọng . ông họ Lý, hiệu Chuyết Chuyết, đạo hiệu Thích Viên Văn .
     Văn khắc 1686 tại chùa Vạn Phúc Phật Tích, có nhắc đến có nhà sư người bắc quốc tên là Viên Hiệu rất tinh thông đạo pháp, đựơc tặng phong "Phổ giác hiến tế đại đức thiền sư", được Vương đệ là Dũng quận công vời vào cung để tham thiền và tôn làm tổ sư. Nhà sư mở đàn giảng kinh được các cung tần và thiện tín thập phương tấp nập đến dự.
     Chùa Vạn Phúc, Tiên Du có nhắc đến: Chúa Trịnh Thanh Vương vời nhà sư Chính Giác người bắc quốc, lập đạo tràng, truyền đạo cho Trưởng công chúa, con Hoàng Thái hậu họ Trịnh, 26 tuổi đi tu. Sau hơn 10 năm Trưởng công chúa có đạo pháp tinh thông.

Văn khắc 1664 tại chùa Quang Ân Dịch Vọng Từ Liêm ghi nhà sư quê quán nước Đại Minh, ngôi chùa này vua và Hoàng Hậu tâu xin thánh thượng ban cho chùa 5 mẫu 2 sào.
     Tại Thừa Thiên- Huế: Chùa Hà Trung xã Phú Xuân huyện Hương Trà văn khắc 1729 nói đến Sắc phong của Chúa Nguyễn cho Hoán Bích Thiền sư, pháp danh Nguyên Thiều, tự Hoán Bích, người phủ Triều Trâu tỉnh Quảng Đông ( TQ), năm Ất Tỵ sư này đến Phú Xuân, dựng 10 Tháp Di đà, mở tự viện truyền giáo và trụ trì chùa Hà Trung.Sự thọ 51 tuổi. Được ban thuỵ là Hạnh đoan thiền sư, được chúa Nguyễn ban sắc là Quốc ân đường thượng Lâm Tế thiền sư.
     Tại Quảng Nam,Chùa Chúc Thánh xã Cẩm Phô Hội An, ghi rằng Vị hoà thượng Chấn Tích người phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến, sau khi chạy sang nước ta vào năm giáp tý niên hiệu cảnh thái Triều Minh (1450-1457) đã dựng chùa Chúc Thánh. Chùa này đời Nguyễn được trùng tu nhiều lần.

3.3. Về Sỹ Nhiếp và các nhân vật khác:
     Có nhân vật đã để dấu ấn trong văn hoá Việt Nam.
     Tuy văn khắc gần đây,Văn khắc tại xã Lũng Khê, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh có nhắc đến Sỹ Nhiếp .ví dụ Bia dựng năm 1661 do Nguyễn Tính Lễ bộ tả thị lang soạn có kể: Sỹ Vương nước Lỗ (Trung Quốc), là 1 vị chân nho sang Nam Châu làm Thứ Sử,lấy đạo đức nhân nghĩa trị dân, coi trọng văn học, khiến nước ta trở thành nước văn hiến, được ngươì trong nước quy phục, ông đóng trị sở ở Luy lâu, cai trị 40 năm , thọ 90 tuổi.
     Còn ở Lập Thach Vĩnh Phú tại văn chỉ Tổng Sơn Bình theo văn khắc 1812 thì có thờ Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp, 1853 thờ các tiên hiền, Sỹ nhiếp thờ ở Từ Vũ.
     Văn khắc ở thôn Thượng Hồng, Võ Giàng có nhắc đến Cao sơn đại vương người nước đại Minh, tiến sỹ, nguyên soái, hồi vua Lê Tương Dực đánh bại loạn thần đến đền Cao sơn ở Hoàng hoá Thanh Hoá cầu đảo, từ đó các danh sơn đều lập đền thờ phụng. Văn khắc có ghi Sắc phong thời Gia Long 9 và Tự Đức 3.
     Ở Nghệ An tại xã Quán Tuần, văn bia 1842 có nhắc đến huyền thoại sự tích Cao Biền đời Đường phá đá để thông đường vận chuyển, được trời dấy sấm sét trợ giúp.
     Ở Hải Dương, đình Lê Xá, Kinh Môn, văn khắc 1737 ghi lại Đỗ Đại người TQ nghe nói Nam bang bị giặc giã xâm lấn đã tự nguyện đến xin giúp vua thu hồi lại đất nước đã bị xâm chiếm .Khi về đến Lai xá thì hoá.Vua Lý Anh Tông đi đánh giặc phương Bắc sang xâm lược, vua đến đây cầu đảo thì đã dẹp yên được giặc. Vua đã phong "Tối linh hiển thánh".

     3.4. Về Gia Phả:
     Gia phả họ Ngô của Ngô Thì Sỹ - Ngô Thì Nhậm: Văn bia họ Ngô tả Thanh Oai đã khắc : " Tiên tổ họ Ngô từ nhà Thanh ( Trung Quốc) đến ngụ cư ở Việt nam được 20 đời, văn bia do Ngô Thì Nhậm soạn.

     3.5. Về lái buôn:
Qua văn khắc thấy lái buôn TQ để lại nhiều dấu vết văn hoá ở Hà Nội, phố Hiến Hưng yên,Hội An và Sài Gòn.
     Văn khắc 1687 tại đền Bạch mã cho rằng đền do Mã Viện lập ra.Khi trùng tu 1687 có ghi công đức của nhiều hiệu buôn của người Hoa gốc Giang Tây,Quảng đông, Phúc Kiến,Hồ Quảng,Giang nam, Vân Nam.
     Văn khắc 1820 tại đền Bạch Mã có khắc tên các hiệu buôn người Hoa gốc Quảng đông , Phúc Kiến , Triều Châu góp tiền của để tu sửa đền Bạch mã. Văn bia do TS 1799 Phạm Quý Thích soạn 1820 " các cửa hiệu người Hoa cúng 3000 ( ba nghìn ) lạng bạc mở rộng đền Bạch mã.
     Văn khắc do Tiến sỹ 1775 Phan Huy Ích soạn vào năm 1817 tại Hôị quán Phúc Kiến phố Lãn Ông ghi lại tín ngưỡng dân gian về Thiên phi/Thiên hậu người giúp dân lành,cầu đâu được đó,cuộc sống ấm no. Văn khắc nhắc đến năm 1815 thì mua đất, mua gỗ từ Nghệ An, cử người về Phúc Kiến tạo Thần tượng, năm 1816 hoàn thành rước tượng an vị thờ phụng.Từ đó làm ăn phồn thình. Bia còn ghi công đức tiền bạc của 32 người Hoa .
     Văn khắc 1830 tại Hội quán Việt Đông ( Hàng Buồm) đã ghi tên nhiều người Hoa ở Hà Nội , Thanh Hoá, Hải Phòng đóng góp trùng tu Hội quán này. Hội quán này được xây dựng từ năm 1800-1803, kinh phí đến 7000 ( bảy nghìn) lạng bạc, có cửa hiệu đóng góp đến 55 lạng bạc.Văn khắc ở Hội quán đã nhắc đến: Người Hoa cư trú, làm ăn lâu đời quây quần thành phường hội. Ơn nhờ thần linh nước Nam phù trợ buôn bán phát triển ngày càng thịnh vượng. Hội quán đã trùng tu nhiều lần 1815,1819,1820. Nơi này phối thờ linh vị Quan thánh đại đế, Thiên hậu nguyên quán, Phục ba mã đại nguyên soái.
Văn khắc 1735 tại chùa xã Tây Tựu ,Từ Liêm nhắc đến bà họ Lâm gốc TQ là thương gia giàu có đã cúng 72 quan tiền và 1 mẫu 3 sào ruộng cho 12 giáp để đóng thuế.Ngoài ra bà còn xuất tiền tạo tượng Phật ở chùa và xây cầu ở chợ xã. Bà được dân bầu là Hậu Phật.
     Văn khắc 1741 Hội quán Dương Thương đã ghi :Hội quán là nơi hội đồng nghị sự, dàn xếp bất hoà, tương trợ nhau giữa các nhà buônTQ trong việc buôn bán sinh nhai. Họ có thể lệ về chữa bệnh, cứu nạn, tai nạn chết người. Hội quán không chứa chấp côn đồ và bọn nghiện thuốc phiện.
     Tại Quảng Ngãi, Hội quán Quỳnh Châu Tư Nghĩa, ghi năm Đạo Quang ( 1821-1851 ) có 180 người Quỳnh Châu ( TQ) sang Việt nam buôn bán đã hy sinh vì nghĩa. Năm 1875-1900 xây Hội quán đã có nhiều khách thập phương qua đây đóng góp công đức.

Năm 1879 tại Hội quán Triều Châu Quảng Ngãi đã ghi: Nghĩa từ là nơi thờ cúng, vừa là nơi tụ họp qua lại cho thương nhân trong và ngoài nước. Văn khắc còn ghi lại thể lệ nộp thuế. Nếu thuyền đến lần đầu phải nộp 100 quan tiền sử. Hội quán còn có 4 cái cân thuận tiện dùng chung, nhằm tránh tranh cãi. Còn nếu xuất đường cát thì cứ 100 hộc nộp 12 đồng, nếu xuất dầu 100 hộc nộp 30 đồng.

3.6. Con rể:
Dấu vết con rể Việt gốc Hoa rất coi trọng công đức ở quê vợ mình.
     Như phần trên đã nhắc đến:Có lẽ văn khắc liên quan đến văn hoá người Hoa ở Việt Nam còn dấu vết sớm nhất đó là Văn bia Chuông xã Thanh Mai ( năm 798 đời Đường ). Chuông 4 mặt , ghi nhiều người Hoa có quê quán Trung Quốc lấy vợ người Việt và sống ở đất Việt đã làm công đức đối với chùa ở xã Thanh Mai.
     Đình Gia Quất Gia Lâm , văn khắc năm 1809 nhắc đến ông họ Trịnh quê Quảng Châu sang ngụ cư phường Hà Khẩu, lấy vợ họ Hoàng , có 5 con gái. Năm 1809 sửa đình, con gái đã xin gửi giỗ cho cha mẹ và còn tiếp cúng 3 mẫu ruộng để làm chi phí thờ cúng cha mẹ lâu dài.
     Văn khắc 1886 chùa Từ Ân Hà Nội có nhắc: Chùa Từ Ân vốn do ông Lưu Yến Hoa người tỉnh Quảng đông xây dựng 1843. Cháu gái đời thứ 18 dòng họ Lưu đã cúng 400 quan tiền kẽm để sửa chùa, cầu nguyện sống lâu cho người trong tộc họ .
     Văn khắc 1872 tại chùa Từ Ân còn nhắc đến người Quảng Đông nhà Thanh sang nước Nam lập nghiệp, cưu trú tại phường Diên Hưng, huyện Thọ Xương, có người thím không có con, được ông rước về nhà nuôi dưỡng, người thím mất, ông ta để tang 3 năm, xin xuất 300 quan tiền gửi chùa Từ Ân để cầu mong hương hồn thím mình được siêu thoát, gia quyến đựoc bình an mạnh khoẻ.

Văn khắc 1768 tại Đình Xích Đằng , Kim Động nhắc đến Phan Ngũ Khanh huyện Nam Hải Phủ Quảng Châu tỉnh Quảng Đông nước Thanh cùng vợ là Mã Thị Bé cúng 60 quan và 6 sào ruộng để dân làng lo việc quan dịch. Vợ chồng đã đựoc bầu là Hậu thần và Hậu Phật..

3.7. Về Nghĩa Trang:
     Người Hoa rất coi trọng nơi yên nghỉ ngàn thu của cộng đồng của mình ở Việt nam..
     Tại Đồng Nai có Bia lăng Trịnh Hoài Đức (gốc Minh Hương) tại thị xã Biên Hoà,do con trai dựng bia,bia khổ 20 x 42 cm."Hiệp biện đại học sỹ, hữu trụ quốc, Vĩnh lộc đại phu ,Thiếu bảo cân chính đại hoc".
     Tại Kiến Giang, có văn khắc 1974 tại nghĩa Trang Thọ Nhi thị xã Rạch Giá: Kiên giang là tỉnh giàu có . Người Hoa đến ở nhiều, nhưng nhân sỹ không nhiều , lại không có đoàn thể. Khi mất họ không có nơi an táng cố định. Nănm 1967, những người đồng hương hô hào mua đất làm nghĩa địa.

4- Kết Luận

     Năm 1999 thị trường sách có cuốn "Bia chữ Hán trong Hội quán người Hoa tại TP.HCM",. Chúng tôi không nhắc lại các văn khắc này trong bài viết này.
     Và nếu tới đây 40 tập Tổng tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam hoàn thành (mỗi tập khoảng 75 USD) thì giúp độc giả có thêm chứng cứ vết tích sự xâm lăng bằng văn hoá phương bắc ở Việt Nam qua kho tàng đồ sộ văn khắc này.
     Trên đây vì trình độ thấp kém, nên bước đầu chúng tôi chỉ mới cung cấp những thông tin sơ bộ về chủ đề này./.

Tư liệu tham khảo chính :
1- Hà văn Tấn" Minh văn và lịch sử" , Nhà xuất bản KHXH , hà Nội ,2002.
2-Phố Hiến kỷ yếu hội thảo khoa học năm 1994.
3- "Bia chữ Hán trong Hội quan người Hoa tại TP HCM" , Hà Nội,1999.
3- Nhóm Nguyễn Quang Hồng : Văn khắc Hán Nôm Việt Nam , nhà XB KHXH , Hà Nội 1993.
4- Nhóm Trinh Khắc Mạnh Thư muc văn khắc Hán Nôm Việt Nam , Hà Nội 2008
v.v...




VVM.19.9.2024- NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .