Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




LONG MẠCH

  


L ong mạch là nơi chôn người chết, đất kết phát thì con cháu làm quan, làm tướng, làm vua… Tác dụng của Long mạch có hay không? Tôi nghĩ có thể có, đó là những mạch nhỏ ở cấp xã, phường, quận mà thôi. Ở một xã nọ, tôi nghe gia đình nói phần mộ của gia tộc là do thầy địa lý coi và nói đó là Long mạch. Sau khi chôn bà mẹ độ hai mươi năm, đứa con trai làm Chủ tịch xã. Ít lâu sau, đứa cháu nội làm Hội đồng xã (?). Hàng con của bà ấy, một đứa qua đời cũng đem chôn ở phần mộ của gia tộc đó. Độ mười năm sau, một đứa con tức là cháu ngoại của bà cụ kia cũng được cử và đắc cử Hội đồng Phường ở một tỉnh khác. Qua sự kiện tôi thấy thì phải nói là Long mạch nhỏ có kết phát nhưng lớn hơn xã, quận thì phải nói là do âm đức.

Câu thiệu của Long mạch là: Long đình, Khí chỉ, Thủy tụ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, trước Chẩm, sau Án. Thanh Long, Bạch Hổ, Chẩm, Án khó nhận biết vì đó là những gò cao hay trái núi. Chỉ có Thủy tụ là rõ, đó là đường nước bao quanh khu mộ. Tham quan lăng vua Thiệu Trị, tôi thấy rõ là có con rạch bao quanh ngôi mộ và hội tụ trước mộ, có lẽ từ đó chảy ra sông. Đương nhiên Chẩm, Án, Thanh Long, Bạch Hổ thì tôi không nhận biết được. Con vua Thiệu Trị là Hồng Nhậm tức là vua Tự Đức. Các vì vua kế tiếp đều là con cháu của vua Thiệu Trị cả (cháu nội).

Ở miền Nam sông rạch khắp nơi, vị thế Long mạch là ở khắp nơi chăng? Nhưng Thanh Long, Bạch Hổ, Chẩm, Án là khu đất gò cao khó nhận định lắm. Thông thường dân gian thường nói mồ mả ông cha ở vùng ruộng thì con cháu dễ làm ăn, có lẽ là do thế sông ở khắp nơi chăng?

Khi du lịch ra Phan Thiết (?), có người địa phương dẫn ra mộ của Ba ông Tổng thống Thiệu và chỉ rằng chỏm núi kia là thanh kiếm thiêng giúp uy lực cho Tổng thống. Chỏm núi đó đổ là Long mạch mất linh khí, là ngôi vị của Tổng thống lung lay. Tổng thống Thiệu cho một đại đội đóng quanh chưn núi để giữ. Bỗng một đêm mưa, chỏm núi gãy ngang đổ xuống. Sau đó, tình hình đất nước mỗi ngày một rối, Tổng thống Thiệu từ chức và ra nước ngoài. Đứng nhìn lăng mộ của Ba Tổng thống Thiệu, tôi thấy nó bình thường như bao ngôi mộ người bình dân thôi. Tôi cũng không thấy Thủy tụ ở đâu vì mả ở giữa ruộng. Còn Thanh Long, Bạch Hổ, Chẩm, Án thì tôi không nhận định được.

Đi tham quan miền Tây, tôi có tham quan mả Ba của Bác Tôn ở trên một đảo của sông Hậu, xa bờ sông một mức độ vừa phải. Như vậy có thể nói có Thủy tụ ở thân long. Như vậy hóa ra mả của dân ở các đảo giữa sông Tiền, sông Hậu, đại bộ phận là chôn đúng vào các Long mạch à? Các con cháu họ nối tiếp nhau làm lãnh đạo quấc gia cả à? Có lẽ không phải, không đúng đâu. Các nước Ấn Độ, Cambodia… khi chết, họ đem thiêu rồi lấy tro cốt rải xuống sông, chỉ giữ một ít mảnh xương còn sót lại bỏ vô hũ rồi đem vô chùa để. Như vậy thì Long mạch ở đâu? Đâu là chỗ kết phát?

Nói đến Long mạch ở Việt Nam, ai cũng cho rằng Tả Ao là người giỏi nhứt, nhưng ta không nghe thấy con, cháu của Tả Ao đỗ Tiến sĩ, được làm quan, làm tướng, làm vua gì cả. Tại sao ông không tìm Long mạch để đặt mộ cho gia tộc ông để được vinh quang. Phải nói rằng thời ông Tả Ao, dân ta còn ít, rừng núi đất hoang còn nhiều lắm, ông cứ tìm Long mạch nơi đất hoang mà đặt thì có ai nói gì ông. Như vậy, theo tôi, tôi cho là Long mạch là do người ta vẽ vời, nêu ra để mà bàn chơi mà thôi. Muốn được ngôi cao sang trọng là phải tích đức chớ không phải đặt mộ.


MẢ PHÁT VUA, CHÚA


Mả phát vua, chúa do Nghĩa tôi đọc báo hay nghe kể trong thời còn đi học. Điều nhớ điều quên. Không biết người viết báo, người kể có in thành sách không, nếu không kể lại e nó mai một mất. Nghĩa tôi kể lại để nhắc có giai thoại như vậy. Nếu ai thấy sách báo nào thì xin giữ lại để viết lại cho hay hơn. Đương nhiên khi kể, tôi cũng sắp xếp sự việc cho có lý, có thể tin được chớ không phải nhớ sao kể vậy.

1. Long mạch của Đinh Tiên Hoàng đế

Đinh Bộ Lĩnh là con ông Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan Châu thời Khúc Thừa Hạo. Ấy vậy mà tôi nghe biết là mẹ ông bị con Rái cá hiếp có mang mà sanh ra ông. Con Rái cá bị giết, bà lấy xương của nó để trên trần nhà. Có tên thầy Địa lý Tàu nhìn ở chỗ vịnh trên sông Hồng cho là long mạch lớn nên nhờ chú bé Bộ Lĩnh lội giỏi, có tài lặn sâu dưới nước xuống rờ ở khu vực đó xem sao. Lên, Bộ Lĩnh nói ở đó có một một hang, xung quanh có nhiều chỏm đá như râu. Tên Địa lý đưa cho Bộ Lĩnh một bó cỏ biểu xuống cho vô miệng hang xem sao. Lên, Bộ Lĩnh nói miệng hang thâu vô trong. Tên Địa lý Tàu cho tiền rồi đi. Ít lâu sau hắn trở lại, tìm Đinh Bộ Lĩnh, đưa hai bó và nhờ Bộ Lĩnh lặn xuống cho bó cỏ vô miệng hang rồi đưa bó thứ hai tiếp vô. Bộ Lĩnh cho bó cỏ vô xong, rờ bó thứ hai thấy lộm cộm nên máng ở một cái râu rồi lên nói miệng hang nuốt vô hết rồi. Bộ Lĩnh cho rằng đó là Long mạch nên hỏi mẹ hài cốt của cha. Bà mẹ chỉ bộ xương con Rái cá. Ông đem bộ xương nhét vô miệng hang rồi sau phát làm vua.

Tôi cho rằng chuyện nầy do người Trung Hoa bịa ra để nói xấu vị vua anh hùng của Việt Nam ta mà thôi. Chuyện nầy có lẽ để giải thích nước sông Hồng có màu đỏ. Khi xem thiên văn, tên Địa lý Tàu thấy đất phát lớn ở phương Nam, hắn sang xem và biết bị tráo hài cốt. Có lẽ Đinh Bộ Lĩnh bốc mộ cha, lấy hài cốt gói lại và cho vô hang tức là miệng Rồng. Tên Địa lý Tàu thấy cần phá mạch đất nầy kẻo có hại cho Trung Hoa, hắn trở sang, tìm Bộ Lĩnh và nói chỗ hang đá đó là miệng rồng, và biểu Bộ Lĩnh đem treo cây kiếm phép nầy vô đầu rồng cho nó thêm uy. Nước cuốn, cây kiếm cứ cứa vô đầu rồng. Đầu đứt, máu tuôn đỏ cả sông và nhà Đinh cũng mất. Điều nầy vô lý vì râu Rồng ở miệng Rồng. Vị trí gươm treo ở đâu? Tại sao cây gươm không bị rớt xuống sông? Tôi cho rằng gươm chỉ làm xây xát miệng Rồng chớ không đứt cổ được. Rõ ràng đây là chuyện bịa. Cũng có chuyện kể rằng Bộ Lĩnh rờ thấy có con ngựa đứng dưới đáy vực và treo kiếm để nó cứa đứt đầu ngựa. Nhưng treo ở đầu ngựa thì treo ở đâu cho nó cứa đứt đầu ngựa? Tôi cho rằng cả hai chuyện đều là chuyện bịa đặt thô thiển cả.

2. Long mạch của vua Lý Thái Tổ

Lý Thái Tổ tên là Lý Công Uẩn. Cha ông là Lý Khánh Đản, em của ông sư Lý Khánh Vân. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn, đốn củi bán để kiếm sống. Những khi mưa to gió lớn thì vô một ngôi chùa tạm trú và cũng làm công quả cho chùa. Sư không cho ở trong chùa nhưng ngụ ở cổng tam quan thì không đuổi. Khi biết vợ Lý Khánh Đản có mang thì sư đuổi đi. Hai vợ chồng dắt dìu nhau lần đến chùa Lý Khánh Vân tu để mong nương tựa sau khi vợ sanh. Trên đường đi, Lý Khánh Đản trở lại giếng để lấy nước thì té xuống giếng. Đợi lâu quá không thấy chồng trở lại, bà đi tới giếng thì thấy mối đã đùn lấp miệng và nhô cao lên khỏi mặt đất. Bà đi lần đến chùa Lý Khánh Vân tu mà sống lây lất và nghỉ ở cổng tam quan. Một đêm, nhà sư nghe có mùi hương thơm nức cả chùa, ngó ra cổng tam quan thì thấy sáng rực. Nhà sư sai bà hộ chùa ra xem thì thấy người đàn bà sanh một đứa con trai. Khi bà hộ chùa trở ra thì người đàn bà đã chết nên bồng đứa bé vô chùa. Nhà sư đặt tên là Lý Công Uẩn và dạy học cho nên người. Ông ra làm quan cho nhà Tiền Lê. Khi Lê Đại Hành Hoàng đế băng, Lê Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết. Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc nên Long Đỉnh khen là trung và thăng chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Long Đỉnh tức vua Ngọa triều mất, vì con còn nhỏ, triều thần lại ghét vua Ngọa triều tàn ác nên tôn Lý Công Uẩn lên làm vua lập ra nhà Lý.

3. Long mạch của Tướng quân Trịnh Kiểm, sau nầy con là Trịnh Tùng tức Chúa Trịnh

Trịnh Kiểm nhà nghèo lắm. Mẹ Trịnh Kiểm lại thích ăn thịt gà. Nhà không có, Kiểm bèn đi ăn cắp gà hàng xóm về cho mẹ ăn cho nên hàng xóm ghét bà ấy lắm. Một hôm Trịnh Kiểm đi vắng, hàng xóm tới bắt bà ấy quăng xuống cái vực gần nhà. Đêm hôm ấy trời mưa to gió lớn sấm sét đầy trời. Sáng hôm sau, vực ấy nổi lên thành một ngôi mộ lớn. Mẹ mất rồi, Kiểm lêu bêu tha phương cầu thực sang tận Ai Lao. Kiểm xin vào chăn ngựa cho ông Nguyễn Kim. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê nên Nguyễn Kim rước con vua Chiêu Tông lập lên làm vua tức là vua Trang Tông và chiêu mộ quân sỹ để chống nhà Mạc phục nghiệp cho nhà Lê. Một hôm Nguyễn Kim hỏi chuyện thì thấy Trịnh Kiểm nói năng lưu loát và tỏ ra có tài có trí, có khí phách anh hùng nên cho theo ngài để đánh giặc. Trịnh Kiểm lập được nhiều công to nên Nguyễn Kim gả con gái cho và cử làm tướng. Khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết, binh quyền thuộc về tay Trịnh Kiểm cả. Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng tiếp sự nghiệp trùng hưng nhà Lê, đuổi được họ Mạc, nắm trọn binh quyền trong tay, lập phủ Chúa, vua Lê chỉ là hư vị. Ch úa Trịnh truyền được tám đời, đến đời Trịnh Khải thì bị nhà Tây Sơn bắt, ông tự tử. Họ Trịnh chấm dứt.

4. Long mạch của nhà Tây Sơn

Anh em Tây Sơn ở làng Tây Sơn tỉnh Quy Nhơn (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức). Một hôm Nguyễn Huệ đi chơi, một người Trung Hoa nhờ đào giùm một chỗ đất. Đào xuống sâu độ hai ba thước thì tới một lớp đất vàng ánh rất đẹp. Nguồi ấy biểu lấp lại và cho ông một ít tiền công. Một thước ngày xưa có người nói là một cánh tay tính từ cùi chỏ tới đầu ngón tay. Theo Việt Nam tự điển thì một thước đo may là 27 đồng tiền kẽm hiệu Gia Long nối dài nhau. Một đồng xu theo mắt thường tôi thấy thì đường kính độ 2cm. Vậy một thước là 2cm x 27 = 54cm. Như vậy, một thước xưa dài độ chừng trên dưới năm tấc thôi.

Nguyễn Huệ về bàn với hai anh, có khi đó là l ong mạch nên đem hài cốt ti ề n nhơn mình ra đó táng và táng sâu hơn nhiều để cho tên Tàu không biết. Nhưng táng sâu là mạch mau phát mà mau phát có khi cũng mau tàn chăng? Khi tên Trung Hoa trở sang, hắn thấy thế đất đã chuyển nên biết có người táng ở đó rồi. Khi mạch đã chuyển phát thì có thần linh bảo vệ. Nếu ai động đến sẽ bị sét đánh chết. Vì mạch lớn có hại cho Trung Hoa nên hắn phá bằng cách rèn một cây gươm phép, xem thế chuyển động của đất, hắn đặt cây gươm cách xa huyệt mả nhưng theo sự chuyển dịch của thế đất, thanh gươm tiến lần đến huyệt mả. Nếu chôn cạn, có khi gươm đâm trượt bên dưới chăng? Âu là số cả. Khi thanh gươm đâm vô huyệt mả thì long mạch đó sẽ chết, người phát vua đó sẽ chết và mạch không còn tác dụng gì đến gia tộc đó nữa.

Khi thấy nhà Tây Sơn lập nên sự nghiệp lừng lẫy, tên Trung Hoa tìm cách hại ngài. Hắn nuôi một con quái vật có khả năng phun ra độc tố cực mạnh và huấn luyện để điều khiển được nó. Con quái vật được đặt một nơi xa cung điện vua Quang Trung nhưng điều khiển cho nó tiến tới cung điện. Khi tới gần thì điều khiển cho nó phun độc tố. Trước cung điện, nhà vua nuôi nhiều con nhím. Nghe động, con nhím tiến ra bắn lông vô con quái vật, nó chỉ làm chậm bước con quái vật thôi. Viên quan bảo vệ bên ngoài trúng độc nằm mê man. Nghe động, vua Quang Trung bước ra vói tay lấy thnah kiếm thì Ngài dựa vô vách đứng chết sững. Ngài thấy có 12 người đứng từ Ngài ra tới cửa, họ cầm những thứ binh khí lạ lùng lắm. Một người tung một vật thì có tiếng sét nổ chát chúa. Đức vua tỉnh lại, viên quan bên ngoài cũng tỉnh lại. Tới xem hiện trường thì thấy hình dáng con quái vật chỉ là một vùng khói trắng mà thôi.

Đức vua cho người về ngôi mộ long mạch xem tình hình thì được báo là nét uy nghi cũng như vầng mây ngũ sắc che trên ngôi mộ không còn nữa và lại nghe dưới mộ có tiếng động rào rào. Long mạch đang bị phá nhưng không ai biết làm sao mà cản lại.

Ít lâu sau, bất ngờ vua Quang Trung băng hà. Sau đó một ít lâu, vua anh là Thái Đức hoàng đế cũng băng. Cuối cùng, nhà Tây Sơn bị tiêu diệt.

5. Long mạch của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Ba của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khả, một vị đại thần của triều Nguyễn. Khi ông qua đời, gia đình chọn đất an táng. Rất tiếc tôi không có dịp tham quan nơi mộ ông Ngô Đình Khả nên kể lại sự việc theo suy nghĩ của tôi có khi kém chính xác đấy. Đường đi đến nơi an táng là đồi, núi, rừng nên việc khiêng quan tài đi nó không mau như dự kiến. Đi khoảng hơn nửa đường thì đoàn đưa ma bàn rằng nếu tới nơi an táng, an táng xong thì trời tối, đường về có bảo đảm an toàn cho cả đoàn người không? Nếu chẳng may có người bị thú vồ thì đau lắm. Để tạm đây mà trở về cho an toàn rồi sáng mai lên sớm để khiêng tới nơi an táng, táng xong thì trời chưa tối để về cho an toàn là hơn. Gia đình Tổng Thống theo đạo thờ Chúa nên không câu nệ về giờ giấc. Có lẽ ai cũng cho rằng mạng người là quý, cần phải bảo vệ cho tốt.

Quan tài để giữa đường, mọi người trở về. Nhưng họ để như thế nào? Tôi cho rằng ít nhứt họ cũng để tránh đường đi, nép một bên để không cản lối đi vì nếu voi đi mà bị cản, có khi nó hất văng hay giẫm nát quan tài đấy. Có khi họ cũng đào sâu xuống một vài tấc để rủi bị đụng thì không nghiêng ngã. Người xưa cữ quan tài bị nghiêng lắc.

Mọi người về nhà, sáng hôm sau tới thì mối đã đùn lấp kín quan tài. Gia đình cho rằng đây là ngôi thiên táng. Họ xây mộ bao quanh quan tài mối đó. Về sau, Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống cũng như làm vua vậy.

Một thời gian sau, sau một đêm mưa giông, sét đánh ngôi mộ nứt đôi nghĩa là long mạch đó đã chết. Sau cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết. Ngôi vị họ Ngô chấm dứt trên nước Việt Nam nầy từ đó.

Khánh Hội - Quận 4 Saigòn ngày 08-8-2018




VVM.21.7.2024-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .