Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


NHẬN ĐỊNH VỀ HIỆN TƯỢNG

PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH CỦA
TU SĨ TỰ DO THÍCH MINH TUỆ

  


G ần đây, trên mạng nổi lên một hiện tượng : Một Tu sĩ - vì hình tướng, ăn mặc giống y một Tu Sĩ của Đạo Phật : Đầu cạo sạch tóc, mặc Y phấn tảo, tức là bằng vải thừa nhiều màu mà người ta vứt đi, nối lại, rồi may thành Y. Tay ôm cái ruột nồi cơm điện, với gương mặt hiền từ, đi chân đất với đôi gang bàn chân chai, đen, dầy cả lớp vì ngược xuôi trên quốc lộ. Vị ấy không nhận mình là Sư, nên tôi xin được gọi bằng Tu Sĩ Minh Tuệ.

Từ năm 2017 thì Tu sĩ Minh Tuệ đã đi ngược xuôi như thế. Từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở vô Nam đã mấy bận, nhưng ít ai chú ý. Thời này thì có nhiều Yotubers, Tictokers, ai cũng muốn mượn cơ hội để quảng bá kênh của mình, nên Minh Tuệ đi đến đâu, họ cũng đi theo rồi quay hình ảnh, đưa lên. Cũng nhờ họ phổ biến nên nhiều người biết. Do đó, dân chúng quanh vùng rần rần đi theo. Có người quét sạch đường, lót lá, cho con đường Minh Tuệ sắp bước qua ! Có người quỳ lạy ! Có người mang nước, thức ăn, tiền bạc đến cúng. Có người cúng cái bát màu vàng chóe, không biết vàng thật hay mạ vàng ! Nhưng Minh Tuệ đều từ chối, và cho biết mỗi ngày chỉ dùng 1 bữa. Đã ăn rồi thì không nhận thêm. Cũng không nhận tiền bạc. Chỉ xin 1 bữa cơm đủ dùng trong ngày. Minh Tuệ không chỉ truyền cảm hứng cho một họa sĩ vẽ hình ảnh lên tranh, một nghệ nhân đã tạc tượng, mà ngành thời trang cũng nhanh chóng nhập cuộc, lăng xê bộ áo đầm. áo dài và veston, được kết nối bằng vải nhiều màu theo nghệ thuật patchwork !

Dư luận nổi lên nhiều chiều : Người thì cho rằng đó mới là bậc chân tu, thể hiện hình ảnh của Đệ Tử Phật ngày xưa. Người thì cho đó là Phật Thích Ca tái thế. Người thì đem so sánh hình ảnh một tu sĩ bỏ đời để chọn Hạnh Đầu Đà, một Y, Một Bát, chỉ ăn ngày một bữa, từ chối nhận tiền, đối chiếu với hình ảnh của các Sư trong Chùa ăn trên, ngồi trước, ra đường là kẻ hầu người hạ, lên xe, xuống ngựa, dù Chùa đã bề thế rồi nhưng mở miệng là kêu gọi cúng dường ! Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng vào cuộc, ra Công Văn cho biết nguời tự xưng là Thích Minh Tuệ đó không phải là Tu Sĩ chính thức của Giáo Hội Phật Giáo, và Minh Tuệ cũng đã trả lời là : “Con chưa bao giờ xưng mình là Sư. Cũng không có Chùa, không xuất thân từ tự viện nào nên công văn đó không ảnh hưởng tới con”. Dù GHPHVN không nhìn nhận Minh Tuệ là tu sĩ, nhưng sức ảnh hưởng đã lây lan. Hiện nay xuất hiện cả đoàn gần 20 người, cũng ăn mặc Y Phấn Tảo và ôm ruột nồi cơm điện đi bộ thành hàng dài theo sau Tu Sĩ Minh Tuệ ! Từ những ngày trước, Tu Sĩ Minh Tuệ cho biết không nhận đệ tử và không chịu trách nhiệm với những người đi theo, nhưng cũng không cấm cản. Họ muốn đi theo là tùy ý họ, nhưng đề nghị họ giữ trật tự.

Tục danh của Tu Sĩ Minh Tuệ là Lê Anh Tú, 43 tuổi, người ở Xã Kỳ Tân, Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh. Trước kia có thời gian tu tập ở một ngôi Chùa và được đặt Pháp Danh là Thích Minh Tuệ,. Sau đó hết duyên, rời Chùa nhưng vẫn giữ Pháp danh này.

Ban ngày Minh Tuệ đi bộ. Đêm đến thì ngủ ở nhà hoang hay nghĩa địa. Có người hỏi pháp thì Minh Tuệ không thuyết, vì cho là những gì cần thì đã có Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy. Minh Tuệ luôn khiêm tốn, xưng con với mọi người, xác nhận mình “Không phải là Sư vì đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó”. Không có Chùa. Không có mục đích. Không nhằm truyền tải điều gì, chỉ muốn thực hành những lời dạy của Đức Phật nhằm giúp hoàn thiện bản thân”. Mọi người đều biết Minh Tuệ đang hành theo Hạnh Đầu Đà của người tu Phật.

Vậy thì HẠNH ĐẦU ĐÀ là gì ?. Mục đích của Hạnh này là gì ?

Hạnh Đầu Đà gồm có 13 Hạnh :

1/- Hạnh Mặc Y Phấn tảo tức là bằng vải nhặt ở lề đường, nghĩa địa.

2/- Hạnh Chỉ mặc 3 Y : Xử dụng những miếng vải chắp vá lại và chỉ mặc 3 Y, không có y thứ 4.

3/- Hạnh Khất Thực : Đi xin để ăn trong ngày, ngày nào dùng ngày đó. Không để dành.

4/- Hạnh Khất Thực từng nhà : Đến từng nhà để Khất Thực, không phân biệt giàu, nghèo.

5/- Hạnh Tọa Thực : Ngồi ăn một lần. Đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại.

6/- Hạnh ăn bằng bát : Không nhận bát thứ 2

7/- Hạnh không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong.

8/- Hạnh ở trong rừng. Không ở trong làng, xóm.

9/- Hạnh sống bên gốc cây. Chỉ ở bên gốc cây, không sống trong nhà.

10/- Hạnh ở giữa trời. Chỉ ở ngoài trời, không sống trong nhà hay dưới tán cây.

11/- Hạnh ở nghĩa địa.

12/- Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được.

13/- Hạnh ngồi không nằm. Khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

Hạnh ĐẦU ĐÀ dịch từ Phạn Ngữ có nghĩa là “Trừ bỏ Phiền Não, trần cấu, cốt để tôi luyện thân tâm bằng cách diệt trừ lòng Tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của cuộc sống hàng ngày là : Cơm nước, áo quần và chỗ ở”.

Có người đã đặt ra câu hỏi ? Đi bộ, Hành hạ cái Thân như thế để được lợi ích gì ? Đó có phải là mục đích của Đạo Phật hay không ?

Xin lần lượt trả lời qua kinh nghiệm tham khảo khá nhiều quyển Chính Kinh của Đạo Phật.

1/- Mục đích của HẠNH ĐẦU ĐÀ đã được giải thích : Chỉ là nhằm để diệt trừ lòng Tham về CÁI ĂN, CÁI MẶC và CHỖ Ở.

Điều đó thì ta thấy Minh Tuệ đã đạt được, vì trong suốt thời gian từ bắt đầu vào hành trì từ 2017 đến nay, Minh Tuệ tiếp tục đi lang thang trên đường giống hình ảnh Bài Kệ được cho là của Đức Di Lặc :

Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trăng hỏi đường qua..”

Minh Tuệ vẫn kiên trì với Hạnh mình đã chọn. Không hối tiếc. Không buông bỏ. Nhìn vào nét mặt, ta thấy toát lên nét hiền từ. Đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn” thì ai nhìn vào cũng thấy phản ảnh một nội tâm vô tư, thanh thản, an nhiên của người đã buông xả, không còn vướng bụi hồng trần.

Minh Tuệ từng đi bộ đội. Từng là một nhân viên đo đạc của một xí nghiệp. Gia cảnh cũng thuộc loại khá giả, nhưng đã can đảm buông bỏ tất cả để sống chọn cuộc sống du sĩ lang thang. Không liên lạc với gia đình. Không cần biết tương lai như thế nào. Thậm chí Minh Tuệ từng tuyên bố : Nếu lỡ có bị tai nạn qua đời thì ai muốn làm gì thì làm, có chôn cất hay vất xuống sông cho cá ăn thì cũng không sao, không kiện cáo hay khiếu nại gì cả..” thì ắt là những gì Minh Tuệ đạt được trong cuộc sống buông bỏ, hành cái Thân và thiếu hẳn mọi tiện nghi vật chất trong hiện tại, hẳn là phải hơn cuộc sống đời thường trước kia. Điều đó càng làm cho nhiều người ngưỡng mộ. Vì dám bỏ cuộc đời, chấp nhận cuộc sống mức tối thiểu trong tình trạng cái Thân bị gò bó, chịu gian khổ như vậy chỉ để tìm Đạo Giải Thoát thì không phải ai cũng làm được.

2/- Điều quan trọng là Minh Tuệ cho biết mình đang Hành theo Hạnh của Phật Thích Ca. “Con đi tu là để cầu Giải Thoát. Đắc được đạo Vô Thượng Chánh Giác mới đền đáp được công ơn cha mẹ. Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, Thiền Định, trí tuệ, thoát được khổ đau, an lạc và hạnh phúc”. Có một số người đã ngưỡng mộ, cho rằng đó mới đúng là bậc chân tu. Hành trì như thế là chân chính, nên cũng đã bắt chước, sẵn sàng bỏ gia đình, sự nghiệp để tu theo. Số người chống đối cũng tăng lên, làm cho nhiều người lo sợ cho sự an nguy của Minh Tuệ. Vậy thì cuộc sống lang thang không làm ăn gì cả, chỉ xin ăn từng bữa để sống qua ngày đó có phải là mục đích tối hậu mà Đạo Phật mở ra để đào tạo tất cả những ai tu theo ? Nếu thật như thế thì con đường tu hành theo Đạo Phật có ích gì cho bản thân hành giả, cho Đạo, cho đời ?

Nhưng cũng có người đã phê phán : “Tự xưng là con, không là Tu Sĩ, ngủ màn trời, chiếu đất, sống từ của người khác cho. Cái Tôi và sĩ diện của người ấy ở đâu rồi? “. “Ai là người sẽ trồng lúa để có gạo cho thầy dùng ? Ai sẽ giữ bình yên trên những con đường thầy sẽ đi ?” Có người còn bảo “thầy nên kiếm một cái cốc mà tu, đừng có đi lang thang làm mất trật tự xã hội”. Nhiều người đã lên tiếng phản đối những người nêu ra. Nhưng theo tôi, chúng ta đừng vội bài bác, vì đó là những câu hỏi rất thực tế mà người tu Phật cần giải quyết rõ ràng cho bản thân sao cho hợp Đạo mà cũng không trái với Đời, vì chẳng lẽ Đạo Phật tự cho mình là Chân Lý, người theo mình phải có Trí Huệ, lại mở ra là để đào tạo người tu trở thành những kẻ ăn xin, sống dựa vào bá tánh trong khi họ vẫn có đủ sức khỏe, có thể làm việc để tự kiếm sống như mọi người ?

Chẳng lẽ tu Phật là phải bỏ hết việc đời ? Tách ra khỏi cuộc đời, mặc cho ai xây dựng hay tàn phá, trong khi đó lại hưởng dụng mọi thành quả của đời ? Như vậy phải chăng dụng ý của Phật là để chứng minh những người không chịu đi tu là những người Vô Minh, tiếp tục bám vào trần gian để hàng ngày đối mặt với phiền não, với cơm, áo, gạo tiền, trong khi những Tu Sĩ chỉ cần nhân danh tu hành là có thể dựa vào uy của Phật mà được ở nhà cao, cửa rộng, hưởng mọi tiện nghi, nên thong dong, an nhàn, vì mọi việc đã được bá tánh gánh vác cho ? Hay có dụng ý gì khác mà ta chưa hiểu hết ?

Để không phải trách oan cho Đạo Phật và có câu trả lời hợp lý, chúng ta cần xem lại mục đích cũng như phương tiện và kết quả cuối cùng mà Đạo Phật muốn huớng con người đến. Đồng thời qua đó xác định lại ta đã hiểu đúng, hiểu đủ về Đạo Phật chưa ? Bởi hết sức vô lý khi chúng ta Phát tâm bỏ nhà đi tu hành theo Phật mà không biết Đạo Phật dạy những gì ? Phải làm như thế nào ? Kết quả về đâu ? Phát tâm khi không biết mình cần tìm gì trong Đạo Phật ? Đạo Phật có thứ mình muốn tìm không ? Muốn đạt được phải làm những gì ? Làm như thế nào ? Chưa hiểu rõ mà đã “hạ thủ công phu” thì làm sao có kết quả ?

Phải chăng mọi người đều nghe nói Đạo Phật là Đạo Giải Thoát ? Nhưng có khi nào ta tự hỏi : Tại sao phải Giải Thoát ? Giải Thoát khỏi điều gì ? TIN Phật cũng có CHÂN TÍN, MÊ TÍN, TÀ TÍN, ta đang Tin kiểu gì ? Nếu chúng ta chưa tách bạch cho mình thắc mắc này thì e rằng con đường ta đang hành trì chưa chắc đúng với mục đích của Đạo Phật !

Thật vậy, Đạo Phật đã khai mở gần 3.000 năm rồi. Thời gian đó có biết bao nhiêu lớp người đã rao giảng. Liệu họ có giảng đúng như những gì Đức Thích Ca đã dạy, vì thời gian dài như thế tránh sao khỏi “Tam sao thất bổn” ?

Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần tự mình kiểm chứng để hiểu :

a)- Lý do mà Đức Thích Ca đã khai mở Đạo Phật.

b)- Phương tiện mà Ngài đã dùng để hướng dẫn.

c)- Mục đích cuối cùng của người tu theo Đạo Phật là để về đâu ?

Trước hết là LÝ DO Xuất Gia của Đức Thích Ca.

Là Thái Tử, con của Vua một nước nhỏ ở Ấn Độ, đang có vợ và 1 con trai còn nhỏ. Trong lần đầu tiên được ra ngoại thành du ngoạn, Thái Tử Sĩ Đạt Ta chứng kiến cảnh một người GIÀ, BỆNH và CHẾT, làm Ngài rất ngạc nhiên nên hỏi vị quan hầu cận là bản thân Ngài có thoát khỏi cảnh giống như vậy không ? Câu trả lời là “Tất cả mọi người, từ vua chúa đến tiện dân ai cũng phải chịu cảnh đó, vì đã SINH ra làm con người thì đều phải GIÀ, BỆNH, cuối cùng là CHẾT”, làm Thái Tử băng khuăng mãi. Về nhà, Ngài cứ trăn trở với thắc mắc : Có cách nào để Thoát cảnh đó không ?

Thấy rằng nếu cứ tiếp tục sống trong cung điện, tương lai sẽ nối nghiệp cho vua cha, lại bận bịu thêm việc triều chính thì khó thể tìm ra câu trả lời, nên trong một đêm, Ngài cùng một người giữ ngựa lẻn ra khỏi Thành. Sau đó, Ngài cho người hầu mang ngựa về để một mình lang thang theo đám du Tăng, hy vọng sẽ tìm được câu trả lời…

Đến đây, ta thấy được mục đích Xuất Gia tu hành của Thái Tử Sĩ Đạt Ta là để tìm câu trả lời : Làm thế nào để không còn bị cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ đè nặng trên cái Thân.

2/- Con đường tìm Đạo của Thái Tử Sĩ Đạt Ta.

Thái Tử đã mất Sáu Năm để học hỏi với những vị Thầy nổi tiếng nhất đương thời. Ngài đã Hành đủ thứ Hạnh, trong đó có Lõa thể, Khổ Hạnh, mỗi ngày chỉ ăn 1 hột mè.. cho đến thân thể bị suy kiệt. Cuối cùng Ngài nhận ra là “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối” nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ Ngồi Thiền dưới gốc cây Bồ Đề trong 49 ngày đêm với lời phát nguyện là “không rời chỗ ngồi cho đến khi tìm ra lời giải đáp”.

Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài đã tìm được lời giải đáp, nên Xả Thiền, đứng dậy, hân hoan tuyên bố : “Ta lang thang trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi Kẽ Làm Nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Người không được LÀM NHÀ nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi cũng gãy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt được Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.

Đó là kết quả gọi là Đắc Đạo của Đức Thích Ca. Tức là Ngài đã tìm được câu trả lời cho vấn đề mình trăn trở. Đó là tìm ra nguyên nhân của SINH TỬ LUÂN HỒI CŨNG NHƯ CÁCH THỨC ĐỂ HÓA GIẢI.

Đến đây thì chúng ta đã nắm được mấu chốt của việc Xuất Gia tu hành và cách thức để Đắc Đạo của Đức Thích Ca. Sở dĩ gọi là Đắc Đạo là vì Ngài muốn tìm CON ĐƯỜNG ĐỂ THOÁT KHỎI CẢNH SINH, LÃO, BỆNH TỬ, nên khi Ngài tìm ra thì cho là Đắc Đạo.

Chi tiết về CON ĐƯỜNG Giải Thoát như sau :

Trong 49 ngày đêm NGỒI THIỀN. Đức Thích Ca đã tìm ra THỦ PHẠM gây ra cảnh SINH LÃO BỆNH TỬ cho con người. Không chỉ nhận diện được Thủ Phạm mà Ngài còn tìm ra cách thức phá nát dụng cụ của hắn ta để hắn không còn xây nhà Sinh Tử được nữa. Nhờ đó mà từ đó hắn không còn XÂY NHÀ SINH TỬ được nữa, nên người tìm được sẽ được THOÁT KHỎI SỰ RÀNG BUỘC CỦA HẮN, nên gọi là được GIẢI THOÁT. CON ĐƯỜNG này về sau gọi là ĐẠO PHẬT, vì ĐẠO có nghĩa là CON ĐƯỜNG. PHẬT có nghĩa là GIẢI THOÁT. Do vậy ĐẠO PHẬT cũng được gọi là ĐẠO GIẢI THOÁT.

Thủ Phạm xây nhà Sinh Tử, là CÁI VỌNG TÂM hay còn gọi là CÁI TÂM MÊ. Nhà mà hắn xây là NGHIỆP. Do MÊ LẦM, nên nó đã nhận CÁI THÂN TỨ ĐẠI GIẢ TẠM là MÌNH, rồi ở trong đó chìu theo cảm xúc của Lục Căn đối với Lục Trần mà tạo Nghiệp. Chính vì TẠO NGHIỆP nên phải xoay vần để TRẢ NGHIỆP. Vì thế mà hết SINH rồi lại TỬ. TỬ rồi lại SINH. Tất cả có 12 mắc xích làm thành một vòng gọi là Vòng THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN. Cũng do 12 Nhân Duyên này chuyền níu với nhau mà làm thành VÒNG SINH TỬ LUÂN HỒI. Cái Vòng Luân Hồi này chỉ kết thúc khi chấm dứt VÔ MINH là mắc xích chính thì những mắc xích kia cũng sẽ tan rả.

Muốn trừ VÔ MINH thì phải dùng Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải Quán Sát, Tư Duy. Chính vì vậy mà phải NGỒI THIỀN, tức là dùng thì giờ ngồi tĩnh lặng để ĐỊNH CÁI TÂM, rồi Tư Duy để có được sự hiểu biết về con đường tu Phật gọi là THIỀN QUÁN. Do đó mà người tu phải VĂN TƯ TU – GIỚI ĐỊNH HUỆ.

Sự hiểu biết về con đường tu hành gọi là Trí Huệ. Nhưng không phải có Trí Huệ là thấu suốt được tất cả, mà nhiều hay ít, sâu hay cạn tùy công năng của hành giả. Giống như một căn phòng có nhiều bức rèm che chắn. Mở được lớp nào thì ánh sáng tràn vô được chút đó, cho tới chừng nào các lớp màn Vô Minh bị vẹt hết thì mới sáng suốt hoàn toàn. Do vậy mà Chư Vị đi trước phân Giác Ngộ ra nhiều thứ lớp, cho tới đạt hoàn toàn như Phật thì mới gọi là Toàn Giác.

Đạo Phật được ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA và nhiều Tông, Phái mở ra để giảng dạy. Nhưng tựu trung có 2 lối hướng dẫn :

1/- TIỆM GIÁO. Tức là bằng cách học hỏi từ từ, hành nhiều pháp rồi dần dà sẽ đến cảnh giới cao hơn. (Theo tôi, đó là lối ngụy biện của những người giảng Đạo mà bản thân không biết đường lối, nên dắt người theo vòng vòng, hành hết pháp nọ đến pháp kia, đổ thừa là tại chúng sinh căn cơ thấp nên phải tu từ từ, không gấp rút được).

2/- ĐỐN GIÁO : Tập trung thẳng vào mục đích chính. Tìm nguyên nhân của SINH TỬ LUÂN HỒI xem điều gì làm ra nó, học cách tháo gỡ rồi thực hành.

Tu hành cũng có hai cách :

1/- Tu với đầy đủ hình tướng.

2/- Tu Tâm, không cần hình tướng.

Chúng ta đã muốn Tu Phật, tức là bắt chước Đức Thích Ca thì phải biết Ngài đã dạy Tu những gì ? Hành những gì ? Để được gì ?

Như đã trình bày : Sở dĩ Đức Thích ca Phát Tâm xuất gia để đi tu là để tìm ra nguyên do gây ra SINH LÃO BỆNH TỬ của CÁI THÂN. Kết quả Ngài tìm được THỦ PHẠM tức là Cái TÂM VÔ MINH. Vì Vô Minh, tức Mê Lầm nên đã Tạo Nghiệp. Đã gây Nghiệp thì phải Trả. Do đó mà có Luân Hồi. Tu Phât là để kết thúc Vòng Luân Hồi bằng cách ngưng tạo Nghiệp.

Theo Đức Thích Ca, dù cái Thân gây tội, tạo Nghiệp, nhưng thủ phạm lại là CÁI TÂM MÊ. Chính nó mới là chủ nhân, điều khiển cái Thân. Cái Thân chỉ là Con Rối. Co duỗi theo lệnh của CÁI TÂM. Do đó, muốn Giải Thoát thì phải tìm CÁI TÂM. ThẤy được nó rồi thì khống chế, chuyển hóa CÁI TÂM, cho nó “Cải tà, quy chánh”, “ chuyển Mê thành Ngộ”, chuyển từ VỌNG TÂM trở lại với CHÂN TÂM thì nó không còn sai cái Thân đi tạo Nghiệp nữa. Mà không tạo Nghiệp thì không phải Luân Hồi để Trả Nghiệp. Do vậy, Đạo Phật không dạy Tu THÂN mà dạy TU TÂM. Tổ Đạt Ma cũng dạy : “Tu Phật là tu Tâm. Tức Tâm tức Phật. Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”.

Có người cho là muốn tu hành thì phải dứt bỏ mọi việc thế gian. Phải Ly gia, cắt ái, vô Chùa, đầu tròn, áo vuông, đầy đủ tứ oai nghi mới là Tu. Họ quên rằng Đạo Phật là ĐẠO ĐỘ KHỔ, ai muốn Hết Khổ thì nương hướng dẫn của Đạo Phật mà hành trì. Đạo Phật cũng bình đẳng tế độ cho tất cả chúng sanh. Không phân biệt ngành nghề, giới tính, già, trẻ, học ít hay học nhiều, có địa vị hay không, ở trong Chùa hay ở ngoài. Vì TU là SỬA. Sửa Cái Tâm cho nó từ dính mắc, phiền não, đau khổ được Giải Thoát, gọi là TU TÂM thì dính dáng gì đến Hình Tướng ? Nơi chốn ? Hình tướng chẳng qua là để cho người ngoài phân biệt mà thôi. Quan trọng là bản thân người tu có chịu Sửa Cái Tâm hay không. Vì nếu vô Chùa tu mà vẫn giữ nguyên cái Tâm Phàm thì bộ y Ca sa làm được gì ?

Phật Ngôn có câu :

“Như Lai không cho rằng đời đạo đức có thể tượng trưng bởi những :

Tỳ Kheo mặc y, mang bát

Đạo sĩ lõa lồ bẩn thỉu ngồi dưới cội cây

Khất sĩ rách rưới ăn uống khác thường

Du Già đứng như trời trồng dưới cơn nắng cháy da

Giáo sĩ thông suốt Thánh Kinh, ăn nói hoạt bát, sành nghề bùa chú.

Người tu khổ hạnh thân hình phủ đầy cát bụi,

Kẻ trầm mình xuống sông Hằng lạnh buốt trong buổi sáng,

Kẻ mang búi tóc đan trên đỉnh đầu.. Nhưng thân tâm nhơ bẩn thấp hèn, và Như Lai không công nhận chúng là bậc Sa Môn.

Hỡi các Tỳ Kheo! Nếu chiếc áo Ca sa có oai lực xóa bỏ được : Tham Lam, sân hận, si mê, thì cha mẹ hoặc người chỉ cần khoác lên đứa bé khi nó mới chào đời là toại nguyện”

Lục Tổ Huệ Năng thì dạy : “Muốn tu hành thì ở nhà cũng đặng, không cần ở Chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông phương mà có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình tức là Tây Phương vậy”.

Sở dĩ ngày xưa Phật cho đệ tử mặc Cà Sa hoại sắc, ngoài ý nghĩa là trùm phủ lên cái Thân một màu Giải Thoát và để có sự khác biệt với các nhóm tu khác, mà cũng là để cho họ dẹp bỏ được cái tính ham thích ăn vận lụa là gấm vóc để tô bồi cho cái Thân Ngũ Uẩn.

Về việc Cung Dưỡng cho Tu Sĩ thì tôi thấy như sau : . TU TÂM là chuyển đổi CÁI TÂM của mình, cho nó từ xấu thành tốt, từ Ác thành Thiện, không phải làm việc gì lớn lao mà đòi hỏi phải bỏ hết việc đời và đầy đủ hình tướng, chờ người khác cung dưỡng cho thì mới Tu được ?. Do thời gian đầu Phật mới thành lập Tăng Đoàn, Giáo Pháp chưa có văn bản để lưu lại. Chư Đệ Tử cũng chưa thuộc hết lời Phật dạy. Chính vì vậy mà Phật buộc ai muốn tu thì phải dẹp hết mọi dính líu với cuộc thế. Không được làm ăn. Không được có vợ con. Cũng không lo nấu nướng, ăn uống, để tập trung toàn bộ thì giờ, toàn tâm toàn ý nghe Phật giảng rồi ghi nhận, tương lai đi giảng lại. Chính vì vậy mà Phật phải nhờ các Cư Sĩ lo bữa ăn cho các Đại Đệ Tử, mỗi ngày 1 bữa giữa ngọ. Gia đình nấu ăn gì thì sớt ra 1 bát cho Tu Sĩ, không kể chay hay mặn. Tới giờ ăn thì Tu Sĩ theo thứ lớp đến từng nhà để nhận bữa ăn, không phân biệt nghèo giàu.

Nhưng sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 năm thì những lời Phật dạy đã được ghi lại thành văn bản. Sau đó lời Chư Tổ lần lượt giảng dạy cũng được chép ra thành 12 Bộ Kinh. Những nhà truyền giáo cũng thi nhau giảng, luận đến nỗi gọi là “Thiên Kinh vạn quyển”. Chùa nào cũng có, thậm chí chỉ cần lên mạng thì muốn tham khảo Kinh nào, nghe Sư nào giảng cũng đầy dẫy thì Chư Tăng có gì để nghiên cứu nữa mà phải đợi thí chủ cung dưỡng mới có thể tu hành được ?. Chính vì vậy mà Mã Tổ Bách Trượng ngày xưa, dù cai quản cả một Thiền Viện, nhưng Ngài vẫn lao động như mọi Tăng nhân trong Chùa. Đệ Tử thương Tổ nên dấu cuốc đi, thì Tổ đã “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

Thời nay nhiều người đã lợi dụng cửa Chùa để được nhàn thân còn dựa vào uy danh của Phật để được ăn trên ngồi trước. Nhân danh tu hành, họ không động móng tay. Ăn uống thì có người nấu nướng sẵn để phục vụ. mà còn thu nhận tiền của, tài sản, đất đai của bá tánh. Chùa bao la cũng chưa đủ. Lúc nào cũng kêu gọi Cúng dường làm mất uy tín của người tu hành. Vì vậy, khi thấy xuất hiện một người bình dị như Tu Sĩ tự do Minh Tuệ, đi chân trần, khất thực, ngủ ở nghĩa địa hay nhà hoang, không nhận tiền cúng thí.. làm sống lại hình ảnh của Tăng Đoàn ngày trước nên những người vốn mến mộ Đạo Phật lại tăng thêm lòng kính trọng. Nghe nói nhiều người trên nhiều nước, nhất là ở Ấn Độ, có cả mấy ngàn người đang xin visa để tới Việt Nam chiêm bái. Những Tictokers, Facebookers lại tìm tòi những hình ảnh trong phim ngày trước rồi đối chiếu với vài gương mặt hao hao của nhóm đi theo, để cho là A Nan, Hộ Pháp xuất hiện để theo hộ trì càng kích thích thêm sự tò mò, hiếu kỳ của bá tánh. Có người còn cho rằng đó Phật Di Lặc đã tái sanh ở Việt Nam qua hiện tượng đám mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời ở Tp CCM thời gian vừa qua.

PHẬT chỉ có nghĩa là GIẢI THOÁT. PHẬT không có hình tướng, mà “Do vô lượng công đức mà thành”. Mỗi Công Đức là Một Tướng. Tuy vậy, chúng ta có quyền kính trọng một bậc chân tu vì Hạnh của họ, vì đạo đức của họ, là điều nên làm. Nhưng quỳ lạy là không cần thiết, và kéo cả đoàn đi theo làm mất trật tự là điều không nên làm. Hơn nữa, Tu Phật chính là TU TÂM thì hình tướng càng không cần thiết, ngoại trừ chúng ta muốn mọi người biết là mình đang tu ! Giả sử xuất hiện thêm 100 hay 1.000 người nữa, cũng vì tin đó là Phật sống nên kéo nhau tu theo kiểu đó thì xã hội sẽ ra sao ?

Tu sĩ tự do MINH TUỆ chấp nhận sống chỉ là để tu hành. Nhưng liệu có cần phải đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi mới tu được ? và sẽ đi đến bao giờ ? Phật dạy : “Nhân thân nan đắc” cái Thân rất cần vì nó là phương tiện để ta tu hành mà ta hành hạ, bắt nó đầu trần, chân đất, đi giữa nắng, mưa, ngủ ở rừng, bụi rủi nhiễm gió độc hay chứng bệnh nào đó thì lấy gì để hoàn tất con đường tu tập ? Sự hiểu biết để đi cho đúng hướng là rất cần thiết, thì cuộc sống lang thang, thiếu kinh sách, tài liệu của Chư Vị đi trước là bản đồ, là cột mốc mà ta cần từng bước kiểm tra xem có khế hợp chưa, thì cuối đường sẽ về đâu ? Sẽ hướng dẫn những gì cho nhóm người đang bỏ nhà cửa, công việc để đi theo mình ? Liệu đó có phải là gánh nặng quá sức ?

Mỗi người có quyền Hiểu và Hành Đạo Phật theo cách của mình và huởng lấy thành quả. Không ai có quyền ngăn cản. Nhưng theo nghiên cứu Giáo Pháp của Đạo Phật, tôi thấy, dù Phật dùng nhiều phương tiện, nói Chư Phật, Chư Bồ Tát, nói Nước Phật ở Phương Đông, Phương Tây, nói Địa ngục, Niết Bàn…nhưng mục đích cuối cùng chỉ là giáo hóa con người, dạy mọi người CẢI ÁC, HÀNH THIỆN để không những kiếp sống hiện tại được hạnh phúc, an vui, mà những kiếp về sau cũng không phải đọa nữa mà thôi. Cũng là LỤC CĂN, nhưng nếu trước kia là Lục Tặc, vì chuyên mang ngoại pháp về làm cho phiền não thì sau khi chuyển hóa Cái Tâm chúng sẽ trở thành Lục Hộ Pháp mà ta thấy Tượng Ngài Di Lặc là một người mập mạp ngồi cười hồn nhiên với SÁU đứa bé leo trèo quanh mình. Đó là người xưa diễn tả một người tu đã đạt được sự an lạc, hạnh phúc, giữa trần gian đầy phiền não gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Kết quả đó cũng được diễn tả bằng hình ảnh HOA SEN, vì vươn lên giữa bùn mà bùn không còn làm cho ô nhiễm được nữa.

Đạo Phật còn được gọi là Đạo NHÂN QUẢ, vì sau khi loại bỏ những tính xấu, không còn độc ác, đố kỵ, Tham, Sân Si thì con người vừa Từ, Bi, Hỉ, Xả, vừa biết gây Nhân Thiện để hưởng Quả lành. Tự mình làm ăn, kiếm sống để Tự Độ, chẳng cần phải ai cung dưỡng, dù chỉ là một bữa cơm, thì vừa không mang nợ Nhân Quả mà còn tránh được miệng tiếng thế gian là ăn bám xã hội ! Bởi hết sức vô lý khi ta có tu thì kết quả cũng chỉ ta nhờ mà bắt người khác phải cung phụng cho mình ! Người đời trách đâu có sai ? Việc KHẤT THỰC chỉ đúng với thời điểm Phật mới thành lập Tăng Đoàn, thời này thì mọi việc đã ổn định thì nên cứ theo luật Nhân Quả mà áp dụng. Quan trọng hơn cả là KHẤT PHÁP THỰC, tức là học hỏi để tiến tu, không phải là chỉ Khất Vật Thực để nuôi cái Thân phàm !. Do vậy, nếu cẩn thận thì điều nào có thể để tiếng oan cho Đạo Phật thì tốt nhất là ta nên tránh.

Người tu còn được dặn dò ngoài việc “Mồi ngọn vô tận đăng” còn phải đóng góp khả năng của mình một cách tích cực để đền TỨ ÂN, tức là Ân cha mẹ, ân Đất Nước, Ân Phật, Ân Thầy và ân Chúng sinh. Phật đâu có phải là Thần Linh để khi ta đắc pháp rồi xin Ngài phù hộ cho những đối tượng đó để Trả Ân ? Do đó, nếu chúng ta không vừa tu sửa bản thân vừa phụng dưỡng cho cha mẹ khi tuổi già, sức yếu, vừa đóng góp công, sức để đáp đền ÂN cho xã hội, cho cuộc đời, để ngày tháng buông trôi trong khi cuộc sống vốn hữu hạn vì Vô Thường thì sao cho là đang Hành theo lời Phật dạy ?

Cho nên, theo tôi, Chỉ cần hiểu rằng TU có nghĩa là SỬA CÁI TÂM ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THOÁT và nắm vững phương pháp để thực hành, rồi áp dụng nơi Tâm, gọi là TU VÔ TƯỚNG, thì ở đâu ? ăn mặc thế nào ? làm gì ? cũng có thể từng bước hành trì cho đến khi hoàn tất. Cứ song hành, vừa hoàn thiện bản thân, vừa trả Tứ Ân thì vừa thuận Đạo mà cũng hợp Đời thì mới đúng theo Chánh Pháp. Như thế thì người đời không có cớ để chê trách, mà cũng không ra ngoài Phật Đạo vậy.-./.

Tháng 5/2024




VVM.25.5.2024.