T răm năm nay đọc thơ của nhà thơ sông Vị, người đời vẫn nghĩ rằng Tú Xương có hai bi kịch lớn: Nhà nghèo và hỏng thi . Nghĩ thế không sai nhưng là cách nghĩ nông nổi của thế nhân thường tình. Nếu chỉ dừng lại ở lớp vỏ của những câu thơ, ta thấy rằng Tú Xương quả thật nghèo, nghèo đến mức như con chim cuốc khạc ra máu, ông nôn ra những câu thơ than nghèo vào loại đau đớn nhất của thơ ca Việt Nam: Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông/ Một tuồng rách rưới con như bố rồi Vợ lăm le ở vú, con tấp tểnh đi bồi và cung độ cao nhất của tiếng than đó là Van nợ lắm khi trào nước mắt, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi! Nhưng xin hãy cảnh giác, với nhà thơ thì giữa những bài thơ than nghèo và cái nghèo thật, thường có khoảng cách. Ta hãy xem thử gia cảnh nhà thơ xem sao?
Tú Xương sinh trong ngôi nhà tổ phụ tại 247 phố Hàng Nâu Nam Ðịnh, ngôi nhà lá, có vườn. Năm Giáp Ngọ Tú Xương 25 tuổi, đỗ tú tài, còn người em rể là Mai Công Hoán đỗ cử nhân. Ngôi nhà bị cháy. Liền ngay đó, thân sinh nhà thơ làm lại nhà bằng gạch. Như vậy là cùng một khoa thi mà trong gia đình, con rể đỗ cử nhân, con trai đỗ tú tài, nhà tranh vừa cháy xong làm luôn nhà gạch, gia cảnh như vậy phải chăng là nghèo? Sau này, do buôn bán thua lỗ, ông thân sinh phải gán nợ nhà 247 thì nhà thơ vẫn có ngôi nhà 280 Hàng Nâu, được bà nhạc chia. Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan thì người đương thời mô tả nhà thơ như sau: "Thường ngày Tú Xương vẫn ăn vận lịch sự, áo the quần trắng, giầy gia định. Ðến tết ông mặc áo xuyến tàu màu tam giang và áo bông nhiễu." ( Tú Xương thơ và đời tr. 215) Một phong độ như vậy liệu có thể có ở kẻ nghèo? Một thời gian dài chưa tường gia cảnh nhà thơ mà chỉ dựa vào thơ ông, tôi cũng ngờ ngợ cái cảnh nghèo của ông. Người nghèo không thể có cuộc sống phong lưu nay cao lâu mai cô đầu nhà hát. Dù nhà thơ có viết cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường thì ta cũng hiểu không dễ gì mà quỵt mà lường ở chốn ăn chơi! Như vậy cái nghèo không phải là bi kịch thực sự trong cuộc đời nhà thơ. Cái nghèo trong thơ Tú Xương chỉ là thủ pháp mỹ học phóng đại, ngoa ngôn trong thơ trào phúng của ông. Nhà thơ lấy cái nghèo muôn thuở vận vào mình để làm nên những câu thơ bất hủ.
Hỏng thi cũng là điều được người đời cho là bi kịch lớn của nhà thơ. Có thể đúng như vậy, nếu nhìn bề ngoài. Trần Tế Xương vác lều chõng đi thi từ năm 15 tuổi và từ đấy nghiệp thi cử gắn liền với cuộc đời ông. Nó mang tới hy vọng, nó như cứu cánh mở ra cho ông con đường duy nhất thăng tiến trên đời. Có lúc nhờ nó ông đã vênh vang:
Ông trông trên bảng thấy tên ông,
Ông nốc rượu vào ông nói ngông.
...
Xướng danh tên gọi trên mình tượng,
Ăn yến xem ra có thịt công...
Ðấy là cái lần đỗ duy nhất trong cuộc đời nhà thơ, nhưng cũng chỉ đỗ tú tài, cái học vị giở trăng giở đèn chẳng có ý nghĩa gì trong xã hội. Và cũng chính nó khiến nhà thơ như con bạc khát nuớc, đốt cháy cả cuộc đời mình vào lều chõng:
Gặp thời gặp vận nên bay nhảy,
Cho thỏa rằng sinh chẳng lỗi thì.
Và
Mở mặt quyết cho vua chúa biết,
Ðua danh kẻo nữa mẹ cha già.
Năm nay ta học năm sau đỗ,
Chẳng những Lương Ðường có thủ khoa!
(Than thân chưa đậu)
Nhà thơ đi theo số mệnh mình như con cá bám theo cái mồi vinh hoa thực thực ảo ảo: Hỏng rồi thi, thi rồi hỏng... Việc thi cử nó ám lấy nhà thơ như ma ám cho đến chết! Như hai mặt của tấm huy chương, thi cử đem đến cho ông những nỗi đau đến tận cùng:
Ðau quá đòn hằn,
Rát hơn lửa bỏng.
(Hỏng thi khoa Canh Tý)
Không chỉ đau mà tới mức phẫn uất, tuyệt vọng:
Phen này tớ hỏng tớ đi ngay,
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!
(Mai ngày tớ hỏng)
Tuy vậy, chính lều chõng cũng lại là lẽ sống của ông trong cuộc đời bế tắc. Với Tú Xương, học và thi đã thành cái nghề, nếu không có việc học hành thi cử thì ông còn biết làm gì? Một cái nghề quái đản, không làm ra tiền mà còn tốn kém. Ðiều duy nhất cái nghề học hành thi cử đem lại là tạo cho nhà thơ tiếng sang cùng hy vọng. Việc thi cử với Tú Xương giống như người chơi xổ số: sáng mua chiều bỏ! Nhưng giữa mua và bỏ ấy, người ta luôn le lói chút hy vọng. Chính vì vậy, suy cho cùng, việc hỏng thi không hề là bi kịch mà lại là cái may của nhà thơ vì nhờ đó ông mới viết được những vần thơ hỏng thi đến độ tuyệt tác. Và phải nói rằng chính việc hỏng thi đã tránh cho ông cái bi hài kịch mà chúng ta có thể hình dung được: Một Tú Xương sau khi ngỏng đầu rồng trong lễ xướng danh sẽ xênh xang áo mũ gia nhập quan trường ra luồn vào cúi. Thảm thương thay cho hồn thơ cuồng phóng phải chịu giam hãm trong cái xác phàm tầm thường! Mà đâu đã yên, trong một giờ xấu (hay tốt?) nào đấy, con người cuồng phóng trong ông sẽ nổi loạn, tung hê tất cả... Nhà thơ không còn mà quan cũng mất!
Nghèo không tới mức bi kịch, hỏng thi không phải là bi kịch vậy phải chăng cuộc đời Tú Xương hạnh phúc? Tôi không nghĩ thế. Bi kịch lớn của Tú Xương chính là ông không tự biết mình!
Tú Xương, ông là ai? Ðã nhiều lần tôi vẩn vơ với câu hỏi đó. Rồi lúc lọc qua sắc cầu vồng huyền ảo của những bài thơ, nhận ra ông là một con người thích hưởng lạc:
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,.
(Ba cái lăng nhăng)
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.
(Tự cười mình)
Biết ngồi Thông Bảo, biết đi ả đầu,
Biết thuốc lá biết chè tàu,
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.
(Hỏi ông trời)
Trong con người thích hưởng lạc ấy lại là một gã cực ngông: Ðối với trời thì bán trời không văn tự Lúc túng toan lên bán cả trời. Ðối với người thì bất cần đời Ai chơi chơi với chẳng cần chi. Và trong cốt cách của con người ngông nghênh thích hưởng lạc ấy là một trang phong lưu tài tử:
Kìa thơ tri kỷ đàn anh nhất,
Nọ khách phong lưu bậc thứ nhì.
Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế,
Giang hồ cho biết bạn tương tri.
(Tự đắc)
Chàng trẻ tuổi tự xưng đàn anh nhất về thơ này dường như sinh ra để không bằng lòng với cuộc đời thực tại nên đã dùng thơ để châm chích, chửi vung tung hê mọi thứ, từ thói đời đen bạc đến chuyện thi cử, từ quan tham lại nhũng đến những cái nhố nhăng... Những tưởng chán ghét cuộc đời như thế thì ông sẽ thành người ở ẩn độc thiện kỳ thân, mặc cho thiên hạ đục, một mình mình trong như nhà nho xưa vẫn làm. Nghịch lý thay, tuy chán đời, ghét đời đến vậy nhưng ông vẫn năm năm đèn sách, khóa khóa đi thi để mong được ngỏng đầu rồng phía dưới những bà đầm ngoi đít vịt, không khác gì những kẻ ông từng chế diễu và mong hưởng cái phú quý tầm thường: Ví cho thi đỗ làm quan lớn/ thì cũng nhỏ to cưới chị hầu (!)
Bi kịch của Trần Tế Xương là cố đấm ăn xôi mong chút vinh hoa phú quý tầm thường nhưng không thuộc về mình. Ta thấy ở đây còn đâu cái sĩ khí cái cốt cách của nhà nho của kẻ sĩ từng treo cao giá trong quá khứ! Xin đừng ai nghi ngờ rằng Tú Xương hỏng thi là do quan trường đì nên đánh rớt. Ông Tú rất biết mình:
Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.
(Buồn thi hỏng)
Trường quy là cái luật chơi ở thời Tú Xương đã trở nên cứng nhắc đến ngặt nghèo, khước từ mọi mầm mống sáng tạo. Trong khi đó Tú Xương tài hoa phóng túng như là gió . Bi kịch lớn nhất trong trong đời Tú Xương là ông không tự biết mình là gió lại cố tình đem giam mình trong phòng giam chật hẹp của cái lề thói bị ông báng bổ mà giam cũng không xong. Ðấy là bi kịch của con người mất phương hướng trong cuộc đời, bi kịch của một thế hệ kẻ sĩ hết thời.
Với Tú Xương, bi kịch còn ở lẽ khác, thuộc về thân phận của nhà thơ trào phúng. Thơ trào phúng là thơ thời sự, lấy chất liệu trực tiếp từ những sự trái khoáy của cuộc sống, từ những thói hư tật xấu của người đời. Thời đại Tú Xương là giai đoạn khủng hoảng của xã hội Việt Nam, xã hội phong kiến cổ truyền tan rã trước sức tấn công của văn minh phương Tây. Trước mắt con người Việt biết bao nghịch cảnh bày ra. Với tài năng của nhà thơ trào phúng, Tú Xương thu nhận những nét hiện thực ấy đem vào thơ. Thời đại không chỉ cho ông chất liệu, thời đại còn cho ông những điều kiện để trở thành nhà thơ trào phúng lớn nhất trong lịch sử văn chương Việt, đấy là sự tự do sáng tác. Có lẽ Tú Xương là nhà thơ cuối cùng xuất bản thơ qua lối truyền miệng. Ngay lập tức thơ ông đến với nhân dân và được nhân dân truyền tụng, bảo vệ, không chịu sự kiểm duyệt, sự cấm cản nào. Mặt khác, cũng do buổi giao thời mà thiết chế quản lý xã hội của chính quyền thực dân chưa chặt chẽ, còn có những kẽ hở tự do, điều mà người làm thơ sau này không thể có. Nếu lúc đó chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo hơn thì những bài như Ông cò, Chế ông đốc học, Ông Ấm mốc, Chế ông huyện... không thể ra đời vì đụng tới ông cò là đụng tới công cụ bảo vệ chế độ, đụng tới những ông ấm ông huyện là xúc phạm cá nhân, ra tòa như bỡn! Với những cấm cản như vậy, thơ trào phúng sẽ khô chồi.
Như hai mặt của tấm huy chương, thời buổi đã cưng chiều tạo cho nhà thơ điều kiện tốt nhất để làm thơ thì cũng chính sự nghiêm nhặt của thời gian đã tính sổ với thơ ông. Có thể ví thơ là dây đàn còn người đọc là hộp đàn. Phải kết hợp hai yếu tố này mới tạo nên âm nhạc. Thơ Tú Xương sở dĩ được người đương thời ưa thích bởi lẽ nó đáp ứng được tâm trạng công chúng lúc đó. Nhưng hôm nay thời cuộc đã khác. Nhiều cái mà ngày xưa là kệch cỡm đáng cười thì nay được chấp nhận như chuyện bình thường thậm chí còn cao giá. Thông, ký, phán trở nên quen thuộc, thành nghề mưu sinh được tôn trọng. Ngay cả việc thi cử với cử nhân dốt, tiến sĩ giấy cũng chả là cái đinh gì so với học giả bằng dỏm hôm nay. Việc bán tước mua quan cũng không còn là chuyện thường ngày ở huyện... Trong bối cảnh của tâm thế xã hội hiện thời, phần lớn thơ trào phúng của Tú Xương không còn gây cười được nữa! Ðiều này không phải do nhà thơ bất tài mà do tâm thế của xã hội đổi thay. Con người luôn luyến tiếc quá khứ, thường coi quá khứ tốt hơn hiện tại. Ngay ở thời mình, Khổng Tử đã tiếc phong tục thuần phác của nhà Chu. Còn chúng ta lại ngưỡng vọng về thời cụ Khổng! Hình như con người càng sống thì thói đời càng xấu đi? Vì vậy cái xấu ngày xưa bị chính cái xấu của hôm nay phủ định. Cũng vì thế mà tuổi thọ của thơ trào phúng thường ngắn. Tú Xương cũng không thoát khỏi quy luật chung này.
Nhưng là một thiên tài thi ca, Tú Xương vẫn lừng lững in dấu ấn của mình trong lịch sử văn chương đất nước. Dù không còn gây cười hào hứng được nữa thì thơ Tú Xương vẫn là những bức tranh của quá vãng gợi lên trong người đọc nụ cười buồn thông cảm. Nhớ về ông, người đọc mai sau sẽ ngâm ngợi:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!
Và