ĐÔI NÉT LỊCH SỬ NGHỀ LƯỚI ĐĂNG KHÁNH HÒA
Ở Khánh Hòa, nghề đăng xuất hiện sớm cùng với các làng chài ở Đầm Môn, Khải Lương nằm trong vịnh Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh, phía bắc Khánh Hòa). Sau đó một nhóm ngư dân khác đến vùng đông nam đảo Hòn Tre lập làng Bích Đầm (nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Một nhóm khác định cư tại thôn Phường Củi, bên ngư cảng Bến Cá sầm uất một thời (nay thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang). Hai nhóm này là tiền bối của những sở đầm đăng tại vùng biển nam Khánh Hòa.
NGUỒN GỐC NGHỀ LƯỚI ĐĂNG
Về nguồn gốc nghề lưới đăng ở Khánh Hòa, hiện nay có hai luồng ý kiến:
1. Nghề lưới đăng có lẽ đã được người Việt kế thừa từ người Chăm rồi phát triển lên.
Dấu vết của sự kế thừa này còn được bảo lưu qua một số nghi thức thờ cúng kỳ lạ của ngư dân lưới đăng Khánh
Hòa trước năm 1975 như tục thờ Ông Lõ Bà Lường (còn gọi là tục thờ Lỗ Lường), tục cúng Thập Nhị Nhang Dàng.
Ngày xưa, ngư dân lưới đăng đi đánh cá ở các gành đảo có tục thờ cúng một số khe đá tự nhiên gọi là khe Bà Lường (hoặc Lỗ Lường) ở gần nơi kết gang
lưới. Tại chỗ có khe đá, người ta cất một cái miếu nhỏ giống như cái thủ kỳ để thờ Bà Lường. Trong miếu người ta đặt một “Ông Lõ” (còn gọi là
“Bộ đồ”) là một khúc gỗ sơn đỏ tạc hình dương vật. Vài ba ngày nước chảy mạnh hoặc cá không chạy, người đại diện sở đăng hoặc ông Chèo dọc
phải khăn áo chỉnh tề vào cúng bánh trái, chè xôi rồi cầm Ông Lõ thọc vào khe Bà Lường mấy cái. Nhiều lần, sau nghi thức này,
dân đã đánh được cá.
Nhiều sở đầm trong tỉnh Khánh Hoà trước đây duy trì tục thờ cúng độc đáo này như Bãi Dầm (Vạn Ninh), Hòn Một (Nha Trang), Hòn Nhàn (Cam Ranh)…,
trong đó nổi tiếng nhất là sở đầm Hòn Đỏ (Ninh Hòa). Hòn Đỏ là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía đông bắc bán đảo Hòn Hèo, ngoài khơi huyện Ninh Hòa.
Ở hướng đông nam đảo là nơi đóng lưới đăng của sở đầm Độc Tân Hòn Đỏ, tục gọi Hòn Đỏ, đầm đăng duy nhất của huyện Ninh Hòa. Trên gành,
gần gang lưới đăng có một cái hang, trong hang có một tảng đá thật to, vách đứng, với một kẽ nứt rộng chừng năm sáu phân từ trên thẳng
xuống chân. Tảng đá có kẽ nứt nói trên tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ mà ngư dân gọi trại là Lỗ Lường hoặc Bà Lường. Sở đầm Hòn
Đỏ thờ cúng Bà Lường ngay tại hang Lỗ Lường. Việc nhang khói được giữ thường xuyên trong suốt mùa cá. Những ngày “biển đói”,
đánh không được cá, ông Chèo dọc (tức người điều khiển sở lưới) đích thân đến hang Lỗ Lường van vái cầu xin. Ông lạy 3 lạy rồi cầm
“Bộ đồ” chọt vào Lỗ Lường 3 cái. “Bộ đồ” là dương vật bằng gỗ, đẽo gọt rất công phu, dài 4 - 5 tấc, to bằng bắp tay, sơn đỏ. Mỗi năm
ngư dân sơn phết lại hoặc làm cái mới. Lúc nào tại hang Lỗ Lường cũng có sẵn vài “Bộ đồ” để dùng trong việc cúng lễ.
Ông Lõ thực chất là hình thái biến tướng của dương vật, người Chăm xưa theo Ấn Độ giáo gọi là linga. Bà Lường thực chất
là hình thái biến tướng của âm vật - yoni.
Ngoài tục thờ cúng Lỗ Lường, ngư dân lưới đăng còn có tục cúng Thập nhị Nhang Dàng (12 vị Nhang Dàng), gọi tắt là cúng Dàng. “Nhang” tiếng Chăm
là Ma, “Dàng” là Thần, là Trời. Cúng Dàng là cúng chư vị Thần Linh Ma Quỷ theo cách thức của người Chăm.
Theo lời các lão ngư kể lại, ngày xưa trên các đảo và bãi gành dọc hải phận Khánh Hòa, ngư dân hành nghề lưới đăng thường gặp nhiều hiện
tượng kỳ lạ mà họ cho là do bị “ma Hời” phá phách nên phải nhờ đến các pháp sư Chàm cao tay ấn (gọi là “Thầy Thiếm”) cúng ếm. Sau này,
không còn các “Thầy Thiếm” nữa thì ngư dân tự làm lễ cúng theo thể thức của pháp sư. Trước 1975, sở đầm Hòn Nhàn (vì trên đảo có rất nhiều
chim nhàn làm tổ trong khe đá nên có tên này) thuộc hải phận Cam Ranh giữ lệ cúng Dàng rất chu đáo, mỗi mùa cá ít nhất một lần.
2. Nghề lưới đăng là sáng kiến của người Việt.
Theo những tài liệu ghi chép lại như gia phả, địa bạ, sắc phong, văn tế cúng đình… còn lưu giữ được ở các làng chài Đầm Môn, Khải Lương (huyện Vạn Ninh), Bích Đầm, Hòn Tre, Trường Đông, Trường Tây, Phương Sài (TP. Nha Trang), Thủy Triều, Bình Ba (Cam Ranh)…, chính những ngư dân gốc Bình Định di cư vào Khánh Hòa lập nghiệp cách đây trên 250 năm (vào cuối thời Hậu Lê) là những vị tiền bối sáng lập nghề lưới đăng. Các cụ tổ và nhiều thế hệ con cháu, ngư dân địa phương đã dày công nghiên cứu và đã khám phá ra nhiều sở đầm nước sâu, xa vịnh, sản lượng cá lớn, phát triển nghề đầm đăng thành một đại hải nghệ ở Khánh Hòa.
Về nguồn gốc các sở đầm đăng tại hải phận Vạn Ninh, theo lời các hào lão có uy tín tại thôn Khải Lương kể lại, cách đây trên hai thế kỷ,
những bậc tiền hiền của họ là các ông Hà Văn Thi, Nguyễn Văn Phú, Phạm Văn Chánh, Huỳnh Văn Túc vốn là ngư phủ ở Phường Mới, Tam Quan, Bình Định,
trên đường di cư vào Nam tìm địa điểm đóng lưới đăng, đến vùng Đầm Môn, Bảy Giếng (còn gọi là Bãi Giếng), Ninh Đảo, Điệp Sơn là
các đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Vân Phong, phong cảnh kỳ tú, cá chạy dày thấy rõ từng đàn… thì dừng lại lập làng, lập bến, khai phá đầm đăng.
Đầu tiên các ông lập làng Khải Lương, khai thác sở đầm tại phía đông nam bán đảo đặt tên đầm Tiểu Cảng Suối Châu. Sau đó có hai anh em ông
Văn Bá Tàng, Văn Bá Điểm đến đăng lưới tại hai địa điểm khác ở hướng nam đảo Hòn Lớn trước kia do nghề mành đăng (mành thúng) khai thác,
đặt tên Nghi Phong Diêu Chử, tục gọi Bãi Dầm và Vĩnh Trích Đá Dựng, tục gọi Bãi Ván (âm địa phương đọc là Bãi Dáng).
Thôn Khải Lương thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, cách bến cảng thị trấn Vạn Giã khoảng hơn hai giờ thuyền máy, là một trong những làng chài
hành nghề lưới đăng đầu tiên ở Khánh Hoà. Hiện nay dân số trên đảo có khoảng 230 hộ, hơn 1000 khẩu, đa số sinh sống bằng các nghề đánh bắt và
nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề truyền thống lưới đăng với Hợp tác xã nghề cá Khải Lương.
Thôn Khải Lương xưa có tục danh là Bảy Giếng - “Có chồng Bảy Giếng được ăn miếng cá thu”, sau này thường bị đọc sai, chép sai
thành Bãi Giếng. Người Vạn Giã vẫn còn lưu truyền câu ca:
“Có chồng Bảy Giếng được nhờ
Ngày thời chắp bả tối đánh cờ hơn con
Không lo chi tiền hết gạo còn
Thuyền về tới bến xách con rau dài
Cất tiếng kêu bớ gã lái hai
Lại đây em gởi con rau dài cho anh”.
(Chắp bả là đan lưới, vá lưới; cờ hơn con là loại cờ tam cúc, quân cờ làm bằng sừng trâu hoặc bằng gỗ quý, ai
đánh được nhiều quân hơn thì thắng; rau : chỉ chung các loại cá).
Theo các bô lão ở địa phương, nguyên do làng này có tên Bảy Giếng là vì từ thuở mới đến ngụ cư trên đảo, việc cần yếu là phải tìm nơi đào giếng.
Nguồn nước ngọt khó tìm, dân cư ngày một đông, do đó lần lượt họ đào cả thảy 7 cái giếng và con số 7 này dừng lại mãi để về sau trở thành
tên gọi quen thuộc. 7 cái giếng đó là: Giếng Chùa, Giếng Vĩnh, Giếng Tràu, Giếng Ông Bành, Giếng Ông Hộ, Giếng Ông Do, Giếng Bà Ất.
Tên giếng được đặt theo tên người đào hoặc ở gần nhà người có giếng (ví như Giếng Ông Hộ là giếng của ông bá hộ Hà Thi, người lập nghiệp
đầm đăng đầu tiên ở đây), riêng Giếng Tràu có tên này là vì không hiểu sao lòng giếng lại có con cá tràu to lắm. Đến nay hầu như tất cả các
giếng đều còn mạch nước, chỉ trừ Giếng Bà Ất đã thành giếng cạn. Giếng Chùa là giếng có nước ngọt nhất và mạch nước tốt nhất nay trở thành
giếng làng được nhiều bà con sử dụng.
Năm 1940, ông Trần Giác người Bình Định vào trú và hoạt động cách mạng tại Bảy Giếng có bài thơ vịnh non nước Khải Lương như sau:
“ Khải Lương phong cảnh tốt xinh thay
Gành Sấu, Cây Găng đá lố bày
Trước mặt sóng xô đường phụng lộn
Sau lưng núi dựng tợ rồng bay
Nhà ở cổ kim liên họa cuộc
Giếng xây di tích dấu còn đây
Khen thay tạo hóa ưa tô điểm
Non non nước nước vấn vương đầy ”.
Nói đến nghề đầm đăng ở Vạn Ninh, ngư dân ở đây thường nhắc đến tên các ông Hà Thi, Hồ Thuần, ban đầu là những người “đi bạn”, tức là đi làm công cho các chủ lưới Bình Định rồi dần dà bước lên làm nghiệp chủ. Sau đời các ông Hồ Thuần, Hà Thi - được xem như là ông tổ nghề đăng Vạn Giã - đến các ông Trần Lộc, ông Hường Cát lập ra nghiệp chủ, tập đoàn. Kế tiếp là các ông Hiểu, ông My, ông Xoài, ông Năm Quảng… Các vị ấy đều đã qua đời từ lâu, nhưng gia đình, con cháu của các vị đến nay vẫn còn nối nghiệp đầm đăng, kéo neo tát nước.
Cách đất liền chừng 15 hải lý về phía đông, Bích Đầm là làng đảo nằm xa bờ nhất trong số gần chục làng đảo của thành phố Nha Trang. Làng nằm trên một doi đất phía tây núi Hồng thuộc đảo Hòn Tre. Doi đất này bọc lấy một đầm nước quanh năm trong xanh như ngọc bích. Đây là vùng biển nổi tiếng quy tụ nhiều cá nhất Khánh Hòa. Người ta kể rằng ngày xưa cá về trong đầm nhiều đến nỗi từ chỗ cao nhất trên đảo là ngọn hải đăng nhìn xuống cũng thấy được từng luồng cá đi! Làng Bích Đầm - hiện nay là một khóm dân cư của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang với 174 hộ, khoảng 1300 nhân khẩu - là một trong những làng biển chuyên nghề lưới đăng lâu đời nhất ở Khánh Hoà. Theo gia phả dòng họ Trương là tiền hiền làng Bích Đầm, vào khoảng đầu đời Gia Long, cụ tổ đời thứ II của dòng họ là ông Trương Văn Cỏi và mẹ là Nguyễn Thị Mau quê quán ở Hưng Thạnh, Bình Định đã di cư vào sinh sống tại thôn Phường Củi tỉnh Khánh Hòa. Sau đó ông Cỏi theo vợ là bà Phạm Thị Vơi đưa gia đình đến định cư ở đảo Bích Đầm - lúc bấy giờ còn tên tục là xứ Đầm Môn Bãi Tre - và sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng.
Đến đời Tự Đức, làng có tên trong sổ bộ là thôn Bích Đàm thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Từ đó những đầm đăng quanh Hòn Lớn,
Hòn Tre được đem ra khoán lãnh, mỗi sở đầm lớn nhỏ đóng thuế từ hai, ba chục đến trên cả trăm quan. Cụ Cỏi không có tiền nộp mới tìm ra đầm mới
là Hòn Xưởng. Luật lệ thời đó cho phép người có công khai phá đầm mới được quyền khai thác và hưởng trọn lợi tức trong ba năm đầu,
sau đó đầm được sung công. Con cháu cụ Cỏi có công khai phá đầm Hòn Mun, sau lại tìm thêm được đầm Thạch Dự Bút Chử. Sau đó cũng chính
dòng họ Trương đã khai phá các sở đầm Mai Thọ, Lỗ Trại, Chính Đầm và Phụ Đầm.
Ở phường Phương Sài, T.P Nha Trang nay vẫn còn bảo lưu địa danh Bến Trường Cá (thường gọi tắt là Bến Cá), xưa kia từng là một ngư cảng
nhộn nhịp và phồn thịnh, được coi là một trong những nơi xuất phát nghề đầm đăng của Nha Trang. Những cư dân lâu đời của Phương Sài
vẫn còn nhớ về nghề truyền thống của địa phương. Trong tâm trí của những người cao tuổi vẫn còn in đậm hình ảnh của những bạn chài áo
đen sờn rách ngồi dọc theo con đường Phường Củi (nay là đường Phan Đình Giót) để đập vỏ dừa, vỏ mấu rồi xe, đan, kéo sợi… để có những tấm
lưới đăng nặng nề, thô mộc, hay cảnh nhộn nhịp ở Bến Trường Cá mỗi khi có thuyền đăng chở cá vào bờ. Theo gia phả Mai tộc, dưới thời
Tự Đức có ông Mai Thiên Tải là cháu bốn đời ông Mai Xuân Thông, cao tổ họ Mai ở Khánh Hòa, về định cư ở thôn Phường Củi. Nhận thấy người
dân nơi đây ăn ở có nhân đức, địa thế vùng này thuận lợi cho việc khuếch trương ngư nghiệp, ông bỏ tiền mua sắm ghe thuyền, ngư cụ,
chiêu mộ lưu dân có nghề biển gốc ở Phường Mới, Bình Định tổ chức đánh bắt xa bờ, phát triển nghề đầm đăng, lại xin đổi tên thôn Phường
Củi thành Phương Sài, khiến đời sống nhân dân địa phương ngày càng ấm no, thịnh vượng, đúng như lời tự bạch của ông trong bài thơ dặn
dò con cháu mà bà con Mai tộc đều thuộc:
“ Trải bốn đời mới đến ta
Chọn nơi Phường Củi làm nhà định cư
Mộ dân chúng làm ngư nghiệp nghệ
Qua nhiều năm sinh kế đông, giàu
Đội ơn đức Phật trên đầu
Đình, chùa xây dựng hai đầu hai ngôi
Đem công của tài bồi vững chắc
Cải thôn danh đặt hiệu Phương Sài
Có sắc tứ, có kim bài
Ơn trên tưởng thưởng khen người có công…”
Sau khi ông mất, dân làng đồng lập hội ước phụng thờ ông tại đình Phương Sài như một trong những bậc tiền hiền của địa phương.
Dấu vết của nghề đăng Phương Sài không chỉ được phản ánh qua địa danh Bến Trường Cá mà còn được bảo lưu qua ngôi miếu thờ Ông Nam Hải
tại khóm Phường Củi Đông với tên gọi là miếu Ngư Nghệ Công Trường.
Đây là một ngôi miếu nhỏ toạ lạc tại Bến Trường Cá, mặt tiền quay về hướng đông bắc, nhìn ra sông Ngọc Hội (một nhánh nhỏ của sông Cái).
Miếu nằm cách cầu Hộ (cây cầu nhỏ nối hai phường Phương Sài và Ngọc Hiệp) khoảng 100m về hướng đông nam.
Ngày xưa, Bến Trường Cá vừa sâu, vừa rộng, thuyền cá, thuyền buôn ra vào tấp nập. Sinh hoạt trên bến bãi nhộn nhịp suốt ngày đêm. Mỗi khi
có thuyền cá từ khơi về đều có hiệu lệnh trống báo cho chủ đầm đăng và người mua biết.
Miếu Ngư Nghệ Công Trường (công trường nghề cá) lúc đầu có tên là Nghệ Võng Công Trường (công trường nghề chài lưới), có lẽ được lập
vào đời vua Tự Đức khi nghề đánh bắt xa bờ được phát triển, làm nơi cho ngư dân cầu xin, van vái trước khi xuất hành ra sông, ra biển.
Đến đời vua Thành Thái thứ 9 (1897), miếu được sửa chữa khang trang làm nơi thờ phụng Ông Nam Hải (tức cá Voi, được ngư dân tôn là thần
cứu tinh của họ mỗi khi có gió to, sóng lớn). Miếu đã được triều đình ban cho 2 sắc phong phụng sự Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần vào
đời vua Duy Tân thứ 5 (1911) và đời vua Khải Định thứ 9 (1924).
Năm 1960, do bị xuống cấp trầm trọng, miếu đã được các chủ đầm đăng, ngư dân và hào lão địa phương đóng góp trùng tu, xây dựng. Hiện nay,
mặc dù nghề đầm đăng của Phương Sài không còn nữa nhưng miếu vẫn được nhân dân địa phương bảo quản và hương khói quanh năm. Hằng năm,
cứ vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, tại ngôi miếu nhỏ này, ngư dân Phương Sài đều tổ chức cúng tế Ông Nam Hải.
Từ những nguồn tư liệu đã trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng chính những ngư dân ở Bình Định di cư vào Khánh Hòa lập nghiệp cách đây
trên 250 năm là tiền bối sáng lập nghề lưới đăng. Rành nghề đánh các loại cá nổi như cá thu, cá ngừ, cá bò, họ đã khổ công nghiên cứu chiều
hướng xê dịch của các loại cá này từ nam ra bắc và ngược lại, khi ngang qua hải phận Khánh Hòa thường kéo từng đàn đi dọc theo chân các
gành đảo, nên đã nghĩ ra phương pháp chặn bắt luồng cá tại những nơi cố định mà không cần di chuyển giàn lưới như những nghề khác,
từ đó đạt kết quả rất khả quan. Sở dĩ nghề lưới đăng ở Khánh Hòa phát triển lớn mạnh hơn hẳn các tỉnh lân cận vì vùng này có bờ biển dài,
lại rất khúc khuỷu, lồi lõm do núi ăn lấn ra biển tạo nên nhiều bán đảo, hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm, vũng, vịnh… phân bố dọc ven bờ.
Đây chính là địa điểm lý tưởng cho các đàn cá tập trung vì có bóng núi và giàu thức ăn và cũng là những vị trí thích hợp cho nghề đầm đăng
hoạt động.
HIỆN TRẠNG NGHỀ LƯỚI ĐĂNG
Khánh Hòa từ xưa đã có nghề đăng lớn nhất nước với gần 40 sở đầm vào thời cực thịnh, phân bố đều khắp
từ mũi Đại Lãnh đến vịnh Cam Ranh.
Các đầm quan trọng thuộc hải phận huyện Vạn Ninh là Vĩnh Y - Hồ Na (còn gọi là Hòn Na hoặc Bà Na), Tiểu Cảng - Suối Châu tục gọi
Bảy Giếng, Nhĩ Phong (thường bị chép sai là Nghi Phong) - Diêu Chử tức Bãi Dầm, Vĩnh Trích -
Đá Dựng tức Bãi Ván (tên chữ là Bản Chử).
Huyện Ninh Hòa chỉ có một đầm đăng duy nhất là sở đầm Độc Tân Hòn Đỏ.
Phía nam đảo Hòn Tre (TP. Nha Trang), gần khóm Bích Đầm thuộc phường Vĩnh Nguyên, xưa có sở đầm Mai Thọ. Ngoài cửa vịnh Đầm Báy,
có sở đầm Thạch Dự - Bút Chử mà ngư dân thường gọi tắt là đầm Thạch Dự. Gần đó lại có sở đầm Hòn Một. Ở phía đông đảo, gần mũi Điện là nơi
đặt hải đăng, có sở đầm Xưởng Dự - Táo Chỉ, tục gọi Hòn Xưởng. Ở hướng tây đảo,
có sở đầm Hoành Úc - Úc Nghị, tục gọi Vũng Ngáng.
Cách đảo Hòn Tre khoảng trên hai cây số về phía nam là đảo Hòn Mun. Tại hướng đông nam đảo này có một sở đầm mang tên Lam Dự - Châu Dự.
Vùng biển phía nam Khánh Hòa thuộc địa phận thị xã Cam Ranh trước đây có 3 sở lưới đăng: đầm Mao Du ở hướng đông nam đảo Bình Ba; đầm
Hòn Đen gần cửa vịnh Cam Ranh; đầm Hòn Nhàn ở phía tây nam đảo Hòn Nhàn ngoài khơi Bãi Dài.
Ngày nay do cá ít, lại ngại vào sát bờ, nên nhiều sở đầm trong tỉnh đã bị bỏ hoang không còn khai thác. Theo thống kê của các ngành
chức năng, vào năm 1996 toàn tỉnh còn lại 14 đầm: Hòn Nọc, Sủng Hồng (Sông Hồng), Hòn Xưởng, Thạch Dự, Lam Dự (Nha Trang); Hồ Na,
Tiểu Cảng Suối Châu, Eo Gió, Ổ Gà (Vạn Ninh); Hòn Đỏ (Ninh Hòa); Hòn Găng, Hòn Sam, Hòn Nhàn (Cam Ranh). Ngoài tình trạng bị bao
vây bởi các loại nghề như lưới cản, lưới vây, lưới giã… còn phải kể đến những biến đổi bất thường của thời tiết và sự cạn kiệt
của nguồn lợi thuỷ sản ven bờ khiến sản lượng cá của nghề đăng thấp dần. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng chục sở
đầm hoạt động. Số đầm này thuộc các đơn vị khai thác như HTX Thủy sản Bích Hải, HTX Thủy sản Đoàn Kết, HTX Thủy sản Thống Nhất
(T.P Nha Trang); HTX Thủy sản Đầm Môn, HTX Thủy sản Khải Lương, HTX Nghề cá thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh); HTX Cam Bình
(huyện Cam Ranh); Tổ Đoàn Kết Hòn Đỏ (huyện Ninh Hòa).
Thời kỳ trước năm 1975 sản lượng lưới đăng rất cao, chiếm đến 1/3 tổng sản lượng cá của tỉnh, lại là những loài có giá trị
kinh tế cao. Giai đoạn 1975 - 1980 tuy gặp nhiều biến động nhưng nghề khai thác đầm đăng vẫn còn hiệu quả, đến những năm tiếp
theo sản lượng có chiều hướng giảm dần nhưng giá trị sản lượng tăng cao do có nhiều
sản phẩm trở thành mặt hàng xuất khẩu.
Thành phố Nha Trang trước đây có nghề lưới đăng phát triển nhất với 13 sở đầm, gần 500 lao động, tiền thuê khoán là 27 triệu tiền cũ.
Sau ngày giải phóng, Nha Trang thành lập 2 hợp tác xã lưới đăng là HTX Thống Nhất (tập hợp các nhóm lưới đăng Phường Củi, Xương Huân)
và HTX Đoàn Kết (tập hợp các nhóm lưới đăng phường Vĩnh Nguyên). Tổng sản lượng cá trong các năm 1975 - 1976 của Nha Trang
khoảng 4000 tấn (giảm sút rất lớn vì số tàu vượt biên) trong đó sản lượng của nghề đăng cũng chiếm khoảng 500 tấn.
Những năm tiếp theo nghề cá phục hồi, sản lượng cá lưới đăng tăng dần. Từ năm 1993 - 2001 sản lượng trung bình mỗi năm đạt 104,1 tấn.
Sản lượng cá ở giai đoạn 1993 - 1996 trước khi có chủ trương đánh bắt xa bờ tương đối cao, trung bình 147,4 tấn/năm.
Còn ở giai đoạn 1997 - 2001 trung bình 65,5 tấn/năm, chỉ bằng 50% sản lượng của giai đoạn trước. Một trong những nguyên
nhân của hiện tượng trên là sự gia tăng đánh bắt cá nổi ở phía ngoài các vị trí đặt đăng, làm cho cá “ngại” vào bờ.
Đó cũng là một kết quả của sự chuyển dịch kinh tế. Ngay từ trước ngày giải phóng, sản lượng cá của nghề đăng cũng đã
chiếm tỷ trọng thấp dần vì các nghề lưới vây, lưới cản, lưới giã tăng nhanh.
Tuy vậy giá trị của nghề đăng vẫn rất lớn.
Ở huyện Vạn Ninh, nghề lưới đăng được tổ chức thành tập đoàn do các nhóm ngư dân đứng ra làm nghiệp chủ kêu gọi cổ đông góp vốn.
Địa bàn khai thác là các sở đầm nằm trong vịnh Vân Phong. Trước đây huyện Vạn Ninh có đầm đăng nổi tiếng số một là đầm Vĩnh Y- Hồ Na,
gọi tắt là Hồ Na. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Hồ Na đứng đầu về sản lượng đánh bắt lưới đăng trong tỉnh. Kế đến là đầm Bãi
Giếng sâu đến 18 thước lưới, rồi đến đầm Bãi Dầm (Diêu Chử), đầm Bãi Ván (Bản Chử), đầm Mò O ở Đại Lãnh.
Đầm đăng có đầm tốt đầm xấu, tùy ở lượng cá khai thác được nhiều hay ít. Để dung hòa và tạo thu nhập đồng đều,
hiện nay các đầm ở huyện Vạn Ninh được chia làm 3 nhóm: nhóm một là Eo Gió, nhóm hai là Ổ Gà, nhóm ba là Suối Châu,
đặt dưới sự quản lý của 3 hợp tác xã là HTX Nghề cá Vạn Giã, HTX Thủy sản Khải Lương, HTX Thủy sản Đầm Môn và được
phân bố khai thác luân phiên, nhờ vậy tạo được cân đối về mức thu nhập cho xã viên.
Sau ngày Nha Trang giải phóng (2/4/1975), ngày 17/10/1975 Ty Thủy sản Khánh Hòa đã tổ
chức Hội nghị đầm đăng toàn tỉnh. Từ đó ngư dân làm nghề lưới đăng thuộc tỉnh Khánh Hòa lấy ngày 17/10 làm ngày hội hàng năm.
Mục đích của ngày hội này là tạo điều kiện cho các ngư dân, các HTX lưới đăng giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong nghề,
về nghiệp vụ khai thác, về công tác quản lý sản xuất, về tổ chức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội cho anh
em trong nghề quen nhau, tăng cường mối quan hệ đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất.