Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM




Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ XXIII


VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ]

      Giai đoạn kháng chiến, từ 1945 đến 1950 Việt Nam độc lập được gần một năm. Tiếp, Pháp chiếm lại Hà Nội, (ngày 19 tháng 12 năm 1946) cho dù đảng phái Quốc hay Cộng đều bỏ phù hiệu riêng, đoàn kết trong danh xưng kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng. Suốt chín năm (1945–1954), thì kháng chiến ở bốn năm về sau, đã hao hụt thực chất; Mác xít ra mặt lãnh đạo – và cho đến 20–7–1954, phân chia đất nước, danh xưng toàn dân kháng chiến mất hẳn ý nghĩa. Song trên bình diện văn nghệ, ý thức toàn dân kháng chiến tạo được nền văn học có chiều sâu và rộng.
      Giai đoạn văn nghệ phân hóa, văn nghệ Mác xít – theo hẳn lối sáng tác được chỉ huy, nhất là sau 1954 miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Quốc Gia và miền Nam (VNCH) văn nghệ chỉ là vườn hoang, mọc đủ loại thảo mộc. Trong tập này, với người khe khắt cho quá nhiều – người dễ dãi cho chưa đủ. Với tôi, vẫn chỉ là bắt voi bỏ giọ, và tất nhiên chủ quan; thiếu sót tất nhiên không thể tránh. Nhìn vào những người viết sách nhận định văn học trước như Vũ Ngọc Phan kết luận cuối trang sách phê bình văn học, có đoạn:
     “... Trước hết, bộ sách này là bộ phê bình văn học như tôi đã nói nhiều lần, vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn. Sau nữa, trong khi tôi viết những trang phê bình về thơ, có nhiều thi sĩ chưa có quyển thơ nào xuất bản, về kịch hay tiểu thuyết, có nhiều nhà văn chưa có sách biên khảo, chưa có kịch hay tiểu thuyết ra đời. Như vậy, biết căn cứ vào đâu cho chắc chắn? Rồi lại những nhà văn chính trị tuy đã có văn thơ in trên báo chương hay xuất bản thành sách, cũng không có trong bộ sách này, vì một lẽ mà ai cũng hiểu khi nhớ đến chế độ hiện hành về sách báo. Còn những nhà văn chuyên viết những sách Pháp văn thì tôi cho là không phải nói đến trong văn học Việt Nam. (...) Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa rằng bộ Nhà Văn Hiện Đại này chỉ là một bộ phê bình văn học, không phải là bộ văn học sử. Trong văn học sử, người viết cần phải xét rất kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến văn phẩm, rồi lại phải định rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời đại. Nếu không đủ được những điều cốt yếu ấy, để định rõ phong trào văn học, thì dù có văn học sử đi nữa, người ta cũng chỉ coi là một mớ sử liệu...” (1)
     Thời gian này tác phẩm viết bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm với Légendes des terrres sereines và Nam et Sylvie; hoặc Nguyễn Tiến Lãng Le Chemin de la Révolte; Phạm Văn Ký: Frère de Sang, Celui qui régnera; Cung Giụ Nguyên Le Fils de la baleine – sử học Lê Thành Khôi với Le Vietnam, Histoire et Civilisation v.v..., không nói đến, cũng như lý do mà ông Vũ Ngọc Phan đề cập tới ở trên. Đến nhà chính trị văn sĩ Hồ Hữu Tường với Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc bỡn Nga, ... thì cũng vậy. Cả đến loại sách trinh thám kỳ tình, kiếm hiệp, phong thần, phỏng dịch chắp vá được gọi là tác phẩm văn học – chúng tôi xin phép không nói tới. Rõ hơn là Phạm Cao Củng có mặt từ tiền chiến với Kỳ Phát; hoặc truyện Người Nhạn Trắng cũng thế v.v... Tác giả Hoàng Như Mai, thời gian 1950–1954 trong kháng chiến; chúng tôi đưa vào cuốn này; vì vở kịch Tiếng Trống Hà Hồi đặc sắc được in trình diễn ở Hà Nội. Có thể nói điển hình bộ môn kịch là Tiếng trống Hà Nội. Bước sang bộ môn biên khảo, đưa Duy Sinh vào một tiết, như một điển hình cho lớp người viết biên khảo; cũng vẫn chủ quan, so với Diên Hương, Thu - Giang - Nguyễn - Duy - Cần; Khi đối chiếu lại thì, Duy Sinh không thể giá trị bằng hai nhà biên khảo vừa nêu danh.
     Trở lại bình diện văn nghệ hậu chiến, tập 3 gồm trên dưới một trăm nhà văn; chọn ba mươi điển hình nói tới cặn kẽ; so với người khác viết tóm lược. Cũng vẫn chủ quan thô thiển và tự nhận thiếu sót. Bởi còn nghĩ xa hơn rằng: "không thể viết đầy đủ các nhà văn mình muốn đưa vào một quyển, thay vì mỗi nhà văn điển hình phải viết hẳn một cuốn nói về họ".
     Nên coi những trang viết này chỉ là chữ viết (écriture) trong bộ sách này, và không là văn học (littérature); như quan niệm của Michel Buto (2). Lẽ trang viết có ý nghĩa tổng quát hơn. Còn nữa, bộ sách này chỉ là kết quả viết về tác phẩm các tác giả mà tôi đã đọc, đưa ra nhận xét của riêng tôi; giúp cho nghề tôi nuôi nghiệp (littérateur). Từ 1950 đến 1956, biến chuyển thời cuộc tác động đích thực vào đời sống văn học mà nhà văn sống trong đó. Ở miền Bắc của Quốc Gia Việt Nam (1950 – 1954) nhóm Thế Kỷ tạo thành một Triều Đẩu, qua những mảnh đời phóng sự hồi cư nóng bỏng, hàng ngày phải đối phó với đời sống, tạm gọi độc lập trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Còn thêm nhà văn điển hình như Hoàng Công Khanh với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, (truyện), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch dã sử), Nguyễn Minh Lang, ngọn bút tài hoa của văn chương lãng mạn mới, qua Gái Hà Nội, Nước Mắt Trong Đêm Mưa, Cánh Hoa Trước Gió (2 tập)... Hai nhà văn này, chúng tôi đề cập ở Chương 3 (tiết 2 và 4) – nhưng tập 3 này xuất bản ở Sài Gòn vào 1959 (Loại sách Đại Nam văn hiến trong nhà xuất bản Huyền Trân, Nhật Tiến chủ trương) bị kiểm duyệt bỏ trọn tiết. Bản in lại lần thứ hai in lại đầy đủ; nhưng trong lần này vẫn phải để trống phần phân tích; vì lý do tầm thường – không kiếm được bản tái bản vào 1973. Hai nhà văn điển hình khác nói đến trong Chương 3 là Thanh Hữu, Văn An. Về nhà thơ điển hình: Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh... Viết tóm lược nhà thơ: Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Băng Sơn, Vân Long, Trần Nhân Cư... Bình diện văn nghệ miền Trung (Quốc gia Việt Nam) vào giai đoạn này, nhà thơ điển hình được nói đến : Huyền Chi (nữ), Hoài Minh, Thanh Thuyền. Viết tóm lược các nhà thơ: Hồ Đình Phương, Huyền Viêm, Thế Viên...
     Bình diện văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), nhà văn điển hình: Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo (nữ), Triều Lương Chế, Phạm - Thái - Nguyễn - Ngọc -Tân Phạm Thái kèm tên thật Nguyễn Ngọc Tân, phân biệt với một Phạm Thái khác), Chấn Phong Hư Chu. Viết tóm lược: Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu-Mai-Vũ-Bá- Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Nguyễn Hoài Văn, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân... Một số nhà văn khác nổi tiếng sau giai đoạn 1956 như Võ Phiến chưa có tác phẩm xuất bản. Phải kể thêm trong số đó: Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, (nữ), Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng (nữ), Võ Hồng, Thế Uyên, Tuấn Huy, Thế Nguyên, v.v... của Đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 trở đi). Riêng về phóng sự tiểu thuyết: Hoàng Hải Thủy với Vũ Nữ Sài Gòn (3), Duyên Anh qua bút hiệu Thương Sinh, Toàn Phong với Đời Phi Công, chúng tôi chưa có cơ hội nói đến, và nhờ Vũ Ngọc Phan giúp giải vây sự khốn đốn; ... vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn... Thêm nữa, khoảng thời gian viết đến lúc in ra (dầu cho là in ronéo-typé cách vài năm). Do đó, chưa kịp nói đến Võ Phiến (Chữ Tình), (4) Thế Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Toàn Phong , Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Nguyên, Văn Quang (Thùy Dương Trang), Huy Trâm, Phạm Nguyên Vũ, Túy Hồng (nữ), Lê Vĩnh Hòa, Nhật Tiến, (văn) v.v... – Về thơ: Thái Thủy, Tô Thùy Yên, Tôn Thất Quán, Hoàng Khanh, Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Viên Linh, Trần Dạ Từ (khi ấy ký Hoài Nam), Hoài Khanh, Hà Yên Chi v.v... và v.v... (5).
     Giá trị văn chương tiền chiến Tự Lực văn đoàn, có cả Lê Văn Trương, (tập một: Nhà văn tiền chiến), tiếp đến giá trị văn chương lửa kháng chiến; sau là hậu chiến. Đọc Bướm Trắng, Nửa Chừng Xuân. Mấy Vần Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Vang Bóng Một Thời, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giông Tố... không nhìn thấy đầy đủ hình tượng sống cuộc sống hôm nay được thấy trong: Gió Bấc, Truyện Năm Người Thanh Niên, Trên Vỉa Hè Hà Nội, Cánh Hoa Trước Gió, Trại Tân Bồi, Nhìn Xuống, Điệu Đàn Muôn Thuở, Đêm Giã Từ Hà Nội, Sợ Lửa, Rừng Địa Ngục.... Văn nghệ là sản phẩm phản ánh thời đại, nên Kim Vân Kiều có hay đến mức thượng thừa – cũng chưa thể đại diện cho một khoảng thời gian không tiếp nối. Tác phẩm Nguyễn Du mới chỉ nói lên đầy đủ về xã hội phong kiến giao thời mà tác giả Kim Vân Kiều sống – đủ một số điều tương đồng hiện cảnh. Không thể nói đến Kim Vân Kiều là đủ điều tất yếu hình tượng sống lịch sử. Tác phẩm của Karl Marx, S.Freud cũng bị vượt qua, hiện nay vẫn cần khối óc siêu việt Oppeheimer, Einstein, Gandhi, JP Sartre v.v...
     Phải hiểu được rằng: lịch sử một nước như lịch sử văn học, luôn theo đà diễn tiến, tiếp nối không ngừng. Nói khác đi, sử học, văn học sử một nước không thể cắt quãng, cũng không tùy thuộc vào lập luận một phe nhóm nào để định giá trị vĩnh viễn. Rất cảm phục lập luận của Vũ Ngọc Phan dẫn trên kia; được gọi văn học sử, phải xét kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến tác phẩm, định rõ liên hệ (chữ dùng: TP) giữa nhà văn này với nhà văn nọ, định rõ phong trào văn học. Càng rõ hơn, được gọi văn học sử, ít ra phải làm được một bộ sách Lịch Sử Văn Chương Ngôn Ngữ Pháp (tạm dịch Histoire des littératures de la langue française) (6) do nhóm chủ trương gồm 209 giáo sư văn học thực hiện bộ sách vĩ đại ấy.
     Cảm ơn số bạn giúp tài liệu, ý kiến, khích lệ, động viên, khi tôi khởi sự viết bộ sách này. Như họa sĩ Đinh Cường cởi áo, ngồi xệp trên sàn gác căn nhà trọ cùng tôi chia giúp những trang sách in ronéotypé xếp thành tập vào 1959, ở hẻm nhà thờ Lý Thái Tổ (Chợ Lớn). Uyên Thao mượn cho chiếc máy chữ, có lịch sử sản xuất cùng thời kỳ Tây hạ thành Hà Nội. Nguyễn Quang Tuyến nuôi ăn ở hàng năm, tôi ra thư viện đọc sách. Cùng với nhiều thư tình đầy tâm huyết người - tình - bậc - chị đến từ Hong Kong (nàng gọi Cảng Thơm) khích lệ người - em - bạn - tình miệt mài với chữ và nghĩa. Lại không thể quên bạn vong niên Phan Văn Thức cấp tiền ăn sáng, giấy stencil và thẩm phán Đào Minh Lượng, khi là sinh viên Trường Luật mua bánh mì dùng bữa trưa để tôi ngồi lì ở Thư Viện Quốc Gia làm mọt sách. Cũng không thể quên chịu ơn André Gide, qua cuốn sách viết phê bình về Fédor Dostoievskï (7) và cả Textes philosophiques của V.Biélinsky (8) nữa.

     THẾ PHONG

PHẦN THỨ HAI
MIỀN TRUNG: 1950 – 1954
(Quốc Gia Việt Nam)


CHƯƠNG NHẤT

KHÁI QUÁT BÌNH DIỆN THI CA MIỀN TRUNG
(Quốc Gia Việt Nam)



Tiết 1 . – HUYỀN CHI
Tiết 2 . – HOÀI MINH
Tiết 3 . – THANH THUYỀN
Tiết 4 . – Tiểu mục: HỒ ĐÌNH PHƯƠNG – TẠ KÝ – XUÂN HUYỀN – THANH THANH


***

Chương 1

KHÁI QUÁT BÌNH DIỆN THI CA MIỀN TRUNG: 1950 – 1954 (Quốc Gia Việt Nam)


Từ 1950 – 1956, miền Bắc, như miền Trung (Chính Phủ Quốc Gia), sinh hoạt văn nghệ các miền; thành phố lớn chỉ là giai đoạn bắt đầu. Một số văn nghệ sĩ ở lại, số văn nghệ sĩ khác từ hậu phương trở về đóng góp; dàn dựng nền văn nghệ gọi là Văn nghệ Quốc Gia. Riêng ở miền Trung, tạp chí văn nghệ, tuần báo; thì không tờ nào là diễn đàn văn nghệ; Nên tác giả ở Huế, Đà Nẵng thường gửi tác phẩm cho các báo ở Thủ Đô Hà Nội hoặc Sài Gòn. Tác phẩm của họ được đăng tải, thường là thơ, văn rất ít. Và không tác giả là nhà văn nào nổi bật. Song song hoàn cảnh chính trị thời đoạn này có chuyển biến, phân ranh rõ rệt: một bên kháng chiến dần dần mất thực chất, phân hóa (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên là Chính Phủ Quốc Gia. Hai nền văn nghệ đối lập nhau hình thành.
Bình diện thơ miền Trung có hai khuynh hướng: thơ mới và thơ tự do. Phái thơ mới chủ trương theo thơ mới tiền chiến, như Hồ Đình Phương, Tố Như, Huyền Chi, Xuân Huyền, Thanh Thanh; một số tác giả này cùng đứng trong Văn Đàn Chim Việt. Gọi là văn đàn, nhưng thực lực chỉ là nhóm rất nhỏ. Thơ mới các tác giả này mang thực chất bình cũ rượu mới.
Từ 1952 trở lại đây, một sự kiện mới nữa, thơ tự do được nối vần từ thơ tự do kháng chiến và lấy đà từ thơ tự do ở Hà Nội, phát triển ở Huế, Đà Nẵng. Các tác giả xuất hiện đồng loạt trên các tạp chí Sài Gòn, tập trung ở tuần báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới, với thơ tự do hoặc thơ mới bình cũ rượu mới. Người chọn lựa bài vở, nhất là văn, thơ; có bàn tay của Hoàng Thu Đông (Hoàng Trọng Miên, chủ bút các báo trên). Phải kể đến các tác giả: Thanh Thuyền, Hoài Minh, Tạ Ký, Thế Viên, Diên Nghị, Tường Phong, Châu Liêm (Nguyễn Xuân Thiệp sau này)...
Không hiểu lập luận phong thổ, đất đai tạo nên bản sắc con người ra sao; nhưng nhìn vào đòn gánh quẩy hai thúng lúa (địa lý giống chữ S, miền Trung chiếc đòn gánh quẩy hai thúng lúa, hai châu thổ Bắc Việt và Đồng bằng Cửu Long). Miền Trung tạo ra nhiều thi nhân và những chính trị gia cải cách xã hội, nhưng diễn đàn cho những tay quán quân múa may đều được đất hai miền Châu thổ nuôi lớn, thành đạt.


Tiết 1


HUYỀN CHI

Tiểu sử.

Tên thật Hồ Thị Ngọc Bút. Sinh 1930 chính quán miền Bắc, sống ở miền Trung. Sau nữ sĩ nổi danh tiền chiến như Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Sơn, Ngân Giang, Anh Thơ, Tương Phố... thì phải kể đến Huyền Chi, nhà thơ nữ khởi sắc, qua thi phẩm đầu tay sáng giá Cởi Mở...

Phân tích.

Thi phẩm xuất bản: Cởi Mở (Xây Dựng, 1952). Nội dung nói lên ẩn ức tâm hồn người nữ từng bị trói chặt, nay bùng nổ qua vần thơ sâu sắc, rung động ngọt ngào; chứa đựng tâm tư dân nhược tiểu thời chiến tranh. Tác giả bị hoàn cảnh chính trị chi phối, trở về Thành sống, nhìn cảnh đời sống dân ở miền Quốc Gia, tự do như chim vẫy vùng trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Nên tác giả hướng về kháng chiến phản ánh, qua hai mươi bốn bài thơ. Tạm chia ra làm hai tiểu mục của nội dung thi phẩm:

- Nói lên ẩn ức cá nhân hòa đồng với hoàn cảnh thực tại.
- Tuy sống ở thành thị, tâm tưởng vẫn hướng về hướng khác, cho rằng đó mới là chính nghĩa bảo vệ quê hương.

Thơ Huyền Chi rất hay theo chủ quan người nhận định, nhất là ở tiểu mục một. Thi sĩ rung cảm chân thành, bộc lộ tâm tư qua hình tượng mới, cảm nghĩ. ý thức sáng suốt; đả phá sa đọa hóa thị thành. Các bài: Lạc Loài, Ám Ảnh, Đất Lạnh... xúc động mãnh liệt, hồn thơ bừng sinh khí; tuy người ở đây mà mộng gửi ngoài.... Điều này cũng không thể cho là vọng kháng chiến, bởi dễ gì người ý thức nào cũng phân biệt được ranh giới khi nào, và vào lúc nào kháng chiến đã mất thực chất?
Trong bài Ám Ảnh, có đoạn:


“... Áo trắng lời ai qua nước mắt
Kinh thành chân lạnh bé con con
Ngỡ ngàng có kẻ cười ghê rợn
Hãy gẩy dùm ta một khúc đờn?

Nức nở đêm nao bao mái tóc
Hướng về cố quận mấy giang sơn
Nức nở đêm nào bao mái tóc
Giờ đây không biết mất hay còn?


Oscar Wilde (33) quan niệm rằng tâm trạng bất mãn, là khởi đầu tiến bộ; dầu không cho biết rõ tiến bộ như thế nào? Tiến bộ của tiến bộ thực sự hay cải lương nửa chừng, hoặc tiến bộ chỉ ý nghĩa một khi áp dụng trong văn chương nghĩa lý, tư tưởng? Hẳn trong ý thơ Huyền Chi hoài nghi, bất mãn; nhưng thơ chán chường Huyền Chi rung động thực, cảm hóa tình cảm thực sự truyền cảm, hơi thơ có hồn, có sinh khí như thơ hay là biết thở như người sống. Thơ truyền cảm nói về quê hương chiến tranh mẹ chờ con đến bạc lòng. Bài thơ Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi được nhạc sĩ tài ba Phạm Duy phổ nhạc thật tuyệt vời, nhạc tha thiết, buồn mênh mang hòa hợp với thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường, chẳng còn cảnh nào làm lòng não người nghe hơn thế! Đến cảnh, thu dễ làm cho người đọc bồi hồi, qua Bài Thơ Viết Đầu Mùa Thu, có đoạn:


“... Ta biết lâu rồi một sớm kia
Đường đi cách biệt chẳng quay về
Biên thùy hai ngả chia bằng máu
Dâu bể hai đường không đủ che


Có những chiều tang vắng bóng người
Mây tàn giăng mắc ngập muôn nơi
Có người đếm mãi mùa thu rụng
Hoen ố vườn xuân của cuộc đời...”


Rồi mơ ngày được đi xa khi tâm hồn bị kìm hãm; người thơ chỉ còn biết trút hình ảnh, nỗi lòng, thái độ, vào Thuyền viễn xứ, trên kia. Và ở đây còn phải nói thêm một lời nữa, tiết tấu nhạc Phạm Duy phổ trong ca khúc, vút lên giọng sầu vạn cổ:


“... Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viên xứ nhổ neo lên đường...”


Những bài thơ khác: Rớm Máu, Rượu Tiễn dùng nhiều điển tích, sáo ngữ, công thức, thiếu rung cảm chân thành. Bước đường cùng của chiến sĩ chiến đấu trong bốn bức tường thành phố; thơ tầm thơ thường ước lệ. Như lối nói của văn học Pháp résistance au laboratoire (tạm hiểu là chiến đấu bằng lỗ miệng)

Kết luận.

Cô gái tóc thề chấm ngang vai ở tuổi này không được bạn bè thúc hát, gẩy đàn ca khúc Dư Âm (26), mà cô lại làm thơ – Thi phẩm Cởi Mở, ý thơ rung động, tư tưởng già dặn sâu sắc. Giá trị thơ Huyền Chi cho người đọc kinh ngạc thực sự về thi tài nhà thơ nữ Huyền Chi! Thơ có không khí tranh đấu ở hậu phương nhìn ra tuyến đầu kháng chiến khói lửa như thơ Laurent Daniel (bút danh khác Elsa Triolet) thời kháng chiến Pháp chống Đức 1939 – 1945.

Trích thơ:


LẠC LOÀI

Bơ vơ quá giữa kinh thành
Có ai may áo viễn hành nữa đâu?
Lạc loài từ độ xa nhau
Đường phai dấu cũ, nhạt mầu thời gian
Ở đây nhung lụa bạc vàng
Trăm màu sa mã, muôn ngàn phồn hoa
Giá băng cạn chén quan hà
Giang hồ chỉ có mình ta với người
Bụi đời mờ nẻo ngược xuôi
Năm năm tháng tháng ngâm lời thơ điên!
Sang ngang lỡ một mái thuyền
Để về đây sống giữa miền hoang vu
Mấy mùa khói lửa âm u
Mấy mùa ly loạn mịt mù muôn nơi
Đêm đêm nghe gió vọng lời muôn phương
Có trăm cánh gió điên cuồng
Về đây giữa lúc phố phường tối đen
Dập dìu ong bướm đua chen
Riêng mình ta chẳng người quen, lạ nhà
Lạc loài giữa xứ tha ma
Sống bơ vơ quá nghĩa là thế thôi!

1952

(Trích trong Cởi Mở)

HUYỀN CHI



Tiết 2


HOÀI MINH

Tiểu sử.

Tên thật Nguyễn Thế Khâm. Sinh 2.11.1924 ở Gò Công (Nam Phần). Cùng với Thanh Thanh, Xuân Huyền, Như Trị (Bùi Chánh Thời) ... trong nhóm Xây Dựng ở Huế, chúng tôi đặt vào phần thi ca miền Trung, giai đoạn 1950 – 1954.

Phân tích.


Tác phẩm: Nhạc Ngày Xanh (Xây dựng, Huế 1951), viết chung với Thanh Thanh, Xuân Huyền, Như Trị. Một số bài thơ khác đăng trên báo Đời Mới (Sài Gòn), Mùa Lúa Mới (Huế) ... Về Bình Minh, hình tượng mới, rung động, hồn thơ xúc cảm; nói lên thân phận thiếu phụ bị sa ngã trước bả sa hoa đô hội, lãng quên chồng chiến đấu ngoài mặt trận. Tác giả dùng thơ kể chuyện, diễn đạt chuyện bằng thơ. Phải là những tác giả có tài như Hoài Minh mới thành công về loại kể chuyện thơ. Thời kháng chiến Hoàng Lộc với Viếng Bạn, Hữu Loan với Mầu Tím Hoa Sim, Hoàng Cầm với Ai về Bên Kia Sông Đuống… Trở lại Hoài Minh trong Lửa Binh Tàn Lụi, đây là bài thơ hay truyền cảm, xúc động người đọc:


“... Trút áo phù hoa
Tôi về quê cũ
Tìm anh
Siết chặt bàn tay
Nhìn sâu giếng mắt
Môi nở tâm tình
Ngậm ngùi kể chuyện ngày xanh
Góp sức dựng ngày tươi sáng
Có mầu trắng
Có nắng vàng
Có đồng lúa xanh ngút ngàn
Có cô thôn nữ hò vang giọng hò
Anh không là Nông nô
Lều tranh vách đất
Vợ yếu con gầy
Tôi không là Địa chủ
Ruộng cả ao sâu
Nhà cao, mái đỏ
Ruộng chia từng mảnh nhỏ
Cho tất cả dân cầy
Lúa vàng lên sóng mắt
Nắng rụng xuống bờ dâu
Mồ hôi tôi tẩm đất mầu
Cho dưa kết nụ, cho bầu đơm bông.

(Trích tuần báo Đời Mới)

1954


Kết luận.

Tâm trạng diễn biến với ý thức hệ tư tưởng, song hành với biến chuyển thời cuộc. Có nghĩa ông nhìn thấy được giai đoạn phân hóa kháng chiến mất thực chất. Và miền Quốc Gia, đất quê hương đang sống đang là một chính quyền thực sự. Sáng tác Về Bình Minh phản ánh qua thơ, ông lên án xã hội bị sa đọa hóa là thật. Miền đất Quốc Gia khi ấy; tiếng hót chim có hay thật, thì chim vẫn nằm trong lồng son (Liên Hiệp Pháp). Nhìn sang đời sống chính trị bên kia, đấu tranh giai cấp sang hành động ông viết bài Lửa Binh Tàn Lụi. Thơ Hoài Minh không là thơ công thức; thơ làm theo yêu cầu tuyên truyền, nhưng chính thơ rung động của nhà thơ sáng suốt ý thức.

Trích thơ:


VỀ BÌNH MINH

Thôi con nhé! Lặng im đừng khóc nữa
Mẹ về đây, tim giá ủ lòng côi
Mẹ về đây, hồn ngập bóng xa xôi
Để thoát khỏi vũng bùn nhơ nhầy nhụa
Ánh điện cháy ngập tràn muôn lối nhựa
Xây đài mơ đốt vạn cánh thiêu thân
Mẹ về đây, đôi bước nhỏ ngại ngần
Xa con dại, mẹ xa đời quang đãng
Môi đỏ mọng đang lên giờ dâm loạn
Má hồng tươi pha nhạt ý mầu xanh
Vạn hồn nhơ trụy lạc bốc xây thành
Ngàn gió lộng mùa thu đầy anh dũng
Tha cho mẹ, hỡi con giòng máu nóng
Ủ hồn đơn, nguồn ấm của lòng thơ
Mẹ về đây dập tắt của cuồng mơ
Và lãnh đạm trước nguồn say rạo rực
Thoảng vạn cánh lá vàng gieo tiếng nấc
Lòng giá băng trào ngập ý thu xưa
Một mùa thu nhạt bóng tự bao giờ?
Hồn tội lỗi nghe vang lời chinh chiến
Mùa lá ấy non sông bừng rung chuyển
Cha say sưa lòng nhẹ chuyện thê nhi
Vẻ hiên ngang hướng bóng ngọn quốc kỳ
Mẹ tiến bước tim sầu căng suối lệ
Nhưng khôn tắt lửa lòng trai thế hệ
Mẹ bâng khuâng e ngại hỏi Ngày về
Cha mỉm cười nhìn mây trắng lê thê
Và khẽ bảo đến khi tàn binh lửa
Mẹ đã hứa trên hồn thiêng lá úa
Cùng cha con sẽ dạy dỗ trẻ thơ
Khóa lòng xuân, vạn thuở vẫn mong chờ
Lòng mẹ dõi bóng mây niềm quan tái
Hương mong nhớ mang ướp lòng con dại
Mẹ sầu, mơ ngày rũ bụi nhung y
Một ngày tươi che rợp bóng Tinh kỳ
Con và mẹ đón người cha anh dũng
Nhưng ảo mộng, mẹ xây tràng ảo mộng
Một chiều thu trời nhỏ vạn hàng mưa
Mẹ hay tin cha bị sa cơ
Hình đá lạnh khép nhìn đôi cánh rộng
Sau những tháng giữa tường cao thu bóng
Cha bị đày ra đảo vắng xa xôi
Đến thời gian, ôm mối hận câm lời
Bao diễm mộng chừ đây đang đổ vỡ
Sống giữa chốn ngạt mùi hương cám dỗ
Mẹ nghiêng dần bên vực thẳm truy hoan
Và say mê trong cuộc sống huy hoàng
Hồn nhạt bóng người chồng vương thảm cảnh
Cha co quắp giữa tường rêu giá lạnh
Mẹ duỗi mình trên nệm ấm giường cao
Cha xót lòng lùa vội bữa cơm rau
Mẹ thừa thãi thức cao lương mỹ vị
Cha nuốt hận xây hờn nơi dũ lý
Mẹ tươi cười kết mộng giữa xa hoa
Cha tả tơi gió bấc tái màu da
Mẹ tha thướt trong quần tơ áo lụa
Cha cay đắng tai nghe lời chửi rủa
Mẹ mơ màng đôi khúc nhạc du dương
Và đã bán linh hồn cho thú dục
Bỏ lạc lõng mảnh lòng non côi cút
Con thơ ơi! Kẻ tội lỗi về đây
Tìm nguồn vui bên cạnh trẻ thơ ngây
Đừng khóc nữa con ơi! đừng khóc nữa...

1951
(Trích trong Nhạc Ngày Xanh)

HOÀI MINH



Tiết 3


THANH THUYỀN

Tiểu sử.

Tên thật Nguyễn Định. Sinh 1933 ở Huế. Bạn học Diên Nghị, Tạ Ký, Kiêm Đạt… Tác giả nhiều bài thơ đăng trên tuần báo Đời Mới (Sài Gòn), Nguồn Sống Mới (Sài Gòn) bắt đầu từ 1952…

Phân tích.

Thanh Thuyền chưa xuất bản thi phẩm nào, nhiều bài đăng tải, thơ có bản sắc riêng nhà thơ đích thực tài năng. Thơ viết nhiều bằng cảm giác, ngụ tình, ẩn dụ, thiết tha với thiên nhiên, cây cỏ, cảnh vật. Thơ nhuốm tiêu cực, tiêu cực đây không phải vô duyên cớ, chẳng hạn bài thơ Cách Biệt hao hao không khí Lạc Loài của Huyền Chi. Tiếng thơ Thanh Thuyền nghẹn ngào thời thế. Chính tác giả tự nhận không thể mạnh chân cất bước lên đường dấn thân hành động, trước cảnh tha hóa thành thị đọa lạc, chưa có chủ quyền.

Kết luận.

Thế giới thơ Thanh Thuyền giàu âm thanh, ngôn từ mượt mà, nội dung phong phú, tư tưởng tiến bộ. Xuân Thế Hệ đọc lên, cảm được luồng cảm khí bừng bừng tuôn qua mạch máu, phát sinh hơi ấm trong tâm hồn. Một ý khác đánh giá tiêu cực thơ Thanh Thuyền, ở chỗ có thể hơi thơ còn yếu, chưa đạt đỉnh cao tạo sức mạnh tiêu cực vũ bão như Maxime Gorki chẳng hạn. Nhà văn Nga này có thể góp công lớn lật đổ Nga Hoàng phong kiến thối nát. Như vậy không thể cho rằng thơ Thanh Tuyền than mây, khóc gió, như thơ tiền chiến, trốn mình trong vỏ sò tình ái; khi non sông nghiêng ngửa. Và thơ ông có khác đây là tiếng nấc nghẹn ngào thương cảm thời thế.

Trích thơ:


1. CÁCH BIỆT.

Anh một phương trời, tôi một phương
Núi mờ chia biệt mấy biên cương
Ở đây mây trắng buồn hiu hắt
Lá rụng mùa thu đỏ dặm đường

Ở đây nắng tím mầu thương nhớ
Gác trọ mênh mang gió cuộc đời
Thơ trắng sầu hoen dóng bắc lụn
Võ vàng, trăng lạnh lắm anh ơi!

Đêm nay biên giới mờ sương khói
Ai hát bài ca giữa núi rừng
Áo bạc vai gầy nghe lá rụng
Mầu chiều bên ấy có rưng rưng?

Ai đi đêm ấy trời sao biếc
Mắt ướt lênh đênh bóng nguyệt vàng
Sương đổ bờ tre, buồn dậu thắm
Nhạc mùa quê cũ chớm âm vang

Cánh mộng ngày xanh chưa nhạt lối
Tâm tình chưa mướt mấy trang thơ
Biên cương ngút lửa mờ trăng gió
Sắc phấn hoàng hôn ngợp bóng cờ

Tôi ở phương này thương nhớ anh
Đêm đêm chợt lắng khúc quân hành
Cố đô mây khói trời vân vũ
Kẻ núi rừng thương kẻ thị thành

Máu lệ chia đôi bờ cách biệt
Nỡ nào nghẹn chết cả dòng thương
Tâm tư, núi biếc ngăn đường mộng
Người ở phương trời, kẻ cuối phương.

Đêm nay chợt tỉnh trong mây gió
Gối lạnh còn vương mộng Thái Hòa
Tám hướng đời không còn cách biệt
Biên thùy chim trắng, nắng dâng hoa.

1954
(Trích tuần báo Đời Mới)

2. XUÂN THẾ HỆ

Đời chưa chết một mùa xuân thế hệ
Nên dòng thơ vẫn ướt giữa làn môi
Đời chưa hát bài kinh sầu tận thế
Nên hồn thơ sáng rực ánh sao ngời

Cửa Thiên đường trần gian còn khép chặt
Máu trần gian còn đỏ ngập đường đi
Ta ngửa mặt chờ mùa xuân nguyên thủy
Liệm đau buồn trong giếng mắt lưu ly
Xuân không nở, nhưng máu đời nở thắm
Bờ không gian quằn quại giữa biên thùy
Trong đêm tối, hôn xuân về lướt thướt
Nhạc muôn đời vang vọng khúc phân ly

Những biên thùy, những biên thùy rớm lệ
Người cuối sông khóc biệt kẻ đầu sông
Dựng thành trì những trời mây ngạo nghễ
Tình ngăn, bờ âm hưởng nhạc chờ mong

Đêm nay say, xuân về trên gối lạnh
Ta lắng nghe ý nhạc tự muôn đời
Cửa Thiên đường trần gian còn khép cánh
Nhưng hồn thơ ánh rực sáng sao ngời.

Xuân tượng hình, xuân tượng hình trinh bạch
Trời kỷ nguyên xao xuyến nhạc ngàn xưa
Mùa xanh nở, mùa xanh lên huyền diệu
Đường trần gian biêng biếc mộng gây vừa

Vì em ơi, khúc kinh sầu tận thế
Chưa âm vang lặng lẽo giữa trần gian
Vì em ơi, vườn đời đang ướt lệ
Nhưng ngày mai ai bảo nắng không vàng?

Những biên thùy, những biên thùy rớm máu
Hát lên em, đời nở trắng hoa lê
Trên gối mộng, ta say trời hợp tấu
Dìu biên cương giữa biển nhạc xuân về.

1955
(Trích tuần báo Đời Mới)

THANH THUYỀN



Tiết 4


TIỂU MỤC

1. HỒ ĐÌNH PHƯƠNG.

Sinh 1927 ở Phước Tính, Thừa Thiên. Tác phẩm: Sưởi Nắng (thơ), Hai Cuộc Sống (thơ), Ai Tìm Lý Tưởng (kịch thơ, Huế xb 195?)... Còn vở kịch khác ký Nguyệt Cầm đăng trên tạp chí ở Trung và Bắc, và gần đây trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (Sài Gòn, 1954). Ngoài một số bài thơ trữ tình, thơ Hồ Đình Phương phản ánh đời sống xã hội, nhưng ít rung động, truyền cảm. Tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành Chánh những năm sáu mươi.

Trích thơ:


ĐÔI BẠN

Trùng dương ôm héo quạnh
Sương xuống phủ rừng côi
Một góc trời hoang lạnh
Hai khối thịt chôn vùi

Không hương trầm khói tỏa
Cỏ dại với hoàng hôn
Thì thào trong kẽ lá
Như tiếng loạn âm hồn

Hỡi bạn lòng thiên cổ
Có còn nhớ ngày xưa
Khi tôi là tên thợ
Anh trọc phú đầu cơ.

Anh đem tiền sỉ mạ
Tôi kẻ khó làm công
Lương công anh mặc cả
Tôi vợ đói con đông

Giàu sang ba thước đất
Giai cấp kể làm chi
Còn đâu lầu cao ngất
Và những giọng khinh khi

Chỉ có lòng bác ái
Mới bất diệt muôn đời
Chỉ có tình nhân loại
Mới đáng kể mà thôi

Nhưng chắc cho chuyện cũ
Huyệt chết đã kề nhau
Ta bắt tay kết lũ
Và xây mộng ngày sau

Nếu sau này tái kiếp
Đừng chia rẽ nghe anh
Ta yêu nhau thắm thiết
Cho cuộc sống an lành.

Trong rừng sâu u tối
Hai đốm lửa chập chờn
Song song cùng một lối
Như kết chặt tình thương.

1952 (Trích tập san Gió Lên)

HỒ ĐÌNH PHƯƠNG


2. XUÂN HUYỀN.

Tên thật Lê Văn Ký. Sinh 1930 ở Đà Nẵng. Nguyên quán miền Nam. Tác phẩm: Xuân Thế Hệ (thơ, 1949). Nhạc Tuổi Xanh (thơ, in chung). Thơ Xuân Huyền nhẹ nhàng âm tiết, xúc cảm, chưa có bản sắc riêng biệt.

Trích thơ:


CÁNH HOA NHÂN LOẠI

Tôi nhặt cành hoa của tháng ngày
Ép vào tâm sự nỗi chua cay
Buồm căng gió lộng từ phương ấy
Sông, núi, men đời lên ngất ngây.

Bài ca nhân loại tình chưa chín
Nắng nhạt hờn môi: trái vẫn xanh
Mây hạ, trời thu, mầu khói xám
Nhạc cuồng, bọt trắng thiếu hương lành.

Thân ngà, áo mỏng, chôn lòng chết
Mơ bóng dầm thân, ai đói no
Những chiếc thân tàn mang khổ rách
Gầm cầu tẻ lạnh đón trăng mơ

Ai gọi hồn tôi một sớm nào?
Đặt vòng hoa lệ với nghìn sao
Một đàn em bé chờ thoi thóp
Vài nắm cơm thừa tận kiếp sau.

Một biển hoa tươi hẹn cuối trời
Hòa bình cơm áo mộng ngày vui
Chuỗi đời liên tiếp lòng ưu ái
Dệt thắm vần thơ những ý cười.

1952

XUÂN HUYỀN.



3. THANH THANH


Tên thật Lê Xuân Nhuận. Sinh 1925 ở Huế.
Tác phẩm: Ánh Trời Mai (thơ, 1950), Nhạc Tuổi Xanh (thơ, in chung)...
Thơ Thanh Thanh không nổi trội, hay dùng sáo ngữ, nghèo tiết điệu, ít xúc cảm. Bạn văn thơ đồng thời với Hồ Đình Phương, Tố Như, Như Trị, Xuân Huyền, Quốc Dân, ...

Trích thơ:


THƠ TA.

Có nghĩa gì đâu biển máu hồng?
Và xương chất núi lệ thành sông
Đã thành sáo ngữ nhàm tai quá!
Gió lửa, mưa bom, suối đạn đồng.

Ha hả, thân ai thì nấy lo
Ngày tiêm mươi điếu kéo ro ro
Tối vào hí viện đêm trà tửu
Khuya dắt dê âm xuống ngủ đò.

Cũng một thân trai một kiếp người
Bụi mờ lên mái tóc xanh tươi
Vi trùng khoét giữa đường gân cốt
Tội ác nhen trong ánh mắt ngời.

Bám cái khư khư nghệ sĩ hồn
Tình tan, duyên héo, mộng vương tôn
Để khi phủ nhận triều chân giả
Mùa cảm thông về bên xóm thôn.

Ấy đấy thơ ta chỉ thế thôi
Một tay bút nhỏ hướng trăm người
Võng chiều xéo cả nghìn trang giấy
Như đã, và đang xéo mãi ngươi.

1952

THANH THANH



4. TẠ KÝ – (1935 – 198?)

Sinh 1935 tại Quảng Nam.
Ngay trên ghế nhà trường đã có thơ đăng trên nhiều tạp chí ở thập niên 50. Thơ đăng nhiều nhất trên tuần báo Đời Mới (Sài Gòn, Cn: Trần Văn Ân). Năm 1956, đứng chung với: Phan Lạc Tuyên, Diên Nghị, Văn Thế Bảo, Tô Thùy Yên... trong tập tuyển thơ Thơ Mùa Uất Hận (Tủ sách Quân đội 1970), sau xuất bản tập thơ Sầu ở lại (1970).
Thơ trữ tình, truyền cảm, xúc động. Bài Xuân Về Thương Nhớ Với Ai Đây trích dưới đây là bài thơ hay.
Tạ Ký là nhà thơ giàu tình cảm, tâm hồn thơ nồng nàn trữ tình. Qua đời vào năm 198? ở Rạch Giá.

Trích thơ:


XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ĐÂY?

Tết đến rồi đây, xuân đến đây
Xuân về tết, tết được bao ngày
Cười nghiêng núi thẳm: xuân gian khổ
Khóc đứng quê xa, tết dạn dầy
Có những con người không biết tết
Căm căm thế sự nhíu đôi mày
Tóc rụng, xuân về hăm mấy bận
Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay
Lòng riêng nào những xuân hay tết
Dứt áo ra đi một chuyến này
Những chuyện tâm tình không tỏ được
Hoa đào trước cửa lả lơi bay... Bỗng nhiên trời đất đem xuân lại<
br/> Mùa mới dâng hương ngập luống cày
Chim hót bình minh, hoa đón gió
Nhấm mứt gừng xuông ba bữa tết
Đêm trường xuân mộng gởi đôi tay
Đâu đây nhạc rót lời tương biệt
Không hiểu thương ai nước mắt đầy
Nhà trống tha hồ mơ mộng đến
Tiền đâu mua lấy nửa cơn say?
Thơ chẳng ai yêu rồi cũng vẫn
Chờ mong phương nọ ngóng phương này
Cố tri dăm đứa nghèo xơ sác
Ăn chực, nằm chờ khắp đó đây
Nuốt tiếng cười điên, ngâm lạc giọng
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Nghĩ tiếp vần thơ tràn nước mắt
Lệ mình sao nhấp vẫn cay cay
Lệ mình đâu phải dòng dư lệ?
Mà giữa ngày vui khóc thế này
Xuân về thương nhớ với ai đây?

1955
(Trích tuần báo Đời Mới)

TẠ KÝ


CÒN TIẾP ...



VVM.29.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .