Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

 

TÌNH YÊU, HÔN NHÂN XƯA QUA VĂN THƠ




                     

T ình yêu, hôn nhân là điều trọng đại nhất của đời người. Xưa kia con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi đến tuổi cập kê, biết yêu đương, “trai khôn tìm vợ gái ngoan tìm chồng”.

Trai gái gặp nhau, thích nhau rồi làm quen nhau:

Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm

Những câu quan họ , những điệu lý, giọng hò đã giúp cho nam nữ tìm đến nhau. Hãy nghe người con trai ướm hỏi cô gái mà anh thích:

Thuyền ai lơ lửng trên sông,
Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền.

Cô gái thì:

“Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”.

Gặp nhau, yêu nhau và mong muốn thành vợ , thành chồng là điều ước muôn thủa của lứa đôi. Người xưa chọn chồng, chọn vợ rất khôn ngoan. Các cô gái muốn:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng , răng đen.

Người con trai thì:

Đã say say chốn mỹ miều,
Trăm gươm kề cổ cũng liều mà say.

Hay:

Đã say say chốn thuyền quyên
Những nơi tiền của không thèm ngó qua.

Khi cả hai đã tỏ lòng nhau thì họ dùng miếng trầu làm đầu câu chuyện và mời nhau:

Yêu nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.

Và mong muốn:

Trầu này trầu lộc trầu danh
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta.
Trầu này nhuộm thắm duyên ta
Đầu xanh cho đến tuổi già không phai.

Người xưa yêu nhau thắm thiết, không gì có thể cản ngăn được tình yêu của họ:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…

Ca dao, dân ca Bắc Bộ, người xưa nói về tình yêu nhẹ nhàng, day dứt. Còn Nam bộ, người xưa nói về tình yêu mạnh mẽ hơn, rõ ràng và cũng đầy suy ngẫm:

Ngó lên trời có con chim hóa phụng
Ngó xuống biển có con cá hóa long,
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Đến đây trời khiến động lòng thương em.

Và:

Thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm
Anh phải lòng thầm ba bốn tháng nay

Tình yêu của người Nam Bộ rất mãnh liệt, với chàng trai thì:

Dao phay kề cổ máu đổ anh không màng
Chết anh chịu chết buông nàng không buông

Với cô gái:

Phải chi cắt ruột đừng đau
Chiều nay tôi cắt ruột tui trao anh đem về.

Và nhớ nhung quay quắt:

Nhớ chàng sáng đứng trông xuôi
Trưa đi ngó ngược tối về trông xa

Chàng trai cũng rất đắm đuối:

Tui xa mình không chết cũng đau,
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền.

Họ cũng chân thành khuyên nhủ, nhắn nhau giữ gìn tình yêu:

Mình đừng tham phú phụ bần
Tiền tài ăn hết nghĩa châu trần còn thương

Với cô gái:

Đi đường cát nhỏ cỏ mềm
Em thác đi mới mất, sống còn thương anh

Với chàng trai:

Bao giờ cho sống bỏ ngành,
Cù lao bỏ bể thì anh bỏ nàng…

Tình yêu của nam nữ xưa, qua thơ văn, mỗi miền một sắc riêng nhưng đều chung một điều là mong tiến tới hôn nhân, thủy chung trọn đời.

Với các nhà văn, nhà thơ, họ có cái nhìn về tình yêu càng sâu lắng, đa đoan.

Nguyễn Du, nhà thơ tài ba đã viết về tình yêu Kim Trọng , Thuý Kiều như sau:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Chập chờn nửa tỉnh nửa mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.

Gặp gỡ nhau là thế, khi yêu nhau lại càng đằm thắm:

Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song…

Và nồng nàn hơn:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

Nhưng :

Thưa rằng : Đừng lấy làm chơi…
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Và :

Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt lại đền bồi có khi…

Yêu là thế nhưng vẫn giữ được tình yêu trong sáng là điều đáng trân trọng. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết trong cuốn tiểu thuyết Lấy nhau vì tình như sau: “ Tôi không cấm ai yêu…Nhưng tôi xin ai cũng nhớ cái mục đích của ái tình nghĩa là hạnh phúc. Yêu để mà khổ thì đừng yêu nữa có hơn không. Đáng lẽ phải dùng ái tình làm khí giới mưu cầu hạnh phúc thì sao người đời lại cứ đem hạnh phúc nô lệ ái tình thế nhỉ? Lấy nhau vì tình được lắm. Nhưng người đàn ông phải đứng đắn, phải kiềm chế cái lòng dục của mình lại, đừng có mà lợi dụng. Mà đàn bà thì phải khôn ngoan, đừng có cả nể, đừng có quá tin…Khi mà đã để cho xác thịt thoả mãn rồi thì ôi thôi, cái sự chung thuỷ với nhau sẽ chỉ là điều nói hão! Đấy anh cứ ngẫm xem nguyên nhân sự tai hoạ của anh có phải thế không? Anh muốn ngắt cái hoa hồng. Vì vô ý, gai nhọn đâm vào tay anh ngay…”

Chỉ vì tiền dâm, hậu thú, ngủ với nhau trước khi cưới nên anh chồng đã nghi ngờ vợ mình, có thái độ khinh miệt và ghen tuông vô lối làm cho hạnh phúc gia đình sắp bị tan nát, tác phẩm Lấy nhau vì tình của nhà vănVũ Trọng Phụng đã lý giải rất hay những điều tế nhị trong quan hệ vợ chồng.

Ở tác phẩm này, ông còn đề cập tới những lối thoát tích cực cho mỗi cá nhân trước những quyết định của cha mẹ trong các cuộc hôn nhân chưa có tình yêu : “ Lấy nhau vì cha mẹ hỏi cho cũng có thể có hạnh phúc được lắm, vì ái tình sẽ đến sau những hôn lễ. Nếu bảo lấy nhau không vì yêu thì không sung sướng được , thế thì các cụ nhà mình có chim chuột nhau rồi mới lấy nhau đâu! Ai dám bảo các cụ khổ cả? Ai dám bảo các cụ không yêu quý nhau hơn cả các bạn trẻ lấy nhau vì tình đời bây giờ? Các cụ thì giữ được gia đình êm ấm, mà các bạn nam nữ bây giờ thì chỉ thấy bỏ nhau choành choạch, tự tử bừa bãi mà thôi”.

Vũ trọng Phụng đã có một cái nhìn về tình yêu và hôn nhân rất sáng suốt.

Tình yêu có sức mạnh rất lớn, có khi quyết định cả cuộc đời cho nên nó đòi hỏi một sự chung thuỷ. Giáo sư Laura Kipnis trường đại học North Western cho rằng: “ Trong tình yêu hiện đại, sự trưởng thành là tiêu chí hàng đầu để yêu và được yêu. Tuy nhiên khái niệm trưởng thành trong tình yêu ở đây hoàn toàn đồng nghĩa với việc trao cuộc đời mình với một người khác giới và phải chấp nhận chỉ một người mà thôi. Đó là sự liên kết có một không hai”.

Vì thế người xưa khuyên các đôi yêu nhau:

Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

Nhà giáo dục Người Nga Ma ca ren cô đã viết: “ Tình yêu là một thứ tình cảm vĩ đại nhất, nó sáng tạo ra những điều kỳ diệu , nó tạo nên những con người mới, nó làm ra những giá trị vĩ đại nhất của con người”. Còn L. Tôn xtôi thì viết:

“ Tình yêu tiêu diệt cái chết hoặc biến nó thành ảo ảnh mờ nhạt. Tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành những gì có nghĩa, làm cho bất hạnh trở thành hạnh phúc”.

Biết bao kiệt tác viết về tình yêu, về số phận của gia đình, hạnh phúc và đau khổ, lý giải rất nhiều những nguyên nhân bền vững hoặc chưa bền vững của các gia đình, người thích đọc có thể tham khảo ở đó những điều mà mình tâm đắc.

Song thực tiễn của vấn đề này lại được người xưa đúc kết rất cụ thể qua tục ngữ, ca dao Việt. Ví như việc chọn dâu, kén rể, người xưa nói: “ Lấy vợ phải kén tông, lấy chồng phải kén giống”, “Chẻ củi xem thớ, lấy vợ xem mông”, “ đàn ông không râu , không tóc bất nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con” . Những điều này có cơ sở khoa học, nhiều nghiên cứu cho thấy trí tuệ, tâm tính đứa trẻ sinh ra chịu ảnh hưởng của ngưòi mẹ rất lớn. Nết ăn, ở có nền nếp, gia phong của gia đình sinh ra người mẹ sẽ giúp gia đình sau này của họ cũng sống theo nếp ấy. Người chồng có cơ thể khoẻ mạnh, vô bệnh tật để lại cho con thể chất tốt.

Không chỉ nói về thể chất của những người vợ , người chồng tương lai, sâu sắc hơn, người xưa còn dạy cách chọn con dâu và con rể tốt như sau : Con dâu tốt phải có “ tứ đức” ( công, dung, ngôn, hạnh). Nếu thiếu “dung” thì cũng phải được công, ngôn, hạnh, vì “ cái nết” có thể thay thế “cái đẹp”. Còn chọn rể, thì cũng phải chọn người biết luân thường đạo lý, hội đủ ngũ luân ( Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Vì đó là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Việc chọn dâu, kén rể, chọn vợ, chọn chồng được coi là việc trọng đại của một gia đình, của một đời người nên người xưa rất coi trọng, không thể đại khái, qua loa được. Qua tục ngữ, ca dao, qua văn chương vấn đề tình yêu và hôn nhân của người xưa được đề cập tới rất phong phú và sâu sắc.

Nay thì, chọn được người vợ, người chồng “ tâm đầu ý hợp”khó quá.

Nếu suy ngẫm kỹ những điều nói về tình yêu và hôn nhân của người xưa, qua ca dao, tục ngữ, qua các tác phẩm văn chương, ta thấy có nhiều điều bổ ích. Chịu khó đọc ta sẽ hiểu cuộc đời hơn và hãy vì hạnh phúc của chính mình mà phải thận trọng, sáng suốt khi lựa chọn bạn đời ./.

( Bài viết có tham khảo qua tư liệu trên Internet và các sách đã dẫn)




VVM.29.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .