Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


BAO GIỜ MÙA XUÂN VĨNH CỬU
MỚI THẬT SỰ ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI?

  


K hông biết từ bao giờ, mọi người đã quy định lấy một số ngày đầu năm vào Mùa Xuân để làm ngày Tết, vì mùa đó cũng là mùa của nhiều loài hoa đua nở, sắc màu lộng lẫy, hòa hợp cùng thiên nhiên. Thời tiết cũng đẹp hơn các mùa khác. Chỉ những ngày đó tất cả đều ngưng công việc, nghèo cũng như giàu đều sắm sửa mọi thứ, trang hoàng phố phường, nhà cửa, diện những bộ cánh mới, cung cách cũng trang trọng khác hẳn mọi ngày, lịch sự hơn, nói với nhau những lời êm dịu hơn và đến nhà nhau, hay gặp giữa đường thì đều chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc, an lành. Mọi người từ già đến trẻ đều thấy phơi phới yêu đời trong ngày vui chung đó, nên đã trở thành tục lệ mà ai nấy đều háo hức đón chờ và nhiệt tình tham gia.

Ở thành thị không khí đón Tết không khác mấy đối với ngày thường, chỉ thấy ở các Cửa Hàng, Siêu Thị, hàng hóa phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn. Nhưng ở nhà quê, nhất là ở quê nghèo ngày xưa như ở xứ tôi thì không khí rộn ràng bắt đầu từ trước Tết cả tháng. Hàng hóa lúc đó chưa có bán sẵn và dồi dào như ngày nay, nên nhà nào cũng phải tự chuẩn bị cho mình. Họ phải tự trồng lúa Nếp, một loại gạo dẻo hạt dành để quết Bánh Phồng và làm Bánh Tét, rồi những ngày trong tháng cuối năm là phải ngồi lựa từ hạt, để loại đi những hạt gạo lẫn vào, vì nó sẽ làm cho chiếc bánh Phồng hay bánh Tét, bị sượng, hay lợn cợn, mất ngon.

Một, hai tuần trước Tết là đi ngang xóm nào cũng nghe tiếng quết Bánh Phồng. Bánh này khi nướng thì phồng to lên nên gọi là Bánh Phồng. Để làm bánh này thì các bà dùng Nếp, xôi cho chín, xong cho vô cối, quết cho thật mịn, thêm đường cho đủ ngọt. Khi hạt xôi bị quết nhuyễn đã hòa với nhau thành khối bột mịn rồi thì họ mang ra, lấy dầu ăn bôi tay và vật dụng cho đừng bị dính, rồi bắt l cục bột vừa đủ cho chiếc bánh cho lên cái thớt hay miếng gỗ phẳng, dùng cái ống bằng tre để cán đều ra thành một hình tròn, dẹp, đường kính khoảng 25cm - 30cm, xong cho lên vỉ tre, hay chiếc chiếu mới để phơi. Chỉ cần chọn chỗ nắng, phơi vài nắng là đã có những chiếc bánh ráo mặt, xếp thành từng xấp cho gia đình ăn Tết và đãi bà con đến thăm nhà trong mấy ngày Xuân. Bánh này nướng lên lửa thì nó phồng to lên gấp rưỡi, cắn nghe dòn tan, xốp xộp, tan trong miệng, nên trẻ con, người lớn đều thích. Các bà nội trợ khéo tay còn làm thêm bánh Bông Lan, Mứt Dừa, Mứt Gừng, Mứt Bí để gia đình nhâm nhi trong mấy ngày Tết.

Gần sát Tết, thì các bà mẹ khéo tay lo gói Bánh Tét. Họ ra vườn, chọn những tàu chuối to, đẹp, nguyên lành, rọc về rồi phơi cho héo. Dây cột cũng là những bẹ chuối được rọc thành từng sợi dài, phơi cho thật khô. Khi gói, họ lót dây ở dưới cùng, trên là mấy miếng lá chuối đã lau sạch, cắt xén cho thẳng, xong trải một lớp nếp đã ngâm qua 1 đêm, để ráo, ướp chút muối, xào sơ với nước dừa cho béo trang đều trên mặt lá, xong lấy đậu xanh, hấp cho chín để một lớp đều mặt lớp nếp. Sau cùng là 1 miếng mỡ heo, vuông vức cỡ 3cm, dài bằng đòn bánh họ dự định gói, có tẩm gia vị, rồi cầm 2 đầu miếng lá lên, hất như thế nào cho lớp nếp áo quanh cái nhân, rồi dùng dây cột chặt chung quanh. Có khi nhân là những quả chuối chín muồi. Người không quen tay hay không khéo tay sẽ không làm được với nếp sống, khi mở ra sẽ thấy lòi cả nhân ra ngoài. Cho nên sau này họ xôi nếp cho chín cho dễ làm, vì nếp đã dính lại với nhau, chỉ cần trải đều và cho nhân lên. Đám trẻ con thích thú ngồi thức canh nấu bánh Tét để được nếm thử những chiếc bánh vừa chín tới, mới vớt trong nồi ra nóng hổi, vừa thổi vừa ăn! Có đứa mòn mỏi không chờ nổi.

Ngày còn nhỏ, khi ngồi phụ với mẹ tôi để cột dây bánh Tét, bà trách tôi không chịu học để mai mốt làm cho con cháu ăn, tôi đã cãi ngay: “Mọi thứ thiên hạ bày bán thiếu gì, học làm chi cho nó cực”! Má tôi cũng làm thinh, không nói tiếp. Giờ này, khi nhiều tuổi, biết suy nghĩ, mới thấy được cái tình của bậc cha mẹ năm nào khi ngồi lựa từng hạt gạo để làm ra cái bánh cho chồng, con có được miếng ăn cho vừa miệng. Đi mua bánh bán sẵn, họ làm hàng loạt, thì giờ đâu mà chọn nếp và lựa gạo, nên ăn thấy thiếu độ dẻo, và ngon như bánh của gia đình làm. Quả là qua những việc làm tuy đơn sơ, mà sâu sắc, lớp trẻ cứ vô tư hưởng thụ nên không thể hiểu được vì sao các người lớn tuổi lại ngồi đó tỉ mẩn làm chi cho nó cực thân, chỉ cần ra chợ mua là bánh gì lại không có!

Đêm Trừ Tịch là đêm thiêng liêng nhất. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ. Bánh trái, hoa quả cũng đã sắp lên bàn thờ Ông Bà. Đúng Giao Thừa là người lớn bắt đầu thắp hương lên. Trong đêm vắng lặng, nhìn hương khói vờn quanh mà tiếc nuối, nhớ thương người đã khuất, người đi xa, để tiếc nhớ những ngày đoàn tụ bên nhau. Người chịu khó suy nghĩ một chút thì thấy rằng thời gian đi quá mau. Cứ tưởng rằng ông bà, cha mẹ cứ mãi sống bên mình, nên chưa kịp làm gì để báo đền thì họ đã đi xa. Có người khi ông bà cha mẹ còn sống thì còn hất hủi họ. Không kịp nghĩ là rồi họ sẽ ra đi, để rồi chính mình cũng lầm lũi sống và rồi sẽ lầm lũi ra đi trong một ngày nào đó. Có khi còn chưa kịp nhìn rõ ý nghĩa của cuộc đời!

Sáng Mồng Một đám trẻ con được đánh thức để dậy thay những bộ quần áo mới tinh. Ở quê, quanh năm mọi người đi làm ruộng nên ăn mặc lôi thôi, lựa những bộ cũ, rách để lội nước. Nhưng ngày Tết là đường quê mang một bộ mặt khác hẳn. Người lớn, trẻ con đều xúng xính trong những bộ quần áo mới tinh, đủ màu sắc, đi tới đi lui như một bức tranh sinh động, khác hẳn mọi ngày. Ăn uống cũng phủ phê hơn. Tiếc thay, chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi là mọi thứ lại trở về nếp cũ. Ở thành thị thì cộng thêm rác rến đầy đường do hậu quả của mấy ngày mà mọi người đã xúm nhau mua sắm thặng dư hơn mọi ngày trong năm – có khi thừa mứa, dùng không hết, phải đổ đi – cho là đầu năm thì mọi thứ phải dư thừa để quanh năm được sung túc. Chưa hết, sau Tết xã hội lại phát sinh thêm một số người trở thành nghèo hơn, khó khăn hơn bởi tham gia những trò đen đỏ để tìm vận may trong ba ngày Tết. Đó là những gì được lập đi lập lại không biết bao nhiêu thời qua và còn sẽ tiếp tục mãi, để ít ra là trong 365 ngày còn có một số thời gian ngưng nghỉ để tái tạo năng lượng cho cuộc sống, và có thêm ít thời gian để suy nghĩ sau những ngày tháng quay cuồng với việc mưu sinh, kiếm được chút danh, chút lợi, ngoảnh lại thì tóc đã pha sương, thân cũng mỏi mòn…

Có một loài hoa khác, gọi là TÂM HOA, lẽ ra phải được nở trong lòng mọi người, để lúc nào trong mỗi người cũng là MÙA XUÂN VĨNH CỬU – đó là sự an lạc trong tâm, nếu kiên trì Hành theo hướng dẫn của Đạo Phật theo như mục đích của Đức Thích Ca, người đã bỏ cả cuộc đời để rao giảng – thì rất ít Phật Tử biết đến, mà nói đến Tu Phật là mọi người đều nghĩ ngay đến những vị Xuất Gia, đầu tròn, áo vuông, bỏ hết việc đời, ở một nơi riêng biệt, chuyên tu học và đào tạo lớp người kế thừa và giảng dạy Đạo cho bá tánh. Nhưng Đạo Phật được giảng dạy thường chỉ là nếp sống hiền lành, tu nhân, tích đức, nhất là phụng thờ các Đức Phật và hô hào bá tánh cất chùa cho to, đúc tạc tượng Phật ngày càng vĩ đại để nói lên lòng ngưỡng mộ mà ta thấy trong năm qua, nước ta được công nhận có 2 tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, và gần đây nhất là Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa mới được đặt trên đỉnh núi Yên Tử với kích cỡ và phí tổn rất lớn so với các tượng đã được làm từ xưa đến nay…

Hiển nhiên, không cần giải thích thì ai cũng biết điều đó nói lên dân tộc ta có tinh thần hướng thiện rất lớn, sẵn sàng hy sinh tiền của để nói lên lòng kính trọng, mến mộ những vị đã mang ánh sáng Đạo đến với cuộc đời. Xét về công sức phổ biến cũng như lòng ngưỡng mộ của dân tộc ta thì con số Chùa Chiền lên đến mười mấy ngàn, ngày càng hoành tráng hơn. Tăng, Ni chính thức cũng gần 600 ngàn, thì Lượng đã nói lên điều đó. Nhưng xét về Chất thì có thể chúng ta cũng còn phân vân, vì hình như không phải tất cả đều là những bậc chân tu, hiến mình để phụng sự Đạo Pháp. Ngay cả những vị thật tâm tu hành cũng không được bao nhiêu người chịu khó nghiên cứu cho hết mục đích thật sự của Đạo có thể truyền đạt theo đúng những gì được viết trong Kinh. Do đó, dù Đạo Phật đã được truyền nhau quảng bá khắp thế giới đến nay đã gần 3.000 năm, mà mọi người vẫn còn nghĩ rằng muốn Tu hành thì nhất định phải đóng khung trong hình tướng, và phân chia thứ bậc, ranh giới. Những người Cư Sĩ, dù tu hành miên mật cỡ nào cũng chỉ được xem là những người hỗ trợ cho các Tu Sĩ mà thôi.

Điều đó chứng tỏ Đạo Phật chưa thật sự đi vào đời đúng như tinh thần được ghi trong Kinh sách do Chư Tổ phổ biến, dù nhìn hình thức thì phát triển rất mạnh, Phật tử Quy Y rất đông, Chùa Chiền ngày thêm nhiều. Người Xuất Gia ngày càng đông, đủ mọi trình độ, đủ mọi quốc tịch, thậm chí có cả những đứa trẻ vị thành niên, chưa biết gì… đã trở thành một gánh nặng không nhỏ cho Phật Tử, vì theo nguyên tắc của việc tu hành là phải bỏ hết việc đời, không kinh doanh, không làm việc, để toàn tâm toàn ý cho việc tu tập mà thôi! Theo tôi, quả đó là một sự lãng phí tài nguyên, chất xám, sức đóng góp của con người cho xã hội, cho cuộc đời, vì Đạo Phật chân chính không nhằm đào tạo người Tu Phật xa lánh, tránh né cuộc đời. Trái lại, mục đích của việc Tu hành chỉ nhằm làm cho con người sống đúng với bổn phận của mình một cách tốt đẹp hơn, để sống giữa đời mà không còn bị phiền não, khổ đau vùi dập, như Hoa Sen, giữa bùn mà vẫn thanh khiết.

Lý do vì sao thời xa xưa bắt buộc phải có hình thức, là vì nếu không như thế thì mọi người không nhìn nhận đó là bậc tu hành thì đâu có thể giảng pháp làm lợi ích cho người nghe. Thứ nữa, lúc ban đầu mới thành lập tăng Đoàn thì phải tập trung, phải bỏ hết mọi việc để lắng nghe, ghi nhớ, làm nồng cốt cho Đạo. Cho đến nay thì cả thế giới đều biết đến Đạo Phật. Giáo lý cũng đã được Chư Tổ lần lượt khai sáng, mọi người đều có thể áp dụng vào cuộc sống, đâu cần phải có hình tướng, phải tập trung mới có thể tu hành, vì con đường Tu Phật là để phổ cập cho tất cả mọi người, đâu có dành độc quyền cho một số nào.

Nhưng làm thế nào để mọi người hiểu được TU PHẬT chỉ có một nghĩa độc nhất là SỬA. Sửa những cái tâm độc ác, hại người, hại vật. Những cái Tâm chấp nhất, THAM LAM, SÂN HẬN, MÊ SI, để được nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc trong kiếp sống hiện đời và vô lượng đời sau, để người Phật Tử muốn Phát tâm tu hành không còn e ngại, vì nghĩ rằng muốn tu hành là phải vứt bỏ hết mọi việc đời, rũ bỏ mọi trách nhiệm, không được lập gia đình, làm mất đi ý nghĩa phổ độ mà đấng sáng lập hằng mong mỏi? Làm thế nào để mọi người hiểu rằng việc Đắc Đạo, Thành Phật của Đức Thích Ca chỉ là tìm được Con Đường Thoát khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Và Kẻ Làm Nhà mà Ngài tìm ra được không ai khác hơn chính là cái TÂM MÊ của chính Ngài. CHỈ CẦN ĐIỀU PHỤC HAY HÓA GIẢI NÓ THÌ ĐƯỢC GỌI LÀ THÀNH PHẬT HAY GIẢI THOÁT? Cái Tâm đó thì mọi thời, mọi người đều giống nhau, do đó mà Ngài đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành.

Chính vì không hiểu được điều đó mà Đạo Phật phổ biến đã gần 3.000 năm nhưng không thấy ai Thành Phật. Trái lại, hầu hết Phật Tử, kể cả các Tu Sĩ chỉ dừng lại ở sự kính trọng, mến mộ Phật, xem như đó là một vị Thần Linh và cầu xin để “Được Độ” qua hình thức chuông mõ, nhang khói, để cầu xin cho mình và cho bá tánh. Việc TỰ TU, TỰ ĐỘ, TỰ GIẢI THOÁT hầu như không được nghe nhắc tới nữa, mà Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo thờ đấng sáng lập, là một Giáo Phái Thần Quyền không khác gì những tôn giáo khác!

Tu Phật có khó lắm không? GIẢI THOÁT, THÀNH PHẬT là như thế nào? Đức Thích Ca đã tu hành như thế nào để cho là Thành Phật? Ngài có ĐỘ được cho bá tánh hay không? Chúng ta có thể Tự Tu được, hay chỉ được quyền làm Phật Tử để CẦU XIN thôi? Kinh nói gì về những điều này? Nhân ngày đầu Xuân rảnh rỗi, chúng ta mở lại lịch sử Đạo để đối chiếu xem Đạo Phật trong Chính Kinh được giải thích như thế nào? Vì là PHẬT TỬ, tức là CON CỦA PHẬT. CON CỦA PHẬT thì phải vào nhà để nhận gia tài của cha, không thể cả đời chỉ làm GÃ CÙNG TỬ, hốt phân để kiếm sống qua ngày. Như vậy, muốn TU PHẬT, MUỐN THÀNH PHẬT thì thay vì tầm chương, trích cú, hay đi nghe giảng pháp, tại sao chúng ta không tự mình xem lại toàn bộ hành trình đi tìm ĐẠO và TU HÀNH, ĐẮC ĐẠO của Đức Thích Ca xem Ngài đã làm những gì? Làm như thế nào? Để có thể học theo đó mà thực hiện cho bản thân.

Lịch sử Đạo ghi rõ: Từ một Thái Tử của một nước nhỏ sắp nối ngôi, trong một lần đi dạo ở ngoại thành, lần đầu tiên trông thấy cảnh người Già, người Bệnh, người Chết. Mọi thứ đều đáng sợ đối với một Thái Tử từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trong cung vàng, điện ngọc. Mắt luôn nhìn thấy những hình ảnh đẹp. Tai luôn được thưởng thức những âm thanh tuyệt vời. Thân luôn được phủ gấm vóc, lụa là, chăn êm, nệm ấm, vợ đẹp, hầu xinh, muốn gì là luôn được đáp ứng, nên chưa từng nghĩ đến sự bất lực của cái Thân người. Vì thế, Ngài đã hỏi vị quan hầu cận là bản thân Ngài có Thoát những cảnh đó không? Câu trả lời là: “Tất cả mọi người, từ vua chúa đến thứ dân, không ai thoát được” làm cho Thái Tử suy nghĩ rất nhiều. Không muốn đầu hàng số phận, Ngài nhất định phải tìm cách nào đó để Thoát khỏi những điều đã chứng kiến. Thấy rằng nếu cứ vướng bận triều chính, vợ con thì không thể có thì giờ để tìm, lại thấy những người tu hành có vẻ thong dong, tự tại, nên Ngài lẻn trốn ra khỏi thành để tìm cho được điều làm cho Ngài trăn trở từ lúc trông thấy, là phải TÌM CHO RA NGUYÊN NHÂN CỦA SINH, LÃO, BỆNH, TỬ mà ngài cho đó là BỐN NỖI KHỔ LỚN của kiếp người.

Thời đó ở Ấn Độ đã có nhiều Giáo Chủ dạy tu hành với nhiều phương pháp khác nhau. Thái Tử đã tìm học với vị Thầy danh tiếng nhất đương thời. Vốn là người thông minh xuất chúng, nên chỉ trong một thời gian ngắn là Ngài tiếp thu hết những điều họ dạy. Lần lượt 6 vị Thầy giỏi nhất đương thời cũng không ai cho Ngài được câu trả lời về những điều Ngài đã trăn trở, mà chỉ học được thần thông, “nách bên tả phun lửa, bên hữu phun khói” hoặc cho cái Thân là nguyên do của tội lỗi nên phải hành khổ hạnh để diệt tội.

Cũng do hành khổ hạnh, nên thân xác ngày càng suy kiệt. Ngài thấy rằng “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”, nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ ngồi tĩnh lặng dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện là “sẽ không rời chỗ ngồi cho tới khi nào tìm được lời giải đáp”. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài tìm được câu trả lời, gọi là “Đắc Đạo”, tức là GẶP ĐƯỢC CON ĐƯỜNG. Có nghĩa là lúc đó Ngài đã tìm ra nguyên nhân của SINH, LÃO, BỆNH, TỬ và cách thức để hóa giải. Chúng ta hiểu được điều này qua lời tuyên bố lúc vừa Xả Thiền của Đức Thích Ca: “Ta lang thang trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp được Kẻ Làm Nhà. Hỡi Kẻ Làm Nhà. Từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gãy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô thượng Niết Bàn. Trí Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.

Đó là hành trình Phát Tâm, Tu Hành, Chứng Đắc của Phật. Nhưng rõ ràng Kinh có nói về BỒ TÁT, về CỨU ĐỘ CHÚNG SINH. ĐỘ THOÁT TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI. Điều đó được hiểu như thế nào?

Theo Đức Thích Ca mỗi người đều có một CÁI TÂM, nhưng khi chưa sáng suốt thì Ngài gọi là VỌNG TÂM. TÂM là tên ngày xưa Đức Thích Ca đặt ra, ngày nay chúng ta gọi là TƯ TƯỞNG. Khi quan sát nó, Đức Thích Ca thấy rằng từng sát na, nó khởi, diệt không ngừng. Hết tốt đến xấu. Những tư tưởng hướng thiện, tốt đẹp thì Ngài đặt tên cho là THÁNH CHÚNG. Những tư tưởng đen tối, xấu xa thì ngài gọi là CHÚNG SINH. Cả hai cùng xuất phát ở nơi Tâm, nên gọi là PHÀM THÀNH ĐỒNG CƯ. Chính những tư tưởng bám lấy cái THÂN XÁC GIẢ TẠM, bám lấy cuộc đời, tưởng đó là Thật, là nguyên nhân gây tội, tạo Nghiệp, để mọi người triền miên trong vòng Sinh Tử Luân Hồi.

Cũng theo Đức Thích Ca, dù tư tưởng thì rất nhiều, nhưng gom lại chỉ có 3 xu hướng: THAM, SÂN và SI. Mỗi loại nhiều đến nỗi Ngài cho là “Đông đảo như tất cả chúng sinh trên thế giới”. Những nhà Tư Tưởng Học của Úc cũng đếm ra được là mỗi ngày, mỗi người sản xuất đến 50.000 tư tưởng. (Cũng chính vì vậy mà ta thấy trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, Phẩm Thọ Ký cho chư Đệ Tử, ta thấy Phật bảo các Đại Bồ Tát, đời vị lai sẽ “cúng dường 300 hay 200 muôn ức Đức Phật”). Có ba chủng loại, nên Ngài gọi là TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI. Người muốn được Giải Thoát thì PHẢI ĐỘ CHO HẾT NHỮNG CHÚNG SINH NÀY. Đức Thích Ca đã DIỆT ĐỘ hết Chúng Sinh trong Cõi Tâm của Ngài nên Ngài đã THÀNH PHẬT. Để Thành Phật, Kinh VIÊN GIÁC viết:

NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT

CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

Vì CHÚNG SINH mà Đức Thích Ca gọi chỉ là những TƯ TƯỞNG, nên Kinh Kim Cang viết: “TA ĐÃ DIỆT ĐỘ VÔ LƯỢNG VÔ SỐ CHÚNG SINH, NHƯNG THẬT RA KHÔNG CÓ CHÚNG SINH NÀO ĐƯỢC DIỆT ĐỘ CẢ. Do Chúng Sinh chỉ là tư tưởng của mỗi người. Công việc “CỨU ĐỘ” thì Ngài gọi là BỒ TÁT, vì vậy, Bồ Tát của ai nấy Độ cho Chúng Sinh của người đó, không có cứu độ cho ai bên ngoài, nên Đạo Phật gọi là Đạo TỰ ĐỘ.

Ai có đọc lịch sử của Đạo Phật đều thấy: Cuộc sống của Đức Thích Ca sau khi Đắc Đạo, ra giảng dạy cũng bình thường như tất cả mọi người: Kinh Kim Cang viết: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong, trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi”. Nếu có thần thông, phép mầu thì Đức Phật đã hóa phép để có cơm cho mình và đệ tử ăn, hay cùng đệ tử bay là là cho khỏe, việc gì phải đi bộ để khất thực cho mất công!

Cả cuộc đời của Ngài không có cứu độ ai, hay làm phép mầu, biến hóa thần thông nào. Truyền thuyết còn ghi lại. Có lần một bà mẹ có con bị chết, đã mang con đến xin Phật cứu cho, Ngài đã kêu họ đi xin LỬA CỦA MỘT NHÀ NÀO CHƯA TỪNG CÓ NGƯỜI CHẾT ĐỂ NGÀI LÀM PHÉP CỨU CHO. Tất nhiên là không hề có nhà nào chưa từng có người chết, nên Ngài cũng đâu có cứu được. Ngài chỉ dạy cho người đó một bài học là KHÔNG CÓ AI KHỎI CHẾT, vì ĐÃ CÓ SINH THÌ PHẢI TỬ. Đức Phật cũng không coi trọng việc khổ luyện để có thần thông, vì lợi ích quá nhỏ bé qua câu chuyện: Lần nọ Ngài dắt đệ tử qua sông. Trong khi chờ đò thì gặp một Đạo Sĩ tu nhiều năm ở đó. Ông ta khoe khoang là sau mấy mươi năm tu tập, ông ta có thể tự qua sông mà không cần đò. Đức Phật đã nói với ông ta rằng: chỉ cần tốn mấy mươi xu thì đã có người đưa qua sông. Việc gì phải phí phạm đến mấy mươi năm để làm được việc đó! Việc cầu mong Phật cứu độ thì nếu ai có đọc Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN sẽ thấy: Một lần khi Phật giảng pháp, La Hầu La lơ đãng không nghe. Ngài đã hỏi sao không lắng nghe để tu hành, thì La Hầu La trả lời là còn nhỏ nên chưa hiểu, đợi lớn. Phật hỏi: “Liệu ngươi có giữ được mạng đến lớn không? La Hầu La trả lời: Không lẽ Phật không giữ mạng giùm cho con? Phật đã trả lời: “Ta còn không giữ mạng được cho ta, huống là cho ngươi”. Lúc dòng họ Thích của Ngài có tranh chấp với dòng họ khác, Ngài cũng đau lòng mà nhìn mấy trăm người của dòng họ biệt tiêu diệt. Đâu có cứu được họ! Bởi nếu Phật cứu được mọi người thì quy luật vũ trụ mà Ngài khám phá: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” và Nhân Quả không còn giá trị nữa rồi. Sinh thời, bản thân Phật nhiều lần cũng bị bệnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa cho Ngài uống. Cuối đời Ngài cũng chết vì ngộ độc thực phẩm do Thuần Đà cúng dường.

Nhưng nếu thật sự Phật không có quyền phép, không thể cứu độ cho mọi người thì chúng ta tin vào điều gì để mà tu học theo đó? Nói rằng Đức Thích Ca cũng chết, thì việc cho là THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI của Đạo Phật được hiểu như thế nào?

Theo tôi hiểu, việc buộc phải mượn hình ảnh thần linh có lý do chính đáng. Thời của Phật ra giảng Đạo thì đã có nhiều giáo phái xuất hiện trước đó. Họ thờ đủ thứ Thần Linh, cho rằng những vị đó quyền năng vô hạn, toàn quyền ban ơn, giáng họa, nên lôi cuốn được rất nhiều người tin theo. Giáo Pháp của Đức Thích Ca thì hoàn toàn mới mẻ, không tin có thần linh tạo dựng ra con người và nắm toàn quyền điều khiển, ban ơn, giáng họa, mà chỉ có NHÂN QUẢ của mỗi người gây tạo sẽ đưa họ đến kết quả tốt hay xấu.

Nhưng làm sao con người thời đó – ngay cả con người của thời đại chúng ta – mấy ai có thể đủ sáng suốt, đủ bản lãnh để thôi nương tựa, cầu xin và dám tin rằng chính mình là tác nhân của hiện đời và những kiếp về sau qua những việc mà họ làm, nếu không tin vào lời của Đức Thích Ca rồi tự mình tư duy để chiêm nghiệm thêm? Vì thế, buổi đầu, Đức Phật phải mượn hình ảnh của những tôn giáo khác, và cho rằng giáo pháp của mình cao siêu hơn, có những vị Bồ Tát thần thông quảng đại, luôn túc trực để “tầm thinh cứu nạn” để họ tin theo mà phát tâm. Nếu không có cách để hướng Thiện, thì mọi người sẽ tàn sát nhau để tranh giành những thứ quý giá, nên Đức Thích Ca đã mô tả Tây Phương Cực Lạc với Bảy món quý đầy dẫy mà người đời ai cũng muốn có, để họ mong được về đó mà ngưng làm Ác, sau đó sẽ lần hồi giải thích cho họ biết, là Ngài đã dùng Phương Tiện. Mọi thứ mà Ngài diễn tả không phải ở trên trời cao hay ở cõi nào, mà đều ở TRONG CÕI TÂM của chính mỗi người. Từ PHẬT QUỐC CHO TỚI CHƯ BỒ TÁT, THÁNH CHÚNG, kể cả ba Đường Dưới.

Tu Phật chỉ là CHUYỂN HÓA CÁI TÂM CỦA CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI TU, để Xấu trở thành Tốt. Ràng Buộc thành Giải Thoát. Chúng Sinh Thành PHẬT. Do vậy mà TU THEO ĐẠO PHẬT ĐƯỢC GỌI LÀ TU TÂM. QUẢ VỊ cũng được giải thích trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Đó là do người cha thương các con đang mải mê chơi đùa trong NHÀ LỬA, nên phải dùng đó để dụ chúng chạy ra. NHÀ LỬA mà Kinh viết chính là cái THÂN TỨ ĐẠI CỦA MỖI NGƯỜI ĐANG TỪNG GIỜ ĐI VÀO HƯ HOẠI. Do đó XUẤT RA KHỎI NÓ MỚI ĐƯỢC GỌI LÀ XUẤT GIA, không phải chỉ rời nhà thế tục như nhiều người đã hiểu lầm. Cũng không phải mới xa lánh việc đời đã là THOÁT TỤC, mà Thoát Tục có nghĩa là lìa được THAM, SÂN SI của chính mình. Bởi nếu vô Chùa rồi mà còn mang theo nó thì sao gọi là Thoát Tục? CẠO TÓC không đơn thuần là cạo đầu, mà là CẠO SẠCH PHIỀN NÃO. ĐẮP Y đâu chỉ là phủ lên người chiếc áo Ca Sa của Nhà Phật. Mà điều đó nói lên ý nghĩa THÂN VÀ TÂM của người tu PHẢI THUẦN MỘT MÀU GIẢI THOÁT. Phật Ngôn có câu: “Nếu chiếc áo Ca Sa có uy lực giải trừ Tham, Sân, Si thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần phủ lên người đứa bé khi nó mới chào đời là đã được toại nguyện”. Việc KHẤT THỰC mang ý nghĩa là người muốn tu học phải tìm người Thiện Tri Thức để cầu xin Pháp Giải Thoát, nuôi dưỡng cái PHÁP TÁNH. Còn nếu chỉ đi xin thực phẩm để nuôi cái Thân Phàm thì khác nào hành khất đi xin ăn. Vì như thế, chẳng lẽ người hành khất một đời sống bằng cơm bá tánh cũng sẽ đắc đạo? CÚNG DƯỜNG PHẬT, là ĐƯA MỘT CHÚNG SINH sang Bờ Giải Thoát, gọi là ĐỘ CHO CHÚNG SINH THÀNH PHẬT, không phải là mang hương hoa đặt trước Tượng Phật! Chính vì vậy mà trong TỨ Y, Phật dặn dò: “Y NGHĨA, bất Y NGỮ”.

Rời khỏi Nhà Lửa cũng không phải là chết đi, mà là THÔI KHÔNG ĐEO BÁM NÓ, KHÔNG THEO SỰ ĐIỀU KHIỂN CỦA NÓ NỮA. Giải Thoát của Đạo Phật nằm trong nghĩa đó. Để hiểu được điều này buộc hành giả phải có nhiều thời gian để tư duy, chiêm nghiệm những điều Phật dạy. Trước đó phải có thời gian chuẩn bị là Giữ Giới, Hành Thiện, đi trong Bát Chánh Đạo để xả bớt cái Tâm dính mắc. Như người bị nhiều lớp màn che chắn, phải vén từ lớp, lần hồi ánh sáng mới lộ ra.

Ai cũng biết rằng mỗi người đều phải Chết, nhưng vì chưa ý thức được cuộc đời là VÔ THƯỜNG, thấy đó rối mất đó, nên với người thân là cha mẹ, vợ, chồng, con cái, lúc sống bên nhau thì thờ ơ. Đến khi phải xa lìa nhau thì mới hối hận muộn màng. Chính vì vậy Đức Thích Ca cho rằng “Nước mắt chúng sinh khóc vì Sinh Ly, Tử Biệt, còn nhiều hơn nước nơi biển cả”. Với người ngoài thì vì không biết còn có đời sau, nên sẵn sàng tranh giành, đấu đá, lấn người, hại vật, bất kể đạo lý để kiếm chút danh, lợi vì cho rằng “Chết là hết”. Nhưng Đức Thích Ca cho rằng ngoài cái THÂN này, mỗi người có cái THÂN VÔ TƯỚNG, TRƯỜNG TỒN, BẤT SINH, BẤT DIỆT. Thân Phàm này chỉ là cái THÂN NHÂN QUẢ mà mỗi người phải nhận lấy trong một kiếp, để Trả những gì đã Vay, và nhận lại những gì đã cho đi. Những gì đã làm sẽ không mất, do đó lại phải nhận một cái Thân khác để Trả. Thế rồi, trong khi Trả nợ cũ, nếu không ý thức để dừng, thì đồng thời lại tiếp vay nợ mới. Cứ thế mà Vòng Luân Hồi vẫn tiếp tục quay, cho đến khi nào theo hướng dẫn của Đạo Phật để tìm gặp CÁI TA THẬT, hay còn gọi là THẤY TÁNH, hay THẤY BỔN THỂ TÂM, thì vòng Luân Hồi mới kết thúc, gọi là Thoát Sinh Tử Luân Hồi. Cái Sinh Tử vẫn diễn ra với các Giả Tướng, nhưng người Thấy Tánh, biết mình không phải là cái Thân Giả Tướng thỉ không Chết với nó, mà chỉ là xả bỏ một phương tiện đã cũ kỹ theo quy luật mà thôi. Lúc Sống họ đã không bám lấy nó, không thấy nó là Mình, nên đâu vì nó mà gây Nghiệp Ác, thì lúc nó hết Duyên mà Chết thì họ cũng đâu có Chết theo nó. Do đó, dù Đức Thích Ca hay Chư Vị Giác Ngộ đều Sinh, đều Tử, nhưng các vị THOÁT SINH TỬ là như thế. Nểu các bậc Giác Ngộ rồi không trở lại đời thì lấy ai hướng dẫn cho Chúng Sinh Thoát Khổ, nên Các Ngài cũng luôn “theo dõi chúng sinh như bóng theo hình”. Có nghĩa là nơi nào con người còn đau khổ là các Ngài luôn xuất hiện để giúp đỡ, hướng dẫn. Nhưng, không phải do NGHIỆP lôi kéo, mà do BI NGUYỆN, nên không thể gọi đó là bị Luân Hồi.

Dù rằng tu hành theo Đạo Phật chỉ là để Thoát Khổ, không có phép mầu, thần thông, cũng không được Phật Độ cho, mà mỗi người tự ý thức về NHÂN QUẢ, để Biết rằng tự làm, tự chịu. Nhưng như thế phải đâu vô ích, vì hiện đời, nhờ Đạo Phật hướng dẫn, nên họ sống trong Giới, trong Bát Chánh Đạo, cộng thêm áp dụng các đức Từ, Bi, Hỉ, Xả... nên lòng họ bao dung hơn. Không làm ác. Không tạo nghiệp. Không lợi dụng người khác. Không tham lam, sân hận, si mê, và giữ gìn Thân, Khẩu, Ý, nên cũng không hơn thua, tranh chấp với ai. Không làm xáo trộn cuộc sống của người khác. Với những đức tính đó, nếu là một quan chức thì sẽ không hà hiếp, bóc lột người dân. Là một người công dân thì cũng chấp hành đầy đủ mọi luật lệ. Là người thương gia thì sẽ cạnh tranh lành mạnh, buôn ngay, bán thật. Là con thì sẽ hiếu thảo, biết yêu kính ông bà, cha mẹ. Là bậc cha mẹ sẽ hết lòng, là bậc vợ chồng thì chung thủy, yêu thương nhau, cùng chia sớt gánh nặng của cuộc đời và lo giáo dưỡng con cái nên người. Là chủ thì sẽ không bóc lột công nhân. Là người làm công thì ý thức trách nhiệm, không xén bớt của chủ… Như thế thì cuộc sống của chính họ và người chung quanh sẽ được nhẹ nhàng hơn. Kiếp sau, nếu có, thì càng tốt đẹp hơn. Chừng đó chẳng phải là không uổng một kiếp làm người hay sao, chúng ta còn mong muốn gì hơn nữa. Tại sao cứ nghĩ rằng tu hành là phải đắc quả nọ, quả kia, phải cao hơn mọi người?

Một người đạt đến kết quả của việc Tu sửa là cái Tâm an lạc, thơ thới, một cuộc sống nhẹ nhàng, mà Đức Thích Ca gọi là người TÌM ĐƯỢC VIÊN NHƯ Ý BỬU CHÂU, thì đó là MÙA XUÂN VĨNH CỬU luôn ở trong họ, là PHẬT QUỐC đã hình thành, đâu có cần mượn màu mè, sắc tướng bên ngoài. Đâu cần phải bỏ hết công ăn việc làm rồi sống ở cõi trần gian mà không tham gia, đóng góp với mọi người, chỉ mơ màng về Niết Bàn hay Tây Phương, Đông Phương của Phật khác, không biết đó chỉ là Phương Tiện mà Đức Thích Ca khuyến thiện mà thôi.

Một cuộc sống với thân, tâm an lạc thì đã là Niết Bàn tại thế, còn chờ về Niết Bàn ở cõi nào khác! Mọi người vẫn vừa TU SỬA cái TÂM của mình, vừa tham gia mọi sinh hoạt của đời, làm tròn bổn phận làm con, làm chồng, làm cha, mẹ, làm người công dân tốt, đóng góp sức, tài cho xã hội. Tự thanh lọc cái Tâm thì Đất Tâm đã trở thành Thanh Tịnh Địa, đâu cần phải cất Chùa hữu tướng, đâu cần phải bỏ hết công ăn, việc làm, không được có gia đình, đâu cần phải ở biệt lập với thế nhân hay chờ người đời cung dưỡng cho thì mới Tu được. 32 Tướng Tốt là để người nào muốn có thì theo đó mà thực hiện cho bản thân, đâu phải để dùng đồng, bạc, vàng, ngọc… đúc, tạc lấy mà thờ! Vì không lẽ tới thời này rồi mọi người còn tin rằng chỉ cần lấy vật liệu nào đó, tạc thành ảnh của Phật hay thần linh thì trở thành linh ứng, cứ đối trước đó mà cầu xin là sẽ được ban cho. Như vậy khác nào niềm tin của những người đã sống cách đây hàng mấy ngàn năm!

ĐẠO PHẬT được gọi là ĐẠO NHÂN QUẢ. Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy cũng đều khẳng định Phật không phải là một vị Thần Linh, vậy mà mọi người vẫn còn tin vào việc CẦU AN, CẦU SIÊU, CẦU CHO QUỐC THÁI, DÂN AN, không biết rằng việc làm đó là trái với Luật Nhân Quả, vì nếu Phật quyền phép vô biên, chỉ cần Cầu Xin thì Ngài sẽ ban cho, thì Ngài đâu có kêu chư Đệ Tử, kể cả con và em của Ngài phải tu hành làm gì! Có một nhà khoa học đã nói với tôi là trong thời gian ông học ở nước ngoài, Thầy của ông đã nói: “Nếu tin vào Tôn Giáo thì không thể có Khoa Học”! Thật vậy, nếu ta tin rằng cứ cầu xin là sẽ được ban cho, thì việc gì phải học hỏi, phải nghiên cứu cho mất thì giờ! Bởi thế, có người nêu ra nhận xét rất đáng cho chúng ta suy gẫm: là những nước mà tôn giáo phát triển mạnh chừng nào thì có vẻ lạc hậu, chậm tiến chừng đó, vì mải lo cầu xin, mong chờ ơn trên phù hộ, độ trì, nên đâu cần phát triển, trong khi những nước văn minh mọi người không hương khói cầu khẩn, không có Chùa to, Phật lớn, không có lực lượng tu sĩ đông đảo, mà chỉ tin vào khoa học, kỹ thuật, để tìm tòi, phát minh, mở mang, đưa nước họ tiến lên, vô hình trung chính họ mới là những người TIN NHÂN QUẢ một cách thực tế, phù hợp với Đạo Phật chân chính.

Gần đây, dư luận lại rộ lên, hâm nóng thêm lòng mến mộ Đạo Phật, qua việc những nhà Khảo Cổ người Anh đã đến Đất Phật để khai quật, tìm tòi, và qua những chứng cứ, họ khẳng định những gì được lịch sử kể lại về Đức Phật là hoàn toàn có thật. Nhưng cuối cùng, họ đã đưa ra một kết luận mà có lẽ ai nghe cũng thấy buồn giùm cho Đạo Phật chân chính: “Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng và được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử”. Có người đã lý giải nguyên nhân của sự lạm phát thờ cúng: Chính là những bế tắc trong cuộc sống, không thể dùng sức mình để vượt qua, chỉ còn mong chờ vào sự cứu độ, che chở của Thần Linh, dù chính họ cũng không biết có thật hay không, hay chỉ là sản phẩm của người ngày xưa khi ánh sáng Khoa Học chưa soi rọi tới! Về những biến tướng hiện nay đang tràn lan vào cửa Phật, thì chúng ta không thể trách ai được, mà chỉ nên tự trách, vì ngày xưa Kinh chưa được dịch ra thì không có để đọc, không thể tra cứu, tham khảo, nên cứ “xưa bày, nay làm”, nhắm mắt mà tin! Ngày nay, các Hòa Thượng đã bỏ công sức dịch ra hằng hà sa số. Nếu có nghi ngờ tại sao chúng ta không tự kiểm tra để có cái hiểu chính xác cho mình, trả lại cho Đạo Phật như sự thật vốn có, để mọi người khi hướng về Đạo Phật thì không phải chỉ với lòng sùng kính, tôn thờ, mà lấy hình ảnh, công việc, lời nhắc nhở của Phật áp dụng cho bản thân để trở thành những người tu hành thật sự, không cần sự hỗ trợ của hình tướng, cũng chẳng cần ai “độ” cho thì mới tu được, vì đã rõ lẽ Nhân Quả. Bởi vô lý hết sức khi ta tu thì ta nhờ mà bắt người khác phải cung phụng. Chính hoàn cảnh tu hành không phải lao động, lại được ăn trên ngồi trước đã tạo điều kiện cho một số người giả danh trà trộn vào để trục lợi mà ta thấy ở nước ngoài cũng như nước ta thỉnh thoảng họ làm lộ liễu quá tín đồ phải bức xúc, như các Sư ở Hàn Quốc trong một đêm đã thuê khách sạn để nhậu nhẹt và đánh bạc thua cả 18 tỷ Won! Một Trụ Trì ở Thái Lan thì có đến 7, 8 vợ, xài đồ hàng hiệu, mua cả chục xe hơi đắt tiền. Tài khoản vô ra hàng ngày lên đến cả triệu đô! Sư xây chùa mãi không xong mà cất biệt thự ngay trong khuôn viên, và thiếu nợ tín hữu! Sư cho đúc tượng của mình để thay vô, mang tượng cổ đi đâu mất… làm cho tín đồ cũng mất niềm tin phần nào nơi các vị tu hành, vì biết ai là bậc chân tu, ai “mượn đạo tạo đời”! Còn điều này nữa. Khi chúng ta làm tội tức là chúng ta đang có lỗi với bản thân, mai kia cũng chính chúng ta là người phải trả Quả, thì việc gì phải Sám Hối với Phật khác. Việc làm tốt hay xấu của ta đâu có ảnh hưởng đến Phật khác? Tổ Đạt Ma cũng dạy: “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật”, bởi Phật đâu phải là Tượng. Chính mỗi chúng ta cũng là những vị Phật trong tương lai, chỉ cần “Y Pháp tu hành” thì cũng sẽ thành tựu như lời Phật đã hứa, vì PHẬT đâu phải là một vị Thần Linh, chỉ là người nhờ công năng tu hành mà được Giải Thoát khỏi đau khổ, phiền não mà thôi.

Bao giờ con người hết bị cảnh Khổ vùi dập, mọi ngưởi quay vào Tu, Sửa cái TÂM của mình để không còn cảnh tranh giành, đấu đá, tàn sát với nhau, mà biết yêu thương, san sẻ cùng nhau, để tất cả đều được sống an lành, hạnh phúc trên trái đất đầy hoa thơm, cỏ đẹp, cảnh vật khắp nơi được thiên nhiên khắc họa thật kỳ vĩ, sinh động, mà để cả một đời chưa chắc đã khám phá hết! Mọi người, nghèo cũng như giàu đều có được sự an vui nơi Tâm, trong cảnh của mình, mà Kinh gọi là Đức Di Lặc xuất thế, thì đó là MÙA XUÂN VĨNH CỬU đến với mọi người. Đến lúc đó Đạo Phật mới hoàn tất sứ mạng của mình. Kinh cũng có ghi lại là Đức Di Lặc sẽ xuất thế sau Đức THÍCH CA, nên nhiều giáo phái cũng ngóng chờ. Họ không biết là SAU THỜI THÍCH CA LÀ THỜI CỦA DI LẶC - tức là sau khi cái TÂM NĂNG TỊNH, thì sự AN LẠC SẼ XUẤT HIỆN – CŨNG CHÍNH NƠI ĐÓ. Bởi hình ảnh của Ngài là một người đã thuần hóa được LỤC TẶC, tức là SÁU TÊN GIẶC MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý của bản thân. Đâu phải là Ông Phật nào, từ cõi trời, hay ở nước nào đó xuất hiện với hào quang chói lóa, Thánh Chúng theo hầu!

Đạo Phật dạy VĂN, TƯ rồi mới TU. Kinh có NGỮ mà cũng có NGHĨA. Vì vậy ta nên đọc cho kỹ, Tư Duy cho cùng lý rồi mới áp dụng. Có như thế ta mới không phụ công sức của Đức Thích Ca, 33 vị Tổ, cùng Chư Vị Giác Ngộ đã nhiều đời nối truyền để rao giảng, và không phản lại tôn chỉ của Đạo Phật vậy.

Tháng 12/2013




VVM.15.02.2024.