Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
              


NGÀY XUÂN NHỚ LẠI
MỘT SỐ TỤC CỔ, NẾP XƯA




- Tục tết ông Chuồng bà Chuồng:

Dân gian quan niệm rằng ông Chuồng bà Chuồng là những người khuất mặt cai quản các chuồng nuôi gia súc như chuồng heo, chuồng trâu. Ngày đầu năm phải đi tết cho họ để gia súc được phù trợ.

Sáng mùng một tết chủ nhà lấy giấy vàng mã dán nơi chuồng heo và cắm cây nhang khấn vái. Riêng chuồng trâu, chuồng bò được lễ kỹ hơn. Chủ nhà sắm một mâm lễ vật gồm: bánh tét một đòn, riêm mứt, bánh trái, rượu trà v.v… đặt lên chiếc ghế ngồi bên chuồng trâu. Chủ nhà cầm lá vàng bạc và hai tờ giấy in hình trâu và bò dán trước cổng chuồng. Nếu nhà nào có thuê đứa chăn trâu, nó phải được gọi đến đứng bên mâm lễ vật. Chủ nhà thắp hương van vái ông Chuồng bà Chuồng phò hộ cho đám trâu (bò) có các tên bầu, bí, xe, pháo, cộ v.v… (đọc kê cho đủ tên) và vái ba vái. Sau lễ tết trâu bò mâm lễ vật này được giao cho thằng chăn bưng về nhà nó. Đó là lệ tục ngày xưa.

- Tết giếng:

Chiều ngày 30 tết các lu nước, ghè nước phải chứa cho đầy, bắt đầu xẩm tối đến sáng mùng một khi chưa tết giếng thì không ai được phép xách nước vì sợ động bà Thủy Long. Người dân quê rất sợ bà này, nếu ai vô ý chọc giận bị bà quở trách thì nguy to. Sáng mùng một tết chủ nhà sắm mâm lễ vật đặt gần giếng khấn vái bà Thủy Long và con gái của bà, sau đó dán tờ vàng mã bên ngoài thành giếng. Chủ nhà lấy gàu dây múc nước lên để cúng nước đầu năm, lúc bấy giờ giếng nước mới được sử dụng bình thường.

- Tục tết cây trái:

Ngày xưa ở các làng quê xã Ninh Phụng, trong vườn cây chỉ có dây trầu là được coi trọng nhất. Bởi người ta tin rằng Bà Bảy tức bà Bình Vôi là chủ trì cây trầu. Bà này tính rất hung hăng, nóng nảy và thích uống rượu. Ngày đầu năm tết cây trái phải dán lá vàng mã lên nọc trầu trước tiên.

- Tục khai trống làng đầu xuân:

Trước năm 1945, nhất là trong giai đoạn Nho học đang thịnh hành thì tục khai trống làng đón xuân rất quan trọng. Từ năm 1945 về sau tục lệ này chỉ còn duy trì bằng hồi trống khai xuân. Cho đến trước năm 1975 tục này vẫn còn duy trì trong các làng ở xã Ninh Phụng, tuy đã được giản lược.

Trời vừa hừng sáng, vị lý trưởng khăn áo chỉnh tề sai gia nhân bưng theo một mâm lễ vật đến đặt tại nhà làng. Trước tiên vị lý trưởng lấy hai câu đối chúc xuân cho làng xóm dán lên hai bên trụ cửa, tiếp theo đứng niệm hương khấn vái rồi lạy 4 lạy. Sau đó khởi đánh ba hồi chín nhịp trống chào đón xuân. Nếu làng có hát bội, khi nào nghe tiếng trống khai xuân khởi động xong, gánh hát mới được phép nổi trống chầu trống chiến.

Các câu đối dán ở nhà làng thường cầu chúc cho quốc thái dân an, xóm làng no đủ như:

Gia tường thế diễn vô cương khánh

Quốc thái thiên hoà bất lão xuân.

(Nhà vui đời đẹp mừng no ấm

Nước thạnh trời xuân mãi vui tươi).

Hay:

Hoa khai thôn lý thuần phong trị

Xuân đáo lương dân phước thọ trường.

(Hoa nở xóm làng gìn tục tốt

Xuân về dân chúng tuổi càng cao).

- Tục dựng nêu, hạ nêu, hồi trống khai hạ và động thổ:

Tục này chỉ có giai đoạn trước năm 1945.

Hằng năm, đến chiều ngày 30 tết nhà nào cũng lo dựng nêu đón xuân, nêu dựng xong được cúng bằng nồi chè nếp, chè đậu hoặc chè khoai. Thời ấy có câu ca dao hát ru:

Cu kêu ba tiếng cu kêu

Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè.

Trên đọt nêu treo một cái giỏ nhỏ đựng trầu cau và một tờ giấy hồng đơn lớn bằng bàn tay viết danh hiệu hai vị thần Uất Luỹ và Thần Sầu để khu trừ loài cẩu quái.

Sáng ngày mùng 7 tháng giêng, sau ba hồi trống làng, cây nêu được hạ xuống. Vị lý trưởng cầm cái cuốc ra sân nhà làng làm thủ tục động thổ cuốc xuống đất 3 cái, lúc này dân làng mới được phép ra đồng cày cấy.

- Tục cử tên ông bà:

Tục này đã có từ xưa tồn tại suốt trên ba thế kỷ, sau năm 1975 bãi bỏ dần dần. Con cháu phải biết tên ông bà cha mẹ để tránh đặt tên chồng lên, được thế là điều tốt. Tục này còn cấm con cháu nói đến tên ông bà, thậm chí phải nói trại sang âm ngữ khác. Ví dụ ông bà tên Chạy con cháu phải gọi là Nhảy, tên Thành nói là Thàng v.v…. Khi cúng bái giỗ chạp phải vái cái tên thật nhỏ để con cháu khỏi nghe biết.

Tục này đưa đến hậu quả là ngày nay không mấy họ tộc trong xã Ninh Phụng lập được gia phả quá 4 đời!

- Tục đặt tên con theo vần tiếng lóng:

Người thời xưa quan niệm khi đặt tên con nên tránh những mỹ tự nhất là con gái, bởi vậy đa số tên con cháu cách đây trên 60 năm rất ít có chữ lót. Nhiều gia đình đặt tên theo tiếng lóng trong khai sinh có khi rất thô tục. Ví dụ như một bầy con được mang tên là: Xù, Xì, Xụt, Xịt, Cò, Kè, Cọt, Kẹt … Hoặc cha tên Bọt thì con tên Bèo, mẹ tên Xảo thì tên con là Láo, Xược v.v…

- Tục làm lễ khai tâm cho trẻ sắp đi học:

Đứa trẻ muốn đi học trước tiên phải làm lễ khai tâm. Lễ này có ý nghĩa làm phép khai thông trí tuệ cho trẻ. Nghi thức lễ khai tâm như sau:

Đứa nhỏ được dẫn đến nhà thầy đồ, hương án được trần thiết bằng các lễ vật như nhang đèn, hoa quả, chè xôi, ngoài ra phải có con gà cồ giò luộc chín tréo gìo cánh lên trên lưng. Đứa bé đứng bên thầy đồ trước hương án, thầy đốt hương khấn vái đức Khổng Tử và chư tiên hiền tiên nho, sau đó bảo đứa trẻ hai tay đỡ quyển sách, trên quyển sách có nghiên mực và cây bút lông. Thầy đồ dạy nó đọc theo từng 3 chữ một: Thượng là trên – Đại là cả – Nhân là người – Thiên là trời – Tứ là cho – Thông là rõ – Minh là sáng – Phù là giúp – Công là công – Dụng là dùng.

Đọc xong thầy đồ và đứa nhỏ cùng vái lạy trước hương án 4 lạy.

- Tục đặt tên trâu bò:

Ngày xưa người đặt tên cho trâu bò phải chọn ngày tốt, con cái và con đực có hai loại tên khác nhau. Cũng như đàn ông con trai ít ai đặt tên Nguyệt, Hoa…, con gái không ai đặt tên Dũng, Hùng… Loài trâu bò cũng thế, con đực phải mang cái tên cộ, xe, pháo, mẫm, lướt… con cái đặt các tên bầu, bí, lũ, bầy… Lũ trâu bò cũng rất biết tên chúng khi nghe thằng chăn gọi.

- Tục cầu đảo khi thôn ấp có dịch bệnh:

Ngày xưa do thuốc men còn thiếu thốn, mọi sự đau bệnh đều kêu cầu nhờ sự phò hộ của trời phật quỉ thần. Rủi năm nào làng xóm bị dịch bệnh đổ xuống, các làng đều tổ chức cầu đảo tại đình chùa miếu mạo do ban hương lý chủ trì. Trong xã Ninh Phụng có làng Điềm Tịnh được tổ chức cầu đảo đàn tràng tỉ mỉ thành lệ. Tất cả các hộ trong thôn đều lập hương án trước sân nhà, một ban hộ niệm được thành lập gồm những Phật tử biết nghi lễ tụng kinh. Trời vừa xẩm tối tất cả ban hộ niệm và nhân dân đã có mặt tại chùa làng, sau đó cầm theo chuông mõ tang nhịp đến từng mỗi hộ dân để tụng kinh niệm Phật trong khoảng 10 phút cầu nguyện cho được bình an. Khi đi qua các gò mả, đoàn người phải dừng lại tụng kinh cầu siêu chú nguyện cho số cô hồn lạc lõng, để họ đừng quậy phá xóm làng. Cuộc cầu đảo này kéo dài ba bốn đêm cho khắp mọi nhà dân. Sau năm 1960 tục lệ này đã chấm dứt.

- Tục cúng bà Hậu Thổ:

Xưa cứ đến ngày 18 tháng 3 âm lịch ở xã Ninh Phụng nhà nhà đều có lễ cúng bà Hậu Thổ còn gọi là cúng đất. Những nhà gần sông trong lễ cúng có lễ thả bè thí cô hồn chết nước tức đám ma da.

Ngày nay chỉ còn có làng Nghi Phụng duy trì lễ cúng Bà Hậu Thổ, còn các làng khác đã bỏ lệ.

- Tục cúng đổ đốt:

Trẻ nhỏ bị bệnh “lạch ạch” kéo dài, đi coi ra thì bị tà thần con - sát quấy phá. Người nhà mời thầy cúng lại và thiết lễ cúng trừ, sau lễ cúng người nhà bưng một mâm lễ vật cua đồng, hột vịt, cá luộc, chè xôi đựng trên bẹ chuối đem đổ ngoài gò đống cho đám con sát ăn. Tục này cuối thập niên 60 bãi bỏ.

- Tục cúng ông Địa:

Người miền quê rất tin tưởng ông Địa, mọi việc nhờ vả kêu cầu gì người ta cũng nhờ đến ông, bởi vì thần địa chủ dễ dãi vui tính. Mọi người tin rằng ông Địa chỉ thèm đường “cứt ngựa” và bánh tráng nướng (đường cứt ngựa có hình bàu dục eo ở giữa, không biết tại sao ngày xưa lại đặt tên như thế). Van vái và trả lễ cho ông khỏi cần cúng bái rườm rà, chỉ cần để lễ vật trên bàn chong thêm cây đèn hột vịt và mời: “Mời ông Địa về ăn đường cứt ngựa với bánh tráng”, thế là xong.

Nếu cúng chè thì người ta chỉ nấu chè nếp, cử chè đậu đen vì ông Địa tưởng là chè nấu ruồi, cử chè bánh canh vì địa chủ tưởng nấu bằng trùn, cử chè xôi nước vì ông địa tưởng nấu chè bằng hột củ chi đắng nghét ăn có thể sình bụng. Cho đến ngày nay người ta vẫn tin là như vậy.

- Tục vớt vong:

Đây là lễ siêu độ cho những linh hồn bị làm kiếp ma da. Người ta tin rằng người bị chết nước sẽ không được siêu thoát lên bờ mà triền miên làm kiếp ma da lạnh lẽo. Nơi sông hồ có ma da thì trước sau gì cũng có người nào đó bạc số, bị chúng kéo chân nhận chìm cho đến chết để thay thế kiếp ma da cho chúng lên bờ.

Người chết chìm có thân nhân sau ba ngày sẽ được mời thầy pháp hay thầy chùa đến lập đàn vớt vong lên cạn. Nếu người chết vô thân nhân hoặc người thân không chịu vớt vong thì linh hồn đó phải triền miên lạnh lẽo. Để trừ hoạ cho dân và thể hiện lòng từ bi, các làng xóm gần bến nước hay sông bàu đều thiết lễ vớt vong, từ đó đã trở thành tục lệ.

- Tục cử ăn thịt chó:

Ninh Phụng là một xã có truyền thống sùng đạo Phật, đạo Nho và đạo thờ thần thánh, do đó khi xưa món ăn thịt chó coi như bị cấm kỵ. Người theo đạo Phật tin rằng ai ăn thịt chó khi chết xuống âm phủ, linh hồn bước qua cầu Nại Hà sẽ bị con chó ngao ra chận cắn sủa và bị rớt xuống vực sâu. Người theo đạo Nho và đạo thần thánh tin rằng chó là loài trung thành, ăn thịt nó sẽ bị thần thánh quở phạt. Nếu ai muốn ăn thịt chó phải rủ rê nhau đôi ba người, lén lút xuống bực sông cách xa làng xóm mới dám cử sự. Nếu làng xóm phát hiện được ắt sẽ bị khinh ghét và mắng là:

Đồ đâm trâu chém chó đốt nhà.

Thời xưa, người dân xã Ninh Phụng thương chó nuôi ngang với trâu bò, có những con chó già đến 15 tuổi rụng hết răng phải ăn cháo. Sau năm 1975 tục này mới bị bãi bỏ, còn thịt chó hiện nay đã trở thành món đặc sản tại địa phương.

- Tục để tóc và cạo đầu:

Ngày xưa con trai tuổi đến 14 thì bắt đầu để tóc dài, sang tuổi 17, 18 phải bới lọn tóc trên chóp đầu. Để tóc dài có ý nghĩa thờ ông bà cha mẹ, ai vô cớ cạo đầu (ngoài thầy chùa) sẽ bị phạt. Trường hợp người đàn ông nào cha mẹ đã chết, vì bệnh tật gì đó có thể bưng trầu rượu ra giữa làng để xin phép cạo đầu. Nếu cha mẹ còn sống thì không được cạo đầu dù bất cứ lý do gì.

Năm 1908 phong trào cắt tóc ngắn để kháng thuế được khởi động tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Được một thời gian phong trào ấy lan rộng đến Ninh Hoà, tráng đinh xã Ninh Phụng cũng có số người bắt đầu cắt tóc ngắn.

- Tục gạo đầy Chum - cơm dành nồi:

Trước đây ở Ninh Phụng, bất cứ nhà nào dù giàu hay nghèo, chiều ngày 30 tết phải đổ gạo vào chum cho đầy, nước uống cũng như thế. Nếu nhà quá nghèo không đủ gạo đổ vào đầy chum to, thì đựng trong cái hũ nhỏ hơn. Tục này có ý nghĩa là sang năm mới gia đình sẽ no đủ cơm gạo quanh năm.

Cơm dành nồi: sau bữa ăn không được vét hết cơm trong nồi, ít nhiều gì cũng để lại nửa chén, có ý cầu mong no đủ không đói kém.




VVM.15.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .