Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CHỢ QUÊ NGÀY GIÁP TẾT



D ân ta có một truyền thống đẹp mà từ vùng nông thôn đến thành thị nơi nào cũng thực hiện Đó là đi chợ ngày giáp Tết Nguyên đán, ngày đó có thể là 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy theo tháng thiếu hay đủ, ngày đó cũng có thể là ngày phiên hay chỉ lầ ngày chợ lệ. Nhưng đã có chợ thì nơi nào, năm nào cũng họp để người mua, người bán gập nhau mua các mặt hàng thiết yêu, bán cho hết số hàng để thu đủ vốn và lãi . Có khi người ta đi chợ không mua sắm gì, mà chỉ để gập người bạn hàng để chào nhau, chúc Tết bạn hàng sang năm mới buôn bán phát đạt bằng năm bằng mười năm cũ! Đi chợ có nhiều vẻ, nhiều cách, nhưng thân thuộc nhất vẫn là đi chợ quê vào ngày giáp Tết. Chợ quê là những chợ thành lập ở đầu làng, có chợ hàng xã, có chợ hàng huyệ mỗi chợ đều để lại dấu ấn trong ca dao ;

Chợ Canh một tháng sáu phiên
Gập cô hàng xén, kết duyên Châu Trần.

Lạ lùng một điều là trong một vùng, một huyện ngày phiên các chợ không bao giờ trùng nhau , vùng Đông Anh có câu ngạn ngữ “Xa sà Bỏi, Bỏi hỏi Dâu, Dâu quay đầu về Tó,Tó ngó Xa” nên người đi chợ có thể chủ động mang hàng đi bán tại chợ phiên ở khắp nơi mà không sợ bị ế. Giáp Tết, ông Tân cùng bà con trong làng đi chợ Huyện, đúng ngày phiên cuối năm, cuối tháng. Cái cảm giác thơ bé ngày nào trỗi dậy trong lòng khi ông bắt gập không khí chợ, màu sắc chợ, hoạt động của chợ mà thi sĩ Đoàn Văn Cừ đã mô tả. Chợ huyện bây giờ có vẻ hiện đại hơn trong thơ, nhưng các mặt hàng bày bán vẫn là sản phẩm chắt lọc từ nắng mưa trên đồng, từ giọt mồ hôi mùa hạ và từ cái rét buốt run người trong mùa đông.

Chợ Huyện họp bên ngã tư đường, đây là nơi giao lưu hàng hóa của các huyện miền đồng bằng, miền trung du và thị xã nên từ xưa, chợ Huyện nổi tiếng là đông vui. Nay chợ xây thêm căn nhà lớn, đủ chứa hàng trăm mặt hàng, lại chia các khu vực hành lang xung quanh thành nơi bán rau, nơi bán hàng ăn uống, nơi bán gia cầm, có hàng mây tre đan, có hàng hoa quả. Tuy sắp xếp như vậy nhưng ngày phiên chợ, hàng nọ ngồi níu vào hàng kia chẳng ai so bì,

Người đi chợ phần đông là dân các xã quanh vùng, họ mang hàng đến bán và mua hàng, sắm Tết, ngắm nghía, dạo tìm các mặt hàng. Mà người bán dễ tính lắm, có gì bán nấy, chẳng so đo thách cưới . Đúng như câu “Bánh đúc thiếp đổ đầy sàng, thuận thiếp thiếp ban, thuận chàng chàng mua.” Người ta bày la liệt các loại rau , nào cà, nào rau cần, xu ào bắp cải, cà rốt thành một dẫy hàng với nhiều màu sắc pha trộn, ta có cảm tưởng như đang ngắm cảnh chợ thôn dã từ ngày xa xưa truyền lại trong câu hát đồng dao

Hàng trầu hàn cau là hàng cao gái
Hàng bánh, hàng trái là hàng bà già,
Hang hương hàng hoa là hàng cúng Phật

nên đi vòng quanh chợ, chỗ nào cũng thấy bầy bán, Ngày Tết, người nội trợ trong gia đình khi đã đi chợ mua sắm hàng Tết, ai mà không nhớ mua trầu cau cúng ba ngày Tết và bổ cau têm giầu bày đĩa đón xuân. Tuy không phải là chợ “đầu mối” thế mà dẫy trầu cau vẫn nhiều hàng và đông người mua. Các bà già chọn những chùm cau có cả tua, chúc trầu không vàng thơm mùi quế và miếng vỏ chay hồng như miếng chả. Trầu cau từ câu chuyện dân gian miêu tả tình vợ chồng, nghĩa anh em từ bao đời đã trở thành hồn dân tộc không thể nào quên. Ngày Tết cũng là dịp người sống nhớ ơn những người đã khuất, là dịp kính mời tổ tiên , cha me, cô dì chú bác đã khuất về chứng giám cho nhà cửa, con cháu , súc vật trong nhà được bình yên. Sự giao lưu đó chỉ qua một nén tâm hương nhưng “trần sao âm vậy” ai cũng tin rằng các cụ tổ đã chứng giám, nhà giàu hay nhà nghèo đều không thể thiếu.

Ông Tân đi tiếp một vòng chợ, đến hàng quà quê, Sao mà lắm thế ..la liệt bánh gai, bánh gio, bánh dầy.những món ăn kèm trong bữa cỗ. Rất lạ lùng mà cũng rất khác nhiều nơi, các món bánh đó cũng là vị thuốc tiêu hóa dùng trong ngày Tết . Nhưng ông Tân không để ý đến những món quà đó, ông đi tìm những chiếc kẹo bày trong mẹt bột phủ trắng xóa. Hỏi khắp nơi không thấy ai bán, có bà cụ chân tình nói cho biết : bây giờ người ta không làm loại kẹo này nữa, các nhà máy bánh kẹo trong thành phố đã đưa ra thị trường nhiều loại hàng kẹo công nghiệp, có bao bì bắt mắt, hợp thị hiếu . Ôi cái mùi vị cay của gừng, ngọt lịm của đường mía, vị thơm trong từng chiếc kẹo ủ dưới làn bột trắng nay đã thành ký ức xa xôi

Đi trong nhà vòm của chợ, thấy hàng quần áo, hàng vải vóc bày khắp nơi, ông cứ phân vân liệu sức mua của người dân có mua được hết., nhưng thật không ngờ khi ông nghe các bà đi chợ khoe với nhau : “năm ngoái đã mua áo rồi, nay lại mua thêm chiếc khác vì màu sắc kiểu dáng của nó hợp thời trang”

Ngày Tết, trên hè phố huyện đã có nhiều hàng hoa tươi, hàng lịch , tranh treo tường thay cho các hàng tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng. Bây giờ , đào không chỉ có ở vườn đào Nhật Tân mà đào được trồng khắp nơi.Người ta không thể đoán định được đây là cây đào Phùng hay đây là cây đào Đông Anh mang sang. Có hoa, có cây cảnh, nhiều làng quê đã thành làng triệu phú và trong ngày phiên này, các bà triệu phú đó đi chợ cũng vung tay mua sắm không phải so đo như ngày xưa.

Chợ quê năm nào, nơi nào cũng vậy. Nếu có điều kiện đi khắp nơi để cảm nhận sự giàu có của quê hương, và cũng để dịu lòng người xa xứ một nỗi hoài niệm nơi mà từ đó con người đã bước đi.




VVM.04.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .