Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Đài Nghiên (Đền Ngọc Sơn Hà Nội)

THẾ BÚT THẦN SIÊU



C hiều lại qua chiều. Mai Thục một mình Thiền hành quanh Tháp Bút - Đài Nghiên xin chữ “Thần Siêu”. Đêm qua, mơ thấy cụ Nguyễn Văn Siêu (1799- 1872) về. Người mỉm cười tặng Bài ca Kẻ sĩ Thăng Long và bảo: “Giấc mơ Tả Thanh Thiên của ta đã thành sự thật. Kẻ sĩ hãy hát lên”.

Mai Thục tự hát Bài ca Kẻ sĩ với nét nhạc phảng phất ca trù và trầm ấm, thanh cao âm hưởng Kẻ sĩ Thăng Long hiện đại.

Sóng ở đâu xanh?
Gió ở đâu xanh?
Mà Hồ thiêng long lanh huyền thoại
Rùa thần đòi gươm- giữ lành linh khí
Kẻ sĩ ngàn đời Viết lên trời xanh
Câu thơ xanh
Nốt nhạc xanh
Sắc cọ xanh
Hồn ta xanh Tự do- Hòa bình- Bác ái
Hát vang lên Hồ Gươm xanh
Đất -Trời- Con người hòa nhập
Vui sống ngàn năm thanh bình âu ca.

( Mai Thục)

I. Ngày xưa ai đã gọi Thần Siêu?

Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799, tại làng Kim Lũ- huyện Thanh Trì- Hà Nội. Cha mẹ đặt tên là Định, sau đổi thành Siêu, tự là Tốn Ban. Siêu có ngôi nhà hình vuông nên lấy hiệu Phương Đình. Hai mươi tuổi, chàng đến tập văn tại trường cụ Phạm Quí Thích. Hai sáu tuổi, chàng lều chõng đi thi, đỗ Á nguyên, nhưng không ra làm quan, ở nhà đọc sách, tự học và gõ đầu trẻ.

Lúc này, Siêu gặp Cao Bá Quát người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Quát kém Siêu mười tuổi, nhưng họ vừa mới gặp nhau đã “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Họ kết giao rất thân mật, tưng bừng tung ra không biết bao nhiêu bồ chữ. Người đời chóng mặt đuổi theo họ không được, bèn bảo nhau ca tụng hai chàng là “Thần Siêu, Thánh Quát”.

Năm 1839. Hai chàng rủ nhau “khăn gói quả mướp” lên đường vào Kinh đô Huế thi Hội. Cao Bá Quát bướng bỉnh, đã hỏng thi và sẽ còn hỏng mãi. Bởi ngôn ngữ của Thánh Quát, không chịu luồn xuống cái gầm ghế vương quyền.

Nguyễn Văn Siêu đỗ Phó bảng. Người đời truyền rằng cứ theo bài thi thì Siêu đỗ Tiến sĩ, Hoàng giáp… nhưng vì chữ xấu nên bị Minh Mạng đánh xuống Phó bảng. Chữ xấu là cái gì đâu. Bài thi có vài điều trái ý vua. Nhờ khoa thi này, Nguyễn văn Siêu và Cao có thêm hai người bạn mới là Đinh Nhật Thận và Nguyễn Hàm Ninh.

Phó bảng Nguyễn Văn Siêu được bổ làm quan ở tòa Hàn lâm. Năm sau (1839) làm chủ sự Bộ Lễ. Năm sau nữa, thăng Viên ngoại lang. Minh Mạng chết. Thiệu Trị nối ngôi. Trọng tài Thần Siêu, Thiệu Trị chuyển ông vào nội các làm Thừa chỉ. Nguyễn Văn Siêu kiêm cả chức Thị giảng, giảng sách cho các hoàng tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm. Năm 1847. Hồng Nhậm lên ngôi (Tự Đức). Năm 1849. Nguyễn Văn Siêu đi sứ nhà Thanh. Tự Đức dặn: “Khanh học vấn uyên bác, chuyến này đi sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm”.

Vua Tự Đức kính phục tài thơ văn của thầy mình. Ngài so sánh “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”.

Năm 1850. Nguyễn Văn Siêu đi sứ về dâng quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được thăng Học sĩ ở Viện tập hiền.

Chữ của Nguyễn Văn Siêu như thần, đứng trên cái cung đình Huế chật hẹp, bon chen, yếu kém, giả dối, lọc lừa… khiến vua Tự Đức thấy ngán, không muốn gần ông. Thần Siêu là thầy vua. Thầy dạy điều hay trị nước, chăm dân, vua không nghe thì sái đạo thầy trò. Nhưng nghe thầy làm điều nhân đức trên ngai vàng thì Tự Đức không thể. Cái ngai vàng và nhân nghĩa, đối nghịch nhau. Quyền lực/ Văn chương- trái chiều. Tự Đức tìm cách đưa Thần Siêu ra khỏi cung đình Huế.

Năm 1851. Thần Siêu ra làm Án sát Hà Tĩnh, rồi án sát Hưng Yên. Hưng Yên hay bị vỡ đê. Nguyễn Văn Siêu gửi về Kinh đô Huế một số điều trần, song không hợp ý vua. Ít lâu sau, Nguyễn Văn Siêu bị giáng chức. Năm 1854. Thần Siêu đệ sớ xin từ quan, được chấp nhận ngay.

Từ đó đến năm 1872 qua đời, non hai chục năm Nguyễn Văn Siêu sống ở Hà Nội, vui dạy học và soạn sách, làm thơ, xây Tháp Bút- Đài Nghiên.

Nguyễn Văn Siêu để lại nhiều di tích nhất so với các danh nhân Hà Nội. Tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì còn ngôi mộ Thần Siêu, còn cả ngôi nhà thờ họ do ông xây dựng và một tấm bia viết về Thần Siêu do người cháu họ là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp soạn vào cuối thế kỷ XIX.

Nội thành Hà Nội, con phố mang tên ông Phố Nguyễn Siêu, khu vực số nhà 11 và 12 chính là khu Trại Găng, nhà cũ của Thần Siêu. Nhà số 20 chính là nơi Thần Siêu dạy học trong những năm cuối đời.

Thần Siêu viết nhiều. Viết tới vài ngàn trang sách đều bằng chữ Hán, gồm nhiều thể loại nghiên cứu văn, sử, địa lý, triết học và sáng tác thơ ca. Sau khi Thần Siêu mất, học trò đem các tác phẩm của thầy ra khắc ván và xuất bản. Gồm các sách: Địa dư chí, Chư sử khảo thích, Chư kinh khảo ước, Tứ thư bị giảng, Vạn lý tập, Phương Đình thi tập, Phương Đình văn loại…

Thần Siêu là một học giả nghiêm túc, có nhiều phát hiện có giá trị lớn.

Văn chương Thần Siêu hào sảng, tinh tế, chất chứa những tư tưởng mới, vươn tới Đất Trời- hòa vào vũ trụ, và Tình yêu thương nhân dân, đất nước.

Thơ Thần Siêu, ấp ủ một khối Tình:

Đầu xanh, tóc bạc người đây đó
Nước chảy mây trôi cảnh vắng tanh
Thành cổ nắng thu, chiều tỏa lạnh
Nhớ ai việc cũ dạ không đành

Bảy mươi tuổi, Thần Siêu vẫn trăn trở suy tư, tìm cách hiến dâng tài trí của mình cho đời.

Bài Tán do chính Thần Siêu đề vào bức chân dung lụa của mình khi bảy mươi tuổi, đầy nhiệt huyết và khát vọng hiến dâng:

Hòa quang đồng trần
Phi tâm chi thoái
Hi cổ bạt tục
Tắc lực bất đãi
Mục kiến nhĩ văn
Vô hồ bất tại
Thứ cơ tồn tồn
Dĩ tiến ngô thoái

Nguyễn Vinh Phúc dịch:

(Hòa sáng với bụi đời
Thì lòng ta chẳng thích
Noi xưa vượt thói thường
Thì sức ta không kịp
Điều mắt thấy tai nghe
Chẳng có gì không thật
Tiến bước trong cảnh lui
Giữ sinh tồn muôn vật)

II.Thần Siêu với Thăng Long và Hồ Gươm:

1. Từ cố đô Hoa Lư đến Kinh đô Thăng Long:

Cuối thế kỷ X. Kinh đô Hoa Lư. Những ngày tàn sụp đổ.

Tiếng thét gào, cao ngạo
Chìm đáy bể ao sâu…

Kinh đô Hoa Lư ẩn giữa những ngọn núi đá nhấp nhô xanh thâm u và những thung lũng lúa vàng dạo nhạc, những ao hồ cá lượn tung tăng. Ven những sườn núi đá chon von, những chú dê nhởn nhơ gặm lá cỏ cây, vui ca hát.

Im lìm trong một góc rừng. Núi đá vây quanh. Kinh đô Hoa Lư chìm trong biển máu của sự giành giật vương quyền. Những gương mặt lão nông hiền lành, lam lũ. Những nét cười thiếu nữ Hồng hoang. Những mẹ hiền còng lưng gánh núi.

Đinh Bộ Lĩnh, phất cờ lau, dẹp được loạn Mười hai xứ quân. Năm 986 lên ngôi Hoàng đế, lập nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Đêm Trung Thu năm Kỷ Mão (9- 9- 979). Đinh Bộ Lĩnh và con trai cả Đinh Liễn bị kẻ say máu làm vua, giết chết bằng cách cho thuốc độc vào tiết canh, lòng lợn. Món ăn khoái khẩu của vua Đinh.

Mười một năm trị vì đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã mở nền cai trị chính thống, tổ chức bộ máy Nhà nước, khẩn hoang, dạy chữ Nho, nhà sư được coi là trí thức, được trọng dụng, tin dùng, kiến thiết cung điện, đưa hát chèo vào cung đình…

Đinh Tiên Hoàng mất. Con trai Đinh Toàn mới sáu tuổi làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính (vợ Đinh Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Đinh Toàn). Nhà Tống kéo sang. Dương Vân Nga trao ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn đại thắng quân Tống trở về trong vòng tay ân ái của Dương Vân Nga. Chuyện ái tình Lê Hoàn và Dương Vân Nga xôn xao cả ngàn năm.

Theo Ngự chế Bi ký (T.S Mai Hồng dịch) của Lý Công Uẩn, mới phát hiện, in trong tập Mười thế kỷ văn chương Thái Bình (Gia Dũng biên soạn), có chữ “Lê Hoàn thoán ngôi” vua Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 1005. Lê Hoàn mất, thọ 65 tuổi. Các con Lê Hoàn tranh giành ngôi báu. Lê Long Việt con trai thứ ba của Lê Hoàn lên ngôi được ba ngày thì bị Lê Long Đĩnh, con thứ năm cướp ngôi. Lê Long Đĩnh say tửu sắc, lê lết không đứng dậy được, phải nằm họp bá quan văn võ, gọi là Lê Ngọa Triều. Ngọa Triều tàn bạo giết người, róc mía lên đầu sư, ở ngôi được bốn năm thì chết.

Triều đình suy tôn Tiền điện chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua tháng 7- 1010.

Lê Hoàn chết, xác không được chôn. “Lê Đại Hành” chữ Hán là cái xác không chôn. Bởi các con Lê Hoàn mải tranh giành ngôi đẫm máu. Không một đứa nào nghĩ đến việc đi chôn cái xác của cha mình. Tục lệ người Việt, con người chết phải được “Đào sâu chôn chặt”, phải có “Mồ yên mả đẹp”, nghĩa là phải trở về với Đất. Lê Đại Hành bất hạnh, không được chôn. Con phố Lê Đại Hành nằm trong khu phố cổ Hà Nội là nỗi đau muôn đời không tan của Lê Hoàn. Hơn một nghìn năm nay, Lê Hoàn vẫn thét gào thống thiết:

“Quân nghịch tử
Lũ con bất hiếu
Mất tính người
Mất Đạo Đất-Trời
Ác lắm thay!
Sao nỡ gọi tên ta
Lê Đại Hành
Cái xác không chôn
Giận lắm thân ta! Lỗi bởi tại ta
Ta gây ra tất cả
Thương thân ta lắm thay!”

Nhưng dòng đời xuôi ngược, kẻ chết, người sống nối nhau trên con phố Lê Đại Hành hôm nay, không ai nghe được tiếng kêu thương bi ai của Lê Hoàn.

Vô cảm.

Lý Công Uẩn (1009- 1028) là con của “một mình” người đàn bà đẹp nhất Kinh Bắc thủa xa xôi. Cậu bé họ Lý được Thiền sư Vạn Hạnh (Quốc sư thời vua Đinh) nuôi dạy tại chùa Thiên Tâm (Bắc Ninh), sau ngài đưa vào kinh đô Hoa Lư, chỉ huy quân đội triều Đinh, là con rể Dương Vân Nga, giữ ngôi mười tám năm.

Năm 1010. Lý Công Uẩn công bố Chiếu dời đô . Một áng hùng văn thiên cổ. Một tầm nhìn Thiên niên kỷ. Mở nền văn hiến Đại Việt và một cuộc dời đô rung chuyển Đất- Trời, xây kinh đô Thăng Long trọn một nghìn năm tuổi.

2. Thăng Long- Hà Nội- Đất Rồng cuộn hổ ngồi. Nhân tài bốn phương tụ hội. Những dòng sông gặp gỡ. Ao hồ liên thông:

Kinh đô Thăng Long nằm bên dòng sông Cái (sông Hồng, sông Mẹ). Dòng sông Tô Lịch trong phố bắt nguồn từ sông Cái đầu phố Chợ Gạo chảy về phía Tây qua Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Cá, Hàng Lược, dọc Phan Đình Phùng, đến Thụy Khuê, về làng Bưởi gặp sông Thiên Phù, chạy dọc theo Đường Láng đi Cầu Bươu rồi đổ vào sông Nhuệ.

Các con hồ liên thông với nhau trong kinh thành dọc theo dòng sông Cái: hồ Mã Cảnh, hồ Yên Thành, hồ Hàng Than, hồ Huyền Thiên, hồ Sao Sa, hồ Diên Hưng, hồ Thái Cực và hồ Lục Thủy (tên cổ của Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm).

Những con hồ Hà Nội nghìn năm soi bóng Long Thành tài tử- giai nhân. Họ đã sống và yêu bên các con hồ và thả vào đó những huyền thoại, với Tình yêu, nỗi đau, ước mơ, khát vọng sống cao cả.

Hồ Gươm là nơi có nhiều huyền tích, với Rùa thần đòi gươm. Hồ Gươm linh thiêng. Hồ Gươm- mắt ngọc tâm linh. Danh nhân, kẻ sĩ ngàn đời đã thả xuống Hồ Gươm không biết bao nhiêu bài thơ, điệu hát, bản nhạc, họa, và những khối Tình vẫn long lanh mây trời cùng sóng biếc Hồ Gươm.

Thần Siêu yêu Hồ Gươm hơn hết thảy. Người ngủ bên hoa Hồ Gươm:

Nhất trản trung phù địa
Trường lưu đảo tải thiên
Ngư chu xuân tống khách
Hồi trạo trúc hoa biên

(Một chén trong lòng đất nổi
Nước dài chở lật trời qua
Thuyền cá ngày xuân đưa khách
Quay chèo về ngủ bên hoa)

Hồ Gươm thành thơ theo bước Thần Siêu: Chơi Hồ Gươm, Lên lầu chuông Đề Ngọc Sơn, Trên núi Ngọc trông…

Năm 1865. Thần Siêu cùng án sát Hà Nội Lương Hiên Đặng Huy Tá vận động mọi người trùng tu thắng cảnh Hồ Gươm: sửa sang ngôi đền Ngọc, bắc lại nhịp cầu Thê Húc nối bờ Đông với đảo Ngọc, bồi đắp núi Độc Tôn và xây trên đó ngọn Tháp Bút với ba chữ rực màu son Tả Thanh Thiên (Viết lên Trời xanh). Như một tiếng gọi kẻ sĩ viết tư tưởng mới, đầy trí tuệ, mãnh liệt, rung chuyển Tình yêu đất nước, giống nòi… lên Trời xanh, chiếu rọi bốn phương, sánh với Đất- Trời, trăng sao, hòa vào vũ trụ. Chữ viết tỏa cái khí hạo nhiên của hiền tài, của con người chân chính.

Có Bút tất phải có Nghiên. Cạnh Tháp Bút, Thần Siêu cho xây Đài Nghiên. Đó là cái cửa cuốn trên có kê một cái Nghiên bằng đá tạo hình nửa quả đào. Thành nghiên có khắc một bài minh do Thần Siêu soạn và Vũ Tá Trữ viết:

Cổ hữu huyệt địa tiến nghiễn
Chú Đạo đức kinh
Nghiên đại phương nghiễn
Trứ Hán Xuân Thu
Thạch tư nghiễn dã
Phỉ tượng hà hình
Bất phương bất viên
Diệu tồn chư dụng
Bất cao bất hạ
Vị hồ quyết trung
Phủ Hoàn Kiếm thủy
Ngưỡng thạch bút phong
Ứng thượng thai nhi thổ vân vật
Hàm nguyên khí nhi ma hư không

Phạm Đức Huân dịch:

Xưa kia
Khoét đất làm nghiên
Chú Kinh Đạo đức
Đẽo đá làm nghiên
Viết sách Xuân Thu
Hòn đá cái nghiên
Không hẳn hình gì
Không vuông không tròn
Khéo chứa được việc
Không cao, không dưới
Ở vào chính giữa
Cúi nhìn Hoàn Kiếm
Ngửa trong ngọn bút
Ứng với “bậc trên” nhả lời rõ ràng
Ngậm nguyên khí cọ với hư không

Bên kia cầu Thê Húc dựng lầu Đắc Nguyệt (được trăng). Qua lầu Đắc Nguyệt tới ba nếp đền. Mặt nếp đền nhìn ra Hồ Gươm Thần Siêu cho câu đối:

Đạo hữu chủ trương Đẩu Bắc văn minh chi tượng
Nhân đồng chiêm ngưỡng Giao Nam lễ nhạc chi đô


(Đạo có chủ tể, đó là vẻ đẹp sáng của sao Bắc Đẩu
Người đều ngửa trông, ấy thật đô thành lễ nhạc của cõi Nam)

Người xưa tôn sao Bắc Đẩu là chủ mọi vì sao, là gốc của Đạo lớn trong vũ trụ. Lễ là trật tự xã hội, là nền chính trị quốc gia, nhạc là lòng người hòa hợp nhịp nhàng, là văn hóa. Câu đối của Thần Siêu khẳng định Thăng Long- Hà Nội là nơi muôn nẻo tìm về, là trung tâm chính trị văn hóa của cả nước, không phải ở cung đình Huế.

Phía ngoài đền Thần Siêu cho xây Trấn Ba đình (đình Chắn sóng), có câu đối khẳng định Thế Bút Thần Siêu sánh cùng Trời- Đất núi non:

Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn


(Kiếm còn dư linh ngời ánh nước
Văn cùng Trời- Đất thọ như non)

Khối kiến trúc Đền Ngọc Sơn- Tháp Bút- Đài Nghiên là biểu tượng văn hóa của Kẻ sĩ Bắc Hà, là nguồn sáng tâm linh tụ hồn Kẻ sĩ Thăng Long- hàm chứa những thông điệp bí ẩn mà các thế hệ sau mải miết, đắm say đi tìm.

Nhà bảo tàng học Phạm Đức Huân đã dành nhiều năm nghiên cứu, dịch từng chữ Thần Siêu gửi lại. Ông phát hiện Đền Ngọc Sơn- Tháp Bút- Đài Nghiên là Cuốn sách mở giữa Trời (32 trang sách mở của Thần Siêu).

Sách Lời nhắn của người xưa (NXB Văn hóa Thông tin- 2006) Phạm Đức Huân cho rằng Đài Nghiên là trang sách quan trọng nhất. Mặt trước Đài Nghiên có vế đối:

Kính Thiên Bút Thế Thạch Phong Cao

(Thế Bút chống Trời cao như ngọn núi đá)
Mặt sau Đài Nghiên có đại tự Ngọc Sơn Từ
(Đền thờ sự trong sáng và sự cao đẹp)

Đỉnh Đài Nghiên có một nghiên đá (dùng để pha mực Tàu viết chữ Nho) hình nửa quả đào đặt trên ba con cóc cùng há miệng, như đang cùng kể, cùng nói điều gì hân hoan sau những ngày ngậm miệng.

Bài minh của Thần Siêu khắc trên mặt nghiên đá gợi hình tượng một loại người không góc cạnh, không tròn trịa, không ở cao, cũng không ở thấp, nhìn đời rộng rãi, hướng tới tầm cao, ứng với “bậc bề trên” mà nhả lời rành rọt, nhẹ nhàng. Loại người này là hiền nhân quân tử, ngậm nguyên khí quốc gia, xây trụ cột văn hiến, giữ sơn hà. Loại người này hiếm, là nguyên khí của quốc gia.

Song số phận bài minh Thần Siêu khắc trên đá không được yên!

Sau một thời gian hiện hữu, bài minh đã bị đục năm chữ “ Thượng thai nhi thổ vân vật ” (nghĩa là ứng với bậc bề trên).

Ai đã dám đục chữ của Thần Siêu?

Tại sao họ làm cái việc ngớ ngẩn, nực cười xuyên năm tháng như vậy?

Hóa ra. Hắn là kẻ nô lệ. Máu nô lệ của hắn chìm sâu tận các mao mạch li ti. Không thể dạy được.

May, bài minh còn được ghi cả trên cuốn thư ở cổng Nghiên Đài, nên nhà nghiên cứu mới biết năm chữ đã bị đục bỏ.

Chuyện kể rằng án sát Hà Nội là Vũ Nhự (người kế nhiệm án sát Đặng Huy Tá) đã cho đục năm chữ trên để lấy lòng triều đình Huế!

Nhà Vũ Nhự ở huyện Thọ Xương- Hà Nội (phố Hàng Khay ngày nay) vốn là gia đình thi thư. Chưa có bằng chứng để qui phạm thủ phạm là Vũ Nhự. Nhưng nếu không phải là kẻ có quyền lực ở Thăng Long sai bảo thì ai dám làm việc kinh thiên động địa trên, giữa thanh thiên bạch nhật.

Khi biết chuyện, gia đình họ Vũ đã họp nhau, phê phán án sát đã không nối được gia phong, không tôn trọng văn chữ của một bậc thầy được người đời tôn xưng là “Thần”.

Viên án sát nhận lỗi, hối hận. Mấy ngày sau. Dân Hà Thành nghe tin viên quan ấy nhảy xuống giếng nhà tự tử vì hổ thẹn.

Khốn khổ thay! Viên quan nô lệ chức quyền. Nô lệ những cái bóng không hồn vía.

Triều đình Huế thấp dưới mặt trời, làm sao được Thần Siêu tôn là “bậc bề trên”?

Vua Tự Đức là học trò Thần Siêu, dính làm sao được với “bậc bề trên”?

“Bậc bề trên” sánh với chữ Thần Siêu là Thượng đế, là ánh sáng Đất- Trời, là nguyên khí quốc gia.

Làm sao viên quan nô lệ cung đình dám nhận vơ vào cái triều đình mọt cũ, mà đục chữ, nịnh bợ vớ vẩn.

Vua Tự Đức tôn Thầy Siêu là Thần rồi, vua chẳng dám động lòng đến mấy chữ của Thần Siêu.

Ôi! Nô lệ ơi! Là nô lệ!

Nô lệ đến tàn một kiếp- một đời thế sao?

Cùng với từng câu chữ trên Đài Nghiên làm Thế Bút chống Trời, còn hàng trăm câu chữ khác trong cụm di tích Đài Nghiên- Tháp Bút mà phần lớn là của Thần Siêu, gửi vào đó hình bóng mình với trái tim tỏa sáng Tình yêu lớn của người trí thức chân chính, giác ngộ cái sứ mệnh dùng văn hóa, tâm hồn cao khiết của mình để làm trụ cột cho Tinh thần nòi giống Tiên- Rồng trường tồn.

Làng Lủ. Đông 2009. Những ngày thiêng liêng. Thăng Long- Hà Nội sắp tròn nghìn tuổi. Trong ngôi từ đường họ Nguyễn hiện do đạo diễn Tự Huy, cháu bốn đời của Thần Siêu cai quản. Tự Huy đọc cho chúng tôi nghe bài thơ chữ Hán của Thần Siêu (do Tự Huy “đặt” lại từ bản dịch nghĩa):

Việc đời nát ruột bầm gan
Chí chưa nỡ bỏ mấy trang sách nhàu
Trời xanh đội đến bạc đầu
Chân lùa cát bụi, chẳng màu bùn nhơ
Gọi quan, gọi lão cũng ờ
Đường dài còn tấm thân giờ ta đi

III. Người đàn bà lang thang và Thế Bút Thần Siêu ban tặng:

Đầu thế kỷ XXI. Một người đàn bà lang thang đã dựng một túp lều dưới chân Tháp Bút- Đài Nghiên để chiều lại qua chiều, Thiền hành xin chữ Thần Siêu.

Nàng là con Mẹ Âu Cơ. Không theo Mẹ xuống Biển, nàng ở lại cùng cha luyện khí Rừng thiêng. Khi đã đủ đầy khí hạo nhiên trong tim. Nàng bỏ rừng, lang thang gầm Trời cuối Đất, hang cùng, xóm vắng, ngõ hẻm, góc đường, xó tối, gầm cầu, biển bão, khe sâu, phố chợ, nhà hàng, tầng cao chúp chót, hang ổ, tổ quỉ, mê cung, ma lộ… nghe vô lượng kiếp khóc than. Nàng lang thang từ Đông, sang Tây, từ Bắc Âu đến Đông Âu, từ phương Đông huyền bí, ác hiểm, đến tận vương quốc chứa chấp Tinh hoa lẫn cặn bã địa ngục trần gian. Nàng lang thang đến sa mạc cát gặp người da đỏ với những dòng sông thiêng, bắp ngô vàng ánh mặt trời*. Nàng lang thang đến cả bốn cường quốc lớn của hành tinh (Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc) để biết thế nào là địa cầu và nhân loại. Vũ trụ và loài người. Đúng/ sai? Phải/ trái? Để hiểu thế nào là kẻ đang sống mà như đã chết rồi…

Và nàng đã khóc. Nàng đã trở về. Lạy Mẹ Âu Cơ, con là máu thịt của mẹ. Mẹ ơi! Không! Con không thể sống xa rời Đất Mẹ. Con mãi là con Mẹ Tiên- Rồng. Không thể thay zen di truyền. Không thể sống nơi Đất lạnh quê người. Con phải trở về với Mẹ Việt Nam.

Rồi nàng đi tìm Thần Siêu xin chữ, mơ tri ân bao tiếng khóc, nụ cười, máu xương Đất Mẹ, đã nâng nàng đi lang thang mấy kiếp luân hồi trong cõi trần ai.

Thần Siêu mỉm cười: “Ta đã đợi các con gần hai thế kỷ rồi. Hãy Tả Thanh Thiên! Ta không chỉ cho con chữ, mà ta cho con Thế Bút Thần Siêu. Thế Bút đó là Vô Định.

Vô Định Hồn mình như gió lang thang
Phiêu diêu tám hướng, mười phương Đất- Trời
Những ngày, những tháng, những năm
Thời gian vô định, khối Tình mênh mang
Đất- Trời ôm lấy giang san
Tình yêu tỏa sáng muôn ngàn ánh sao
Thả lên Trời biếc lòng mình
Hướng về trong cõi nhân gian tự tình.

(Mai Thục)

* Chương trình “Khách tham quan Quốc Tế” của Quốc hội Hoa Kỳ, sáng lập năm 1950, dành cho những công dân tiên phong của các quốc gia, đến Tham quan nước Mỹ. Phần lớn nguyên thủ quốc gia của các nước đã được tham dự chương trình này. Ở Việt Nam hiện nay, hằng năm đều có một số người được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam mời tham dự.




VVM.23.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .