Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



TẤN BI KỊCH CỦA LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ
- TẤM GƯƠNG TRUNG TRINH TIẾT LIỆT



G iai đoạn bắt đầu xây dựng nền móng của triều đại Hậu Lê (dưới hai triều vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông) là một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, trong đó những yếu tố tích cực, tiến bộ xen lẫn với những yếu tố tiêu cực, rối ren, đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Cả hai ông vua đó đều chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong việc trị nước nên đã phải dựa vào các đại thần, các bề tôi. Song “quần thần” của hai triều vua này lại không phải là một thể thống nhất mà về đại thể, chia ra thành hai phái: phái  những bề tôi trung lương, trí tuệ cao  (như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Mộng Tuân, Vũ Mộng Nguyên, Lí Tử Tấn, Phan Phu Tiên, Lê Văn Linh, Đinh Liệt, Lê Hiếu Dĩnh, Lê Nỗ, Trần Thuấn Du, Nguyễn Xí …) và phái  lộng thần, gian thần, trí tuệ thấp  (như Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Bang Bản, Trần Quốc Khí, Trịnh Bá Hoành, Nguyễn Thị Anh, Tạ Thanh, Lương Đăng… )

Sự rối ren phức tạp trong triều đình là nguyên nhân gây ra vụ án Lệ chi viên làm chấn động càn khôn và để lại một tồn nghi lịch sử kéo dài suốt 560 năm qua về nhân vật lịch sử  lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ,  người thiếp yêu của vĩ nhân Nguyễn Trãi.

Bi kịch Nguyễn Thị Lộ bao gồm dư luận xấu về vấn đề “danh tiết “ của bà (trong quan hệ với vua Lê Thái Tông) và về hành động đầu độc giết vua. Bi kịch đó thật tương hợp với câu thơ của Chu Mạnh Trinh được khắc ở miếu thờ Mị Châu tại Cổ Loa:  Bất bạch kì oan trực đáo câm  (Không tỏ được nỗi oan lạ cho đến tận ngày nay). Song đúng như những câu nói nổi tiếng “Cái gì của César phải trả về cho César”, “Không thể lấy máu mà gìm được chân lí”, gần 600 năm đã trôi qua, với sự vận động diệu kì của trời đất, của lịch sử, tồn nghi lịch sử về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bỗng lại được những kẻ “hậu học” đem ra phân tích trên quan điểm khoa học hiện đại và đưa ra những kết luận hoàn toàn mới mẻ và có tính thuyết phục cao.

Ông Hoàng Hữu Đản (tác giả vở bi kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” được sáng tác năm 1962, Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1981 nhân dịp Nguyễn Trãi được phong là danh nhân văn hoá thế giới) là người có công đầu phản biện lại một cách khá toàn diện và triệt để những quan niệm trong quá khứ đã bôi nhọ thanh danh của bà Lễ nghi học sĩ. Cùng quan điểm với ông, có ông Nguyễn Gia Linh (giám đốc nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Paul Pascal Bordeaux, Pháp), tác giả tác phẩm trường thiên bằng thơ song thất lục bát mang nhan đề “Lệ chi hận sử” xuất bản năm 2002.

Sự tồn tại của quan niệm sai lầm về bà Lễ nghi học sĩ không đáng ngạc nhiên. K. Marx đã chỉ rõ “Trong xã hội có giai cấp, tư tưởng của giai cấp thống trị là tư tưởng thống trị”. Quan niệm xấu về bà Nguyễn Thị Lộ xuất phát từ âm mưu của “kẻ thống trị” đồng thời là là kẻ tử thù của bà: thần phi Nguyễn Thị Anh. Quan niệm tai hại ấy của một bà thái hậu đã chiếm địa vị thống trị trong xã hội. Ngay cả tác giả của bộ chính sử “Đại Việt sử kí toàn thư” chẳng những không hề có ý kiến phản bác nào, mà còn viết một câu thiếu hụt nghiêm trọng về lí lẽ như sau: “Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua” nghĩa là “khẩu thiệt… thị bằng” (!). Thực chất, “mọi người” ở đây là ai? Là bè lũ hoạn quan, tay sai của Nguyễn Thị Anh và Tạ Thanh. Quan niệm xấu về bà Nguyễn Thị Lộ của bọn thống trị (trong đó bao hàm cả thái độ trọng nam khinh nữ đặc thù của chế độ phong kiến) đã tồn tại dai dẳng trong rất nhiều đầu óc phong kiến ở các thời đại sau, bất chấp việc bậc minh quân Lê Thánh Tông đã chính thức xuống chiếu minh oan cho vợ chồng bà vào năm 1464.

Vậy thực chất về nhân cách con người bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ như thế nào?

Bà là con gái của một cụ đồ nho và trong dòng máu của bà có nhiều tố chất đẹp đẽ: phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam sống ở nông thôn (với hình ảnh lao động rất dân dã là “bán chiếu gon”), chất “cân quắc anh hùng” (không phải hạng đàn bà tầm thường), và tư chất về trí tuệ, văn chương. Không chỉ thế, bà còn có một phẩm chất đặc sắc khác, đó là sự mẫn tuệ, sắc sảo lạ thường khiến bà nhận ra chân tướng của một con người kiệt hiệt: Nguyễn Trãi.

Với phẩm chất trí tuệ và tinh thần trác việt, chỉ bằng một bài thơ hoạ rất mực tài tình và “đáo để”, bà đã lập tức chiếm được tình yêu của Nguyễn Trãi, trở thành người vợ được sủng ái của một con người vĩ đại. Rồi bà được vua Lê Thái Tông trọng đãi, kính yêu, mời vào cung giao chức  Lễ nghi học sĩ. Địa vị của bà rõ ràng do tài năng và phẩm chất con người của bà quyết định, tương tự địa vị của bà huyện Thanh Quan sau này được giữ chức “Cung trung giáo tập” trong triều Minh Mệnh. Một người đàn bà được cử làm thầy dạy vợ con vua: điều ấy không đủ nói lên phẩm chất tuyệt vời cả về trí tuệ lẫn về nhân cách của bà hay sao?

Giữa vợ chồng Nguyễn Trãi với Lê Thái Tông, ngoài quan hệ vua tôi còn là quan hệ thầy trò. Nguyễn Trãi là thầy dạy Lê Thái Tông khi vua mới mười tuổi. Bà Nguyễn Thị Lộ kém chồng chừng 16 tuổi và hơn nhà vua trên dưới 25 tuổi.

Vậy thì do đâu mà Nguyễn Thị Lộ phải mang cái tiếng xấu xa nhường kia? Theo tài liệu của ông Nguyễn Gia Linh thì chính Nguyễn Thị Anh (vốn coi vợ chồng Nguyễn Trãi là kẻ thù không đội trời chung) đã phao ra cái tin về “cuộc tư tình” của vua và Nguyễn Thị Lộ (khi đó Nguyễn Trãi ở Côn Sơn còn bà Lộ đang làm chức phận của Lễ nghi học sĩ trong triều) để gây ra cuộc khủng hoảng trong gia đình Nguyễn Trãi, nhằm đánh gục tinh thần ông. Đó thật là một quỉ kế của thái hậu Nguyễn Thị Anh. Hậu quả của quỉ kế đó thật ghê gớm: Nguyễn Trãi đã ghen thật sự, viết thư khiển trách vợ, có những câu (Hán văn dịch Nôm):

Lời thề khắc Nam Sơn, sừng sững Nam Sơn còn đó,
Lời nguyền ghi Đông Hải, bao la Đông Hải còn đây.
… Đáng trách ai kia đạo chẳng minh
Mặt kính tuy trong, bụi đã nhiễm,
Lòng nhân vừa nhóm, dục còn ganh…

(Vân Trình dịch)

Nhưng Nguyễn Thị Lộ đã trả lời chồng bằng những lời son sắt và rất “đàn bà” như sau:

Mối tình muộn màng nào quên, núi tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết,
Lời thề đinh ninh khó nhạt, sông dù vơi mà ý thiếp không vơi.
… Còn gì liệu đáng băn khoăn,
Phải chăng tự mình chuốc lấy?
… Vậy cũng xin có thơ rằng:
Lòng son khẩn khoản việc mau thành,
Ai bảo cương thường đạo chẳng minh?
…Anh hùng gắng sức anh hùng chí,
Phận gái đào tơ phận gái tình.
Phúc đượm duyên trời cầm sắt hợp,
Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh.

(Vân Trình dịch)

Bài thơ toát lên tâm hồn, đức hạnh và ý thức sâu sắc đối với một mối tình thiêng liêng khiến chúng ta không thể nào cho rằng đó là những lời giả dối của hạng đàn bà tầm thường được.

Chúng ta cũng cần nhớ lại: chính Nguyễn Thị Lộ đã ra tay cứu được chồng thoát khỏi lao tù khi Nguyễn Trãi bị Lê Lợi bắt giam do lời sàm tấu cua bọn gian thần (1429). Và một điều nữa vô cùng cảm động: sau đó, khi Nguyễn Trãi xin về trí sĩ tại Côn Sơn, gia cảnh trở nên bần bách, Nguyễn Thị Lộ đã xin phép chồng được tiếp tục bán chiếu gon như trước để nuôi gia đình. Chúng ta thấy rõ, không hề có sự khác biệt, “phá cách” nào ở người phụ nữ nông thôn Nguyễn Thị Lộ so với những bà vợ của Nguyễn Khuyến và Tú Xương sau này. Đức hạnh của Nguyễn Thị Lộ thuộc dòng đức hạnh truyền thống của đàn bà Việt Nam. Nếu không phải là như vậy thì chúng ta không thể giải thích được vì sao nhà nho Nguyễn Trãi lại yêu thương và trân trọng người thiếp của mình đến thế. Hình ảnh cuộc lương duyên hạnh phúc của hai vợ chồng ông trong cảnh ẩn dật đã để lại dấu vết trong thơ ông:

Cầm khi đàn, khiến thiếp thiêu hương.
(Đàn khi gảy, sai thiếp đốt hương).

Việc Lê Thái Tông đặc biệt quý trọng bà vợ của thầy học mình nói lên một điều: Nguyễn Thị Lộ là một người phụ nữ thông minh, hiểu biết, tài sắc hơn đời mà Thái Tông có nguyện vọng được tôn bà như một người tri kỉ của mình. Quan hệ ấy phản ánh tính chất hồn nhiên, nhân bản của con người Việt Nam, giống như quan hệ của Nguyễn Bính với “chị Trúc” của nhà thơ vậy. Thế nhưng dưới con mắt của những kẻ mang nặng giáo điều phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” thì tuyệt nhiên không thể có chuyện một người nam và một người nữ lại là tri kỉ với nhau được. Và sự gần gũi ấy chỉ có thể là bất chính! Nguyễn Thị Lộ, cũng như Hồ Xuân Hương sau này, là nạn nhân của những thành kiến hủ bại của chế độ phong kiến từng đầu độc cuộc sống của dân tộc ta trong nhiều thế kỉ!

Tuy nhiên đòn vu cáo đó chưa phải là “đòn chí tử” mà Nguyễn Thị Anh giáng xuống đối phương là vợ chồng Nguyễn Trãi. Nguyên nhân sâu xa nhất, căn bản nhất nằm trong những suy tính  được thua, còn mất  của thần phi Nguyễn Thị Anh nhằm giải quyết triệt để những vấn đề gay cấn sau đây:

1. Nguyễn Thị Anh hiện đang ở trong tình trạng “cá nằm trên thớt”: bà ta đã có mang với Lê Nguyên Sơn (người thuộc hoàng tộc) trước khi được tuyển vào cung.

Chúng tôi cho rằng, nếu Thị Anh “thực thà” khai việc này ra thì chắc chắn việc tuyển cung không thể xảy ra. Nhưng vì quá thèm muốn cái địa vị “cung phi” mà Thị Anh đã liều lĩnh giấu nhẹm sự việc ấy. Sau có sáu tháng lấy vua, Thị Anh đã đẻ con (mặt mũi giống Lê Nguyên Sơn) và việc này chỉ có Tạ Thanh (cầm đầu bọn hoạn quan) biết rõ. Vì vậy mới hình thành “liên minh ma quỷ” Nguyễn Thị Anh – Tạ Thanh.

Thị Anh biết rõ: nếu mai kia chẳng may Lê Thái Tông biết được sự gian dối tày trời kia thì mình sẽ bị tội voi giày ngựa xé là cái chắc! Trong đầu óc người đàn bà quỷ quyệt đã nảy ra một giải pháp: phải ám sát vua và đưa con mình (đã được vua chọn làm người kế vị) lên ngai vàng, còn mình thì lên ngôi thái hậu, đó là phương sách tuyệt hảo!

2. Bà phi Ngô Thị Ngọc Dao có mang và được báo mộng sẽ sinh hoàng nam: vị hoàng tử “chính cống” này là mối đe doạ trực tiếp cho ngôi “thái tử kế vị” của Bang Cơ, “con ngoài giá thú” của Thị Anh1. Vậy cần phải triệt mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao! Nguyễn Thị Anh bèn dùng quỷ kế vu cho Ngọc Dao đầu độc thái tử Bang Cơ, yêu cầu vua xử Ngọc Dao tội voi giày. Trong hoàn cảnh đó, chính vợ chồng Nguyễn Trãi đã can gián vua không làm hành động tàn khốc đó (vua đã nghe lời), rồi ông bà bố trí cho Ngọc Dao đến nương náu trong chùa Huy Văn. Vì mục tiêu sống còn không thực hiện được (do sự cản trở quyết liệt của vợ chồng Nguyễn Trãi) mà ý đồ triệt bỏ Nguyễn Trãi đã nảy sinh trong đầu Nguyễn Thị Anh. Thái hậu hiểu rõ điều này: nếu vợ chồng Nguyễn Trãi còn sống thì việc mẹ con bà rơi vào thảm hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sau cùng “liên minh ma quỷ” Nguyễn Thị Anh – Tạ Thanh đã tìm ra được một tuyệt chiêu: bố trí đầu độc vua, vu cho Nguyễn Thị Lộ thực hiện, và vu cho Nguyễn Trãi là người chủ mưu! Vậy là một mũi tên của Thị Anh đã bắn trúng hai mục tiêu: giết vua để giành ngôi, đồng thời triệt hạ mối đe doạ từ phía vợ chồng Nguyễn Trãi.

Chính sử chép rằng vua chết vì bị đầu độc, vậy ai là kẻ đầu độc vua? Vợ chồng Nguyễn Trãi chăng? Hay bọn gian thần trong triều đình? Hay một kẻ nào khác? Đó là chìa khoá của vấn đề.

Trên thực tế, không một ai trong lịch sử tìm ra nổi một lí do nào cho hành động giết vua của vợ chồng Nguyễn Trãi. Theo lí tất yếu, một kẻ giết vua chỉ có một mục đích duy nhất là chiếm đoạt ngai vàng. Nguyễn Trãi đã từ lâu “cửa mận tường đào chân ngại chen”, đã về ở ẩn tại Côn Sơn, thì làm sao còn có ý đồ chiếm đoạt ngai vàng để mà làm gì nữa? Hơn nữa, quan hệ vua tôi giữa ông và Lê Thái Tông hết sức tốt đẹp. Nhà vua vẫn trọng đãi ông, từng mời ông trở lại giúp triều đình, và đã cho xây chùa Tư Phúc ở Côn Sơn để làm nơi di dưỡng tinh thần cho bậc cựu thần và để có cớ thỉnh thoảng đến thăm Nguyễn Trãi. Nếu nói về “phe cánh” thì Nguyễn Trãi chính thuộc phe cánh của vua, đối lập với bọn lộng thần và gian thần như Lê Sát, Lê Ngân, Lương Đăng... Vậy thì kẻ đầu độc vua còn là ai nữa ngoài Nguyễn Thị Anh và bọn hoạn quan do Tạ Thanh cầm đầu? Tuy nhiên cần phải xét tất cả các tình tiết sau đây mới thấy rõ được kẻ thủ phạm đầu độc vua:

-Trước khi xảy ra vụ án  Lệ chi viên, Lương Dật (em Lương Đăng) đã phao câu chuyện hoang đường “rắn báo oán” để dọn đường cho dư luận rằng cái chết của ba họ Nguyễn Trãi sắp xảy ra là do số mệnh.

-Khi xảy ra cái chết của vua, bọn Tạ Thanh và Lương Dật đều cố ý vắng mặt, để lúc vua lâm chung chỉ có một mình Nguyễn Thị Lộ bên cạnh săn sóc vua (thực ra trước đó họ đã thực hiện lệnh dâng thuốc độc cho vua rồi).

-Nguyễn Trãi bị li gián, không được ở bên vua lúc vua hồi kinh nên không thể chống đỡ được quỷ kế của bọn gian thần.

-Vua vừa mới chết xong, Nguyễn Thị Anh khẩn cấp hội triều, tự mình lên nắm quyền nhiếp chính, và Bang Cơ lập tức được đưa lên ngôi vua khi mới có 2 tuổi! Em ruột Thị Anh là Nguyễn Phi Lộ được giữ trách nhiệm phò ấu chúa. Tất cả mọi việc Thị Anh đều giao cho Tạ Thanh điều hành. Có thể nói, cả bộ máy hoàn chỉnh của một “tân triều đình” đều đã được chuẩn bị chu đáo trước khi vua chết. Ngay cả bản án tru di tam tộc cũng do bè cánh Thị Anh soạn thảo, bạn thân của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thiện Tích chỉ được giao nhiệm vụ đọc công bố chứ không được quyền tham gia ý kiến2.

-Sau vụ án, có một bài thơ vạch trần tất cả tội lỗi của Nguyễn Thị Anh. Tạ Thanh điều tra và khui ra tác giả của nó chính là Đinh Liệt, và vị đại thần này đã bị tù 8 năm trời.

-Sau vụ án ít lâu, hàng loạt những người biết rõ âm mưu của Thị Anh lần lượt bị giết sạch, nếu không phải để bịt đầu mối thì còn vì lẽ gì? Đó là Đinh Thắng, Đinh Phúc (hai hoạn quan), và… bản thân Tạ Thanh! Riêng Lê Nguyên Sơn, cha đẻ Bang Cơ, bị Thị Anh cho rạch mặt đuổi khỏi triều (vì tội mặt mũi ông ta rất giống vua Bang Cơ)!

-Rồi bản thân Nguyễn Thị Anh phát bệnh điên một thời gian, chắc chắn vì “lương tâm cắn rứt” và tâm thần bất ổn. Thậm chí về sau này, bà dường như hối hận, bỏ thái độ thù địch trước kia mà đối xử tốt với hoàng tử Tư Thành. Những động thái đó mách bảo về nguồn gốc tội lỗi nằm sâu trong con người thái hậu.

-Năm 1464 Lê Thánh Tông đã chính thức xuống chiếu minh oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi. Điều đó cũng có nghĩa là một người con chính thức xác nhận rằng “không phải cha tôi bị đầu độc bởi hai bậc trung thần này”!

-Giấc mộng đế vương của Nguyễn Thị Anh tuy được thực hiện, nhưng rồi bà ta đã phải trả bằng một giá cực kì đắt. Năm 1459 cả hai mẹ con (thái hậu và Lê Nhân Tông) đã bị sát hại bởi Nghi Dân. Phải chăng đó chính là biểu hiện của luật nhân quả “ác giả ác báo” mà người phương Đông chúng ta không một ai nghi ngờ?

Nguyễn Thị Lộ đã sát cánh cùng chồng trong cuộc chiến đấu chống gian tà ở giai đoạn sơ khai đầy dẫy khó khăn, hiểm hoạ của nhà Hậu Lê. Bà đã góp công bảo vệ được tính mạng của vị minh quân tương lai Lê Thánh Tông. Bà đã hiến cả cuộc đời xuân sắc cho một con người lỗi lạc, đã mưu trí và dũng cảm cứu vĩ nhân Nguyễn Trãi thoát vòng lao lí, đã hi sinh mạng sống của bản thân mình cùng với chồng và họ hàng của cả hai vợ chồng cho chính nghĩa. Sự minh oan của vua Lê Thánh Tông đối với Nguyễn Trãi vào năm 1464 đương nhiên cũng đồng thời dành cho bà.

Chiêm ngưỡng toàn bộ cuộc đời của bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, chúng ta chỉ thấy bừng sáng hình tượng một phụ nữ Việt Nam chân chính có đầy đủ tài sắc, đức hạnh, tâm huyết, tâm hồn cao thượng và lòng dũng cảm.

Hậu thế đã phá tan những thành kiến cổ hủ, đã lau rửa tất cả bụi đời nhơ bẩn từng phủ bám lên tấm gương trong sáng của bà suốt mấy trăm năm. Chúng ta tự hào về sự hiện diện trong thế kỉ XV một biểu tượng rực rỡ của dòng nữ kiệt Việt Nam.

(Bài đã đăng toàn văn trên báo Giáo Dục và Thời Đại số 71 sau đó được in trong sách  Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên , NXB Văn hoá Thông tin, 2004. Trong bản này, tác giả có hiệu chỉnh đôi chút về đề bài và nội dung.)




VVM.23.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .