Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


100 NĂM NGÀY CHA ĐẺ THÁP EIFFEL QUA ĐỜI

  


N gày 31 tháng 3 năm 1889 vẫn luôn là một ngày đáng nhớ trong lịch sử của thủ đô nước Pháp, thành phố Paris.

Hôm đó, một lá cờ Pháp khổng lồ cao bảy mét tung bay trên đỉnh một tháp kim loại cao 300 mét mới vừa hoàn thành nhìn ra sông Seine. Đây không phải là lễ khánh thành chính thức mà chỉ là lễ kỷ niệm kết thúc công trình, được đánh dấu bằng 21 quả pháo bông, tôn vinh truyền thống của những người thợ xây và thợ mộc.

200 công nhân tham gia vào dự án gây nhiều tranh cãi này - thợ rèn, thợ lắp ráp, họa sĩ - đã được mời tham dự buổi lễ cùng với các kỹ sư, kiến ​​trúc sư, chính trị gia và nhà báo. Tòa tháp, được thiết kế đặc biệt cho cuộc Triển lãm Toàn cầu Paris và kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp năm 1789, dự kiến ​​sẽ trở thành trọng điểm của sự kiện và sau đó sẽ là biểu tượng của thành phố Paris.

Gustave Eiffel, hiện thân tinh thần của thời đại công nghiệp Pháp, sinh ra ngày 15 tháng 12 năm 1832 tại Dijon và mất ngày 27 tháng 12 năm 1923 tại Paris.

Cầu, nhà ga, hội trường, nhà máy... Gustave Eiffel đã để lại không dưới 500 tác phẩm tại 30 quốc gia trên thế giới.

Gia đình ông gốc ở Rhénanie và đã tới lập nghiệp tại Paris vào đầu thế kỷ 18 với tư cách là thợ bọc nệm ghế bậc thầy, đổi tên từ Boenickhausen thành tên Eiffel, để tưởng nhớ tới cao nguyên Eifel gần Cologne (đánh vần vào thời điểm đó là Eiffel). Cha của ông, Alexandre, gia nhập quân đội Napoléon vào năm 1811 ở tuổi 16 trước khi trở thành thư ký quản lý quân sự tại Dijon vào năm 1823, nơi đây ông Alexandre đã kết hôn vào năm 1824 với Catherine Moneuse, một nữ doanh nhân sắc sảo trong lĩnh vực buôn bán than.

Vì cha mẹ phải làm việc nhiều nên cậu bé Gustave phần lớn được nuôi dưỡng bởi bà ngoại, một bà già mù và gắt gỏng, bà ngoại không ngần ngại đánh đập cậu. Cậu Gustave không khán cự lại bà ngoại - “người cụ tội nghiệp đã không đánh tôi mạnh lắm” Gustave viết lại – cũng như cậu không chống lại mẹ , bà Catherine, người mà cậu luôn dành sự tôn trọng lớn nhất. Về phần bà Catherine, bà là người hỗ trợ vững chắc và là cố vấn đầu tiên của cậu con trai. Gustave đã luôn duy trì một mối quan hệ lâu dài và phong phú với bà mẹ cho đến khi bà qua đời.

Năm 1852, Gustave được nhận vào Ecole Centrale sau khi thi trượt kỳ khảo thi vấn đáp vào trường Ecole Polytechnique.. Câu chọn hóa học làm ngành chuyên môn, với ý tưởng sẽ tiếp quản quyền quản lý nhà máy của một người chú Jean-Baptiste Mollerat, một nhà hóa học và doanh nhân, một nhân vật bảo trợ quan trọng khác từ thời thơ ấu của cậu. Nhưng một cuộc tranh cãi giữa cha của Gustave, một người theo chủ nghĩa Bonapartist đầy thuyết phục và ông già Jean-Baptiste Mollerat , một người theo chủ nghĩa cộng hòa nhiệt thành, đã đột ngột chấm dứt cho dự án này của Gustave. Sau đó, cậu sinh viên trẻ quay trở lại với nghề luyện kim và bắt đầu làm việc vào năm 1856 cho Charles Nepveu, một kỹ sư chế tạo thiết bị đường sắt xe lửa.

Cơ sở Charles Nepveu gặp khó khăn về tài chính nhưng Gustave Eiffel vẫn trung thành ở lại với ông ngay cả không nhận được lương bổng. Một số dự án của kỹ sư trẻ Eiffel đã được chọn trong đấu thầu xây dựng cầu. Khi công ty của Nepveu bị Compagnie Générale des Chemins de Fer tiếp thu, ông Charles Nepveu đã đề cử người mà ông bảo trợ và biết rõ về sự nghiêm khắc và tinh thần thách thức khi làm việc : đó là Gustave Eiffel, khi đó mới 25 tuổi, người được giao phụ trách một dự án mang tính chiến lược cao: xây dựng cầu Bordeaux.

Để hoàn thành dự án đầy tham vọng dài hơn 500 mét trên một dòng sông đầy sóng gió này, Gustave Eiffel đã thử nghiệm một số kỹ thuật mà sau này sẽ giúp ông thành công lớn, chẳng hạn như xây dựng nền móng của các trụ cầu bằng khí nén.


Gustave, bấy giờ đã là kỹ sư trưởng của công ty, chịu trách nhiệm giám sát việc xây dựng các cây cầu khác trong khu vực. Người kỹ sư trẻ định cư ở Bordeaux và tìm cách kết hôn tại đó. Tuy nhiên giai cấp tư sản giàu có ở địa phương coi là người một mới nổi nên ông đã phải chịu nhiều lần bị từ chối. Cuối cùng, Gustvae gọi về cho mẹ mình để được giúp đỡ và ủy thác nhiệm vụ cho bà tìm cho mình "một bà nội trợ tốt, người sẽ không làm con quá tức giận" (!) Bà Catherine khôn ngoan đã chọn một nữ ứng viên lý tưởng là cô Marie Gaudelet, người mà Gustave đã gặp trong thời thơ ấu của anh. Gustave Eiffel yêu cô bằng tình yêu chân thành bất chấp hoàn cảnh của cuộc hôn nhân sắp đặt này, và cô đã sinh cho anh 5 người con: Claire, Laure, Édouard, Valentine và Albert.

Vào cuối năm 1866, Gustave Eiffel, dựa trên thành công của mình trong việc xây dựng những cây cầu ở phía Tây Nam, đã tự mình thành lập một xưởng tại số 48, đường Fouquet ở Levallois Perret, ngay phía tây Paris. Ông nhanh chóng chiếm được một loạt đơn đặt hàng quan trọng giúp củng cố danh tiếng của ông ở Pháp, đặc biệt là trên toàn thế giới, bao gồm Cầu cạn Rouzat và Neuvial, cũng như cầu đi bộ Salemleck ở Ai Cập.


Người kỹ sư doanh nhân trẻ vượt trội các đối thủ nhờ tính cực kỳ nghiêm ngặt trong các dự án của ông, được thiết kế từng mảnh trong xưởng ở Levallois Perret để sau đó được lắp ráp tại các công trường xây dựng và thông qua những cải tiến kỹ thuật mà ông phát triển và hoàn thiện – chẳng hạn như lắp ráp  các nhịp hẫng (porte-à-faux) và việc “khởi động” nhịp trung tâm giữa hai trụ cầu – điều này cũng giúp công trình được xây dựng nhanh chóng và bớt tốn kém hơn.

Những thập kỷ 1870 và 1880 là những thập kỷ vinh quang của Gustave Eiffel. Trên khắp thế giới người ta kêu gọi công ty G. Eiffel et Cie thực hiện các dự án lớn nhất và phức tạp nhất, chẳng hạn như:


– Ga xe lửa Pest ở Hungary: dài 145 mét, cao 25 ​​mét. Đây là nhà ga đầu tiên có mặt tiền bằng kim loại lộ ra ngoài và là một trong nhiều công trình kiến ​​trúc của Eiffel ở vùng Đông Âu.


– Cầu Maria Pia hoành tráng bắc qua sông Douro ở Bồ Đào Nha: dài 353 mét, nhịp vòm: 160 mét, cao: 61 mét. Một dạng của sự tinh khiết hiếm có, vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính cách thẩm mỹ.


– Cầu cạn Garabit phía trên Truyère: dài 565 mét, dây cung lớn: 165 mét, cao: 122 mét. Hệ thống cọc mới không có giằng được sử dụng, được cấp bằng sáng chế của Eiffel, cũng sẽ được sử dụng cho Tháp Eiffel.


– Cầu đường Cubzac, trên sông Dordogne: dài 1045 mét, khung nặng 3284 tấn. Một công trình táo bạo kết hợp kỹ thuật đúc hẫng và phóng.

– Khung Tượng Nữ thần Tự do ở New York, tác phẩm của nhà điêu khắc Bartholdi kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của Hoa Kỳ: Khung nặng 120 tấn, đỡ một phong bì bằng đồng nặng 80 tấn. Sự can thiệp của Eiffel có tính cách quyết định giúp dự án khả thi về mặt kỹ thuật.


Những công trình khác tuy khiêm tốn hơn nhưng lại rất sinh lời cho Eiffel – sẵn sàng được lắp ráp “với ít hơn 12 người” – cũng được tìm thấy ở khắp bốn phương trên thế giới – Việt Nam, Bolivia, Algeria, Java ......

– Năm 1877, Gustave Eiffel mất vợ sớm. Đó là một chấn động tinh thần khủng khiếp đối với ông. Con gái lớn Claire của ông, người cũng hỗ trợ ông trong công việc, đã tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Cô sẽ luôn ở bên cha mình, ngay cả sau khi đã kết hôn với Adolphe Salles, một cộng tác viên chính của Gustave Eiffel.


Tượng đài gắn liền với ký ức nhất của người kỹ sư vĩ đại này chắc chắn là tòa tháp nổi tiếng mang tên ông. Được thiết kế với sự giúp đỡ của hai cộng tác viên chính là Maurice Koechlin và Émile Nouguier, cũng như với sự cộng tác của kiến ​​trúc sư Stephen Sauvestre, dự án đáng kinh ngạc này nhằm kỷ niệm Triển lãm Thế giới năm 1889, được tài trợ bởi chính Gustave Eiffel tới 80% kinh phí để đổi lấy quyền điều hành trong vòng 20 năm đầu .

Tháng 5 năm 1889 tháp Eiffel được khánh thành và tiếp đón gần 2 triệu du khách, điều này thực tế đã hoàn trả cho Eiffel những khoản đầu tư cá nhân của ông.

Vẫn còn đầy ấn tượng cho đến ngày nay, tòa tháp cao 300 mét này còn là một thách thức kỹ thuật đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Chúng ta không được quên rằng toà tháp cao gần gấp đôi so với tượng đài cao nhất thời bấy giờ – Đài tưởng niệm Washington và cao 169 mét, cũng vừa mới được xây dựng vào năm 1884. Gustave phải bảo vệ tòa tháp của mình trước mọi khó khăn, trong, ngoài nước và tại công trường. Có rất nhiều người phản đối, đặc biệt là trong số những người nổi tiếng thời đó: những người ký tên vào “Cuộc biểu tình của nghệ sĩ” khét tiếng như nhạc sĩ Charles Gounod, các nhà văn Guy de Maupassant hay Alexandre Dumas fils, ... Sau khi Tòa tháp hoàn thành, một trận chiến khác lại bắt đầu: đảm bảo tính bền vững của công trình vốn dự định ban đầu là tháo dỡ.

Việc tạo dựng Tháp chỉ được thực hiện chỉ trong 26 tháng, từ ngày 28/1/1887 đến ngày 30/3/1889, trong đó riêng phần móng đã mất 5 tháng. 18.000 bộ phận có kích thước 1/10 milimet trong xưởng Eiffel ở Levallois được vận chuyển bằng xe đẩy đến Champs de Mars, nơi đây các bộ phận này được lắp ráp sau đó được nâng bằng cần cẩu tự hành lên đường ray của thang máy tương lai bởi một đội ngũ khoảng 250 công nhân. Bộ cơ khí khổng lồ này đã được cấu tạo bằng 2.500.000 chiếc đinh tán, trong đó có 1.000.000 chiếc được chế ráp tại chỗ.

Thành công ngay lập tức. Tháp Eiffel rất nhanh chóng trở thành biểu tượng của thủ đô Paris và đối với hầu hết những người nước ngoài đó là biểu tượng của toàn nước Pháp.

Năm 1890, Gustave Eiffel bắt tay vào một dự án vĩ đại khác: một “cây cầu dưới nước” khéo léo đặt dưới eo biển Manche, mặc dù cuối cùng bị từ chối vì lý do chính trị thuần túy, nhưng đã báo trước rõ ràng dự án này sẽ trở thành “Eurotunnel” vào 104 năm sau.

Ngoài những thành tựu về kiến ​​trúc, Eiffel còn là một nhà khoa học đầy đam mê. Sau khi dính líu đến vụ bê bối tài chính ở Kênh đào Panama, ông chuyển sang nghiên cứu về khí tượng học và khí động học, có những đóng góp đáng chú ý trong các lĩnh vực này.


Sau những thành công và thất bại này, chẳng hạn như vụ kênh đào Panama, ông lui về phòng thí nghiệm của mình để cống hiến cho ngành hàng không.

Eiffel qua đời vào ngày 27 tháng 12 năm 1923, thọ 91 tuổi. Mặc dù người ta đề nghị chôn cất ông dưới chân tòa tháp nổi tiếng của ông, nhưng cuối cùng ông vẫn an nghỉ tại nghĩa trang Levallois-Perret, với tầm nhìn ra công trình bất tử mang tên ông.

100 năm sau khi qua đời nhưng mỗi khi nói tới Paris người ta luôn thường nói tới ngọn tháp Eiffel và tháp Eiffel vẫn tiếp tục thu hút gần 7 triệu du khách mỗi năm, nâng tổng số khách lên tới hơn 250 triệu kể từ khi mở cửa.

Riêng năm 2023, tháp Eiffel đã đón tiếp 6,2 triệu du khách, tạo nguồn thu đáng kể cho thành phố Paris và khẳng định vai trò quan trọng trong di sản văn hóa, du lịch thế giới.

La Serénité, 27.12.2023.




VVM.28.12.2023-NTD.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .