Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


GIẢI MÃ NỤ CƯỜI CỦA NGÀI CA DIẾP

  


A Lịch sử Đạo Phật có viết : Sau mấy mươi năm giảng pháp, Đức Thích Ca thấy mình đã già yếu nên muốn tìm người kế thừa. Một lần nọ, ở trong hội Linh Sơn, giữa Đại Chúng, Ngài đã cầm Cành Sen đưa lên. Trong khi đại chúng đều ngơ ngác, không hiểu ý Phật muốn nói gì ? thì Ngài Ca Diếp mỉm cười. Vì nụ cười đó, Đức Thích Ca tuyên bố Truyền Y Bát cho Ca Diếp. Lúc Truyền, Ngài nói : “Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm; Pháp môn ấy mầu nhiệm vô cùng, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng. Vậy người khá giữ gìn rồi sau truyền lại cho A Nan kế hậu”.

Tại sao trong bao nhiêu người giữa chúng hội mà Đức Thích Ca lại Truyền Y Bát cho Ngài Ca Diếp ? Đức Thích Ca thiên vị hay Nụ Cười đó mang ý nghĩa gì ?

Việc Truyền Y Bát thì mọi người đều hiểu đó là Đức Thích Ca giao quyền thống lĩnh Tăng Đoàn cũng như giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp lại cho Ngài Ca Diếp để thay Phật sau khi Phật nhập diệt. Từ đó Ca Diếp trở thành vị Tổ đầu tiên cầm nắm Tăng Đoàn và giếng mối Đạo. Lý do phải trao quyền lại cho Ngài Ca Diếp, là vì không phải tất cả những Đại Đệ Tử theo Phật nghe giảng dạy thì đều thông đạt Giáo Pháp, Hiểu và Hành đúng theo những gì Phật đã giảng để đủ sức phát huy những gì Phật đã gầy dựng. Thế nhưng Nụ Cười của Ngài Ca Diếp là cả một bí ẩn đối với những người tu học, nên mỗi người chỉ đoán mò rồi suy diễn một cách khác nhau.

Các Thiền sư đời trước nói rằng trường hợp Ngài Ca Diếp Cười và Thần Hội bị đánh ba gậy, đó là “Đốn Giáo”, cho rằng không cần văn tự, rồi dựa theo đó mở ra nhiều kiểu dạy Thiền như Hét, đánh, quăng phất trần.. Người đến tham vấn chưa kịp mở miệng hỏi câu nào đã bị đánh phủ đầu thì lấy gì mà hiểu mà hành ? Lại không có văn tự để lưu lại thì người muốn học biết dựa vào đâu ? Chính vì vậy mà Ngũ Phái Thiền do đệ tử nhiều đời của Lục Tổ Huệ Năng lập ra là Pháp Nhãn, Vân Môn, Qui Ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, diệu võ giương oai một thời gian rồi dần đi vào quên lãng, vì không có văn tự để Truyền thì lớp hậu học làm sao học, hiểu, hành? Làm sao biết phải làm thế nào ? thế nào là Chứng, Đắc ?

Hai trường hợp của Ngài Ca Diếp và Thần Hội hoàn toàn khác nhau. Ngài Ca Diếp Cười sau bao nhiêu năm theo hầu Phật. Chắc chắn Ngài đã thắm nhuần Giáo Pháp mà Phật dạy, cũng như Hạnh đã hoàn chỉnh, đâu phải chỉ mới theo Phật vài ngày hay vài tháng mà cho là “Đốn” ? Thần Hội chỉ là đứa trẻ mới 13 tuổi, bị ăn ba gậy vì trả lời sai, sau đó phải lạy xin lỗi Lục Tổ rồi theo hầu cho đến khi Lục Tổ nhập diệt, đâu phải vì bị ăn ba gậy đó mà được truyền Y bát thì “Đốn” chỗ nào ?

Ngài Vô Môn trong Vô Môn Quan thì thay vì giải thích lại nêu ra một số thắc mắc với lời lẽ hết sức cao ngạo mang nét đặc trưng của Nhà Thiền : “Lão Cồ Đàm mặt vàng không coi ai ra chi, ép tốt thành xấu, treo đầu heo bán thịt chó, coi bộ cũng tài đó ! Giả sử như bây giờ cả đám đều cười thì Nhãn tạng Chánh Pháp làm sao truyền ? Lại giả như Ca Diếp không cười thì nhãn tạng chánh pháp làm sao truyền được ? Nếu nói nhãn tạng chánh pháp có truyền thụ, thì lão mặt vàng đã lừa gạt bà con lối xóm; còn nếu bảo không truyền thụ sao chỉ truyền cho Ca Diếp” ? Thời sau cũng có người bảo rằng vì Ngài Ca Diếp “Cười ngô nghê, cười đúng lúc” nên được Truyền Y bát ! Trong khi Đạo Phật đề cao Trí Huệ, cho rằng Ba đời Phật đều do Trí Huệ mà đắc Vô Thượng Bồ Đề, (Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề” (BÁT NHÃ TÂM KINH). Vậy ta nghĩ sao mà cho rằng lúc Phật Truyền Y bát lại truyền cho một người “cười ngô nghê, cười đúng lúc” ? Rủi lúc đó có tên khùng nào lạc vô giữa đại chúng rồi cười ngô nghê, đúng lúc, không lẽ Phật trao Y Bát, giao hết quyền hành điều khiển Tăng Đoàn và phát huy đạo pháp cho hắn ? Như vậy Phật giảng Pháp 40 năm để làm gì ? Kết luận như thế quả là bôi bác Đạo Phật !

Dù không biết lý do mà Đức Thích Ca Truyền Y Bát lại cho ngài Ca Diếp, nhưng ai cũng biết rằng người được trao Y Bát là người được Phật giao quyền điều khiển cả sự nghiệp mà Ngài đã dành cả đời để giảng dạy. Vì thế, việc tranh giành Y bát tượng trưng cho quyền lực đã dai dẳng kéo dài rất nhiều đời. !

Trước đó thì không biết sử sách có chép lại hay không. Nhưng đến đời Tổ cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng, nhờ Đệ Tử của Ngài ghi lại lai lịch của Tổ từ trước lúc Xuất Gia cũng như khi được Truyền Y bát. Những bài giảng và những diễn tiến quanh cuộc đời của Ngài suốt thời gian ra hành đạo cho đến cuối đời, trong Quyển PHÁP BẢO ĐÀN KINH, thì ta thấy : Lúc Ấn Chứng cho Lục Tổ, Ngũ Tổ cũng phải lén gọi Ngài lên phòng lúc canh ba. Sau khi trao Y bát xong, Ngũ Tổ đã phải chèo thuyền đưa Lục Tổ đi trốn, và dặn từ đây “phải dấu đi, không được Truyền nữa, vì người giữ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng” thì ta biết Y Bát đã bị tranh chấp quyết liệt ra sao !

Rõ ràng nhất là sau khi biết được Y bát đã trao cho Lục Tổ, thì mấy trăm người trong Chùa do Sư Huệ Minh cầm đầu đã rần rần kéo nhau đi tìm để lấy lại. Lúc Huệ Minh gặp được Lục Tổ thì Tổ quăng Y bát lên tảng đá, và nói : “Cái này là vật để làm tin, há dùng sức để chiếm đoạt được sao?” , rồi nép mình trong đám cỏ tranh. Huệ Minh bước tới, nắm áo dở lên, nhưng không nhúc nhích được thì mới lên tiếng : “Hành giả, tôi vì Pháp mà đến, không phải vì Y Bát đâu”. Lúc đó Lục Tổ mới bước ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ xin được nghe pháp. Sau đó, trở xuống nói với đám người bên dưới là không tìm thấy Lục Tổ, nên họ tin lời, rút đi..

Sau đó, Lục Tổ đã phải trốn trong đám thợ săn suốt 16 năm ! Vậy mà họ cũng chưa quên. Khi Ngài bắt đầu xuất hiện thì họ tiếp tục truy đuổi quyết liệt. Có lần bị truy đuổi, Ngài phải trốn trong núi thì họ đốt cả núi ! Tổ phải trốn trong kẹt đá mới thoát chết !

Thời gian Lục Tổ giảng Pháp, thì Sư Thần Tú cũng giảng dạy ở Chùa Ngọc Tuyền. Tín đồ cũng rất đông, không thua gì bên Lục Tổ đến mọi người gọi là Nam NĂNG, Bắc TÚ. Nhưng Sư cũng đâu chịu ở yên. Hết sai người qua bên phía Lục Tổ để “nghe trộm pháp rồi về kể lại”, rồi sai Sư Chí Triệt cũng gọi là Hạnh Xương mang dao đi hành thích Lục Tổ. Chém 3 dao mà không đứt cổ Tổ thì mới buông dao Sám Hối ! Bao nhiêu đó đủ thấy tâm địa tu hành của những người đó như thế nào ! Biết mình không có Pháp, còn đang kêu đệ tử đi trộm Pháp ! Vậy mà vẫn ung dung ngồi Tòa để rao giảng Phật Pháp ! Đó là tội VỌNG NGỮ, VỌNG HÀNH. Đó cũng là sự khác biệt giữa người ĐƯỢC TRUYỀN Y BÁT và người không được Truyền. Rõ ràng họ chưa Tu, Sửa, Thân, Tâm, chưa thực hành lời Phật dạy nênTham Sân Si vẫn còn nguyên đó. Họ cũng cũng không biết Nhân Quả, nên bất chấp, bằng mọi giá chiếm đoạt Y, Bát để mọi người tưởng lầm là họ được giao quyền rao giảng Phật Pháp ! . Cũng may mà họ không giành được ! Nếu họ giành được thì không hiểu Đạo Phật sẽ về đâu !

Vậy “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm” mà Phật nói rằng trao cho Ngài Ca Diếp là gì ? Liên quan gì đến Cành Sen mà Phật đưa lên giữa đại chúng ? liên quan thế nào đến người tu Phật và Đạo Phật ?

Muốn hiểu những điều này, chúng ta phải hiểu hết con đường tu hành của Đức Thích Ca thì mới có thể có một kết luận chính xác được.

Chúng ta đều biết rằng Đức Thích Ca mở ra Đạo Phật là để dạy tu hành,. Mục đích tu hành theo Đức Thích Ca là để đạt mục đích như Ngài đã thành công là Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, Luân Hồi.

Nhưng ngay từ những lớp Đệ Tử đầu tiên không phải ai đi theo Phật để tu cũng đều vì mục đích Giải Thoát như Phật.

Sử chép, nhiều lần kêu gọi Thái Tử quay về cung mà ngài không chịu, vẫn cương quyết tiếp tục đời sống của người Du Tăng. Biết rằng con trai độc nhất của Vua Tịnh Phạn đã Xuất Gia, nên các quan trong triều mỗi người đều cho một đứa con đi tu theo Thái Tử. Do đó, lớp Đại Đệ Tử đầu tiên của Phật đều là các con quan. Họ miễn cưỡng đi theo Thái Tử để học, trong khi hoàn toàn không hề muốn. Họ là con các quan trong triều, tất nhiên cuộc sống giàu sang, hưởng thụ, làm gì biết Khổ hay Sinh Tử là gì để mong được Giải Thoát ?

Chính vì miễn cưỡng đi theo Phật, do đó, chắc chắn họ cũng không để tâm mấy đến những lời Phật dạy, cũng không biết những gì mà Ngài giảng là để về đâu ? Trong số có Ngài A Nan là em họ của Phật được kể lại trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ông cũng trong nhóm theo Phật tu học, và trong số đó, ông là người thuộc làu những lời Phật dạy đến độ có thể kể lại vanh vách “Như nước trong bình rót ra không thiếu một giọt”.

Thế nhưng, trong một lần đi Khất Thực một mình, ông đã bị dâm nữ Ma Đăng Già dụ vào phòng để cưỡng ép tình duyên !. Ông đã khóc lóc cầu xin Phật cứu. Phật phải cử Ngài Văn Thù Sư Lợi đến cứu. Khi về, Phật giảng Pháp cho Ngài. Những điều đó được ghi lại trong Kinh Lăng Nghiêm để người thời sau như chúng ta qua đó có thể kiểm tra lại con đường tu học của mình.

Thoạt tiên, Phật hỏi Ngài A Nan:

“ Trong Giáo Pháp của ta, ông do mến mộ điều gì mà Phát Tâm Xuất Gia ?”

A Nan trả lời :

“ Vì con Thấy Phật có 32 Tướng Tốt, 80 vẻ đẹp nên sinh lòng mến mộ mà Phát Tâm Xuất Gia”.

Phật hỏi : Ông có biết Cái Tâm và Con Mắt ở chỗ nào không ? và cho rằng :

“Ông hồi nào đến giờ, nhiều kiếp Sanh Tử Luân Hồi cũng vì Tâm và Mắt. Nếu ông không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não, trần lao”.

Tới đây thì ta đã thấy tại sao Đức Phật hỏi lý do Phát Tâm của Ngài A Nan. Ngài vì bị bắt buộc đi theo Phật, nên đâu có biết Tu hành là gì ? Tu để được gì ? thì làm gì có được cái Phát Tâm chân chính ? Do đó, Ngài chỉ học lời Phật giảng như vẹt. Học mà không hiểu, cũng không thực hành, nên khi gặp Ma Đăng Già thì không đủ sức để kháng cự. Nhân đó, Phật đưa ra một số căn bản cho những ai muốn thành công đều phải hành theo :

1/- Muốn đặng Đạo Vô Thượng Bồ Đề thì điều cần nhất là phải hiểu rõ hai món căn bản :

a/- Căn bản của Sinh Tử là cái Vọng Tâm.

b/- Căn bản của Bồ Đề Niết Bàn là Chân Tâm.

2/- “Nếu dùng Vọng Tâm sanh diệt làm nhân tu hành mà mong cầu cho được quả Phật Thường Còn Không Sanh, Diệt thì không thể được”.

3/- Học nhiều mà không tu cũng như người không học, cũng như người nói đủ thứ thức ăn mà rốt cuộc trong bụng vẫn đói.

4/- Phải biết gốc rể của Phiền não ở chỗ nào mới có thể trừ được. Cũng như người muốn mở Gút. Nếu không biết Gút ở đâu thì không bao giờ mở được.

5/- Mở Gút đầu tiên là phá trừ Ngã Chấp, trước chứng đặng Nhân Không. Tiến đến từng thứ hai là phá trừ Pháp Chấp, sau mới chứng đặng Pháp Không. NGÃ, PHÁP đều không sanh, thể mới gọi là Bồ Tát đặng Vô Sanh Nhẫn.

6/- Khiến cho các ông nhiều kiếp Sinh Tử Luân Hồi đó cũng chỉ là Lục Căn của các ông. Nhưng làm cho các ông được Đạo quả bồ Đề an vui Giải Thoát cũng chỉ do Lục Căn của các ông mà thôi.

Trong Đạo Phật không phải chỉ cần học thuộc Giáo Pháp, tức là phần LÝ, mà phải mang Lý đó ra áp dụng, gọi là SỰ. Phần đưa Lý vào Sự mới là Tu.

Như Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Việc tu hành như người mở Gút. Nếu không biết Gút ở đâu thì không thể mở được”

Trở lạì với lịch sử Đức Thích Ca, ta thấy : Cũng vì trông thấy cái KHỔ, cái SINH, LÃO, BỆNH, TỬ hoành hành trên cái THÂN con người mà Ngài đã bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con khôn, để cương quyết đi tìm cho ra con đường hay cách nào để Giải Thoát, để không còn bị những nỗi Khổ đó hành hạ nữa. Đó là mục đích Xuất Gia của Đức Thích Ca. Như thế, GÚT của việc Tu Phật là để THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ. Vì vậy, người muốn Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử phải tìm xem nó ở đâu ? Cái gì đã làm ra Khổ ? làm ra Sinh Tử ?

Cái Khổ, cái Sinh, Lão, bệnh Tử hoành hành trên cái Thân con người thì phải tìm ở đó.

Phân tích cái Thân con người ta thấy gồm có 2 phần : Phần hình tướng gồm đầu mình, tứ chi ai cũng nhìn thấy được, và phần kia Vô Tướng là cái Ý thức. Chính nó đã điều khiển cái Thân khi muốn phản ứng với những gì đến với Cái Thân. Phật gọi đó là CÁI TÂM. Khi nó còn mê mờ thì gọi là VỌNG TÂM. Vì vậy, việc tu hành phải nhắm vào đó. Khống chế hay chuyển hóa được nó thì nó sẽ không còn dắt Cái Thân làm những điều sai quấy nữa, gọi là TU TÂM. Công năng tu hành là Điều Phục hay Chuyển Hóa cái VỌNG TÂM để nó trở về với tình trạng không ô nhiễm buổi đầu là CHÂN TÂM.

Giống như muốn uốn một cái cây theo ý thì người làm vườn cần có nhiều dụng cụ để hỗ trợ . Việc Tu Tâm cũng vậy. Cái Tâm đã quen buông lung, không có khuôn khổ, vì thế, cần có chuỗi việc : VĂN TƯ TU, GIỚI ĐỊNH HUỆ, LỤC ĐỘ, TỨ NHIẾP, BÁT CHÁNH ĐẠO… để ép nó vô khuôn khổ. Mặt khác khi Nghe pháp thì Tư duy để nhận định đúng, sai. Khi thấy đúng lý, chấp nhận, thì theo đó mà thực hành.

Nơi tạo ra Nghiệp là Cái Thân. Chủ nhân điều khiển cái Thân là Cái Tâm. Vì thế, vào tu Phật là phải THÂN GIỚI, TÂM HUỆ.

GIỚI nhằm hạn chế cái Thân. Bắt nó phải ở trong khuôn khổ nhất định, không cho hoạt động tự do theo sở thích như trước.

Nói là GIỚI, thật ra chỉ là “Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì không nên làm với người khác”.

1/-Không vô cớ Sát hại sinh vật quanh mình để cung cấp cho cái Khẩu. Chúng cũng có đôi, có cặp, có con cái, tức là cũng biết yêu thương nhau. Bất cứ người hay vật mà có sự Sống thì cũng sợ chết. Vì vậy chúng ta không nên Sát Sinh, hại vật. Ngoài việc giữ Giới Bất Sát còn thể hiện Tâm Từ, tâm Bi của người tu Phật.

2/- Của mình mình không muốn cho ai tự tiện chiếm lấy, thì cũng đừng dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của người khác (ĐẠO).

3/- Biết đủ, biết dừng trong mọi việc, không riêng gì Dâm dục. Không nên Tham lam (DÂM) quá đáng.

4/- Chỉ nên nói những lời chân thật, không nên thêu dệt, chuyện có nói không, không nói có. Nói để hại, để dìm người khác, nâng mình lên (VỌNG NGỮ).

5/- Cuối cùng là không nên rượu chè say sưa làm mất lý trí, mất nhân cách (TỬU).

Người lương thiện thấy những Giới cấm đó là điều đương nhiên, hết sức bình thường, nên giữ một cách dễ dàng, nhẹ nhàng. Chỉ cần giữ 5 GIỚI căn bản là đủ để không tạo Ác Nghiệp rồi. Không việc gì phải đẻ ra 250, 350 Giới để quay đâu cũng đụng Giới, trở thành nô lệ cho GIỚI ! Khi biết cái Gút của việc tu Phật là ở đâu ? thì sẽ biết điều nào cần làm, điều nào không cần thiết. Chúng ta tu hành là để Giải Khổ, đâu phải để mang thêm nỗi Khổ vì bị trói buộc, đến từng hành vi, cử chỉ cũng phải theo khuôn khổ ? Giữ như thế để làm gì ? kết quả về đâu ?

Thủ Phạm của Phiền Não, Sinh Tử Luân Hồi, là cái VỌNG TÂM. Biết trong đó có vô số những ý tưởng chưa thanh tịnh, còn nhiễm tính xấu, gọi là Chúng Sinh, thì chỉ cần quay vô TU sửa, cứu độ cho chúng. Khi cái Tâm đã phân biệt Chân, Vọng, Đúng, sai, thì tự nó sẽ không điều khiển cho cái Thân tạo Nghiệp nữa. Do đó, tu hành quan trọng là ĐIỀU TÂM, tức là SỬA cái TÂM. Đưa nó từ VỌNG trở lại CHÂN, chớ không phải ĐIỀU THÂN là lo đầu cho tròn, áo cho vuông. Đi, đứng, ngồi, nằm phải giữ Tứ Oai Nghi !.

Vì con người chỉ thấy những gì trước mắt, do không biết có kiếp sau mà sẵn sàng gây Nghiệp để rồi phải Trả Nghiệp. Đức Thích Ca chỉ cho thấy : Do BỔN TÁNH con người là Trường Tồn. Vì vậy, không phải tất cả đều kết thúc sau khi chết, mà sau khi bỏ cái Thân giả tạm này thì cái Thần Thức sẽ tiếp tục nhận một Thân khác để Trả những gì kiếp này đã Làm Ác, và Nhận những Quả Thiện đã gieo, gọi là Luân Hồi. Nếu làm Ác thì sẽ bị đọa vào 3 Đường Dưới là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh. Làm Thiện thì sẽ được về Phật Quốc với Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Chúng là nơi an vui, hạnh phúc.

Nhưng vì con người quá mê chấp, dù Phật dạy là làm Thiện sẽ hưởng Quả Lành, làm Ác sẽ bị đọa Địa Ngục, nhưng nó cũng không dễ gì bỏ những tập quán đã ôm giữ từ bao nhiêu kiếp, nếu không thấy sẽ được cái khác tốt hơn, giá trị hơn. Vì thế, Phật tả Tây Phương Cực Lạc là nước của Phật A Di Đà trang hoàng bằng bằng Bảy món châu báu, là vàng, bạc, ngọc, ngà, xa cừ, mã não... Đất cát cũng bằng vàng. Dây giăng cũng bằng vàng…là những thứ người đời luôn thèm muốn, chém giết nhau để có được, để những người ham thích sẽ vì muốn về đó mà chịu Xả bớt những mê đắm vật chất trần tục, bớt tạo Ác Nghiệp để được về đó.

Dù Phật tả Tây Phương Cực Lạc được trang hoàng bằng 7 Món Châu Báu, Nhưng Cõi Phật là Vô Tướng, làm sao chứa đựng những thứ Có Tướng ? Do đó, 7 món Châu báu mà Phật tả, thật ra là nói về 3 Nghiệp của Thân (SÁT, ĐẠO, DÂM) và 4 Nghiệp của Khẩu ( Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói để khen mình, chê người).

Sở dĩ 7 Nghiệp này được Phật ví như Châu Báu là vì con người đã ôm giữ chúng từ kiếp nọ sang kiếp kia, không chịu xa rời, giống như người giữ châu báu ! Xả được 7 Nghiệp thì Thân Tâm sẽ thanh tịnh, an vui, không còn phiền não nữa nên gọi là Cực Lạc. Không phải có một Nước Phật thật sự ở Phương Đông, Phương Tây. Bởi vì người tu xong cũng vẫn tiếp tục sống giữa cuộc đời đầy phiền não, nhưng Phiền não không còn làm hại được nữa. 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp của Phật cũng chỉ là Phương Tiện để dụ con người cư xử với nhau tốt đẹp hơn, để tất cả được sống trong cảnh trần đầy khổ lụy mà không bị cái Khổ hành hạ, được như Hoa Sen, dù sinh ra, lớn lên, đơm hoa, kết trái trong bùn, nhưng không vương mùi bùn.

Do đó, sở dĩ Ngài CA DIẾP Cười khi thấy Phật cầm Cành SEN đưa lên giữa đại chúng, là vì Ngài đã nắm vững Giáo Pháp của Đức Thích Ca. Biết rằng dù Phật tả nhiều cảnh giới, nói về nhiều vị Phật, Bồ Tát, Nước Phật ở Đông Phương, Tây Phương, hay những cảnh Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh v.v.. thì cũng chỉ là PHƯƠNG TIỆN làm con người nhờ ham thích Nước Phật hay sợ bị đọa mà CẢI ÁC, HÀNH THIỆN để được Giải Thoát khỏi Phiền não trong kiếp sống, được như HOA SEN, ở giữa bùn mà không vươn mùi bùn, không phải là để thành Thánh, Thành Thần hoặc về Nước của Phật nào hết. Đó cũng là lý do mà Đạo Phật dùng HOA SEN làm biểu tượng. Vì vậy, Phật đã trao Y Bát cho Ngài để tiếp tục giữ gìn giềng mối và pháp huy Đạo Pháp của mình.

Vậy CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG, NIẾT BÀN DIỆU TÂM là gì ?

NHÃN tức là CON MẮT. Đạo Phật phân ra có mấy loại MẮT:

1/- NHỤC NHÃN : là con mắt thịt, tức là con mắt bình thường mà mọi người sinh ra đều có. Chỉ nhìn thấy những gì CÓ TƯỚNG.

2/- THIÊN NHÃN : là Con mắt do những nguời nhờ tu luyện mà có. Con Mắt nầy có thể nhìn thấy những cảnh Vô Tướng mà Mắt trần không nhìn thấy được.

3/- PHÁP NHÃN : Là con mắt nhìn rõ sự Sanh, Diệt của Các Pháp.

4/- PHẬT NHÃN : là Con MẮT CỦA PHẬT, tức là con Mắt đã Giải Thoát. Con Mắt này vẫn nhìn thấy mọi cảnh, mọi vật như Mắt thường, nhưng không dính mắc với nó để phải, trái, hơn thua, thương, ghét. Chỉ Thấy như nó vốn vậy, thế thôi, gọi là NHƯ THỊ.

Người tu Phật không cần THIÊN NHÃN để thấy tiên thần, hay cảnh giới cõi trên, mà cần PHÁP NHÃN và PHẬT NHÃN. Vì có nhìn thấy sự Sanh,Diệt của các Pháp thì mới không đắm nhiễm, dính mắc với nó. Cái Thấy đó gọi là NHƯ THỊ, cũng gọi là PHẬT NHÃN, vì không còn bị “Vật Bị Thấy” làm ảnh hưởng, nên được Giải Thoát.

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG, có nghĩa là CON MẮT đã chứa đựng, đã thông đạt CHÁNH PHÁP, tức là CON MẮT nhìn thấy sự vật đúng theo Chánh Pháp, nên đạt được cái NHƯ THỊ. Vì thế, nó không còn vướng mắc với những gì được Thấy. Và NIẾT BÀN DIỆU TÂM là Cái Tâm đã có NIẾT BÀN tức là Cái Tâm đã ra khỏi rừng mê, đã chấm dứt Tham Sân Si, có được sự an lạc, không còn phiền não nữa.

Như lời Phật giải thích cho Ngài A Nan trong Kinh LĂNG NGHIÊM : “Các Ông nhiều kiếp đọa Sinh Tử Luân Hồi cũng do TÂM và MẮT”. Vì vậy, khi Tâm và Mắt đã Điều Phục xong rồi thì Thân và Tâm người hoàn tất công việc này đã hoàn toàn thanh tịnh, được Giải Thoát khỏi sự lôi cuốn của Cảnh trần. Phiền não không còn nhiễu hại được nữa, như mong mỏi của Đức Thích Ca khi mang Phật Pháp vào thế gian . Kết quả đó là do công năng tu tập. Nó nằm ở trong Tâm của mỗi hành giả. Vì thế, không thể diễn tả bằng văn tự, mà bằng sự THỰC CHỨNG. Ngài Ca Diếp đã hoàn tất việc Tu Sửa nơiTâm, Mắt. Vì vậy, qua cái CƯỜI lúc nhìn CÀNH SEN mà Phật đưa lên của Ngài Ca Diếp, Phật đã biết Ngài LÝ, HẠNH đã viên dung, đã nắm vững Giáo Pháp của Phật nên mới giao cho Ngài gìn giữ và phổ biến Chánh Pháp của Ngài.

Con đường tu Phật là cả một trình tự : Phải biết lý do vì sao muốn tu hành để có CÁI PHÁT TÂM CHÂN CHÍNH. Phải hiểu biết về Các Pháp, về phương pháp đối trị. (QUÁN SÁT, TƯ DUY). Sau đó phải Hành, bằng cách Xả những gì cần Xả và Hành những việc cần HÀNH (TU). Có bao nhiêu Pháp phải Quán sát, tư duy. Có bao nhiêu Pháp phải thực hành để Xả dần những thói xấu, tập làm những việc tốt, thì sao có thể tu tắt, sao có thể không cần giữ Giới, không cần Quán sát, tư duy, không cần thực hành các Hạnh của Đạo, chỉ cần Thấy Cái Không, hay giải được một Công Án, hoặc chỉ cần Cười đúng lúc là Chứng Đắc ? Cái Thấy CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, liên quan gì đến cái Tánh mà cho là Thấy Tánh ? .

Việc tu hành là MỞ GÚT thì Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM dạy : “GÚT đầu tiên là phá trừ NGÃ CHẤP, chứng đặng NHÂN KHÔNG. Tiến đến phá trừ PHÁP CHẤP mới chứng đặng PHÁP KHÔNG. NGÃ, PHÁP đều không sanh mới gọi là Bồ Tát CHỨNG VÔ SANH NHẪN”. Kết quả tu tập phải là NHÂN KHÔNG, tức KHÔNG CÒN CÁI TA, tức là KHÔNG CÒN CHẤP NGÃ. Không Còn CHẤP NGÃ thì sẽ KHÔNG CÒN CHẤP PHÁP. Ngược lại, người không tu tập đúng thì CÁI NGÃ TU HÀNH ngày càng lớn. Còn CHẤP NGÃ nên CHẤP PHÁP, mới thấy mình CHỨNG ĐẮC, thấy MÌNH cao, thậm chí thấy mình còn “cao hơn cả Phật” !

Giáo Pháp Phật đưa ra chỉ là để trang bị cho con người. Chỉ cách cho con người hàng phục Lục Căn để nó không còn mang ngoại pháp vào làm não loạn Thân, Tâm, để có được an lạc, hạnh phúc trong kiếp sống mà thôi. Người tu sau khi đạt kết quả thì cũng không thành Thánh, thành Tiên hay đấng cao cả nào, mà chỉ trở thành một con người tốt đẹp hơn. Chẳng những không còn THAM, SÂN, SI, trái lại còn Từ, Bi, Hỉ, Xả. Vì vậy, nếu nhân rộng ra thì hoàn cảnh chung quanh và xã hội cũng tốt đẹp thêm mà thôi.

HOA SEN từ lúc nẩy mầm, lớn lên, nở hoa, kết trái, cho tới lúc tàn rụi, đều ở trong bùn, không có bứng đi trồng vào chậu nước tinh khiết, thì người tu Phật cũng thế. Vẫn tiếp tục một cuộc sống bình thường, với gia đình, nghề nghiệp mưu sinh như trước mà không còn bị Phiền Não vùi dập nữa. ĐưỢc “Thoát Phiền não ngay chính trong Phiền não”. Như vậy mới gọi là Chân Giải Thoát. Nhưng nhiều đời qua, nhiều lớp người hiểu lầm đã khuyên nhau bỏ đời, vô Chùa, núp sau cửa Chùa hay lên non cao động vắng cho các Pháp không tiếp xúc được với mình rồi cho là mình đã Ly Trần, đã Thoát Pháp, mà không biết rằng đó là né Pháp, tránh Pháp, không phải là Thoát Pháp !

Nhắc đến Ngài CA DIẾP là nhắc đến người đầu tiên được TRUYỀN Y BÁT. Trước khi Nhập diệt, Ngài đã thực hiện lời Phật dặn dò, là Truyền Y Bát lại cho Ngài A Nan. Nhưng bắt đầu từ TỔ ThỨ Ba thì Tăng Đoàn chia ra thành ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA mạnh bên nào nấy tu, không còn liên quan đến nhau nữa, đôi khi còn khích bác nhau. Bên nào cũng thấy mình mới đúng Chánh Pháp.

Dù cả hai bên đều dùng Giáo Pháp của Phật, cũng cho rằng : “Cuộc đời là bể Khổ. Hữu Thân Hữu Khổ”. Nhưng cách tu hành và hướng dẫn cho bá tánh hoàn toàn khác nhau :

Bên ĐẠI THỪA, tức là bên Chư Tổ, thì muốn TRỪ KHỔ thì phải tìm xem GỐC của nó là ở đâu ? Người tu được dạy Quán sát, Tư duy, để thấy rằng mọi đau khổ, phiền não là ở nơi Thân và Tâm của mỗi người, nên muốn Giải Thoát cũng phải GỞ ngay nơi đó. Do vậy, người tu chỉ cần tìm Cái Tâm, phân biệt VỌNG, CHÂN, THÁNH, PHÀM, rồi “Chuyển Pháp Luân” : Chuyển Vọng thành Chân. Chuyển Phàm thành Thánh, chuyển Phiền Não thành Bồ Đề Niết Bàn, Chuyển Chúng Sinh Thành Phật. Không cần phân biệt già trẻ, giới tính, trí, ngu, nghề nghiệp, nơi ở, độc thân hay có gia đình. CHỈ CẦN Y PHÁP TU HÀNH thì kết quả như nhau. Quả vị của ĐẠI THỪA là Thành Phật hay Giải Thoát như lời Đức Thích Ca đã Thọ Ký. Sau khi Cái Tâm đã được thanh lọc rồi thì họ vẫn tiếp tục cuộc sống giữa trần gian đầy Phiền não, nhưng phiền não không còn vùi dập họ được nữa, được hạnh phúc, an vui cho đến hết kiếp gọi là HỮU DƯ Y NIẾT BÀN.

Quả Vị bên TIỂU THỪA là A La Hán. Người đắc A La Hán do THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG. Tu sĩ bên nàyphải Xuất Gia. Phải độc thân thì mới thanh tịnh. Phải giữ 250 Giới. Không được làm ăn, dính líu đến việc trần gian. Mọi việc từ cơm áo cho đến xây dựng Chùa chiền đều do Thí Chủ lo. Ngày tháng họ chỉ Tụng kinh, Niệm Phật, Ngồi Thiền, học Pháp, giảng pháp, hướng dẫn cho bá tánh cầu xin Phật, Bồ Tát phù hộ, độ trì. Sống thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu để Phật rước về Tây Phương Cực Lạc.

Cả hai bên đều song hành giảng Đạo cho đến ngày nay. Nhất là sau khi Y Bát không còn Truyền nữa thì những Tu Sĩ đều có quyền ra giảng pháp. Chùa chiền thì mở khắp nơi, mỗi bên đều có bậc Thầy đi trước hoặc có những lớp Phật Học mở ra để đào tạo. Cứ tốt nghiệp là có thể giảng dạy, không giống như thời xưa chỉ những người THẤY TÁNH, CHỨNG ĐẮC mới được quyền giảng pháp ! Do đó, người muốn tìm Thầy để tu học chỉ còn chờ vào duyên may hay tự mình tìm tòi, nghiên cứu để có sự hiểu biết của riêng mình. Đúng hay sai thì tự chịu trách nhiệm lấy !

Tu sĩ ngày nay cũng không còn giống như Đức Thích Ca, một đời giảng dạy chỉ có một Y, một Bát. Hay như lời Kệ :


               “Ăn ít, biết đủ.
               Như chim bay không.
               Dấu không thể tìm”.

Họ ở nhà lầu. Ngủ phòng máy lạnh. Ăn thức ăn ngoại nhập. Đồ dùng toàn thứ sang, đắt tiền. Bước ra đường thì tiền hô, hậu ủng, xe cộ dập dìu. Tổ chức những Lễ hội rình rang ! Các Sư bên Đài Loan thì Bồ Đoàn may bằng gấm đắt tiền. Có phòng tắm Sauna để thư giãn. Đi khất Thực bằng xe Lexus !

Không biết có phải là “Con hơn cha là nhà có phúc” hay đã đến thời Mạt Pháp, Ma Vương trà trộn vào hàng Đệ tử Phật để phá pháp như huyền ký của từ xa xưa ?

Tháng 10/2023





VVM.27.12.2023