Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



BÍCH KHÊ
NHÀ THƠ TƯỢNG TRƯNG, TÀI HOA RẤT MỰC

  

                 Bích Khê, tên thật là Lê Quang Lương, còn có bút hiệu Lê Mộng Thu, sinh ngày 24- 3-1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhập tịch và cư trú tại Thu Xà, cùng tỉnh ; mất ngày 17-1-1946, lúc mới 30 tuổi.

* Nét tài hoa trong thơ Bích Khê

Nói đến Bích Khê, không ai không thấy nét tài hoa đặc biệt trong thơ ông.. Cái tài hoa thiên phú ấy đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ông làm nao lòng người đọc. Tỳ bà, Hoàng Hoa và Nghê thường là ba bài thơ hay vào bậc nhất của Bích Khê mà Lê Tràng Kiều đã giới thiệu trên Tiểu Thuyết Thứ Năm và cho là những bài ca thần ảo . Hai bài trước là hai bài thơ bình thanh (chữ trong thơ không dấu hay chỉ có dấu huyền) mà hình ảnh và âm thanh tuyệt diệu.

Thuở sinh thời, Bích Khê không giấu giếm mình chịu ảnh hưởng sâu xa của Rimbaud và Verlaine (1), hai nhà thơ Pháp. Ông thuộc lòng thơ Valéry và tự cho mình hiểu Mallarmé lắm. Ông từng viết:

Hỡi lời ca man dại,
Điệu nhạc thở hơi rừng.
- Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng.
(Xuân tượng trưng)

Ông muốn thơ mình phải “duy tân”, duy tân triệt để:

Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới
Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong,
Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng,
Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng.


(Duy tân)

Thơ Bích Khê rất giàu hình ảnh, nhạc và họa. Tả bức tranh thiếu nữ khỏa thân, lời thơ của ông có cái đắm say của người nghệ sĩ hơn là ham muốn thấp hèn của kẻ phàm tục. Tấm thân kiều diễm, nét uốn éo của giai nhân, da dẻ trắng như tuyết của nàng, đôi mắt ngời ánh sáng, giọt lệ trong như ngọc… đã làm say mê nhà thơ – nghệ sĩ:

Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ,
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
Nàng ở mô, xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng Nghê thường,
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc,
Vài chút trăng say đọng ở làn môi…


(Tranh lõa thể)

Thơ Bích Khê rất mới, mới từ ý tưởng, ngôn từ đến cách cấu trúc, ngắt đoạn khiến người đọc phải sững sờ:

Tôi qua tim nàng vay du dương,
Tôi mang lên lầu lên cung thương.
Ôi! Tôi bao giờ thôi yêu nàng?
Tình tang tôi nghe như tình lang.

…Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân.
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng,
Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông!


(Tỳ bà)

Cảm thương cho người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm , tác giả thầm trách chiến tranh đã gieo tang tóc đau thương cho nhân loại, nhất là những người chinh phụ ngày đêm vò võ mong chồng và những trẻ thơ bị mồ côi oan uổng:

Oanh già theo quyên: quên tin chàng,
Đào theo phù dung: thư không sang
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta ngàn khơi,
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi

… Non Yên tên bay ngang muôn đầu,
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?
Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?


(Hoàng hoa)

Cái tài hoa của Bích Khê còn biểu lộ trong bốn câu thơ mà ta thấy đầy những hương và sắc: màu xanh của da trời, màu vàng của ánh trăng, màu nhung của mây, sao sáng như kim cương và mùi hương ngào ngạt của dạ lan:

Ôi trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành.
Nhung mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê ngời say men hương


(Nghê thường)

* Bích Khê với Hồ Xuân Hương

Là một nhà thơ, Bích Khê khâm phục thi tài của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người từng được mệnh danh là Bà Chúa thơ Nôm. Ông phục Xuân Hương vì ý tưởng phóng khoáng và cách sử dụng từ ngữ tài tình như một tay phù thủy. Ông có bốn bài thơ lấy cảm hứng từ Xuân Hương và đã có lần ông xem Xuân Hương như vợ mình dù cách nhau đến mấy trăm năm. Biết là hão huyền nhưng ông vẫn mong đợi:

Canh sương quán lạnh nguyệt tà song,
Bên gối hương lan đến ấp lòng.
Người vợ trong thơ gần cách mộng,
Đêm nay chẳng biết có về không?


(Hồ Xuân Hương)

Rồi ông thấy Xuân Hương hiện về cùng Lý Bạch và Xuân Hương say sưa nhấn dây tơ loạn:

A ta! Lý Bạch! Hồn ba lệ!
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Mộng trắng phau phau, vót cung nga,
Xuân Hương người ngọc máu say ngà
Nhấn dây tơ loạn, buồn lơi lả,
Đường phất hương trăng, nẩy điệu ra.


(Mộng)

Trong một giấc mộng khác, ông thấy Xuân Hương hiện về với một hình ảnh lãng đãng khói sương và dáng nguyệt còn vương màu tuyết:

… Thì mộng: Xuân Hương, nường đã đến,
Thưa cô, dáng nguyệt tuyết còn vương.
Tỉnh ra thì thấy mình trong mộng,
Nửa mảnh trăng treo một mặt buồn.


(Mộng Xuân Hương)

Lần khác, Bích Khê mơ thấy nhớ chị Hằng nên bay lên cung trăng, được ngắm cảnh đẹp tuyệt trần nơi cung Quảng và thưởng thức điệu Nghê thường vũ y. Khi nhà thơ và chị Hằng ghé bến sông Ngân thì thấy Xuân Hương ngực để trần và ngâm bài thơ Vấn nguyệt (Hỏi trăng):

Hai ta vừa ghé bến sông Ngân,
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần.
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần,
Nhìn xuống nhân gian cười như điên.


(Nghê thường)

Thật là giàu tưởng tượng!

* Và những mối tình

Là một nhà thơ tài hoa như Bích Khê tất phải có nhiều người yêu quí, nhất là những thiếu nữ yêu thơ.

- Với Song Châu : Song Châu là mối tình đầu của Bích Khê. Nàng là học trò của Khê, một cô trò nhỏ có đôi mắt say sưa, làn da trắng mịn và dáng điệu mảnh khảnh yêu kiều. Có ai ngờ con người làm thơ ngang tàng như Khê mà lại e lệ trước người mình yêu và có mặc cảm rằng yêu học trò của mình là trái đạo lý.. Nhưng rồi tình yêu của Khê đã được đáp lại bằng một tình yêu say sưa và e lệ của người con gái. Song Châu càng e lệ thì thi nhân càng say mê và Khê đã làm bài thơ Song Châu trong tập Tinh Huyết để nói lên mối tình đầu của mình:

Tôi đắm hồn tôi cho chết say
Như hoa mảnh khảnh xác thu gầy.
Ở trong cặp mắt như châu ấy
Và biến ra châu lã chã đầy.

Em cũng là châu, lệ cũng châu,
Mắt tôi đỡ khát biết bao sầu.
Biết bao ánh ngọc rung rinh nổi
Giữa bể vàng mơ, giữa cảnh mơ.

Ngoài ra, Bích Khê còn có bài thơ “Tôi chết rồi tiếng nói như châu” nói đến cái chết và nỗi tiếc thương của người tình:

Tôi chết rồi! Tiếng nói như châu,
Tản mác ra muôn vạn ý sầu.
Người khóc:“Tình ta thơ mộng cả”,
Để tìm khoái lạc ở chiêm bao.

… Người khóc? Thiên tài của anh mô?
Cho em ôm ấp chốn phòng thu.
Cho em thờ phụng như châu báu,
Rồi chết theo em tận đáy mồ.

Nhưng tiếc thay, mối tình ấy không thành!

- Với Bích Thủy : Có lần Bích Khê xin lên ở một ngôi chùa tại Phú Thọ để làm thơ và nghiên cứu đạo Phật. Được ít lâu, thấy cửa thiền không hợp với mình, ông về nhà xin mẹ thuê một chiếc thuyền con để lênh đênh trên sông Trà Khúc. Một hôm thuyền trôi về ngả Sa Kỳ, ông gặp lại Bích Thủy, một thiếu nữ từng quen biết Bích Khê tại nhà người anh cả ở Mũi Né. Từ đó hai người thường gặp nhau và mối tình ngày càng khắng khít. Với Bích Khê, đó là mối tình thứ hai, nhưng với Bích Thủy lại là mối tình đầu, say mê đắm đuối, nên nàng đặt vấn đề kết duyên tơ tóc.

Rất do dự, Bích Khê cứ khất lần. Bích Thủy buồn rầu sinh bệnh và đâm ra loạn trí. Nằm trên giường bệnh, nàng gọi tên Bích Khê, tay viết tên Bích Khê, mộng thấy Bích Khê. Mẹ Khê rất cảm động, khuyên Khê nên kết duyên với nàng nhưng ông từ chối: “Gần nhau mãi có đẹp gì!”

- Với Ngọc Kiều : Năm 1938, Bích Khê cùng chị là Ngọc Sương và anh rể tương lai là nhà văn Lạc Nhân (Nguyễn Quí Hương) mở một trường tư thục ở Phan Thiết, học trò rất đông. Trong lớp tối có một nữ sinh là Ngọc Kiều rất đẹp, gương mặt hiền và buồn như báo trước điềm tan vỡ. Bích Khê và Ngọc Kiều yêu nhau thắm thiết và tình yêu đã thành thơ:

Chị ơi! Trời sáng màu xanh,
Tình trăng sống dậy trên cành hoa tươi.

Nói ra xin chị chớ cười,
Tình nay đẹp lắm hơn mười tình xưa.

Lần đầu, Bích Khê quyết tính chuyện trăm năm, nhờ chị viết thư về thưa với mẹ để sang nhà Kiều cầu hôn, nhưng gia đình Kiều từ chối vì đã hứa gả nàng cho người khác rồi, người ấy là con một phú thương. Thất vọng, Ngọc Kiều sinh loạn trí (lại thêm một người loạn trí), nàng khóc, cười rồi đòi tự tử. Gia đình Kiều lo sợ cho tính mạng của nàng nên sai người sang mời thân mẫu Khê đến để bàn việc cưới hỏi. Nhưng vì tự ái, Bích Khê đã từ chối. Từ đó thơ Bích Khê tràn ngập nỗi buồn thương, buồn cho mình và cho cả Ngọc Kiều:

Không gian tơ, không gian tơ gợn sóng,
Âm thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt - ứ muôn nơi? (2)
Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng,
Ngọc Kiều ơi! Hồn đến bến xa khơi…


(Mộng cầm ca)

Tuy vậy, khi Ngọc Kiều ra đi để xây tổ uyên ương nơi chân trời xa lạ, Khê đã làm mấy câu thơ an ủi:

Hạnh phúc ngoài trời nhiều vẻ đẹp,
Em đừng bận bịu ái ân xưa.
Lòng anh chẳng muốn cho em phải
Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa.

Mấy năm sau, bệnh phổi của Khê ngày càng trầm trọng. Một hôm, nhận được thư của Kiều xin phép ra thăm, cả nhà mừng rỡ, mẹ giục Khê hồi âm. Khi Kiều bước vào nhà thấy thân hình tiều tụy của người xưa, nàng khôn cầm giọt lệ. Sau năm ngày ở lại, Kiều từ biệt ra đi và lần này thì xa nhau vĩnh viễn (3).

* Bệnh tật và cái chết

Cũng như Hàn Mặc Tử, nhà thơ tài hoa Bích Khê vướng vào một căn bệnh nghiệt ngã: bệnh lao. Đã từ lâu, Bích Khê thấy không bình thường ở phổi, có lẽ do làm việc quá sức và cũng do dạy học. Cho tới khi ông thấy đau ở ngực và mệt nhiều thì chị ông là bà Ngọc Sương phải đưa ông ra bệnh viện Huế để chữa. Một năm sau, bệnh tình thuyên giảm, Bích Khê trở về Thu Xà rồi làm một cái chòi trên núi Thiên Ấn để ở, ít lâu sau lại xuống sống trên bờ biển rồi vào một ngôi chùa ở Phú Thọ để làm thơ.

Năm 1942, bệnh phổi của Khê lại tái phát nên phải ra viện Pasquier ở Huế để điều trị. Sau tám tháng, bệnh thuyên giảm, ông lại về Thu Xà điều dưỡng, nhưng từ đó bệnh càng ngày càng nặng.

Năm 1945, một đêm bên ngoài có tiếng reo hò của dân chúng: quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh.

Sáng hôm sau có tin cướp chính quyền, Bích Khê mừng quá, bắt người nhà khiêng ghế bố có Khê nằm trên đó ra cửa đón chào cách mạng.

Lúc 12 giờ khuya ngày 17-1-1946, Bích Khê từ giã cõi đời. Trước ngày ra đi vĩnh viễn, ông có làm bài thơ tứ tuyệt để sau này đề bia trước mộ mình:

Thân bịnh: ngô vàng mưa lá rụng,
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi.
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.

* Ý kiến của các nhà phê bình

Bích Khê là một thi sĩ tài hoa, điều ấy ai cũng phải công nhận. Năm 1939, trong lời tựa tập thơ Tinh Huyết, Hàn Mặc Tử đã viết: “Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quí trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc. Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy. Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…Ở Tranh lõa thể, sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết. Quả nhiên là một sự khong khen, thanh tao quá đến ngọt lịm cả người và cả thơ…”

Năm 1941, nhà nghiên cứu kiệt xuất về Thơ mới, Hoài Thanh, đã viết:“Tôi đã gặp trong Tinh Huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng,
Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông.

Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài “Duy tân”. Tôi thấy trong đó có những câu thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa… Còn các bài khác hoặc chưa xem hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”.

Năm 1988, khi đề tựa cho tập Thơ Bích Khê, Chế Lan Viên nêu ra hai hình ảnh :“Nếu Nguyễn Bính là một đồng bằng thân thuộc thì Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực, lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay, Khê thuộc vào hạng thứ hai.

Thiết tưởng những lời nhận xét trên đây cũng đủ để định giá trị thơ Bích Khê.

(1) Trong bài Tình trai , Xuân Diệu viết:
    Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
   Hai chàng thi sĩ choáng hơi men.
   Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
    Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.

(2) Theo bản của Sở Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình 1988. Bản của NXB Hội Nhà Văn 1997 thì câu này là: Nhịp chèo đâu đưa hồn rõi xa khơi.
(3) Những chuyện tình của Bích Khê trên đây do bà Ngọc Sương – chị ruột của Bích Khê – kể lại.




VVM.11.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .