CỐT CÁCH CÁ NHÂN
VÀ HIỆN TƯỢNG
THƠ NGÂN GIANG
CỐT CÁCH NGÂN GIANG
Cái căn bản của con người nói chung, của các văn thi nhân nói riêng, chính là cốt cách cá nhân của họ. Văn là người, cốt cách nào văn chương nấy. Vì vậy, khi nghiên cứu một nhà văn nhà thơ (con người, sự nghiệp văn chương) nhất thiết phải bắt đầu từ việc tìm hiểu cốt cách cá nhân của người ấy. Cốt cách ấy sinh ra một ngọn lửa tinh thần sẽ phát nhiệt phát quang để sưởi ấm, thiêu đốt và toả sáng ra cuộc đời.
Điều khiến tôi tâm đắc trước nhất ở nữ sĩ Ngân Giang chính là cái cốt cách được kết hợp nhuần nhị bởi những nét đẹp truyền thống của văn hoá đạo đức Việt Nam với tính chất tao nhã, sang trọng của văn hoá Nho học cổ điển. Bà là mẫu phụ nữ nguyên dạng có văn hoá cao từng khá phổ biến trong thời cận đại. Cốt cách “cổ điển” của bà đã tạo nên một vẻ đẹp đặc thù khi nó vẫn ung dung hiện diện xuyên suốt buổi “tân thời” nửa đầu thế kỉ XX và tiếp tục tồn tại đến hết thế kỉ ấy trong một xã hội hoàn toàn mới. Cốt cách Ngân Giang là biểu trưng cho vẻ đẹp về nhân cách và tài hoa của những “nữ lưu văn hoá” đã trở thành truyền thống ở Việt Nam. Chính vì thế, trong gần một thế kỉ, cho dù cuộc sống và xã hội Việt Nam đã có biết bao thay đổi, vần xoay, chúng ta trước sau vẫn chỉ thấy có một Ngân Giang không thay đổi. Cốt cách bà đối lập với những nhân cách “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” mà người ta có thể bắt gặp ở khắp nơi.
Vậy những yếu tố nào đã tạo nên cốt cách Ngân Giang?
Trước hết tôi muốn nói đến cái tâm của bà. Đó là một tấm lòng vô cùng nhân hậu, chan chứa tình yêu đối với con người và tạo vật, nặng nỗi cảm thương với những đau khổ trong cõi nhân gian. Tâm hồn bà đồng điệu với tâm hồn của Nguyễn Du và Thuý Kiều: Lòng đâu sẵn mối thương tâm, Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa. Có một nguyên lí bất thành văn: tất cả những tài năng thi ca đều xuất phát từ địa hạt của trái tim, của tình cảm, còn lí trí chỉ là “phụ gia” cần thiết. Tuyệt đối không thể có tài thơ nào chỉ xuất phát từ lí trí mà thiếu hụt tình cảm. Ngân Giang, trong cách sống và trong văn chương, thường nghiêng về tình cảm. Hầu hết thơ bà đều là tiếng nói chân thực nhất của trái tim bà: một trái tim chứa đầy ắp tình nước, tình nhà, tình yêu, tình mẹ, tình “thanh khí” với những đấng anh kiệt, tài hoa thuở trước, tình bằng hữu với những người yêu thơ suốt từ Bắc chí Nam. Đây là những câu thơ bà thương và tiếc cho một người tri kỉ vừa lìa đời chính lúc ông ta bắt đầu thành đạt:
Một đến là như để một đi
Chưa vui sum họp đã chia lìa
Ôi cây đàn cũ không vang nữa
Mà bóng người xa chẳng tưởng về
Đồng vọng tiếng tơ bên quán lẻ
Vơi đầy giọt lệ dưới đèn khuya!
Mộng đời chẳng ấm niềm thân thế
Lúc hiển vinh là lúc biệt li.
Còn đây là câu thơ bất hủ bà than cho thân phận bi thương của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ:
Xe loan một tới nghìn thu hận
Quốc sử âm thầm với nước non.
Trong thơ bà có một mảng đáng kể biểu lộ niềm xót thương đối với những con người đau khổ, nhất là những con người tài hoa xuất chúng nhưng phải mang số phận đầy bi kịch như Khuất Nguyên, Chiêu Quân, Vương Tường, Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Thành Thái, và… bản thân bà.
Một điều rất đáng ghi nhận ở Ngân Giang là bà không khi nào lơi tay với cái “nữ tính” – bản chất tuyệt diệu mà trời chỉ dành riêng cho phái nữ – luôn được thể hiện rất rõ trong cảm nhận, trong lối sống và trong thơ bà. Trong cuộc đời thường, bà là mẹ hiền, là người chị, người bạn thân thương. Trong thơ, chúng ta luôn tiếp xúc với những ý tứ, những dáng nét đặc biệt mềm mại dễ thương của một người phụ nữ khiến chúng ta cảm mến. Chẳng hạn những câu thơ sau:
Ngồi đây quán vắng, vắng bên đường.
Gió đông hắt lạnh đôi gò má,
Chiều quạnh buông dài những giọt sương.
Sớm tối vài ba đồng vốn liếng,
Tháng ngày dăm bảy khách văn chương…
(Nắng chếch chiều tàn)
Nhờ cảm quan nhạy bén của trái tim phụ nữ, bà đã phát hiện được tính bi kịch về tình cảm của đấng “đệ nhất cân quắc anh hùng” Trưng Trắc, và chính điều đó đã làm nên ý vị đặc biệt của bài thơ này:
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi…
Làm nên cốt cách Ngân Giang còn gồm một trí tuệ dồi dào và sắc bén. Đã thông minh lại hiếu học, bà trở thành một phụ nữ trí thức thực thụ, có kiến thức khá sâu về Hán học, am tường kinh sử, điển chương, có khả năng sáng tác toàn diện cả văn từ chương cổ điển, thơ Đường luật, các thể thơ dân tộc, và không ngoại trừ thơ mới . Văn chương của bà diễm lệ, “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Có lẽ bà là nữ sĩ duy nhất ở cuối thế kỉ XX có được những khả năng toàn diện đó. Tôi rất khâm phục những nhận định, đánh giá sáng suốt của bà về xã hội, về những con người sống cùng thời với bà, về những nhân vật lịch sử. Qua những nhận định ấy, tôi phát hiện nơi bà một khối óc có tính cách độc lập và sáng suốt. Ví dụ bà nhận định về số phận thi hào Nguyễn Du thật là chuẩn xác:
Ngai vàng ấy, tấm son này
Mỉm cười khôn nhẽ, chau mày khó coi…
Ấy ai mặt nước cánh bèo
Mà ai luỵ giữa hai triều vua quan
Sông Tiền Đường để riêng oan
Huyện Nghi Xuân gánh gươm đàn bơ vơ!
Khả năng thẩm định văn chương của bà cũng đặc biệt tinh tường. Năm 1998, khi du Nam lần cuối cùng, trong một cuộc giao lưu tại Long Thành, câu thơ của một thi hữu “Ném nửa cuộc đời vào nghịch lí, Nửa đời còn lại ném vào đâu?” đã khiến bà xúc động ngậm ngùi, và bà đã bình luận, diễn giải thực chất tấn bi kịch của cuộc đời tác giả viết câu thơ ấy một cách khúc chiết, thấm thía. Nhờ óc thẩm định tốt bà đã đúc rút được những tinh hoa của thơ cổ điển và ở một chừng mức đã đặt được chân vào địa hạt của thơ mới.
Một điều hết sức nổi bật trong cốt cách nữ sĩ Ngân Giang là bản lĩnh vững như bàn thạch của bà. Đó là ý chí đanh thép sống, chịu đựng và vượt qua được mọi thử thách về mặt xã hội cũng như trong hôn nhân và gia đình, quyết giữ vững bản sắc của con người mình trong mọi cảnh ngộ. Đồng thời bà là con người hành động, suốt đời không ngừng lao động vì mục tiêu văn hoá và sáng tạo thơ. Trên thực tế, bà đã lập được một sự nghiệp thi ca trong đó có những tác phẩm giá trị được xã hội công nhận. Bà là một nữ sĩ có danh tiếng để đời.
Là phụ nữ nhưng nhờ khối tinh thần luôn được hun đúc, đôi khi bà có phong độ tựa như của một đấng trượng phu. Xét ở một khía cạnh, đó là một điều khá thú vị khả dĩ xoá đi ranh giới giữa bà với những “đấng mày râu” trong làng văn. Những câu thơ “rất đàn ông” sau đây phi lộ điều đó mà chúng ta có thể đồng cảm với bà:
Xa danh, xa lợi, xa quyền thế
Trọng đức, trọng nhân, trọng nghĩa tình
Vốn học người xưa say lán cỏ
Am nào mây trắng gió mông mênh.
Chúng ta cũng không thể không nói đến một nét đẹp khác ở bà là cái phong cách thi nhân nghệ sĩ luôn thể hiện sinh động trong đời sống hằng ngày. Dường như chỗ dựa tinh thần vững chắc của bà chính là thi ca. Trong buổi gặp gỡ các bạn thơ tại Long Thành năm 1998, với mái tóc bạc phơ, đứng giữa vòng vây của bạn hữu, bà đã say sưa bình thơ, ngâm thơ, rồi cao hứng cất tiếng hát một khúc ca tiền chiến:
Chiều nay biết về nơi đâu?
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu.
Ai đi trong lớp sương sa,
Người về đâu tá tới nơi quê nhà.
...Ta buồn chỉ có mình ta…
(“Lời du tử”-Nguyễn Đình Phúc)
Mọi người đều thích thú với những biểu hiện tự nhiên như vậy nơi một lão bà đã 82 tuổi.
Cho đến phút chót của cuộc đời, nữ sĩ Ngân Giang đã hoàn tất một cốt cách tao nhân với tâm hồn trong sáng của một người phụ nữ Việt Nam truân chuyên và từng phải hứng chịu số phận hẩm hiu vì tình duyên ngang trái.
HIỆN TƯỢNG THƠ NGÂN GIANG TRONG LÀNG THƠ VIỆT NAM
Sự hiện diện của Ngân Giang trong thế kỷ XX có cái gì như thể một nghịch lí. Khi thơ mới đăng đàn và dần đẩy lui trường phái thơ cũ thì Ngân Giang mới ở lứa tuổi “mười tám đôi mươi”. Đáng lẽ bà phải gia nhập mãnh liệt với trào lưu thơ tân tiến nhất của thời đại này mới là thuận lí. Thế nhưng từ đấy về sau, bà vẫn tiếp tục sáng tác theo xu hướng thơ cũ và chỉ tham gia thơ mới ở mức độ nhất định. Chính sự khác đời, ngược đời ấy đã tạo nên một hiện tượng mà chúng ta cần tìm hiểu kĩ để nhìn nhận, đánh giá.
Có thể so sánh - mặc dù còn khập khiễng - hiện tượng thơ Ngân Giang với hiện tượng thơ Nguyễn Bính: giữa thời đại mới (Âu hoá), Nguyễn Bính sáng tác thơ mới nhưng với style thơ chân quê (gần với ca dao) chứ không chạy theo thơ Tây như Thế Lữ, Xuân Diệu. Còn Ngân Giang thì vẫn sáng tác với style thơ cổ điển! Vì sao vậy? Vì phong cách thơ chân quê hợp với tạng tinh thần của Nguyễn Bính, còn phong cách thơ cổ điển thì hợp với tạng tinh thần của Ngân Giang. Tất cả được quyết định bởi nguyên lí “văn là người”.
Một số người cho rằng xét giá trị của một bài thơ không cần coi trọng vấn đề trường phái, chỉ cần biết bài thơ ấy có thực “hay” không là đủ. Nhưng tôi cho rằng ở mỗi giai đoạn lịch sử, chất lượng thơ được quyết định bởi tài thơ của tác giả nhưng vấn đề trường phái cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, ở Việt Nam trong thế kỉ XX, trường phái thơ mới đã đạt được đỉnh cao nhất, vượt xa thơ cũ. Cho nên con đường sáng tác thơ mới là con đường đúng đắn, ưu việt nhất. Những nhà thơ ưu tú nhất của thời đại đều thuộc trường phái thơ mới. Ví dụ điển hình nhất là Hàn Mặc Tử: ông vốn là nhà thơ cổ điển như Ngân Giang, nhưng vào khoảng 1935-1936, khi được tiếp xúc với thơ mới, ông đã mẫn tuệ nhận thức được rằng chính thơ mới sẽ ngự trị vương quốc thơ tương lai của Việt Nam, và ông đã dồn toàn bộ tinh lực cho thơ mới để rồi trở thành một nhà thơ kiệt xuất.
Thực ra bản thân Ngân Giang cũng chịu sức hút mạnh mẽ của thơ mới. Bà đã sáng tác ít nhiều thơ mới trong đó có những bài có chất lượng, ví dụ những câu thơ sau:
Kìa đôi chim én đã bay về
Mà cánh chim bằng vẫn cứ đi.
Lá rụng, cành rơi cành thấp thoáng,
Trăng vàng gầy gõ tiếng từ quy.
Thôi, không nhạc nữa, không thơ nữa
Không khóc mà không một tiếng cười
Tôi nhất định không, không tất cả
Khi người ấy vẫn ở xa xôi…
(Sau phút biệt li)
Tuy nhiên sức níu kéo của thơ cũ vẫn quá mạnh với Ngân Giang cho nên nhìn tổng thể thì thơ bà vẫn nghiêng về trường phái thơ này. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nói rằng thơ Ngân Giang cũng là cái gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ mới, rõ rệt hơn nhiều so với vai trò này của Tản Đà. Bài thơ xuất sắc “Trưng nữ vương” có thể coi là điển hình của “cái gạch nối” ấy bởi nó vừa cổ điển lại vừa mới:
Máu đổ cốt xông thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...
Sau Quách Tấn, Ngân Giang là đại biểu cuối cùng của nền thơ cổ điển trong làng thơ Việt Nam. Tôi chưa thấy ai sau bà đạt tới trình độ thơ cổ điển thuần thục như bà. Có lẽ vì tỉ trọng thơ mới của Ngân Giang không cao nên các tác giả của “Thi nhân Việt Nam” không đưa bà vào hàng ngũ những nhà thơ mới.
Nếu xem xét toàn bộ nền thơ Việt Nam trong thế kỉ XX thì thơ Ngân Giang đã cát cứ ở một góc riêng, đã tồn tại và song hành với tất cả các xu hướng thơ khác như thơ chân quê, thơ say, thơ điên, thơ phong cảnh và phong tục, thơ trào phúng…, và thơ bà đã có số lượng độc giả khá đông đảo. Nữ sĩ Ngân Giang đã để lại danh tiếng trên thi đàn và được nhiều người mến mộ. Tôi xin trích dẫn một bài thơ Đường luật tiêu biểu của bà:
Núi đứng chênh vênh một góc trời,
Cây đa bên núi ráng chiều phai.
Rễ vương chân động đàn dơi liệng,
Lá rợp sân chùa bóng nguyệt soi.
Bàng bạc sương khuya in dặm vắng,
Trơ vơ tháp cổ lạnh ven đồi.
Đêm nay thắp nến xem kinh sách,
Thoáng thấy đài sen Phật mỉm cười.
(Chùa Trầm)
Sau cùng, có một sự kiện lớn mà có lẽ chính nữ sĩ Ngân Giang không ngờ tới, đó là sự “sống lại” mạnh mẽ của thơ cũ (với thể thơ đặc trưng là Đường luật thất ngôn bát cú) trong đời sống thơ ca của đông đảo quần chúng Việt Nam vào cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI. Khách quan mà xét, hiện tượng này chứng tỏ rằng chủ trương chọn khuynh hướng thơ cổ điển của Ngân Giang có một hạt nhân hợp lí. Bởi vì ngay ở thời điểm hiện nay, khi mà thơ mới dường như vẫn là thứ thơ “kiêu xa” khó với tới đối với số đông quần chúng thì thơ Đường luật có lẽ là thứ thơ vừa tầm nhất đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và sáng tác của họ.
Như vậy nữ sĩ Ngân Giang không đạt tới đỉnh cao trong thơ mới nhưng lại đạt tới đỉnh cao ở khía cạnh là ngọn cờ dẫn đường cho một phong trào rộng lớn “sáng tác thơ tiếng Việt theo thể Đường luật” của số khá đông những nhà thơ bình dân còn chưa đạt tới tầm vóc “thơ mới”.