Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

 

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG




                     

G iai thoại là những chuyện hay và lạ được truyền tụng trong mọi từng lớp dân gian. Cũng như các truyện cổ tích, phong dao, tục ngữ, giai thoại cũng là sản phẩm văn nghệ tiêu biểu cho tình cảm và nếp sống của một dân tộc. Nhưng có điều khác hơn, giai thoại là những chuyện có thật, nghĩa là xuất phát từ sự thật, từ những nhân vật có tên tuổi và sự kiện rõ ràng. Còn giai thoại văn chương là những chuyện hay, vui, lạ về văn chương, mang tính chất bổ ích trong việc xây dựng và phát triển nền văn học nói riêng và tinh thần dân tộc nói chung.

Qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, kho tàng văn học ta có rất nhiều giai thoại văn chương, trong khuôn khổ bài này, người viết xin kể lại một vài giai thoại văn chương tiêu biểu hầu cống hiến quý độc giả để “Mua vui cũng được một vài trống canh”:

Bài thơ con cóc

Nói đến đề tựa này, chắc hẳn chúng ta không ai quên bài thơ trong truyện tiếu lâm chế giễu mấy nhà thơ nọ khi thấy một con cóc bèn cùng nhau làm một bài tức cảnh:

Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó,
Con cóc nhảy đi...

Và bài vịnh “Con Cóc” sau đây của vua Lê Thánh Tôn nói lên cái khẩu khí của một vì thiên tử:

Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Đọc bài thơ trên ta thấy tức cười, đọc bài vịnh dưới ta thấy cảm phục. Nhưng cảm phục lẫn tức cười chưa lấy gì bằng bài thơ “Con Cóc” sau đây của 4 vị quan nghè đời Tây Sơn.

Chuyện kể rằng sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, triều đình có tổ chức một cuộc lễ khao quân để mừng các tướng sĩ thắng trận. Trong số đình thần có bốn ông tiến sĩ xin làm một bài thơ ca tụng chiến công của nhà vua. Ý kiến tâu lên được nhà vua chấp thuận nhưng đầu đề và vần phải do nhà vua chọn. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, nhà vua bèn ra đầu đề “Con Cóc” và lấy vần “Bàm”. Ra đầu đề và vần xong, nhà vua lại bắt buộc tất cả bốn ông tiến sĩ phải đứng xếp hàng một, mỗi ông làm một câu, hễ ông trước làm xong bước lên thềm thì ông sau phải ứng khẩu tiếp ngay, nếu bài thơ không thành, mỗi ông sẽ bị phạt uống một tô rượu.

Bốn ông nghè bắt đầu làm, ông thứ nhất khởi đọc:

Nghiến răng lừng biển Bắc,

Ông thứ hai tiếp theo:

Tắc lưỡi dậy trời Nam.

Hay! Hay! Hai câu này thật là hay, đúng là con cóc lại ngụ ý nói lên được cái chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long do vua Chiêu Thống dẫn đường sang và đánh chìm 500 chiến thuyền của quân Xiêm ở Kinh Xoài Mít tại miền Nam do chúa Nguyễn Ánh cầu viện về. Kể ra không kém gì câu: “Chép miệng nuốt ba con kiến gió. Nghiến răng chuyển động bốn phương trời” của vua Lê Thánh Tôn.

Nhưng đến ông thứ ba mới là khổ! Phải làm sao cho ông thứ tư còn lấy được vần “Bàm”, nếu không, mang danh là tiến sĩ mà để bị phạt uống một tô rượu thì nhục lắm. Bởi nghĩ thế nên ông mới buộc lòng ứng khẩu đọc tiếp:

Ấy nó là con cóc,

Thế rồi ông thứ tư đọc luôn:

Chẳng phải quả bàm bàm.

Khi đọc xong, ai nấy cũng đều ôm bụng cười:

Nghiến răng lừng biển Bắc,
Tắc lưỡi dậy trời Nam.
Ấy nó là con cóc,
Chẳng phải quả bàm bàm.

Thật ra, hai ông sau không phải là kém tài hay làm thơ dở mà chính đó mới là hay, là sát nghĩa vì cái dễ làm thì hai ông trên đã “hứng” mất rồi. Cái khó là làm sao phải gieo được vần “Bàm” mà không bị khổ độc, nên hai ông tiến sĩ sau đành phải ứng khẩu một cách “nôm na” như vậy.

Sao mày đối thiếu một chữ?

Trong các bậc văn nhân tiền bối nước ta như các cụ Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, bà Đoàn Thị Điểm đều nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt khi còn nhỏ và làm cho mọi người nể phục.

Nhưng kỳ lạ hơn hết, thật không ai bằng cụ Trạng Vũ Công Duệ, người làng Trình Xá, tỉnh Sơn Tây, mới ngoài 20 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê. Tính khí của cụ rất cương trực khiến các quan văn võ đều nể sợ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ cương quyết không theo phe nghịch thần, cụ mắng chửi Mạc Đăng Dung thậm tệ rồi ôm ấn nhảy xuống cửa Thần Phù tự tử chết.

Thuở nhỏ Công Duệ nhà rất nghèo, một hôm cùng mấy bạn đồng lớp trên đường đi học, Công Duệ lấy đất sét nặn thành con voi, bắt bốn con cua làm chân, bắt hai con bướm làm tai, bắt một con đỉa làm vòi. Thành ra con voi bằng đất sét biết đi, biết vẫy tai và co vòi lên xuống.

Lúc đó một vị quan đang cưỡi ngựa đi qua thấy lạ liền dừng ngựa lại xem. Sau khi hỏi Công Duệ một vài câu, thấy Công Duệ đối đáp trôi chảy chứng tỏ là một đứa bé có học và thông minh nên vị quan muốn thử tài mới bảo:

- Mày đã đi học rồi, vậy ta ra cho câu đối, nếu mày đối được ta sẽ thưởng tiền cho.

Công Duệ đồng ý và vị quan ra câu đối như sau:

Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ xảo.

(Trẻ nít sáu bảy đứa, không ai hơn mày khéo)

Trước khi đối, Công Duệ hỏi vị quan:

- Thế ông là gì đã?

Vị quan trả lời:

- Ta là Lang Trung, mỗi tháng lãnh hai ngàn thạch lúa.

Quan nói xong, Công Duệ liền ứng khẩu đối:

Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công...

(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông...)

Nghe Công Duệ đối như thế, vị quan ngạc nhiên mới hỏi:

- Tại sao mày đối thiếu một chữ?

Cậu bé Công Duệ mỉm cười, trả lời một cách hóm hỉnh:

- Còn một chữ nữa tôi để dành, hễ quan lớn thưởng tiền thật thì tôi đối là “Liêm”, bằng không thì tôi đối là “Tham”.

Vị quan nghe nói phải phục tài bèn móc túi thưởng tiền cho cậu bé Công Duệ để lấy được chữ “Liêm”, nên câu đối thành:

Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm.

(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông liêm)

Đều ở “chỗ đó” mà ra

Giai thoại truyền tụng rằng, nguyên bà Đoàn Thị Điểm, hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, em gái ông tiến sĩ Tuyết Am Đoàn Luân. Nữ sĩ sinh năm 1705 dưới triều vua Lê cùng thời với các ông Cống Quỳnh (Nguyễn Quỳnh) và Đặng Trần Côn. Bà nguyên họ Lê, đến đời thân phụ là Lê Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn. Kén chồng mãi đến năm 30 tuổi mới về làm thứ thất Thượng thư Nguyễn Kiều. Ông Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi. Đến năm 1746, ông Nguyễn Kiều được bổ đi trấn nhậm tỉnh Nghệ An, bà theo vào nhưng chẳng may nửa đường nhuốm bệnh nên vừa đến Nghệ An thì bà tạ thế năm 1748, thọ 43 tuổi.

Bà Đoàn Thị Diểm vốn tư chất thông minh, học một biết mười vì thế bà đã nổi tiếng về văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Bà là tác giả áng Chinh Phu Ngâm diễn Nôm do Đặng Trần Côn tiên sinh biên soạn bằng Hán văn, theo thể trường đoản cú, có nhiều câu dài đến 11 chữ và cũng có những câu ngắn chỉ có 3 chữ, sau đó được bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm theo thể song thất lục bát. Chinh Phụ Ngâm là một trong những áng thơ tuyệt tác của nền văn học Việt Nam. Một áng Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm cũng đủ nói lên sự nghiệp văn chương lỗi lạc của nữ sĩ tài hoa dưới thời Lê Trung Hưng. Tư chất thông minh nầy được truyền tụng qua nhiều giai thoại văn chương như sau:

Năm bà lên 15 tuổi, một hôm ông Luân xuống bờ ao ngắm trăng, chợt thấy em gái mình đang soi gương vẽ lông mày bên cửa sổ bèn ra câu đối để trêu em gái như sau: “Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm” (Soi gương vẽ mày, một chấm hóa thành hai chấm). Chữ điểm có nghĩa là cái chấm mà cũng có nghĩa là tên của bà Điểm.

Bà liền ứng đối ngay: “Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân. (Ý nói, đến ao ngắm trăng, nhìn xuống ao, một ông Luân hóa thành hai ông Luân). Chữ “song luân” của bà đối với chữ “lưỡng điểm” của ông anh.

Đến đời vua Lê Tuần Tôn, nhân dịp có sứ giả Trung Hoa sang nước ta, bà Đoàn Thị Điểm bèn dựng một cái quán nước bên đường với dụng ý thử tài văn chương của các sứ giả Tàu. Vì có dụng ý nên các cây cột trong quán bà cho dán đầy các câu đối khiến phái đoàn sứ giả Trung Hoa thấy lạ nên tò mò vào quán vừa uống rượu vừa xem các câu đối. Sau khi xem qua các câu đối, phái đoàn sứ giả Tàu biết bà chủ quán cũng là một bậc nữ nhi xuất thân từ Cửa Khổng Sân Trinh nên ra câu đối có ý trêu chọc cô hàng nước Nam Quốc như sau: “An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỳ nhân canh” nghĩa là “Nước Nam bé một tấc đất, chẳng biết có mấy người cày” (xin hiểu theo nghĩa bóng).

Bà Đoàn Thị Điểm liền ứng đối: “Bắc Quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất”, nghĩa là “các vị đại phu Nước Bắc (Trung Hoa) đều từ đó mà chui ra cả” (xin hiểu theo nghĩa bóng).

Qua câu đối của bà Đoàn Thị Điểm các sứ giả Tàu vừa thẹn vì nghĩa bóng của câu đối vừa phục tài của cô hàng nước Việt Nam. Nhờ các cuộc đối đáp và thử tài văn chương nầy mà triều đình ta được các sứ giả Trung Hoa hết sức kính nể và cũng từ đấy tên tuổi của bà Đoàn Thị Điểm lừng danh khắp nước về tài văn chương.

“Nói láo” qua thi phú

“Nói láo” là đặt điều, là bịa ra mà nói, là nói điều không đúng sự thật, và nói láo là một sự xấu. Ngày xưa, bầy tôi nói láo với vua là mang trọng tội. Chiếu theo luật pháp của các triều đại phong kiến, nói láo với vua là mang tội “khi quân” có thể bị xử trảm. Thế nhưng trong kho tàng văn chương ta có kẻ dám nói láo với vua và chẳng những không bị tội mà còn được nhà vua ban thưởng như giai thọai sau đây:

Số là, ông Đinh Nhật Thận hiệu Bạch Mao Am, sinh năm 1815, và mất năm 1860, người làng Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ Đình Nguyên Khoa Mậu Tuất năm Minh Mạng thứ 19, tức vào năm 1838 dương lịch. Ông được bổ làm quan ít lâu thì chán cảnh hoạn trường nên cáo quan về sinh sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc.

Ông Đinh Nhật Thận là bạn thân của nhà thơ “ngông” Cao Bá Quát, vì thế đến đời vua Tự Đức ông bị bắt giải về kinh vì bị tình nghi có nhúng tay vào vụ Cao Bá Quát khởi loạn. Nhưng vì không có bằng chứng nên được tha. Vua Tự Đức mến tài ông nên giữ ông ở lại kinh đô để dạy cho các tôn thất học.

Khi ở kinh thành, một hôm ông cùng các quan đại thần được theo ngự thuyền ngoạn cảnh trên sông Hương, nhân lúc vua và các quan đàm luận về đạo đức thánh hiền, ông có nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu” (Vua khiến tôi chết, tôi không chết không trung; cha khiến con chết, con không chết không hiếu) và cho đó là một câu chí lý mà mọi người phải theo.

Nghe ông nói vậy, vua Tự Đức mới phán:

- Thế bây giờ trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này mà chết đi, khanh có làm không?

Nghe nhà vua phán, các quan ai nấy đều lo cho số phận của ông vì không nhảy thì mang tội bất trung còn nhảy thì chết một cách oan uổng. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh, lạy tạ nhà vua xong rồi lao mình xuống sông Hương. Giòng nước bắn tung tóe, mọi người đều nghĩ đây là nơi an giấc nghìn thu của ông Đinh Nhật Thận. Thế là kết liễu một đời tài hoa không tội lỗi...

Nhưng chỉ giây lát sau ông ngoi đầu lên bơi đến bám vào ngự thuyền, vua Tự Đức thấy vậy bèn hỏi:

- Sao khanh không ở dưới đó mà chết đi còn trở lên đây?

Ông đáp:

- Thần định ở nhưng vừa xuống tới đáy sông thì gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần bằng hai câu thơ như sau:

“Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn!
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?”


(Ta gặp vị vua hắc ám nên phải chịu chết oan đã đành,
còn người gặp một vì vua sáng suốt cớ sao lại chết đuối?)

Thần nghe ông ấy mắng đúng lắm nên phải lên đây tâu bệ hạ rõ.

Vua Tự Đức nghe qua cả cười, sai thị vệ đón ông lên ngự thuyền, lấy quần áo cho thay, rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng. Thưởng cho cái tài ứng phó mẫn tiệp mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, tức là nói láo. (Khuất Nguyên là một thi hào của Trung Hoa, nhà vua của ông ham mê tửu sắc không lo việc nước, ông bèn khuyên can nhưng nhà vua không chịu nghe nên ông buồn chán viết thiên “Ly Tao” và làm bài phú “Hoài Sa” rồi cột đá vào người nhảy xuống sông tuẫn tiết để cảnh cáo nhà vua).

Đó là nói láo đấy, nhưng nói láo mà nhà vua phải khen, các quan phải phục và người đời sau ca tụng mãi mãi. Lối nói láo đó không làm hại gì ai, trái lại còn tô điểm cho kho tàng văn học thêm phong phú. Ở đời mấy ai không nói láo, nhưng đã mấy ai nói láo có nghệ thuật để thiên hạ biết mình nói láo mà vẫn nghe, vẫn phục và vẫn có thiện cảm!

Dùng Truyện Kiều điều khiển trâu

Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ quanh năm học ở tỉnh thành, nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn vừa cười đùa vui vẻ, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen. Thấy anh chàng thư sinh lững thững tiến đến, một cô trong bọn ngâm một câu Kiều:

Trông chừng thấy một văn nhân...

Rồi cô bỏ lửng, chàng thư sinh hí hửng, vuốt vạt áo the đứng ngóng nghe câu tiếp theo. Chợt một cô khác cất giọng:

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao...

Tưởng mình được mấy cô ví là Kim Trọng không dè các cô cắc cớ lại ví mình với Mã Giám Sinh nên anh ta vừa thẹn vừa tức. Tuy nhiên thấy các cô xinh xinh lại ngâm Kiều mà Kiều là sở trường của mình, anh chàng liền lên mặt thách thức:

- Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?

Một cô nhanh nhẩu đáp:

- Chúng em quê mùa, ít học đâu dám khoe tài. Còn anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.

Chàng thư sinh hơi chột dạ, tự nhủ: “Chết chửa, xưa nay mình có dùng Kiều để điều khiển trâu bao giờ đâu?” Tuy thế anh ta cũng tìm được hai câu Kiều và tin chắc rằng sẽ điều khiển con trâu đứng lại nên anh chàng mạnh dạn đọc:

Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi khiến các cô cười ầm. Tưởng con trâu chưa nghe, anh lại đọc hai câu khác:

Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn “đứng” giữa trời trơ trơ.

Lần này anh thư sinh hét to chữ “đứng” nhưng con trâu vẫn tiếp tục đi.

Một cô liền nói:

- Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho. Đoạn cô ngâm:

“Họ”... Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.

Cô đọc to và kéo dài chữ “Họ”, quả nhiên con trâu đứng lại ngay. Kế đó, một cô khác lại thách:

- Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?

Bị “xệ” quá, muốn gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:

Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng “đi” thiếp cũng một lòng xin “đi”.

Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng “đi”, con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Anh ta bèn chạy theo con trâu đọc lại lần nữa nhưng nó cũng cứ đi thẳng. Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh chàng dõng dạc ngâm:

Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Chàng ta cố ý kéo dài chữ “rẽ”, nhưng con trâu vẫn chậm rãi đi thẳng khiến các cô lại ôm bụng cười một lần nữa. Anh chàng tiu nghỉu, thẹn tím cả mặt. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:

Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong “vắt” thấy gì nữa đâu.

Cô nhấn mạnh chữ “vắt”, quả nhiên con trâu ngoan ngoản rẽ sang bên phải. Tiếng “họ” và tiếng “vắt” là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, “họ” là đứng lại, còn “vắt” là rẽ sang phải.

Hỗn với tôi thì tôi vả vào mặt bây giờ!

Lại một giai thoại văn chương khác, cũng dùng truyện Kiều để thử tài nhau. Chuyện kể rằng có cô hàng nước vừa trẻ lại vừa đẹp, giỏi về văn chương, làu thông truyện Kiếu. Các cậu cống, ông đồ, nho sinh nghe đồn kéo đến rất đông, ai cũng muốn khoe tài với hy vọng được lọt vào “mắt xanh” của người đẹp. Nhưng đã từ lâu mà chưa ai địch nổi “mồm mép văn chương” của giai nhân. Một hôm có anh thư sinh vào quán uống nước nghỉ chân, cô hàng nước cũng quen thói như mọi lần, giở giọng “đàn chị văn chuong” ra trêu chọc chàng nho sinh. Nhưng chàng đối đáp trôi chảy lại có phần cứng cỏi. Cuối cùng cô nàng bèn ngâm hai câu Kiều:

Khen cho con... mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

Khi ngâm cô nàng nhấn mạnh ba chữ “khen cho con”, nghỉ một lát rồi mới đọc tiếp ba chữ sau thành câu thơ có nghĩa: “Khen cho con đấy, con ạ!”. Chàng nho sinh hiểu ý bèn ngâm hai câu thơ cũng trong Kiều:

Vả... trong thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.

Lúc ngâm, chàng cũng nhấn mạnh tiếng “Vả...”, cũng nghỉ một lát rồi mới đọc tiếp những tiếng sau cho nên câu thơ có ý nghĩa: “Hỗn với tôi thì tôi vả vào mặt bây giờ!”

Thấy chàng thư sinh đối đáp lưu loát, hóm hỉnh, cô nàng vừa thẹn, vừa phục và từ đó người đẹp cũng bỏ luôn cái thói lên mặt “đàn chị” với mọi người.

Richmond – Virginia




VVM.24.10.2023-NVA1273.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .