Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TÌNH YÊU TRONG
TRUYỆN VÕ HIỆP CỦA KIM DUNG




K im Dung đã viết nhiều bộ truyện võ hiệp, mỗi bộ đều có một hay nhiều nhơn vật chánh yếu. Nếu chỉ lấy các tác phẩm nổi tiếng nhứt của ông làm để tài nghiên cứu, chúng ta có thể kể các nhơn vật chánh yếu độc đáo sau đây:

KIỀU PHONG (TIÊU PHONG) – A TỬ

Tiêu Phong là con một nhà quý tộc của nước Đại Liêu và thuộc nòi giống Khiết Đơn. Lúc ông còn bé, gia đình ông đã bị một số cao thủ võ lâm người Hán là dân nước Đại Tống đón đường và tấn công ở bên ngoài cửa ải Nhạn Môn (ở địa phận tỉnh Sơn Tây ngày nay). Mẹ ông cùng các bộ hạ của gia đình ông bị sát hại, thân phụ ông nhảy xuống vực sâu tự tử sau khi đã giết hay đánh ngã hết những người tấn công gia đình mình. Các cao thủ võ lâm người Hán còn sống sót trong cuộc đánh nhau này đã ý thức rằng họ đã nhầm lẫn khi tấn công gia đình này. Do đó họ thấy có trách nhiệm phải dung tha và bảo bọc cho đứa bé còn sống và được cha nó vất trên mình của một người trong bọn họ. Họ đã giao nó cho một cặp vợ chồng nông dân không con họ Kiều nuôi làm con và đặt tên đứa bé là Kiều Phong.

Lúc bảy tuổi, Kiều Phơng đã bị một con chó sói sắp vồ, nhưng được một nhà sư ở chùa Thiếu Lâm là Huyền Khổ cứu rồi dạy võ công cho. Sau đó ông lại được Uông Kiếm Thông là Bang Chủ Cái Bang thâu nhận làm đồ đệ và cho vào Cái Bang. Nhờ thông minh dũng cảm, lại võ nghệ cao cưòng, Kiều Phơng đã lập được nhiều công lao cho Cái Bang và được Uông Kiếm Thông chọn làm người kế vị để điều khiển Cái Bang.

Với tư cách Bang Chủ Cái Bang, Kiều Phong được phần lớn người trong bang chúng mến phục. Tuy nhiên, vì không ưa nữ sắc, ông bị Mã Phu Nhơn là vợ của Phó Bang Chủ Mã Đại Nguyên thù hận, chỉ vì lý do bà là một phụ nữ sắc đẹp lộng lẫy, ai cũng ngắm nhìn một cách mê say mà riêng Kiều Phong lại không để ý đến bà. Mã Phu Nhơn biết rằng chồng bà có giữ một mật thơ của Uông Kiếm Thông dặn phải giám thị Kiều Phong và nếu thấy ông này có hành vi thân Liêu phản Tống thì phải hạ sát ngay. Bà đã xui giục chồng tiết lộ nguồn gốc Khiết Đơn của Kiều Phong để truất ngôi bang chủ của ông . Nhưng mặc dầu không thân cận với Kiều Phong vì tâm tánh không thích hợp nhau, Mã Đại Nguyên rất mến phục Kiều Phong nên không nghe lời vợ. Mã Phu Nhơn bèn tư thông với một Trưởng Lão của Cái Bang là Bạch Thế Kính và âm mưu với ông này giết Mã Đại Nguyên rồi vận động để hạ bệ Kiều Phong. Việc Kiều Phong gốc là người Khiết Đơn đã được công khai chứng minh trong một phiên họp sôi nổi của Cái Bang và mặc dầu một phần bang chúng vẫn còn mến phục ông, Kiều Phong đã từ chức Bang Chủ.

Từ lúc bé, Kiều Phong đã được người Hán nuôi dưỡng và dạy dỗ nên theo tinh thần người Hán, thù ghét và khinh thị người Khiết Đơn vốn bị người Hán cho là một giống người dã man hung ác. Khi hoạt động cho Cái Bang, ông đã mạnh mẽ chống lại người Khiết Đơn và đã phá được nhiều mưu đồ của họ. Bởi đó, Kiều Phong rất uất ức về chỗ ông bị cho là người Khiết Đơn. Tuy không thể bác bỏ các bằng chứng đã được đưa ra, ông vẫn chưa tin chắc rằng mình thuộc nòi giống Khiết Đơn . Thêm nữa, những người đã xác nhận ông là người Khiết Đơn trong phiên họp của Cái Bang đã không cho ông biết rõ về thân thế của ông. Họ cũng giấu tên người cầm đầu cuộc tấn công gia đình ông mà chỉ gọi đó là Thủ Lãnh Đại Ca. Vì thế, Kiều Phong cố điều tra tra để biết rõ hơn về thân thế thật sự của mình. Nhưng khi ông về thăm cha mẹ nuôi và thầy là Huyền Khổ Đại Sư thì tất cả đều bị giết và ông đã bị nghi là thủ phạm, thành ra phần lớn giới võ lâm người Hán đã lên án ông là tàn độc và vong ơn bội nghĩa.

Trong khi vào chùa Thiếu Lâm thăm thầy rồi bị nghi là đã hạ sát thầy và bị các nhà sư trong chùa lùng bắt, Kiều Phong đã gặp lại A Châu là người nhà của Mộ Dung Phục. Cô này vốn giỏi về thuật hóa trang nên đã trá hình làm một nhà sư Thiếu Lâm và lén ở trong chùa để đánh cắp bộ DỊCH CÂN KINH rồi lại tình cờ vào ẩn núp chung một chỗ với Kiều Phong. Do đó, khi bị các nhà sư Thiếu Lâm phát giác được chỗ ẩn nấp và mở cuộc tấn công, Kiều Phong đã mang A Châu chạy đi, nhưng cô này đã bị đánh trọng thương. Vì nhận thấy mình có phần trách nhiệm trong việc làm cho A Châu bị thương như vậy Kiều Phong nhứt đinh phải cứu cô khỏi chết nên đã mang cô đến Tụ Hiền Trang của nhà họ Du để nhờ một thần y nổi tiếng đương thời là Tiết Mộ Hoa chữa trị cho cô, mặc dầu biết rằng quần hào người Hán đang họp tập ở đó để luận tội ông. Kiều Phong đã đánh nhau với quần hào. Ông đã hạ sát nhiều người, nhưng chính ông cũng bị lâm nguy và chỉ thoát được nhờ sự giúp đỡ của một người bịt mặt mặc áo đen.

Khi đã bình phục, Kiều phong ra cửa ải Nhạn Môn để quan sát chỗ cha mẹ mình chết và gặp lại A Châu ở đó. Cô này nguyên đã được Tiết Mộ Hoa chữa trị cho vì sự uy hiếp của người thuộc Cái Bang chịu sự ủy thác của Kiều Phong, rồi đã trốn đi được khi lành bịnh. Cô đoán là Kiều Phong thế nào cũng ra ải Nhạn Môn nên đã đến đó để đón ông và quả nhiên đã gặp ông.

Lúc ấy, một đám dân Khiết Đơn bị một toán quân Đại Tống săn đuổi và tàn sát chạy ngang qua. Kiều Phong động lòng nghĩa hiệp ra binh vực những người dân này và do đó mà thấy trước ngực của một cụ già Khiết Đơn có xâm hình một cái đầu chó sói xanh, y hệt như hình xâm trên ngực mình. Điều này làm cho Kiều Phong tin chắc mình thuộc nòi giống Khiết Đơn. Nhưng lúc đó, ông đã đồng thời nhận chân rằng người Hán cũng có thể hung ác và tàn sát dân vô tội của nước khác chớ không phải chỉ có người Khiết Đơn là dã man như ông đã được dạy từ nhỏ. Nhận định này làm cho ông không còn lấy việc mình là người Khiết Đơn làm một điều xấu hồ. Mặt khác, vì thấy A Châu vẫn tỏ ra khâm phục mình và cảm kích mình mặc dầu biết mình là người Khiết Đơn, Kiều Phong bắt đầu yêu A Châu.

Khi đã biết chắc rằng cha mẹ mình đã bị hại một cách oan ức, Kiều Phong quyết định báo thù và cố tìm để biết Thủ Lãnh Đại Ca là ai. Nhưng những người có thể cho ông biết tên của vi cao thủ võ lâm đó đều bị giết chết. Riêng một người đã tham dự cuộc tấn công ở ngoài ải Nhạn Môn là Trí Quang Đại Sư đã gặp lại Kiều Phong và cho biết rằng thân phụ ông tên là Tiêu Viễn Sơn, nhưng không chịu cho biết tên của Thủ Lãnh Đại Ca và tự làm cho mình viên tịch. Khi đã biết thân thế của thân phụ, Kiều Phong đã trở về với họ thật của mình là họ Tiêu.

A Châu đã cố giúp Tiêu Phong tìm tung tích của Thủ Lãnh Đại Ca và được Mã Phu Nhơn bảo cho biết đó là Đoàn Chánh Thuần, em ruột của vua nước Đại Lý. Nhưng đến lúc tìm ra chỗ ở của Đoàn Chánh Thuần, A Châu lại phải giác rằng mình là con tư sinh của ông này với bà Nguyễn Tinh Trúc và ngoài mình ra hai ông bà này còn một đứa con gái khác nhỏ hơn tên là A Tử. Cô biết rằng cô không thể ngăn cản Tiêu Phong giết cha mình để trả thù, đồng thời cũng muốn cho Tiêu Phong thấy rằng ai cũng có thể vô tình gây nên tội và thứ lỗi cho cha mình nên quyết định chết thay cha. Cô trá hình làm Đoàn Chánh Thuần đến nơi ông này ước hẹn gặp Tiêu Phong và bị Tiêu Phong đánh trọng thương. Trước khi chết, cô xin Tiêu Phong chiếu cố cho em gái mình là A Tử. Tiêu Phong rất đau đớn vì đã có mối tình sâu đậm với A Châu. Ông càng hối hận hơn vì đã phát giác liền theo đó rằng Đoàn Chánh Thuần không phải là Thủ Lãnh Đại Ca. Nhưng vì ý muốn tìm cho ra chân tướng của nhơn vật này ông bỏ ý định tự tử theo A Châu.

Tuy nhiên, vì Mã Phu Nhơn đã chết trước khi ông hỏi được bà ta về việc này nên Tiêu Phong không còn cách nào tìm ra manh mối kẻ thù và quyết đinh trở về cửa ải Nhạn Môn…Lúc ấy A Tử đã yêu ông và nhất định theo ông. Vì có lời hứa với A Châu lúc cô này sắp tắt hơi nên Tiêu Phong không thể rời bỏ A Tử mặc dầu ông không thấy thích cô vì cô là đồ đệ phái Tinh Tú và bị ảnh hưởng của phái này nên rất ác độc và xảo trá. A Tử định phun độc châm vào người Tiêu Phong để ông bị tê liệt không tự đi đứng được và ông phải mãi mãi ở gần cô. Nhưng Tiêu Phong đã phản ứng để tự vệ và do đó mà làm cho A Tử bị trọng thương. Vì muốn cứu chữa cho A Tử, ông phải mang cô lên miền bắc lạnh lẽo để có thể tìm nhiều nhơn sâm, cao hổ cốt và mật gấu cho cô dùng.

Trong khi ở miền bắc, Tiêu Phong đã hợp tác với người Nữ Chân và nhơn một cuộc đi săn, đã bắt được một nhà lãnh tụ Khiết Đơn làm tù binh. Nhưng thay vì bắt ông này bỏ tài sản ra để tự chuộc mình, Tiêu Phong đã thả ông và kết nghĩa anh em với ông. Nhà lãnh tụ bị Tiêu Phong bắt chính là vua nước Đại Liêu. Khi Tiêu Phong sang nước này để gặp ông thì địa vị ông đang lâm nguy vì một cuộc biến loạn. Nhờ Tiêu Phong giúp, ông chế ngự được những người muốn cướp ngôi ông. Do đó, ông đã phong Tiêu Phong chức tước lớn nhứt trong triều đình là Nam Văn Đại Vương, lỵ sở ở Nam Kinh của nước Đại Liêu (tức là Bắc Kinh ngày nay).

Lúc này, A Tử đã hoàn toàn bình phục và bỏ đi mà không cho Tiêu Phong biết. Tiêu Phong phải đi về phía nam đế tìm cô và đến chùa Thiếu Lâm ngay lúc quần hào gặp nhau ở đó vì có cuộc tỷ thí để tranh ngôi Minh Chủ Võ Lâm. Trong dịp này, Tiêu Phong đã gặp được thân phụ mình là Tiêu Viễn Sơn. Ông này đã không chết khi nhảy xuống vực sâu nhờ rớt nhằm một cành cây, và không còn ý đinh tự tử nữa mà lại muốn báo thù. Ông đã trá hình làm một nhà sư bịt mặt mặc áo đen và lẽn vào chùa Thiếu Lâm ở đó trong 30 năm nên đã biết hết tự sự . Chính ông đã cứu Tiêu Phong khỏi bị quần hào giết ở Tụ Hiền Trang. Và cũng chính ông đã giết cha mẹ nuôi và thầy của Tiểu Phong cùng những người đã biết vụ xảy ra ở ngoài cửa ải Nhạn Môn mà cố tình che giấu tung tích Thủ Lãnh Đại Ca để bảo vệ cho ông này. Phần Tiêu Viễn Sơn thì đã biết đó là Huyền Từ Đại Sư, Phương Trượng chùa Thiếu Lâm. Tuy là một cao tăng, ông này đã tư tình với một thiếu nữ và có một đứa con trai. Tiêu Viễn Sơn đã bắt cóc đứa con trai này từ lúc nhỏ cho Huyền Từ và tình nhơn phải đau khổ. Đứa con trai đó là một nhà sư pháp danh Hư Trúc cũng tu trong chùa Thiếu Lâm. Trong cuộc hội họp quần hào kỳ này, Tiêu Viễn Sơn đã tố giác rằng cha Hư Trúc là một vị cao tăng. Thế chẳng đặng đừng, Huyền Từ phải công khai nhìn nhận rằng mình đã phạm tội tà dâm và tự quyết định sự trừng phạt mình là đánh 200 gậy. Ông đã nhận chịu hình phạt này rồi tự cắt đứt kinh mạch mà chết.

Sau đó, Tiêu Viễn Sơn nhờ sự chỉ điểm của một nhà sư già mặc áo xám trong chùa Thiếu Lâm mà giác ngộ và qui y ở chùa này. Ông căn dặn Tiêu Phong là phải cố giữ cho hai nước Đại Liêu và Đại Tống không đánh nhau. Vì đã bị mù, A Tử muốn đi chữa cho mắt sáng lại. Bởi đó sau khi đi Tây Hạ để giúp Đoàn Dự trong việc cầu thân với công chúa nước ấy, Tiêu Phong đã về nước Đại Liêu một mình. Lúc ấy, vua Đại Liêu nghe tin vua nhà Đại Tống có sự bất hòa với các đại thần và bị dân chúng oán thán nên có ý định dấy binh chinh phạt Đại Tống. Ông muốn phong cho Tiêu Phong chức Bình Nam Đại Nguyên Soái và giao cho Tiêu Phong nhiệm vụ chánh trong công cuộc xâm lăng này. Nhưng Tiêu Phong không muốn có sự chiến tranh giữa người Khiết Đơn với người Hán.

Trong khi đó, A Tử đã chữa được mắt nhờ một người mê say cô là Du Thản Chi cho cô cặp mắt của anh ta và cô đã trở về Đại Liêu. Tiêu Phong cho A Tử biết rằng ông chỉ yêu A Châu và tự xem như anh hay chú của A Tử . Ông khuyên A Tử nên nhận Du Thản Chi làm chồng. Sau đó, ông treo ấn từ quan nhưng bị vua Đại Liêu bắt giam. A Tử đã thoát được và huy động các bạn hữu của Tiêu Phong đến cứu ông. Họ đã giải thoát được Tiêu Phong khỏi ngục, nhưng bị quân Đại Liêu do chính nhà vua nước này điều khiển đuổi theo rất gấp. Để giải nguy, hai người bạn võ công cao cường của Tiêu Phong là Đoàn Dự và Hư Trúc Tử đã liều mạng xông vào giữa đám quân địch để bắt vua Đại Liêu đem về phía mình. Tiêu Phong đã đoạt lại được nhà vua này rồi yêu cầu ông ta công khai xem Đại Tống là nước anh em của Đại Liêu và chịu bãi binh, nếu không thì mọi người cùng chết. Vua Đại Liêu phải chấp nhận điều kiện này. Vậy, Tiêu Phong đã thực hiện được tâm nguyện của thân phụ và của chính mình. Nhưng vì muốn thực hiện tâm nguyện này, ông đã uy hiếp vua Đại Liêu nên tự xem là mình có tội đổi với Tổ Quốc và tự tử ngay tại chỗ. A Tử móc mắt trả cho Du Thản Chi rồi ôm thây ông nhảy xuống vực sâu để được mãi mãi ở gần ông như tâm nguyện của cô.

ĐOÀN DỰ - VƯƠNG NGỌC YẾN

Đoàn Dự là người thuộc hoàng tộc nước Đại Lý. Ông được biết với tư cách là con của Trần Nam Vương Đoàn Chánh Thuần, em ruột của vua Đại Lý là Đoàn Chánh Minh. Vì Đoàn Chánh Minh không có con nên ai cũng biết rằng ngôi vua Đại Lý sẽ truyền cho Đoàn Chánh Thuần, rồi sau đó thì đến Đoàn Dự.

Nước Đại Lý là một nước tôn sùng Phật Giáo. Bởi đó, từ nhỏ, Đoàn Dự đã được dạy về giáo lý đạo này cùng với Nho Giáo thành ra thấm nhuần tư tưởng từ bi và nhân nghĩa. Nhưng ngoài ra, ông còn bị bác và cha bắt phải học môn võ gia truyền trứ danh của gia tộc mình là Nhứt Dương Chỉ. Ông thấy võ nghệ là môn học dùng để đánh và giết người trái với lòng từ bi của Phật Giáo và chủ trương nhân nghĩa của Nho Giáo nên không chịu học. Vì đó, ông đã bị bác và cha ông phạt, và bỏ nhà trốn đi.

Vì không biết võ công cũng không biết lề luật giang hồ, lại có tính ngay thẳng và hay can thiệp để binh vực người mà ông cho là bị ức hiếp, Đoàn Dự đã nhiều lần nguy hiểm vì đụng chạm với các phe phái võ lâm chống đối nhau. Do sự tình cờ, ông vào được trong một thạch động chứa đựng những bí ẩn của Kiếm Phái Vô Lượng và học được phép Lăng Ba Vi Bộ là một phương pháp né tránh rất tài tình làm cho kẻ địch không đánh trúng mình được. Cũng trong lúc bỏ nhà trốn đi như vậy, Đoàn Dự đã gặp được hai cô gái là Chung Linh và Mộc Uyển Thanh. Riêng Mộc Uyển Thanh đã nhận làm vợ Đoàn Dự. Nhờ các cao thủ của triều đình Đại Lý đến cứu nên Đoàn Dự và Mộc Uyễn Thanh đã được đưa về thủ đô Đại Lý. Nhưng cả Chung Linh và Mộc Uyễn Thanh đều là con tư sinh của Đoàn Chánh Thuần nên hôn sự của Đoàn Dự và Mộc Uyễn Thanh đã không thành tựu.được

Trong số những kẻ địch đã uy hiếp Đoàn Dự lúc ông bỏ nhà ra đi có nhóm Tứ Ác mà người cầm đầu là Đoàn Diên Khánh. Ông này vốn là người trong hoàng tộc họ Đoàn, nhưng vì một cuộc chánh biến trong triều trước đó, thân phụ ông đã mất ngôi báu và ngôi này về sau đã về Đoàn Chánh Minh. Đoàn Diên Khánh không chấp nhận việc này và cố tìm cách tranh ngôi báu trở lại. Do chủ trương của ông, Đoàn Dự đã bị bắt và nhốt chung với Mộc Uyễn Thanh. Cả hai người đều bị cho uống thuốc kích thích dục tình để hai anh em phạm tội loạn luân. Như vậy, dòng của Đoàn Chánh Minh và Đoàn Chánh Thuần phải mất thanh danh không còn giữ ngôi vua được và phải giao nó về cho Đoàn Diên Khánh.

Đoàn Dự sợ không tự chế ngự nổi dục tình và phạm tội loạn luân với em gái nên đã cố ý tự tử bằng cách nuốt hai con Mãnh Cổ Châu Cáp mà Chung Linh đã giao cho ông trước đó. Mãnh Cổ Châu Cáp là một loại ảnh ương nhỏ màu đỏ rất độc. Nhưng sau khi nuốt hai con vật này, Đoàn Dự đã không chết mà lại có khả năng thâu hút nội lực những người có võ công đụng chạm đến mình ông. Ông đã thật sự thâu hút nội lực nhiều cao thủ có ỳ muốn cứu ông hay chữa trị cho ông. Sau khi giải thoát Đoàn Dự, Đoàn Chánh Minh đã nhận thấy điều này. Ông đã đưa cháu đến chùa Thiên Long là chùa của hoàng tộc Đại Lý để xin các đại sư của chùa này chữa trị cho cháu.

Chính lúc ấy, chùa Thiên Long lại phải đương đầu với một kẻ địch mạnh đến viếng. Đó là Cưu Ma Trí, quốc sư nước Thổ Phồn. Ông này đề nghịi đem đồ phổ của 72 môn tuyệt kỹ Thiếu Lâm đổi lấy kiếm phổ dạy môn Lục Mạch Thần Kiếm là kiếm phổ độc đáo của gia tộc họ Đoàn phát xuất từ môn võ Nhứt Dương Chỉ. Mục đích của Cưu Ma Trí là lấy kiếm phổ này đến đốt ở mộ của người bạn là Mộ Dung Bác để thực hiện một lời hứa của mình đối với người bạn ấy. Lục Mạch Thần Kiếm vốn là một kiếm pháp dựa vào sáu mạch trong cơ thể con người. Nó rất cao siêu, nhưng rất khó luyện nên chưa ai luyện được nó trọn vẹn. Bởi vậy, các nhà sư chùa Thiên Long phải lựa sáu cao thủ , mỗi người chỉ luyện một đường kiếm thuộc về một mạch và liên hợp nhau để đối phó với Cưu Ma Trí. Đoàn Chánh Minh đã được yêu cầu xuống tóc làm một nhà sư để giữ vai tuồng cao thủ thứ sáu trong cuộc chiến đấu. Nhưng các nhà sư chùa Thiên Long vẫn không thắng nổi Cưu Ma Trí và phải hủy phá kiếm phổ để nó không lọt vào tay Cưu Ma Trí.

Vì phải đồi phó với Cưu Ma Trí nên các nhà sư chùa Thiên Long không chữa tri cho Đoàn Dự được, nhưng Đoàn Dự nhờ chứng kiến sự luyện tập của họ mà thuộc hết các bí quyết của Lục Mạch Thần Kiếm. Tuy nhiên, ông không có võ công nên không vận chơn khí để sử dụng kiếm pháp này như ý muốn được Cưu Ma Trí nên Đoàn Dự bị Cưu Ma Trí mang đi.

Nhưng khi Cưu Ma Trí đến nơi căn cứ của Mộ Dung Phục là con của Mộ Dung Bác, ông đã không được đón tiếp, mà người nhà của Mộ Dung Phục là A Bích và A Châu còn tìm cách giải thoát Đoàn Dự. Họ cùng Đoàn Dự chạy trốn, nhưng vì hoảng hốt, lại lạc vào Mạn Đà Sơn Trang của Vương Phu Nhơn. Bà này là cô của Mộ Dung Phục, nhưng không thuận với ông. Trong khi đó, con gái bà là Vương Ngọc Yến lại yêu Mộ Dung phục. Cô sợ nếu mẹ cô trừng phạt người nhà của Mộ Dung Phục thì cô sẽ không còn kết hôn với Mộ Dung Phục được. Do đó, cô cùng với họ tìm cách trốn đi để tìm Mộ Dung Phục. Đoàn Dự khi thấy Vương Ngọc Vền, đã mê sắc đẹp của cô. Ông đã luôn luôn theo dõi cô và đã nhiều lần liều mạng để cứu cô ra khỏi sự nguy hiểm. Mặc dầu cô cho ông biết rằng quả tim của cô đã thuộc về Mộ Dung Phục, và cô thật sự lúc nào cũng chỉ quan tâm đến Mộ Dung Phục, Đoàn Dự vẫn giữ nguyên mối tình đổi với Vương Ngọc Yến. Nhưng Đoàn Dự đã không tỏ ra ganh tỵ với Mộ Dung Phục mà chỉ mong cho Vương Ngọc Yến được hạnh phúc.

Trong khi lăn lộn trong chốn giang hồ lần này, Đoàn Dự đã kết làm anh em với Tiêu Phong và Hư Trúc tức là Hư Trúc Tử.

Khi hay tin vua Tây Hạ chánh thức chọn phò mã, triều đình Đại Lý đã bảo Đoàn Dự đi dự cuộc tuyển lựa này, vì nghĩ rằng nếu Đoàn Dự cưới được công chúa Tây Hạ thì Đại Lý sẽ có một nước đồng minh mạnh giúp mình tự vệ đối với các nước khác. Đoàn Dự phải tuân lịnh triều đình, nhưng thật sự lòng ông chỉ nghĩ đến Vương Ngọc Yến. Cuối cùng, Vương Ngọc Yến thấy rõ chân tình của ông và chịu chấp nhận làm vợ của ông. Trong dịp đi Tây Hạ, Đoàn Dự lại tăng thêm công lực vì sự ngẫu nhiên làm cho ông thâu hút hết nội lực của Cưu Ma Trí.

Trong lúc Đoàn Dự vừa bị Cưu Ma Trí bắt đi thì thân phụ ông là Đoàn Chánh Thuần đã được Đoàn Chánh Minh phái đi tìm ông với sự phụ lực của một số cao thủ của nước Đại Lý. Đoàn Chánh Thuần vốn là người đa tình nên ngoài bà vợ cả là Thư Bạch Phụng, mẹ Đoàn Dự, ông lại còn nhiều người yêu khác. Trong số các tình nhơn này, chẳng những có Tần Hồng Miên là mẹ Mộc Uyễn Thanh, Chung Phu Nhơn là mẹ Chung Linh, Nguyễn Tinh Trúc là mẹ A Châu và A Tử, mà lại còn có Mã Phu Nhơn và cả đến Vương Phu Nhơn là mẹ Vương Ngọc Yến. Trừ Chung Phu Nhơn đã có chồng và trung thành với người chồng hiện tại, những người khác đều còn nặng tình với Đoàn Chánh Thuần. Nhưng người nào cũng rất ghen tương và muốn độc chiếm Đoàn Chánh Thuần. Có người như Mã Phu Nhơn nếu không độc chiếm được ông thì thà thấy ông chết còn hơn là để ông sống với người đàn bà khác. Bà đã nói với A Châu rằng Đoàn Chánh Thuần là Thủ Lãnh Đại Ca để cho Kiều Phong giết Đoàn Chánh Thuần, vì lúc ấy, bà cho rằng Đoàn Chánh Thuần không còn nghĩ gì đền bà.

Khi được lịnh đi tìm Đoàn Dự, Đoàn Chánh Thuần đã nhơn cơ hội đi thăm lại các tình nhơn. Nhưng ông đã không tìm đến Vương Phu Nhơn vì bà này trước đó đã quyết liệt yêu cầu ông phải giết Thư Bạch Phụng để lấy bà làm vợ cả. Mặt khác, Đoàn Chánh Thuần lại phải né tránh Đoàn Diên Khánh đang đi tìm ông để gia hại.

Do kế hoạch của Vương Phu Nhơn, về sau có sự tiếp tay của Đoàn Diên Khánh và Mộ Dung Phục, cả Đoàn Chánh Thân, các bà vợ cùng tình nhơn của ông cũng như Đoàn Dự đều bị bắt đưa về Mạn Đà Sơn Trang. Nhưng mỗi bên trong nhóm các người mưu đồ việc bắt bớ này đều có dụng ý riêng. Vương Phu Nhơn muốn buộc Đoàn Chánh Thuần phải từ bỏ chức vụ và vợ cả cùng các tình nhơn khác để đến ở với bà vĩnh viễn. Đoàn Diên Khánh thì muốn ép Đoàn Chánh Thuần và Đoàn Dự nhường việc kế vị ngôi vua Đại Lý cho mình. Phần Mộ Dung Phục, ông muốn lấy thế nước Đại Lý đế khôi phục nước Đại Yên.

Theo kế hoạch của Mộ Dung Phục thì Đoàn Dự phải bị hạ sát. Nhưng mặc dầu đã dùng hơi độc chế ngự được hết mọi người, Mộ Dung Phục đã không đạt ý nguyện được, vì bất ngờ Thư Bạch Phụng đã dùng ẩn ngữ để cho Đoàn Diên Khánh biết rằng Đoàn Dự chính là con ông. Nguyên trước đó, Thư Bạch Phụng tức giận Đoàn Chánh Thuần không trung thành với bà nên trả thù bằng cách tìm lấy bất cứ người nào bà gặp trước hết, và người đó ngẫu nhiên lại là Đoàn Diên Khánh. Khi đã nhận được Đoàn Dự quả là con mình, Đoàn Diên Khánh không còn muốn cho Mộ Dung Phục giết Đoàn Dự như dự liệu. Nhưng lúc đó, ông đã bị chế ngự nên không còn đối phó với Mộ Dung Phục được. Tuy nhiên, lúc Mộ Dung Phục đã giết hết các bà tình nhơn của Đoàn Chánh Thuần và sắp hạ sát Thư Bạch Phụng thì Đoàn Dự bị kích thích được mối nguy của mẹ nên thình lình phát huy được chơn lực và bứt đứt dây trói rồi dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh Mộ Dung Phục làm cho Mộ Dung Phục phải bỏ chạy.

Đoàn Chánh Thuần thấy các mối tình phóng đãng của mình đã gây nhiều oan nghiệt và đau lòng vì cái chết của các tình nhơn nên đã tự tử. Thư Bạch Phụng cũng tự tử, nhưng trước khi chết, đã kín đáo cho Đoàn Dự biết rằng ông là con Đoàn Diên Khánh và do đó mà có thể cưới Vương Ngọc Yến làm vợ, vì Vương Ngọc Yến là con của Đoàn Chánh Thuần và Vương Phu Nhơn nên không có mối liên hệ anh em với Đoàn Dự.

Đoàn Dự về nước Đại Lý rồi thì nói hết sự thật cho Đoàn Chánh Minh nghe. Ông này nghĩ rằng nếu Đoàn Dự là con Đoàn Diên Khánh thì vấn đề xung đột nội bộ giữa người trong hoàng tộc họ Đoàn tự nhiên giải quyết và việc tranh ngôi báu không còn được đặt ra. Ông vốn đã xuống tóc làm sư khi đến chùa Thiên Long và tham dự cuộc chiến đấu chống Cưu Ma Trí nên thoái vị để nhường ngôi cho Đoàn Dự, nhưng căn dặn Đoàn Dự giữ bí mật thân thế mình để bảo toàn danh dự cho Đoàn Chánh Thuần và Thư Bạch Phụng.

Mặc dầu đã làm vua Đại Lý, Đoàn Dự đã cùng bộ hạ đi Đại Liêu để cứu Tiêu Phong khi được tin là ông này bị vua Đại Liêu hạ ngục. Lúc này, công lực và võ nghệ của Đoàn Dự đã rất cao và chính ông đã cùng Hư Trúc Tự xông vào giữa quân Đại Liêu để bắt nhà vua Đại Liêu và giải nguy cho mọi người.

QUÁCH TĨNH – HOÀNG DUNG

Quách Tĩnh là con Quách Khiếu Thiên, dòng dõi Quách Thạnh là một người trong các anh hùng Lương Sơn Bạc. Gia đình của Quách Khiếu Thiên ở vùng phụ cận Lâm An là kinh đô của nhà Đại Tống lúc đã dời về phương nam (nay là Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang). Thời đó, nhà Đại Tống suy yếu và bị nước Đại Kim uy hiếp. Bởi vậy, một số quan lại Đại Tống vì tham phú quí vinh hoa, đã ngầm làm việc cho người Đại Kim. Do lịnh của Hoàn Nhan Liệt là một thân vương nước Đại Kim, một võ quan của nhà Đại Tống là Đoàn Thiên Đức đã sát hại Quách Khiếu Thiên.

Lúc Quách Khiếu Thiên chết, vợ là Lý Bình đương có thai và bị Đoàn Thiên Đức bắt theo mình. Vì bị sự lùng bắt của Khưu Xứ Cơ là một đạo sĩ phái Toàn Chân đã kết bạn với Quách Khiếu Thiên, Đoàn Thiên Đức đã mang bà Lý Bình chạy sang nước Đại Kim, rồi theo một phái bộ Đại Kim sang Mông Cổ. Phái bộ này đã bị địch tấn công và bà Lý Bình đã nhơn lúc hỗn loạn gây ra vì cuộc tấn công này mà chạy thoát được.

Bà Lý Bình đã sanh Quách Tĩnh trong sa mạc Mông Cổ và cùng con sống luôn tại đó. Cậu bé Quách Trĩnh đã tỏ ra gan dạ và trọng nghĩa khí khi toan cứu Triết Biệt là một tướng Mông Cổ đã chống lại Thiết Mộc Chân nhưng sau lại đầu hàng Thiết Mộc Chân. Nhờ việc này, Quách Tĩnh được đưa về sống trong trại quân của Thiết Mộc Chân và kết bạn với Đà Lôi là con trai Thiết Mộc Chân. Kế đó Quách Tĩnh đã cứu được con gái Thiết Mộc Chân là Hoa Tranh khỏi bị beo vồ. Sau hết ông lại có dịp cứu giúp Thiết Mộc Chân khi ông này bi sự chống đối và mưu hại của một số nhà lãnh đạo Mông Cổ khác bị sự mua chuộc của người Đại Kim. Bởi vậy, Thiết Mộc Chân rất tin yêu Quách Tĩnh và khi đã tự tôn làm Thành Cát Tư Hãn, ông đã cho Quách Tĩnh làm Kim Đao Phò Mã và hứa gả Công Chúa Hoa Tranh cho Quách Tĩnh.

Về võ nghệ thì Quách Tĩnh đã được Triết Biệt dạy cho về các khoa chiến đấu của người Mông Cổ, đặc biệt là bắn cung. Lúc còn trẻ, ông đã từng dùng một mũi tên mà hạ được hai con chim điêu bay trên mây và nhờ đó mà được nổi tiếng là Anh Hùng Xạ Điêu. Ngoài ra, Quách Tĩnh lại còn được sự dạy dỗ kín đáo nhưng tận tâm của một số cao thủ võ lâm người Hán thuộc phái Giang Nam. Họ nguyên có bảy người và được gọi chung là Giang Nam Thất Quái, nhưng lúc bắt đầu dạy Quách Tĩnh thì một người đã chết nên chỉ cỏn lại có sáu người thành ra Giang Nam Lục Quái.

Các cao thủ người Hán này đều có nghĩa khí và có tâm huyết . Họ đã cố công tìm ra tung tích của Quách Tĩnh để huấn luyện vì họ đã đánh cuộc với Đạo Sĩ Khưu Xứ Cơ thuộc phái Toàn Chân và ước hẹn khi Quách Tĩnh được 18 tuổi thì đấu võ với đệ tử Khưu Xứ Cơ để phân hơn kém. Do sự đánh cuộc này, họ đã cố sức dạy Quách Tĩnh và Quách Tĩnh cũng cố sức học tập. Nhưng Giang Nam Lục Quái không có phép luyện nội công mà võ thuật của họ đã phức tạp lại không mấy cao siêu trong khi Quách Tĩnh lại vốn trì độn nên kết quả thâu hoạch được rất ít. Quách Tĩnh chỉ tiến bộ mạnh mẽ về võ thuật sau khi được Mã Ngọc là Chưởng Môn Nhơn phái Toàn Chân bí mật dạy phép luyện nội công cho. Nhưng để tránh sự kiêng kỵ về phép thâu nhận đệ tử thời đó, Mã Ngọc đã không nhận mình là thầy Quách Tĩnh.

Khi Quách Tĩnh lớn lên, Giang Nam Lục Quái đã theo lời ước hẹn, cho Quách Tĩnh sang nước Đại Kim để đấu nhau với Dương Khang là đệ tử Khưu Xứ Cơ. Thật sự thì lúc ấy, về võ nghệ và sự ứng biến trong khi giao đấu, Quách Tĩnh đã không hơn được Dương Khang. Nhưng vì Dương Khang bi tội bất hiếu nên Khưu Xứ Cơ đã nhận thua phe Giang Nam Lục Quái.

Cuộc du hành kỳ này không những đưa Quách Tĩnh sang nước Đại Kim mà còn đưa ông về nước Đại Tống. Trong dịp đi mọi nơi như vậy, Quách Tĩnh đã gặp nhiều cơ hội may mắn.

Trước hết, ông đã gặp Hoàng Dung là con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, chúa đảo Đào Hoa. Cô này rất thông minh lanh lợi, nhưng vì bi cha quở nên đã bỏ đảo Đào Hoa ra đi. Cô đã gặp Quách Tĩnh lúc cô giả trai. Vì thấy Quách Tĩnh tánh tình hào hiệp và thành thật nên cô đem lòng yêu và tận lực giúp đỡ Quách Tĩnh. Về mặt võ thuật, Quách Tĩnh đã tiến bộ vượt bực nhờ nhiều lý do. Trước hết, trong dịp đi tìm thuốc về chữa bịnh cho Đạo Sĩ Vương Xứ Nhút, ông đã ngẫu nhiên hút được huyết con rắn quí của Lương Tử Ông và nhờ đó mà tăng thêm công lực rất nhiều. Kế đó, nhờ sự khéo léo của Hoàng Dung, rồi nhờ sự chơn chất của mình, Quách Tĩnh đã được Bắc Cái là Hồng Thất Công thương mến và dạy cho môn võ Hàng Long Thập Bát Chưởng. Ngoài ra, ông lại được Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông kết nghĩa anh em và dạy cho hết cả hai phần của CỬU ÂM CHƠN KINH. Khi đi tìm Đoàn Nam Đế (lúc ấy trở thành Nhất Đăng Đại Sư) để yêu cầu ông này chữa thương cho Hoàng Dung, Quách Tĩnh lại được ông này giải thích cho nên hiểu được hết các câu tiếng Phạn chen lẫn trong bản Hán văn của bộ kinh này thành ra đã thông hiểu nó hoàn toàn. Và trong lúc cùng Hoàng Dung ra đảo Đào Hoa để tìm Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh đã nhờ chứng kiến cuộc tranh tài giữa Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong và Bắc Cái Hồng Thất Công mà hiểu hết các điểm ẩn ảo cao siêu của võ thuật. Sau hết. Quách Tĩnh đã nhờ tìm được bộ VŨ MỤC DI THƯ do danh tướng nhà Tống là Nhạc Phi sáng tác nên biết cách điều khiển quân sĩ đánh giặc.

Tuy nhiên, mối tình giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã gặp nhiều trở lực. Ban đầu, Giang Nam Lục Quái không muốn cho Quách Tĩnh gần Hoàng Dung vì cho rằng cô này không phải là người tốt. Sau đó, Đông Tà lại hận Quách Tĩnh vì Quách Tĩnh lúc nhỏ đã ngẫu nhiên hạ sát Trần Huyền Phong là đệ tử của ông thành ra ông đã có lúc muốn đem Hoàng Dung gã cho Âu Dương Công Tử là cháu của Tây Độc. Khi ông chấp nhận gã Hoàng Dung cho Quách Tĩnh thì Quách Tĩnh đã tỏ ra quả chơn chất không biết lên tiếng tôn ông làm nhạc phụ ngay. Sau đó, Đông Tà lại tưởng rằng Quách Tĩnh đã nói dối ông khi bảo rằng mình không biết CỬU ÂM CHƠN KINH trong khi Quách Tĩnh thật sự đã không biết rằng cái mà Lão Ngoan Đồng đem dạy mình chính là bộ kinh trứ danh này. Lúc bị Linh Trí Thượng Nhơn gạt và tưởng rằng Hoàng Dung đã chết khi vượt biển đi tìm Quách Tĩnh, Đông Tà càng thù Quách Tĩnh thêm và có ý định triệt hạ luôn thầy Quách Tĩnh là nhóm Giang Nam Lục Quái.

Về phần Quách Tĩnh thì cũng hiềm Đông Tà vì ông này đã có sự đụng chạm với phái Toàn Chân. Sau đó. ông lại nghĩ rằng chính Đông Tà đã giữ năm người thầy của mình trong nhóm Giang Nam Lục Quái nên quay ra hận hủi Hoàng Dung. Nhờ lanh lợi, thông minh và có nhiều mưu kế Hoàng Dung đã nhẫn nhục cứu giúp Kha Trấn Ác là người duy nhất cỏn sống sót trong nhóm Giang Nam Thất Quái và làm cho ông thấy rõ rằng thủ phạm giết năm người anh em kết nghĩa với ông là Tây Độc và Dương Khang. Đến lúc đó, Quách Tĩnh mới nhận thấy sự thật và yêu Hoàng Dung trở lại.

Nhưng mặc dầu lòng Quách Tĩnh chỉ yêu Hoàng Dung, ông lại còn vướng víu vì lời hứa cưới Hoa Tranh làm vợ. Vì muốn giữ lời hứa, ông đã về Mông Cổ khi không tìm ra tung tích Hoàng Dung lúc ấy đang bị Tây Độc bắt giữ . Quách Tĩnh đã được Thành Cát Tư Hãn phong làm tướng đi đánh giặc. Phần Hoàng Dung thì đã trốn khỏi sự kềm chế của Tây Độc . Vì đương giữ chức Bang Chủ Cái Bang, bà đã huy động được người của đoàn thể này ngầm giúp Quách Tĩnh, nhắc Quách Tĩnh sử dụng VŨ MỤC DI THƯ và nhờ đó mà lập công lớn với Thành Cát Tư Hãn, đồng thời giết được Hoàn Nhan Liệt báo thù cho cha. Quách Tĩnh đã đinh bụng lấy công trạng mình đã thâu hoạch được trong cuộc chiến đấu để đổi lại lời hứa cưới Công Chúa Hoa Tranh làm vợ và được kết duyên với Hoàng Dung. Nhưng vì ông bất nhẫn khi thấy người Mông Cổ tàn sát dân chúng của thành phố bị triệt hạ, ông đã lấy công ông để xin Thành Cát Tư Hãn tha cho dân chúng thành phố này.

Việc Công Chúa Hoa Tranh chỉ được giải quyết bằng một thảm kịch cho Quách Tĩnh. Mặc dầu không mấy hài lòng về việc Quách Tĩnh xin tha cho cho dân chúng, Thành Cát Tư Hãn vẫn cỏn tin cậy và quí mến ông. Bởi đó, nhà vua Mông Cổ này đã phong cho Quách Tĩnh làm tướng đi đánh Đại Kim với Đà Lôi, nhưng đồng thời có mật lịnh theo đó Quách Tĩnh phải kéo quân đánh luôn Đại Tống sau khi hạ Đại Kim. Theo mưu đồ của Thành Cát Tư Hãn, nếu Quách Tĩnh từ chối không tuân lịnh đánh Đại Tống thì ông phải bi hạ sát ngay. Do chủ trương này, Thành Cát Tư Hãn đã giữ Bà Lý Bình là mẹ Quách Tĩnh ở lại Mông Cổ. Mẹ con Quách Tĩnh đã biết được dụng ý Thành Cát Tư Hãn nên định bỏ trốn về Đại Tống. Vì sợ Quách Tĩnh đi luôn, Công Chúa Hoa Tranh đã tố cáo âm mưu này với hy vọng giữ mẹ con Quách Tĩnh lại. Nhưng bà Lý Bình không muốn cho con vì vướng víu mình mà bắt buộc phải phục vụ người Mông Cổ trong việc lấn đánh Đại Tống nên đã tự tử.

Do chỗ Công Chúa Hoa Tranh có trách nhiệm về cái chết của Bà Lý Bình mà Quách Tĩnh có thể quay về với Hoàng Dung. Nhưng khi thấy Quách Tĩnh xin với Thành Cát Tư Hãn cho dân khỏi chết thay vì xin khỏi lấy Công Chúa Hoa Tranh, Hoàng Dung lại nghĩ rằng Quách Tĩnh ham chức Phò Mã Mông Cổ mà phụ bạc mình nên bỏ đi và bị Tây Độc bắt trở lại. Quách Tĩnh phải đi tìm và giải thoát Hoàng Dung. Khi quân Mông Cổ vây thành Tương Dương, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã đến phụ giúp vào việc giữ thành này. Quách Tĩnh đã lén vào đại bản dinh Mông Cổ với ý định hành thích chủ tướng Mông Cổ là Đà Lôi mặc dầu ông này đã kết nghĩa anh em với mình.

Nhưng lúc đó, Thành Cát Tư Hãn đương hấp hối và có lịnh gọi Đà Lôi về gặp mặt trước khi chết. Thành Cát Tư Hãn lại nhắn với Đà Lôi là nếu có gặp Quách Tĩnh thì cũng đưa về gặp mình và Quách Tĩnh đã trở về Mông Cổ để hội kiến với Thành Cát Tư Hãn trước khi nhà vua này băng hà.

Sau đó, Quách Tĩnh và hoàng Dung về đảo Đào Hoa và kết hôn với nhau sanh ra đứa con đầu lỏng là Quách Phù. Đông Tà Hoàng Dược Sư đã giao đảo Đào Hoa cho họ để đi chơi xa, không cho biết tin tức gì về mình. Lúc Quách Phù đã trên 10 tuổi, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã bỏ đảo Đào Hoa về Đại Tống thăm dò tin tức Đông Tà nhưng không tìm được ông. Khi người Mông Cổ đã diệt xong nước Đại Kim rồi chủ trương chinh phục Đại Tống, Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại đến thành Tương Dương lúc ấy là địa điểm then chốt cho việc phòng thủ lãnh thổ Đại Tống. Họ đã ở đó trong hơn mười năm để giúp chánh quyền và nhơn dân chống chọi lại các đạo quân Mông Cổ đến tấn công. Đến lúc nhà vua Mông Cổ Mông Kha (tức là Nguyên Hiển Tông) bi tử trận khi công phá Tương Dương và thất bại, Quách Tĩnh và Hoàng Dung mới tạm thời rời bỏ thành này. Nhờ công ơn giữ thành giúp dân chúng nên Quách Tĩnh đã được tôn làm đại hiệp và được gọi là Bắc Hiệp để thay thể Bắc Cái đã chết trong số năm vị bá chủ võ lâm.

Cứ theo bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG thì sau đó Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại trở lại giúp chánh quyền và dân chúng Tương Dương giữ thành này và đã tử nạn khi quân Nguyên phá được thành. Nhưng trước đó, hai nhơn vật này đã dự liệu rằng thế nhà Đại Tống không thể chống cự nổi quân Mông Cổ. Để chuẩn bi cho việc đánh người Mông Cổ giải thoát Hán tộc trong tương lai, họ đã làm một bí kíp ghi võ công của CỬU ÂM CHƠN KINH và Hàng Long Thập Bát Chưởng giấu vào một thanh kiếm đặt tên là Ỷ Thiên, và đem VŨ MỤC DI THƯ giấu vào một thanh đao đặt tên là Đồ Long. Đồ Long hàm ý giết nhà cầm quyền Mông Cổ để giải thoát Hán tộc và Ỷ Thiên hàm ý thể theo ý trời mà trừ diệt những kẻ cầm quyền gian ác, tham nhũng, hại dân. Hai võ khí này được chế tạo bằng chất kim loại đặc biệt lấy từ cây Huyền Thiết Kiếm của Dương Quá nên rất sắc bén có thể chém gãy các võ khí khác, nhưng nếu dùng hai võ khí ấy để chặt nhau thì cả hai đều gãy và để lộ các bí kíp . Người Hán tộc thời Quách Tĩnh và Hoàng Dung vừa bị xâm lấn của người Mông Cổ, vừa bị khổ sở vì nạn tham quan ô lại của nhà Đại Tống. Do đó, khi chế tạo đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên, Quách Tĩnh và Hoàng Dung có dụng ý truyền lại cho kẻ có cơ duyên bộ VŨ MỤC DI THƯ để họ đánh đuổi người Mông Cổ khỏi đất Hán và các bí kíp võ công đế họ trừ gian diệt bạo, bảo vệ nhơn dân đối với bất cứ chánh quyền nào.

DƯƠNG QUÁ - TIỂU LONG NỮ

Dương Quá là đứa con mà Tần Nam Cầm sanh ra vì bị Dương Khang hãm hiếp. Khi bà sanh đứa trẻ này thì gặp Quách Tĩnh và Quách Tĩnh đã đặt tên cho nó là Quá vốn có ý nghĩa là lỗi lầm với mục đích ghi nhận sự sai quấy của Dương Khang. Vì Tần Nam Cầm sanh nhai với nghề bắt rắn nên từ nhỏ, Dương Quá cũng theo mẹ bắt rắn. Mặt khác, để Tần Nam Cầm khỏi bị người ta hà hiếp, Quách Tĩnh đã dạy cho bà phép luyện nội công của phái Toàn Chân. Tần Nam Cầm đã theo phép đó mà luyện tập, đồng thời dạy Dương Quá luyện tập theo. Lúc Dương Quá được 10 tuổi, Tần Nam Cầm chết vì bị rắn độc cắn nhằm lúc quên không mang thuốc giải theo mình. Sau khi chôn mẹ, cậu bé Dương Quá cảm thấy bơ vơ. Vì lúc Tần Nam Cầm còn sống, bà có kể cho con nghe câu chuyện của một dị nhơn ở Tây Vực chuyên luyện tập rắn làm theo ý mình nên cậu bé nảy ra cái ý đi phiêu lưu để tìm thầy học các thuật chiến đấu.

Trên đường đi phiêu lưu, cậu bé Dương Quá đã lượm nhằm một cây kim có tẩm chất cực độc và bị ngộ độc. Nhưng cậu lại may mắn gặp Tây Độc Âu Dương Phong và nhận ông này làm cha nuôi để nhờ ông chữa cho. Âu Dương Phong chỉ mới tạm chữa cho Dương Quá thì phải lánh mặt vì có Quách Tĩnh và Hoàng Dung đến. Hai người này lúc đó đã thành vợ chồng và có đứa con gái khoảng 10 tuổi là Quách Phù. Vì Đông Tà Hoàng Dược Sư đã bỏ đảo Đào Hoa đi vân du lâu quá mà không về nên họ vào lục địa để thăm dò tin tức và tình cờ gặp Dương Quá.

Khi gặp Dương Quá, Quách Tĩnh và Hoàng Dung nhận ra ngay đó là con Dương Khang. Họ thấy Dương Quá mồ côi nên thương xót và nhận bảo bọc cậu bé này. Nhưng mặc dầu Dương Quá đã theo Quách Tĩnh và Hoàng Dung, Âu Dương Phong đã lén đến gặp Dương Quá, dạy cho Dương Quá phép luyện tập để trừ chất độc còn lại trong người và dạy luôn cả công phu Cáp Mô Công đặc biệt của mình. Dương Quá cũng mến Âu Dương Phong nên đã ngầm giúp ông khỏi bị hại khi ông phải đối đầu với Quách Tĩnh và Hoàng Dung cùng Kha Trấn Ác là thầy Quách Tĩnh, vốn rất thù hận Âu Dương Phong vì ông này đã giết những anh em kết nghĩa với mình trong nhóm Giang Nam Lục Quái.

Liệu không thể tim thấy Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại trở về đảo Đào Hoa và mang Dương Quá theo. Quách Tĩnh nhớ đến mối tình thân thiết giữa thân phụ mình và thân phụ Dương Khang nên rất yêu Dương Quá và muốn rèn luyện võ công cho Dương Quá thật giỏi rồi đem gả con gái mình là Quách Phù cho Dương Quá. Bởi đó, ông đã cho Dương Quá chánh thức nhập môn phái Giang Nam cùng với Quách Phù và hai người con của Võ Tam Thông là Võ Đôn Nho và Võ Tu Văn cũng được vợ chồng Quách Tĩnh đem về nuôi vì mẹ chúng đã bị Lý Mạc Sầu giết, còn cha chúng thì điên loạn bỏ đi mất. Phần Hoàng Dung thì lại rất e ngại về sau Dương Quá phát giác được là bà có liên hệ đến cái chết của Dương Khang và tìm cách báo thù. Bởi đó, bà đã yêu cầu hoãn việc hứa gả Quách Phù cho Dương Quá. Mặt khác, bà đã dàn xếp với Quách Tĩnh để lãnh dạy Dương Quá. Quách Tĩnh vô tình nên theo ý kiến của vợ và Hoàng Dung chỉ dạy Dương Quá về văn chương chớ không dạy võ nghệ. Dương Quá cảm thấy việc đó và lén luyện tập Cáp Mô Công mà Âu Dương Phong đã chỉ cho mình. Ngoài ra cậu bé này còn rình xem cách Quách Tĩnh chỉ dạy cho anh em họ Võ để học và luyện tập theo.

Vì có người lạ mặt lén đến đảo Đào Hoa và bị Dương Quá đánh chết với một đòn của Cáp Mô Công Quách Tĩnh phát giác được là Dương Quá có học một môn võ khác hơn môn võ của mình. Sau khi thảo luận với thầy là Kha Trấn Ác và vợ là Hoàng Dung, ông đã mang Dương Quá lên Chung Nam Sơn để gởi Dương Quá cho phái Toàn Chân dạy dỗ. Đạo sĩ Khưu Xứ Cơ lúc đó là nhơn vật số hai trong phái này rất mừng khi gặp đứa con trai của đồ đệ mình trước đây là Dương Khang. Ông rất mến Dương Quá, nhưng không trực tiếp dạy cậu bé này mà lại giao nhiệm vụ giáo huấn cậu cho một đệ tử Toàn Chân hàng dưới mình là Triệu Chí Kính. Nhưng ngay từ lúc đầu Triệu Chí Kính và Dương Quá đã có sự xung khắc nhau. Bởi đó Triệu Chí tính chỉ dạy Dương Qua các khẩu quyết mà không dạy cách đánh thật sự. Đến lúc có cuộc giao đấu giữa tất cả các đệ tử của phái Toàn Chân để xem kết quả luyện tập, Triệu Chí Kính lại sai Dương Quá ra đấu để cho cậu học trò này bị đòn và mang nhục. Nhưng Dương Quá đã uất ức nên đánh bừa bãi và dùng đòn Cáp Mô Công đánh chết một đệ tử phái Toàn Chân và làm cho một đệ tử khác bị thương. Do đó, cậu bé này phải chạy trốn và lọt vào địa phận của phái Cổ Mộ.

Tổ sư của phái này là một phụ nữ tên Lâm Triều Anh trước đây bà có mối tình thâm hậu với tổ sư phái Toàn Chân là Vương Trùng Dương. Nhưng vì phải lo việc nước, Vương Trùng Dương không đáp ứng đúng mức mối tình của bà nên bà thống hận và lập môn phái Cổ Mộ, lại nghiên cứu một võ thuật khắc chế võ thuật của phái Toàn Chân. Bà lại đánh cuộc với Vương Trùng Dương và đã thắng cuộc.

Do đó, phái Toàn Chân phải nhượng cho bà một phần núi Chung Nam ở sát căn cứ của mình với lời hứa không bao giờ xâm phạm đến phần núi đó . Căn cứ của Bà Lâm Triều Anh là một toà cổ mộ và giới luật bà đặt cho môn phái bà là chỉ nhận phụ nữ làm đệ tử, mà người này đã vào ở trong Cổ Mộ rồi thì vĩnh viễn không được ra, trừ ra khi nào có một người đàn ông yêu mình đến mức sẵn sàng chịu chết thay mình.

Tuy ở sát bên nhau, người của hai phải Toàn Chân và Cổ Mộ không hề có tiếp xúc với nhau. Nhưng vì thương Dương Quá còn nhỏ mà bị cả phái Toàn Chân hiếp đáp nên một người trong Cổ Mộ là Tôn Bà đã binh vực cậu bé này và bị người của phái Toàn Chân đánh trọng thương. Do sự nài nỉ của bà trước khi tắt hơi mà cậu bé Dương Quá đã được chấp nhận vào ở trong Cổ Mộ. Lúc ấy, trong căn cứ này chỉ còn có Tiểu Long Nữ, một thiếu nữ rất đẹp nhưng lớn tuổi hơn Dương Quá. Tiểu Long Nữ đã nhận làm thầy Dương Quá và dạy Dương Quá các tuyệt nghệ của phái Cổ Mộ. Nhưng sau đó, hai người đã yêu nhau.

Cuộc tình duyên giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ đã gặp rất nhiều trắc trở. Trước hết là vì sự chống phá của Lý Mạc Sầu, sư tỷ của Tiểu Long Nữ . Vì trái môn qui nên bà này bị thầy đuổi và khi ra khỏi Cổ Mộ rồi thì bà đã phạm nhiều tội ác. Bà rất muốn lấy bộ sách võ thuật của môn phải là NGỌC NỮ TÂM KINH để luyện tập nên tìm mọi cách uy hiếp Tiểu Long Nữ và Dương Quá để đạt mục đích.

Chính vì Lý Mạc Sầu xâm nhập Cổ Mộ nên Tiểu Long Nữ và Dương Quá phải rời căn cứ này. Nhưng Tiểu Long Nữ đã không phạm môn qui khi ra khỏi Cổ Mộ vì trong khi đụng độ với Lý Mạc Sầu, Dương Quá đã tỏ quyết tâm chịu chết thay cho Tiểu Long Nữ. Trở lực thứ nhì cho sự kết thân giữa Tiểu Long Nữ với Dương Quá phát xuất từ nơi phải Toàn Chân. Một đạo sĩ của phái này là Doãn Chí Bình đã gặp Tiểu Long Nữ lúc cô này bị điểm huyệt và mê man. Vì đã thầm vêu cô từ trước nên Doãn Chí Bình đã thừa cơ hội hãm hiếp cô. Khi tỉnh dậy, cô ngỡ là Dương Quá đã làm việc đó nên ngỏ ý muốn làm vợ Dương Quá. Nhưng Dương Quá không biết việc này và trong lòng vẫn còn xem cô như thầy nên tỏ ý do dự . Do đó, cô giận dỗi bỏ đi. Đến sau, khi gặp lại Dương Quá, Tiểu Long Nữ lại phát giác rằng người đã làm cho mình mất trinh không phải là Dương Quá mà là Doãn Chí Bình. Cô nghĩ rằng mình không xứng đáng làm vợ Dương Quá nên lại bỏ Dương Quá ra đi một lần nữa.

Áp lực của dư luận cũng đã gây nhiều trở ngại cho cuộc tình duyên giữa hai người. Do sự gợi ý của Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ nghĩ rằng sự kết hôn với mình sẽ đặt Dương Quá trong một tình trạng khó xử. Nếu hai người kết hôn với nhau mà sống trong xã hội thì Dương Quá suốt đời sẽ bị thiên hạ khinh khi sỉ vả vì là học trò mà giày đạp lễ giáo để lấy thầy. Trái lại, nếu hai người lui về Cổ Mộ ở ẩn thì Dương Quá có thể khổ sở vì cuộc đời quá tích mịch tại đó. Ý nghĩ này cũng đã làm cho Tiểu Long Nữ tìm cách xa lánh Dương Quá.

Phần Dương Quá thì trên đường lưu lạc đã gặp nhiều thiếu nữ khác có cảm tình với mình, như Lục Vô Song, Trình Anh, Công Tôn Lục Ngạc. Nhưng ông chỉ có mối chân tình với Tiểu Long Nữ và trung thành với mối tình đó. Và sau nhiều lần phân cách, mà lần chót trong một thời gian 16 năm dài đăng đẳng, Dương Quá đã vui duyên phu phụ với Tiểu Long Nữ, với sự tán thành, kính trọng và yêu mến của mọi người.

Đối với Quách Tĩnh và Hoàng Dung, Dương Quá đã có những tình cảm rất phức tạp. Ông biết rằng Quách Tĩnh hết dạ thương ông, lại muốn gả Quách Phù cho ông. Ông có hờn Hoàng Dung về chỗ lừa dối chỉ dạy văn mà không dạy võ cho ông, nhưng cũng đã tỏ ra thông cảm khi Hoàng Dung phân trần là mình có dụng ý tốt khi đã có hành động như vậy. Nhưng sau khi được biết chắc là thân phụ mình đã vì Quách Tĩnh và Hoàng Dung mà chết, ông đã hết sức thù hận Quách Tĩnh và Hoàng Dung và lập tâm sát hại hai người này để báo thù.

Nhưng lúc đó là lúc Quách Tĩnh và Hoàng Dung lo giúp đỡ nhơn dân và chánh quyền thành Tương Dương chống lại cuộc xâm lăng của người Mông Cổ. Dương Quá thấy rõ Quách Tĩnh là người đại nhân đại nghĩa, một lòng vì nước vì dân nên không nỡ xuống tay. Nhưng mặt khác, Dương Quá biết rằng vì việc nghĩa, Quách Tĩnh có thể hạ sát người thân nên càng tin chắc là Quách Tĩnh có trách nhiệm trong việc làm cho thân phụ mình chết. Sự xung đột trong tâm thức Dương Quá chỉ chấm dứt khi ông được Khá Trấn Ác kể hết lại sự tích thân phụ mình và nhận chân rằng ông này quả đáng chết vì đã có tội lớn đối với gia đình họ Dương và nhơn dân nước Đại Tống.

Sự giao thiệp giữa Dương Quá và gia đình họ Quách còn trở thành phức tạp hơn vì thái độ và tâm tánh của Quách Phù là con gái lớn của Quách Tĩnh. Từ nhỏ, Dương Quá đã nhiều lần tủi hổ vì lời nói hay cử chỉ của cô này. Lớn lên, ông lại bị cô chặt rụng cánh tay mặt trong lúc nóng giận và hiểu lầm. Tuy nhiều lần muốn trả thù, Dương Quá đã không nỡ xuống tay khi có cơ hội. Trái lại, ông đã nhiều lần giúp đỡ và cứu nguy cho Quách Phù. Cuối cùng, Quách Phù đã bị lòng quảng đại của ông cảm hóa và thành thật xin lỗi ông. Đối với người con gái thứ hai của Quách Tĩnh là Quách Tường thì Dương Quá chỉ có cảm tình. Chính vì muốn làm cho cô bé này vui lòng mà Dương Quá đã phụ giúp vào việc triệt hạ lực lượng Mông Cổ vây đánh Tương Dương, và làm cho ngôi Bang Chủ Cải Bang không lọt vào tay của một người Mông Cổ mà giao về cho Gia Luật Tề là chồng của Quách Phù.

Trong thời kỳ lưu lạc khắp nơi, Dương Quá đã gặp nhiều cơ duyên và học được hết các kỹ thuật chiến đấu. Ngoài môn võ của phái Cổ Mộ và phái Toàn Chân, ông còn được học các tuyệt nghệ của Tây Độc Âu Dương Phong, Bắc Cái Hồng Thất Công và Đông Tà Hoàng Dược Sư, chỉ có môn Nhứt Dương Chỉ của Đoàn Nam Đế là ông không có học. Đặc biệt, ông còn được học kiếm pháp của một dị nhơn đã khuất là Độc Cô Cầu Bại. Ông đã nhờ một con thần điêu để bầu bạn với vị dị nhơn này mà tìm được chỗ ẩn cư của vị ấy. Mặt khác, nhờ sự chỉ dẫn của con thần điêu này và nhờ việc nó cho ông ăn một loại trái trân quí làm tăng thêm công lực, ông đã luyện tập được một nội công và một võ thuật siêu việt. Sau này, khi đi hành hiệp giang hồ, ông đã mang con thần điêu này theo nên đã được ngoại hiệu là Thần Điêu Đại Hiệp. Ông cũng đã được gọi là Tây Cuồng và được thay Tây Độc Âu Dương Phong làm một bá chủ võ lâm, ngang hàng với Trung Ngoan Đồng Châu Bá Thông (thay Trung Thần Thông Vương Trùng Dương), Đông Tà Hoàng Dược Sư, Nam Tăng Pháp Đăng (tức là Đoàn Nam Đế) và Bắc Hiệp Quách Tĩnh (thay Bắc Cái Hồng Thất Công).

VÔ KỴ tức TẠ VÔ KỴ

Trương Vô Kỵ hay Tạ Vô Kỵ là con của Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố, lại là con nuôi của Tạ Tốn. Trương Thúy Sơn là đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong, Tổ Sư phái Võ Đương, còn Hân Tố Tố là con gái của Hân Thiên Chính, Giáo Chủ Bạch Mi Giáo, một đoàn thể bị xem là có hành động tàn bạo, bất lương.

Thời đó, trên giới giang hồ có lời đồn đãi là ai giữ được thanh đao Đồ Long thì được làm Minh Chủ Võ Lâm. Vì muốn chiếm đao này, Hân Tố Tố với người anh là Hân Dã Vương đã làm cho sư huynh Trương Thúy Sơn là Dư Đại Nham bị trọng thương. Sau đó, Hân Tố Tố còn giả làm Trương Thúy Sơn đã giết nhiều người trong phái Thiếu Lâm. Nhưng vì muốn điều tra về thanh đao Đồ Long, Trương Thúy Sơn đã theo Hân Tố Tố đến dự một đại hội do một Đàn Chủ của Bạch Mi Giáo tổ chức để khoe rằng mình đã chiếm được đao này.

Khi đại hội đang khai diễn thì một vi Hộ Pháp của Minh Giáo là Tạ Tốn đến và cướp được đao Đồ Long. Tạ Tốn vốn là học trò Thành Khôn, sư đệ Dương Phá Thiên là vị Giáo Chủ trước đây của Minh Giáo. Vì có mối hận riêng với Dương Phá Thiên, Thành Khôn muốn tiêu diệt Minh Giáo. Để đạt mục đích này, ông một mặt ngầm dựa vào người Mông Cổ lúc ấy đương thống trị Trung Quốc, một mặt cố gây sự thù hiềm giữa Minh Giáo với các môn phái khác. Ông đã sát hại cha mẹ vợ con Tạ Tốn. Để báo thù, Tạ Tốn đã giết người của các môn phái với mục đích đổ tội cho Thành Khôn, nhưng các môn phái lại biết chính Tạ Tốn là thủ phạm nên rất thù hận Tạ Tốn. Tạ Tốn đã cố tìm đao Đồ Long vì hy vọng sẽ tìm được trong đó một bí kíp võ thuật giúp ông thắng được Thành Khôn.

Cướp được đao Đồ Long rồi, Tạ Tốn làm cho mọi người còn sống sót trong đại hội bị điên loạn, chỉ trừ Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố vì đã lỡ đánh cuộc với họ và thua cuộc. Nhưng để giữ cho không ai biết tung tích, ông đã bắt cả hai người này theo ông đi tìm một hoang đảo nơi đó ông hy vọng được yên ổn nghiên cứu về đao Đồ Long. Dọc đường, thỉnh thoảng ông bị điên loạn và có lúc muốn hãm hiếp Hân Tố Tố nên Hân Tố Tố đã dùng ám khi bắn ông mù mắt. Nhưng cả bọn cuối cùng đã đến một hòn băng đảo có núi lửa và phải sống chung với nhau.

Vì đã trải qua nhiều lần nguy hiểm chung nhau nên Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố yêu nhau và lấy nhau. Họ sanh được đứa con trai trên băng đảo . Để cho TạTốn thương mến bảo bọc nó, họ đã cho nó làm con nuôi Tạ Tốn và để cho nó tên Tạ Vô Kỵ vốn là tên của đứa con Tạ Tốn đã bị Thành Khôn giết. Tạ Tốn không tìm được bí mật của đao Đồ Long, nhưng đã đem hết sở đắc của mình về võ nghệ dạy cho cậu bé Tạ Vô Kỵ.

Lúc Vô Kỵ lên mười, Tạ Tốn chỉ cách cho Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố trở về lục địa , còn ông thì tình nguyện ở lại băng đảo một mình. Vợ chồng Trương Thúy Sơn về đến lục địa thì đã gặp ngay nhiều việc rắc rối. Vì trong số người dự đại hội của Bạch Mi Giáo khoe đao Đồ Long, còn có người sống sót mà không điên loạn nên giới võ lâm đã biết là đao này về tay Tạ Tốn và Tạ Tốn đã bắt Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố theo mình. Do đó, họ muốn Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố cho biết tung tích Tạ Tốn và đao Đồ Long. Riêng phái Thiếu Lâm còn muốn báo thù cho những người của họ đã bị sát hại. Trương Thúy Sơn đã được thày là Trương Tam Phong và các sư huynh sư đệ trong phái Võ Đương triệt để yểm trợ. Nhưng khi được biết rằng chính Hân Tố Tố đã làm cho sư huynh mình là Dư Đại Nham bị trọng thương, Trương Thúy Sơn đã tự sát và Hân Tố Tố đã chết theo chổng. Vì cha mẹ ruột không còn con nổi dõi nên Vô Kỵ trở về với họ Trương.

Từ khi về lục địa, chính Vô Kỵ cũng đã bị nhiều người tìm bắt hỏi về tung tích Tạ Tốn và đao Đồ Long. Nhưng cậu bé này nhứt định không nói ra nên đã bị tra khảo và bị một cao thủ làm việc cho người Mông Cổ và có liên hệ với Thành Khôn đánh bằng Huyền Minh Thần Chưởng nên bị nội thương trầm trọng. Trương Tam Phong và các đồ đệ ông trong phái Võ Đương đã cố gắng cứu chữa cho Trương Vô Kỵ. Võ công của phải Võ Đương vốn phát xuất từ CỬU DƯƠNG CHƠN KINH nhưng phải này chỉ có được một phần ba của kinh ấy, hai phần ba còn lại thì một do phái Thiếu Lâm và một do phái Nga Mi nắm giữ. Vì không biết hết CỬU DUƠNG CHƠN KINH, phái Võ Đương không chữa được nội thương cho Vô Kỵ . Lòng thương đứa con của đệ tử mình đã làm cho Trương Tam Phong chịu nhục đến chùa Thiếu Lâm nhờ chùa này dạy cho Vô Kỵ phần CỬU DƯƠNG CHƠN KINH của họ.

Nhà sư Viên Chân được chùa Thiếu Lâm giao cho nhiệm vụ này chính là Thành Khôn. Khi dạy Trương Vô Kỵ học phần CỬU DUƠNG CHƠN KINH của phái Thiếu Lâm, ông biết rằng cậu bé này do phe mình đánh cho bị nội thương nên đã đả thông kỳ kinh bát mạch cho cậu. Việc đả thông kỳ kinh bát mạch như vậy thường thì làm cho người luyện nội công tăng thêm khả năng rất nhiều, nhưng trong trường hợp Trương Vô Kỵ, nó lại làm cho khí hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng thâm nhập vào tạng phủ và khó chữa hơn. Để cứu cậu bé Trương Vô Kỵ, Trương Tam Phong đã gởi cậu đến một danh y thời đó là Hồ Thanh Ngưu trị liệu. Tuy không lành bịnh, Trương Vô Kỵ đã nhơn cơ hội học được về nghề y và về các chất độc.

Sau đó, vì nhận lời một người sắp chết là Kỷ Hiểu Phù, cậu bé Trương Vô Kỵ đã đưa con gái của bà này đến núi Côn Luân. Trên đường về, cậu gặp một gia đình võ lâm gạt gẫm cậu để bảo cậu đưa đi kiếm Tạ Tốn. Nhưng cậu tình cờ biết được chân tướng những người này nên chạy trốn rồi lọt vào bên trong một thung lũng cách biệt thế giới bên ngoài. Tại đó, Trương Vô Kỵ ăn được những con nhái huyết có chất chí dương nên nhẹ bịnh đi. Đồng thời, cậu nhờ chữa bịnh cho một con vượn già mà lấy được cả quyển CỬU DUƠNG CHƠN KINH . Nhờ luyện theo kinh này, chẳng những cậu hết bị nội thương mà còn tăng thêm công lực.

Khi trở ra thế giới bên ngoài, Trương Vô Kỵ đã được đưa vào căn cứ của Minh Giáo trong lúc căn cứ đó đương bị người các đại môn phái đến đánh. Nhờ đối đầu với Viên Chân, Trương Vô Kỵ hoàn thành được Cửu Dương Thần Công. Sau đó, ông lọt vào nơi bí mật của Minh Giáo và luyện được Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Ngoài ra, Trương Vô Kỵ đã gặp lại Trương Tam Phong khi ông này vừa hoàn thành hai môn Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp. Vị Tổ Sư của phái Võ Đương đã đem dạy hết hai môn đó cho Trương Vô Kỵ. Về sau, trong khi phải đương đầu lại các sứ giả của Minh Giáo nước Ba Tư, Trương Vô Kỵ lại bổ túc được võ công của Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Vậy, do sự ngẫu nhiên, Trương Vô Kỵ đã học được đến tột bực các môn tuyệt nghệ phát xuất từ ba dân tộc lớn: dân tộc Trung Hoa (với Thái Cực Quyền Kiếm Pháp do Tổ Sư phái Võ Đương là Trương Tam Phong sáng tạo), dân tộc Ấn Độ (với CỬU DUƠNG CHƠN KINH do Đạt Ma Tổ Sư phái Thiếu Lâm sáng tạo) và dân tộc Ba Tư (với Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp)

Vì cha là người của phái Võ Đương là một đoàn thể được cho là chánh phải, còn mẹ lại là người của Bạch Mi Giáo, một chi nhánh từ Minh Giáo mà tách ra, Trương Vô Kỵ rất muốn cho Minh Giáo và các chánh phái hoà giải nhau. Lúc đến căn cứ của Minh Giáo, ông được biết rằng đó là một đoàn thể đứng đắn và có tinh thần ái quốc. Sở dĩ nó bị chống đối là vì một phần do sự hiểu lầm, một phần do chỗ có vài phần tử làm bậy. Khi biết được việc này thì Trương Vô Kỵ đã có một võ công siêu tuyệt nhờ luyện được Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Nhờ đó, ông đã cứu được Minh Giáo khỏi bị tiêu diệt và được tôn làm Giáo Chủ. Trong cuộc chiến đấu với các chánh phái tại căn cứ Minh Giáo, Trương Vô Kỵ đã gác bỏ một bên các mối hận thù riêng và cố tìm cách bảo vệ danh dự các phái đó nên đã hóa giải được một phần thù hận. Sau đó, ông đã tổ chức Minh Giáo lại cho có kỷ luật hơn và tránh các hành động tàn bạo bất nhân, rồi lại cứu các chánh phái bị khốn đốn vì Thành Khôn ngầm liên kết với người Mông Cổ để triệt hạ. Do đó, các chánh phái đã nhận Trương Vô Kỵ làm Minh Chủ Võ Lâm. Riêng phái Nga Mi vì chủ trương của Diệt Tuyệt Sư Thái nên lúc đầu không chấp nhận sự lãnh đạo của Trương Vô Kỵ, nhưng cuối cùng, Châu Chỉ Nhược cũng đã trao cho ông chức Chưởng Môn Nhơn của phái này. Với sự yểm trợ của nhiều môn phái, Trương Vô Kỵ đã cứu được Tạ Tốn khỏi bị giết. Ông này cuối cùng đã đánh nhau với Thành Khôn và làm cho Thành Khôn bị mù mắt để trả thù, nhưng không giết Thành Khôn, lại còn tự hủy hết võ công để không còn ơn oán gì với Thành Khôn nữa. Phần Trương Vô Kỵ thì lấy được các bí kíp trong đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên. Với tư cách Minh Chủ Võ Lâm, Trương Vô Kỵ là nhơn vật cầm đầu công cuộc nổi lên để đánh người Mông Cổ . Ông đã trao cho Từ Đạt là một đại tướng của Minh Giáo tham dự phong trào giải phóng người Hán, bộ VŨ MỤC DI THƯ là bí kíp về việc hành quân do Nhạc Phi sáng tác. Nhưng về sau, Châu Nguyên Chương (sau này là Minh Thái Tổ) đã vì muốn giành địa vi lãnh đạo mà ngầm chống lại Trương Vô Kỵ. Hai thuộc hạ mà Trương Vô Kỵ rất mến là Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân đã đứng về phía Châu Nguyên Chương. Với võ công của mình, Trương Vô Kỵ có thể sát hại những thuộc hạ trong Minh Giáo đã chống lại ông vì lòng tham danh vọng và quyền lợi. Nhưng ông nhận thấy rằng công cuộc chống người Mông Cổ đương tiến triển khả quan, mà những người trong Minh Giáo theo phe Châu Nguyên Chương lại đương lãnh trọng trách trong việc đánh nhau với quân Mông Cổ. Nếu ông sát hại họ, công việc giải phóng dân Hán khỏi ách thống trị Mông Cổ có thể thất bại. Do đó, ông đã bỏ chức Giáo Chủ Minh Giáo và lui về ở ẩn.

Trên con đường lưu lạc của mình, Trương Vô Kỵ đã gặp nhiều thiếu nữ yêu thương mình và lòng ông cũng nhiều lúc phân vân , không rõ là mình chú tâm đền người nào nhiều nhất. Do đó, cuộc đời tình ái của ông cũng rất phức tạp.

1- Một trong những người đã yêu ông là Hân Ly, con gái của cậu ông. Cô này đã vì binh mẹ mà giết một người vợ lẽ của cha. Do đó, cô bị cha muốn sát hại và được thầy là Kim Hoa Bà Bà cứu. Cô gặp Trương Vô Kỵ lúc ông này còn nhỏ và bị nội thương. Cô muốn ép cậu bé Vô Kỵ về đảo Linh Xà để thầy mình chữa trị cho cậu. Nhưng cậu đã từ khước và cắn ngón tay cô để khỏi bị cô bắt. Cô yêu Vô Kỵ nhưng tưởng là cậu này đã chết. Về sau khi gặp lại Trương Vô Kỵ cô không nhận ra ông và đến lúc nhận ra thì cô đã điên điên rồ rồ chỉ nghĩ đến cậu Trương Vô Kỵ bé nhỏ đã cắn tay mình mà không yêu Trương Vô Kỵ đã trưởng thành.

2- Người thứ nhì yêu Trương Vô Kỵ là Tiểu Siêu, con gái của Kim Hoa Bà Bà . Bà nay vốn là một trong Thanh Sứ Nữ của Minh Giáo Ba Tư được đoàn thể này giao cho sứ mạng đi Trung Quốc để tìm bí quyết của Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp . Vì đã có chồng, bà không còn làm Thánh Sứ Nữ được nữa nên trao chức vụ này lại cho con và sai con đến căn cứ của Minh Giáo để thi hành sứ mạng của mình. Chính nhờ Tiểu Siêu giúp đỡ mà Trương Vô Kỵ gặp được miếng da dê ghi bí quyết về Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Tiểu Siêu yêu Trương Vô Kỵ và quyết tâm ở gần ông mãi mãi. Nhưng về sau, để cứu mẹ khỏi bị Minh Giáo Ba Tư hỏa thiêu vì tội thất trinh, Tiểu Siêu đã nhận làm Giáo Chủ Minh Giáo của Ba Tư và trở về nước này.

3- Người thứ ba yêu Trương Vô Kỵ là Châu Chỉ Nhược, đệ tử Diệt Tuyệt Sư Thái, Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi. Cô đã gặp cậu bé Trương Vô Kỵ lúc cậu bé này bị nội thương. Về sau, cô đã yêu Trương Vô Kỵ. Nhưng thầy cô là Diệt Tuyệt Sư Thải khi truyền chức Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi cho cô bà đã bắt cô thề độc là không được lấy Trương Vô Kỵ, mà còn phải dùng sắc đẹp để mê hoặc Trương Vô Kỵ hầu thực hiện sứ mạng của môn phái mình. Người thành lập môn phái này vốn là Quách Tường, con gái Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Cha mẹ bà đã bị nạn khi quân Mông Cổ hạ thành Tương Dương. Nhưng trước đó, hai người đã trao thanh trao Đồ Long cho con trai là Quách Phá Lỗ và kiếm Ỷ Thiên cho con gái là Quách Tường. Quách Phá Lỗ đã tử nạn cùng với cha mẹ. Quách Tường thì còn sống sót và thành lập phái Nga Mi . Bà biết được sự bí mật của đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên và bí mật này đã được các Chưởng Môn Nhơn liên tiếp của phái này truyền lại cho nhau từ đời này sang đời khác.

Diệt Tuyệt Sư Thái dạy Châu Chỉ Nhược tìm đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên rồi dùng hai võ khí này chặt vào nhau làm cho cả hai cùng gảy và lấy các bí kíp giấu bên trong. Sau đó, Châu Chỉ Nhược phải lấy bí kíp võ công để tự luyện thành võ lâm cao thủ số một, làm rạng rỡ cho phái Nga Mi, còn bí kíp về hành quân thì giao cho một người lương thiện và có lòng yêu nước để họ tập luyện cho có đủ khả năng đánh đuổi quân Mông Cổ khỏi Trung Quốc. Vì kiếm Ỷ Thiên lọt vào tay Triệu Minh còn đao Đồ Long thì do Tạ Tốn nắm giữ mà cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với Trương Vô Kỵ nên Diệt Tuyệt Sư Thái bảo Châu Chỉ Nhược lợi dụng Trương Vô Kỵ để lấy các võ khí đó.

Châu Chỉ Nhược đã làm theo ý Diệt Tuyệt Sư Thái và đã lấy được các bí kíp, rồi luyện tập theo CỬU ÂM CHƠN KINH. Nhưng vì muốn mau giỏi cô đã cho học phần thấp nhứt của kinh này và có những ngón đòn độc hại mà không có đủ công lực cần thiết. Mặt khác, cô vẫn còn yêu thương Trương Vô Kỵ. Để được kết hôn với ông, cô đã tìm cách hại Hân Ly và đổ tội cho Triệu Minh. Nhưng các hành động của cô đã bị Triệu Minh và Tạ Tốn biết và lần lần vạch ra cho Trương Vô Kỵ thấy. Cuối cùng, Châu Chỉ Nhược đã nói hết tâm sự của cô cho Trương Vô Kỵ biết. Cô cũng thành thật xin lỗi Hân Ly, trao chức Chưởng Môn Nhơn phái Nga Mi cho Trương Vô Kỵ rồi cắt tóc đi tu.

4. Phần Triệu Minh thì là con một thân vương Mông Cổ và đã được phong làm quận chúa. Lúc đầu, cô phục vụ triều đình Mông Cổ và tìm cách gây sự xung đột giữa các môn phái người Hán, lại dùng những thủ đoạn tàn độc để sát hại người của các môn phái ấy. Nhưng sau khi gặp Trương Vô Kỵ, cô lại yêu ông. Vì mối tình này, Triệu Minh đã bỏ gia đình mình và hết sức giúp đỡ Trương Vô Kỵ. Tuy có lúc cũng oán hận và e sợ cùng nghi kỵ Trịệu Minh, thật sự, Trương Vô Kỵ đã yêu Triệu Minh hơn hết và cuối cùng, khi mọi sự nghi ngờ đã giải tỏa hết, hai người đã kết hôn với nhau, lúc Trương Vô Kỵ rời bỏ võ lâm để đi ở ẩn.

LỊNH HỒ XUNG – DOANH DOANH

Lịnh Hồ Xung nguyên là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ và được vợ chồng Nhạc Bất Quần, Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn đem về nuôi và cho làm đệ tử . Họ đã hết lòng dạy dỗ nên Lịnh Hồ Xung công lực và võ nghệ khá cao và được xem là đại đệ tử của Nhạc Bất Quần. Nhưng Lịnh Hồ Xung đã sống trong lúc có những cuộc xung đột lớn trong giới võ lâm, đặc biệt nhất là cuộc xung đột giữa Triều Dương Thần Giáo bị gọi là Ma Giáo và các môn phái khác được gọi là chánh phái. Vốn là người lánh tình phóng khoáng và chuộng lẽ phải, ông không thể khép mình trong sự giáo huấn có tánh cách chật hẹp của thầy. Khi theo thầy đi công tác, ông đã có dịp nhận thấy rằng trong tổ chức bị gọi là Ma Giáo, có những người tốt, và trong các đoàn thể tự xưng là chánh phái, cũng có người tham lam gian ác. Vì đó ông đã không cương quyết xem tất cả người của Ma Giáo là thù địch như Nhạc Bất Quần dạy và điều này làm cho Nhạc Bất Quần không hài lòng.

Mặt khác, nhơn lúc bị thầy phạt lên sám hối trên đỉnh Hoa Sơn, Lịnh Hồ Xung tình cờ khám phá được một thạch động bí mật trong đó các cao thủ Ma Giáo đã khắc trên vách đá những đồ hình dạy cách phá các chiêu thức của các kiếm phái ở năm hòn núi lớn. Ông đã học theo các thế kiếm trong đồ hình này để đối phó với một địch thủ giỏi hơn mình là Điền Bá Quang. Trong dịp đánh nhau với ông này, Lịnh Hồ Xung gặp lại Phong Thanh Dương, một vị tiền bối phái Hoa Sơn, nhưng thuộc phe Kiếm Tông là phe đối nghịch lại phe Khí Tông của Nhạc Bất Quần. Vi tiền bối này đã dạy cho Lịnh Hồ Xung nguyên tắc “vô chiêu thắng hữu chiêu” và kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại để lại. Với các kỳ ngộ này, Lịnh Hồ Xung đã tiến bộ thêm nhiều về kiếm thuật. Nhưng việc ông học thêm các võ công ngoài sự chỉ dạy của thầy làm cho Nhạc Bất Quần càng bất mãn ông nhiều hơn. Sự bất mãn này đã trở thành sự ghét bỏ khi Nhạc Bất Quần nghi Lịnh Hồ Xung đã hạ sát một sư đệ là Lục Đại Hữu và lấy TỬ HÀ BÍ LỤC là bí kíp dạy môn nội công đặc biệt của môn phái mình.

Về mặt võ thuật, Lịnh Hồ Xung càng càng ngày càng xa thầy là Nhạc Bất Quần. Khi đấu với một cao thủ phe Kiếm Tông đến Hoa Sơn để tranh chức Chưởng Môn Nhơn với Nhạc Bất Quần, Lịnh Hồ Xung đã bị đánh trọng thương. Để chữa thương cho ông, sáu quái nhơn có nội công rất cao thâm là Đào Cốc Lục Tiên đã dồn chơn khí vào người ông. Nhưng các quái nhơn này đã không thông y lý mà lại còn không đồng ý nhau nên kết quả là làm cho Lịnh Hồ Xung bị thêm nội thương trầm trọng. Sau đó, cũng để chữa thương cho ông, Bát Giới Hoà Thường lại cho thêm vào hai luồng chơn khí để chế ngự sáu luồng của Đào Cốc Lục Tiên. Hai luồng chơn khí này đã giúp Lịnh Hồ Xung tạm bớt đau đớn. Nhưng vì các luồng chơn khí được dồn vào mình Lịnh Hồ Xung khác nhau và khác nội lực riêng của ông nên tất cả các luồng chơn khí trong mình ông đã xung đột với nhau thành ra ông còn bị nội thương nặng hơn. Ông không còn vận chơn khí được như là người không có chút nội lực nào và chỉ gắng sức một chút là trong ngực nhộn nhạo rất khó chịu. Về sau, Lịnh Hồ Xung được đưa lên chùa Thiếu Lâm để nhờ các cao tăng trong chùa này chữa trị. Phương Sinh Đại Sư của chùa Thiếu Lâm đã dồn chơn khí của ông vào người Lịnh Hồ Xung. Nhưng cuối cùng, ông cũng chịu thua và cho Lịnh Hồ Xung biết rằng ông không đủ sức hóa giải các luồng chơn khí đã có trong mình Lịnh Hồ Xung, thành ra việc ông dồn chơn khí cho Lịnh Hồ Xung như vậy chỉ kéo dài thọ mạng cho Lịnh Hồ Xung trong một thời gian mà thôi.

Sau đó, vì tham dự một cách vô tình vào âm mưu của một cao thủ Triệu Dương Thần Giáo là Hướng Vấn Thiên để giải thoát Nhậm Ngã Hành là vị Giáo Chủ tiền nhiệm của tổ chức này, Lịnh Hồ Xung đã bị nhốt thay Nhậm Ngã Hành trong một nhà ngục dưới đáy Tây Hồ, rồi tình cờ phát giác được bí quyết của Hấp Tinh Đại Pháp mà Nhậm Ngã Hành đã khắc trên tấm ván sắt dùng làm giường nằm cho mình. .Nguyên tắc của phép này vốn là thâu hút nội lực người khác vào cơ thể mình rồi hóa tán nó ra để dùng. Nhờ học được yếu quyết của Hấp Tinh Đại Pháp, Lịnh Hồ Xung đã hóa tán lần các luồng chơn khí trong người và chẳng những hết khó chịu mà còn tăng thêm công lực.

Tuy nhiên, Hấp Tinh Đại Pháp không hoàn toàn chế phục được các luồng chơn khí ngoại lai và thỉnh thoảng các luồng chơn khí ấy lại phát tác làm cho Lịnh Hồ Xung đau đớn không thể chịu được. Nhưng cuối cùng, Linh Hồ Xung đã hoàn toàn bình phục nhờ luyện được DỊCH CÂN KINH . Đó là một bí thuật của chùa Thiếu Lâm và Lịnh Hồ Xung đã từng từ chối không chịu học bí thuật ấy vì không nhận làm đệ tử Thiếu Lâm. Để cứu ông, Phương Trượng chùa Thiếu Lâm là Phương Chứng Đại Sư đã phải bảo đó là phép luyện tập của một tiền bối phái Hoa Sơn là Phong Thanh Dương chỉ và Lịnh Hồ Xung chấp nhận luyện theo nó để tự chữa thương cho mình.

Trên đường phiêu lưu của mình, Lịnh Hồ Xung đã có dính dáng nhiều đến Triêu Dương Thần Giáo nên bị Nhạc Bất Quần chánh thức trục xuất khỏi phái Hoa Sơn. Đã vậy, sau khi đánh cắp TỊCH TÀ KIẾM PHỔ của một đệ tử khác là Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần còn vu cho Lịnh Hồ Xung làm công việc xấu xa này. Thái độ của Nhạc Bất Quần làm cho Lịnh Hồ Xung rất đau khổ, vì ngoài tình thầy trò với Nhạc Bất Quần, Lịnh Hồ Xung còn tha thiết yêu Nhạc Linh San là con gái Nhạc Bất Quần. Tuy nhiên, ông cũng biết là không thể kết hôn với cô này được, vì tuy thương mến ông, cô đã xem ông như một người anh và chỉ yêu Lâm Bình Chi mặc dầu Lâm Bình Chi không thật sự yêu cô.

Trong khi còn được xem là đại đệ tử của Nhạc Bất Quần, Lịnh Hồ Xung đã cứu được một đệ tử của phái Hằng Sơn là Nghi Lâm khỏi bị Điền Bá Quang làm ô nhục nên cô này rất yêu ông. Nhưng vì cô đã xuất gia mà rất tin tưởng nơi đạo nên không nhận hoàn tục để kết hôn với ông, mặc dầu cha mẹ cô muốn như vậy và đã toan bức bách Lịnh Hồ Xung phải cưới cô làm vợ, dầu cho là vợ lẽ.

Người thiếu nữ thứ nhì yêu Lịnh Hồ Xung tha thiết sau khi ngẫu nhiên gặp ông, nhưng không bị tín ngưỡng ngăn trở, là Nhậm Doanh Doanh. Lúc hai người mới quen biết nhau, thân phụ Nhậm Doanh Doanh là Nhậm Ngã Hành còn bị giam giữ trong ngục thất. Nhưng người đã cướp đoạt ngôi Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo của ông là Đông Phương Bất Bại không muốn cho người khác biết là mình đã hại Nhậm Ngã Hành nên đã rất nuông chiều Nhậm Doanh Doanh. Cô này thường xin được thuốc giải chất độc trong Tam Thi Não Thần Đơn mà Triều Dương Thần Giáo bắt người ta uống để kềm chế. Do đó, cô rất được các hào khách trong giới giang hồ kính trọng và sợ hãi. Các hào khách này biết Nhậm Doanh Doanh yêu Lịnh Hồ Xung nên cũng hết sức tôn trọng ông và tìm mọi cách chữa nội thương cho ông, nhưng họ đã không thành công. Chính Nhậm Doanh Doanh sau khi thấy tánh mạng Lịnh Hồ Xung có thể lâm nguy nên đã đưa ông đến chùa Thiếu Lâm để nhờ các cao tăng của chùa này chữa tri, mặc dầu cô đã sát hại người của chùa này và chắc chắn là sẽ bị bắt giữ khi đến đó.

Khi đã học được Hấp Tinh Đại Pháp và có công lực cao siêu, và biết được rằng Nhậm Doanh Doanh bị giam ở chùa Thiếu Lâm, Lịnh Hồ Xung đã quản lãnh mấy ngàn hào khách giang hồ đến chùa này để giải cứu cho cô. Sau đó, ông lại cùng Nhậm Doanh Doanh giúp Nhậm Ngã Hành triệt hạ Đông Phương Bất Bại để trở lại làm Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo. Nhưng mặc dầu Nhậm Ngã Hành hứa gả Nhậm Doanh Doanh cho ông, Lịnh Hồ Xung vẫn không chấp nhận gia nhập Triêu Dương Thần Giáo. Dầu vậy, sự liên hệ chặt chẽ với người của giáo phái này đã làm cho Lịnh Hồ Xung bị các Kiếm Phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn nhìn với cặp mắt thiếu thiện cảm. Chỉ có phái Hằng Sơn vẫn ủng hộ Linh Hồ Xung vì đã được ông tận lực giúp đỡ khi phái này bị Chưởng Môn Nhơn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền uy hiếp để bắt buộc phải tự giải tán và gia nhập Ngũ Nhạc Kiếm Phái mà Tả Lãnh Thiền sẽ là Chưởng Môn Nhơn. Đã vậy, khi bị Nhạc Bất Quần đánh cho bị tử thương, Đinh Nhàn Sư Thái của phái Hằng Sơn còn truyền chức Chưởng Môn Nhơn của phái này cho Lịnh Hồ Xung.

Phần Phương Trượng chùa Thiếu Lâm là Phương Chứng Đại Sư và Chưởng Môn Nhơn phái Võ Đương là Xung Hư Đạo Trưởng thì thấy rõ là sau khi thống nhất các kiếm phái của năm hòn núi lớn, Tả Lãnh Thiền sẽ tiến lên, tìm cách chế ngự đoàn thể mình . Bởi vậy, họ đã khuyến khích Lịnh Hồ Xung giành lấy chức Chưởng Môn Nhơn Ngũ Nhạc Kiếm Phái để giữ sự hòa hảo với họ. Tuy nhiên, khi đến Tung Sơn để tham dự cuộc tranh chức Chưởng Môn Nhân này, Lịnh Hồ Xung đã vì muốn nhường nhịn Nhạc Linh San mà để cho mình bị thương. Do đó, cuối cùng chức Chưởng Môn Nhơn Ngũ Nhạc Kiếm Phái đã về tay Nhạc Bất Quần. Nhưng trong khi đấu với Tả Lãnh Thiền để tranh đoạt chức đó, Nhạc Bất Quần đã cho mọi người thấy rằng ông ta còn gian xảo độc ác và có âm mưu thân hiểm hơn Tả Lãnh Thiền. Bởi đó, Lịnh Hồ Xung không còn tôn kính và thương mến ông ta nữa.

Sau đó, Nhạc Bất Quần đã bị cả Tả Lãnh Thiền lẫn Triêu Dương Thần Giáo tìm cách triệt hạ. Các âm mưu và kế hoạch của ông ta chỉ đưa đến cái chết của nhiều cao thủ trong các kiếm phái đã theo ông ta. Phần ông ta cũng đã bị Nghi Lâm giết khi đã mất nội lực thành ra Nghi Lâm đã vô tình trả thù được cho Đinh Nhàn Sư Thái. Lúc ấy, trong năm kiếm phái của các hòn núi lớn, chỉ còn có phái Hằng Sơn. Nhậm Ngã Hành đã định kế hoạch mở cuộc tấn công cả phái này lẫn hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương, nhưng lại thình lình chết vì bạo bịnh. Nhậm Doanh Doanh kế vi Giáo Chủ đã chủ trương hoà giải với các môn phái khác và chánh sách này được Hướng Vấn Thiên noi theo khi Nhậm Doanh Doanh từ nhiệm để kết hôn với Lịnh Hồ Xung lúc ấy cũng đã trao quyền Chưởng Môn Nhơn của phái Hằng Sơn cho một người đệ tử của phái này.

VI TIỂU BẢO

Vi Tiểu Bảo là con một kỹ nữ gốc người Quảng Đông, nhưng hành nghề ở Dương Châu . Ông rất thông minh lanh lợi, nhưng từ bé đã sống trong kỹ viện, chung chạ với hạng người ăn chơi đàng điếm. Bởi đó, cậu bé Vi Tiểu Bảo ăn nói thô tục, lại rất gian xảo, chuyên môn lừa bịp người và rất thông thạo nghề cờ gian bạc lận. Nhưng vì kiếm tiền dễ cậu tỏ ra hào phóng, sẵn sàng bỏ tiền ra giúp những người khác những khi cần. Mặt khác, cậu cũng thường nghe khách giang hổ kể chuyện các hiệp sĩ và các anh hùng dân tộc nên cậu cũng có xu hướng tự mình cư xử như người nghĩa hiệp anh hùng.

Vi Tiểu Bảo đã tình cờ cứu được Mao Thập Bát, một người có võ nghệ và chống lại triều đình nhà Thanh . Trong việc thuộc liên thủ với Mao Thập Bát để đối phó với kẻ đích, cậu bé Vi Tiểu Bảo đã có những hành động mà giới giang hồ cho là đốn mạt, như quăng vôi vào mắt kẻ địch, chui vào đủng quần kẻ địch để bóp thận nang, cắn kẻ địch, kêu khóc ầm ĩ hay giả chết gạt kẻ địch . Do đó, Mao Thập Bát đã sỉ vả cậu nhưng vì thấy cậu cũng có nghĩa và lại bị cậu dùng lời nói khích nên thuận cho cậu theo mình đi Bắc Kinh. Đến đó, Vi Tiểu Bảo tình cờ bị một lão thái giám là Hải Đại Phú bắt đem về cung vua nhà Thanh.

Vi Tiểu Bảo đã giết đứa tiểu thái giám hầu hạ Hải Đại Phú tên Tiểu Quế Tử . Lúc ấy, Hải Đại Phú đã bị mù mắt. Ông biết rõ Vi Tiểu Bảo giả làm Tiểu Quế Tử nhưng ông thấy cậu bé này thông minh lanh lợi hơn Tiểu Quế Tử và có thể đắc dụng cho ông hơn trong việc mưu đồ đánh cắp bộ TỨ THẬP NHỊ CHUƠNG KINH trong thư viện hoàng gia nên giả vờ không biết. Do sứ mạng Hải Đại Phú giao cho mà Vi Tiểu Bảo gặp được Vua Khương Hy lúc đó cũng trẻ tuổi như mình. Lúc đầu, Vi Tiểu Bảo chỉ biết nhà vua này với tên Tiểu Huyền Tử và đã nhiều lần đấu võ với ông ta. Nhà vua vốn còn nhỏ, nhưng giữ địa vi chí tôn nên cả ngày phải tỏ vẻ nghiêm trang, muốn tỷ thí với ai cũng không được vì không ai dám thật sự đụng đến mình. Bởi đó. ông rất thích thú khi gặp một cậu bé tuổi suýt soát mình và không biết mình là vua nên ăn nói thô tục và dám đánh nhau thật sự với mình.

Vi Tiểu Bảo biết Tiểu Huyền Tử là Vua Khương Hy khi ẩn trong thư viện hoàng gia để tìm bộ TỨ THẬP NHỊ CHUƠNG KINHh và đã lanh trí nhảy ra binh vực Vua Khương Hy lúc nhà vua này bị Ngao Bái uy hiếp. Ngao Bái vốn là một đại thần người Mãn Châu, lúc ấy có thế lực lớn nên làm cho nhà vua lo ngại và mưu đồ triệt hạ. Sau đó, Vi Tiểu Bảo đã giúp Vua Khương Hy một cách đắc lưc trong việc bắt giam Ngao Bái và về sau hạ sát Ngao Bái trong ngục. Nhưng trong lúc Vi Tiểu Bảo đến ngục thất để đầu độc Ngao Bái, lại có người của Thiên Địa Hội có thâm thù với Ngao Bái đến tấn công ngục thất này và bắt Vi Tiểu Bảo đem đi. Nhơn dịp này Vi Tiểu Bảo gặp được Tổng Đà Chủ Thiên Địa Hội là Trần Cận Nam (cũng có tên là Trần Vĩnh Hoa). Trần Cận Nam thâu nhận Vi Tiểu Bảo làm đệ tử và cho gia nhập Thiên Địa Hội. Ông lại lấy cớ là Vi Tiều Bảo đã giết được Ngao Bái trả thù cho Hương Chủ Thanh Mộc Đường của Thiên Địa Hội để cho Vi Tiểu Bảo làm hương chủ của đường này. Dụng ý của ông là phái Vi Tiểu Bảo trở vào trong hoàng cung nhà Thanh để thăm dò tin tức và làm nội ứng cho Thiên Địa Hội.

Vi Tiểu Bảo biết Thiên Địa Hội là một tổ chức ái quốc có mưu đồ đánh đuổi người Mãn Châu để khôi phục nhà Minh, và Trần Cận Nam là một bực đại anh hùng được mọi người tôn trọng và kính phục. Vì thế, ông rất ngưỡng mộ Thiên Địa Hội và Trần Cận Nam, và rất hoan hỉ khi được gia nhập Thiên Địa Hội và làm đệ tử Trần Cận Nam. Tuy nhiên, ông đã thân cận Vua Khương Hy và rất thương mến nhà vua này, nhất là khi đã nhận thấy rằng đó là một nhà lãnh đạo sáng suốt và thương dân, thành thật hối tiếc về việc người Mãn Châu tàn sát người Hán lúc mới vào chiếm Trung Quốc và muốn sửa chữa các sai lầm của tổ tiên mình. Do đó từ khi gia nhập Thiên Địa Hội, Vi Tiểu Bảo đã đứng trước một tình thế khó xử.

Đối với Vua Khương Hy, Vi Tiểu Bảo đã tỏ ra trung thành và tận lực phục vụ. Ngoài việc giúp vào công cuộc triệt hạ Ngao Bái trước đó, ông còn lập nhiều công trạng cho Vua Khương Hy. Ông đã phát giác được vụ bà hoàng thái hậu nhà Thanh bị Mao Đông Châu là người của Thần Long Giáo kềm chế và đã giải thoát được bà hoàng thái hậu này. Ông cũng đã thay Vua Khương Hy lên Ngũ Đài Sơn (trong tỉnh Sơn Tây ngày nay) để tìm Vua Thuận Trị là thân phụ Vua Khương Hy đương tu trong một ngôi chùa ở núi này. Về sau, theo lịnh Khương Hy, ông lại lên làm hoà thượng ở chùa đó để bảo vệ cho Vua Thuận Trị lúc ấy là một nhà sư mang pháp danh Hành Si, và giữ cho ông này không bị kẻ đích sát hại hay uy hiếp.

Kế đó Vi Tiểu Bảo phát giác được việc Ngô Tam Quế liên lạc với người Tây Tạng, người Mông Cổ, người La Sát (tức là người Nga) và với Thần Long Giáo để mưu đồ chống lại Vua Khương Hy và chia xẻ lãnh thổ nhà Thanh. Ông đã vận động cho người Tây Tạng và người Mông Cổ bỏ việc liên minh với Ngô Tam Quế để theo về phục vụ Vua Khương Hy. Nhờ đó, Vua Khương Hy đã thắng được Ngô Tam Quế khi ông này nổi lên chống lại nhà Thanh. Được Vua Khương Hy giao cho nhiệm vụ làm Phủ Viễn Đại Tướng Quân thống lãnh quân Thanh đối phó với người La Sát, Vi Tiểu Bảo đã chế ngự được họ và nhờ đó, bản hiệp ước được ký kết giữa hai bên đã rất lợi cho Trung Quốc.

Vi Tiểu Bảo đã không ngần ngại đem thân mình che chở cho Vua Khương Hy lúc nhà vua này bị Ni Sư Cửu Nạn (là con gái Vua Sùng Trinh nhà Minh) đâm ở Ngũ Đài Sơn . Sau đó, khi biết rằng vợ chồng Qui Tân Thụ có mưu đổ vào cung để hạ sát Vua Khương Hy, ông đã cố tìm cách báo tin cho nhà vua biết. Đến lúc bị vợ chồng Qui Tân Thụ bắt bên trong hoàng cung và ép chỉ chỗ nhà vua đương ngự để hành thích. Vi Tiểu Bảo cũng đã liều mạng gạt họ và chỉ cho họ chiếc kiệu không phải có nhà vua ngồi bên trong.

Mặt khác, Vi Tiểu Bảo cũng đã hết lòng phục vụ Thiên Địa Hội. Ông đã tìm cách giải thoát những người của Thiên Địa Hội bị nhà Thanh bắt. Ngoài ra, ông cũng đã làm cho Thiên Địa Hội tăng thêm thế lực và uy tín. Ông đã giúp vào việc hòa giải giữa Thiên Địa Hội với phe Mộc Vương Phủ. Ông cũng đã cố tình dùng uy quyền của mình do nhà Thanh giao cho để thả những người trong giới hào khách chống lại nhà Thanh và tỏ ra có nghĩa khí không phản bội phe mình, lại sát hại những người vì sợ chết mà bỏ người đồng bọn.

Trong việc phục vụ Thiên Địa Hội, chỉ có công tác triệt hạ Ngô Tam Quế là phù hợp với việc phục vụ Vua Khương Hy. Ngoài ra thì Vua Khương Hy và Thiên Địa Hội ở vào tình thế hoàn toàn đối nghịch nhau và Vi Tiểu Bảo đã nhiều lần bị bắt buộc phải chọn lựa một trong hai bên. Nhờ gián điệp gài trong Thiên Địa Hội, Vua Khương Hy đã biết rằng Vi Tiểu Bảo là một Hương Chủ của tổ chức này. Ông sẵn sàng tha tội cho Vi Tiểu Bảo nhưng bắt Vi Tiểu Bảo phải hạ sát Trần Cận Nam và các nhơn vật khác của Thiên Địa Hội. Nhưng chẳng những đã không tuân lịnh nhà vua về việc đó, Vi Tiểu Bảo còn cố tìm cách cứu những người nói trên đây khỏi bị tan xác vì súng đại bác của Vua Khương Hy được linh nả vào phủ đệ của mình. Sau đó, ông thà ở ngoài đảo câu cá chớ không chịu về triều phục vụ nếu phải trả giá bằng việc bội phản Thiên Địa Hội.

Tuy đã được Vua Khương Hy phong đến tước công sau khi ông giúp nhà vua ký với người La Sát một hiệp ước rất thuận lợi cho nhà Thanh, Vi Tiểu Bảo vẫn không vui lòng vì nhà vua đã tung ra tin là chính ông đã giết Trần Cận Nam và triệt hạ Thiên Địa Hội. Ông đã trái lịnh nhà vua, tìm cách tha Mao Thập Bát đã mạt sát ông vì việc này. Nhưng ông cũng đồng thời cương quyết từ chối lời nài nỉ của người sống sót trong Thiên Địa Hội yêu cầu ông hạ sát Vua Khương Hy, hoặc đứng lên làm Minh Chủ phong trào phản Thanh. Cuối cùng để thoát khỏi cảnh khó xử vì sự xung khác giữa hai bên, Vi Tiểu Bảo đã rời bỏ chánh trường và trốn đi biệt tích.

Từ khi bị Hải Đại Phú bắt vào trong cung, Vi Tiểu Bảo đã liên hệ đến việc tìm các bộ TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH. Thời đó, rất nhiềư người mưu đồ lấy các bộ kinh này: Vua Khương Hy, Ngao Bái, Hải Đại Phú, Ngộ Tam Quế, một cung nữ của nhà Minh là Đào Hồng Anh, các Lạt Ma Tây Tạng và Thần Long Giáo. Đặc biệt tổ chức sau này đã phái Mao Đông Châu vào cung giả làm hoàng thái hậu để thực hiện công tác đó. Nhưng cuối cùng, chính Vi Tiểu Bảo đã nhờ nhiều sự tình cờ mà lấy được cả tám bộ kinh, lại phát giác được sự bị mật của nó. Khi có đủ các bộ kinh và hiểu được tác dụng của nó, Vi Tiểu Bảo đã biết được địa điểm có long mạch của nhà Thanh mà cũng là chỗ chứa đựng một kho tàng lớn do người Mãn Châu tích tụ khi mới vào chiếm đoạt Trung Quốc. Lúc chưa ráp được các mảnh vụn lấy từ các bộ kinh ra cho thành bản địa đồ, ông đã có ý muốn giao các mảnh này cho Trần Cận Nam vì thương mến và kính trọng ông này nhưng Trần Cận Nam không nhận. Đến lúc ông đã ráp được mảnh vụn thành bản đổ thì Trần Cận Nam đã chết. Cuối cùng, vì cảm tình với Vua Khương Hy và sợ việc làm đứt long mạch nhà Thanh gây hại cho nhà vua này, Vi Tiểu Bảo đã bỏ ý định đào lấy kho tàng.

Về mặt võ nghệ thì Vi Tiểu Bảo đã được học rất nhiều người: Hải Đại Phú, Vua Khương Hy, Trần Cận Nam, vợ chồng Hồng Giáo Chủ của Thần Long Giáo, Trừng Quan Đại Sư của chùa Thiếu Lâm và Ni Sư Cửu Nạn. Nhưng Hải Đại Phú đã không thật sự dạy ông, Vua Khương Hy thì võ công tầm thường, vợ chồng Hồng Giao Chủ thì chỉ dạy cho Vi Tiểu Bảo một vài miếng võ. Riêng Trần Cận Nam, Trừng Quan Đại Sư và Ni Sư Cửu Nạn thì võ công cao thâm và thật tình chỉ dạy. Nhưng Vi Tiểu Bảo không trì chí luyện tập nên không giỏi được. Môn duy nhất mà ông thích và sử dụng tinh thục là môn Thần Hành Bách Biến do Ni Sư Cửu Nạn truyền cho. Đó là một môn khinh công giúp người né tránh và chạy trốn kẻ địch một cách nhanh chóng làm cho kẻ địch không hại mình được. Ngoài ra, Vi Tiểu Bảo còn được Bà Hà Dịch Thủ cho một dụng cụ bắn ám khí là Hàm Sa Xạ Ảnh để tự vệ.

Về mặt tình ái thì Vi Tiểu Bảo đã có bảy người vợ là Song Nhi, Tăng Nhu, Mộc Kiếm Bình, Phương Di, Tô Thuyên, Kiến Ninh Công Chúa và A Kha. Họ đã gặp Vi Tiểu Bảo trong những hoàn cảnh khác nhau.

Song Nhi là người được nhà họ Trang biếu cho Vi Tiểu Bảo để đền ơn đã báo thù cho họ với việc hạ sát Ngao Bái. Cô này lúc nào cũng hoàn toàn trung thành và tùng phục Vi Tiểu Bảo.

Tăng Nhu là người thuộc phe chống nhà Thanh và đã theo các đồng chí vào quân dinh của Vị Tiều Bảo với mục đích hạ sát ông. Nhưng Vi Tiểu Bảo đã chuyển bại thành thắng rồi lại tìm cách tha cô và những đồng chí của cô đã tỏ ra trọng nghĩa khí . Bởi đó , cô đã yêu Vi Tiểu Bảo và từ đó, không còn xung đột với ông.

Mộc Kiếm Bình là quận chúa trong Mộc Vương Phủ. Cô bị phe Thiên Địa Hội bắt cóc rồi đem gởi cho Vi Tiểu Bảo trong hoàng cung. Nhơn dịp này, Vi Tiểu Bảo ép cô nhận làm vợ mình, nhưng cô cũng không có hành động gì chống lại Vi Tiểu Bảo.

Phương Di là người cùng một phe với Mộc Kiếm Bình và được Vi Tiểu Bảo cứu khi vào hoàng cung làm thích khách. Cô đã hứa hôn với Lưu Nhứt Châu, nhưng Vi Tiểu Bảo đã lấy việc cứu ông này khỏi chết để ép Phương Di nhận làm vợ mình. Cô bắt buộc phải nhận chịu và cũng không ân hận gì về việc này. Tuy nhiên, khi bị các nhà lãnh đạo Thần Long Giáo kềm chế, cô đã phải nghe theo lịnh họ và làm cho Vi Tiểu Bảo mắc mưu họ nhiều lần. Chỉ đến lúc biết rằng cô bị họ kềm chế Vi Tiểu Bảo mới không để lòng giận cô.

Phần Tô Thuyên thì vốn là Hồng Phu Nhơn, vợ của Giáo Chủ Thần Long Giáo. Vi Tiểu Bảo nhỏ tuổi hơn cô, lại có lúc phải nhận cô là người trên trước và được cô dạy cho một vài thế võ. Nhưng mặc dầu làm vợ Hồng Giáo Chủ và được ông này rất mực thương yêu, cô đã không được ông đá động đến vì phải luyện tập một võ công bắt buộc ông phải xa nữ sắc. Trái lại, cô đã bị Vi Tiểu Bảo hãm hiếp lúc bị bắt tại Dương Châu và có thai với Vi Tiểu Bảo. Do đó cuổi cùng cô đã nhận Vi Tiểu Bảo là chồng mình khi Hổng Giáo Chủ bị sát hại.

Kiến Ninh Công Chúa thì tiếng là em Vua Khương Hy, nhưng thật sự lại là con của bà hoàng thái hậu giả là Mao Đông Châu. Cô là người bị bịnh bạo dâm, thích hành hạ người và bị người hành hạ. Với địa vị công chúa, cô đã nhiều lần uy hiếp Vi Tiểu Bảo nên tuy đã lấy cô làm vợ, Vi Tiểu Bảo không mặn mà với cô bằng những người khác.

Riêng A Kha là người được Vi Tiểu Bảo mê say hơn họ vì sắc đẹp. Cô vốn là con của Trần Viên Viên với Lý Tự Thành, nhưng bên ngoài, ai cũng tưởng thân phụ cô là Ngô Tam Quế . Do đó.Ni Sư Cửu Nạn đã bắt cóc cô cho làm đồ đệ với mục đích dùng cô hạ sát Ngô Tam Quế đế báo thù. Lúc đầu, cô không ưa Vi Tiểu Bảo mà lại yêu Trịnh Khắc Sảng là con Trịnh Kinh, chúa đảo Đài Loan. Vi Tiểu Bảo nhiều lần bày mưu thiết kế để ép cô phải nhận minh làm chồng. Cuối cùng, vì bị Vi Tiểu Bảo hãm hiếp có thai, lại thấy Trinh Khắc Sảng có thái độ bạc nghĩa với mình, cô đã thành thật theo Vi Tiểu Bảo.




VVM.08.11.2023-NVA231113.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .