TRẦN HƯNG ĐẠO
T rần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn, Hưng Đạo Vương, 1228? – 1300) là con của An Sinh Vương Trần Liễu, là cháu nội của thái tổ nhà Trần (Trần Thừa), quê ở phủ Thiên Trường (Nam Định).
Ông học rộng biết nhiều, tài kiêm văn võ, là nhân vật trụ cột của triều đình nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược.
Thiên tài quân sự của ông đã đóng một vai trò trọng yếu trong kì tích của dân tộc ta ở thế kỉ XIII: chiến thắng đế quốc Nguyên Mông, kẻ thù xâm lược cường bạo bậc nhất của lịch sử nhân loại, kẻ đã chinh phạt hầu hết các quốc gia từ Á sang Âu. Trần Hưng Đạo được coi là một trong những vị tướng lĩnh kiệt xuất trên thế giới.
Trần Hưng Đạo nêu một tấm gương trung hiếu vẹn tròn, được toàn thể dân tộc ta suy tôn là Đức Thánh Trần, đời đời tưởng nhớ và thờ cúng. Ông là một vĩ nhân và anh hùng dân tộc của Việt Nam.
TRẦN QUỐC TUẤN THỜI TRAI TRẺ: CHÀNG RÔMÊÔ CỦA VIỆT NAM
Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép một câu chuyện hết sức thú vị – một câu chuyện từng làm nhức nhối các tác giả theo Nho giáo của bộ sử (như Ngô Sĩ Liên), nhưng lại... hợp tình hợp lí nếu xét theo quan điểm nhân văn. Đó là vụ Trần Quốc Tuấn bất chấp cả lễ giáo lẫn “phép vua”, quyết giành lấy “tình yêu tự do” của mình, và ông đã giành được một cách trọn vẹn!
Lúc Quốc Tuấn còn ở tuổi thiếu niên, được người cô ruột là công chúa Thuỵ Bà (chị ruột vua Thái Tông Trần Cảnh) nuôi làm con. Khi đến tuổi thành niên, Quốc Tuấn đem lòng yêu công chúa Thiên Thành (con gái vua Thái Tông, và xét theo trực hệ thì là em con chú của Quốc Tuấn1). Và, có lí do chắc chắn để nói rằng công chúa Thiên Thành cũng yêu lại Quốc Tuấn chẳng kém gì!
Song một trắc trở lớn đã xảy ra đưa đến nguy cơ phá vỡ tình yêu ấy: vua Trần Thái Tông áp dụng tập tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đã nhận lời gả Thiên Thành cho Trung Thành Vương, con trai của Nhân Đạo Vương. Cơ hồ đoán được tình ý của con gái với Quốc Tuấn, nhà vua dùng sách “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, cho con gái đến ở luôn trong dinh của Nhân Đạo Vương, chờ đến ngày nàng thành hôn với Trung Thành Vương.
Để công bố cho toàn thiên hạ biết cuộc đính hôn này, Thái Tông cho mở hội “Lễ kết tóc” suốt bảy ngày với rất nhiều trò du hí cho mọi người trong triều ngoài nội đến xem. Ngụ ý của nhà vua là làm lễ “kết tóc xe tơ” cho Thiên Thành và Trung Thành Vương, đồng thời muốn dập tắt ngấm cuồng vọng ái tình của đứa cháu ruột Trần Quốc Tuấn.
Nhưng bất chấp tất cả những “bài vở” và kế sách đó của nhà vua, Quốc Tuấn vẫn nung nấu một quyết tâm sắt đá: phải đoạt bằng được công chúa Thiên Thành!
Thế rồi một đêm kia, trời tối như mực, Trần Quốc Tuấn – “chàng Rômêô của Việt Nam” – đã vượt qua bức tường rào của dinh Nhân Đạo Vương, lẻn tới tận buồng riêng của Thiên Thành. Công chúa đã mở cửa đón người yêu và hai người đã trao cho nhau kỉ vật cao nhất của mối tình đầu.
Bà Thuỵ Bà chờ đến quá nửa đêm không thấy Quốc Tuấn đâu, sinh nghi bèn tra hỏi bọn gia nhân và được chúng khai cho bà biết sự thực. Bà kinh hoàng với chuyện động trời này và đồ rằng nhất định từ giờ đến sáng, gia đình Nhân Đạo Vương sẽ phát hiện được hành vi táo tợn của Quốc Tuấn và mạng sống của Quốc Tuấn sẽ như ngàn cân treo sợi chỉ. Thế là đang đêm, bà xăm xăm đến điện của Thái Tông gõ cửa cáo cấp. Người coi cửa vội vào đánh thức nhà vua. Vua trở dậy hỏi Thuỵ Bà (chị ruột vua):
– Đang đêm hôm công chúa có việc gì mà lặn lội đến đây?
Thuỵ Bà hớt hải nói:
– Bệ hạ ơi, tôi không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ đến thế: đang đêm dám lẻn vào chỗ Thiên Thành. Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu ngay!
Thái Tông nghe xong cũng kinh hoảng, vội sai nội nhân đến ngay dinh của Nhân Đạo Vương. Nhưng quái lạ: cả dinh thự vẫn im ắng như thóc đổ bồ! Để biết rõ thực hư, bọn nội nhân tìm đến tận buồng của công chúa Thiên Thành và ... bắt quả tang Quốc Tuấn vẫn còn đang ở trong phòng công chúa!
Nghe có tiếng ồn ào, Nhân Đạo Vương thức dậy và lúc ấy mới biết chuyện. Ông ta chết nửa đời người: thế là bao nhiêu công lao vun đắp để con trai được trở thành phò mã, rốt cuộc đổ xuống sông xuống biển tất cả!
Bỗng chốc công chúa Thuỵ Bà bị rơi vào thế “cưỡi đầu hổ”! Ngay sáng hôm sau bà vội vã sắp đủ mười mâm vàng sống dâng cho Thái Tông làm lễ dạm hỏi, tâu rằng:
– Xin bệ hạ rộng lòng nhận cho món đồ sính lễ này. Vì vội vàng nên tôi không sắm sửa được đủ lễ vật!
Trần Thái Tông đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nhận đồ sính lễ, gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn!
Để từ hôn với gia đình Nhân Đạo Vương, nhà vua phải lấy 2000 khoản ruộng ở phủ Ứng Thiên (Ứng Hoà, Hà Tây ngày nay) đền cho món sính lễ của ông ta trước đây.
Tình yêu thuở ban đầu mang phong cách “Romeo – Juliet” ấy, tuyệt vời thay, đã không hề là một bi kịch như trong tác phẩm của văn hào Shakespeare, trái lại đã trổ hoa rực rỡ và hoàn hảo. Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành đã sống hạnh phúc bên nhau suốt đời và đã sinh hạ được một bầy con đều là những nhân vật có tiếng ở đời Trần. Đó là: Hưng Võ Vương Hiến, Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, Hưng Trí Vương, Quyên Thanh công chúa (tức Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu, vợ của Trần Nhân Tông), Tuyên Từ thái hậu (vợ Trần Anh Tông), và Trần Kiện.
Những giai thoại về Trần Quốc Tuấn – Hưng Đạo Vương đều đặc sắc lạ thường.
CƯ XỬ CỦA TRẦN QUỐC TUẤN VỚI TRẦN QUANG KHẢI
Trần Liễu hận Trần Thủ Độ và em mình là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) vì việc Thủ Độ mang vợ của ông (lúc ấy đã có mang ba tháng) gả cho Trần Cảnh (sau khi bắt Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh). Trần Liễu dặn con trai là Trần Quốc Tuấn sau này phải tìm cách trả mối thù ấy và đoạt lấy thiên hạ.
Về sau Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải (con Trần Thái Tông) đều trở thành những bậc lương đống của triều Trần. Quang Khải giữ chức tể tướng, Quốc Tuấn thống lãnh việc binh. Giữa hai vị đại thần có vẻ vẫn tiềm tàng một mối thù do cha họ gây ra và truyền lại.
Chưa một ai biết rằng, trong thâm tâm, Trần Quốc Tuấn đã có một kiến giải dứt khoát về mối hiềm thù đó: ông kiên quyết đặt toàn bộ cuộc đời, tâm hồn và ý chí vào việc phụng sự cho đế nghiệp của nhà Trần, cho sự sống còn của đất nước mà dẹp bỏ mối tư thù của cha. Trong mọi hành động, Trần Quốc Tuấn đã chứng tỏ cho tất cả triều thần cũng như binh sĩ dưới quyền thấy rõ điều đó.
Khi giặc Nguyên do Thái tử Thoát Hoan đem quân ồ ạt đánh nước ta, chiếm được Thăng Long, thượng hoàng Trần Thái Tông và hoàng đế Trần Thánh Tông phải bí mật xuống một chiếc thuyền, chạy ra Tam Trì Nguyên (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Theo hầu hai vua là hai vị đại thần Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải.
Lúc ấy trong tay Quốc Tuấn cầm một chiếc gậy, đầu có bịt sắt nhọn (để chống khi đi trên địa hình đồi núi). Quân sĩ trông thấy thế, ai nấy đều lo ngại rằng có thể lúc này chính là cơ hội tốt nhất để Quốc Tuấn thanh toán mối tư thù. Quốc Tuấn nhận biết nỗi lo ngại ấy bèn cầm ngược cây gậy, rút phăng cái đầu sắt nhọn ra rồi ném ra xa vứt đi. Quân sĩ thấy cử chỉ ấy, ai nấy thở phào và yên tâm hộ giá hai vua đến nơi an toàn. Một chiếc thuyền ngự giá được đánh ra Mũi Ngọc (Ngọc Sơn) để đánh lừa quân giặc.
Khi Thánh Tông thân cầm quân đi đánh giặc, Trần Quang Khải theo hầu, vì vậy ghế tể tướng bỏ trống. Giữa lúc đó thì có sứ phương Bắc đến kinh đô. Thượng hoàng Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn đến bảo:
– Thượng tướng hiện đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm tư đồ (tương đương tể tướng) để tiếp sứ phương Bắc.
Quốc Tuấn, một con người chín chắn, suy nghĩ một lát rồi trả lời:
– Tâu hoàng thượng, việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong cho thần làm tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Lúc này quan gia (chỉ Thánh Tông) đang đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng quan gia và Quang Khải. Thần trộm nghĩ, hãy để đợi khi xa giá trở về, thần sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn.
Sự tiên liệu của Quốc Tuấn quả không sai. Khi Thánh Tông và Quang Khải trở về kinh sư, cả hai người đều không tán đồng ý kiến đề xuất của Thái Tông, do đó việc phong chức cho Quốc Tuấn bị bãi bỏ, và trong việc này Quốc Tuấn hoàn toàn vô can.
Một hôm Quốc Tuấn dong thuyền từ Vạn Kiếp trở về kinh sư. Quang Khải vui chân xuống thuyền Quốc Tuấn chơi suốt một ngày. Quang Khải có một cá tính tức cười: vị thượng tướng không ngán đối địch với ngàn vạn quân địch nhưng lại ngại chuyện... tắm gội! Quốc Tuấn thì ngược lại, lúc nào cũng thích thân thể sạch sẽ thơm tho. Nhác trông thấy người ngợm của Quang Khải không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm, Quốc Tuấn mỉm cười vui vẻ nói:
– Mình mẩy Thượng tướng bị cáu bẩn, tôi xin tắm giùm!
Rồi Quốc Tuấn thân mật cởi áo của Quang Khải ra, giội nước lá thơm, tự tay kì cọ tắm rửa cho Quang Khải, miệng nói:
– Hôm nay tôi hân hạnh được tắm cho thượng tướng!
Quang Khải cũng vui vẻ đáp:
– Hôm nay tôi hân hạnh được quốc công tắm rửa cho!
Từ đó tình nghĩa của hai vị văn võ tướng quân đứng hàng đầu của triều Trần càng thêm gắn bó mặn mà. Tình thân giữa họ – những con người biết rũ bỏ hằn thù cá nhân để siết chặt tình huynh đệ – đã làm thành gương sáng cho quân dân thời Trần đoàn kết thành một khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng tên xâm lược cường bạo bậc nhất của lịch sử nhân loại.