Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


TẠI SAO CÚNG DƯỜNG PHẬT LẠI THÀNH PHẬT ?
LIÊN QUAN GÌ ĐỀN TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC
VÀ PHẬT DI LẶC GIÁNG THẾ ?

  


N hiều thời qua, có biết bao nhiêu lớp người đã hăng hái Xuất gia để đi Tu, trong khi chưa biết là Tu Phật là để Thành Phật. Tu Phật là phải Thành Phật. Họ đi tu ngay khi nghĩa của từ Phật còn chưa nắm rõ, cứ nghĩ đó là những vị Thần Linh cao cả có hồng danh là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, là những vị « có quyền phép vô song, cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới ». Vì thế, việc đi tu của họ trở thành là để “hiến trọn cuộc đời phụng sự cho Chánh Pháp”, hoặc để “nương nhờ cửa Phật”. Nhưng có lẽ nương nhờ cửa Phật thì đúng hơn, vì đã không hiểu thế nào là Chánh Pháp thì họ sẽ phụng sự như thế nào ? Chính vì không hiểu rõ, nên thay vì Tu Phật thì họ đã Thờ Phật. Ngày ngày công phu là để lúc chết Phật sẽ rước về Tây Phương Cực Lạc ! Và đã không hiểu Phật là gì thì làm sao dám mong ngày nào đó bản thân mình cũng sẽ Thành Phật ? Trái lại, họ còn cho rằng những người dám nghĩ đến điều đó là Tăng Thượng Mạn ! Như thế, đối với họ, lời Thọ Ký : “Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”, dành cho ai đó, không phải cho họ, trong khi đó chính là mục đích của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật.

Phật là gì ? Mọi người cần Tu Phật không ? Tu Phật để làm gì ? Bản thân ta có thể thành Phật được không ? Muốn Thành Phật thì phải làm gì ? Thành Phật có phải là thành Thần Linh không  ? Đó là những câu hỏi lẽ ra người muốn đi tu cần đặt ra trước khi Phát Tâm, vì hết sức vô lý khi ta hy sinh cả cuộc đời, Xuất Gia mà không biết để tìm thứ gì ? Không biết phương pháp để tìm. Không phân biệt được thứ ta muốn tìm với những thứ khác !

Tôi tin rằng đó là những câu hỏi mà người muốn tu Phật ngày nay cần tìm hiểu, bởi Đạo Phật được Đức Thích Ca khai mở cách đây đã gần 3.000 năm. Buổi đầu là do chính Ngài thuyết giảng cho lớp Đệ Tử đầu tiên. Cho đến nay đã qua không biết bao nhiêu lớp Pháp Sư, chứng đắc hay chưa cũng mở ra giảng Pháp. Rồi đời nọ nối tiếp đời kia, truyền bá ra biết bao nhiêu kiểu hiểu và Hành Đạo cho bá tánh, trong đó không biết còn được bao nhiêu phần trăm là lời Phật dạy. Để rồi, cho đến thời này, thay vì Tu Phật là để Thành Phật với những công việc Tu Sửa Thân, Tâm, thì mọi người chỉ được học những nghi thức, những bài Kinh, những bài thuyết pháp dạy Thờ Phật, làm lành, lánh dữ, Cầu An lúc còn sống. Lúc qua đời thì Cầu Siêu..mục đích để được Phật rước về Tây Phương Cực Lạc ! Các giảng sư đa phần đọc Chính Kinh, rồi dựa vào câu chữ trong đó mà bàn sâu, tán rộng ra thêm trong khi Chư Tổ dặn dò « Y NGHĨA BẤT Y NGỮ ». Do đó, nếu chưa phân biệt thể nào là NGỮ, thế nào mới là NGHĨA, cứ theo NGỮ mà bàn, rồi xui bá tánh hành theo đó thì rất là tai hại, đôi khi tưởng là Hộ Pháp thì lại Phá Pháp mà không hay !

Nhưng nếu chúng ta biết được nguyên tắc là « Tu Phật là để thành Phật », hẳn cần hiểu PhẬt có nghĩa là gì ? Đức Thích Ca đã tu hành như thế nào để Thành Phật ? Ngài truyền lại cho chúng ta cách thức như thế nào ?

Thiện Tri Thức khó gặp. Vì thế, tốt nhất là chúng ta nên tự mình tìm xem mục đích tu hành của Đức Thích Ca, xem Ngài đi tu là để tìm gì ? Hành như thế nào ? Ngài đã đắc những gì mà gọi là Đắc Đạo ?

Ai cũng biết nguyên do Đức Thích Ca rời bỏ gia đình gồm cả ngai vàng và vợ đẹp, con còn nhỏ, là để đi tìm cách để Thoát Khổ, Thoát Sinh, Lão, Bệnh, Tử, sau khi chứng kiến những cảnh đó đè nặng lên thân xác của con người. Thế rồi, Sáu năm, học với Sáu vị thầy giỏi nhất đương thời, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời. Cho đến khi Ngài trải tòa cỏ, Ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài tìm ra Con Đường, hay cách thức để Giải Thoát, gọi là Đạo Phật. Đạo Phật chỉ có nghĩa là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. PHẬT chỉ là người đã hoàn tất việc Giải Thoát cho bản thân. Kết quả này không chỉ dành riêng Phật Thích Ca và các Vị Giác Ngộ trong Quá Khứ, mà có đến TAM THẾ PHẬT. Đó là PHẬT QUÁ KHỨ, PHẬT HIỆN TẠI và PHẬT VỊ LAI. Có nghĩa là : Bất cứ ai ? bất cứ thời nào ? Nếu Hành đúng theo những gì Đức Thích Ca đã hành thì cũng đều Thành Phật như Ngài.

Như vậy, muốn bắt chước Ngồi Thiền như Đức Thích Ca, thì bắt buộc ta phải hiểu rõ thời gian 49 ngày đêm Thiền Định đó Ngài đã làm những gì ? Đã Đắc được những gì mà cho là Đắc Đạo ?

Qua tuyên bố của đỨC Thích Ca lúc vừa xả Thiền, ta thấy là Ngài cho là đã tìm được « KẺ LÀM NHÀ », tức kẻ đã XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ. Kẻ mà Ngài đã bỏ hết thì giờ, tâm trí để săn lùng suốt bao nhiêu năm qua.

Vậy kẻ đó là ai ? Ở đâu ? Ngài đã tìm như thế nào ?

Muốn tìm thủ phạm phải tìm ngay nơi hang ổ của hắn, nơi hắn đang ẩn nấp và hoạt động. Sáu Năm với sáu vị Thầy giỏi nhất đương thời, chỉ học được những Thần Thông, Pháp Thuật. Nhận thấy những thứ đó không cho Ngài câu trả lời về vấn đề Khổ Đau, Sinh Tử mà Ngài cần Thoát khỏi sự ràng buộc với nó. Đức Thích Ca quán sát thấy rằng SINH TỬ, ĐAU KHỔ diễn ra ngay chính nơi cái THÂN của mỗi nguời, nên thời gian 49 ngày Ngồi Thiền, là thời gian Ngài quay về Quán Sát ngay chính nơi bản thân Ngài. Vì đó là nơi mà Sinh Tử, Khổ đau luôn hoành hành.

Quan sát cái Thân người thì ai cũng thấy đó là một khối thịt, xương với các bộ phận : Đầu, Mình, Tứ Chi, Lục Phủ, Ngũ Tạng.. được bao phủ một lớp áo bằng da. Quy trình cuộc đời của một con người chỉ là SiNH ra, lớn lên theo thời gian, rồi GIÀ, rồi mang một số BỆNH và cuối cùng là CHẾT ! Thời gian sống không chỉ là phải chịu nắng, mưa vùi dập, mà còn phải đối phó với biết bao nhiêu nghịch cảnh. Chịu đựng biết bao nhiêu nỗi Khổ, vì thế, Đức Thích Ca cho rằng « Hữu Thân hữu Khổ ».

Nhưng nếu cả đời Làm Ác hay Làm Thiện rồi khi Chết là hết, thì không cần tu hành hay thay đổi làm chi. Trái lại, theo Đức Thích Ca, kiếp sống con người không kết thúc theo Cái Chết, mà Cái Chết chỉ diễn ra với Cái Thân giả tạm mà thôi. Trong Thân còn có một phần Vô Tướng. Phần này ở chung với Cái Thân Tứ Đại, nhưng trường tồn, bất Sinh, bất Tử. Phần này mới chính là cái TA THẬT, được các Tôn giáo gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như : Thần Thức, Cái Tâm, Cái Tánh. Linh Hồn hoặc Tiểu Linh Quang. Khi cái Thân giả tạm hết Nghiệp mà trả lại cho Tứ Đại những gì đã vay mượn, thì Thần Thức mang theo Nghiệp Quả đã gây tạo, nhận lấy một cái Thân khác để Trả những gì nó đã làm ở Thân trước, bởi vì chính nó là chỉ huy, điều khiển cái Thân cũ làm mọi việc trong thời gian sống, gọi là tạo NHÂN. Nếu nó còn MÊ LẦM thì sẽ dắt cái Thân tạo những Nghiệp xấu, gọi là Ác Nghiệp thì sẽ phải rơi vào những đường xấu. Nếu nó tạo Thiện Nghiệp thì sẽ được HƯỞNG những điều tốt đẹp trả lại. Do NHÂN QUẢ mà có Luân Hồi cho các pháp Trả, vay sòng phẳng với nhau. Tu hành theo ĐẠO PHẬT là để chấm dứt KHỔ ĐAU và SINH TỬ LUÂN HỒI. Phần CÁI TA VÔ TƯỚNG, ở trong cái Thân. Tuy không thể nhìn thấy bằng mắt, nhưng nó mới chính là bộ phận đầu não, là chỉ huy, đã điều khiển mọi hành vi của cái Thân. Đức Thích Ca đặt tên đó là CÁI TÂM.

Trong Cái TÂM luôn có nhiều Ý Tưởng lao xao, Khởi, Diệt. Trong đó Ngài chia ra làm 3 loại : PHẬT, BỒ TÁT và CHÚNG SINH.

1/- PHẬT là Ý tưởng đã hoàn toàn thanh tịnh, không xao động, như như.

2/- CHÚNG SINH là những Ý tưởng còn đang bị ràng buộc trong đau khổ, đang chìm đắm trong nghiệp lực, muốn thoát ra mà không được.

3/- BỒ TÁT là những Ý tưởng có nhiệm vụ giải cứu, khuyên nhũ, hướng dẫn cho những Ý tưởng còn đang đau khổ, đang bị ràng buộc gọi là CHÚNG SINH. Khi nó chịu bỏ đi khuynh hướng xấu, quay về với cảnh thanh tịnh, an lạc, thì gọi là Bồ Tát “ Cứu độ được một Chúng Sinh » hay là đưa được một Chúng Sinh về Phật Quốc”. Kinh cũng gọi việc làm đó là “CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT. Làm nhiều lần thì gọi là CÚNG DƯỜNG NHIỀU VỊ PHẬT. Do đó ta thấy Kinh viết có Bồ Tát « Cúng Dường vô số ức Đức Phật”, không phải là tạc, hay nặn cho thật nhiều Tượng Phật rồi thắp hương để Cúng như nhiều người Y NGỮ đã làm !

4/- Khi Bồ Tát làm xong nhiệm vụ. Tất cả Chúng Sinh đã được Cứu độ, Cõi TÂM trở thành thanh tịnh, an lạc, thì cho là HOÀN THÀNH NƯỚC PHẬT.

Nhưng vì thời đó rất khó để diễn tả cho đại chúng hiểu, vì Cõi Tâm Vô Tướng mà lại được ví như là một Quốc Độ, có cư dân đủ loại. Nhất là khi cảnh đó không phải ở bên ngoài vũ trụ, mà ở NƠI TÂM của mỗi người. Trong kinh LĂNG NGHIÊM, Phật phải giải thích đến 7 lần thì Ngài A Nan mới nhận ra. Tổ Đạt Ma cũng diễn tả :

“Tâm, tâm, Tâm
       Khó nổi tầm
       Tung ra bao trùm khắp pháp giới.
       Thâu lại chẳng đầy mủi kim”.

Nhưng đến thời này, qua bao nhiêu Vị Giác Ngộ lần lượt khai sáng, chúng ta đã nhận ra : Nó chính là CÁI TÁNH BIẾT hay còn gọi là Ý THỨC hay THẦN THỨC của mỗi chúng ta. Nó đi chung với Cái Thân, nhưng có một cõi riêng, Phật đặt tên cho nó là Cõi Tâm. Trong CÕI TÂM này, không phải hoàn toàn là những ý tưởng xấu, cũng không hoàn toàn tốt, mà có cả tốt lẩn xấu, nên Ngài gọi là “PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ”. Người muốn tu hành Giải Thoát thì phải CHUYỂN HÓA những Ý tưởng xấu là Tham, Sân, Si, nhỏ nhen, ty tiện, độc ác, lấn người, hại vật… trở thành tốt, để tất cả đều được thanh tịnh, gọi là thành lập PHẬT QUỐC.

Vào con đường Tu Phật, người tu được dạy quán sát để thấy : Cái THÂN chỉ là khối xương thịt thi hành mọi thứ theo lệnh của Cái TÂM điều khiển. Chính Cái TÂM đã ra lệnh cho Cái Thân hành động, cho nên nó mới chính là chủ nhân ông của Cái Thân. Muốn chiếm Thành nào hay Nước nào thì phải khống chế người có quyền lực cao nhất là Chủ Thành hay Vua của nước đó. Những cảnh lao xao, khởi diệt, tạo Nghiệp Thiện hay Ác cũng xuất phát từ Cõi Tâm. Vì thế, khi tu hành phải nhắm vào Tâm mà hành trì. Do đó, muốn tu hành, thành công thì phải Tìm cho ra Cái Tâm để Tu Sửa ở đó, gọi là TU TÂM. Công việc thu phục, khống chế Cái Tâm, gọi là ĐIỀU TÂM hay CHUYỂN HÓA TÂM, để cho nó tỉnh ngộ mà thôi gây Nghiệp xấu để khỏi phải lãnh hậu quả xấu.

Vì sao TU TÂM mà THOÁT KHỔ ?

Chính vì Cái TÂM là chủ nhân đã điều khiển cho tai sai của nó là Cái Thân hành động, gây NHÂN xấu gọi là tạo Nghiệp. Do đó, khi đến lúc nào đó phải nhận lại những hậu quả nó đã làm gọi là TRẢ QUẢ. Lúc tranh giành với mọi người thì bất chấp hậu quả. Sẵn sàng gây đau khổ cho người khác. Thành công thì hả hê, vui sướng, nhưng lúc Trả mới thấm thía thế nào là đau khổ. Vì vậy, Cái Tâm sau khi được giáo hóa, biết phân biệt thế nào là Thiện, Ác. Biết ý thức thế nào là Nhân, Quả, để nó chấp nhận « Bỏ giả về Chân » thì nó không còn điều khiển cho cái Thân tạo tội, gây Nghiệp nữa. Không còn tạo Nghiệp tất nhiên không phải Trả Nghiệp nữa. Vì thế cũng sẽ hết KHỔ. Đó là mục đích của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật. Do đó, Đạo Phật còn có tên là Đạo ĐỘ KHỔ. Đạo Phật dùng NHÂN QUẢ để răn mọi người không được làm Ác, vì thế, Đạo Phật còn có tên là Đạo NHÂN QUẢ.

Nếu cả kiếp sống con người chỉ Hành Thiện Pháp, thì dù ở hiện kiếp cũng được hạnh phúc, an vui, hay có Luân Hồi thì cũng không bị rơi vào ác đạo. Đó là lý do mà Đức Thích Ca mở ra ĐẠO PHẬT, tức là CON ĐƯỜNG ĐỂ THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ LUÂN HỐI.

Vì sao TU TÂM mà lại Thành Phật ?.

PHẬT, không phải là Thần Linh, mà chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Thành Phật, là Thành Tựu Con Đường Giải Thoát, không phải là thành một đấng Thần Linh, cao cả nào. Muốn Thành Phật thì chỉ cần làm công việc ĐỘ SINH. Muốn « ĐỘ SINH » thì phải biết Chúng Sinh là gì ? Ở đâu ? Khi nào  « Độ Tận Chúng Sinh » thì gọi là Thành Phật.

Trong Tâm mỗi người từng sát na luôn có những Tư Tưởng lăng xăng, khởi, diệt. Những nhà Tư Tưởng của Úc đã nghiên cứu thấy mỗi ngày mỗi người sản xuất ra khoảng 50.000 tư tưởng. Do đông đảo như cả thế giới nên Phật gọi đó là Chúng Sinh. Có Ba chủng loại Chúng Sinh, rất đông đảo, do THAM, SÂN và SI sinh ra, nên « Cứu độ cho những Chúng Sinh » đó gọi là « Cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên thế giới » Vì thế, « Cứu độ Chúng Sinh » không phải là để đi cứu độ mọi sinh vật hay những người chưa tỉnh ngộ ở ngoài xã hội, mà là Giáo Hóa những tư tưởng còn mang khuynh hướng xấu nơi Tâm của mỗi chúng ta, cho nó trở về đường Thiện. Việc làm đó còn có tên gọi khác, là CÚNG DƯỜNG PHẬT, được một số Kinh diễn tả như sau :

Kinh DUY MA CẬT, Phẩm Phật Quốc thì :

“Trưởng giả tử tên là Bảo Tích cùng với 500 vị Trưởng giả tử đồng cầm lộng bảy báu đi đến chỗ Phật, cung kính đảnh lễ, đầu mặt tiếp chơn, rồi mỗi vị đều đem lộng báu của mình hợp nhau Cúng Dường Phật.

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA Phẩm Tựa có Kệ :

  “Hoặc có vị Bố thí.
       Vàng, bạc, ngọc, san hô.
       Chơn châu, ngọc như ý.
       Ngọc xa cừ, mã não.
       Cùng tôi tớ, xe cộ.
       Kiệu, cán, chưng trân bửu.
       Vui vẻ đem bố thí.
       Hồi hướng về Phật Đạo..
       Hoặc có vị Bồ Tát.
       Xe tứ mã, xe báu.
       Bao lơn, che tàng đẹp.
       Trau tria dùng bố thí.
       Lại thấy có Bồ Tát.
       Bố thí cả vợ con.
       Thân thịt cùng tay chơn.
       Để cầu Vô Thượng Đạo.
       Lại thấy có Bồ Tát.
       Đầu mắt và thân thể.
       Đều ưa vui thí cho.
       Để cầu trí Huệ Phật.
       Lại thấy vị Bồ Tát .
       Đồ ăn uống ngọt ngon.
       Cùng trăm món thuốc thang.
       Đem cúng Phật và Tăng.
       Áo tốt đồ thượng phục.
       Giá đáng đến nghìn muôn.
       Hoặc là Y vô giá.
       Đem cúng Phật và Tăng.

Trong Phẩm Thí dụ thì :

“Bấy giờ bốn bộ chúng…Thấy Xá Lợi Phất ở trước Phật lãnh lấy lời dự ghi sẽ thành vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng. Mỗi người đều cổi y trên mình đang đắp để Cúng Dường Phật.

Phẩm Đề Bà Đạt Đa thì :

“Vua vì phát nguyện cầu Đạo Vô Thượng Bồ Đề, muốn đầy đủ Sáu Pháp Ba La Mật nên siêng bố thí cung điện, bảy báu, quốc thành, thê tử, voi, ngựa, tôi tớ, bạn bè cho đến đầu, mắt, tủy, óc, thân, thịt, tay chân”..

Tóm lại là theo một số Phẩm trong Chính Kinh thì chỉ vì cầu Vô Thượng Chánh Giác, những người cầu Đạo sẵn sàng Cúng Dường những thứ quý giá nhất mà mình đang có cho Phật.

Nếu đơn thuần “Y KINH GIẢI NGHĨA” CÚNG DƯỜNG như thế thì không lẽ Đạo Phật bày ra, con đường tu hành, nói về Tây Phương Cực Lạc, về những Quả Vị sẽ Chứng Đắc, mục đích là… để Phật thu gom của bá tánh ? Bởi theo Kinh viết thì người Nghe Pháp vì Cầu Vô Thượng Bồ Đề mà Cúng Dường hầu như toàn bộ những thứ quý giá mà mình sở hữu, nào là nhà cửa, xe cộ, kiệu cán, bảy báu cho tới quốc thành, vợ con, đầu, mắt, tủy, óc, thân thịt, tay chân ? Thậm chí y đang mặc trên người cũng cổi ra để cúng cho Phật ? Chúng ta phải hiểu thế nào ? Chẳng lẽ người muốn tu hành, Chứng đắc, phải đánh đổi tất cả những thứ mà họ đã phải vất vả cả đời mới có được để đổi lấy Quả Vị ? Rồi thì việc tu hành Thành Phật không biết cao quý cỡ nào, trong khi Kinh dạy là “Muôn người đi mà ít người đến được” , và phải “lâu ngày cần khổ”, nhưng nếu mang của cải, tài sản Cúng Dường cho Phật, Phật nhận thì lập tức thành Phật như trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : Long Nữ lẽ ra là thân gái không được làm Phạm Thiên Vương, Đế Thích, Ma Vương, cũng chẳng đặng Thành Phật, vậy mà chỉ cần CÚNG DƯỜNG HỘT CHÂU CÓ GIÁ TRỊ BẰNG CÕI TAM THIÊN, ĐẠI THIÊN dâng lên Đức Phật, Phật nhận thì nàng ta liền thành Phật ? Có phải Phật nhận hối lộ để ban cho Quả Vị cho người Cúng Dường hay không ? Nếu vậy khác nào phàm phu chạy chức ?

ĐẠO PHẬT từ bao đời nay đã bị nhiều Tu Sĩ giả danh, hoặc những người cũng Xuất Gia nhưng không nắm vững đường lối tu hành của Đạo Phật chân chính, lợi dụng hình tướng Đệ Tử Phật để không những nhàn thân mà còn được ăn trên, ngồi trước, được mọi người Cúng Dường ! Chính họ đọc Kinh, rồi Y NGỮ mà giải thích, quảng bá về PHẬT, thêm thắt nhiều điều linh thiêng, huyền bí, Thần Thánh hóa Đức Thích Ca, dựa theo những câu Kinh “Phật có thể cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”. “Quán Thế Âm Bồ Tát luôn tầm thinh cứu nạn” để xui bá tánh thành khẩn cúng bái, cầu xin Phật, Bồ Tát cứu độ rồi vận động bá tánh cất Chùa cho thật to, dựng tượng cho thật lớn dưới danh nghĩa tôn vinh Phật !. Họ quên rằng ĐẠO PHẬT là Đạo Tự Độ. Con trai của Phật là La Hầu La, vợ là Bà Gia Du Đà La cũng phải tự tu hành để Tư Độ. Phật không có quyền năng để cứu độ cho ai ! Nếu cứu độ được thì Phật đã khôngbày ra con đường tu hành và Thọ Ký cho “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” làm chi. “Tam Thiên Đại Thiên” mà Phật có thể cứu độ chỉ là Chúng Sinh Tham Sân và Si gọi là Ba Cõi Trong Tâm của chính Ngài. Lịch sử Đạo Phật có ghi rõ, trang mạng chính thức của Phật Giáo là Phatgiao.org.vn cũng giải thích : “Phật Thích Ca không phải là Thần Linh giáng thế, mà là một con người bình thường, được sinh ra từ mẹ như tất cả mọi người. Ngài cũng có vợ và con trai. Cũng đã phải tu hành để được Giải Thoát. Tất cả mọi người đều có thể tu hành để được Giải Thoát như Ngài”.

Phật chỉ là nghĩa của Giải Thoát. Giải Thoát đó ở trong Tâm của mỗi người. Không phải bên ngoài. Không phải của người khác. Vì thế, CÚNG CHO PHẬT chỉ có nghĩa là XẢ những thứ đã Chấp, đã mê đắm từ vô lượng kiếp để được Giải Thoát, không phải là Cúng cho Phật nào bên ngoài.

“Bảy món CHÂU BÁU Hiến cho Phật”, cũng không phải là 7 món châu báu ngọc ngà vàng bạc xa cừ mã não… của trần gian, mà là những những tính xấu mà mỗi người ôm giữ từ bao nhiêu đời : Đó là 3 Nghiệp của THÂN, là THAM, SÂN và SI, và 4 Nghiệp của KHẨU, là Nói Láo, Nói lưỡi đôi chiều, Nói để khen mình, chê người. Cộng lại là 7 món. Do mọi người ôm giữ BẢY thứ này từ kiếp này sang kiếp khác, không chịu rời xa, không khác nào những người ôm giữ Châu Báu, nên Phật gọi là BẢY BÁU !

CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT không phải là đem vật phẩm đến trước Tượng Phật hay một vị Phật nào đó để CÚNG, mà XẢ những Tham, Sân, Si, những tính Xấu, Ác, đố kỵ, thích tranh chấp, hơn thua, muốn lấn người, hại vật… đi, KHÔNG ÔM GIỮ NỮA. Hành động XẢ đó Kinh gọi là “ ĐỘ SINH” hay “ĐƯA CHÚNG SINH THÀNH PHẬT”. Khi Chúng Sinh trong Tâm của mình được Giải Thoát, hết Khổ, thì gọi đó là Thành Phật. Hành giả chỉ làm CHO CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CỦA CHÍNH MÌNH, vì thế, gọi là CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT MÌNH.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có Kệ :

  “Lại thấy những Trời, người
       Rồng, thần, chúng Dạ Xoa
       Càn Thát, Khẩn na la
       ĐỀU CÚNG DƯỜNG PHẬT MÌNH.
       ….
       Lại thấy các Bồ Tát
       Rõ pháp tướng tịch diệt
       ĐỀU Ở TẠI NƯỚC MÌNH
       NÓI PHÁP CẦU PHẬT ĐẠO”.

Nói Pháp cũng Nói cho Chúng Sinh của chính mình. Cúng Dường, cũng Cúng Dường cho PHẬT CỦA MÌNH. Đó là diễn tả công việc TU TÂM. Do đó, chỉ những người đã hiểu thế nào là CÁI TÂM mà Đạo Phật mô tả thì mới tu hành thành công được.

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ ĐẠT MA dạy :

Hỏi : Nếu có người dốc lòng cầu Phật Đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu ?

Đáp : Chỉ một pháp Quán Tâm thâu nhiếp các pháp mới thực là cực kỳ tỉnh yếu.

Hỏi : Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được ?

Đáp : Tâm là gốc của muôn pháp. Tất cả pháp đều duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành lá nhánh trái bông, nhưng tất cả đều do một gốc sinh ra, nếu chặt gốc ắt cây chết.

Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tỉnh lực, nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích”.

Vì sao CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT MÌNH thì được GIẢI THOÁT ?

Muốn Giải Thoát thì phải BIẾT ĐIỀU GÌ ĐÃ RÀNG BUỘC. Ràng buộc ở tại đâu ? để tháo gỡ. Kinh LĂNG NGHIÊM dạy : “Như Quốc Vương, bị giặc đến vây thành. Mang quân đi dẹp giặc. Nếu không biết giặc trú ngụ phương nào thì không làm sao dẹp được giặc”. Mở Gút thì phải mở ngay Gút chính. Muốn THOÁT KHỔ thì phải biết cái gì sinh ra KHỔ rồi giải quyết ở chỗ đó. Kinh cũng đồng thời chỉ chỗ để tháo gỡ : “Chứng Thánh hay đọa Phàm cũng do nơi Lục Căn của các ông. Chẳng phải ở nơi nào khác”. Tức là do CÁI THÂN, do LỤC CĂN (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) làm cho mình bị Khổ, thì khi tu hành là phải nhắm vào đó. Do đó, người tu phải Quán Sát, Tư Duy xem Lục Căn đã làm Khổ ta như thế nào ? Chẳng lẽ phải chặt Tay, móc Mắt, bịt Tai để không còn Nhìn, Nghe, Thấy những gì diễn ra để HẾT KHỔ ?

Đạo Phật không dạy ĐOẠN DIỆT, ĐOẠN TRỪ, mà dạy SỬA chữa rồi Dùng Lại. CHÚNG SINH gây Nghiệp, nhưng không TIÊU DIỆT chúng, mà chỉ giáo hóa, gọi là ĐIỀU PHỤC, hay Chuyển Hóa, cho chúng bỏ đi những cái Xấu mà thôi. Cái Xấu thì bỏ đi, nhưng cái tốt thì giữ lại để dùng. Như trong một đồng lúa, có cỏ dại mọc xen với lúa. Người nông dân chỉ nhổ bỏ cỏ dại, cây lúa thì lại mai kia có gạo mà dùng. Nếu nhổ bỏ hết cả cỏ dại lẩn lúa thì mai kia lấy gạo đâu ra để dùng ? Người tu hành chỉ dẹp những tư tưởng bất chính. Những ý tưởng tốt đẹp, lương thiện thì cần phát huy. Trí Huệ có được là do THIỀN QUÁN (Vipassana) tức là người Ngồi Thiền sẽ Tư Duy trong lúc Định cái Tâm. Nhưng những người hiểu sai đã DIỆT TẬN ĐỊNH. Dẹp hết tư tưởng, không dám suy nghĩ, sợ Thất Niệm, thì còn làm sao sinh được Trí Huệ ?

Tất cả những niệm tưởng dù Xấu hay Tốt đều xuất phát từ Cái Tâm. Tu Phật là phải Xả hết những niệm tưởng Xấu, gọi là Chúng Sinh, gồm Ba Độc và những thói xấu khác mà bao đời qua mình vẫn chấp nhất, dính mắc, yêu thích, trú ngụ, ra vào trong đó, được mô tả là CUNG ĐIỆN, CHUỖI HẠT TRÂN CHÂU, BA VIÊN CHÂU BÁU CÓ GIÁ TRỊ LIÊN THÀNH, NHÀ, CỬA, XE CỘ, ĐỀN ĐÀI, THÊ, THIẾP, TÔI TỚ, NGỰA VOI, KIỆU CÁNG… là tượng trưng cho những thứ mà mọi người đã yêu thích, ôm ấp, trú ngụ, xử dụng, đời này sang đời kia, kiếp này sang kiếp khác, như người giữ của quý, không thể xa rời.. XẢ những thứ đó để được Giải Thoát cũng gọi là BỐ THÍ, CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT. Càng XẢ nhanh chừng nào thì càng mau GIẢI THOÁT chừng đó. Long Nữ XẢ BA ĐỘC nhanh, nên nàng lập tức Thành Phật là đúng rồi. Đâu có phải là dâng Châu Báu, tài sản cho Phật rồi Phật ấn chứng cho Thành Phật ?

Không chỉ riêng Long Nữ, tất cả mọi người cũng thế. Nếu THÍ, XẢ được những thói tật xấu đã chấp nhất,ôm giữ thì kết quả là được Giải Thoát. Kinh không diễn tả sai, tại mọi người đã Y NGỮ, đã hiểu sai, cho rằng Phật là một Thần Linh, có nhiệm vụ cứu độ cho bá tánh. Tín đồ chỉ việc Cúng Dường rồi cầu xin thì sẽ “được cứu độ” ,rồi cho rằng Cúng Dường là mang phẩm vật vô Chùa đặt trước Tượng Phật để Cúng ! Càng Cúng nhiều chừng nào thì phước càng lớn chừng đó ! Họ không hiểu rằng PHẬT chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Tượng là do con người tạo ra, làm gì có quyền năng để giúp được cho ai ? Vậy mà bao thời qua nhiều rất nhiều Chùa chiền đã vận động Phật Tử đúc, tạc Tượng Phật cho thật to, rồi cắm cúi thắp hương, lạy Tượng mà cứ tưởng rằng lạy Phật !

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ Đạt Ma dạy :

“Phật trước Phật sau chỉ truyền Tâm ấy

Trừ Tâm ấy ra, không Phật nào có thể được.

Chúng sanh điên đảo không biết Tự Tâm là Phật, cứ lăng xăng huớng ra ngoài mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật. Phật tại nơi đâu ? Đừng nên có lối thấy ấy.

Chỉ cần biết Tự Tâm

Ngoài Tâm rốt không có Phật nào khác.

Kinh nói : Phàm những gì Có Tướng đều là dối trá.

Lại nói : Chính tại nơi đây mới là có Phật.

Tự Tâm là Phật.

Đừng nên đem Phật ra lễ Phật như vậy”.

Ý Tổ muốn nói : PHẬT là để nói về kết quả Giải Thoát ở nơi Tâm của mỗi người. Ngoài Tâm không có sự giải thoát nào khác. Vì vậy, không có gì phải lạy Tượng. Ngài dạy thêm :

  “Người lạy ắt không biết.
       Người biết ắt không lạy”.

Ai cũng biết Kinh ĐẠI THỪA do Chư Tổ viết sau khi Phật Thích Ca đã nhập diệt cả mấy trăm năm. Đó là lý do khiến bên PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY cực lực phản đối, cho đó là kinh ngụy tạo, vì không phải do Đức Thích Ca, mà do các Tổ về sau bịa ra. Đó là vì họ không hiểu về việc TRUYỀN Y BÁT của Đạo Phật.

Người chống hay chấp nhận ĐẠI THỪA đều biết rằng trong Đạo Phật có việc TRUYỀN Y BÁT. Sử chép lại, trong một lần giữa Đại Cúng. Đức Thích Ca cầm cành Sen đưa lên. Trong khi mọi người ngơ ngác, không hiểu ý ngải muốn nói gì ? Chỉ có Đức Ca Diếp mỉm cười. Qua nụ cười đó, Đức Thích Ca biết Ngài Ca Diếp đã nắm vững Giáo Pháp của mình, đã đủ trình độ để kế thừa, nên Truyền Y Bát cho Tổ Ca Diếp và dặn dò sau đó truyền lại cho Ngài A Nan, và việc này nên tiếp tục để Phật Pháp mãi trường tồn.

Việc TRUYỀN Y BÁT có giá trị như cấp bằng Tốt Nghiệp cho người đã đủ trình độ, để người tốt nghiệp có thể ra hành nghề. Thời xưa cũng như tất cả mọi thời. Không phải ai đi học đều tốt nghiệp. Trong Đạo Phật cũng không khác. Không phải ai vô Chùa tu đều Đắc Đạo. Vì thế, Đức Thích Ca phải chọn người không chỉ nắm vững Giáo Pháp, mà Hạnh cũng không khiếm khuyết để trao quyền thay mình thống lãnh Tăng Đoàn và phát huy Đạo Pháp. Thời điểm đó Ngài A Nan tuy lý rất thông thạo, có thể “kể lại lời Phật thuyết như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt”. Nhưng vì cái Hạnh chưa hoàn chỉnh, nên Đức Thích Ca không truyền Y Bát cho Ngài, mà dặn Ngài Ca Diếp về sau truyền lại.

Chỉ vì thời đó chưa có văn tự, chưa có bài Kệ nào để ghi lại, mà chỉ là một Nụ Cười, chỉ mình Đức Thích Ca đánh giá, mọi người không thể hiểu được. Vì thế, họ chỉ đoán già đoán non, rồi cho là đó là Đốn Giáo, là do “Ngài Ca Diếp Cười ngô nghê, cười đúng lúc” nên được Truyền Y Bát ! Đạo Phật đề cao Trí Huệ thì không lẽ đến lúc Truyền Y Bát cho người kế thừa lại dựa vào may rủi hay sao ? Rủi lúc đó có tên điên nào lạc vô giữa đại chúng, rồi cười ngô nghê, không lẽ cũng sẽ được Truyền Y Bát, giao cho thống lĩnh Tăng Đoàn ? Nhận định như thế quả là bôi bác Đạo Phật !

Nếu “CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT” y Ngữ, là mang vật phẩm dâng cho Phật, thì được Thành Phật. Nhưng Đức Thích Ca đã nhập diệt cả mấy ngàn năm rồi. Như vậy người có muốn Hiến Châu Báu, tài sản cho Ngài, Ngài cũng đâu thể nhận được ? “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành”, thì lấy gì để nhận của Cúng Dường ? Nhận rồi cất giữ ở đâu ? Nhờ các Sư chuyển thì họ tìm Phật ở đâu để chuyển ? Chuyển cách nào ? Do đó, chỉ những người không hiểu Nhân Quả, không biết rằng một hột cơm, một ly nước, nếu đã nhận của ai thì cũng phải trả. Đừng tưởng vào tu Phật, là Đệ tử Phật thì đương nhiên có quyền sử dụng những gì bá tánh Cúng cho Phật, rồi rầm rộ quảng bá quyền năng của Phật, để nhiều người càng tin tưởng thì càng Cúng nhiều để Cầu xin được cứu độ, phù hộ, ban ân, giáng phúc, và mình làm trung gian, thay Phật để nhận rồi hưởng dụng !

Người hiểu TU PHẬT LÀ TU TÂM, CÚNG DƯỜNG CHÂU BÁU CHO PHẬT là XẢ NHỮNG CHẤT NHƠ đã làm ô nhiễm Cái Tâm. Khi Xả sạch thì Cái Tâm trở nên thanh tịnh, gọi là THÀNH PHẬT. Mọi việc DIỄN RA TẠI CÕI TÂM, thì cũng sẽ hiểu luôn về Phật A Di Đà và Tây Phương Cực Lạc cũng như Phật Di Lặc giáng thế như thế nào ? thời điểm và nơi chốn Ngài giáng thế.

Thật vậy. Hiểu được Giáo Pháp của Đức Thích Ca được khai mở là để giáo hóa cho con người ngưng tạo Nghiệp để không phải bị Khổ lúc sinh thời, cũng như sau khi bỏ cái Thân sẽ không bị Nhân Quả mà phải thọ sanh vào các đường dữ. Biết được việc tu hành là phải nhắm vào CÁI TÂM, vì đó là thủ phạm điều khiển mọi hành vi của LỤC CĂN để nó thực hiện điều ác. Vì thế, việc tu hành chính là phải tìm cho được CÁI VỌNG TÂM, để CHUYỂN HÓA hay ĐIỀU PHỤC nó. Khi Cái TÂM đã ý thức Nhân Quả, đã “Phản Vọng, Quy Chân” thì nó sẽ không còn điều khiển cho cái THÂN tạo Nghiệp nữa. Lúc đó không những bản thân người tu sẽ THOÁT KHỔ, mà hoàn cảnh chung quanh cũng được an ổn.

Hiểu thế nào là CÚNG DƯỜNG CHÂU BÁU CHO PHẬT thì ta sẽ hiểu vì sao Kinh A DI ĐÀ tả Tây Phương Cực Lạc được làm toàn bằng BẢY MÓN BÁU. Vì đó không phải là Vàng, bạc, xa cừ, mã não của trần gian, mà nói về công đức XẢ BẢY NGHIỆP NƠI THÂN, KHẨU của người tu. Do mọi người ôm chấp từ đời này sang đời khác, kiếp nọ sang kiếp kia không chịu xa rời, nên khi VÌ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT mà Xả đi thì được ví như là Cúng Dường CHÂU BÁU cho Phật !. “AO NƯỚC CHỨA TÁM CÔNG ĐỨC” là kết quả của việc sống theo BÁT CHÁNH ĐẠO. Xả hết những thứ làm cho đau khổ thì kết quả là sẽ được hạnh phúc, an vui, gọi là Cực Lạc.

PHẬT DI LẶC được cho là sẽ giáng thế sau thời Phật Thích Ca. Có Kinh còn nói là 5 tỷ 760 triệu năm nữa Ngài mới ra đời ! “ Chư Phật thương chúng sinh như La Hầu La. Lúc nào cũng theo dõi để cứu giúp”, thì các Ngài làm gì mà bỏ rơi chúng sanh đến hàng mấy tỷ năm ? Thời gian đó các Ngài bận làm gì ? Có hợp lý so với lời Phật thuyết hay không ? Hòa Thượng Thích Thông Lạc bên PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY đã lên tiếng phản đối, cho rằng Phật Di LẶC do Đại Thừa bày ra “để huyển hoặc tín đồ, nhầm âm mưu lật đổ Phật Thích Ca” !

Đức Thích Ca đã Thọ Ký cho “Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”, tức là Ngài mong muốn mọi người sẽ được Thành Phật như Ngài, thì Ngài đâu có sợ bị lật đổ ? Hơn nữa, Giải Thoát khỏi những nỗi Khổ thì gọi là Thành Phật. Thành Phật chỉ là thành tựu Công việc Thoát Khổ cho bản thân người thành, đâu có phải thành Thần Linh để mọi người tôn thờ mà sợ người khác chiếm ngôi vị ? Người nói điều đó chứng tỏ không hiểu hết ý nghĩa của Đạo Phật, cũng như kết quả của việc Tu hành theo Đạo Phật.

Đạo Phật được mở ra không nhằm mục đích để tín đồ tôn sùng, thờ phụng Giáo Chủ là Đức Thích Ca, hay để người tu Chứng Đắc Quả vị cao, thấp, mà vì Đức Thích Ca thấy kiếp sống của con người ngắn ngủi không đầy trăm năm mà phải gặp quá nhiều cảnh KHỔ. Không chỉ ở hiện kiếp, mà nếu Tạo ác Nghiệp thì hậu quả còn kéo dài đến vô lượng kiếp. Người tạo Ác Nghiệp sau khi bỏ cái Thân sẽ phải nhận cái Thân khác tùy theo Nghiệp đã gây tạo, mà phải luân lưu vào Lục Đạo (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, Nhân, Thiên), gọi là Luân Hồi.Vì thế, Đạo Phật bày ra cách thức để con người không còn bị Khổ, bị Sinh Tử Luân Hồi nữa, gọi là được Giải Thoát hay Thành Phật.

Nhưng thời xưa, ngôn ngữ chưa đủ để diễn tả. Sự hiểu biết của con người có giới hạn. Con người lại quá Tham lam, chỉ thấy những gì trước mắt, nên cố chấp, không chịu buông bỏ bỏ cái đang giữ nếu không thấy sẽ có được cái khác giá trị hơn. Vì thế, Phật phải dùng mọi phương tiện : Hứa hẹn QUẢ VỊ. Tả cảnh Tây Phương Cực Lạc đầy châu báu. Cư dân ở đó toàn hưởng những niềm vui, mục đích là để dẫn dụ con người Cải Ác, Hành Thiện để không bị Quả xấu, và biết tạo Nhân Thiện để hưởng Quả lành. Người thích được về Nước Phật, hoặc sợ bị đọa Địa Ngục thì cũng sẽ ngưng không làm ác, không còn gây đau khổ cho những người chung quanh, lại có Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, để tất cả mọi người đều được hạnh phúc, an vui tại kiếp sống gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn.

Về PHẬT DI LẶC sẽ giáng trần thời sau Thích Ca, là nói về kết quả tu hành của người tu Phật. Tức là sau thời gian thực hành những HẠNH như Đức Thích Ca đã làm thì trong Tâm của người đó đã trừ hết Phiền não, sẽ được Hạnh phúc, an vui được ví như ĐỨC DI LẶC giáng thế. Người xưa đã dùng hình tượng mô phỏng Đức PHẬT DI LẶC, là một người to béo, mập mạp, ngồi cười vô vô tư. Quanh mình là Sáu đứa bé leo trèo đùa giỡn.

“Sáu đứa bé” leo trèo quanh người mập mạp vui cười, tượng trưng cho Lục Căn. Trước khi chuyển hóa, thì chúng là Lục Tặc, chuyên mang ngoại pháp về làm não loạn Thân, Tâm, làm cho con người phải đau khổ. Sau khi chuyển hóa Cái Tâm xong, thì nó không còn điều khiển Lục Căn đi tạo Nghiệp nữa. Trái lại, Lục Căn lúc đó sẽ trở thành là SÁU ĐỨA TRẺ CON,vô hại. Không những thế, chúng còn trở thành Lục Hộ Pháp để hỗ trợ người tu cho đến thành công.

Thật vậy, nếu không có Cái Thân này làm sao chúng ta có thể đi tìm Thiện Tri Thức để học hỏi, có thể Ngồi Thiền, có thể tu học, thực hành mọi Pháp ? Không có Mắt thì làm sao chúng ta đọc được lời của Phật và Chư Tổ ? Không có Tai lấy gì để nghe Thiện Tri Thức giảng dạy ? Khi chưa tu hành thì cái Thân là tội đồ, vì bị cái Vọng Tâm sai khiến đi tạo Nghiệp. Nhưng vào tu rồi thì chính nó là ân nhân, vì nhờ sự hỗ trợ của nó thì người tu mới có thể tu hành thành công được. Phật dạy, Thân này dù giả tạm, nhưng trong đó có diệu dược, tức là Phật Tánh. Giống như trong quặng có chứa vàng. Chỉ cần lọc quặng là sẽ lấy được vàng. Một khi vàng đã lọc ra rồi thì không thành quặng trở lại.

Kết quả của việc tu hành, sau khi chuyển hóa được Cái Tâm là người tu hết Khổ, có được cuộc sống an lạc gọi là sự ra đời của PHẬT DI LẶC. Do đó, Phật Di Lặc không phải là một vị Bồ Tát từ cõi trời nào đó sẽ giáng sinh dưới cội Long Hoa hay ở nơi nào đó trên thế giới, mà được sinh ra từ CÕI TÂM của người hoàn tất công việc tu hành. Không phải đợi mấy tỷ hay mấy triệu năm, mà do công năng của người tu. Càng XẢ nhanh chừng nào thì kết quả sớm chừng đó. Cũng giống như Long Nữ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Cúng dường viên châu cho Phật, Phật nhận thì lập tức thành Phật”.

Thật ra Đạo Phật dù nói Phật Quốc, Niết Bàn, Tứ Quả Thánh, Phật, Bồ Tát v.v.. nhưng chỉ là một Giáo trình để đào tạo cho con người. Dùng mọi phương tiện để hướng dẫn con người sống đúng với tính cách thật sự của một con người là lương thiện, hiền hòa, nhân ái, hòa đồng, biết yêu thương nhau, để được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống.

Khi một người đã giữ Giới, sống theo Bát Chánh Đạo thì từ suy nghĩ đến nói năng, hành động, cả việc nuôi sống bản thân đều Chân Chánh. Nhờ không Tham Lam, Sân Hận, Si Mê lại Từ, Bi, Hỉ, Xả, nên trong gia đình họ là một người con hiếu thảo, biết kính trên, nhường dưới, thương yêu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Ngoài xã hội thì giao tiếp cũng ôn hòa. Không những không tranh giành mà còn giúp đỡ lẩn nhau. Khi làm ăn, mua bán, cộng tác với người khác cũng không lường lận, tranh giành, mà sòng phẳng. Làm chủ nhân thì không bóc lột. Công nhân thì cũng làm cho xứng đáng với đồng lương được trả. Tùy sức mình mà đóng góp cho xã hội. Đó là họ đã đền Tứ Ân. Ngoài ra, tình thương đó còn san sẽ cho cả những sinh vật, vì chúng cũng biết tham sống, sợ chết, cũng đau khổ khi bị chia lìa. Vì thế, người tu Phật không Sát sinh, hại vật. Một xã hội càng nhiều người hiền hòa sống với nhau như thế thì làm gì có cự cãi, say sưa, đánh lộn hay lừa đảo, tranh chấp nhau làm mất an ninh, trật tự ?

Trong gia đình, Cha mẹ, Vợ chồng, con cái đều ý thức cưộc sống Vô Thường, sẽ không sống mãi bên nhau để yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho nhau, chia xẻ với nhau những vui khổ trong cuộc sống, thì làm gì có chuyện bất hòa, gây gỗ với nhau ? Như thế thì cần gì CẦU AN ? Lúc sống đã sống một cách tốt đẹp, không gây Ác Nghiệp thì khi qua đời đương nhiên sẽ siêu thăng về cõi tốt đẹp, cần gì phải CẦU SIÊU ?

Từng cá nhân sống tốt nhân lên, thì người này giúp đỡ người khác. Nước này không xâm lăng nước kia, trái lại nước giàu giúp đỡ cho nước nghèo, chia xẻ khoa học, kỹ thuật, nâng đỡ nhau cùng sống trên trái đất mỡ màu. Thiên nhiên với cảnh vật đẹp như tranh,, Ngũ cốc dồi dào, hoa trái bốn mùa khoe sắc, góp phần tô điểm. cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì trần gian nào khác Niết Bàn, cần gì vọng về Niết Bàn của Phật nào ?

Tất nhiên, đó là kết quả của những ngày tháng thực hành theo chuỗi việc : VĂN TƯ TU, GIỚI ĐỊNH HUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO. Nhờ Tư Duy, Quán Sát, hiểu rõ về Các Pháp, tin sâu Nhân Quả, nên CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Thay THAM, SÂN, SI bằng Giới Định Huệ, Từ Bi, Hỉ, Xả, gọi là Chuyển Pháp Luân. Hình tướng, Y phục không cần thiết, vì có tu sửa thành công hay không, cũng diễn ra bên trong cái Tâm của hành giả. Tổ Đạt Ma dạy : “Rắn biến thành rồng cũng không đổi vảy. Phàm biến thành Thánh vẫn không đổi mặt”, vì trước, hay sau khi tu hành thành tựu vẫn là con người bình thường, khác chăng là không còn bị các Pháp vùi dập nữa, được an vui, hạnh phúc trong kiếp sống gọi là “Hữu Dư Y Niết Bàn”.

Hàng mấy ngàn năm qua. Mỗi năm, Các Chùa và Phật Tử thường tổ chức lễ mừng Đức Thích Ca Thành Đạo thật long trọng mà quên rằng điều quan trọng mà Ngài mong mỏi, không phải là chúng ta mừng cho sự Thành Đạo của Ngài, mà mỗi người cần thực hiện lời Thọ Ký : “Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Có nghĩa là mọi người đều phải Thành Phật như Ngài đã thành, và mừng cho chính mình mới đúng.

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ Đạt Ma dạy :

“Nếu biết Tâm mình là Phật ắt chẳng nên tìm Phật ngoài Tâm như vậy”.

“Phật ở trong Tâm như hương ở trong cây.

Phiền não hết thì Phật theo Tâm ra.

Vỏ mục hết thì Hương theo cây ra.

Mới biết ngoài cây không có hương, ngoài Tâm không có Phật.

Nếu ngoài cây có hương, ấy tức là hương ngoài của cây khác.

Nếu ngoài Tâm có Phật, ấy tức Phật ngoài của cây khác”.

Ranh giới Chánh, Tà rất mong manh, vì cùng tôn Đức Thích Cà là Đạo Sư. Nhưng một bên TU PHẬT, là học để biết Cái TÂM vướng mắc như thế nào rồi tìm cách tháo gỡ, hay là XẢ CÁI TÂM, gọi là TU TÂM. Kết quả là GIẢI THOÁT hay THÀNH PHẬT, là CHÁNH PHÁP, đúng như những gì Đức Thích Ca hướng dẫn. Và một bên là THỜ PHẬT. Đúc tạc Tượng Phật cho to rồi khói hương quỳ lạy cầu xin “được độ”, gọi là Nhị Thừa, là Tà Pháp. Lời Chư Tổ đã giải thích rõ trong các Kinh ĐẠI THỪA, chúng ta có quyền chọn lựa một trong hai cách mà hành trì. Đúng hay sai, đạt kết quả hay không, mau hay chậm, còn tùy ở sự Tinh Tấn của mỗi người, vì gieo NHÂN nào thì gặt QUẢ nấy.

Không phải thờ lạy, tôn kính Phật, xây nhiều Chùa, dựng nhiều Tượng mà Ngài hài lòng. Phật Ngôn có câu : “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy. Kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta”. Là Đệ Tử của Phật chúng ta nên xem lại cách hành đạo của mình, đừng để trong khi ta làm nhiều việc, nghĩ rằng mình đang tôn vinh Phật mà lại trở thành phỉ báng Phật mà không hay vậy.

Tháng 9/2013





VVM.20.10.2023