Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



OAN TÀO THÁO

  
                

T ào Tháo 曹操(155-220) người đất Bái, huyện Tiều (gần huyện Bạc, tỉnh An Huy ngày nay), tự là Mạnh Đức, sống dưới đời các vua Linh đế, Phế đế và Hiến đế nhà Hậu Hán (25-220). Ông là một vị anh hùng, văn võ toàn tài, đa mưu túc trí. Ông từng nói với Lưu Bị rằng : ”Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi”.

Là Thừa tướng của vua Hiến đế, tước Ngụy vương, Tào Tháo nắm cả binh quyền trong tay, dưới trướng có nhiều tướng giỏi, thế lực rất mạnh, có thể cướp ngôi vua dễ dàng, nhưng ông không làm mà để điều ấy lại cho con là Tào Phi sau này….

Tại sao Tào Tháo không phế Hiến đế để lên làm vua? Có thể vì ba lẽ :

Một là ông chưa đủ can đảm làm trái lại ý thức hệ phong kiến, khi tư tưởng “trung quân” còn được đề cao, e ngại lịch sử sẽ phê phán mình là một bề tôi soán đoạt.

Hai là uy thế nhà Hậu Hán chưa sụp đổ hoàn toàn, hãy còn nhiều người ngưỡng vọng.

Ba là vì tình hình chính trị trong giai đoạn ấy chưa thuận lợi. Nếu ông cướp ngôi vua tức là tạo điều kiện cho Lưu Bị, Tôn Quyền tuyên truyền lôi kéo quần chúng đứng về phe mình, chống lại ông.

Tuy vậy, ông làm Thừa tướng mà có khác gì vua. Hiến đế chỉ là cái bóng mờ sau lưng ông mà thôi.

Xưa nay, người Trung Hoa cũng như người Việt Nam, khi nhắc đến Tào Tháo đều không tiếc lời xỉ vả, nào là đa nghi như Tào Tháo, nào là gian hùng như Tào Tháo, xảo trá, quỷ quyệt như Tào Tháo vân vân…. Như vậy là người ta đã bỏ qua những cái tốt của họ Tào.

* Tào Tháo là người khôn ngoan, đa mưu túc trí : Lúc chưa thành danh, ông biết nghe lời Tuân Húc, khởi nghĩa cần vương, dám đánh Đổng Trác khi thế lực của y đang mạnh . Ông biết gán cho Viên Thuật tội tiếm đế hiệu để đem quân đánh phá, xong rồi chỉ xin làm một Tào hầu thì thật khôn ngoan cực kỳ.

* Tào Tháo là kẻ biết người : Là người có mắt tinh đời, ông biết tài trí của ba anh em Lưu, Quan, Trương khi còn hàn vi. Khi tướng Hoa Hùng, Kiêu kỵ Hiệu úy của Đổng Trác đang làm mưa làm gió, tướng nào của Viên Thiệu ra đánh cũng bị giết, thì Quan Công (162_220) xin đi đánh. Bấy giờ Quan Công chỉ là một viên mã cung thủ của Lưu Bị, chưa có chức tước gì. Viên Thuật quát nạt, Viên Thiệu phân vân, nhưng Tào Tháo nhất mực xin cho Quan Công ra trận vì tin vào tài trí của ông. Quả nhiên, khi Quan Công đem đầu Hoa Hùng về thì rượu mời còn nóng.

Tào Tháo biết Từ Thứ là một mưu sĩ giỏi nên dùng mẹ họ Từ kêu gọi Từ bỏ Lưu Bị về giúp mình. Tuy Từ Thứ cương quyết giữ lòng trung, không hề bày mưu tính kế cho Tào Tháo nhưng ít ra cũng bớt đi của đối phương Lưu Bị một mưu sĩ lỗi lạc.

* Tào Tháo là người có đức khoan dung : Trần Lâm, một nhà văn nổi tiếng trong nhóm “Kiến An thất tử”, lúc về dưới trướng Viên Thiệu, thường thay Thiệu viết hịch vạch tội Tào Tháo. Có lần Lâm lôi cả ông bà cha mẹ Tháo ra mà chửi, hay đến nỗi Tháo đang nhức đầu, đọc xong bài hịch, toát mồ hôi mà khỏi bệnh.

Thiệu bại, Lâm bị bắt. Tháo hỏi :”Nếu tôi ác thì ông chửi một mình tôi là đủ, cớ sao lại động đến tổ tiên tôi?” Lâm tạ tội, nói :”Mũi tên đã đặt lên cung, thế tất phải bắn thôi !” Tháo chẳng những không giết Lâm lại còn cho làm quan thảo thư hịch. Tháo có bệnh nhức đầu, mỗi lúc lên cơn thì nằm đọc văn Lâm và nói :”Văn này giúp ta khỏi bệnh đây”. Rồi trọng thưởng cho Lâm. Như thế, Tào Tháo có đức khoan dung.

* Tào Tháo là người trọng nghĩa : Khi Quan Vân Trường bị vây ở Thổ Sơn, Tào Tháo sai Trương Liêu đến dụ hàng. Quan Công đưa ra ba điều kiện :

1. Chỉ đầu hàng nhà Hán chứ không đầu hàng Tào Tháo.

2. Khi nghe tin Lưu Bị ở đâu thì có quyền bỏ đi theo ngay.

3. Nhị tẩu (hai bà chị dâu, vợ Lưu Bị) phải được cấp dưỡng và chỉ một mình ông có quyền săn sóc, hầu hạ.

Họ Tào chấp thuận hết vì tin rằng sự đối xử khôn khéo của mình (ba ngày tiệc nhỏ, năm ngày tiệc lớn, lên ngựa thưởng vàng, xuống ngựa thưởng bạc…) sẽ mua chuộc được Quan Công. Không ngờ, khi được tin Lưu Bị, Quan Công vội bỏ đi ngay, lại còn “quá ngũ quan, trảm lục tướng”, làm cho Tào Tháo mất sáu viên tướng giỏi. Tuy vậy, Tháo vẫn trọng lời hứa, chẳng những không sai quân đuổi theo bắt lại, mà còn cho người cỡi ngựa chạy theo đưa giấy thông hành và lộ phí. Vậy Tào Tháo là người trọng nghĩa.

* Tào Tháo không cướp ngôi : Nắm hết quyền bính và quân lực trong tay mà không cướp ngôi, Tào Tháo đã hơn hẳn bọn Vương Mãng và Lưu Dụ.

Như vậy, nếu nhận xét về Tào Tháo mà chỉ nêu cái xấu và bỏ qua cái tốt thì bất công và oan cho Tào Tháo. Đó là nỗi oan thứ nhất.

Nỗi oan thứ hai của Tào Tháo là vụ Đồng Tước đài. Vào tuổi ngũ tuần, Tháo sai xây một cái đài nguy nga tráng lệ trên bờ sông Chương ở Nghiệp quận (nay thuộc huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam) để di dưỡng tuổi già. Trong lúc đào móng, thợ bắt gặp một con chim sẻ bằng đồng nên Tháo đặt tên đài là “Đồng Tước”.

Đài xây xong, tuyệt đẹp, Tháo hài lòng lắm, bèn bảo con trai mình là Tào Thực – một thi tài lỗi lạc trong nhóm “Kiến An thất tử” lúc bấy giờ – làm một bài phú để ca ngợi vẻ đẹp của đài này. Tào Thực làm bài “Đồng Tước đài phú”, trong đó có câu :

“Liên nhị kiều ư đông tây hề,
Nhược trường không chi nhuế đống”

nghĩa là : bắc hai chiếc cầu nối từ đông sang tây, nổi lên như cái cầu vồng giữa lưng chừng trời. (chữ “nhị kiều” ở đây chỉ có nghĩa là hai chiếc cầu).

Năm 13 niên hiệu Kiến An (Hán Hiến đế) tức năm 208 dương lịch, từ đất Giang Lăng, quân của Tháo đuổi đánh Lưu Bị rất gấp. Tình thế hết sức ngặt nghèo. Bị sai Khổng Minh (181- 234) cầu cứu Tôn Quyền, nhưng Chu Du (175-210), Đô đốc Đông Ngô do dự. Khổng Minh bèn khích Chu Du :

- Nếu ngài không giúp Thục, mai kia Thục mất, Tào Tháo sẽ đánh Đông Ngô. Tào Tháo thường nói xây đài Đồng Tước để khi chiếm được Đông Ngô thì sẽ bắt Đại Kiều và Tiểu Kiều về nhốt ở đấy để vui thú tuổi già, lúc ấy có hối cũng không kịp (Đại Kiều là vợ Tôn Sách, anh Tôn Quyền, trước là chúa Đông Ngô ; Tiểu Kiều là vợ Chu Du, hai cô gái tuyệt đẹp đất Giang Đông).

Chu Du không tin. Khổng Minh bèn đọc vanh vách bài phú “Đồng Tước đài” của Tào Thực, nhưng đến hai câu trên đây thì sửa lại như sau :

“Lãm nhị Kiều ư đông nam hề,
Lạc triêu tịch chi dữ cộng

nghĩa là : bắt hai nàng Kiều ở đông nam về để sớm chiều cùng vui thú (chữ “Nhị Kiều” ở đây trở thành hai nàng Kiều, tức Đại Kiều và Tiểu Kiều).

Chu Du nộ khí xung thiên, liền cất quân đánh Tào Tháo, đốt sạch chiến thuyền và 80 vạn quân Tào trong trận Xích Bích (năm 208).

Đến đời Đường, thi sĩ Đỗ Mục (803-853) làm bài thơ “Xích Bích hoài cổ” , trong đó có hai câu :

Đông phong bất dữ Chu Lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.


東 風 不 與 周 郎 便
銅 雀 春 深 鎖 二 嬌

Trần Trọng San dịch :

Gió đông không giúp Chu Lang,
Khóa xuân Đồng Tước đã giam hai Kiều.

Và Nguyễn Du cũng có hai câu trong bài “Đồng Tước đài” :

Chỉ giận dựng lên đài chót vót,
Tiểu Kiều vẫn cứ vợ Chu Lang.

(Chỉ hận tằng đài không luật ngột, Tiểu Kiều chung lão giá Chu Lang).

只 恨 層 臺 空 葎 軏
小 嬌 終 老 嫁 周 郎

Như trên đã nói, bài phú “Đồng Tước đài” do Tào Thực viết chứ không phải Tào Tháo, nên ý trong bài là của Tào Thực. Lúc xây đài Đồng Tước, Tào Tháo tuyệt nhiên không có ý bắt Đại Kiều và Tiểu Kiều về nhốt trong đài này để vui thú tuổi già, mà đây chỉ là cái mẹo của Khổng Minh để khích Chu Du.

Vả chăng lúc bấy giờ Tào Tháo quyền nghiêng thiên hạ, lấn át cả vua, lại giàu có muôn triệu, muốn bao nhiêu mỹ nữ chẳng được, sá gì hai người đàn bà đã có chồng ở Giang Đông. Quả thực là oan Tào Tháo !

___________________________


BÀI PHÚ “ÐỔNG TƯỚC ÐÀI “ CỦA TÀO THỰC


Tào Tháo (220 -264) có xây một cái dài bên sông Chương, tỉnh Hà Nam, đặt tên là dài Ðổng Tước. Ðài này cực kỳ tráng lệ, trang hoàng hết sức lộng lãy.
Tào Tháo có người con nhỏ tên là Tào Thực 曹 植 (192 - 232), tự Tử Kiến, có tài hoá bút thành văn. Khi xây xong đài, Tháo sai con làm bài phú “Ðổng Tước đài” để ca tụng công nghiệp của Tào. Bài phú rất đặc sắc.
Sau dây là bản dịch của Tử Vi Lang :


Phú đài Đồng Tước

(Người dịch: Tử Vi Lang)


Noi đức sáng thánh quân rực rỡ,
Lên lầu đài hớn hở lòng xuân.
Xem công Thái Thú chăn dân,
Đức cao vời đã thấm nhuần nơi nơi.
Dựng lên giữa lừng trời xanh ngắt,
Đài nguy nga bát ngát không trung.
Mỹ quan nào kém non Bồng,
Gác cao, tây vực nhìn thông nẻo đoài.
Dòng Chương Thuỷ chảy dài trong suốt,
Tưới nhuần vườn cây tốt quả tươi...
Hai bên tả hữu hai đài:
Ngọc Long, Kim Phượng sáng ngời ánh dương.
Bắc hai cầu tây đông nối lại
Như cầu vồng sáng chói không gian.
Ngồi cao nhìn xuống cõi trần,
Đế đô mây ráng xoay vần nổi trôi...
Mừng rỡ thấy anh tài qui tụ,
Ứng mộng hùng chuyện cũ Văn Vương.
Gió xuân đầm ấm đưa hương,
Muôn chim đua hót du dương hài hoà. (*)
Cao đẹp tựa trời mây muôn thủa,
Phúc nhà may chất chứa dài lâu.
Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu,
Đề cao nhân hoá, kính chầu thượng kinh.
Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
Phò thánh minh cùng sánh công lao.
Xinh tươi bền vững biết bao!
Ơn sâu nước ngấm, đức cao xa đồn.
Phò tá đấng Chí Tôn gìn giữ
Xây thái bình thịnh trị bốn phương.
Phép trời khuôn đất đo lường.
Ánh trăng cùng với ánh dương điều hoà.
Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
Thọ vô cùng, thọ với chúa Xuân!
Ngự long kỳ buổi an nhàn,
Hoặc khi vội vã, xe loan trở về.
Ơn giáo hoá tràn trề bốn biển
Vui mầng thay vật kiện dân khang!
Đài nầy đứng mãi hiên ngang,
Điểm tô kim cổ, son vàng thắm tươi...

(*) Có sách chép "hoà hài" để có vần với chữ "mây" ở câu dưới.




VVM.20.10.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .