Đ ạo Phật khi đặt ra một Pháp nào thì đều có lý do cũng như cái dụng của nó. Khi quán sát vũ trụ bên ngoài và vũ trụ bên trong con người, Đức Thích Ca thấy rằng , do NGHIỆP nặng hay nhẹ mà hình thành SÁU ĐƯỜNG Chúng Sinh. Đó là ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SINH, NHÂN A TU LA, THIÊN. Ba đường mang Nghiệp nặng nhất gọi là Ba đường dưới, gồm Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, và Ba đường trên là Nhân, A tu la và Thiên. Có SÁU ĐƯỜNG thì cũng có SÁU CÁCH để hóa giải cho SÁU ĐƯỜNG đó, gọi là LỤC ĐỘ, gồm : BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, TINH TẤN, NHẪN NHỤC, THIỀN ĐỊNH và TRÍ HUỆ. Trong đó, THIỀN ĐỊNH là Độ quan trọng nhất, vì nó sẽ sinh ra Trí Huệ, là ngọn ĐUỐC để soi đường, để chỉ dẫn cách thức Hành những Độ còn lại cho hiệu quả, đi đến thành công.
THIỀN ĐỊNH hay NGỒI THIỀN là việc làm mà tất cả những người tu Phật từ xưa đến nay nếu muốn đạt kết quả đều phải HÀNH. Phương tiện này quan trọng và cần thiết đến nỗi BÁT NHÃ TÂM KINH có câu : « Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố,đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề ». Có nghĩa là Ba Đời Phật đều y theo Trí Huệ qua bên kia bờ mà thành Vô Thượng Bồ Đề.
Để có được TRÍ HUỆ thì phải nhờ THIỀN ĐỊNH. Kinh VIÊN GIÁC Có Kệ :
« BIỆN ÂM ÔNG NÊN BIẾT
CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH
CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT
ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH »
Thế nào là Thiền Định thì Kinh giải thích :
THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN
VÀ CHỈ, QUÁN SONG TU”
Và khẳng định :
“MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI
VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI
ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY
MÀ ĐẶNG THÀNH BỒ ĐỀ..
………….
CÒN TẤT CẢ BỒ TÁT
VÀ CHÚNG SANH ĐỜI SAU
PHẢI NHƯ THẾ TU HÀNH”
Kinh đã viết rõ như thế. Vì thế, từ lúc Đạo Phật được khai mở đến nay, tất cả những người tu Phật, xuất gia hay tại gia đều NGỒI THIỀN.
Thế nhưng, từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu lớp người đã NGỒI THIỀN, tại sao người Chứng Đắc quá hiếm hoi. Ngoại trừ 33 Vị Tổ được Truyền Y Bát, được xem là đã Chứng Đắc, thì chỉ lác đác có vài vị được nhiều người xưng tụng là Thiền Sư, nhưng dùng Hạnh cũng như tính cách của người Chứng Đắc theo Chính Kinh để kiểm tra lại thì hình như không đúng. Bởi chúng ta có thể đánh giá các vị có đúng là Bậc Giác Ngộ hay không qua 3 việc :
1/- Cách Hành.
2/- Pháp Chứng đắc.
3/- Sự thể hiện sau khi Chứng Đắc.
Tuy sách viết về con đường hành trì, Chứng đắc của Phái Thiền Tông rất hiếm, vì họ chủ trương không cần văn tự , chủ yếu là Tâm Truyền Tâm, và Đốn Ngộ. Dù vậy, Ngài Vô Môn, người được xem là Chứng đắc nhờ Khai Công Án, đã gom được 48 CÔNG ÁN của làng Thiền thành quyển VÔ MÔN QUAN. Qua đó, chúng ta có thể thấy khái quát về cách học, cách truyền, hiểu và Đắc Thiền của những Thiền Sư thời đó.
Cách Hành của Tông THIỀN, là Ngồi Thiền để KHAI CÔNG ÁN. Thiền sinh được Thầy giao cho 1 Công Án nào đó. Thí dụ như chữ VÔ. Khi KHAI được Công Án này được xem là chứng đắc. Sư Chứng đắc của Nhà Thiền xem như là đã Thành Phật còn « cao hơn cả Phật » !
Thiền Tông cứ theo cách đó mà Truyền từ đó đến nay. Nhưng do không có văn tự để lưu lại, vì người Thầy không có giảng, nói, thậm chí là có thầy chỉ « đưa một ngón tay lên », hay cầm cây phất thủ phẩy lên xuống mà học trò cũng có một số người Chứng Đắc, làm cho người muốn học THIỀN cũng đâm ra hoang mang ! Có chăng chỉ cần NGỒI THIỀN và KHAI MỘT CÔNG ÁN là Chứng Đắc ? Nhà Thiền truyền nhau như thế có đúng Chánh Pháp của Phật Thích Ca hay không ?
Chúng ta đang bàn đến THIỀN của Đạo Phật, vì thế, cách Hành cũng như Chứng Đắc cần phải đối chiếu lại với mục đích của Đạo Phật, xem có « Khế hợp » hay không ? Mục đích tu Phật là để THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ. Như vậy THẤY ĐƯỢC CHỮ VÔ. Thấy các Pháp là KHÔNG thì đã Thoát Khổ chưa ? Các Pháp có thật sự là KHÔNG chăng ? Giai Thoại Thiền Trong Góp Nhặt Cát Đá có một câu chuyện qua đó ta có thể thấy cái không thực tế của người cho là Đắc cái Không, như sau :
« Yamaoka Tesshu lúc còn nhỏ đi học Thiền, viếng hết thầy này đến thầy khác. Yamaoka đến viếng Dokuon ở Shokoku.
Muốn tỏ sự sở đắc của mình. Yamaoka nói :
« Tâm, Phật, loài hữu tình rốt ráo chẳng có. Bổn tánh chân thật của mọi hiện tượng là cái Không. Không có cái Có. Không có huyền ảo, không có thánh, không có phàm. Không có cho và không có gì để thọ nhận ».
Dokuon ngồi im lặng hút thuốc, không nói gì. Thình lình đập Yamaoka một điếu tre, làm chàng thanh niên này phát khùng.
Dokuon hỏi : « Nếu không có gì CÓ, thế cái giận của anh từ đâu đến ?» !
Đó là một chứng minh cụ thể về cái TƯỞNG CHỨNG.
Thường thì người vào tu theo Đạo Phật chưa hiểu rõ về mục đích tu hành của Đạo, mà chỉ nghe nhiều người đồn về Thầy nọ thầy kia, tu cao, đông đệ tử, giảng pháp hấp dẫn. Pháp môn này dạy Tu Đốn, không nhọc công mà mau thành. Tu Phật là để được thành Thánh, đắc Quả nọ quả kia. Hoặc Chư Bồ Tát, Chư Phật thần thông quảng đại, quyền phép vô biên, cứu độ chúng sinh..v.v..Ít ai chịu bỏ thì giờ tìm hiểu mục đích thật sự của Đạo Phật để chọn cho đúng Thầy hướng dẫn cho mình. Họ không biết rằng mục đích của Đạo Phật chỉ là đưa ra giải pháp giúp cho con người tự tháo gỡ khỏi sự vướng mắc của các Pháp để được an ổn, hạnh phúc trong kiếp sống. Thế thôi. Không có gì huyền bí, cao siêu hết.
Người vào tu không phải Phát bất cứ Tâm gì, hành trì thế nào cũng thành công, mà phải có trình tự. Phải phát cái Tâm chân chính, rồi hành trì cho Tinh Tấn, đồng thời cũng phải biết rằng Đạo Phật có 4 giai đoạn : KHAI, THỊ, NGỘ và NHẬP. Thường thì trước khi vào tu hành, người trò chưa hiểu gì về Phật Pháp. Vì thế, vị Thầy sẽ KHAI cho họ, hướng dẫn từng bước để họ vừa thực hành vừa chứng nghiệm. . . Khi cái THẤY đã rõ ràng, chính xác, không thể hiểu khác hơn thì gọi là NGỘ. Đó mới là phần HIỂU CÁI LÝ. Người muốn tu học lại phải áp dụng cái LÝ đó vào cuộc sống, để LÝ và HÀNH hợp nhất, gọi là NHẬP.
Người tu không thể chỉ học duy nhất một môn, hiểu một Pháp mà « Được Đạo ». Trong Đạo Phật có vô số Pháp mà người tu học cần phải hiểu rõ, vì nó bổ sung cho nhau và qua nghĩa của nó, người tu sẽ hiểu cần làm những gì mới đạt được mục đích tu hành. Do đó, người mới khám phá được chữ VÔ, tức là mới hiểu được rằng : Các PHÁP HIỆN ĐANG CÓ mà ta đang thấy trước mắt, CUỐI CÙNG ĐỀU SẼ TRỞ VỀ KHÔNG, vì GỐC CỦA NÓ LÀ KHÔNG, thì sẽ làm gì với cái Thấy đó ? liên quan gì đến việc tu hành mà cho là Chứng Đắc, là Giác Ngộ ?
Khi chưa tu hành, mọi người được gọi là PHÀM PHU, cuộc sống mặc tình cho Các Pháp điều khiển, xô đẩy. Nếu may mắn gặp được Pháp Thuận, thì vui mừng, hạnh phúc. Gặp Nghịch Pháp thì khổ sở, phiền não. Do đó, khi bước vào CON ĐƯỜNG TU HÀNH GIẢI THOÁT, người tu phải học để biết về CÁC PHÁP, về Gốc của nó, đồng thời được giao cho giữ một số GIỚI, mục đích giới hạn cái Thân, cái Tâm lại để có sức ĐỊNH. Từ sức ĐỊNH, người tu sẽ Tư Duy, Quán Sát để mở mang sự hiểu biết về con đường tu hành. Tất cả những suy nghĩ, hành động đều phải ở trong BÁT CHÁNH ĐẠO để từ Ý nghĩ cho đến Thân, Tâm đều thanh tịnh. Đồng thời họ được hướng dẫn cho NGỒI THIỀN, Quán Sát, Tư duy Các Pháp, về Cái Thân cái Tâm, về nguyên nhân của dính mắc, đau Khổ. Cách thức để hóa giải. Cứ kiên trì thực hành Ngoài thì giữ Giới, trong thì Quán Soi, gọi là THÂN GIỚI, TÂM HUỆ, đến một ngày đầy đủ cả Lý lẩn Sự thì mới được hoàn toàn Giải Thoát.
Cách tu hành bên THIỀN TÔNG thì chỉ chú tâm đến KHAI CÔNG ÁN. Không hề đề cập đến GIỚI, HẠNH. Mục đích duy nhất của họ là ĐỂ CHỨNG ĐẮC, và Chứng Đắc của họ chỉ là Khai được một CÔNG ÁN. Vì thế, khi được giao cho một Công Án, họ miệt mài bỏ ăn, bỏ ngủ để Khai. Khi Khai được Công Án thì cho là Thành Phật ! Nhưng do phía Thiền Tông không có văn tự để lưu lại, vì thế, chúng ta cũng không học được hay hiểu gì về cái được cho là THẤY CÁI KHÔNG của Thiền sinh. Chỉ thấy họ nói rằng « Đất trời đổ sụp », tỏ thái độ ngông nghênh, hoặc cười vang…
Người TU THIỀN có thể tách rời, không liên quan tới Đạo Phật, không cần theo con đường Đức Thích Ca vạch ra mà Thành Phật được chăng ? Hành độc nhất một Pháp THIỀN ĐỊNH. Quán sát duy nhất chữ VÔ, có thể gọi là Đốn Ngộ được chăng ? Để kiểm chứng thì không có gì bằng chúng ta tìm xem Đức Thích Ca đã tìm được những gì sau 49 ngày đêm Ngồi Thiền để cho là Chứng Đắc ?
Như chúng ta đều biết, mục đích Xuất Gia của Đức Thích Ca là ĐỂ ĐI TÌM CON ĐƯỜNG THOÁT CẢNH SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Sáu năm theo học với sáu vị Thầy giỏi nhất đương thời, mà chỉ học được những phép thuật, thậm chí hành đủ các loại Khổ Hạnh suýt mất mạng mà vẫnkhông tìm được câu trả lời. Cuối cùng Ngài đã nhận ra « Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối », nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ, NGỒI THIỀN dưới cội cây Bồ Đề. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài thấy mình đă Đắc Đạo, nên tuyên bố ngay lúc xả Thiền :
« Ta lang thang trong vòng Luân Hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi Kẻ Làm Nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được xây nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Ru, mè của ngươi cũng đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn giải thoát ».
Qua lời tuyên bố lúc Xả THIỀN của ĐỨC THÍCH CA thì chúng ta đã thấy, Ngài đâu có ngồi ỳ ra đó, bặt hết cả nghĩ tưởng, hay suy nghĩ vẩn vơ, hoặc thả hồn rong chơi các cõi mà có được câu trả lời ? Ngài đã tập trung vào vấn đề : Làm sao để Thoát Sinh Tử, Thoát Khổ, và Ngài đã tìm ra thủ phạm xây Ngôi nhà Sinh Tử, và đã phá nát vật liệu của nó, nên nó không thể xây nhà được nữa.
Vậy thì thủ phạm đó là ai ? hay là Đấng nào mà có quyền năng, có thể lôi con người triền miên, hết Sinh lại Tử, Tử rồi lại Sinh gọi là Luân Hồi ? Kẻ đó đã Xây dựng Ngôi nhà Sinh Tử như thế nào ? Làm cách nào để phá nát vật liệu của hắn ?
Điều này mỗi Tôn Giáo giải thích một cách. Đa phần đều cho rằng Thượng Đế hay Thần Linh hay Giáo Chủ của mình chính là người cầm nắm. quyết định thưởng, phạt, sống chết của Tín Đồ. Tín đồ muốn bớt hình phạt, muốn được ban thưởng, lúc chết được về với Thượng Đế thì phải Tin và Hành theo một số Giáo điều. Chỉ có Đạo Phật cho rằng không phải Thượng Đế hay Thần Linh cằm nắm vận mạng Thọ, Yểu, nghèo, giàu, sướng, khổ của mỗi con người, mà chính việc làm, cách sống của mỗi người quyết định vận mạng của họ gọi là NHÂN QUẢ. Cái đã tạo ra Nhân để đưa đến QUẢ là CÁI VỌNG TÂM của mỗi người.
Vì sao gọi là VỌNG TÂM ? Vì nó MÊ LẦM, Hiểu sai, nên hành sai, đưa đến kết quả xấu để không chỉ kiếp sống này phải đau khổ mà do những việc nó làm hậu quả còn lưu lại, nên khi hết kiếp lại phải nhận một THÂN khác để TRẢ. Vì thế mà gọi là LUÂN HỒI. Những việc mỗi người đã gây tạo, tùy theo cái nào nặng mà khi tái sinh sẽ nhận cái THÂN với những gì tương ưng với Một trong SÁU ĐƯỜNG. Do đó, tu hành theo Đạo Phật là phải học biết tất cả về NGHIỆP, QUẢ, PHÁP, TÁNH, THÂN, TÂM để điều khiển cho cuộc sống của mình không những được Thoát Khổ trong hiện kiếp, mà nếu tái sinh cũng không rơi vào Ác đạo mà còn được hưởng phước, an vui.
Như thế, NGỒI THIỀN hay THIỀN ĐỊNH chỉ là phương tiện, mục đích dùng thời gian tĩnh lặng để tập trung mà Tư Duy. Với Đức Thích Ca là để tìm ra điều làm cho Ngài trăn trở, là NGUYÊN NHÂN CỦA SINH, LÃO. BỆNH, TỬ và cách thức để không còn bị nó khống chế nữa, gọi là được Giải Thoát. So với Khai CÔNG ÁN của bên Nhà Thiền, ta thấy không có dính tới nhau, vì Cái Thấy Các Pháp là KHÔNG chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số Pháp mà người tu Phật cần khai thông, hiểu rõ.
Về phương pháp THIỀN ĐỊNH thì chúng ta thấy : Không chỉ bên Đạo Phật mới có NGỒI THIỀN, nhiều môn phái khác cũng dùng phương tiện NGỒI THIỀN để đạt mục đích. Cách NGỒI thì ai cũng biết, là Kiết Già hay Bán Già, lưng thẳng, hay tay xếp lại để trước bụng, mắt khép hờ, nhìn xuống đầu mũi, tập trung tư tưởng… Nhưng dù cùng một thế NGỒI THIỀN, nhưng do điều khiển hơi thở hoặc ý thức mà cho ra kết quả khác nhau.
Bên YOGA thì cũng NGỒI THIỀN, rồi điều khiển Ý THỨC, đưa đến các vị trí trên cơ thể để khai mở LUÂN XA. Theo phái này, trên cơ thể con người có 7 điểm dọc theo cột sống đóng vai trò điều hòa sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất con người. Khi một Luân xa bị mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm xúc con người, vì thế họ khai mở và điều tiết các Luân Xa. Sự luyện tập, khai mở phải có thầy đã thông thạo hướng dẫn. Nếu tự khai mở thì sẽ rất nguy hiểm, vì đưa tới tình trạng mất kiểm soát gọi là tẩu hỏa nhập ma.
Phái của Ô. Tám Lương Sĩ Hằng một thời sau 1975 có rất nhiều người theo học. Phái này cũng dạy Ngồi Thiền, nhưng mục đích là để xuất hồn. Có một vài người quen của gia đình tôi, cũng thuộc giới trí thức, theo học Thiền với Phái này. Giai đoạn đầu người tham gia cũng háo hức vì được nghe, được học, nhiều điều mới lạ. Nhưng thời gian sau có người trở thành bất thường, nói năng lảm nhảm, lúc nào cũng thấy có người hại mình, không thầy nào giải được cho tới khi chết.
Sau năm 1975 ở LONG AN có cựu Thiếu Tá VNCH Bùi Lưu Yêm mở ra Trung Tâm KHÍ CÔNG. Trung tâm này cũng dùng phương pháp NGỒI THIỀN để trị bệnh. Họ cho bệnh nhân Ngồi Thiền rồi điều khiển hơi thở, gọi là thở 3 thời. Tức là hít vô đếm 5 tiếng. Đưa hơi thở xuống bụng dưới, phình bụng ra tối đa, đếm 5 tiếng, rồi hóp bụng lại, thổi mạnh ra, cũng đếm 5 tiếng. Chỉ vậy thôi mà trị được khá nhiều bệnh mà không cần dùng thuốc.
Những người muốn tĩnh tâm, muốn thư giãn cũng nhờ môn Thiền. Thời gian ngồi tĩnh lặng, dẹp mọi tạp niệm họ cũng thấy bình an và phục hồi sức khỏe cho tinh thần.
Mới tính sơ qua mà đã thấy, ngoài NGỒI THIỀN theo Đạo Phật, còn có 4 kiểu Ngồi Thiền khác. Tất cả đều dùng cách NGỒI và dừng hoạt động của cái Thân như nhau. Nhưng do điều khiển hơi thở hoặc ý thức mà cho ra kết quả khác nhau.
Theo Đạo Phật thì người NGỒI THIỀN với cái Tâm an định, hành giả có thể đạt được Sáu Phép Mầu :
1/- Đắc Thần Thông. Có thể bay lên hư không. Đi trên mặt nước, chui xuống đất, hóa hình v.v..
2/- Thiên Nhĩ thông : Nghe được tiếng của chư Thiên và tiếng người bất cứ xa hay gần.
3/- Tha Tâm Thông : Đoán biết tư tưởng và ý đồ của người khác.
4/- Túc mạng minh : Nhớ lại các tiền kiếp, biết trong kiếp nào mình mang tên gì, thuộc giai cấp nào, làn nghề gì, vui khổ ra sao và lúc chết như thế nào, rồi được sinh lại ở đâu v.v..
5 /- Thiên Nhãn Minh : Thấy rõ tư cách sanh diệt của tất cả chúng sanh. Thấy chúng sanh trong mỗi kiếp vui hay khổ, sang hay hèn tùy theo duyên nghiệp.
6/- Lậu tận minh : Thông suốt lý Tứ Diệu Đế và phương pháp diệt trừ Tham Lam, Sân Hận, Si mê. Biết rõ đây là sự Khổ, đây là nguyên nhân của sự Khổ, đây là tư cách diệt Khổ và đây là con đường đi đến nơi dứt Khổ. Người biết do đâu mà Phiền não phát sanh. Khi tẩy được lòng tham dục, Sân Hận, Si mê và màn Vô Minh tan biến, người đã đạt được Trí Huệ Giải Thoát và biết mình đã sống đầy đủ cuộc đời đạo đức, việc phải làm mình đã làm rồi và chẳng còn phận sự gì nữa ở trần gian nữa ».
Trong pháp Trích Lục nói về Những Phép Mầu, Phật dạy :
Hỡi các Tỳ Kheo : Ba Phép màu đó là thế nào ?
1/- Phép màu về thần thông biến hóa.
2/- Phép màu về Tha tâm thông.
3/- Phép màu về Giáo Pháp.
Đây là phép màu thứ nhứt nói về trường hợp một đạo sĩ có năng lực phi thường, biết biến hóa thiên hình vạn trạng lạ đời. Từ một, người biết phân thân ra làm nhiều người, và từ nhiều người biến lại thành một. Từ hiện diện người biến mất, rồi tái xuất hiện. Người có thể đi ngang qua một trường thành hay xuyên qua đảnh núi như đi trên khoảng trống. Người chui xuống đất rồi trở lên dễ dàng như lao mình xuống nước. Người đi trên nước bằng phẳng như đi trên mặt đất. Người ngao du trên hư không, ngồi tréo chân như chim bay. Người có thễ điều khiển thân mình cho tới cõi trời Phạm Thiên. Đó là phép mầu về Thần Thông biến hóa.
Còn đây là phép màu về Tha Tâm Thông. Một Đạo sĩ có năng lực huyền bí đoán biết : Anh đang suy nghĩ thế này hoặc thế khác. Đọc tư tưởng kẻ khác dù rắc rối mấy, người cũng đoán không sai. Chỉ nắm được một triệu chứng do tiếng nói của người, hạng phi nhơn hay chư Thiên, người cũng đoán được tư tưởng của họ, không sai một mảy may, dù đoán bao nhiêu lần cũng không trật. Hoặc giả ông thầy bói có hành Thiền Định cũng biết được tư tưởng kẻ khác không cần bắt được triệu chứng nào bằng cách điều khiển Tâm mình xuyên qua tư tưởng kẻ khác. Dù đoán bao nhiêu lần cũng không sai. Đó là Phép mầu về Tha Tâm Thông.
Còn phép mầu về giáo pháp là thế nào ?
Trong trường hợp này, một người Giáo Chủ dạy giới tử : « Người nên học hỏi như thế này chớ chẳng phải như thế kia. Người phải thực hành như thế này chớ không phải như thế khác. Người hãy cố gắng thành tựu phẩm hạnh như vầy và ráng bảo tồn mức độ ấy. Đó là phép mầu về Giáo Pháp.
Này các Tỳ kheo. Vì nhận thấy sự vô ích, bất hảo của các phép thần thông nên Như Lai nhàm chán không muốn chúng được phô trương. Về phép Tha tâm Thông cũng thế, nó chẳng tốt đẹp gì. Vì đôi khi kẻ vô tín ngưỡng nói « Nào lạ gì. Có một loại kim cương. Nhờ thứ ngọc đó mà ông đạo sĩ đoán được tư tưởng kẻ khác. Nào là anh đang suy nghĩ thế này, tư tưởng thế nọ thế kia. Vì thấy sự vô ích, bất hảo của phép Tha Tâm Thông nên Như Lai nhờm chán không muốn chúng được phô trương ». (DIGHA NIKAYA1)
Như đoạn Kinh vừa trích dẫn, chúng ta thấy dù người tu Thiền Định có thể có những loại Thần Thông, Tha Tâm Thông, biết trước việc này việc kia, hay đọc được tâm địa người khác. Nhưng Đạo Phật chân chính không muốn cho tín đồ mình luyện những thứ đó, vì nó không có lợi ích gì cho Con Đường Giải Thoát, mà chỉ cần Phép mầu cuối cùng là Phép mầu về Giáo Pháp để đưa đến kết quả Giải Thoát mà thôi.
Như đã trình bày, dù cùng NGỒI chung một tư thế, nhưng do điều khiển hơi thở hoặc ý thức mà cho ra kết quả khác nhau. Như thế, để chúng ta thấy rằng không phải tất cả những người NGỒI THIỀN đều cho kết quả như nhau. Do đó, người tu Phật muốn NGỒI THIỀN cũng phải biết qua để phân biệt thế nào là NGỒI THIỀN của Đạo Phật để không nhầm lẫn tưởng rằng đang THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật mà hóa ra đang Thiền ngoại đạo mà không hay.
Ngay trong Kinh Phật cũng có nêu những trường hợp NGỒI THIỀN sai. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ước na do tha kiếp, Đức Phật đó khi trước lúc ngồi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp đặng đạo Vô Thượng Chánh Giác mà Phật Pháp còn chẳng hiện ra trước, như thế một tiểu kiếp cho đến 10 tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm đều không động mà các Phật Pháp còn chẳng hiện ra trước”.
….. Các Tỳ Kheo ! Đức Đại Thông Trí Thắng Phật quá mười tiểu kiếp các Phật Pháp hiện ra trước thành đạo Vô Thượng Chánh Giác”. (Phẩm Hóa Thành Dụ). Trích đoạn Kinh cho ta thấy : Khi Phật Pháp chưa hiện ra trước thì chưa thể thành đạo Vô Thượng Chánh Giác. Phật Pháp tức là pháp Giải Thoát, tức là hiểu được nguyên nhân của ràng buộc và Giải Thoát như Kinh LĂNG NGHIÊM dạy : « Như quốc vương bị giặc đến xâm lăng, đem binh đi dẹp trừ. Nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được ».
Người NGỒI THIỀN mà không biết mục đích của Môn THIỀN ĐỊNH là gì ? Không biết mình Ngồi để làm gì ? Phải làm gì trong lúc Ngồi ? thì được lợi ích gì ? Nếu ai có từng NGỒI THIỀN thì sẽ hiểu : Khi ta Ngồi đó, khoanh tay, khoanh chân, mắt khép hờ, cái Thân không còn đi tới, lui, cử động được, thì có vài hiện tượng diễn ra :
1/- Ý Thức đâu có ngồi yên. Nó hết nghĩ đến việc nọ đến việc kia, hết nghĩ đến người này lại đến người khác. Những việc bình thường định làm mà quên mất thì lúc đó nó lại trỗi dậy, liên tưởng đủ thứ, nhảy nhót không ngừng.
2/- Nếu Hành giả kềm nén tư tưởng, nó không nghĩ gì thì sinh ra Hôn trầm, tức là người Ngồi như người ngủ sâu, không còn biết đến mọi việc diễn ra chung quanh.
3/- Không nhìn thấy, không kết nối được với trần cảnh thì nó đi vào cảnh giới của cõi Tưởng. Thấy mình phiêu lưu vào cõi Thần tiên, gặp các tiên ông tiên bà và những cảnh giới kỳ ảo. Có khi còn gặp những nhân vật mang hình dáng Bồ Tát, Phật, được nghe thuyết pháp làm cho hành giả rất mê say, thích thú, tưởng mình đạt tới cảnh giới cao. Không ngờ đó là ma cảnh, nên bị những thiên ma trong Thiền hướng dẫn, lần hồi trở thành người bất bình thường gọi là tẩu hỏa nhập ma.
4/- Người NGỒI THIỀN theo Đạo Phật thì ý thức được mình muốn nhờ phương tiện THIỀN để Tư Duy, Quán Soi. Do đó, họ tập trung Ý thức lại, không cho nó suy nghĩ vu vơ mà bắt nó suy nghĩ về đề tài mình muốn tìm hiểu. Nhờ sự tập trung, tĩnh lặng, nó sẽ nghĩ ra một số câu trả lời về điều mình muốn tìm. Trường hợp THIỀN ĐỊNH của Đức Thích Ca, thì ngài tập trung vào câu hỏi đã làm ngài trăn trở suốt từ lúc chứng kiến cảnh SINH, LÃO, BỆNH TỬ là : Làm thế nào để Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử. Cuối cùng ngài đã có câu trả lời, là khám phá ra nguyên nhân, thấy được CON ĐƯỜNG ĐỂ THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ gọi là ĐẮC ĐẠO.
Trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH có người tên Ngọa Luân, Ngồi Thiền rất giỏi, nên làm Kệ tự ca tụng mình :
Ngọa Luân tài rất hay
Dứt được cả tư tưởng
Đối cảnh lòng không động
Bồ Đề ngày vượng lớn
Ngài Huệ Năng đã đối lại :
Huệ Năng tài chẳng hay
Chẳng dứt cả tư tưởng
Đối cảnh lòng động hoài
Bồ Đề đâu vượng lớn.
Người không hiểu ý nghĩa của ĐỊNH, cho rằng DIỆT TẬN ĐỊNH là cao. Đối cảnh lòng không động thì Bồ Đề ngày càng vượng lớn. Chứng tỏ họ càng tu hành thì Ngã Chấp càng lớn. Trái lại, Ngài Huệ Năng không tự thấy là mình hay, mình giỏi. Ngài luôn luôn điều phục cái Tâm mình khi đối cảnh. Như vậy có thể nói tâm của Ngài luôn Động, đâu có Diệt tận Định ? đâu có bỏ cái Tâm trống không ? Hơn nữa, tu hành là để Giải Thoát, không phải để cao, thấp, hơn thua nên hành giả không thấy mình tu ngày càng cao, Bồ Đề ngày càng lớn.
Không phải cứ NGỒI là THIỀN, Ngồi lâu sẽ Chứng đắc. Với những người NGỒI THIỀN ỳ ra một đống, chỉ biết Ngồi đó, không biết làm gì. Kinh DUY MA CẬT gọi là « Ngồi sửng ở đó ». Lục Tổ Huệ Năng có Kệ :
Khi sống Ngồi chẳng nằm
Lúc chết Nằm chẳng Ngồi
Gốc là cục thịt thúi
Làm chi vậy mệt ôi !
Bởi vì cứ NGỒI ỳ ra đó thì dù có Ngồi ngày nầy sang tháng kia cũng chẳng có ích lợi gì.
Có hai loại THIỀN : THIỀN HỮU TƯỚNG và THIỀN VÔ TƯỚNG. THIỀN HỮU TƯỚNG là NGỒI THIỀN với đầy đủ hình tướng là khoanh tay chân lại, mắt khép hờ, nhìn xuống đầu mũi mà ai cũng biết. THIỀN VÔ TƯỚNG là hành giả vẫn Hành Thiền Định, nhưng không cần NGỒI bằng hình tướng. Họ có thể Ngồi bình thường, chỉ cần tập trung Tâm, Ý, không suy nghỉ vẩn vơ, gọi là ĐỊNH cái Tâm, rồi dùng SỨC ĐỊNH để Tư Duy, Soi Quán. Do đó, THIỀN ĐỊNH là ĐỊNH CÁI TÂM, không phải là TRÓI CÁI THÂN. Lục Tổ Huệ Năng 8 tháng ở sau Chùa của Ngũ Tổ, chỉ có giã gạo và chẻ củi, không có thì giờ để NGỒI THIỀN HỮU TƯỚNG, nhưng Ngài vẫn Đắc Đạo, vẫn được Ngũ Tổ Ấn Chứng là một bài học cho chúng ta về THIỀN VÔ TƯỚNG.
Khi đã hiểu rõ về THIỀN, biết mục đích của THIỀN để áp dụng, thì dù NGỒI THIỀN Hữu tướng hay Vô Tướng đều đưa đến kết quả. Ngược lại, Ngồi Thiền, nhưng không biết Ngồi để làm gì ? Thời gian trói chân tay không đi lại được lại Diệt Tận Định, hoặc hôn trầm, thì sẽ trở thành những người ngủ ngồi. Hoặc thân xác Ngồi đó, nhưng thả hồn rong chơi các cõi thì khác nào những người vào rạp hát để xem phim, coi kịch, thì xả Thiền ra đâu có sinh thêm được chút hiểu biết gì về Đạo ? Còn Khai Công Án thì mỗi Pháp, mỗi vấn đề là một Công Án cần khai thông. Đạo Phật phải đâu chỉ có mỗi chữ KHÔNG, mà vừa mới thấy được cái KHÔNG đã vội cho là Chứng Đắc ? Cho nên Nhà Thiền đã nhầm lẫn rồi đào tạo ra những kẻ Tăng Thượng Mạn, không Chứng Đắc mà tự xưng là Chứng Đắc.
Lý do người thời sau cũng NGỒI THIỀN mà không Đắc Đạo như sau :
1/- Đức Thích Ca có mục tiêu rõ ràng trước khi NGỒI THIỀN. Mục đích NGỒI THIỀN của Ngài là tập trung cả THÂN lẩn TÂM để đi tìm CON ĐƯỜNG hay cách thức để Giải Thoát khỏi SINH, LÃO BỆNH TỬ. Vì thế, khi tìm ra cách thức, thấy được câu trả lời cho điều Ngài đã trăn trở thì gọi là ĐẮC ĐẠO. Đắc là được, Đạo là CON ĐƯỜNG. Người thời nay cũng bắt chước NGỒI, nhưng do không biết NGỒI để làm gì ? Không biết phải làm gì trong lúc Ngồi, nên Thân thì Ngồi đó chưa chắc Tâm đã ĐỊNH. Có khi thả hồn rong chơi các cõi, hoặc suy nghĩ mông lung, và cũng do không có mục tiêu để tìm thì làm sao Thấy hay Gặp?
2/- Thủ phạm gây ra cảnh SINH, LÃO BỆNH, TỬ đã được Đức Thích Ca sau 49 ngày đêm THIỀN ĐỊNH đã tìm ra và đưa hắn về quy án từ mấy ngàn năm trước rồi. Đó là cái VỌNG TÂM, tức là cái Tâm VÔ MINH của mỗi người. Chính nó đã xây lên Ngôi Nhà Sinh Tử cho chính mỗi người. Cho nên, người sau NGỒI THIỀN không phải để khám phá cái mà có người đã khám phá. Tìm ra con đường mà người khác đã tìm rồi. Người sau chúng ta nếu chấp nhận Giáo Pháp của Đạo Phật, chấp nhận là Cái Tâm Vô Minh là thủ Phạm đã xây Ngôi Nhà Sinh Tử thì chỉ làm công việc nhận diện hắn và phá nát vật liệu của hắn, để hắn không thể tiếp tục xây nhà như Đức Thích Ca đã làm. Mỗi người đều có một tên Xây Nhà Sinh Tử của bản thân phải tự chuyển hóa lấy, Phật không thể Phá vô Minh giùm cho người khác.
Mục đích NGỒI THIỀN của Đạo Phật không phải là để Chứng Đắc, mà là để khai mở Trí Huệ, tức sự hiểu biết về những điều cần Hiểu, cần Hành đưa tới Con Đường Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử như Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ đã thành công. Tất cả những gì cần Hiểu, cần Hành đều đã được Đức Thích Ca truyền lại cho Chư Đại Đệ Tử, sau đó lần lượt các Tổ khai sáng thêm trong những Bộ Chính Kinh. Do đó, người thời sau như chúng ta cũng NGỒI THIỀN, nhưng không có gì để khám phá, mà chỉ là tập trung, tư duy, để xác định những điều Đạo Phật hướng dẫn, xem có phù hợp với chúng ta hay không ? có hợp lý theo suy nghĩ của ta hay không ? có cần thiết với ta hay không ? Nếu thấy đúng, thì bắt tay vào thực hành để bản thân mình cũng được như các Vị. Dù biết rằng Đạo Phật cho rằng thủ phạm gây ra cảnh SINH TỬ LUÂN HỒI là cái VỌNG TÂM. Nhưng không phải chỉ cần Thấy được cái VỌNG TÂM là kể như ta đã xong việc, đã thành công trên con đường tu hành, vì kết quả Soi, Quán, Tư Duy mới chỉ là biết nguyên nhân và cách thức để hành trì. Hành giả còn phải đưa vào thực hành, vì giữa CÁI THẤY và CÁI HÀNH còn cách nhau rất xa. Người tu Phật không phải dừng ở cái BIẾT VỌNG, mà còn phải làm công việc PHẢN VỌNG QUY CHÂN và thực hành trong suốt cuộc sống.
Như vậy, theo tôi :
Muốn NGỒI THIỀN theo Đạo Phật thì ít ra chúng ta cũng phải hiểu :
1/- Thế nào là mục đích của THIỀN ĐỊNH ?
2/- Hành giả sẽ làm gì trong lúc NGỒI THIỀN ?
3/- Khi thấy những hiện tượng lạ trong lúc Thiền thì đó có phải là Chứng Đắc hay không ?
Nếu chúng ta tự Ngồi Thiền mà không có thầy hướng dẫn hay Kinh sách để dò lại thì e rằng không thể phân biệt được Chân Thiền và Thiền Ngoại Đạo. Đôi khi do tĩnh lặng trong lúc Ngồi Thiền sẽ sinh ra một số hiện tượng như phần Kinh trích dẫn, hành giả không biết nên tưởng là mình đã Chứng Đắc, lần hồi đưa đến xa rời Đạo Phật mà không hay.
Vào tu theo Đạo Phật không chỉ có môn THIỀN ĐỊNH, mà có rất nhiều điều cần phải học, phải biết. Kinh HOA NGHIÊM dạy :
« Này Thiện Nam Tử. Người chẳng nên tu một điều lành, chiếu một pháp, hành một Hạnh, phát một Nguyện, được một thọ kỹ, trụ một Nhẫn mà cho là rốt ráo. Người chớ nên đem tâm có hạn lượng mà thật hành Lục Độ, Trụ nơi Thập Địa, Tịnh Phật Độ, thờ Thiện Tri Thức.
Tại sao vậy ?
Này Thiện Nam Tử ! Vì Bồ Tát phải gieo vô lượng thiện căn, phải chứa vô lượng Bồ Đề Cụ, phải học vô lượng Bồ Đề Nhơn, phải học vô luợng xảo hồi hướng, phải giáo hóa vô lượng chúng sanh giới, phải biết vô lượng chúng sanh tâm, phải biết vô lượng chúng sanh căn, phải rõ vô lượng chúng sanh giải, phải Quán vô lượng chúng sanh Hạnh, phải điều phục vô lượng chúng sanh, phải đoạn vô lượng phiền não, phải tịnh vô lượng nghiệp tập, phải diệt vô lượng tà kiến, phải trừ vô lượng tâm tạp nhiễm, phải phát vô lượng tâm thanh tịnh, phải nhổ vô lượng tên độc khổ, phải cạn vô lượng biển ái dục, phải phá vô luợng tối vô minh, phải xô vô lượng núi ngã mạn, phải bức vô lượng dây Sinh Tử, phải qua vô lượng dòng hữu lậu, phải khô vô luợng biển Thọ Sanh phải làm cho chúng sanh ra khỏi bùn lầy Ngũ Dục, phải khiến vô lượng chúng sanh lìa ngục tù Tam Giới, phải đặt chúng sanh ở trong Thánh Đạo, phải tiêu diệt vô lượng hạnh Tham dục, phải trừ vô lượng hạnh Sân Hận, phải phá vô lượng Hạnh ngu si, phải siêu vô lượng lưới ma, phải rửa sạch Bồ Tát vô lượng dục lạc, phải tăng trưởng vô lượng phương tiện… ».
….
Vì biết tất cả pháp như hột giống nẩy mầm, như ấn sanh văn.
Vì biết chất như tượng, biết thanh âm như vang, biết cảnh như mộng, biết Nghiệp như huyển, rõ đời do Tâm hiện, Quả do Nhơn khởi, rõ Báo do Nghiệp tập. Biết tất cả pháp công đức đều từ Bồ Tát phương tiện thiện xảo mà lưu xuất.. »
Này Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát dùng Bát Nhã Ba La Mật làm Mẹ, phương tiện thiện xảo làm Cha, Thí Ba La Mật là Nhũ Mẫu, Giới Ba La Mật làm dưỡng mẫu, Nhẫn Ba La Mật làm đồ trang nghiêm, Tinh Tấn Ba La Mật làm ông gia dưỡng dục, Thiền ba La Mật làm người rửa giặt, Thiện Tri Thức làm thầy dạy, tất cả pháp Bồ Đề làm bạn, tất cả pháp lành làm quyến thuộc, tất cả Bồ Tát làm huynh đệ, Bồ Đề Tâm làm nhà, Tu hành đúng lý làm gia pháp, Chư Địa làm gia xứ, Chư Nhẫn làm gia tộc, Đại Nguyện làm gia giáo, đầy đủ các Hạnh làm thuận gia pháp, Khuyến phát Đại Thừa làm nối gia nghiệp, Pháp thủy rưới đầu Nhất sanh bổ xứ Bồ Tát làm Thái Tử, thành tựu Bồ Đề là hay tịnh gia tộc…. ». (Trích Kinh HOA NGHIÊM).
Để NGỒI THIỀN đạt hiệu quả, người tu còn cần sự hỗ trợ của GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO. Nhưng không đến nỗi phải giữ hàng mấy trăm Giới đến độ quay đâu cũng đụng Giới, làm cho người tu bị trói buộc bởi Giới, không còn chút tự do. Ngay cả suy nghĩ gì ngoài Phật cũng Thất Niệm thì làm sao khai mở Trí Huệ được ?
Người tu theo Đạo Phật là để được Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử. Do đó, họ được học để biết về nguyên nhân của Khổ, của Sinh Tử và cách thức để Giải Thoát. Theo Đức Thích Ca, sở dĩ có Khổ, có Sinh Tử là do có Cái Thân, rồi do Cái Tâm lầm chấp cái Thân là Mình, nên mới có chỗ cho cái Khổ tác động. Nhưng cái Thân không đứng một mình, mà vây quanh nó là Các Pháp, là DUYÊN, NGHIỆP, NHÂN, QUẢ. Do đó, thì giờ THIỀN ĐỊNH chỉ nhằm mục đích dừng mọi hoạt động của cái Thân, cái Tâm, để Tư Duy về Các PHÁP. Quan trọng nhất là chính THÂN, TÂM của mình. Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Này A Nan. Khiến cho các ông nhiều kiếp Sanh Tử Luân Hồi đó chỉ vì Sáu Căn của các ông, nhưng làm cho các ông Chứng được Đạo Quả Bồ Đề an vui Giải Thoát cũng chỉ do Sáu Căn của các ông mà thôi”.
Nếu chịu khó Tư Duy, phân tích cho rõ, thì chúng ta sẽ thấy rằng Thân Tứ Đại này không phải là TA hay NGÃ, mà chỉ là một món vay mượn tạm thời của Tứ Đại, tồn tại nhiều lắm là trăm năm, cho các pháp vay trả với nhau. Khi hết Nghiệp thì nó sẽ ra đi. Những tư tưởng Tham, Sân, Si, yêu, ghét,thương, giận, vui, buồn…khởi lên khi tiếp nhận Các Pháp cũng không phải là TÂM CỦA TA, mà đó là những phản ứng hoàn toàn dựa trên cái THÂN GIẢ. Do đó, cả THÂN, TÂM này đều không phải là CHÂN NGÃ, CHÂN TÂM của mình, mà nó là Vô Ngã, không phải THẬT TA. CÁI TA THẬT hay BỔN THỂ TÂM thì trường tồn, không Khổ, vui, không Sinh Tử. Người muốn Thoát Sinh Tử cần tìm cho được. Khi tìm được thì gọi là THẤY TÁNH hay thấy được BỔN THỂ TÂM. Cái THẤY TÁNH là cột mốc quan trọng, vì như người thất lạc gia đình, tìm lại được nguồn cội của mình. Nhờ quán sát mà biết rằng mình không phải là cái Tâm Giả, cái Thân Giả, nên không còn chạy theo Pháp để bị các Pháp làm cho điên đảo như trước nên gọi là Thoát Pháp. Do đó, người NGỒI THIỀN thời nay không “Đắc Thiền”, chỉ nhờ THIỀN ĐỊNH để khai mở TRÍ HUỆ, rồi từng bước thực hành để thâm nhập vào cái CHÂN TÁNH, nên không còn bị Sống, Chết theo cái Thân Giả tạm nữa, vì biết rằng đó không phải là MÌNH, chỉ là một thứ Nghiệp, Duyên, đi theo mình trong một kiếp mà thôi.
Không phải NGỒI THIỀN thì tự nhiên Trí Huệ sẽ phát sinh, mà phải THIỀN QUÁN, tức là hành giả dùng thời gian dừng lắng cả Thân lẩn Tâm trong lúc THIỀN ĐỊNH để Tư Duy mở mang sự hiểu biết về những gì liên quan đến Con đường tu hành. Cũng giống như việc học, không thể thu thập toàn bộ kiến thức trong một buổi, hay một vài tháng , mà từng ngày, từng từng ngày, qua công năng Quán, Soi, hành giả lần hồi sẽ khám phá ra những điều cần hiểu, cần hành sau đó đưa vào thực hành. Không có chuyện “đột nhiên hoát ngộ”, vì chưa hiểu Ngộ là gì thì làm sao có chuyện đột nhiên hoát ngộ ? Chưa biết Phật là gì ? Chưa biết làm thế nào để Thành Phật thì làm sao có việc tự nhiên mà thành Phật ? Muốn Thành Phật thì phải Độ Sinh, mà chúng ta chưa biết Chúng Sinh là gì ? ở đâu ? Độ như thế nào thì làm sao Độ tận Chúng Sinh để Thành Phật ? Mỗi kết quả Soi, Quán chúng ta còn phải đối chiếu lại với chính kinh xem có khế hợp hay không, để biết mình đang đi đúng theo con đường mà chư Vị Giác Ngộ đã đi hay không ? Nếu không có người đi trước dẫn lối thì chúng ta biết thế nào là sai, đúng để tiếp tục ? Cho nên nhưng người chê Kinh là những người Tăng Thượng Mạn và chắc chắn không thể tu hành đến nơi đến chốn được, vì không có người dẫn đường, cũng không có La Bàn hướng dẫn thì họ sẽ đi về đâu ? .
Có hai con đường cho chúng ta chọn lựa. Hoặc cứ tin Nhân Quả, sống Thiện, không vi phạm những gì không thuộc về mình như có vị cổ đức dạy là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ có một cuộc sống an lành, khi hết kiếp cũng sẽ không bị rơi vào ác đạo, vì gieo Nhân Thiện đương nhiên sẽ có Quả lành. Người muốn tìm cho ra lẽ, muốn có sự hiểu biết rõ ràng, khi hành pháp nào đó thì biết lý do tại sao phải làm ? Kết quả về đâu ? thì sẽ dành thời gian để Soi, Quán, Tư Duy, phân biệt rõ ràng mọi pháp rồi mới chấp nhận hành theo thì đó mới là những người sáng suốt. Tuy nhiên, cuối cùng khi khám phá con đường tu từ khởi điểm cho tới khi kết thúc, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Thích Ca quả là một bậc thầy về giáo hóa con người. Biết tâm ý con người đã tham lam, mà còn cố chấp, chỉ muốn ôm vô càng nhiều càng tốt và sẵn sàng lừa dối, dẫm đạp người khác để tranh giành phần hơn cho cái Thân được hưởng thụ rồi do gây Nhân xấu nên cuối cùng sẽ phải chịu đọa. Vì thương chúng sinh, nên Đức Thích Ca đã phải vận dụng biết bao nhiêu phương tiện, cách thức. Với người ham địa vị, ham thành Thánh, ham Chứng Đắc, ham Quả Vị, ham cao hơn người khác thì hứa Tứ Quả Thánh. Người quá tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ thì Ngài dạy : “ Bố Thí thì quả nhận lại sẽ nhiều gấp trăm, gấp ngàn lần”. Người ham vàng, ngọc, châu báu thì nói rằng cách đây 18 ngàn dặm có Tây Phương Cực Lạc làm toàn bằng 7 món báu. Nhưng Lục Tổ Huệ Năng giải thích : “chỉ cần bỏ đi Thập Ác là vượt qua 10 ngàn dặm. Bỏ đi Bát Tà là vượt qua 8 ngàn dặm” !
Tả bao nhiêu cảnh giới. Bày ra cõi Phật ở Đông Phương, Tây Phương.. nhưng mục đích chỉ để cho con người thấy sẽ được cái khác tốt hơn, quý hơn, cao hơn mà bớt đeo bám của cải vật chất rồi ngưng tranh giành, chém giết lẩn nhau. Chưa hết, để hoàn thiện Phật của bản thân còn phải Tu 32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ Đẹp. Nhưng xem kỹ những Tướng Tốt đó thì chỉ là những cách cư xử giữa trò và Thầy, giữa con cái với Ông bà, cha mẹ, giữa bạn bè và những người trong xã hội với nhau. Mỗi việc làm thành MỘT TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT NƠI NỘI TÂM, không phải là lấy xi măng hay gỗ rồi đổ khuôn hay đúc, tạc phỏng theo những Tướng Tốt của Phật rồi cho đó là Phật ! Chưa hết, Đạo Phật còn dặn người tu hành xong cho mình còn phải đền TỨ ÂN, tức là Ân Phụ mẫu, Ân Đất nước, Ân Phật, Ân Thầy, Ân Chúng sinh là những người chung quanh đã nuôi nấng, bão dưỡng cho cái Thân ta được tồn tại mà tu hành. Người chưa đọc hết hướng dẫn của Đạo Phật cứ tưởng như tu hành xong sẽ Chứng Đắc, sẽ về NiẾt Bàn ở cõi trời nào đó, không ngờ vần tiếp tục sống giữa cõi trần nhưng Phiền não không còn làm cho vướng bận nữa, được an vui, hạnh phúc, gọi là HỮU DƯ Y NIẾT BÀN.
Đó là tất cả những gì mà Đức Thích Ca vận dụng mọi phương tiện để dẫn dắt con người. Từ một Chúng Sinh Vô Minh, bị các Pháp ràng buộc trong Phiền não, Sinh Tử, Khổ đau.. Nhờ từng bước hành trì theo hướng dẫn của Đạo Phật mà được Giải Thoát, được hạnh phúc, an vui. Điều đó không chỉ diễn ra trong hiện kiếp, mà còn vô số kiếp về sau. Theo lời Kinh dạy : “như vàng đã lọc ra khỏi quặng rồi thì không trở thành quặng như trước”. Một khi đã hết Mê rồi thì vĩnh kiếp không còn Mê trở lại. Đó là mục đích của Đạo Phật mà Đức Thích Ca mong muốn tất cả mọi người đều đạt tới, không hề phân chia trong Chùa, ngoài Chùa, già trẻ, giới tính, nghèo, giàu, sang hèn, học nhiều hay học ít. Chính vì vậy mà Ngài đã Thọ Ký “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Tóm lại. THIỀN ĐỊNH chỉ là Một trong LỤC ĐỘ, không thể hành riêng rẻ và cũng không thể có người Chứng Đắc hay trở thành Thiền Sư, thậm chí
còn “cao hơn cả Phật” chỉ vì Thấy được chữ VÔ ! Cho nên chúng ta cần thận trong với những người rao giảng Đạo Phật hiện nay. Có những bậc
Chân tu, xiểng dương Chánh Pháp của Phật mà cũng không thiếu những “con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt Sư tử”, vì họ cũng ở trong Chùa,
cũng đầu tròn áo vuông, cũng mặc Pháp phục của Đạo, nhưng Đạo chẳng học, Đức không tu, cứ “Y Kinh giải nghĩa” làm cho người tin theo đi
vào tà đạo hay Nhị Thừa, Thờ Phật, cầu xin, nương tựa thay vì Tự Độ, Tự Giải Thoát như mong mỏi
của Đức Thích Ca khi lập Đạo vậy.
Tháng 7/2023