Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
- Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thủa nào ra?
(Ca dao)
1. Người con trai xuất hiện qua hai câu thơ đầu thoạt xem thấy khá vẽ vời, điệu đàng. Dễ gây tương phản với cảnh tình đầy buồn thương, tiếc nuối. Xét kỹ vào sâu nội cảnh mới thấy không phải thế. Người con trai đã trèo lên cây rồi lại bước xuống vườn để hái hoa hái nụ. Nụ và hoa là đôi thứ cho ta biết về sắc và hương. Giá trị thực, quan trọng hơn mà cây hiến cho cuộc đời là trái quả thì người con trai, trong hoàn cảnh ấy đã không thể hái. Dù anh ta đã bước xuống cả một: vườn cà. Xin hiểu cho là hoa bưởi, tầm xuân nở vào tháng hai tháng ba, mà cà thì ra quả cũng vào thời gian này. Cà là thứ quả dùng để nén, muối và nấu canh ăn. Vì vậy, nhân vật "anh" trong thơ mà hái thứ quả này tất nó sẽ gây cho cảnh thơ nỗi buồn cô đơn rất lớn. Bởi nó gợi ra cảnh sống gia đình chồng vợ vui vầy bên bữa ăn sớm tối. Câu, "Bước xuống vườn cà..." không để "hái cà" mà lại đi "hái nụ tầm xuân" là rất tinh tế, giấu đi kín nhẹm cái nội dung tình cảm ấy. "Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương" hay "Bao giờ cà chín cà xanh / Anh cho một quả để dành mớm con..." (Ca dao). Hình ảnh "người vợ" (lẽ ra là vậy!) đã lồng soi, khúc xạ qua mùi hương bóng sắc của nụ và hoa, đặc biệt qua sức ẩn dụ của "vườn cà", khi người con trai bước gần lại bên người con gái "đã có chồng" mà anh ta hằng yêu thương, mơ tưởng.
2. Bài ca dao có 10 câu thơ, thể hiện cho nội dung của hai câu hỏi và đáp. Thơ được viết bởi hai thể loại thơ lục bát và song thất. Hai câu thất ngôn bố cục ở cuối mỗi lời hỏi, đáp. Âm vận của thể lục bát được liên kết giữa câu 6 với câu 8 bởi thanh bằng hoặc thanh không. Và để đảm bảo âm thanh nhịp điệu uyển chuyển, thông thường thơ lục bát chủ yếu được ghép vần ở vần chân (từ số 6 của câu 8) chứ ít ghép vần ở vần lưng (từ số 4 của câu 8). Nhưng bài ca dao này có 3 cặp lục bát chỉ có 1 cặp ghép vần ở vần chân. Thể thơ lục bát ở đây phần nhiều hơn dùng vần lưng để nối vần là cốt tạo ra âm vực trầm ở giữa nhịp câu. Nó đã gây hiệu ứng về sắc độ tình cảm u trầm, chìm đắm và gây cảm nhận về điểm nương cậy chưa thật vững vàng.
Vì sao dùng hai câu thất ngôn làm đế kết cho hai lời hỏi và đáp? Đây là điều cũng cần được lý giải. Cặp thất ngôn liên vận với nhau ở âm trắc. Sử dụng thể thất ngôn, với âm vận trắc cho câu kết mỗi khổ thơ ở bài ca dao này là nhằm đạt được tính chất cắc cớ, ngãng trở của tâm lý và hoàn cảnh sống. Hai câu thất ngôn bất thần đặt xuống trước dòng chẩy xuôi thuận của thể lục bát như đá tảng ngăn dòng. Nó vang lên âm điệu chói mạnh, tạo một cưỡng lực tinh thần trước hoàn cảnh ngang trái của đời sống.
3. Sự ngỏ tình trong cảnh "chim đã vào lồng, cá đã cắn câu" giữa cái thời quan niệm về đạo đức gia phong vốn lấy "tứ đức tam tòng" làm chuẩn mực, hẳn đôi tình nhân nọ không than thở chỉ nhằm mà than thở. Hình ảnh thơ ngay từ đầu đã kín đáo lộ ra tư tưởng cần tìm sự chuyển lay và thay đổi.
Trở lại hình ảnh 3 câu thơ đầu bài: "Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc..." cho thấy, người con trai đã hái cả "hoa" và "nụ", nhưng đến khi bước lại thưa bày với người con gái, đã có chồng, thì anh lại chỉ nói về nụ. Và anh thấy cái "nụ" ấy nó sẽ nở ra "xanh biếc". Thật tinh tế và ý nhị vô cùng. Vì sao? Vì anh nhận ra, nếu đem bông hoa đã nở, đã viên mãn nó sẽ gợi cho người con gái sự mặc cảm hoặc bị tổn thương. Và quan trọng hơn, trong mắt người con trai khi ấy anh vẫn thấy người yêu của mình, dù đã có chồng nhưng vẫn còn "đương nụ". Nghĩa là còn trọn vẹn sắc hương và lại là một thứ sắc hương căng đầy sức sống: Xanh biếc. (Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài - Truyện Kiều). Chính bởi nhận biết được ý tứ ấy, người con gái mới nhún mình mà rằng: "Ba đồng một mớ trầu cay". Cái thứ trầu cay, trầu hôi, rẻ thôi, có ba đồng được cả mớ. Một người đoan chính, hương sắc còn xanh biếc như hoa đương nụ kia hẳn đã không dễ hạ giá mình như vậy nếu không được lời, nhận biết được ý tứ yêu thương, trân trọng của người yêu. Và hơn ai hết, người con gái vốn đã quen việc bếp núc nội trợ, cô cũng hiểu ra nỗi cô đơn, niềm tiếc thương của người yêu khi anh bước xuống vườn cà mà không dám hái quả.
Tình tha thiết chân thành được thể hiện một cách ý nhị, rất mực tinh tế như vậy chính là ngầm tạo một mạch dẫn cho sức dồn nén ở kết bài. Điều này chứng minh, câu hỏi mà người con gái đặt ra là tiếng than van, nhưng không buông xuôi, bất lực. Nó cầu tìm điểm dẫn nối tinh vi nơi tình người con trai đã ngầm thổ lộ. Nó hướng tới một hy vọng đổi thay.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thủa nào ra?
Lời ướm hỏi và lời đáp nhẹ nhàng, tinh tế. Hai người đều tránh lời dễ gây thương tổn, thất vọng. Một cảnh tình sâu nặng, bền chặt, bức xúc. Nó báo hiệu về một ý chí, một cưỡng lực.
Tình yêu chân chính, đẹp đẽ bao giờ cũng là nguồn sức mạnh cho hy vọng xây dựng, đổi thay cuộc sống.