Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Vũ Anh Khanh (1926-1958)

VŨ ANH KHANH VÀ THA LA XÓM ĐẠO





                     

T ha La, trước năm 1975, người dân Miền Nam đã nghe tên nầy qua các bản nhạc “Tha La Xóm Đạo”, “Hận Tha La”, “Vĩnh Biệt Tha La”. Tha La nằm trong vùng Trảng Bàng, nếu bắt đầu đi từ Sài-Gòn theo hướng Tây Bắc đến Hóc Môn rồi vượt Củ Chi và đến quận Trảng Bàng.

Từ Trảng Bàng theo con đường đất đỏ mà hai bên đường là các thửa ruộng, rẫy chen lẫn với các nhà dân. Tha La chỉ là một xóm nhỏ với những mái nhà lợp tranh, lợp tôn nhưng thỉnh thoảng cũng có những nhà lợp ngói thấp thoáng sau những vườn cây ăn trái. Nguyên thủy Tha La tên gốc từ chữ Schla của người Khmer, có nghĩa là trại hoặc nơi nghỉ mát rồi không biết từ khi nào người Việt đọc Schla thành Tha La và địa danh nầy tồn tại cho tới ngày nay. Tha La thuộc ấp An Hội, Xã An Hòa nằm trong quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh và là một Xứ Đạo Thiên Chúa. Từ thời vua Minh Mạng dân theo đạo trốn chạy lánh nạn vào đây rồi khai quang lập ấp, xây dựng cuộc sống để bảo tồn nền đạo cùng niềm tin Thiên Chúa. Trong Tha La,nơi nhộn nhịp, trù phú nhất là khu vực dân cư sống chung quanh họ đạo gần nơi thánh đường Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, cũng có một số người theo đạo Phật, theo đạo Cao Đài hay thờ cúng tổ tiên sống ở Tha La.

Tha La là một vùng đất lành, màu mỡ do con kinh Vàm Trảng dẫn nước từ sôngVàm Cỏ

Đông về tưới mát đất đai, cây trái, vườn tược nhưng sao dân cư ở trong vùng vẫn mang vẻ u hoài, hiu quạnh hay Tha La tự nó vẫn buồn muôn thuở...?

Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, thanh niên nam nữ Tha La đã nhiệt tinh tham gia phong trào kháng chiến, họ ra đi không hẹn ngày trở về và họ đã đền nợ nước trên các chiến trường lửa đan khiến Tha La vắng bóng người, buồn cô quạnh...rồi nhà thơ Vũ Anh Khanh trong một lần lạc bước đến Tha La đã cảm xúc tinh thần yêu nước chống ngoai xâm của nam thanh nữ tú Tha La nên sáng tác bài thơ “Tha La Xóm Đạo” vào năm 1950.

“Tha La Xóm Đạo” là một bài thơ dài 97 câu, viết theo lối hợp thể, đoạn mở đầu là ngũ ngôn, rồi chuyển sang tám chữ, sau đó thành kịch thơ và kết thúc bằng hai câu thất ngôn. Lời thơ giản dị, chân thành. Nhịp điệu của bài thơ nhẹ nhàng như lời tâm tình đã làm rung động tâm hồn của nhiều độc giả. “Tha La Xóm Đạo” đã được nhạc sĩ Dũng Chinh, cũng người Phan Thiết phổ nhạc vào năm 1964. Sau đó một năm, nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La” và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”. Ngoài ra, soạn giả cải lương Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng của Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La Xóm Đạo”

Bài Thơ “Tha La Xóm Đạo”

HẬN THA LA

Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo:
– Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.
– Viễn khách ơi!
Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng.
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?
– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.
Tha La hỏi:
– Khách buồn nơi đây vắng?
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh.
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.
– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng:
” Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than. ”
Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn ngàn hàng,
Ngày hiu quạnh. Ờ.. ơ.. hơ tiếng hát.
Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La giận mùa thu,
Tha La hận quốc thù,
Tha La hờn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,
Não nùng chưa!
Tha La nguyện hy sinh.
Ơ.. ơ.. hơ.. có một đám chiên lành.
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy:
Lạy Đức Thánh Cha!
Lạy Đức Thánh Mẹ!
Lạy Đức Thánh Thần!
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…
Rồi… cởi trả áo tu.
Rồi… xếp kinh cầu nguyện.
Rồi… nhẹ bước trở về trần…
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy dừng chân.
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi mà bẽ bàng?
Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát
Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách đi thôi!
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên lành thương áo trắng.
Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.

(Thơ Mùa Giải Phóng – 1950)

Vũ Anh Khanh tên thật là Võ Văn Khanh, có người nói ông tên thật là Nguyễn Năm, sinh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết chuyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm những chuyện dài như “Nửa Bồ Xương Khô”,”Bạc Xíu Lìn”, “Cây Ná Trắc” và các truyện ngắn như “Ngũ Tử Tư”, “Đầm Ô Rô”, “Sông Máu”, “Bên Kia Sông”, “Một Đêm Trăng”.Ngoài ra, ông cũng còn sáng tác thơ, nổi bật nhất là các bài “Chiến Sĩ Hành” và bài “Tha La Xóm Đạo”. Các tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị, tiêu biểu cho dòng văn chương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Miền Nam. Tuy vậy, hầu như nhiều người chỉ nhớ đến Vũ Anh Khanh qua bài thơ “Tha La Xom Đạo” hay “Hận Tha La”.

Trước năm 1945, ông vào Sài-Gòn làm báo và viết văn. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, ông cùng hoạt động với Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà...trong nhóm Văn Học Yêu Nước ở Sài-Gòn. Năm 1950, ông bị chính quyền Sài-Gòn lùng bắt, ông trốn thoát ra chiến khu.

Ngày 20-7-1954 Hiệp Định Genève được ký kết, chia cắt nước Việt Nam làm hai, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Khoảng một triệu người dân Miền Bắc ồ ạt di cư vào Miền Nam, đổi lại các cán bộ, binh sĩ của cộng sản ở Miền Nam tập kết ra Bắc, trong số nầy có Vũ Anh Khanh. Ông ra Bắc rồi được cử đi dự Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu ở Tân Đề Ly, Ấn Độ. Vũ Anh Khanh có mặt trong phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với nhà văn Miền Bắc Nguyễn Công Hoan (tác giả Bước Đường Cùng, Đống Rác Cũ...).Sau khi dự Hội Nghị về,Vũ Anh Khanh được cử đi công tác ở Vĩnh Yên, một tỉnh nằm về phía Bắc của Hà Nội và nhà thơ đã sửa Lệnh Công Tác từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh, một địa danh gần Sông Bến Hải vì ông đã có ý định vượt tuyến về Miền Nam tìm Tự Do. Vũ Anh Khanh đã đến được Vĩnh Linh và thực hiện cuộc vượt tuyến bằng cách bơi qua sông Bến Hải nhưng ông bị công an gác ở sông Bến Hải phác giác, họ dùng nõ và tên tẩm thuốc độc bắn chết trước khi ông đến được bờ phía Nam của Việt Nam Cộng Hòa. Sở dĩ công an Bắc Việt gác ở sông Bến Hải dùng ná và tên độc vì Hiệp Định Genève cấm dùng súng ở Khu Phi Quân Sự. Vũ Anh Khanh mất tại Bến Hải năm 1956, lúc đó ông mới 30 tuổi. Xác của người bạc mệnh được vớt lên và bị vùi dập đâu đó trong Khu Phi Quân Sự mà không để lại vết tích, mồ mả gì cả!

Là một nhà văn, nhà thơ có tài lại có lòng yêu nước cao độ nhưng chính quyền Miền Bắc đã cố tình gạt bỏ tên ông trong văn học sử mà ngay cả chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam cũng đối xử tương tự với ông khi bỏ tên ông trong chương trình giáo dục phổ thông cùng cấm xuất bản và cấm lưu hành các sách của ông từ năm 1955-1975, họ xếp ông là văn, thi sĩ cộng sản! Cả hai chính quyền Nam Bắc đều đối xử bất công bằng với một nhà văn, nhà thơ tài hoa của nền văn học nước nhà!




VVM.28.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .