Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CHIẾC CHÌA VÔI NHIỀU ẨN SỐ





                     

C ách đây độ vài tháng, trong lúc tôi đang soạn mớ chìa vôi đã sưu tầm được, một bạn sinh viên trẻ tới thăm, tôi cầm chiếc chìa vôi vẫn còn dính những lớp vôi trắng ngà hỏi xem bạn trẻ đó có biết là cái gì không – người bạn trẻ lắc đầu chịu thua, không biết là cái gì và để làm gì. Tôi mới cắt nghĩa cho bạn ấy và cũng hơi ngỡ ngàng tự hỏi sao những cái thông thường thế mà một số bạn trẻ ngày nay cũng không biết.

Tôi biết đến chiếc chìa vôi từ hồi còn tấm bé  qua thói quen ăn trầu của mẹ và những câu đố hay câu chuyện mẹ tôi kể. Có lần mẹ tôi đố :

- Trong nhà có bà hay la liếm là cái gì ?

- Con không biết.

- Là cái chổi (rơm).

- Trong nhà có bà ăn cơm trắng ?

- Con không biết.

- Là cái bình vôi.

Mẹ  tôi vừa giải nghĩa vừa nhấc chiếc bình vôi cũ lên rồi cầm chiếc chìa vôi khều khều những cục vôi trắng sền sệt, quẹt vào lá trầu … Tôi được giải thích về "ông bình vôi", về cách tôi vôi và về chiếc chìa vôi với cái "cựa gà" nhọn hoắt để chọc lỗ giữa miếng trầu khi đã gói lá trầu lại và nhét cuống trầu vào lỗ đó.

Có  lần tôi ra dàn mướp bắt ong đen chơi bị nó chích cho sưng cánh tay, tôi nhăn nhó chay về kêu mẹ, mẹ tôi lấy chiếc chìa vôi quẹt lên vết chích, tài tình thay chỉ 15 phút sau tôi cảm thấy hết nhức, ngày hôm sau thì hết sưng. Mẹ tôi dặn : "Chớ dại chọc tổ ong, nhất là ong vò vẽ, nó chích chết người đấy !". Từ đó tôi biết sợ ong, đồng thời cũng biết dược tính của vôi qua kinh nghiệm dân gian ở miền quê.

Một lần khác mẹ tôi kể chuyện về 1 anh thợ  mộc kia rất vụng về mà lại hay bốc phét : anh chặt 1 cây xoan rồi dùng rìu đẽo, người ta hỏi anh làm gì, anh trả lời làm cái cột nhà, mấy hôm sau do anh đẽo quá tay, không đủ làm cột nhà, người ta hỏi làm gì, anh trả lời làm cái bắp cày. Mấy ngày sau anh vẫn đẽo mà mãi chẳng thành bắp cày, khúc xoan cứ nhỏ dần và ngắn dần, người ta hỏi anh làm gì, anh trả lời làm chày giã cua, rồi chày giã cua, chày giã tiêu cũng chẳng thấy – tháng sau chỉ còn một mảnh bằng chiếc que cời, người nhà lại hỏi, anh trả lời : "vót cái vồi chia" – là cái gì ? "Là cái chìa vôi, thế mà cũng không biết, dốt quá !". Kết cục anh làm chẳng nên chuyện lại còn lên mặt mắng người ta, và đó là bài học mà mẹ tôi dạy tôi thuở ấu thời. 

I. CHÌA VÔI NÓI CHUNG TRONG VĂN HÓA TRẦU CAU

(Mỗi khi nói tới trầu cau là phải hiểu có sự góp phần của chiếc chìa vôi)

Chìa vôi trong văn hóa trầu cau :

Trước hết, chìa vôi nằm trong bộ dụng cụ của văn hóa trầu cau gồm : cơi trầu, dao bổ cau, bình vôi, ống nhổ, hộp đựng thuốc xỉa, cối và chày giã trầu (miền Nam gọi là ống ngoáy trầu), và dĩ nhiên không thế thiếu được chiếc chìa vôi luôn luôn cắm trong bình vôi, chỉ nhấc ra khi lấy vôi quệt lên lá trầu.

Quả cau nhỏ nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

(Hồ Xuân Hương)

Chuyện trầu cau như chúng ta biết là câu chuyện dân gian có từ thời các vua Hùng dựng nước, tức là cách nay cũng trên 4000 năm. Chuyện kể rằng có 2 anh em nhà kia giống nhau như 2 giọt nước (có lẽ sinh đôi), cả 2 cùng học một thầy giáo, cùng rất ngoan, rất hiền, rất chịu thương chịu khó, rất hiếu thảo, rất giỏi giang và cũng vạm vỡ khỏe mạnh. Nhà thày giáo có cô con gái rất hiền, rất xinh, rất đảm đang nữa. Hai anh em cùng yêu cô gái con của thày, cô gái cũng thầm yêu lại. Cuối cùng thì thày bằng lòng gả con gái cho người anh, nhưng khổ nỗi không phân biệt ai anh ai em. Cô gái bèn nghĩ ra một phép thử, cô dọn mâm cơm cho bố và 2 anh em, nhưng lại cố ý quên 1 đôi đũa. Thế rồi cô núp trong buồng quan sát thấy người so đũa đặt đôi thứ nhất trên bát của cha, đôi thứ hai trên bát người kia (tức là người anh), còn mình thì loay hoay xới cơm. Ông bố bèn mắng yêu con gái "đoảng" dọn cơm thiếu 1 đôi đũa, bấy giờ cô mới bẽn lẽn đem ra và nhận diện rõ điểm khác biệt (rất nhỏ) giữa 2 anh em, người cha cũng tinh ý nhận ra điều đó. Thế rồi đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng và nghiêm túc.

Về  nhà chồng, cô gái một mặt lo chăm sóc khói hương bàn thờ ông bà, bố mẹ chồng (vì cả  hai đã khuất), một mặt hết dạ lo cho chồng và  lo cho em chồng, nhưng chú em tỏ ra buồn bã  ít nói, rồi một hôm trốn khỏi nhà chẳng biết đi đâu. Hai vợ chồng đi tìm khắp làng, sang cả các làng bên hỏi han, thăm dò mà chẳng thấy. cả tháng sau không thấy em về, người anh sốt ruột bàn với vợ sắm sửa lương khô, nhất định ra đi tìm em, đi mãi đi mãi tới bờ sông lớn, thấy 1 tảng đá to, anh dừng chân ở đó rồi cứ luẩn quẩn mãi không qua sông được, mệt quá anh ngồi tựa tảng đá mà chết. Một thời gian sau, một cây cau mọc lên cạnh hòn đá, cau có hoa thơm, quả xanh kết thành buồng. Qua năm không có tin tức gì về em và chồng, người vợ lại cất bước đi tìm, cuối cùng cũng tới chân tảng đá và cây cau, rồi như có sức hút thiêng liêng, chị ta cứ luẩn quẩn ở đó, hết lương thực, mệt lả ngồi tựa lưng vào tảng đá dưới bóng mát của cây cau mà chết, trời cho mọc lên 1 dây trầu bò quanh hòn đá leo tít lên câu cau. Sau này người ta khám phá ra hòn đá chính là hóa thân người em, cây cau là người anh và dây trầu là người vợ và là chị dâu, cả 3 cùng sống trong một gia đình – và mọi người truyền tụng đời này tới đời kia câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng keo sơn, anh em thắm thiết. Khi vua Hùng Vương thứ 18 ngự thuyền rồng qua đó thấy cảnh đẹp bên bờ sông bèn truyền dừng lại nghỉ ngơi, thần dân ra bái lạy và kể sự tích, nhà vua ngẫm nghĩ chắc phải có điều gì linh thiêng lắm mới truyền bổ cau nhai với trầu cay rồi nhổ trên hòn đá (dưới sức nóng mặt trời đã phần nào hóa vôi), và lạ thay thấy nước quết trầu đỏ như máu. Nhà vua truyền lấy đá nung vôi, quệt vào lá trầu nhai chung với cau vừa thơm miệng, chắc răng vừa học lấy bài học về tình vợ chồng chung thủy, nghĩa anh em đậm đà.

Có  lẽ nhờ ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện nên tục ăn trầu phổ biến rất rộng rãi và tồn tại tới nay. Những miền ăn trầu : Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Philippine, Malaixia, Indonesia, Singapore, Tích Lan …

Trầu cau trong văn hóa ứng xử :

Tục ăn trầu phổ biến và thấm sâu vào đời sống dân chúng đến nỗi quả cau, lá trầu trở thành vật trung gian trong văn hóa ứng xử của đời sống xã hội :

"Miếng trầu là đầu câu chuyện"

(tục ngữ)

Mở đầu câu chuyện bằng những miếng trầu trao qua gởi lại là chuyện thông thường. Miếng trầu còn là trung gian nối kết và thăm dò :

"Tiện đây têm một miếng trầu
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng"

(ca dao)

Miếng trầu miếng cau còn biểu trưng cho mức độ tình cảm của người đối với người :

"Yêu nhau cau bảy bổ ba
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười"

(ca dao)

Trong lãnh vực tình yêu thì trầu cau là cầu nối trái tim với trái tim :

"Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn đi cho đỏ môi mình môi ta"

(ca dao) Ngỏ lời cầu hôn chẳng cần mai mối :

"Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em bắt  được thì cho anh xin
Hay là  em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Muốn nhờ  cô ấy lại khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng, anh giúp của cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em chiếc chiếu em nằm
Chiếc chăn em đắp, đôi trầm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau"

(ca dao)

Từ xửa từ xưa, trong lòng dân tộc Việt Nam (và có thể ở cả các dân tộc có tục ăn trầu nữa), việc hôn nhân cưới hỏi không thể thiếu trầu cau, cho dù ngày nay hầu hết cư dân đô thị đã bỏ tục ăn trầu, nhưng trong sính lễ vẫn phải có cơi trầu buồng cau.

Trong lãnh vực tâm linh, trầu cau là một trong những lễ vật nói lên lòng hiếu thảo, không mâm cỗ cúng nào mà lại thiếu trầu cau.

Chiếc chìa vôi luôn có mặt và góp phần nhỏ bé  nhưng cần thiết trong những nét văn hóa này.

Văn hóa trầu cau trong tương quan với nghệ thuật :

Têm trầu là cả một nghệ thuật mà chị em phụ nữ phải dày công học hỏi, cũng là một miếng trầu mời khách, nhưng có người được khen là khéo tay (cũng là gián tiếp khen được giáo dục tốt), có người bị chê là vụng về. Sở dĩ có chuyện đó là do trình độ nghệ thuật được thể hiện qua miếng trầu mời khách. Có khi miếng trầu còn là dấu hiệu để nhận diện nhân vật.

Trong câu chuyện dân gian Tấm Cám, cô Tấm sau khi được tuyển vào cung sánh duyên cùng hoàng tử, cô luôn tỏ ra là một người vợ hiền lành, xinh đẹp và đảm đang, hàng ngày cô chăm sóc chồng rất chu đáo, cô têm trầu cánh phượng cho chồng ăn. Về sau chỉ vì bản tính thật thà, cả tin và quảng đại, cô bị em Cám ám hại, phi tang … Cô Tấm hóa thân vào quả thị, rơi xuống bị bà lão ăn mày, ngày ngày âm thầm lo cơm ngon canh ngọt cho bà. Bà lão đã rình khi cô Tấm trong buồng xuống bếp nấu cơm, bà vào xét nát vỏ quả thị, thế là Tấm phải lộ chân tướng và trở thành con gái nuôi của bà. Một hôm hoàng tử đi qua, ghé nhà bà nghỉ chân, bà đem trầu cô Tấm têm ra mời – vừa nhìn miếng trầu, hoàng tử đã giật mình kêu lên "Trầu cánh phượng ! Tấm ở đâu ?", thế là cô Tấm lại được tái đoàn tụ và bà lão ăn mày cũng được vinh hiển.

Trầu cánh phượng là trầu thế nào ? Đó là miếng trầu mà người têm khéo léo dùng dao thật mỏng, thật sắc, xếp 2 mép lá trầu lóc 1 đường từ dưới lên, 1 nhát ngắn nữa cheo chéo sâu vào phía dường gân dọc lá trầu, rồi sau khi đã quệt vôi, lá trầu được cuốn thật gọn, thật tròn và thật chặt, chừa 2 mép đã cắt ra rồi dùng ngạnh nhọn của chìa vôi đâm 1 lỗ nhỏ, gọn ngang giữa miếng trầu, lấy cuống trầu đã vạt xéo cắm sâu vô lỗ để giữ chặt phần đã gói, đồng thời cho bung 2 mép cắt ra, như 2 cánh phượng để trên đĩa, bên cạnh miếng cau bánh tẻ (không già quá hay non quá), đã tước vỏ cắt bớt phần cùi cứng nhiều xơ phía chúm cau, để lộ phần cùi non và hạt cau đỏ, cộng thêm 1 lát vỏ quạch (vỏ rễ cây chay rất chát). Khách được mời chỉ việc nhón lấy đưa vào miệng. Đó là trầu cánh phượng trông thật hấp dẫn (ngày nay trong quan họ Bắc Ninh, các liền chị cũng têm trầu cánh phượng mời các liền anh).

Phải lưu ý rằng trong nghệ thuật têm trầu cánh phượng, 2 dụng cụ rất cần thiết giúp cho đôi tay phụ nữ thao tác tốt, đó là con dao cau thật mỏng, thật sắc (tục ngữ đã ví : sắc như dao cau), và chiếc chìa vôi với ngạnh tròn và nhọn. Nếu dao mà không sắc thì không rọc được mép lá trầu làm "cánh phượng". Nếu chìa vôi không "xịn", ngạnh tù đầu, hay to quá thì khi đâm lỗ sẽ rộng, chỗ đâm bị nát, không có độ mút để giữ chặt cuống trầu, trầu lại được gói chặt sẽ dễ bung ra, thế là cánh phượng chả thấy, chỉ thấy "cánh dơi".

Văn hóa trầu cau trong văn chương :

Mở  cuốn "Văn chương bình dân" của linh mục Thanh Lãng hay bất cứ cuốn ca dao tục ngữ nào, chúng ta cũng thấy đầy dẫy những câu dạy đời có liên quan tới phong tục ăn trầu của nước ta, nhất là  trong vấn đề hôn nhân và gia đình, vấn đề nền tảng, then chốt của xã hội :

"Quả cau nhỏ nhỏ
Cái vỏ vân vân
Em chê chồng gần
Em lấy chồng xa
Lấy anh từ thuở mười ba
Đến nay mười tám thiếp đà năm con"

(ca dao)

Quả  cau là hiện thân của người chồng, lá trầu là  hiện thân của vợ, vôi là nghĩa, thuốc là duyên …

"Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
Trầu xanh, cau trắng cay nồng
Vôi phá với nghĩa, thuốc nồng với duyên"

(ca dao)

Miếng trầu còn là thứ "bùa yêu" :

"Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ quên cha

… Làm cho quên cửa quên nhà
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời"

(ca dao)

Trầu cau và vấn đề tâm sinh lý :

Lý  tính, dược tính của trầu, cau, thuốc đều có  thể làm cho say. Theo một kết quả phân tích khoa học : lá trầu có 85,4% nước, 3,1% protid, 0,8% chất béo, 6,1% đường, ngoài ra còn nhiều canxi, carotene, các vitamine, chất tannin, ester và tinh dầu, các chất này có tính sát khuẩn và làm say, gây nghiện. Trong quả cau có nhiều chất tannin, alcahoit, arecolin. Hạt cau làm tê liệt thần kinh giun sán, cũng làm cho say. Còn vôi thì có nước và canxi, cũng có tính sát khuẩn (vôi bột dùng phòng dịch) [tài liệu của Nguyễn Phúc, báo Thanh Niên 20/12/2009].

Ăn trầu nhất là lần đầu, ta có cảm giác say say, thế nhưng trong văn chương, đôi trai gái mời trầu nhau thì "say nhau" hơn say trầu :

"Anh say nhan sắc của nàng
Hay say vì miếng trầu vàng cau tươi"

Có  những cô gái "con nhà lành, nề nếp gia phong", được dạy kỹ, phải cảnh giác, rốt cuộc cũng không cưỡng nổi hấp lực của "miếng trầu" :

"Mẹ  em vẫn thường khuyên răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người"

(ca dao)

Cảnh giác kỹ thế mà rồi vẫn ăn, khác nào bà Evà xưa Chúa đã cấm đến gần cây "biết lành biết dữ", thế mà cũng mò tới hái trái xơi, để rồi sau đó "ăn năn thì chuyện đã rồi" :

"Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn rồi em biết lấy gì trả ơn"

(ca dao)

Dẫn nhau vào cuộc tình nồng thắm và cuộc hôn nhân tốt  đẹp là cách trả ơn sâu sắc nhất. Thường thì người con trai nói lời cầu hôn trước, nhất là ở thời xa xưa. Thế nhưng ngay thời ấy, nhờ miếng trầu, con gái đã bạo dạn tỏ tình :

"Trầu này thực của em têm
Trầu phú, trầu quý, trầu nên vợ chồng"

(ca dao)

Cô  gái mời trầu với cử chỉ trang trọng, lịch lãm nhưng không kém phần lãng mạn, quyến rũ, khiến chàng trai "không thể chạy đi đâu được" :

"Con gái mái tóc tàu dừa
Khéo lời chào hỏi, khéo đưa miếng trầu
Miệng cười tủm tỉm hoa ngâu
Đôi mắt lúng liếng, khăn đầu đung đưa …"

(ca dao)

Cuối cùng thế nào cũng đi vào cõi "riêng tư" khi tình đã thắm nồng :

"Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra mời chàng"

Cau với trầu như hai miếng ngói âm dương, thêm tí vôi (vữa) là gắn chặt chẳng rời :

"Vườn anh đất tốt trồng cau
Cho em trồng ghé bụi trầu ở bên"

(ca dao)

Có  những hoàn cảnh thật éo le, tưởng chừng bế  tắc thế mà cuối cùng cũng khai thông, đôi trai gái vẫn tìm về với nhau :

"Yêu nhau chẳng nói ban đầu
Để cho cha mẹ nhận trầu người ta

… Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Để anh mua biếu trăm cau nghìn vàng
Trăm cau thì để tặng nàng
Nghìn vàng thì để giải oan lời thề"

(ca dao)

Trầu cau trong tương quan với mỹ học và phong tục học :

Tục nhuộm răng đen để ăn trầu không biết các nước chung quanh có không, chứ nước ta thì từ rất lâu đời đã phổ biến, không chỉ phụ nữ nhuộm răng đen mà cả cánh đàn ông, cả vua chúa quan quyền cũng nhuộm răng đen, và hàm răng đen đã được thăng hoa lên hàng tiêu chí của cái đẹp (mỹ học).

Chỉ  từ khi người Pháp sang, văn minh Âu Mỹ tràn vào, tục nhuộm răng đen và ăn trầu mới lui dần, khởi đầu từ các đô thị rồi lan về nông thôn. Hiện nay dường như không còn ai nhuộm răng đen, chỉ còn sót lại một bộ phận rất nhỏ tới nay còn ăn trầu.

Về  kỹ thuật nhuộm răng đen thì những nhà nghiên cứu đã cho biết nó rất là phức tạp, đòi hỏi người nhuộm phải chịu cực khổ, có khi phải ăn đói nhịn khát cả tháng, ngay cả giấc ngủ cũng bị hạn chế. Nhiều cô gái để có 1 hàm răng "hạt huyền" hay "bóng như hạt na", đã phải sút đi mấy cân thịt, bù lại, cô rất tự tin, hãnh diện mỗi khi nở nụ cười "răng đen" và được chị em ca ngợi, các anh thì tấm tắc gật gù.

Răng đen được thăng hoa trở thành tiêu chí của cái  đẹp, răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp, "nâu nâu nhờ nhờ" là mặc cảm suốt đời, có khi lại phải đi vào mùa "chay tịnh" để nhuộm lại.

"Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen"

(ca dao)

Giới mày râu lại rất chuộng "người răng đen" mới khổ chứ !

"Mình về mình nhớ ta chăng ?
Ta về  ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen"

Trong thập điều dễ thương, có phần của "răng đen hạt huyền" :

"Một thương tóc để đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt hữu tình với ai"

Không phải chỉ đám bình dân chuộng vẻ đẹp răng đen, mà ngay cả vua chúa quan quyền cũng có đồng quan điểm.

Báo Thanh Niên số 5018 ngày 18/9/2009, trong bài tường thuật "Hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông 1679-1731", biên tập viên Ngọc Minh đã viết : "Được biết khi giở tấm khăn phủ mặt, các nhà khảo cổ hết sức ngỡ ngàng khi thấy da mặt của thi hài có màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Thi hài có teo nhưng chưa khô, tay chân, thân thể vẫn còn mềm mại, các khớp có thể cử động được. Môi của thi hài bị teo, để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc".

Răng đen là tiêu chí của cái đẹp thời xưa, ngày nay quan niệm của xã hội đã thay đổi, nhưng với những người hiểu biết thì vẫn thấy nó đẹp và rất đẹp nữa, vì nó đã góp phần dẫn đến biết bao cuộc hôn nhân tốt đẹp của bao thế hệ ông bà chúng ta xưa kia. Cái đó mới đẹp thật và đẹp vĩnh cửu. 

II. CHIẾC CHÌA VÔI TRONG NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN KHÁC

Nguồn gốc, hình thể và công dụng :

Chìa vôi có từ bao giờ ? Câu hỏi này không ai trả  lời chính xác được, chỉ biết rằng chìa vôi xuất hiện đồng thời với các dụng cụ phục vụ cho tập tục ăn trầu, các dụng cụ này chắc chắn phải có từ khi tập tục ăn trầu phổ biến. Ban đầu hẳn còn sơ sài, cơi trầu có khi là 1 miếng mo nang, bình vôi là 1 mảnh gáo dừa, còn chìa vôi có thể là 1 cái que bất kỳ nào đó, còn ngạnh đâm lỗ có thể là gai bưởi, gai găng … thế rồi dần dần cải tiến tới trình độ định hình ngày nay.

Hình thể chiếc chìa vôi như thế nào ? Chìa vôi giống 1 mái chèo nhỏ, chuôi tròn, đầu dẹt, khác 1 điểm là gần chỗ chuôi cầm có 1 ngạnh ngang, nhọn thon. Không có kích thước nào cố định vì chìa vôi tuy thuộc bình vôi, bình vôi to thì chìa vôi dài, bình vôi nhỏ thì chìa vôi ngắn, sao cho tương xứng hài hòa, đẹp mắt, tiện dụng. Thông thường chiều dài không quá 40cm, bản dẹt không quá 1cm, cũng không quá ngắn hơn 4cm.

Chìa vôi chỉ có 1 công năng duy nhất là khều vôi, quệt vào lá trầu (nhiều ít tùy gu đậm nhạt của mỗi người), tiếp theo là dùng ngạnh đâm 1 lỗ giữa lá trầu sau khi đã cuộn tròn để cắm cuống trầu vào. Xong công đoạn này chìa vôi lập tức được cắm lại bình vôi.

Chất liệu của chìa vôi (hay tương quan với công nghiệp nặng) :

Người ta có thể dùng chất nhôm, sắt, thép, bạc, thậm chí cả vàng để chế tác, nhưng tuyệt đại đa số chìa vôi được chế tác bằng đồng (đồng thau hay đồng đỏ), có khi kết hợp phần chuôi là bạc, phần tiếp xúc với vôi là đồng. Cho tới nay, chưa tìm thấy chìa vôi bằng antimoine (vì dòn và dễ bị vôi ăn mòn), bằng inox (chất liệu cứng bền nhưng mới có đây).

Chìa vôi trong tương quan với kỹ thuật :

Các phần của chìa vôi phải tương xứng với nhau, sao cho tiện dụng. Phần chuôi thường tròn, vừa tay cầm, ngạnh dài và to bao nhiêu, cách đầu chìa vôi bao nhiêu, độ nhọn ở mức nào để không nguy hiểm chọc vào tay cũng không làm nát lỗ nhét cuống trầu … tất cả những điều trên đều liên quan đến kỹ thuật chế tác.

Chìa vôi trong tương quan với mỹ thuật :

Ở phương diện này, chúng ta lưu ý tới những hoa văn trang trí chìa vôi, đặc biệt ở phần tay cầm có những đường nét khắc chạm tinh tế, vừa làm tăng vẻ đẹp, vẻ quý phái hay đẳng cấp của chiếc chìa vôi và người sử dụng, vừa mang tính kỹ thuật giúp tay cầm chắc hơn, không trơn tuột khi lấy và quệt vôi. Đôi khi còn trang trí cả hình những con vật quen thuộc như sóc, rắn, chuột, …

Chìa vôi trong tương quan với lịch sử :

Với một người thường thì chìa vôi nào cũng là chìa vôi, miễn là tiện dụng đều tốt cả, nhưng với những nhà khảo cổ thì có muôn vàn điều để nói. Chiếc chìa vôi trong tay họ là 1 hiện vật, đối tượng của khảo cổ học. Chuyên gia sẽ bóc tách từ màu sắc, tới ten sét, độ mòn qua sử dụng và độ mòn qua thời gian, qua những tác động khác : ngâm lâu dưới nước, dưới bùn, dưới biển hay dưới lòng đất, hiện tượng thủy hóa, địa hóa hay phong hóa … để rồi đi tới kết luận nó khoảng bao nhiêu tuổi, xuất hiện vào thời Đông Sơn hay Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn … thời đại đó, đất nước, dân tộc ta như thế nào ? Đúng là "bới bèo ra bọ".

Chìa vôi trong tương quan với địa lý và vùng, miền, dân tộc :

Nếu chịu khó sưu tầm và tìm hiểu xuất xứ, tầng văn hóa mà hiện vật được khai quật lên, ta sẽ dễ dàng đoán định về vùng miền địa lý mà nó được chế tác hay lưu hành, vì trong mẫu ước định chung về chiếc chìa vôi, vẫn có phần riêng nào đó : mỗi miền một kiểu, một cách trang trí, miền Bắc khác, miền Trung khác, miền Nam khác … Ví dụ chiếc chìa vôi có trang trí ở phần chuôi và thân hình con sóc và con rắn lại có xuất xứ từ miền Tây Nam bộ, thì chúng ta biết ngay chỉ có thể ở vùng đất sinh sống của dân tộc Khờ Me mà thôi.

Một chiếc chìa vôi khác bằng đồng dài 25cm, có trang trí  hoa văn phần tay cầm là cây trúc cách điệu, có  1 con chuột cách điệu bám vào cây trúc và cái ngạnh của chìa vôi chính là cái đuôi chuột, ten đồng đã ngả màu nâu đen, chìa vôi lại được mua tại chợ Lê Công Kiều, gần ranh giới Chợ Lớn. Tất cả những yếu tố trên giúp ta có thể xác định chìa vôi này của những người Hoa ở Chợ Lớn, kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, có thể đã được làm tại Trung Quốc. Những người Hoa gốc Minh Hương chạy trốn nhà Thanh đã đem theo để dùng.

Chìa vôi trong tương quan kinh tế xã hội :

Chìa vôi có thể cho những nhà nghiên cứu giải  đáp về đời sống kinh tế, xã hội :

Một chìa vôi chuôi vàng, thân bạc, chắc chắn không phải vật dụng hàng ngày của bà bán vịt lộn hay của ông nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, mà đó phải nằm ở trên sập của một mệnh phụ phu nhân nào đó : bà Hội đồng, ông quan Huyện, bà Chánh tổng, thậm chí cả hoàng thân quốc thích, bà hoàng, công chúa nào đó cũng nên.

Một chìa vôi bằng đồng chuôi bạc, hoa văn tỷ mỉ, chắc phải được chế tác ở một thời bình, đời sống kinh tế khá cao – ngược lại chiếc chìa vôi bằng nhôm, chế tác thô sơ, cẩu thả, thì có phần chắc thời điểm đó có chiến tranh loạn lạc, đời sống xã hội bất ổn, kinh tế eo hẹp (thời chiến tranh 1945-1975 chẳng hạn).

Chìa vôi trong tương quan đời sống nông nghiệp :

Đất nước ta thuộc vùng văn minh lúa nước : "canh nông vi bản", với nghề nông thời xửa thời xưa thì con trâu đi trước, cái cày theo sau. Cày là công cụ rất quan trọng, giàu nghèo gì cũng phải có. Ấy thế mà trong các loại này, có loại mang chết một tên : "cày chìa vôi".

Rõ  ràng chìa vôi có trước, rồi nhà nông dựa theo hình dáng nó mà chế ra cái cày để làm ruộng. Cũng giống như máy bay trực thăng, người bình dân gọi là máy bay "chuồn chuồn" vì bắt nguồn gợi ý từ hình dáng con chuồn chuồn trong thiên nhiên. Chiếc cày chìa vôi cũng gồm 3 phần : tay cầm tròn, nhỏ vừa tay nắm, phần thân hơi to, mút chót có lưỡi cày thường bằng gang để xới đất, cách tay cầm chừng 50cm, có 1 cái ngạnh có chốt ở đầu để giữ chặt bắp cày trong tư thế thích hợp với độ nông sâu của xá cày – hình thức giống chiếc chìa vôi.

Chìa vôi trong tương quan với thế giới sinh vật hoang dã :

Điều thú vị nhất là chiếc chìa vôi được các nhà sinh vật học dùng đặt tên cho 1 loài chim nhỏ hơn chim chích chòe, nhưng đuôi dài hơn với đặc điểm nửa chót của đuôi trắng như vôi. Trông đuôi chim xòe ra, liên tục bật lên bật xuống, lắc qua lắc lại, chẳng khác nào chiếc chìa vôi đã dùng còn bám đầy vôi trắng – chim chìa vôi là tên của loài này.

Như  vậy thì chìa vôi có mặt trên đời lâu lắm rồi, loài chim này đã có mặt trên trái đất từ thời hồng hoang, khi được các nhà sinh vật phát hiện ra chưa có tên gọi trong danh mục loài lông vũ, họ bèn lấy tên chìa vôi mà đặt cho. Loài chim này có nhiều ở miền Bắc thời xưa, chúng thường đi theo những rãnh cày để kiếm côn trùng. Ngày nay gần như tuyệt chủng do cây xanh bị phá hủy và do không có chính sách bảo vệ hữu hiệu, nông dân túng đói, mạnh ai nấy vồ vặt lông đem nướng, chim chìa vôi hết, cày chìa vôi nay cũng chẳng còn, tuyệt đại đa số lại bị chẻ làm củi, kiếm được 1 cái bây giờ cũng đỏ mắt ra. Bản thân chìa vôi ngày nay cũng "tuyệt chủng", tàn lụi với tục ăn trầu, còn được cái nào thì phải xếp vào hàng cổ vật quý hiếm vậy. 

Tân Sa Châu, ngày 14 tháng 02 năm 2011



VVM.28.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .