Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

THƠM THƠM QUA DÒNG LỊCH SỬ





                     

I. LỊCH SỬ  

Hiện nay chưa ai xác định được hương liệu xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng thời điểm đó xưa và rất xưa. Hai ba nghìn năm trước Công nguyên, người cổ Ai Cập, Summe, Babylon đã biết dùng hương liệu, có lẽ trước tiên là để tế lễ thần linh trong các đền thờ, tiếp theo là dùng trong việc ướp xác rồi mới tới những sinh hoạt của đời sống thường ngày. Như thế chúng ta thấy hương liệu có 3 chức năng : dùng làm tế phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. 

1. Dùng làm mỹ phẩm : 

Chúng ta không biết tổ tiên chúng ta đã sử dụng mỹ phẩm từ bao giờ, nhưng chắc chắn là từ khi có loài người thì mùi thơm đã là đối tượng của khứu giác. Nơi loài vật, chúng không biết thưởng thức mùi hương của hoa, nhưng mùi thực phẩm, mùi của "mình" và mùi của "đồng bạn" thì không thể lầm được. Con chó và nhiều con khác như cầy hương, hươu xạ luôn ghi "cột mốc" lãnh địa của chúng bằng cách "tè" lên các gốc cây. Còn mùi "động đực" thì khỏi nói rồi "Phú quý sơn lâm hữu khách tầm". Loài người ngoài bản năng có gốc "sinh vật" đó còn có khả năng thăng hoa cuộc sống, biết thưởng thức hoa thơm cỏ lạ. Nhu cầu làm đẹp của "bà tổ và các cô, các dì, các mợ, các thím tổ" chúng ta luôn gắn liền với mùi hương tự nhiên, chưa có công nghệ chế biến nước hoa, mỹ phẩm thì các bà, các cô đã lấy bồ kết gội đầu, lấy bông chanh, bông bưởi, bông lài cài tóc. Mấy đứa con nít thì hái trái thị bỏ túi, con trai thì đem ra ngửi vài ba lần là "lẻm" sạch, nhai cả hột nữa ; còn con gái thì ký củm giữ cả tuần tới khi vò bóp, mần mò nhũn ra rồi mới ăn. Ngày nay thì kỹ nghệ mỹ phẩm tràn lan cả thế giới, có thể nói không một chỗ nào là vắng bóng mỹ phẩm. Đây cũng là một ngành công nghệ hái ra tiền, với quy trình chế biến tinh vi chủ yếu từ nguyên liệu là các loài hoa, các loại xạ và đặc biệt là trầm hương. 

2. Dùng làm dược phẩm :  

Trầm hương là dược liệu quý. Từ rất xa xưa hơn 2000 năm trước đây, Đông Tây đều khám phá ra dược tính nơi trầm hương.

Theo Đông y, trầm hương có vị cay, tính ôn ứng với với 3 kinh : tỳ, vị và thận. Chữa các bệnh đau bụng, đau ngực, nôn mửa, hen suyễn, lợi tiểu, giảm đau, hạ sốt, khó thở, thổ huyết, cấm khẩu và yếu sinh lý. Theo Lê Trần Đức trong cuốn "Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông" (1971), thì từ thế kỷ II trước Công nguyên, nhân dân ta đã dùng trầm hương để phòng bệnh và chữa bệnh. Vào thế kỷ 14, trong "Nam dược thần hiệu", Tuệ Tĩnh đã viết về trầm hương : "Vị cay, khí rất thơm, tính ấm, thông quản, trị phong, trúng độc, trừ tà, ấm dạ dày, bổ nguyên dương, tiêu hóa". Trong "Lĩnh nam bản thảo" (quyển thượng + hạ) thuộc bộ sách "Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh" của Hải Thượng Lãn Ông, cũng như cuốn "Tủ thuốc nhân dân" (1953-1954) của Võ Văn Hưng ; "Việt Nam dược vật thực dụng (1975) của Đỗ Phong Thuần ; "Đông y gia truyền" (1957) của Lê Văn Khuyên ; "Dược liệu Việt Nam" (1978) ; "Y học cổ truyền dân tộc" (Tập 2) của trường Đại học Y Dược Hà Nội ; "Hiểu biết cơ bản về phương dược theo y học cổ truyền" (1983) của Nguyễn Trung Hòa ; "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" (tái bản 2004) của Đỗ Tất Lợi và nhiều tài liệu khác về dược liệu đông y, đều cho trầm hương là dược liệu quý, sử dụng trong hàng trăm bài thuốc y học cổ truyền chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Theo tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương), có tác dụng chữa một số bệnh như về tim mạch, bệnh hô hấp, bệnh về thần kinh (an thần, mất ngủ, giảm đau, trầm tĩnh …), bệnh về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), bệnh về tiết niệu (bí tiểu), đặc biệt có thể dùng trầm hương để trị bệnh ung thư tuyến giáp.

Sau cùng, hương liệu cũng được dùng trong kỹ thuật ướp xác rất kỳ bí của người Ai Cập : xác ướp các Pharaôn cách đây ba, bốn nghìn năm vẫn nguyên vẹn. 

3. Dùng làm tế phẩm : (trong lãnh vực tâm linh, thờ cúng, tôn giáo) 

Chúng ta biết đến hương liệu được chế biến trước hết và xưa nhất có lẽ trong lãnh vực tâm linh, thờ cúng. Từ cổ chí kim không một đền đài, đình chùa, miếu mạo nào lại thiếu hương liệu dưới những dạng thức khác nhau : Nhũ hương (hương bột) bỏ vào lò than cho bốc khói và mùi thơm hoặc cho vào bình đồng để xông di động (chứng tích hiện còn khá nhiều tại Việt Nam thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Óc Eo, Phù Nam … là những bàn và chày nghiền hương liệu bằng đá có niên đại cách nay trên 3000 năm thuộc thời đại đồ đá mới) [xem hình] ; Trầm dạng mảnh (trầm, kỳ nam tự nhiên đã "xỉa" ra hoặc chẻ nhỏ đốt trong những lư hay đỉnh trầm) ; Trầm dạng cục (đốt trong lư hay đỉnh) ; Nhang (nhiều hình thức như nhang vòng, nhang que …) đốt trực tiếp, nhang vòng thì treo hoặc máng vào một giá đỡ, nhang que thì đốt và cắm vào bát nhang, lư hương.

Bằng chứng về hương liệu trong việc thờ cúng thần minh rõ ràng trên các văn bản nơi các tôn giáo lớn như thần thoại Hy Lạp và La Mã, các tôn giáo cổ ở Ai Cập, ở Babylon, (các trung tâm văn hóa lớn thuộc cổ đại), Ấn giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo … chúng ta chưa có nguồn tư liệu, nhưng với Do Thái giáo, bộ Thánh Kinh là bản văn cổ nhất, được nghiên cứu nhiều nhất (trên thế giới có những Viện rất đồ sộ và thời danh chỉ nghiên cứu bộ Kinh Thánh mà thôi : Viện Thánh Kinh Giêrusalem, Viện Thánh Kinh London, Viện Thánh Kinh Vaticanô, Viện Thánh Kinh Pháp, Đức … cấp phát văn bằng đến tiến sỹ Thánh Kinh, nghiên cứu sinh ngoài tiếng mẹ đẻ, còn phải thông thạo ít là 2 sinh ngữ và các tếng La Tinh, Do Thái và Hy Lạp). Uy tín của Thánh Kinh thật lớn lao qua việc đọc : hàng tỷ người đọc mỗi ngày ; Qua việc phiên dịch hơn 2000 thứ tiếng trên thế giới và tổng số phát hành (toàn bộ và từng phần) cho tới nay đạt kỷ lục khoảng gần 36 tỷ bản (Q.Hương, theo The Age).

Thánh Kinh là văn bản (từ khi có ký tự Do Thái) ghi lại truyền thống hay ký ức tôn giáo lâu đời, cha truyền con nối của dân tộc Do Thái trong tương quan với Thiên Chúa chí tôn duy nhất mà họ tôn thờ. Họ luôn coi Kinh Thánh chính là lời Thiên Chúa dạy dỗ họ. Văn bản xưa nhất của phần đầu bộ Kinh này được phát hiện vào năm 622 trước công nguyên (cách nay 2622 năm), trong một lần tu sửa đền thờ do vua Giosigia chủ trì sau 100 năm vương quốc phía bắc Israel bị tàn phá. Hiện nay cuốn sách này là một phần trong sách Đệ Nhị Luật, chương 5-26 và chương 28.

[Một chút so sánh để dễ nhận định : Việt Nam chúng ta vẫn hãnh diện về 4000 năm văn hiến, nhưng văn bản lịch sử đầu tiên của chúng ta cho tới nay chưa tìm thấy bản nào cổ hơn bản Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu đời Trần (thế kỷ 13-14), mà bản văn này hiện nay cũng không còn thấy ở đâu, chỉ nghe nhắc tới tên sách và tác giả, chứng cớ duy nhất còn lại cũng chỉ là bài tựa được sử gia Ngô Sỹ Liên (đời Lê) chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản văn này là cuốn sử Việt Nam xưa nhất còn lại), như thế ngay cả những biến cố lịch sử xảy ra vào đời Trần, đời Lý, tiền Lê, Đinh, Ngô, lên tới Bà Triệu bà Trưng, lên tới An Dương Vương và các vua Hùng … đều nằm trong truyền thống, tức là ký ức của dân tộc cả].

Trở lại vấn đề hương liệu được dùng như tế phẩm thì Kinh Thánh nhắc tới rất nhiều : lần đầu tiên, hương liệu được nhắc đến vào khoảng thế kỷ 18 trước công nguyên. Câu chuyện được kể trong sách Sáng Thế như sau :

a.Ông Giuse, cháu nội của Isaác, chắt nội của tổ phụ Abraham, vì hay kể về những giấc mơ mình được vinh hiển hơn các anh nên bị các anh ghét, họ bàn mưu thủ tiêu Giuse. Nghe thấy thế, Rưuvên tìm cách cứu em khỏi tay họ ; cậu nói : "Ta đừng đụng tới mạng sống nó". Rưuvên bảo họ : "Đừng đổ máu ! Cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó". Cậu có ý cứu em khỏi tay họ và đưa về cho cha. Vậy khi Giuse đến chỗ các anh, thì họ lột áo chùng của cậu, chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc. Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng, giếng đó cạn, không có nước. Rồi họ ngồi xuống dùng bữa. Ngước mắt lên, họ thấy một đoàn người Ítmaên đang từ Galaát tới. Lạc đà của những người này chở nhựa thơm, nhũ hương mộc dược để đưa xuống Ai Cập. Giuđa nói với các anh em : "Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì ? Thôi, ta hãy bán nó cho người Ítmaên, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta". Các anh em nghe cậu. Khi những lái buôn đi qua đó, họ kéo Giuse lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người Ítmaên hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giuse sang Ai Cập …

Những lái buôn lại đem bán cậu cho ông Pôtipha là thái giám của Pharaô và là chỉ huy thị vệ" (St 37,21-36).

Ngay từ thời thượng cổ đã hình thành con đường hương liệu trước cả đường tơ lụa hơn 1500 năm. Các thành phố hoang mạc vùng Negev, là tên một nhóm các thành phố trong vùng hoang mạc ở miền nam Israel, nơi xưa kia là đường buôn bán hương liệu từ bán đảo Ả Rập tới vùng Địa Trung Hải. Khu vực này được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2005.

b.Sách Xuất Hành thời thủ lãnh Môsê thế kỷ 13 trước công nguyên, đã nhắc tới lư hương như một món đồ thờ trước nhan Thiên Chúa trong Lều Tạm. Chúa truyền cho Môsê : "Ngươi hãy làm những cái nồi đựng tro, lễ vật ; làm xẻng, bình, xiên và lư hương . Các đồ vật ấy ngươi sẽ làm bằng đồng" (Xh 27,3).

Hương án (Xh 30,1-10) : "Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương ; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo. Hương án đó sẽ dài nửa thước, rộng nửa thước - nghĩa là hình vuông - và cao một thước ; các góc hình sừng làm thành một khối với hương án. Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc hương án : mặt trên, bốn mặt chung quanh và các góc hình sừng. Chung quanh hương án, ngươi sẽ làm một đường viền bằng vàng. Ngươi sẽ làm hai vòng bằng vàng, phía dưới đường viền, ở hai bên sườn. Ngươi sẽ làm hai vòng đó ở hai bên, để xỏ đòn khiêng hương án. Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. Ngươi sẽ đặt hương án đó trước bức trướng che Hòm Bia Chứng Ước, trước nắp xá tội nằm ở trên Chứng Ước là nơi Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Trên đó, Aharon sẽ đốt hương thơm : sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc Aharon thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm, đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan ĐỨC CHÚA qua mọi thế hệ của các ngươi. Trên hương án đó, các ngươi sẽ không dâng các thứ hương thường, hay lễ toàn thiêu, hoặc lễ phẩm ; các ngươi cũng không tưới rượu tế trên đó. Mỗi năm một lần, Aharon sẽ cử hành lễ xá tội trên các góc hương án đó. Qua mọi thế hệ, các ngươi sẽ lấy máu con vật dùng trong lễ tạ tội, dâng vào ngày xá tội mỗi năm một lần, mà cử hành lễ xá tội, trên các góc hương án. Đó sẽ là vật rất thánh dâng ĐỨC CHÚA".

c.Hương liệu được dùng hàng ngày tại đền thờ Do Thái từ đời nọ đến đời kia. Tới thời Chúa Giêsu giáng sinh, sách Tin Mừng theo thánh Máthêu kể : "Ba nhà đạo sỹ phương Đông vào trong hang đá, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến" (Mt 2,11).

d.Gần cuối đời Chúa Giêsu, Ngài được xức dầu thơm tại Bêtania : "Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu ; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ? Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói : Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu" (Ga 12,1-8).

e.Cuối đời, sau khi hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá, họ tẩn liệm và mai táng Chúa theo thói quen người Do Thái thường làm : "Sau đó, ông Giôxếp, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái (cho bậc sang trọng). Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai, nên họ an táng Người ở đó" (Ga 19,38-41).

f.Cùng thời với Đức Giêsu, ở La Mã và Hy Lạp, cả vùng Tiểu Á và Trung Đông, hương liệu là tế vật không thể nào thiếu được trong việc tế lễ thần minh. Người La Mã đã lấy việc bỏ hương vào lư tế thần như một dấu chỉ, hay bằng chứng chối đạo Kitô để thờ thần La Mã. Tuyệt đại đa số người tín hữu Công giáo đã không chấp hành và họ đã bị chém đầu hay bị vứt vào chuồng cọp, sư tử cho chúng ăn thịt (hý trường Colosseum còn tới ngày nay và đã được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới). 

II. NGUỒN GỐC  

1. Ngoài chất xạ của các loài động vật như cầy hương và hươu xạ đực (có nhiều ở Trung Quốc, nay gần tuyệt chủng, thế giới phải bảo vệ ngặt). Xạ là dạng "cặn" cô đọng lại trong túi xạ ở dưới da quy đầu của con cầy hương và hươu xạ. Số lượng rất ít nhưng mùi thơm rất gắt và rất lâu, dùng để định mùi các loại dầu thơm, giá cực đắt : 150.000 EU/kg (chương trình SCTV12 ngày 8/4/2010).

2. Một số miền trên thế giới được tạo hóa ưu đãi ban cho trầm hương dồi dào như miền Trung Đông, Trung Quốc và cả vùng Đông Nam Á, trong đó miền trung Việt Nam, từ Quảng Bình tới Phan Thiết là nơi có trầm hương tốt vào bậc nhất thế giới. Con đường hương liệu sau này được sát nhập vào con đường tơ lụa (khoảng thế kỷ 3 trước công nguyên), bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu (Trung Quốc), qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải đến tận Âu châu. Con đường cũng còn đi đến cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Lâm Ấp (Champa) và vùng Nam Đảo … chiều dài của con đường tới gần 10.000km.

Sở dĩ nước Champa trù phú, tích lũy được nhiều vàng và đồng (ở Việt Nam rất hiếm mỏ đồng, trữ lượng rất ít, và xứ Champa tuy có mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam, nhưng hàm lượng rất thấp, chỉ có 3,85 gr/tấn quặng, kỹ thuật khai thác thủ công nên cũng không được bao nhiêu), là do họ đã giao thương với các nước từ rất sớm và hàng hóa chủ lực mà họ đem trao đổi là trầm hương và kỳ nam, quý vật mà các nước rất thèm. Kỳ nam và trầm hương lại có rất dồi dào ở miền trung nước ta, nơi có thổ nhưỡng hợp với giống cây dó bầu, là loại cây sản xuất ra chúng.

Cây dó bầu có tên khoa học là Aquilaria. Theo thống kê của ngành thực vật học, thế giới có 25 loại dó, nhưng chỉ 15 loại có khả năng cho trầm hương. Ở Việt Nam, theo các nhà phân loại thực vật (Phạm Hoàng Hộ, Vũ Văn Cầu, Lê Mộng Châu, Vũ Văn Dũng, Đinh Nghĩa Thìn …) thì chỉ có loại dó Aquilaria thuộc trầm hương Thymelaceae mới có khả năng cho trầm.

Theo tiến sỹ Võ Văn Chi và KS Nguyễn Hiền, dó có 4 loại : Dó bầu, dó me, dó niệt, dó lưỡi trâu. Theo giáo sư Gishi Honda (Đại học Tokyo - Nhật Bản), loại dó bầu Việt Nam cho trầm hương tốt nhất thế giới. Điều này đã được Lê Quý Đôn (1726-1784) viết trong Phú Biên Tập Lục : "Kỳ nam hương xuất từ các xã thuộc phủ Bình Nhang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là tốt nhất, xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai".

Theo Nguyễn Phước Tương trong bài viết về nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn thì : "Hình như trên thế giới chỉ có trầm hương Đàng Trong ở xứ Quảng là nổi tiếng hơn cả. Vì vậy mà ngày xưa dưới thời chúa Nguyễn, các quốc gia theo đạo Phật, đạo Hồi ở vùng Đông Nam Á rất ưa chuộng trầm hương ở xứ Quảng".

Quá trình sản xuất trầm hương như sau : trong thời gian sinh trưởng, do tác động nào đó gây ra những "tổn thương, nhiễm bệnh" cho cây dó, nó phản ứng lại bằng cách lâu ngày tích tụ một chất nhựa dạng dầu, rồi lan dần ra làm biến đổi các phân tử gỗ tạo nên nhiều mầu sắc (đen, nâu, chàm, xám), nhiều tính chất (cứng, mềm, dẻo, dòn), nhiều mùi vị (đắng, cay, chua, ngọt, thơm gắt), nhiều hình dạng (tròn, xoắn, nhọn, dài), ở nhiều vị trí (thân, cành, gốc, rễ), đó chính là trầm hương có tên giao dịch thương mại quốc tế là Agarwood hay Eaglewood.

Điểm nổi bật là trầm hương tỏa mùi thơm ngay khi chưa đốt và nhất là khi đốt. Có loại hàm lượng dầu 25% - loại cao cấp có hàm lượng dầu từ 60-80%. Chính hàm lượng dầu phân loại giá trị trầm hương.

Hạng nhất là kỳ nam. Kỳ nam chia làm 4 loại :

Bạch kỳ (đắt nhất)

Thanh kỳ (thấp hơn)

Huỳnh kỳ (thấp hơn)

Hắc kỳ (thấp hơn 1 bậc)

Hạng hai là trầm, gồm 6 loại.

Hạng ba là tốc, có 4 nhóm. 

III. THỊ TRƯỜNG  

Riêng thị trường hương liệu hiện này, giá 1 lít tinh dầu nhân tạo là 80-120 triệu đồng, để chưng cất được 1 lít tinh dầu phải tốn 5000 kg gỗ cây dó đã tới tuổi cho trầm. Lượng cung không đủ cầu nên càng ngày giá càng cao :

1 kg kỳ nam giá từ 15.000 - 50.000 USD

1 kg trầm hương loại 1 từ 8.000 - 12.000 USD

Các loại khác cũng tăng giá từ 10 - 15 lần so với thập niên 80 thế kỷ 20.

Tinh dầu trầm hương hiện nay (tùy loại và xuất xứ) có nước chào bán 1 lít từ 5.000 - 80.000 USD. Thị trường tiêu thụ mạnh trầm hương và sản phẩm của trầm hương hiện nay là các nước Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore (70% tái xuất), tiếp theo là các nước Ả Rập, Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực Hồi giáo, Phật giáo, các ngành hương liệu mỹ phẩm, đông y, dược phẩm, … 

IV. VẬT DỤNG ĐI KÈM VỚI TRẦM HƯƠNG DÙNG TRONG VIỆC TẾ LỄ

Trong việc tế lễ tại tư gia hay tại những nơi công cộng (Nhà thờ, đình chùa, đền, đài, miếu mạo …) nếu không thể thiếu hương nhang thì cũng không thể thiếu vật dụng đi kèm, đó là đồ chứa đựng khi đốt lên, những vật dụng này được kể vào đồ thờ cúng và thường được đặt trên bàn thờ.

1.Về hình thức và tên gọi có :

a.Đỉnh trầm hình khối tròn, vuông hay chữ nhật, đế vững, 3 hoặc 4 chân, trang trí mỹ thuật, đặc biệt có nắp đậy nhiều lỗ để thoát khói trầm. Trầm bột, trầm cục hay thanh trầm được đốt trong đỉnh rồi đậy nắp lại cho khói lên từ từ, tỏa lan mùi thơm (đỉnh không dùng để cắm nhang). Đôi khi đỉnh mang hình dáng trái xoài, trái đào hoặc con lân, con rồng.

b.Lư nhang hay lư hương, hình thức giống đỉnh trầm nhưng không có nắp, trong lòng chứa cát để cắm nhang.

c.Bát nhang hay bát hương, hình chữ bát lộn ngược, bên trong chứa cát, có khi chứa gạo để cắm nhang.

2.Về chất liệu : cả 3 loại được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau :

-Bằng đất nung

-Bằng đá (đục ra)

-Bằng sành (đất nung độ cao)

-Bằng gốm

-Bằng sứ

-Bằng kim loại, chủ yếu là đồng, có khi bằng antimoine, bằng gang, cũng có khi bằng ngọc, hổ phách, bạc hay vàng.

3.Trong dòng lịch sử, lư hương đã được nhắc tới tên từ thế kỷ 13 trước công nguyên (có thể trước nữa nhưng chưa có dữ liệu), và đã được sử dụng liên tục khắp nơi trên mặt đất cho tới ngày nay và có lẽ sẽ còn sử dụng mãi mãi cho đến tận thế. Ở Đài Loan người ta sử dụng nhang nhiều đến nỗi chính quyền phải lên tiếng thúc dục người dân ngừng đốt nhang và vàng mã cho người quá cố, thay vào đó nên tưởng nhớ họ trên internet để bảo vệ môi trường. Lời kêu gọi trên được đưa ra vào trước lễ thanh minh năm nay. Vào dịp này người dân viếng mộ tổ tiên, đốt nhang cùng đủ loại vàng mã từ nhà cửa, xe hơi đến … viagra với niềm tin sẽ giúp người quá cố được hưởng cuộc sống sung túc và thoải mái bên kia thế giới. Đài Loan cảnh báo tập tục này làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường … Ngoài lượng lớn khí thải CO2 còn các độc chất khác như Benzene, Methylbenzene và Ethylbenzene có thể gây ung thư và nhiều bệnh khác (Thụy Miên, báo TN ngày 5/4/2010).

4.Vấn đề hội nhập văn hóa : Trước Công Đồng Vaticanô II (1965) và xa hơn thế nữa, có thể nói từ thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã có việc hội nhập giữa nền văn hóa Kitô giáo với các nền văn hóa khác, trước hết với Do Thái giáo, ngoại trừ những điểm Chúa Giêsu đã bãi bỏ hoặc đã chỉnh lý, thì những phong tục, tập quán nhất là trong lễ nghi tế tự, đạo Công giáo đã kế thừa truyền thống Do Thái giáo.

Ban đầu người tín hữu Kitô và các Tông Đồ đều đến Đền thờ hay Hội đường Do Thái giáo cầu nguyện, cũng giữ những giờ kinh và các việc đạo đức như họ, về sau mới có sự tách biệt rõ ràng :

" Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ họp nhau tại một nơi" (Cv 2,1).

"Họ đồng tâm nhất trí ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ , khi làm Lễ bẻ bánh tại tư gia" (Cv 2,46).

"Một hôm ông Phêrô và ông Gioan lên Đền thờ vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín" (Cv 3,1).

Có thể nói vấn đề hội nhập là cốt lõi của đạo Công giáo vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng lập đạo đã nhập thể và nhập thế : "Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Thánh Phaolô đã nói về Chúa Giêsu : "Ngài đã nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi". Chính thánh Phaolô áp dụng triệt để chủ trương hội nhập của Chúa Giêsu : "Tôi đã trở nên Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp … trở nên mọi sự cho mọi người".

Sau này các nhà Truyền giáo được sai đi khắp nơi trên toàn cõi địa cầu cũng được Mẹ Hội Thánh căn dặn rất kỹ : "Phải học tiếng địa phương, phải tôn trọng văn hóa bản địa …". Vừa rồi, cuộc hội thảo về Linh mục Léopold Cadière (Cố Cả) tại Huế vào những ngày 7-8-9/9/2010, cũng làm nổi bật hình ảnh Cố cả như là con người hội nhập tuyệt vời, dù thời kỳ hoạt động của ngài là cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, trước Công đồng khá xa. Dù sao trước 1965, vấn đề hội nhập vẫn còn xa lạ với phần đông các cộng đoàn Công giáo toàn tòng. Người viết nhớ lại thuở nhỏ, khoảng năm 1950-1960, đa số các xứ đạo không dùng nến đỏ vì cho đó là của lương dân, cũng không dùng nhang, không dùng hình thức xá (mà phải bái 1 gối hoặc bái quỳ 2 gối), đặc biệt chỉ có một vài nơi "cấp tiến" lắm mới dám dùng đỉnh trầm mà thôi. Vấn đề chỉ được đặt ra quyết liệt và đồng bộ qua Công đồng Vaticanô II và đặc biệt nhấn mạnh qua Đại hội các Giám mục Á châu tại Thái Lan cách nay mấy năm.

Vấn đề hội nhập hết sức tế nhị và nhạy cảm, do đó trong thực tế những hình thức hội nhập vẫn còn trong vòng dò dẫm, thử nghiệm. Đã qua một thời các nhà thờ đua nhau xây mái cong với đầu đao rồng phượng, có ý kiến thì cho đó là hội nhập, có ý kiến thì cho đó là một hình thức rập khuôn chứ không phải hội nhập, lớp bình dân ít hiểu biết như người viết đây chì chẳng biết đâu mà lần ! Các đấng bề trên thì cũng chưa có phán quyết cụ thể như thế nào là hội nhập và mức độ đến đâu là vừa.

Riêng chuyện dùng nhang trong lễ tế, nhất là trong nghi thức an táng đối với người Công giáo hiện nay là rất phổ biến và quá quen nữa, nhưng cách vái như thế nào thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để có tính nhất quán, đồng bộ, còn chuyện dùng đỉnh trầm hay lư hương hoặc bát nhang thì người viết thấy cần lưu ý mấy điểm sau đây :

a.Bát nhang, đỉnh trầm, lư hương, cả chân đèn đối với các tôn giáo bạn đều là đồ thờ, vị trí của chúng là ở trên bàn thờ hay ít nhất cũng trên một cái bàn, cái bệ hoặc bộ tam sơn, người Công giáo đặt chúng dưới sàn gạch trước bàn thờ hình như không đúng lắm.

b.Cần phân biệt đỉnh trầm với lư hương và bát nhang. Đỉnh trầm luôn có nắp đậy, nắp có lỗ để khói thoát ra, trong lòng đỉnh đốt lò than để bỏ trầm vào rồi đậy nắp, thiết tưởng không nên dùng đỉnh trầm mở nắp ra, cho cát vào rồi cắm nhang, đã có lư hương và bát nhang làm nhiệm vụ đó.

c.Đỉnh trầm và lư hương, cả bát nhang cũng luôn luôn có đế riêng, thích hợp cho kiểu dáng mỗi loại. Đỉnh, lư, bát nhang có đế liền và bằng phẳng, có khi 4 chân, có khi 3 chân. Trường hợp 3 chân cần lưu ý cách để. Tuyệt đại đa số để 1 chân phía trước, 2 chân phía sau, kể cả mấy lư hương đặt trên Đền Hùng (qua TV) cũng để như vậy. Người viết cũng đã thỉnh ý một số vị Thượng tọa và nhận thấy cần phải xem lại vấn đề. Ta cứ thử so sánh để xem cách nào tốt đẹp hơn :

Về mặt thẩm mỹ và kiến trúc, khi nhìn vào một vật cản trước mắt ta có cảm giác "vướng vướng", khó chịu ; trái lại : 2 chân hai bên, có một khoảng trống trước mắt, ta có cảm giác nhẹ nhàng, thoáng hơn. Bước vào một căn nhà, mở cửa ra gặp ngay cây cột chặn lối thì không gì khó chịu bằng, trái lại 2 cột hai bên, ta đi vào giữa thoải mái biết bao. (Đỉnh trầm bằng đồng - 1970)

Xét về cội nguồn, ta thấy những gì 3 chân đều lấy cái kiềng làm mẫu :

"Mặc ai nói ngả nói nghiêng,
Ta đây cứ vững như kiềng ba chân"
(ca dao)

Kiềng bao giờ cũng có 2 chân phía trước (để khoảng trống cho than, củi), và 1 chân đỡ phía sau. Không bao giờ có kiềng 1 chân trước, 2 chân sau.

Hiện vật chứng minh đó là chiếc hào quang mạ vàng (kiểu Âu châu) có 3 chân, 2 phía trước, 1 phía sau, trông rất hài hòa và vững chãi.

Chúa ban cho loài người có lý trí và cặp mắt, cần phải biện phân mọi vấn đề, cái gì tốt thì giữ lấy, phát huy cho tốt hơn, cái gì chưa tốt thì điều chỉnh, cái gì không đúng, không tốt thì loại bỏ, thế mới xứng đáng loài người "linh ư vạn vật". 

V. GIỚI THIỆU BỘ SƯU TẬP RẤT NHỎ : ĐỈNH TRẦM, LƯ HƯƠNG, BÁT NHANG 



Từ Trái sang phải :

Hình 1 : Bộ tam sự, gốm men lam, Nam Phong Lái Thiêu. Đầu thế kỷ 20.
Hình 2 : Đỉnh gốm bát tràng, cuối thế kỷ 19.


Hình 3 : Lư dồng thời Lê, thế kỷ 16-17.
Hình 4 : Bát nhang gốm men xám, Hán Việt, thế kỷ 1-2.
Hình 5 : Lư đồng - Trung Quốc, cuối thế kỷ 19.

Hình 6 : Lư đồng - Trung Quốc, thời Minh, Đại Minh Tuyên Đức niên chế, Tk. 15-16.
Hình 7 : Bát nhang gốm cây mai men ngọc, thế kỷ 19.
Hình 8 : Đỉnh trầm sứ - Trung Quốc, thế kỷ 19.


Hình 9 : Lư nhang đồng - Trung Quốc, cuối thế kỷ 19.
Hình 10 : Đỉnh trầm đồng thời Nguyển, thế kỷ 17-18.
Hình 11 : Lư nhang gốm Chu Đậu, thế kỷ 15.


Hình 12 : Bát nhang Bạch Định - Trung Quốc, thế kỷ 18-19.
Hình 13 : Lư nhang gốm Phù Lãng, thế kỷ 17-18.
(Bài viết có tham khảo tư liệu từ internet và bài "Trầm hương và loại cây tạo ra trầm hương … của tác giả Hoàng Cảnh).
Tân Bình, ngày 16/10/2010


VVM.16.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .