NỖI BUỒN CHINH PHỤ
C hinh phụ ngâm diễn ca của Đoàn Thị Điểm là áng văn hay nổi tiếng không kém Truyện Kiều. Nó có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc từ cuối thế kỷ XVIII đến nay.
Khoảng những năm 1740 - 1742 Đặng Trần Côn đã cảm thấu tiếng lòng đau thương, khắc khoải của người dân Việt Nam trong cảnh sống rối ren, loạn lạc, ông đã sáng tạo ra khúc ngâm chinh phụ bằng Hán văn. Sau đó, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với một sự giao cảm tuyệt vời đã diễn âm khúc ngâm của Đặng Trần Côn theo thể thơ dân tộc, song thất lục bát, gồm 101 chu kỳ bốn câu, kết cấu theo lối dàn hàng 7- 7 - 6 - 8, bật lên một điệu thức tâm hồn dân tộc thiết tha với hoà bình và khát khao hạnh phúc:
Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thề non
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng
Nhạc điệu buồn như gió xiết vào vách đá này, lặp đi lặp lại, trải dài theo trục dọc của khúc ngâm, xiên ngang trong thời gian, không gian, tan vào vũ trụ một nỗi buồn chinh phụ - hay nỗi buồn muôn thuở của một đất nước phải chịu nhiều chinh chiến, loạn ly. Đoàn Thị Điểm đã loại bỏ được vẻ cầu kỳ xa lạ của Đường thi và những điển tích nặng nề trong nguyên tác, phô diễn vẻ đẹp của tứ thơ trong một nhịp điệu thơ dân tộc nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu âm thanh, tiết tấu, nhiều luyến láy và dào dạt âm vang...
Đoàn Thị Điểm đã tỏ rõ một tài năng trong việc gieo vần, ngắt nhịp, điều khiển linh hoạt những thanh điệu của tiếng Việt, tạo nhạc tính dồi dào cho khúc ngâm. Cao hơn, bà còn thổi vào đó hơi ấm của tình người, nhịp đập thổn thức của trái tim người phụ nữ đa đoan trong nỗi đoạn trường và luôn khát vọng một tình yêu:
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”
Cái tài của Đoàn Thị Điểm là đã chọn thể thơ song thất lục bát, một thể thơ thuần tuý của dân tộc mà nhịp điệu của nó là chất men say của hồn dân Việt. Khi nhịp điệu thơ ngân rung, nó bắt nhập với hồn Việt Nam như lửa bén vào xăng vậy. Khúc ngâm của bà có âm điệu đều đều, lằng lặng theo những chu kỳ, nó thích hợp để diễn tả những tâm trạng buồn ngưng tụ, đứng yên, tĩnh lặng, khắc khoải đợi chờ, đau đáu nỗi nhớ thương… Bất cứ đoạn nào của khúc ngâm cũng ngân rung một nhạc điệu buồn se se lạnh:
Hồn tử sĩ / gió ù ù thổi
Mặt chinh phu / trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.
Cấu trúc của chu kỳ thơ 7 - 7 - 6 - 8 có tính chất cân đối, hai câu 7 bao giờ cũng ngắt nhịp 3 - 4, tiếp theo câu 6 và câu 8 nhịp không cố định. Nhưng đến chu kỳ sau nhịp bảy lại cố định 3 - 4 và cứ thế trở đi, trở lại mãi thành nhạc điệu buồn dai dẳng, bài thơ càng dài càng có cảm giác đơn điệu và buồn day dứt.
Nỗi buồn trong Chinh phụ ngâm có tính chất độc thoại triền miên. Có những chu kỳ gợi đến nhân vật thứ hai là người đàn ông ở chiến trường, nhưng đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng xa vời, câm lặng:
“Ôm yên gối trống đã chồn.
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh”.
Lời lẽ độc thoại trang nhã, kín đáo nhưng nỗi buồn chao chát của người đàn bà lại nằm trong cấu trúc nhạc tính của khúc ngâm. Đó là nhạc điệu thâm trầm nuối tiếc, ân hận, trách móc, mỉa mai, oán giận, lo âu, buồn tủi, khi hậm hực căm thù, khi thở than ai oán, lúc đợi chờ dằng dặc, khi mê man trong ảo mộng:
“Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không”.
Nỗi buồn đơn côi này được diễn tả hết sức cô đọng trong lối thơ cổ, lời hữu hạn- ý vô cùng, gợi đến những cảm giác ngoài lời thơ, mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Mưa dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi.
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc
Một hang tiêu gió thốc ngoài hiên
Lá màn lay gọi gió xuyên
Bóng hao theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Hai chu kỳ 7 - 7 - 6 - 8 này, về âm điệu là một bản nhạc uyển chuyển và tinh tế chuyển động giữa các thanh “bằng, trắc” xen kẽ tạo nên một nhịp điệu cao thấp đều đều như đếm mưa rơi; từng giọt âm thanh, khi bằng, khi trắc qua các thanh điệu “Không, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng” rải thành một tiết tấu chậm rãi, réo rắt, gợi đến hình ảnh người chinh phụ ngồi trong cửa sổ ngóng chồng, nước mắt rơi từng giọt, từng giọt xuống gò má hao gầy.
Về ngữ nghĩa, lời thơ có tính tượng trưng, không miêu tả nỗi buồn mà chỉ gợi cảm giác buồn xa xót qua cảnh vật:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Mưa dường cưa xẻ héo cành ngô
Lối đặt động từ liền với tính từ gây cảm giác dữ dội và đau đớn. Rồi cách diễn tả tiếng sâu, tiếng dế, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng chuông chùa... Xáo xác cả một không gian tĩnh lặng, gợi một nỗi cô đơn hoang dại. Tiếng chim gù ở đây nhắc nhớ về hạnh phúc, gợi khát vọng tình yêu. Đây là cách nói tượng trưng và ẩn dụ, nó gợi cảm giác rất mạnh và có tính khái quát cao. Nó gần với định nghĩa về thơ tượng trưng của trường phái thơ tượng trưng Pháp: “Thơ tượng trưng không miêu tả, kể chuyện, mà chỉ gợi cảm giác”.
Nỗi buồn chinh phụ được gợi ra trong khổ thơ trên, theo cách tượng trưng và ẩn dụ qua hình ảnh thiên nhiên, chim thú, cỏ cây hoa lá còn có ý nghĩa triết học của người Phương Đông: Con người hoà nhập với vũ trụ. Nỗi buồn chinh phụ tan trong vũ trụ, chuyển động, xoay vần cùng vạn vật rồi lại ngấm vào bản thể:
Lá màn lay gọi gió xuyên
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Có thể nói, diễn ca Chinh Phụ ngâm là một độc thoại nội tâm - hay một điệu nhạc buồn ngân rung từ ngọn nguồn bản thể. Nó là những thông điệp đầy tính nhân bản nên đã đối thoại được với toàn nhân loại, xuyên suốt thời gian và không gian. Nỗi buồn chinh phụ mãi mãi sẽ còn đối thoại với loài người.