Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CỔ PHÁP CỐ SỰ



      Cổ Pháp Cố Sự (Bộ sách viết về cội nguồn nhà Lý)
      Nhà văn Nguyễn Khôi quê gốc làng Cổ Pháp, sau đổi là Đình Bảng, đất phát tích Vương triều Lý; từ năm 2002 đã dành thời gian và tâm huyết viết Bộ Sử Làng "Cổ Pháp Cố Sự" 4 tập, dày 970 trang.
      Tập 1+ 2+ 3 đã xuất bản, vừa được Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Thủ Đô 2008 (cùng đợt với tập" Thơ Trần Dần"). Tập 4 đã viết xong (Chuyện làng Đình Bảng từ 1945 đến nay) sẽ xuất bản trong dịp tới.
      Việt Văn Mới Newvietart xin trích đăng lại một số chương của Cổ Pháp Cố Sự để bạn đọc Trong và Ngoài Nước cùng thưởng thức.

1.

Tên Làng Đình Bảng

(Cổ pháp cố hương)


Đ ình Bảng là một làng ven Đô, cách trung tâm Hà Nội 15 km trên Quốc lộ 1A đi Lạng Sơn; hiện nay là phường Đình Bảng, trung tâm của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Diện tích tự nhiên 852ha, dân số tới 1-4-1999 là 13.626 người với 3.432 hộ tại quê( chưa kể đến mấy nghìn người đi lập nghiệp nơi xa)

Thầy tôi kể rằng: "Làng ta cùng thời với làng Phù Đổng (Gióng) là xứ địa linh nhân kiệt "tam Cổ ngũ Phù" (thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp- Phù Lưu, Phù Đổng, Phù Chẩn, Phù Ninh, Phù Khê) - đất đế vương". Đây là một vùng có nhiều hồ, đầm lầy, sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, thế đất mang hình con nhện: có đường (dải đất cao) có dộc (dải đất thấp) xòe ra như 9 cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý, phát tích đế vương - ứng với 9 vua nhà Lý, hưng thịnh kéo dài tới 216 năm(1009-1225, thực quyền là 214 năm ứng với 214 chữ trong Chiếu dời Đô của Đức Lý Thái Tổ) .

Làng tạo lập trên các gò đồi, dải đất cao bên bờ sông Tiêu Tương, xung quanh là rừng rậm um tùm cây cối. Trong rừng có nhiều cây Búng Báng (bột trong ruột có thể làm bánh ăn được)- do đó có tên Nôm của làng là Kẻ Báng, được áp sang tên chữ Hán là Dịch Bảng. Thời Bắc thuộc làng thuộc bộ Vũ Ninh và có tên là Hương (Xã) Diên Uẩn (Diên là dọc theo bờ nước, Uẩn là sâu kín, uẩn khúc) đến đời nhà Đường, vào khoảng năm Ất Sửu(785) trưởng lão của làng là Thiền sư Định Không (họ Lý) đổi tên là Hương Cổ Pháp.



Sự tích kể rằng vào khoảng đời Đường Trinh Nguyên (785 - 804). Sư Định Không dựng chùa Quỳnh Lâm ở làng mình (đến đời Tiền Lê gọi là chùa Lục Tổ, nay là chùa Kim Đài ở xóm chùa, xã Đình Bảng). Khi mới đào đất đắp nền, gặp một lư hương và mười cái khánh. Sư sai người đem xuống sông Tiêu Tương ở trước cửa chùa rửa. Vô ý hay ngẫu nhiên để tuột tay: một cái nặn mất, đến đáy sông mới dừng. Sư cho đó là điềm lạ, Sư giải thích rằng: chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ, chữ thủy chữ khứ hợp thành chữ pháp, thổ là bản thổ chỉ nơi ta ở. Nhân đó Sư đổi tên làng mình là làng Cổ Pháp.

Đổi xong tên làng Sư còn làm một bài tụng:

Đất trình pháp khí
Một món đồng ròng
Để Phật pháp được hưng long
Đặt tên là Cổ Pháp
(Điạ trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng
Trí phật pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp).

Sư lại nói :

Hiện ra pháp khí
Mười khẩu chuông đồng
Họ Lý hưng Vương
Ba phẩm thành công.
(Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Tính Lý hưng Vương
Tam phẩm thành công).

Sư lại nói:

Mười khẩu xuống nước đất
Cổ Pháp ấy tên làng
Gà sau tháng chuột ở
Chính lúc tam bảo hưng
(Thập khẩu thủy thổ khứ
Cổ Pháp danh hương hiệu
Kê cư thử nguyệt hậu
Chính thị hưng tam bảo.

Đây là ba bài "tụng" của Sư Định Không, một loại sấm vĩ tiên tri (dự báo ứng với 200 năm sau với Thiền Sư Vạn Hạnh và Thân Vệ Lý Công Uẩn): đất Cổ Pháp sẽ cho ra đời một bậc anh hùng họ Lý làm cho Phật Pháp hưng thịnh (Quốc đạo).

Tên Đình Bảng (có nghĩa là "Làng Báng Lớn" - tiếng địa phương"Đình" là to lớn: cái nồi đình, chuyện tày đình, làng Dương Lôi tên Nôm là "Đình Sấm" do cây gạo ở đó bị sét đánh có tiếng sấm lớn). Tên Đình Bảng được sử sách chép đầu tiên là vào năm 1362 đời Trần Dụ Tông. Ở Cổ Pháp xưa có Cự Tộc Lý với nhiều thế hệ Thiền Sư nổi tiếng. Đó là những trí thức cao cấp của thời đại. Họ tập hợp dưới ngọn cờ Phật giáo, những người dân yêu nước chuẩn bị chắc chắn trong ý thức mọi người về một triều đại của một quốc gia độc lập, thịnh trị, do dòng họ mình (Lý) sáng lập ra.

VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ - XÃ HỘI CỦA CỔ PHÁP

Làng Dịch Bảng (kẻ Báng) thời đó nằm trên ngã ba sông, là nơi giao lưu kinh tế văn hóa thuận tiện, năm trung độ giữa Cổ Loa, Đại La và Luy Lâu(Sở lỵ của quận Giao Chỉ) - đó là cái may ở cái "thế đất" "Đông Ngạn Tĩnh Nhất Khu" (Sấm Vĩ) - Chữ "Tĩnh" (còn có thể đọc là "tịnh") - có nghĩa là "lặng" là "yên ổn", ngẫm xem lại xưa nay thấy khá đúng, vì nơi đây chưa bao giờ là thành trì, Sở lỵ, là trung tâm hành chính- chính trị, để nhận chịu sự đánh phá, chà sát và xáo động cùng di động dân cư như vùng Cổ Loa, Đại La.Chính nhờ đó mà không bị sự áp chế trực tiếp về chính trị và sự đồng hóa cưỡng bức về văn hóa nặng nề như vùng Luy Lâu thời Bắc thuộc; tuy thế nhưng Cổ Pháp lại không phải là một miền quê hẻo lánh, đó là làng chợ(Hương thị, thị thôn) luôn là một vùng hướng ngoại có độ mở lớn, là vùng giao lưu văn hóa- kinh tế sống động, một vùng gioa thoa kinh tế điển hình. Các vị Thiền Sư ở đây là những người có học (đại trí thức đương thời) họ không thuộc về giai tầng thống trị và theo đuôi chính quyền đô hộ.Họ ở một vùng kinh tế - văn hóa đủ xa (cách ly) với chính quyền đô hộ và đủ gần sự tiến bộ xã hội để xây dựng Lục Tổ - Cổ Pháp thành một trung tâm, xây dựng ý thức độc lập quốc gia vào cuối thời Bắc thuộc (Và cho cả đến gần đây, thời ky 1940 - 1945 Đình Bảng là "lũy thép" căn cứ địa của Đảng Cộng Sản ở ngay sát nách Thủ Đô.
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng thì trong bối cảnh xã hội nước ta thời đó (Bắc thuộc), ông cha ta đã không khéo thực hành Chính Pháp (Phật) và bằng Pháp (Sấm Vĩ), phong thủy tuy vẫn là "duy tâm" mê tín (ở trình độ dân trí thời đó) nhưng lại toát lên một tinh thần yêu làng, yêu nước, đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng ý thức dân chúng về một vùng tự trị (căn cứ địa) do họ Lý dẫn đường để rồi sẽ có một quốc gia độc lập "nhà nước có chủ quyền" Vua ta cai trị nước ta, do họ Lý làm Hoàng Đế.

Hậu duệ của Sư Định Không là Thiền Sư Vạn Hạnh cùng các vị tiền bối đã thực sự là cha đẻ, cha nuôi, cha tinh thần của Lý Công Uẩn- chàng trai kẻ Báng (ông họ Lý người làng Diên Uẩn) với khiếu thông minh bẩm sinh đã được nhập thân văn hóa của một vùng địa linh nhân kiệt (đất Cổ sinh Vua, đất Phù sinh Thánh).

Lý Thân Vệ (rồi là Lý Thuận Thiên- Lý Thái Tổ) là người con ưu tú của trung tâm kinh tế- văn hóa Cổ Pháp thế kỷ thứ 10 và ông cùng Vương Triều Lý làm rạng danh muôn đời cho Cổ Pháp Cố Hương thân yêu của chúng ta.

Đính Chính :
Nặn = Lặn; Gioa thoa = giao thoa; Không khéo= khôn khéo.

...............................(Còn Tiếp)




VVM.14.7.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .