N gười tu theo Đạo Phật, có đạt kết quả hay không, có thành công hay không, không phải là do tu lâu năm, lập được nhiều hạ, giữ Giới không hở sót, tụng được nhiều biến Kinh, thu nạp được nhiều đệ tử, cất được nhiều kiểng Chùa, mà quan trọng là do THẤY ĐƯỢC CÁI TÂM, rồi sửa chữa nó gọi là TU TÂM. Chứng Đắc trong Đạo Phật gọi là ĐẮC CÁI TÂM. Người Thầy đã chứng đắc, hướng dẫn lại cho Đệ Tử cũng Chứng Đắc gọi là TÂM TRUYỀN TÂM.
Sinh Tử, Niết Bàn đều liên quan đến cái Tâm. Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Các vị còn trong phàm phu địa, không quán tự Tâm nên phải trôi giạt trong bể sinh tử. Chư Phật, Bồ Tát, vì quán được Tâm, nên qua được bể sinh tử, đến bờ Niết Bàn”.
Tu cũng Tu Tâm, Truyền cũng Truyền Tâm. Tổ Đạt Ma khẳng định : « Ta đến xứ này cũng chỉ truyền một Tâm ấy, không luận về Giới, Thí, Tinh Tiến, Khổ Hạnh, cả đến việc vào nước, lửa, lên vòng gươm, chay lạt, ngồi mãi không nằm ». (Ngồi Thiền). Trong HUYẾT MẠCH LUẬN, Tổ Đạt Ma dạy : « Ba Cõi dấy lên cùng về một Tâm. Phật trước, Phật sau cũng đều lấy Tâm truyền qua Tâm, chẳng lập văn tự ».
Ngũ Tổ dạy : “Nếu không thấy được Tâm thì học pháp vô ích”.
Đạo Phật phân ra hai loại TÂM. TÂM TỊNH hay TÂM PHẬT và TÂM NHIỄM, hay gọi là TÂM CHÚNG SINH.
Người muốn đi tu thì phải PHÁT TÂM. Phải giữ BỒ ĐỀ TÂM kiên cố, không được Thối Tâm Bồ Đề. Thời gian tu tập phải tìm cho được được BỔN THỂ TÂM. Phải chuyển VỌNG TÂM thành CHÂN TÂM.
CHÚNG SINH và PHẬT chỉ là hai trạng thái của Tâm. Kinh DUY MA CẬT dạy : « Tâm nhơ nên chúng sanh nhơ, Tâm sạch nên chúng sanh sạch », và « Bồ Tát nếu muốn được Cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh ; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh ».
Muốn tu hành, Tổ Đạt Ma dạy : “Ta vốn cầu Tâm chẳng cầu Phật”.Và “Nếu hiểu Tâm mà tu đạo ắt được tĩnh lực, nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích”.
Trong Kinh Kim Cang, Bồ Tát đã hỏi Phật : « Bạch Thế Tôn ! Trang Thiện Nam, Người Thiện Nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thời phải trụ Tâm như thế nào, nên hàng phục Tâm mình như thế nào ? » .Phật dạy là người đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì phải hàng phục VỌNG TÂM và Trụ ở CHÂN TÂM.
Cái VỌNG TÂM cũng chính là cái TÂM CHÚNG SINH , mà nếu có đọc chính Kinh thì chúng ta thấy Bồ Tát muốn thành Phật thì phải Độ Sinh. Do đó, nếu người tu hành chưa phân biệt thế nào là Chúng Sinh thì không thể ĐỘ TẬN CHÚNG SINH để Thành Phật được.
Đa phần Phật Tử cho rằng mình là Chúng Sinh của Phật, nên chuyên tâm Thờ Phật, làm lành, lánh dữ và mong cầu Phật độ. Đa phần tu sĩ đều cho rằng Chúng Sinh là bá tánh, là những người không biết tu hành như mình. Do đó, họ học Pháp để đi thuyết pháp, dạy cho bá tánh giữ một số Giới, hành Thập Thiện, tin tưởng, cầu xin Phật phù hộ, độ trì, nghĩ đó là Cứu độ Chúng Sinh. Trong khi đó, trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH Lục Tổ Huệ NĂNG giải thích rất rõ : « Chúng người hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh tức là thấy đặng Phật Tánh. Bằng chẳng biết cái Tâm Chúng Sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các ngươi phải biết CHÚNG SANH Ở TÂM MÌNH thì thấy PHẬT TÁNH Ở TÂM MÌNH. Muốn cầu thấy Phật thì phải biết cái TÂM CHÚNG SANH. Chỉ vì Cái Tâm Chúng Sanh làm mê muội Tánh Phật, chớ chẳng phải Tánh Phật làm mê Tâm Chúng Sanh. Nếu Tánh mình Giác Ngộ thì CHÚNG SANH là PHẬT. Bằng Tánh mình mê muội thì Phật là Chúng sanh. Tánh mình bình đẳng thì Chúng Sanh là Phật. Tánh mình tà hiểm thì Phật là Chúng sanh. Nếu cái Tâm chúng ngươi hiểm khúc tức là Phật ở trong Chúng sanh. Một niệm bình đẳng, ngay thật, tức là Chúng Sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật. Phật ở Tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có Tâm Phật thì tìm Phật ở nơi nào ? Cái Tự Tâm chúng người là Phật chớ khá hồ nghi ». Như vậy, theo giải thích của Lục Tổ thì Chúng Sanh và Phật chỉ là hai tình trạng trong cùng cái Tâm. Khi Mê thì là chúng Sanh. Khi Ngộ là Phật. Khi Tâm mình tà hiểm, hiểm khúc thì là Chúng sanh. Khi Tâm mình bình đẳng, ngay thật là Chúng Sanh đã thành Phật.
Nhưng tự tâm của mỗi người là Phật là thế nào ? Mình đã làm gì mà thành Phật được ? Nếu tự tâm mỗi người đã là Phật thì còn phải tu hành làm chi ? Việc THÀNH PHẬT liên quan gì đến CỨU ĐỘ CHÚNG SINH mà Kinh cho rằng phải độ tận Chúng Sinh thì mới Thành Phật ?
Cho tới thời này mà nhiều người vẫn còn hiểu lầm, khi nghe nói về PHẬT thì cứ tưởng rằng đó là một vị Thần Linh, quyền phép vô song, có thể cứu độ cho mọi người, nên cả đời tu hành chỉ Thờ Phật để cầu xin Được Độ,mà không hiểu rằng PHẬT chỉ là ý nghĩa của Giải Thoát. Người tu hành là người tháo gỡ những ràng buộc để được Giải Thoát. Kinh LĂNG NGHIÊM giải thích rõ thêm : « Giải thoát hay triền phược đồng do Sáu Căn. Được chứng Thánh hay đọa làm phàm cũng bởi Sáu Căn, chớ không có con đường nào khác »… « Hễ mê muội là Vô Minh, còn Giác Ngộ thì Giải Thoát ». Kinh khẳng định : « Đây là con đường duy nhất của Mười Phương các Đức Phật tu hành đến cảnh Niết Bàn. Chỉ tu trong giây phút thì được quả vô học ».
Nhiều người nghe nói rằng Đạo Phật là Đạo Độ Khổ thì lại nghĩ rằng Phật là Thần Linh, sẽ Độ cho tín đồ, nên Quy y, rồi chỉ biết cầu xin, nương tựa. Đó là những người đã hiểu sai mục đích của Đạo Phật. Biến Con Đường Giải Thoát thành con đường lệ thuộc Chư Phật, Chư Bồ Tát. Biến Đạo Phật thành mê tín, Thần Quyền.
Mọi người không thể thực hành điều gì đến nơi đến chốn khi chưa nắm vững về vấn đề đó. Đạo Phật cũng thế. Làm gì có người « Hoát nhiên Đại ngộ » khi chưa biết Ngộ là gì ? Chưa hiểu mục đích của Đạo Phật là gì làm sao mà Đắc Đạo ? Do đó, người muốn Chứng Ngộ hay Đắc Đạo thì phải biết Đạo đó là gì ? Kết quả ra sao ? phải Hành như thế nào ? Thành Phật là cả một quá trình tu hành, lẽ nào có người chưa biết Phật là gì lại thành Phật ? Chẳng biết cái Tánh là gì thì làm sao Thấy ? Do đó, muốn Chứng Đắc, muốn Thấy Tánh hay muốn Thành Phật thì mọi người phải hiểu rõ về những danh xưng đó. Cách thức để thành tựu. Cũng như muốn Tu Phật thì ít ra cũng phải biết Tu Phật là để làm gì ? Phải tu như thế nào ? Mình có cần Thành Phật hay không ? Nếu muốn thì bắt tay vào hạ thủ công phu. Đâu phải cứ Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y là tu sĩ. Tu một thời gian sẽ Chứng Đắc ? Vì vậy, người muốn tu hành cho thành công bắt buộc phải biết rõ về nguyên nhân cũng như hành trình tu hành của người lập Đạo để lại, rồi lần lượt theo đó mà thực hiện cho bản thân.
Nhưng có nhiều nhóm, thay vì khi đã phát tâm tu hành thì phải hiểu rõ về Tôn Giáo mà mình đã chọn, về Giáo pháp của tôn giáo đó một cách đầy đủ thì chỉ chọn một phẩm trong Kinh, hay một Hạnh duy nhất nào để áp dụng mà không chịu tìm hiểu Đạo Phật một cách trọn vẹn. Không nắm bắt được ý nghĩa cũng như mục đích của Đạo Phật, thì không thể nào áp dụng phương tiện cho thành công được. Lấy một thí dụ nhỏ là giả sử chúng ta đã biết mình cần đi đến Huế, thì dù dùng phương tiện là máy bay, xe đò, xe gắn máy, thậm chí là đi bộ ..nhưng mau hay chậm, lúc nào đó cũng sẽ tới. Ngược lại, đã không biết mình cần tới đâu, thì cho dù dùng phương tiện nhanh nhất là máy bay cũng làm sao tới ? vì biết đích đến là ở đâu ? Một số Tông, Phái tuy cùng nguồn là Đạo Phật, cũng dùng hình ảnh của Phật Thích Ca làm Giáo Chủ, nhưng chọn riêng một con đường để hành trì, điển hình như :
a) Thấy trong Kinh mô tả các Vị Phật, Bồ Tát chuyên “Cứu Độ Chúng Sinh” thì tạc tượng các Ngài để khói hương thờ phụng, cầu xin được Độ. Đây là xu hướng lớn nhất của Phật Tử, trong đó gồm cả Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy Mỗi bên đều có rất nhiều Chùa và r6a1t đông Phật Tử.
b) Có những vị thấy Đức Thích Ca chỉ cần Ngồi Thiền mà Đắc Đạo, trở thành Giáo Chủ, được bao nhiêu người tôn sùng, nên đã chọn phương pháp NGỒI THIỀN, bỏ hết những Độ khác, lập ra Pháp Môn THIỀN TÔNG. Những người tu theo Tông này thường được giao cho Khai một Công Án. Khi khai được Công Án rồi (chưa biết đúng hay sai) thì tự cho mình đã thành Phật, còn cao hơn cả Phật ! Họ không biết rằng Đạo Phật là một lãnh vực hoàn toàn xa lạ đối với thế gian, do đó có rất nhiều điều cần phải khai thông, đâu chỉ mỗi một chữ VÔ hay một Công Án duy nhất ?
c) Phái thì dùng Hạnh Khất Thực. Tu sĩ của Phái này ôm bình bát đi Khất Thực để độ nhật, cho là « làm sống lại hình ảnh của các Tỳ Kheo thời Đức Thích Ca » , nên lập ra Tông KHẤT SĨ.
d) Thấy Kinh tả Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà trang hoàng bằng 7 Món Châu báu, nên bỏ hết mọi việc, chuyên tâm Niệm Phật A Di Đà để cầu xin được về đó, rồi lập ra TỊNH ĐỘ TÔNG.
Phái nào cũng cho rằng mình nối truyền Chánh Pháp của Đức Thích Ca, nhưng phân tích ra chúng ta sẽ thấy như sau :
Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy có số tín đồ đông nhất so với các Tông, Phái khác. Phía Phật Giáo Nguyên Thủy thì Quả cao nhất là A La Hán. Người đắc quả A La Hán được cho là Thấy Các Pháp là Không. Nhưng đó mới chỉ là một mặt của Pháp. Vì người đời vì chưa hiểu rõ về các Pháp, thấy nó hiện hữu nên cho là THẬT CÓ, rồi tranh giành, chém giết, lừa lọc nhau để chiếm đoạt, làm cho cuộc đời thêm đau khổ. Vì vậy Phật dạy quán sát, để thấy dù hiện tại nó đang CÓ, nhưng thời gian nào đó nó sẽ phải hư hoại theo Quy luật Thành, Trụ, Hoại, Không. Cuối cùng nó sẽ trở về Không, mục đích là để gỡ cho người đang mê đắm, dính mắc với Pháp Có.
Thế rồi, nhiều người tu mới quan sát thấy Các Pháp đang CÓ rồi sẽ hư hoại sẽ trở về KHÔNG thì đã đã vội bỏ hết tất cả, cho rằng cuộc đời là Giả Tạm, các Pháp là Không, rồi bỏ đời, bỏ hết mọi việc, buông trôi ngày tháng…chờ ngày Phật rước !
Đó là những người chưa học hết Giáo Pháp của Đạo Phật nên trở thành tự mâu thuẫn. Nói CÁC PHÁP LÀ KHÔNG sao mình đang CÓ ? Không chỉ Có MÌNH mà còn CÓ PHẬT để theo tu học. CÓ CHÙA để Thờ Phật. CÓ Phật Quốc để hướng tới. CÓ GIỚI để giữ, CÓ THÍ CHỦ để cung dưỡng cho mình. Bệnh phải CÓ THUỐC. Mỗi ngày phải Tụng Kinh mấy thời, Ngồi Thiền mấy buổi.. vậy thì KHÔNG ở chỗ nào ? .
Họ không hiểu rằng sở dĩ Đạo Phật nói các pháp là KHÔNG, cuối cùng sẽ trở về KHÔNG, là để gỡ cho người đang CHẤP CÓ, để cho họ bớt mê đắm, vì biết rằng có tranh giành thì cuối cùng cũng không giữ được, mà còn gieo Nhân xấu, sẽ gặt Quả xấu !. Đạo Phật không nói rằng Các Pháp thật sự hoàn toàn KHÔNG, mà cho rằng các Pháp dù đang hiện hữu, nhưng không trường tồn, cuối cùng sẽ trở về KHÔNG. Tuy là đang hiện hữu, tức là CÓ, nhưng chỉ là TẠM CÓ. Do đó, mục đích tu PhẬt là học cách nhìn rõ Các Pháp, và tuân thủ Luật Nhân Quả để sống trong cảnh TẠM CÓ mà không bị đau khổ, không phải là để xa lánh hay hủy hoại Các Pháp. Bởi nếu cho rằng CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, rồi bỏ hết, không dùng tới, thì Phật đã không dạy người tu phải đền TỨ ÂN và phải tu để có 32 Tướng Tốt của Phật thì mới hoàn thành cho Phật của menhir.
Bên Phật Giáo Nguyên Thủy cho rằng kết quả cao nhất là A La Hán, thì họ không Thành Phật đã đành. Mục đích tu hành của Đại Thừa là để Thành Phật như lời Đức Thích Ca đã Thọ Ký : « Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành », thì các Tu Sĩ Đại Thừa cũng như bên PGNT, dù nói rằng TU PHẬT, nhưng thực chất là THỜ PHẬT, và trở thành lớp trung gian, chuyển lời cầu xin của Phật Tử đến Phật. Sống thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu, cầu mong Phật rước về Nước Phật của các Ngài ! Hạnh của các Tu Sĩ hai bên, là Giữ Giới, Ngồi Thiền, học Pháp để giảng lại cho Phật Tử và kêu gọi nhiều người Quy y Phật. Tổ chức những buổi lễ rình rang, với cờ xí, hoa đăng và đông đảo người tham dự. Nhưng ngoài lực lượng tu sĩ ngày càng đông, chiêu mộ được nhiều tín đồ Quy y, cất Chùa ngày càng lớn, dựng tượng ngày càng to. Ngày càng có nhiều Tăng, Ni, phấn đấu lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học ở nước ngoài hoặc trong nước, thì không thấy có trường lớp nào dạy tu hành để Thành Phật và cũng không thấy công bố vị nào Chứng đắc, Thành Phật ! Như vậy sao có thể xưng là đang « Hoằng dương Chánh Pháp » của Phật ?
THIỀN TÔNG thì dùng phương pháp Ngồi Thiền để Khai Công Án. Thiền Sinh được người Thầy giao cho một Công Án để Khai. Khi khai được thì thấy mình đã xong, đã chứng đắc, thành Phật!
Đó là do họ không học hết Giáo pháp để thấy việc tu hành theo Đạo Phật có 4 giai đoạn : KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP. Cái Thấy Một Pháp mới chỉ là giai đoạn thứ 2, là THỊ. Còn hai giai đoạn quan trọng nhất cần phải làm cho xong thì mới hoàn tất việc tu hành : Đó là Ngộ và Nhập. Đâu chỉ Thấy là xong ? Vì như thế khác nào một người muốn trở thành Bác Sĩ, nhưng vừa đến cổng Trường Y, vừa thấy được ngôi trường đã cho mình là Bác Sĩ mà còn cao hơn các Bác sĩ tốt nghiệp trước kia !
Về Hạnh Khất Thực thì chúng ta thấy : Thời Đức Phật mới quy tụ Đệ Tử để giảng pháp thì Giáo Pháp chưa có ghi chép lại bằng văn bản. Vì thế, Phật dạy tu sĩ phải bỏ hết mọi việc. Không được làm ăn. Không được vướng bận gia đình. Hàng ngày đến giờ ăn thì mang bình bát đi Khất Thực. Một phần là để được cho gì ăn nấy, hạn chế sự tham ăn của cái Khẩu. Phần khác là không bị phân tâm để có thể dành trọn thì giờ để học pháp rồi ghi nhớ, tương lai phổ biến.
Nhưng ngoài đi xin thức ăn để độ nhật, nuôi cái Thân cho tồn tại để tu hành, ý nghĩa quan trọng của KHẤT THỰC, là KHẤT PHÁP THỰC ĐỂ NUÔI PHÁP THÂN. Có nghĩa là người tu học cần phải học hỏi nhiều từ những bậc thầy để tăng trưởng sự hiểu biết để tu hành thành tựu, không chỉ Khất Vật Thực để nuôi thân phàm. Vì nếu chỉ lập lại phần hình tướng để “Làm sống lại hành ảnh của các Tỳ Kheo ngày xưa” mà không biết cách tu sửa cái Tâm để hoàn tất con đường tu hành đúng theo Giáo Pháp mà Phật đã để lại, thì có khác nào những người phàm phu đi xin ăn khác ?
Cho đến thời này mà các tu sĩ vẫn bị cấm không được tham gia việc đời, mọi việc từ lớn chí nhỏ phải nhờ thí chủ cung dưỡng để tu hành thì không những không còn hợp thời đối với người thật tâm tu hành, lại tạo điều kiện cho những kẻ bất tài, lười nhác, thấy rằng chỉ cần chịu khó hy sinh cạo đầu và mang Y, thì khỏi phải làm việc vất vả để nuôi thân, lại còn được làm Thầy, ăn trên ngồi trước. Vì thế, những người này trà trộn vô Chùa, để rồi tuy mang hình tướng Tu sĩ nhà Phật, nhưng Đạo chẳng học, Đức chẳng tu, Hạnh chẳng có, làm hại Đạo Phật không ít ! Chúng ta có thể hiểu về lý do Phật phải nhờ các thí chủ cung dưỡng cho tu sĩ như sau : Do thời Phật mở Đạo thì Giáo Pháp chưa có văn bản để ghi lại. Tu sĩ cũng còn ít ỏi, lại là lực lượng nồng cốt cần phải ghi nhớ nằm lòng lời Phật dạy, nên Phật buộc họ không được vướng bận vợ con, phải bỏ hết mọi việc đời để toàn tâm toàn ý nghe Phật thuyết rồi ghi nhớ, tương lai truyền lại. Việc ăn uống đối với người tu không quan trọng, mà chỉ là để nuôi cho cái Thân chín lỗ được tồn tại mà tu hành, do đó, Phật dạy các Tu Sĩ nuôi thân bằng cách mang bình bát đi khất thực, hoặc nhờ các Cư Sĩ giúp cung dưỡng cho, để có thể dành trọn thì giờ mà học Pháp.
Nhưng sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 năm thì đã có những Bộ Kinh, ghi lại những gì Phật giảng qua lớp Đệ Tử ghi nhớ rồi Khẩu Truyền lại. Nhiều năm rồi, nhất là cho đến nay thì Kinh sách đã tràn lan. Kinh in trên giấy, Kinh bỏ lên mạng. Cần tham khảo Kinh nào, phẩm nào ? Muốn nghe Thầy nào giảng giờ nào cũng được, thì cần gì phải phải bỏ hết mọi việc, kể cả việc nuôi sống bản thân cũng giao cho người khác chỉ để tu hành trong khi việc tu hành chỉ để bản thân được Giải Thoát ?
Do đó, người muốn tu chỉ cần dành một số thời gian thuận tiện trong ngày để học Giáo Pháp. Chỉ cần có người đã tu hành thành công hướng dẫn cho những căn bản về Đạo một thời gian ngắn lúc đầu, khi còn bỡ ngỡ. Họ cần học cho biết những điều cần hiểu, cần hành, cách thức để hành cho đúng để sau đó sẽ từng bước áp dụng trong đời sống hàng ngày. Xem kỹ hành trình của người Tu Phật chúng ta sẽ thấy cũng không khác việc học của đời. Tức là họ phải biết rõ những điều mình cần học ? Phải làm gì ? Làm như thế nào ? Tu học theo Đạo Phật mục đích là để Giải Thoát hay gọi cách khác làThành Phật. Thành Phật chỉ là để Thoát Khổ, Thoát Phiền não, đâu có phải để trở thành Thần Linh ? Đã có mặt trên đời thì nam hay nữ, già hay trẻ, độc thân hay có gia đình ai mà không phải Khổ, không cần Giải Thoát ? Do đó, đâu cần hạn chế tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính ? cũng cần gì phải độc thân, phải bỏ hết việc đời thì mới tu hành được ?
Khi biết rằng muốn Thành Phật là phải Độ Sinh. Chúng Sinh chính là những tư tưởng còn ô nhiễm ở trong Tâm của mình, thì công năng tu hành chỉ là « Độ », hay « Cứu Độ Chúng Sinh », tức là Xả bỏ những tính xấu gọi là Chúng Sinh, hay còn gọi là « Đưa chúng sinh về Phật Quốc » thì việc làm ăn, sinh hoạt đâu có gây trở ngại ? Trái lại, có tiếp xúc, có cọ xát là cơ hội để thực hành cụ thể, để biết mình có áp dụng được những gì đã học hay không ? Lý thuyết mà không thực hành thì làm sao biết có tiến bộ hay chưa ?
Nhiều người hiểu lầm, cho rằng Đạo Phật chê thế gian là ô trược. Muốn tu Phật là phải “Ly thế gian”, rồi trốn lên non cao, động vắng, hoặc vô Chùa, xây tường cao, cổng lớn, tránh tiếp xúc với thế nhân. Không ngờ ý nghĩa của “XUẤT GIA” là “Ra khỏi nhà lửa Tam Giới”, ‘CẮT ÁI” là cắt bỏ những ái luyến đối với cái Thân giả tạm và những gì phục vụ cho nó. Không phải là bỏ nhà cửa và xa lánh cuộc đời. CẠO TÓC là cạo sạch phiền não và ĐẮP Y là trùm phủ lên Thân, Tâm một màu thanh tịnh, không ô nhiễm. Nếu hiểu và hành đúng theo ý nghĩa thật sự của các Pháp này, thì hình tướng đâu còn cần thiết nữa. Vì hình tướng, suy cho cùng, chỉ có giá trị cho người ngoài nhìn vào để nhận biết đó là người tu hành mà thôi. Điều quan trọng cho việc tu hành, thành công đâu có nằm bề ngoài ?. Hơn nữa, chúng ta nghĩ sao, trong khi cho đời là ô trược, chê đời, bỏ đời mà nhà Chùa lại dùng toàn sản phẩm của đời : Từ Chùa cho đến y phục, thức ăn, vật dụng, điện nước, thuốc men, tiền bạc để chi dụng… toàn sản phẩm của thế gian, do người đời làm ra, đâu có món nào xuất xứ từ cõi Thiên hay cõi nào khác mà cho rằng Chùa mới là nơi thanh tịnh, tiền bá tánh cúng cho là Tịnh tài ?
Việc tu hành thì “Ông tu, ông đắc, bà tu bà đắc”, đâu có thể tu giùm cho người khác. Phật cũng không phải là Thần Linh để ta cầu xin phù hộ cho đất nước, choThí Chủ để trả ân ? Vì thế, việc thọ thí là món nợ, không trả kiếp này thì cũng kiếp khác. Người ý thức Nhân Quả sẽ không dám lợi dụng. Đã vậy, thời này các tu sĩ ngoài việc để cho thí chủ cung cấp mọi thứ cho mình rảnh rang, nhàn hạ, còn nhân danh tôn vinh Phật, vận động Phật Tử đổ hàng đống tiền để cất Chùa to, Phật lớn, phá rừng, bạt núi, chiếm những vùng đất bao la để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với khu vực, cho thấy Chùa Tượng nước mình không thua ai, có khi còn to nhất Đông Nam Á ! Trong khi nhiều nơi người dân xứ mình có người gạo không đủ ăn. Bệnh không có tiền đi trị. Nhà cửa trống trước trống sau không đủ che mưa, che nắng ! Cầu đường không có để dân chúng đi lại làm ăn. Bệnh viện thiếu chỗ cho bệnh nhân. Con nhà nghèo không có tiền để đi học, chịu dốt nát, nghèo khổ truyền từ đời ông cha sang con cháu, không biết bao giờ mới thoát ra được … thì Chùa giàu trang trí bằng những vật dụng xa hoa, lộng lẫy, dát vàng, dát bạc, điện đóm ngày đêm sáng choang. Chư Tăng ở phòng máy lạnh, có những người làm Công Quả hầu hạ. Họ ăn thức ăn chay nhưng đắt tiền, nấu nướng cầu kỳ. Bước ra đường thì xe cộ đời mới, tiền hô, hậu ủng, thay phiên nhau đi du lịch nước ngoài ! Có Sư còn làm đẹp, ra nước ngoài còn vô Casino đánh bạc ? Không còn được bao nhiêu vị theo hạnh « Ít muốn, biết đủ » của bậc chân tu !
Liệu đó có phải là « Con hơn cha là nhà có phúc » hay Phật Pháp đã bị quá nhiều phần tử phá Pháp chui vô làm cho suy tàn, làm cho người đời nhìn vào đánh giá là Đạo Phật « năng thuyết bất năng hành » ? Trong khi Giáo Pháp của Đạo khuyên mọi người Xả của cải vật chất, cho rằng ôm giữ vật chất của cải thế gian là ái luyến, là nguyên nhân của đau khổ, của Sinh Tử, Luân Hồi, thì chính Nhà Chùa, Sư Tăng, núp sau lưng phật, nhân danh Đệ Tử Phật, ung dung dùng toàn vật phẩm giá trị nhất của đời ! Có mấy vị còn tích cực khuyên Cúng dường Tam Bảo : « Ăn cũng hết, mặc cũng mòn, Cúng Dường Tam Bảo phước còn mai sau » ! Hoặc cho rằng những người nghèo vì kiếp trước thiếu Bố Thí, khuyên mọi người nên cúng dường để thoát nghèo ! Có vị còn mạnh miệng cho rằng những ngư phủ đánh cá là mang Nghiệp, cứ mang tiền đến cúng cho Chùa là sẽ thoát Nghiệp !
Tây Phương Cực Lạc được Kinh mô tả là Quốc Độ của Phật A Di Đà. Được trang hoàng bằng Bảy món châu báu. Đó là cách Đức Thích Ca diễn tả Cõi Tâm của người tu khi đã Xả hết những Phàm tánh mà thôi.
Phật A Di Đà được Kinh KiM CANG giải thích là “Hào quang soi suốt không ngăn ngại” . Tức là để tả cái Tâm không còn bị Phiền não che chắn. Bảy MÓN CHÂU BÁU trang hoàng trong Tây Phương Cực Lạc là : 3 Nghiệp của Thân, là Tham, Sân và Si, và 4 Nghiệp của Khẩu là Nói láo, nói để khen mình, chê người, và nói lưỡi đôi chiều, cộng lại là 7 món. Gọi là Châu Báu vì mọi người vẫn ôm giữ khư khư từ đời này sang đời khác như người giữ châu báu ! Xả những thứ đó thì được Giải Thoát, nên gọi là “cúng dường châu báu cho Phật” . Phật là vô tướng làm sao nhận châu báu của mọi người dâng cúng ? Cõi Phật là Vô Tướng, làm sao có chỗ để chứa vật chất hữu tướng ?
Sở dĩ có tên là Tây Phương CỰC LẠC, vì cư dân ở đó (Tức là những Chúng sanh đã được độ), không còn bị cái Khổ hành hạ, chỉ còn an lạc, hạnh phúc mà thôi.
Nói Tây Phương, Đông Phương, là Cõi Phật, nhưng đó cũng chỉ để nói về Cái Tâm không còn những tư tưởng độc ác, Tham, Sân, Si, thương ghét, đố kỵ, .. nên được thanh tịnh mà thôi. Cõi Phật là ở nơi Tâm của mỗi người, không phải ở bên ngoài. Phật A Di Đà cũng chỉ là “hào quang soi suốt” , không phải là Thần Linh, thì làm sao cầu xin Ngài rước về Tây Phương của Ngài được ? Vì vậy, người muốn đến Tây Phương Cực Lạc thì phải tu hành, phải Xả những thói hư tất xấu, đê cái Tâm được thanh tịnh thì gọi là thành tựu Cõi Phật ở Tây Phương, Đông Phương. Vọng ra ngoài để tìm Nước Phật của Phật khác thì gọi là Nhị Thừa, không phải là Đạo Phật chân chính.
Người tu học mà không biết Đức Thích Ca ĐẮC ĐẠO là đắc cái gì ? Ngài đã làm gì để Đắc ? Cái Đắc Đạo của Ngài có ích gì cho bản thân Ngài và mọi người ? Chỉ nghe nhiều người ca tụng Phật thì đã vội tin theo, không cần kiểm chứng, thì làm sao bản thân mình có thể làm giống Phật để được như Ngài mong mỏi khi mở đạo ? Đó là lý do khiến nhiều người tu hành cả đời nhưng không thành công được.
Thật vậy. Người muốn tu hành, tức là chọn đi theo con đường Phật đã để lại thì phải biết rằng Đạo Phật là « Đạo Độ Khổ ». Muốn Độ cho hết Khổ thì phải biết lý do tạo ra nỗi Khổ. Làm thế nào để hết Khổ ? Đức Thích Ca là người đầu tiên khám phá ra nguyên do Khổ cũng như cách thức để Diệt Khổ qua 49 ngày đêm Thiền Định như sau : Con người hết SINH rồi phải TỬ, Tử rồi lại Sinh, không phải do Thượng Đế hay một vị Thần Linh nào đó sắp đặt, mà chính là do VÔ MINH. VÔ MINH là đầu mối chính của vòng THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN gồm chuỗi 12 việc chuyền níu với nhau làm cho con người quanh quẩn trong vòng Luân Hồi triền miên không dứt. VÔ MINH, tức là thiếu sáng suốt. Do thiếu sáng suốt nên mỗi người đã hành động trong mê mờ mà sinh ra 11 Duyên khác, chuyền níu với nhau là Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão, Tử, Ưu Bi, Khổ não. Vô Minh là mắc xích chính. Khi nào Diệt được Vô Minh thì cũng đồng thời Hành, Thức, Danh sắc… cho tới Ưu Bi khổ não cũng diệt hết. Do đó, điều quan trọng nhất trong con đường tu Phật là phải TRỪ VÔ MINH. MuỐn trừ Vô Minh thì phải có TRÍ HUỆ. Muốn có Trí Huệ thì phải Quán Sát, Tư Duy. Muốn Tư Duy hiệu quả thì phải tập trung, nên cần Thiền Định, gọi là Định Huệ song tu hay Vipassana (là Thiền Quán, tức là quán sát, tư duy trong lúc Thiền Định).
Lý thuyết của Đạo Phật được tóm gọn như sau : Theo Đức Thích Ca, mỗi con người, khi đã có mặt ở trần gian, tức là đã SINH, thì cuối cùng đều phải theo quy luật là LÃO, BỆNH, TỬ không thể tránh khỏi. Thời gian tồn tại còn biết bao nhiêu cảnh Khổ vùi dập. Vì vậy, Đạo Phật được lập ra mục đích là đưa giải pháp cho con người để dù vẫn sống trong cảnh Sinh Lão Bệnh Tử với những Pháp thuận, nghịch phải đối đầu mà không phải đau khổ, được an vui, hạnh phúc, gọi là được Giải Thoát. Đó là lý do Đạo Phật dùng của HOA SEN làm biểu tượng, vì Hoa Sen, dù sinh ra, lớn lên từ bùn, tiếp tục sống trong bùn, nhưng không bị bùn làm cho ô nhiễm. Cũng giống như người tu Phật, dù sinh ra trong cõi trần đầy Phiền Não, nhưng không bị phiền não vùi dập. Do đó, Đạo Phật không phải là một Tôn giáo để Thờ Giáo Chủ là Đức Thích Ca, mà là CON ĐƯỜNG MÀ BẤT CỨ AI ĐI TRÊN ĐÓ ĐỀU SẼ ĐƯỢC THOÁT KHỔ, hay còn gọi là THÀNH PHẬT như Ngài và Chư Vị Giác Ngộ đi trước, vì thế Đức Thích Ca đã Thọ Ký : « Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành ».
Những vị đã Giải Thoát trong Quá Khứ gọi là Phật Quá Khứ. Hiện tại, người tu hành đúng cũng sẽ được Giải Thoát gọi là Phật Hiện Tại. Tương lai, ai tu hành đúng cũng sẽ được Giải Thoát gọi là Phật Vị Lai, đo đó mà Kinh gọi là có TAM THẾ PHẬT. Không phải như nhiều người giải thích Phật A Di Đà là Phật quá khứ. Phật Thích Ca là Phật hiện tại. Phật Di Lặc là Phật tương lai, vì Đức Thích Ca nhập diệt đã gần 3.000 năm, sao có thể gọi là Phật hiện tại ?.
Tu Phật là để được Thoát Khổ hay Giải Thoát. Muốn GIẢI THOÁT thì phải biết điều gì đã ràng buộc. Kinh LĂNG NGHIÊM dạy : « Như Quốc vương bị giặc đến xâm lăng, đem binh dẹp trừ. Nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được ».
Do con người không biết tại sao mình có mặt ở trần gian, được sinh ra để rồi phải đối phó với cuộc đời, hứng chịu bao nhiêu buồn, vui, khổ lụy, cuối cùng là Chết ! Do nghĩ rằng cái THÂN này là MÌNH, nên suốt đời cứ cắm cúi học hành, làm ăn để kiếm vật chất phục vụ cho nó và những người liên quan đến nó. Trong quá trình kiếm sống đôi khi phải cạnh tranh với người nọ người kia mà không giữ công bằng, trái lại đôi khi dở thủ đoạn, hại người để dành quyền lợi về cho mình, cho gia đình mình, gọi là tạo Nghiệp. Vì vậy, sau khi bỏ cái THÂN thì tùy theo Nghiệp Thiện, Ác đã gây tạo mà Thần Thức phải nhận một cái Thân khác để TRẢ. Đó là do Nhân Quả mà phải Luân Hồi.
Nhưng dù cái Thân đã tạo đủ thứ NGHIỆP THIỆN, ÁC, nhưng nó không phải là thủ phạm, mà thủ phạm là phần VÔ TƯỚNG ở trong THÂN. Phật đặt tên cho nó là CÁI TÂM. Tu hành là để chuyển hóa Cái Tâm, biến nó từ Vô Minh, Mê lầm thành ra sáng suốt. Từ VỌNG TÂM trở lại với CHÂN TÂM gọi là « Phản Vọng, Quy Chân ».
Do cái Tâm không có tướng, nên thời xưa, muốn tìm nó không dễ. Tổ Đạt Ma có Kệ :
“Tâm tâm tâm
Khó nỗi tầm
Tung ra bao trùm pháp giới
Thâu lại không đầy mũi kim”.
Để chỉ Cái Tâm cho Ngài A Nan, trong Kinh LĂNG NGHIÊM. Phật hỏi : « Ông đối trong giáo pháp của ta, do ngưỡng mộ điều gì mà phát tâm xuất gia » ? Khi Ngài A Nan trả lời là “vì thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà phát tâm xuất gia” thì Phật lại hỏi : Ông lấy cái gì xem thấy và cái gì hâm mộ » ? Ngài A Nan đã trả lời là “lấy con mắt để xem và cái Tâm hâm mộ”, thì Phật gạn hỏi : “có biết cái Tâm và con mắt ở chỗ nào không” ? và nói rằng : “Ông nhiều kiếp sinh tử luân hồi cũng do Tâm và Mắt”. Phật nhiều lần vặn hỏi Ngài A Nan, để giải thích cho Ngài hiểu rằng Ngài đã nhận lầm cái VỌNG TÂM, cho đó là Tâm của mình, nhận lầm cái THÂN TỨ ĐẠI GIẢ HỢP, cho là Thân Mình, nên đã vì nó mà tạo Nghiệp rồi triền miên Sinh Tử luân hồi từ bao nhiêu đời qua. Muốn Thoát Khổ thì phải hiểu cho rõ ràng về Thân và Tâm, vì nguyên nhân là ở đó.
Do thời xa xưa, ngôn ngữ chưa phong phú, sự hiểu biết của con người lại giới hạn, mà CÁI TÂM là nói về phần vô tướng, nên rất khó diễn tả. Sau mấy ngàn năm thì con người đã tiến bộ, Giáo Pháp của Đạo Phật cũng đã được Chư Tổ lần lượt khai sáng, nên nếu ai chịu khó nghiên cứu đều thấy rằng : Tất cả những Pháp mà Phật đưa ra, chỉ nhằm giải thích về kiếp sống của con người, về những gì nó phải đối mặt, điều gì làm cho con người phải Khổ, để đưa đến kết luận là do chính CÁI TÂM MÊ LẦM đã cho Cái THÂN là TA, nên CHẤP NGÃ, từ đó sinh ra CHẤP PHÁP , đưa đến hành động gây tạo Nghiệp mà cuộc sống hiện tại phải đau khổ, cuối cùng là Chết.
Nhưng không phải CHẾT LÀ HẾT, vì theo Đức Thích Ca, Cái Chết chỉ là sự tan rả của cái Thân Tứ Đại Giả hợp mà mỗi người tạm vay mượn để Trả nợ Nhân Quả hay Hưởng những gì đã gây tạo. Bản Thể Tâm hay Chân Tánh của con người vốn trường tồn, bất sinh, bất diệt. Vì thế, khi hết Nghiệp, hết Duyên, Cái Thân Giả Tạm tan rả, thì Thần Thức lại theo Nghiệp mới gây tạo trong hiện kiếp mà tái sinh. Tùy theo Nghiệp nặng hay nhẹ đã gây tạo mà thọ thân một trong Sáu Đường : Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, Thiên, Atula. Cho tới chừng nào chấm dứt VÔ MINH thì vòng đó mới kết thúc. Đã thấy được nguyên do thì Đạo Phật cũng đưa ra cách thức để hóa giải. Đó là phải khai mở Trí Huệ rồi nhờ Trí Huệ soi sáng để đi đến kết quả cuối cùng.
Muốn hết VÔ MINH thì phải nhờ TRÍ HUỆ. Do đó Đạo Phật dạy người tu phải Quán sát, Tư Duy. BÁT NHÃ TÂM KINH viết : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Ba đời Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại, và Phật vị lai), đều do Trí Huệ đáo bỉ ngạn mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : “Dù có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nhưng nếu không tư duy thì trọn không thể đạt Vô Thượng Bồ Đề” . Nhưng không phải quán hoa nở, hoa tàn, thủy triều lên xuống, núi lở, sông bồi..Vì Quán ngoại Pháp chỉ đưa đến cái Thấy Cái VÔ THƯỜNG. Muốn Giải Thoát thì phải tập trung vào ba nơi chính yếu mà con người đã gây Nghiệp THIỆN hay Ác để rồi bị đọa hay được hưởng, thành Thánh hay đọa phàm, bị trói buộc trong vòng Luân Hồi, rồi hóa giải ở đó. Đó là THÂN, TÂM, và PHÁP.
QUÁN THÂN để thấy nó chỉ là một khối thịt xương được kết hợp bằng ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA, không trường tồn, có thời hạn nhiều lắm là trăm năm. Hết kỳ hạn sẽ tan rả, trả về cho Tứ Đại những gì đã vay mượn. THÂN của mỗi người chỉ là cái Thân Duyên Nghiệp, là món mình vay mượn tạm thời của tứ Đại, để Trả hay hưởng những Nghiệp Thiện hay Ác đã gieo mà thôi. Khi hết Duyên, hết Nghiệp thì trả nó lại cho Tứ Đại. Vì thế nó không phải là THẬT MÌNH.
Quán như thế để đừng vì sự ham thích những cảm giác nhất thời của Lục Căn khi tiếp xúc với Lục Trần mà sinh ra ham thích để bất chấp hậu quả mà hành động gọi là Tạo Nghiệp để rồi luân lưu, triền miên trong vòng Luân Hồi..
Thời Phật tại thế. Nhiều Tỳ Kheo khi Quán Thân thấy nó tạo ra những ác Nghiệp, nghĩ rằng khi nó không còn nữa thì sẽ được giải thoát, nên thuê người giết mình ! Không ngờ rằng trong Đạo Phật không dạy hủy hoại hay hành hạ cái Thân, vì khi Vô Minh thì nó tạo tội, gây Nghiệp. Nhưng khi ý thức được thì nó cũng hỗ trợ đắc lực cho người tu trong quá trình tu hành.
Nhờ có cái Thân mới có thể tìm tòi, học hỏi. Có Mắt để đọc Kinh Sách, là những lời dạy của các vị Giác Ngộ đi trước. Có Tai, mới nghe thuyết giảng, mới hành trì để tu sửa. Khi thành công rồi thì có thể dùng nó để truyền kiến thức lại cho lớp người sau.
Khi còn Vô Minh thì mọi người để cho Cái Thân làm chủ, điều khiển mọi hành vi. Nhưng khi đã có Trí Huệ thì lấy lại quyền làm chủ của mình, điều khiển nó theo ý mình, dùng nó làm phương tiện để tu hành. Phật dạy như người bị rơi xuống biển ôm thây ma để bơi vào bờ. Khi biết cái Thân chỉ là tai sai thì cần tìm chủ nhân đã điều khiển nó , tức là CÁI TÂM, để điều chỉnh ở đó.
QUÁN CÁI TÂM để thấy nó mới chủ nhân, điểu khiển của mọi hành vi của cái Thân. Do Vô Minh nên nó cho rằng cái Thân là MÌNH, rồi thấy Các Pháp đến với Thân thì cho là đến với Mình, nên phản ứng. Phản ứng này hoàn toàn dựa trên căn bản cái Thân. Hợp với Nó thì thấy thích, muốn có, muốn nhiều thêm. Đôi khi vì muốn Có thêm mà phải tạo nghiệp, lừa dối, tranh đoạt của người khác, bất chấp hậu quả. Những gì không hợp với nó thì nó ghét bỏ, muốn xa lánh. Không trốn tránh được thì buồn khổ.
Có người nghĩ rằng Tâm như một nhà máy cung cấp điện để vận hành mọi thứ. Chỉ cần tìm ra nhà máy, ngắt nguồn điện thì mọi thứ đang vận hành sẽ đứng lại. Do đó họ DIỆT cái Tâm, không dám hoạt động, không dám suy nghĩ, cho rằng nghĩ gì ngoài Phật là thất niệm…để trở thành vô cảm, vô tâm, sống dật dờ như người chờ chết. Đó là những người đã hiểu sai, vì cái Vọng Tâm cũng chính là cái CHÂN TÂM nhưng qua thời gian trôi lăn đã bị những chất nhơ là Tham,Sân, Si, thương ghét, đố kỵ, ganh tỵ, tranh chấp…v.v.. bám vào nó. Do đó, công việc Tu hành chỉ là dùng những Pháp thanh tẩy để rửa cho sạch rồi dùng lại. Khi cái Tâm không còn những thứ nhơ bẩn đó, thì trở thành thanh tịnh, gọi là Tâm Phật. Chư Phật không phải Vô Tâm mà có đến Tứ Vô Lượng Tâm, đó là TÂM TỪ, TÂM BI, TÂM HỈ và TÂM XẢ để đối xử với vạn Pháp. Cho nên những người Quán Vô Thường, Vô Ngã thấy rằng mọi thứ đều là KHÔNG, rồi dừng ở đó. Chư Tổ gọi những người này là làm hư chơn tạng của các Pháp, vì các Pháp sinh ra là để phục vụ cho con người, tùy con người ý thức để xử dụng mà nó giúp ích hay làm hại mà thôi. Do đó mà người tu cần Trí Huệ, để nhìn và cư xử mọi việc đúng với tính chất của nó.
QUÁN PHÁP tức là xem xét những thứ diễn ra quanh mình, đến với mình. Có pháp thuận làm cho mình vui thích, hài lòng, nhưng cũng có những pháp nghịch làm cho mình khổ. Người tu được Phật dạy Quán TỨ DIỆU ĐẾ là KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO để thấy cả kiếp sống con người phải đối đầu với biết bao nhiêu là nỗi KHỔ. Rồi do huân tập, do thói quen, lại tiếp tục KHỔ. Do đó phải Tư Duy, Quán sát, để hiểu rõ về Cái Thân giả tạm. Biết nó không phải là Thật Mình, rồi nhờ DIỆT ĐẾ và ĐẠO ĐẾ để Giải Thoát. Mê hay Giác đều bắt đầu nơi cái Tâm. Vì thế người tu cần Tìm Tâm rồi tu sửa ở đó, gọi là TU TÂM, hay chuyển hóa cái Tâm. Không cần diệt Pháp, vì theo Quy Luật : Có đến sẽ có đi. Có khởi sẽ có tàn. Hữu duyên thì nó đến, hết duyên nó sẽ đi. Do mình tiếp nhận nó nên mới có thích, có ghét.
Việc Tu sửa Cái Tâm, gọi là ĐIỀU TÂM, tức là dùng những Pháp mà Phật dạy , để Tẩy Rửa cái Tâm, làm cho nó trở lại với tình trạng trong sạch, thanh tịnh của buổi đầu, như chiếc Gương, phản chiếu mọi vật mà không phân biết xấu,tốt để thương, ghét, khinh, trọng.. Nhưng nhiều người không hiểu mục đích tu hảnh, tưởng rằng lỗi là ở các Pháp, do nó tiếp cận nên làm cho mình phải Khổ. Vì thế, họ phải tìm lên non cao, động vắng, hoặc xây Chùa, làm tường rào kiên cố để các Pháp không xâm phạm tới, cho đó là đã Thoát Pháp ! Không ngờ đó là Né Pháp, Tránh Pháp, không phải Thoát Pháp ! Công cuộc tu hành của người Tu Phật là Điều Tâm, hay Chuyển hóa cái Tâm, không ĐIỀU PHÁP, không ngăn chặn Pháp, mà trang bị cho mình, và hiểu rõ về Pháp để không bị Pháp Chuyển, mà thay đổi nó, từ làm Khổ mình trở lại phục vụ cho mình, gọi là Chuyển Pháp.
Khi cái Tâm đã hết mê lầm, thì Lục Căn không còn bị sai khiến để làm những điều sai quấy là tạo Nghiệp nữa. Mắt dù có Nhìn, có Thấy các Pháp mà Tâm vẫn không động. Chư Tổ gọi là “Thấy mà cũng như không thấy” , hay NHƯ THỊ. Vẫn tới, lui, tiếp xúc với Pháp. Nhưng Pháp đến, pháp đi mà Tâm vẫn không động, gọi là NHƯ LAI. Cho nên, Như Lai không phải là Phật Tổ Như Lai quyền phép vô song, ban phúc, giáng họa, để Phật Tử hương khói thờ phụng, cầu xin được cứu độ, mà nói về cái Tâm của người tu sau khi Điều Phục. Công việc Điều Phục là chuyển hóa Cái TÂM, từ TÂM PHÀM, Tâm Sinh Tử, Tâm dính mắc, đầy phiền não trở thành Tâm thanh tịnh, như như, miễn nhiễm với các Pháp được gọi là Giải Thoát.
Sau khi Giải Thoát, người tu theo Đạo Phật sẽ không còn bị cảnh Khổ vùi dập, trái lại được hưởng một cuộc sống an vui, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Khi hết kiếp, do cả kiếp sống không còn nghĩ ác, làm ác mà chỉ làm toàn việc thiện nên theo Luật Nhân Quả, có tái sinh cũng sẽ được về cõi tốt đẹp.
Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT Tổ Đạt Ma dạy :
“Ngàn Kinh muôn luận cốt mở sáng cái Tâm”.
“Chỉ những người không Thấy Tánh mới khư khư lo tụng Kinh, Niệm Phật, tinh tiến học hoài, đêm ngày hành đạo, ngồi mãi không nằm (Tọa Thiền), lấy đó là pháp Phật. Đó là những người báng Phật, chê Pháp”.
“Mới biết tất cả nghiệp Khổ đều do Tâm mình sanh, nên cần nhiếp Tâm, lìa hết tà ác, là mọi nỗi Khổ của Ba Cõi Sáu Đường Luân Hồi đều tự nhiên tiêu mất, tức được Giải Thoát”.
“Nên biết chư Thánh ngày xưa tu niệm Phật phải đâu nói ngoài miệng, chính là tìm xét trong Tâm.
Tâm là nguồn của mọi pháp lành
Tâm là chủ của muôn công đức
Niết Bàn thường vui cũng do Tâm mà ra.
Ba cõi lăn lóc cũng theo Tâm mà dậy
Tâm là cửa, là ngõ của Đạo Xuất thế
Tâm là Bến, là Ải của Đạo Giải Thoát »
Khi mọi người đã hiểu được tất cả Sinh tử, Khổ đau, Giải Thoát, Địa Ngục, Niết Bàn, thành Thánh hay đọa phàm, bị Trả quả hay được hưởng đều do Cái Tâm, thì :
Cửa ngõ đã biết, há lo khó vào ?
Bến ải đã rõ, há ngại chẳng thông ? »
Đạo Phật là Đạo Nhân Quả, không phải tâm linh, huyền bí. Con đường tu Phật tưởng chừng thiên nan, vạn nan. Người muốn tu hành phải Ly Gia, Cắt Ái. Phải Cạo tóc, đắp Y, rời bỏ nhà cửa, quyến thuộc. Phải giữ hàng mấy trăm Giới. Đi đứng ngồi nằm phải giữ Tứ Oai nghi. Nghĩ gì ngoài Phật là thất niệm. Không được dính líu, làm ăn, sinh hoạt với người trần. Không được có gia đình để được thanh tịnh. Ngày mấy thời phải Ngồi Thiền. Phải ăn chay, tụng Kinh, Niệm Phật, học pháp, giảng pháp, lôi kéo cho được nhiều người Quy Y…Nhưng khi đã hiểu được rằng con đường Tu Phật mục đích chỉ là để Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, mà tất cả những thứ đó đều do Cái Tâm điều động, thì chỉ cần học, hành, điều chỉnh ở Tâm. Tất cả những thứ kia đều là Ngoại Pháp, cho dù có hành miên mật, năm nầy sang tháng kia, kiếp này sang kiếp khác cũng không mang lại kết quả Giải Thoát. Tổ Đạt Ma kết luận :
« Bao giờ học Tâm thôi
Viên thành tướng chân thực
Chợt rõ bỏ ý tu ».