Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



TỪ HY THÁI HẬU, NGƯỜI PHỤ NỮ
LÀM SỤP ĐỔ CƠ NGHIỆP NHÀ THANH

  
                

- NGƯỜI ĐẸP LAN NHI

     Bấy giờ là vào tiết cuối thu năm 1852 dưới đời vua Hàm Phong nhà Thanh. Một buổi sáng có tuyết rơi và gió lạnh, Lan Nhi dậy sớm, cuộn mình trong chăn ấm nhìn tuyết phủ trên mái ngói mà lòng thấy rộn ràng.

     Năm ấy Lan Nhi 17 tuổi (nàng sinh năm 1835), cái tuổi dậy thì đầy mộng mơ với vóc dáng nở nang, gương mặt thanh tú, đôi mắt đen huyền, đôi môi mọng đỏ khiến biết bao chàng trai trong vùng say đắm.  Nhưng Lan Nhi không hề quan tâm. Nàng còn nuôi mộng lớn hơn nhiều. Ngoài cái nhan sắc diễm lệ ấy, Lan Nhi còn được tạo hóa ban cho một bộ óc cực kỳ thông tuệ khiến cho ai một lần trò chuyện với nàng đều phải sinh lòng nể phục.
     Lan Nhi là người Mãn, con gái của vị trưởng lão hậu bổ tỉnh An Huy tên là Huệ Trưng, thuộc dòng họ Na Lạp (1), làm Hải quan đạo ở Vu Hồ, nhưng nay gia đình sa sút, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Lúc còn ở quê, nàng đã yêu một người anh họ (2) tên là Vinh Lộc, một người trẻ tuổi, đẹp trai lại rất giỏi võ nghệ. Hai người rất say mê nhau. Nhưng Lan Nhi là con người lý trí nên khi vua Hàm Phong (1851-1862) xuống chiếu tuyển cung phi, nàng xin ghi tên ứng tuyển. Vốn sẵn có sắc đẹp lộng lẫy và tài ăn nói bặt thiệp, nàng đã dễ dàng trúng tuyển.

     - ĐỜI SỐNG TRONG CUNG CẤM

     Vào cung đã hơn hai tháng, Lan Nhi vẫn chưa thấy nhà vua sai hoạn quan đến vời nàng. Tuy sốt ruột nhưng nàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi và lợi dụng thời gian ấy để học văn chương ca vũ hòng làm vừa lòng đấng quân vương.
     Một đêm, trong lúc đang say sưa đọc sách, nàng chợt thấy viên hoạn quan Lý Liên Anh đến. Khác với lệ thường, lần này hắn có vẻ kính cẩn đối với Lan Nhi và thông báo một tin hấp dẫn :
     - Thưa lệnh bà, thánh thượng đang chờ lệnh bà…
     Lan Nhi giật mình, tưởng nghe lầm, nhưng Lý Liên Anh nhắc lại lần nữa, trong lúc ấy bên ngoài bọn cung nữ đã ríu rít kéo nhau vào, hối hả giục nàng tắm rửa, thay quần áo để lên hầu thánh thượng.
     Gặp Lan Nhi, vua Hàm Phong mê như điếu đổ. Nàng chẳng những xinh đẹp, múa hát rất hay mà còn thông thạo chuyện văn chương sách vở khiến nhà vua vừa yêu vừa nể phục. Được vua yêu, Lan Nhi không bỏ lỡ cơ hội, ra sức chiều chuộng nhà vua để giành ảnh hưởng về mình. Nàng trổ hết tài ân ái để làm cho nhà vua say đắm nên được nhà vua giữ riết ba ngày đêm trong khi không một phi tần nào, kể cả hoàng hậu, được lưu lại quá một đêm.
     Vua Hàm Phong giải quyết việc triều chính rất dở. Biết vậy, Lan Nhi xin được phép theo vua ra triều, ngồi sau rèm nghe bá quan tâu trình. Khi về cung, nàng bàn bạc với vua và giúp vua đi đến những quyết định quan trọng. Vua Hàm Phong lại càng nể phục nàng hơn và phong cho nàng làm quí nhân.
     Lan Nhi rất ham học, mời thầy dạy riêng về văn chương, nghệ thuật, siêng đọc kinh sử, địa lý, có tài về hội họa, soạn kinh kịch, tỏ ra là người biết nhiều, hiểu rộng. Nhờ cái nhan sắc trời cho cộng với bản lĩnh khác thường, tài ứng xử thông minh mẫn tiệp và tinh nghịch, Lan Nhi nhanh chóng được vua Hàm Phong sủng ái, không bao lâu được phong làm quí phi. Khi nàng thụ thai, nhà vua mừng rỡ, ở lì tại vườn Viên Minh với nàng mấy tháng, không chịu về nội điện khiến nàng phải năn nỉ khóc lóc nhà vua mới chịu về. Lúc nàng sinh được một hoàng nam, vua lại càng yêu quí, xem nàng như viên ngọc báu nên phong nàng làm Tây cung hoàng hậu lấy hiệu là Từ Hy (vì bấy giờ đã có Đông cung hoàng hậu là Từ An).
     Hàm Phong là ông vua trác táng, lại thêm bọn thái giám xu nịnh bợ đỡ, xúi giục nhà vua ăn chơi dâm dật. Vì thế, mặc dù có hàng trăm cung nữ, nhiều đêm vua cùng bọn thái giám cải trang làm thường dân ra ngoài thành, đến chơi ở các xóm yên hoa nên chẳng bao lâu vua bị bệnh hoa liễu nặng rồi từ trần (1862).
     Con trai của Từ Hy là Tải Thuần 5 tuổi được đưa lên ngôi, tức là vua Mục Tông Đồng Trị (1862-1875). Đồng Trị lên ngôi còn quá nhỏ nên cả Từ An thái hậu và Từ Hy thái hậu cùng buông rèm nhiếp chính, có hai đại thần là Cung Thân vương và Văn Tường giúp đỡ.
     Trước đó mấy năm, người tình cũ của Từ Hy là Vinh Lộc, nhờ giỏi võ nghệ được tuyển vào cung làm Chưởng vệ đội cấm quân bảo vệ hoàng thành. Do đó Từ Hy đã lén lút tư tình cùng Vinh Lộc ngay cả khi vua Hàm Phong còn sống nên có dư luận cho rằng Đồng Trị là con của Vinh Lộc chứ không phải con của Hàm Phong.

     - TỪ HY THÁI HẬU

     Hoàng hậu Từ An – vợ chính của vua Hàm Phong – là người hiền lành, đôn hậu, nhưng ít học, sống với vua đã lâu mà không có con nên thường buồn rầu, tủi phận. Từ Hy, trái lại, học khá hơn, đọc viết thông thạo chữ Hán, thông minh, lanh lợi, rất có bản lĩnh nhưng cũng có nhiều tật : say mê quyền lực như Võ hậu, dâm dật, xa xỉ, để đạt mục đích thì không việc gì mà không làm. Lúc đầu Từ An và Từ Hy cùng buông rèm nhiếp chính, nhưng dần dần Từ Hy lấn át Từ An, tự ý quyết định mọi việc trong triều. Từ An vốn tính hiền lành, không thích tranh giành quyền lực, thường hay nhượng bộ rồi lâu ngày thành quen, mặc cho Từ Hy thao túng.
     Vua Đồng Trị không ưa mẹ đẻ Từ Hy mà quí mến mẹ cả Từ An. Khi ông bắt đầu trưởng thành, hai bà thái hậu có ý lập hoàng hậu cho ông, nhưng ông chọn nàng A Lỗ Đặc, một thiếu nữ xinh đẹp và hiền thục do Từ An giới thiệu và gạt bỏ người của Từ Hy. Do đó mà Từ Hy ghét cả Đồng Trị lẫn Từ An. Từ Hy lại cấm ông ăn nằm với A Lỗ Đặc và bắt phải ăn nằm với một cung phi tên Phong, người mà ông không thích. Ông cương quyết không chịu và sinh ra đau khổ chán nản nên thường cùng vài hoạn quan thân tín đêm đêm cải trang ra khỏi cấm thành đi chơi phố phường hay đến du hí ở các xóm yên hoa, có lần về trễ, không kịp buổi chầu sáng hôm sau.
     Được ít lâu, Đồng Trị lâm bệnh nặng rồi từ trần lúc mới 18 tuổi (1875), triều đình đưa tin là ông bị bệnh “thiên hoa” (bệnh đậu mùa) nhưng dân chúng đồn rằng ông chết vì bệnh giang mai (3). Ông chết rồi, Từ Hy bắt nàng A Lỗ Đặc phải tự tử để không được làm thái hậu mà thính chính trong đời vua sau.
      Vua Đồng Trị mất, không có con. Nhóm thân vương muốn nhân dịp này gạt Từ Hy ra khỏi chính trường nhưng nhờ người tình cũ của bà là Vinh Lộc, bấy giờ đang làm quan lớn ở triều, giúp sức nên Từ Hy nhanh chóng đưa người em con chú của Đồng Trị mới 4 tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng. Đó là vua Đức Tông Quang Tự (1875-1908).
     Trong khoảng thời gian này, thái hậu Từ An đã bị Từ Hy đầu độc. Một hôm, Từ An tình cờ vào phòng ngủ của Từ Hy, bắt gặp một nhà sư trong đó. Bà không nói gì, lặng lẽ bước ra, nhưng hôm sau, ăn cơm xong, bà bị trúng độc, nổi cơn đau bụng dữ dội rồi từ trần (1881) (4).
     Lúc lên ngôi Quang Tự còn rất nhỏ, bị Từ Hy quản thúc chặt chẽ quá, hóa ra khiếp nhược. Lên ngôi rồi thì không một người nào được phép lại gần – kể cả mẹ đẻ – mọi việc đều do Từ Hy xếp đặt mà bà thì kiêu xa, dâm dật, không mấy khi ngó ngàng tới cậu. Thậm chí nhiều hôm Quang Tự phải ăn thức ăn thiu để lại từ hôm trước. Từ Hy rất dữ, thường hay quát tháo, đánh đập, phạt quì khiến vua sợ bà như sợ cọp. Lớn lên, vua Quang Tự phải đến vấn an bà mỗi ngày một lần, khi vấn an phải quì, cho phép mới được đứng dậy.
     Bắt chước Từ Hy, thái giám Lý Liên Anh cũng ăn hiếp Quang Tự. Hắn xuất thân là kép hát, được Từ Hy sủng ái nên chẳng coi vua Quang Tự ra gì. Quang Tự có một quí phi rầt hiền, trung thành với ông, ông rất yêu quí. Lý Liên Anh ghét nàng, xô nàng xuống giếng, một thủ hạ của hắn liệng đá lấp giếng. Vua Quang Tự không dám nói gì, chỉ khóc thầm.

     - MẬU TUẤT CHÍNH BIẾN (1898)

     Thấy nhà Thanh cứ cúi đầu khuất phục trước các nước phương Tây, giới sĩ phu trong nước lấy làm nhực nhã bèn tìm cách duy tân đất nước để theo kịp đà tiến của thế giới. Người lãnh đạo phong trào này là Khang Hữu Vi (1858-1927) và môn đệ của ông là Lương Khải Siêu (1873-1929).
     Hai người đưa ra khẩu hiệu “toàn biến, tốc biến” (thay đổi triệt để và nhanh chóng). Lương Khải Siêu làm đại biểu cho một nhóm 190 cử nhân Quảng Đông lên kinh thi, dâng thư lên triều đình bàn về thời cuộc. Khang Hữu Vi cùng nhóm 3000 cử nhân khác dâng thư xin “biến pháp”. Rồi hai nhóm họp làm một, nỗ lực vận động cải cách nhưng không có kết quả.
     Năm 1896, Khang Hữu Vi một lần nữa dâng thư xin “biến pháp”. Lần này ông được gặp vua Quang Tự nhờ một vị đại thần là thầy học cũ của vua. Từ năm 1889, vua Quang Tự đủ 18 tuổi, thực sự cầm quyền. Thái hậu Từ Hy lui về nghỉ ở Di Hòa viên nhưng vẫn ngầm theo dõi hành động của ông. Quang Tự sáng suốt, có nhiệt tâm muốn cứu Trung Hoa ra khỏi vòng lạc hậu nên cho vời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lên kinh bàn việc nước. Ông phong chức tước cho họ để cùng nhau mưu việc “biến pháp”.
     Đề nghị nào họ đưa ra cũng được vua quang Tự chấp nhận : bỏ lối văn bát cổ trong các khoa thi, đưa các môn khoa học vào chương trình giáo dục, lập học hiệu, khuyến khích kẻ viết sách, cầu nhân tài, mở trường võ bị để luyện tập quân đội theo lối mới, mở ngân hàng, làm đường xe lửa, khai mỏ, lập hội buôn, khuyến khích nông và công nghiệp… Trong khoảng chưa đầy ba tháng, hơn một trăm đạo chiếu được ban ra khiến cho trong triều ngoài quận bàn tán xôn xao.
     Biết rằng Từ Hy thế nào cũng cản trở công cuộc duy tân, Đàm Tự Đồng khuyên vua nên đoạt lấy quyền hành, bắt giam Từ Hy và loại trừ bọn phản động thì mới mong cải cách được. Vua Quang Tự nghe theo, triệu Viên Thế Khải về Bắc Kinh giao cho việc luyện quân để bao vây Di Hòa viên, bắt Từ Hy. Chẳng may Viên Thế Khải phản bội, đem cáo giác âm mưu ấy với Vinh Lộc và lập tức Vinh Lộc báo cho Từ Hy biết. Quân triều đình do Vinh Lộc chỉ huy liền vây bắt phe tân đảng. Khang, Lương may mắn thoát nạn, trốn được sang Nhật, còn sáu người trong nhóm Đàm Tự Đồng bị giết, đời sau gọi là “lục quân tử” (5). Từ Hy ra lệnh bãi bỏ hết công cuộc canh tân của vua Quang Tự. Sử gọi vụ đó là cuộc “Mậu Tuất chính biến” (1898) hay cuộc “duy tân 100 ngày”.

     - BÁT QUỐC LIÊN QUÂN ĐÁNH BẮC KINH

     Dưới thời Từ Hy cầm quyền, trong nước loạn như ong; nào là phong trào Thái Bình thiên quốc do Hồng Tú Toàn cầm đầu, nào là Bạch Liên giáo và dư phái của nó là Nghĩa Hòa đoàn của mấy ông thầy cúng tức là Loạn Quyền Phỉ… May nhờ có các danh tướng người Hán là Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tôn Đường ra sức dẹp loạn nên trong nước mới được tạm yên. Nhưng nghiêm trọng hơn hết là cuộc Bát quốc liên quân đánh vào Bắc Kinh (1900) khiến Trung Hoa tơi tả.
     Vì oán ghét chế độ Mãn Thanh nên dân chúng nổi lên lập nhiều đảng phái chống lại triều đình. Bấy giờ ở Sơn Đông có dư phái của Bạch Liên giáo tự xưng là Nghĩa Hòa đoàn, đeo bùa, đọc chú và nói rằng họ có phép, đạn bắn không chết. Dân chúng cả tin. Từ Hy lợi dụng ngay Nghĩa Hòa đoàn, cung cấp cho họ nhiều tiền bạc, vũ khí, khuyên họ nên hợp tác với triều đình để diệt trừ bọn “bạch quỉ”. Họ bèn đổi khẩu hiệu là “Phù Thanh diệt dương”.
     Năm 1900 bão tố nổi lên. Bọn Nghĩa Hòa đoàn quấn khăn đỏ làm hiệu, giết hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Trung Hoa, đốt nhà thờ, đập phá đường xe lửa, đường dây thép, máy móc, bưu điện…. của người nước ngoài. Từ Hy hài lòng lắm.
     Công sứ liệt cường kháng nghị nhưng Từ Hy bỏ ngoài tai, lại sai đem quân vây đánh các sứ quán trong tám tuần lễ. Công sứ nước Đức, thư ký sứ quán nước Nhật bị giết khi đi đường. Tức thì tám nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Áo, Nga hợp quân, cử tướng Đức là Ven Waldersee thống lĩnh, vây hãm Đại Cô rồi đánh chiếm Thiên Tân. Quân lính Nghĩa Hòa đoàn ra ứng chiến, cổ đeo bùa, tay bắt quyết, miệng đọc thần chú, nhưng càng tiến lên càng bị bắn ngã như rạ. Quân Thanh tan vỡ, một tướng Thanh tử trận, hai tướng khác tự sát. Liên quân tiến đánh Bắc Kinh. Từ Hy vội cải trang trốn vào Tây An, không quên đem theo vua Quang Tự. Bắc Kinh thất thủ.
     Thấy tình thế nguy ngập, Từ Hy phải xin thương thuyết. Do đó hòa ước Bắc Kinh ra đời năm 1901 với nhiều điều khoản ngặt nghèo, trong đó có khoản Trung Hoa phải bồi thường chiến phí 450 triệu lạng bạc khiến đất nước càng thêm kiệt quệ.

     - NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA TỪ HY

     Từ sau cuộc chính biến Mậu Tuất, Từ Hy ra lệnh giam vua Quang Tự ở Doanh đài, trong hồ Tây Uyển. Nhà vua bị đày đọa cực nhục đủ điều cho đến chết, quyền hành nằm gọn trong tay Từ Hy nhưng bà không tự lập làm vua như Võ Tắc Thiên ngày trước.
      Năm 1908 vua Quang Tự băng lúc 37 tuổi. Có sách nói rằng vì biết mình sắp chết, Từ Hy sai giết vua Quang Tự trước để ông không có cơ hội thi hành “biến pháp”. Mấy hôm sau Từ Hy thái hậu cũng qua đời vì bệnh (73 tuổi) sau 46 năm cầm quyền (1862-1908). Trước khi mất, bà đã kịp cho lập Phổ Nghi 3 tuổi, con của Thuần Thân vương (em cùng mẹ với vua Quang Tự) lên ngôi, hiệu là Tuyên Thống. Nhưng ông vua bé con này chỉ ngồi trên ngai vàng được ba năm thì bị lật đổ bởi cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Văn tức Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên (1866-1925) lãnh đạo và chế độ quân chủ chuyên chế của Trung Hoa trải qua mấy nghìn năm cũng cáo chung.
     Với bản tính thông minh và cương nghị, Từ Hy sẵn sàng đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt, nhất là với bọn người phương Tây muốn xâu xé nước Trung Hoa rộng lớn, giàu tài nguyên nhưng còn lạc hậu này. Với tính cương nghị ấy, bà đã can đảm dứt bỏ mối tình đầu để đặt chân vào cung cấm, cố thực hiện cho kỳ được cái ước vọng lớn lao của mình là trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, cho dù Vinh Lộc có nhảy sông tự tử (nhưng không chết). Khi đến thăm và săn sóc người yêu, bà đã khuyên Vinh Lộc phải chiến thắng hoàn cảnh và phải cố vươn lên, vươn lên mãi. Lời khuyên đó đã giúp Vinh Lộc vượt qua số phận để trở thành một vị đại thần của nhà Thanh sau này, có cơ hội nối lại tình xưa tuy lén lút.
     Về phương diện tình cảm, Từ Hy là người biết yêu và yêu say đắm, nhưng về chính trị, bà là người cực kỳ tàn ác, giết bỏ không nương tay những kẻ chống lại bà như Túc Thuận, Tái Viên, Đoan Hoa trong số các cố mệnh đại thần của vua Hàm Phong và ngay cả thái hậu Từ An nữa. Bà không từ một thủ đoạn nào, miễn là bảo vệ được chiếc ghế Hoàng thái hậu, tuy không phải là vua nhưng quyền hành còn lớn hơn vua, khuynh loát cả triều đình.
     Tham vọng của Từ Hy quá lớn nhưng tài năng của bà có hạn nên chẳng những bà không xây dựng được một nước Trung Hoa giàu mạnh, trái lại ngày càng suy yếu, trở thành miếng mồi ngon cho các liệt cường.
     Trong khi làm mưa làm gió trên chính trường Trung Hoa non nửa thế kỷ, Từ Hy đã quá say mê quyền lực, đầu óc bảo thủ nặng nề, cự tuyệt văn minh phương Tây, khinh thường các nước ngoài, quí chuộng hoạn quan, đứng đầu là An Đức Hải và Lý Liên Anh, tin dùng bọn tiểu nhân đắc thế, kiềm hãm Trung Hoa trong vòng lạc hậu khiến cho đất nước này bị liệt cường xâu xé, dân chúng khổ sở lầm than. Chẳng những thế, bà còn ăn tiêu xa xỉ, bỏ ra số tiền rất lớn để xây cung điện, tôn tạo vườn Viên Minh đã bị quân Anh đốt sạch, bỏ cả triệu lạng bạc (6) để biến Di Hòa viên thành chốn bồng lai nơi hạ giới làm cho công khố cạn kiệt, thuế má nặng nề. Chính bà phải chịu trách nhiệm một phần lớn trong việc làm cho cơ nghiệp nhà Thanh sụp đổ.
________________
(1) Tên thật của Lan Nhi là Diệp Hích Na Lạp Thị (Trung quốc sử lược của Phan Khoang).
(2) Theo phong tục Trung Hoa, anh chị em con cậu, con cô, con dì đều có thể kết hôn với nhau, miễn khác họ là được.
(3) Con thật giống cha !
(4) Theo cuốn Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê.
(5) Lục quân tử gồm : Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân (em Khang Hữu Vi), Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ và Dương Thâm Tú.
(6) Số bạc này trước đó dự kiến dùng để mua tàu thủy và súng đạn.




VVM.21.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .