Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

PHÁT LỘ CẶP THUYỀN CỔ DƯỚI VỰC SÂU CỬA ĐỀN KINH DƯƠNG VƯƠNG





                     Phát Lộ Cặp Thuyền Độc Mộc Cổ Dưới Vực Sâu Cửa Đền Kinh Dương Vương (Bắc Ninh)
                    Thông Điệp Ngàn Năm Của Tổ Tiên Thời Dựng Nước?

T ừ cuối tháng 1 năm 2012, dân hút cát săn lùng sắt thép , di vật đáy sông Đuống tổ chức lặn mò rất công phu vùng vực xoáy sâu đến 15m ngay trước cửa đền Kinh Dương Vương thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Thành, Huyện Thuận Thành Bắc Ninh đã mò dược một hiện vật rất đặc biệt. Những tay thợ lặn trên xà lan neo đậu tại cửa đèn có trang bị áo lặn, vòi dưỡng khí sau nhiều ngày mò tìm ở nơi đã có nhiều kẻ mất mạng vì tin rằng đáy vực có nhiều báu vật. Hiện vật độc đáo này là hai con thuyền độc mộc lớn úp vào nhau và giằng buộc với nhau bởi những sợi dây mà cánh thợ lặn kể rằng dây tết bằng “lá dừa” qua những hàng lỗ dọc mép hai con thuyền.

Thợ lặn đã cắt dây kết nối và lôi lên được con thuyền úp phía trên nhưng chiếc thuyền thứ hai nằm dướí đáy thì sau khi lùng kiếm hiện vật bên trong mà theo họ thì chẳng tìm được gì và khi kéo lên nó bị vỡ ra thành nhiều mảnh nên vẫn ở dưới đáy sông. Xác con thuyền úp trên mặt đã được chủ xà lan gọi rao bán khắp nơi nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Khi gọi đúng địa chỉ điện thoại của ông thầy giáo cấp 3 Thuận Thành II Lê Thành Nghị , người say mê sưu tầm cổ vật ở xứ Kinh Bắc thì ông Nghị liền bàn với bạn chơi cổ vật của mình, nghệ nhấn gốm Luy Lâu nổi tiếng - cũng là nhà sưu tầm và khôi phục cổ vật Nguyễn Đăng Vông để tìm cách sưu tầm và giữ gìn báu vật này kẻo người ta sẽ bán làm củi đốt gạch. Nếu không bảo quản kịp thời thì con thuyền sẽ nứt toác bởi phơi nắng.

Anh Vông ngay lập tức đã gọi điện cho tôi, một người có thâm niên trong ngành Khảo cổ học Môi trường, quan tâm đến lịch sử sông nước và những con thuyền cổ. Tôi khuyên anh nên báo ngay cho Bảo tàng Bắc Ninh và Viện Khảo cổ học để xử lí kịp thời. Lúc ấy tôi đang bận việc ở tận trong Nam nên không ra được. Tôi cũng đã thông báo cho anh em ở Viện Khảo cổ biết. Có lẽ vì quá bận rộn hoặc không có kinh phí, dự án nên chẳng mấy ai quan tâm. Thế là họ phải bỏ tiền ra mua và lên phương án kéo chiếc thuyền về bến Hồ cách cửa Đền chừng 5 km vì nới dó mới có bến đỗ sau đó thuê cẩu cẩu lên hai chiếc xe cải tiến đấu lại và thận trọng đẩy hơn 10 km về đến bảo quản tại kho cổ vật nhà thầy giáo Nghị ở bên thành Luy Lâu cổ xưa.

Mãi đến tận lễ Phật Đản năm nay , tôi mới có dịp cùng Tổng thư kí hội Sử học và cánh nhà báo bên Thông Tấn Xã Việt Nam, Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam, Báo Tổ Quốc và một vài đồng nghiệp khác đến khảo sát, tìm hiểu về con thuyền kì lạ này.

Là người đã có dịp tìm hiểu nhiều con thuyền cổ , mỏ neo cổ hiện lưu giữ trong các Bảo tàng hay trong các sưu tập cá nhân rải rác khắp ba miền Nam Bắc, Tôi thực sự ngỡ ngàng trước di vật độc đáo này. Đó là một con thuyền độc mộc được đẽo một cách công phu và hoàn chỉnh, được bảo tồn khá nguyên vẹn với một kiểu dáng thật hoàn hảo với một kích thước “khùng” mà tôi chưa từng gặp từ xưa đến nay. Thoáng trông dáng con thuyền, tôi đã liên tưởng ngay đến hình những con thuyền độc mộc với nhiều tay chèo được khắc họa trến trống đồng Đông Sơn từ thời dựng nước.

Con thuyền có chiều dài 9m70, Chiều ngang chỗ phình ra rộng nhất ở gần giữa con thuyền là 0,95m. Từ một cây gỗ lớn, người ta đã dùng rìu mà vết đẽo còn để lại trên thân và lòng thuyền còn hiện rõ, tạo nên một con thuyền hình dạng thủy động học. Nó có dáng như một quả trám bổ đôi nhưng chỗ phình rộng nhất thì không ở chính giữa và hơi lùi về phía sau. Hình này là dạng tối ưu của thủy động học, cho phép con thuyền giản được sức cản của dòng chảy tối ưu và rất ổn định trên mặt nước. Những cặp mấu nhô ra đối xứng giữa hai mạn thuyền là chỗ đặt ván ngang cho mỗi tay chèo cách nhau 51 cm cho thây thuyền đủ chỗ cho 10 tay chèo cùng ngồi bơi trên thuyền. Tôi hình dung với cấu trúc con thuyền gọn nhẹ, hình dáng đặc biệt như thế cùng 10 mái chèo dũng mãnh thì đây chính là phương tiện siêu tốc trên sông nước thời bấy giờ. Nó có thể vượt qua mọi dòng xoáy, thác ghềnh và dễ dàng quay ngoắt khi cần. Quả là một con thuyền độc đáo.

Điều kì lạ nhất là dọc hai bên mép mạn thuyền, người ta đã đục mỗi bên 44 cái lỗ để xỏ dây và cái lỗ thứ 89 thì nằm ngay chính mũi. Có người bảo đây là các lỗ để buộc dây cho mái chèo nhưng thực tế cho thấy không phải vậy. Thuyền chỉ có 10 tay chèo và kiểu chèo này là mỗi tay chèo tự cầm mái chèo của mình vung tay chèo trong không gian tự nhiên chứ không buộc vào trụ trên thuyền. Theo cánh thợ lặn thì các lỗ ấy tạo ra nhằm để buộc hai con thuyền lại với nhau trước khi dìm xuống đáy vực.

Từ những gì đã thấy, chưa được nghiên cứu sâu và tham khảo các tài liệu khoa học về các kiểu thuyền tương tự, các phong tục cổ xưa trong khu vực, chưa xác định tuổi tuyệt đối, tôi chỉ dám nêu vài nhận xét:

1. Đây là một con thuyền độc mộc cổ, độc đáo, rất có thể có niên đại hàng nghìn năm thuộc thời dựng nước căn cứ vào hình dáng của nó.

2. Cấu trúc con thuyền cho thấy một kĩ thuật làm thuyền độc mộc thủ công ở một trình độ điêu luyện.

3. Đây là thuyền đua? Thuyền chiến? có thể đã được làm ra cho cả hai mục đích.

4. Vì sao hai con thuyền lại buộc úp vào nhau và được nhấn chìm dưới đáy sông ở một vị trí địa lí đặc biệt trên đường trục thẳng từ chùa Phật Tích chiếu thẳng tới khúc sông có vực sâu cửa đền Kinh Dương Vương chiếu tiếp đến lăng Sỹ nhiếp ở hướng sau đền. Rất có thể đây là một nghi thức trấn yểm quan trọng.

Liệu đây có phải là một cách chọn gửi dưới đáy sông sâu của tiền nhân để con cháu nghìn năm sau còn thấy được văn minh kĩ thuật và trình độ chinh phục sông nước, biển khơi của tổ tiên ta thời dựng nước?

Hà Nội 3h sáng 2-5-2012

VVM.09.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .