Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      





KỂ CHUYỆN
TRẠNG NƯỚC NAM








K hoa cử có từ Trung Quốc và theo sử sách đã xuất hiện từ đời nhà Tùy (581 - 621) sang nhà Đường (618 - 713) nhưng theo học giả Trần Trọng Kim thì khoa cử có từ đời Hán Vũ Đế (140 trước Tây lịch) ra bài sách cho những người trúng tuyển cử thi nhưng cho đến thời nhà Tùy, nhà Đường (cuối thế kỷ thứ VI) mới khai thác và tổ chức có quy mô. Cũng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, Việt Nam đặt ra khoa cử từ lâu để kén chọn người tài và có từ thời tự trị nhà Lý. Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn đặt ra khoa thi đầu tiên ở nước ta, mô phỏng theo khoa cử Trung Quốc rồi dần dần về sau các đời Trần, Hồ, Lê, Mạc vv… mới cải sửa thêm mà trong đó vào thời vua Lê Thánh Tôn khoa cử trở nên cực thịnh, tiêu biểu là hội Tao Đàn gồm 28 vị Khoa bảng danh tiếng do nhà vua làm Nguyên Súy và Thân Nhân Trung làm Phó Nguyên súy. Mãi cho đến thời nhà Nguyễn, khoa cử đã chánh thức chấm dứt vào năm 1919 (Khải Định 4) để chuyển sang văn học Âu Tây do ảnh hưởng sự có mặt của người Pháp tại xứ ta, đã khiến cho các ông Đồ, thầy Khóa phải từ bỏ theo đưởi danh vị Ông Cống, Ông Nghè để theo học chữ Quốc ngữ, chữ Tây mong tiến thân, nên nhà thơ trào phúng cận đại, nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam từ trước đến nay là cụ Trần Kế Xương mới có bài thơ:

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, Ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm Thầy Ký
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

Và để vấn đề chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học cho được nhẹ nhàng nên trong các kỳ thi hương từ năm 1909 (Duy Tân 4) trở đi, mỗi khóa 4 kỳ đều có kèm theo bài thi bằng chữ Quốc ngữ bắt buộc và một bài thi bằng chữ Pháp tự nguyện mà bài vở được chấm điểm từ 0 đến 20 nên cụ Tú làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định lại có bài thơ:

"Đổi thi"

Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy Đồ cố đỗ mau đi!
Dầu không bia đá cũng bia miệng
Vứt bút lông đi giắt bút chì!

Khoa cử Việt Nam tuy xa xưa vốn dùng chữ Nho là thứ chữ của Trung Hoa, nhưng người nước Nam cũng có nhưng nhân tài về văn học và cũng đỗ đạt qua các kỳ thi mà học vị cao nhất gọi là Trạng Nguyên(1) và cũng trong thời kỳ này đã sản sinh ra được một số nhân vật có văn tài lỗi lạc, đã làm cho người nước ngoài rất khâm phục trong các kỳ đi sứ, xin được kể như sau:

* Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)

(2) Hiệu Bạch Vân Cư Sĩ tục gọi là Trạng Trình, bậc cao sĩ đời nhà Mạc. Ông người làng Tuy An, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (Bắc phần VN), đỗ Trạng Nguyên năm Ất Mùi (1535) thời Mạc Đăng Doanh - Đại Chính 6 làm quan được 8 năm đến chức Lại Bộ Tả Thị Lang và đã từng dâng sớ hạch 18 người lộng quyền. Năm Nhâm Dần (1542) Mạc Phúc Hải (niên hiệu Quý Hòa thứ 2) ông xin về trí sĩ làm nhà ở làng gọi là Bạch Vân Am để dạy học trò. Trong đám môn đệ ông có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ là bậc tài trí xuất chúng giúp công sức rất nhiều cho nhà Lê Trung Hưng. Nhà Mạc cảm phục tài đức ông, phong cho ông chức Lại Bộ Thương Thư, tước Trình Quốc Công. Ông chẳng những là một nhà Nho học uyên thâm ông lại rất tinh về dịch lý, biết rõ các việc vị lai, do đó thiên hạ tin các lời ông nói là lời sấm cả. Lúc Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) sợ anh rể là Trịnh Kiểm ám hại vì ganh tài như đã ám hại anh mình là Nguyễn Uông đã vào vấn kế được ông nhắn gởi bằng câu bảo ban có ý nghĩa xa xôi: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", Nguyễn Hoàng nhờ đó nói với chị là vợ Trịnh Kiểm, người có quyền hành lớn bấy giờ tại triều xin với vua Lê cho ông vào trấn đất Thuận Hóa, nhờ đó mới thoát nạn, và sau này mới có cơ gầy dựng thế lực cho Nhà Nguyễn ở đàng trong. Ông cũng làm thơ, lưu lại tập Bạch Vân Quốc Ngữ thi gồm 100 bài thơ hoặc vịnh cảnh nhàn tản hoặc tả thế thái nhân tình, lời lẽ khi thanh tao phóng khoáng, có khi châm biếm nhạ nhàng, có thể coi là bài học khuyên đời thâm thúy ý nhị.

* Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613)(3)

Tục gọi là Trạng Bùng người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, Bắc phần. Thời Lê Trung Hưng, ông đỗ Tiến sĩ vào thời Lê Thế Tôn (1853) Quang Hưng thứ 3, khi Nhà Mạc tiếm ngôi ông bỏ vào Thanh Hóa theo giúp vua Lê, hai lần ông được cử sang Yên Kinh (Trung Hoa) để tiến cống và cầu phong, có tài ngoại giao, ông đã dùng lời lẽ khôn khéo thuyết phục được nhà Minh công nhận nhà Lê và phế bỏ nhà Mạc. Trong dịp này, có lần trong một lúc ông làm luôn 30 bài thơ mừng được vua Tàu khen hay và phê: Bắc quốc xứng vi lương sứ. về sau ông làm quan đến chức Hộ Bộ Thương Thư tước Mai Quốc Công. Phùng Khắc Khoan là một thi gia xuất sắc với Phùng Công Thị Tập bằng chữ Hán, được sứ Cao Ly là Lý Tôi Quang hết sức tán thưởng. Ngoài ra ông còn soạn "Ngư Phủ nhập đào nguyên" bằng văn quốc âm. Tại Bắc phần người ta thờ Phùng Khắc Khoan làm tổ nghề dệt the lượt và nghề trồng hái thữ ngô và vừng (mè), những nghề này ông đã học và đem được từ Trung Hoa về khi phụng mạng vua Lê đi sứ.

* Mạc Đĩnh Chi (4)

Tự là Tiết Phu, danh sĩ đời Trần, người làng Lũng Đông, huyện Chí Linh (nay thuộc phủ Nam Sách) tỉnh Hải Dương, Bắc phần. Ông thuộc dòng dõi danh thần Mạc Hiển Tích, tiến sĩ, Thượng thư đời Lý. Ông người bé nhỏ tướng mạo xấu xí nhưng tư chất rất thông minh, theo học với Hoàng đệ Trần Ích Tắc và thi đỗ Trạng Nguyên khoa Giáp Thìn (1304, Trần Anh Tôn Hưng Long thứ 12).  Vua Trần thấy tướng mạo ông xấu xí, không muốn cho đỗ Trạng Nguyên nhưng ông làm bài "Ngọc tỉnh Liên phú" tự ví mình như bông sen quý ở dưới giếng ngọc để thuyết phục vua Trần. Trải thờ 3 đời vua: Trần Anh Tôn (1293 - 1314) - Trần Minh Tôn (1314 - 1329) - và Trần Hiển Tôn (1329 - 1341) ông làm quan đến chức Đại liêu Ban tả Bộc sự, có lần đi sứ Tàu tại Yên kinh, ông đã dùng văn chương áp đảo triều thần Mông Cổ và đã cùng với vua Nguyên xướng họa văn thơ rất tương đắc nên được khen là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Tương truyền cũng vào dịp đi sứ này, có một công chúa Tàu từ trần, quan Tàu muốn thứ tài ông viết 4 chữ "nhất" vào giấy nhờ ông đọc làm văn tế, nếu phải một người nào khác gắp tình huống này, chắc là phải đệ lời "phân ưu" rồi im lặng cùng phái đoàn rút về, nhưng Mạc Đĩnh Chi với văn tài xuất chúng, ông liền ứng khẩu đọc ngay:

Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thương uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! vân tán, tuyết tiêu - Hoa tán nguyệt khuyết

Được hiểu là:

Một đám mây trên trời xanh
Một giọt tuyết trên lô trời
Một cành hoa ở vườn Thượng uyển
Một vầng trăng ở dưới ao tiên
Than ôi! Mây tán tuyết tan, hoa tàn trăng khuyết!

Người Tàu lấy làm kính phục lắm. Mạc Đĩnh Chi vốn là tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung lên ngôi phong Mạc Đĩnh Chi làm Huệ Việt Linh Thánh Đại Vương và phu nhân làm Lưỡng Quốc Tu Chính Công Chúa.

Chú thích:
(1) Trạng Nguyên: học vị cao nhất của Nho học ngày xưa, theo thứ hạng:
Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh: Trạng Nguyên / Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhị danh: Bảng Nhãn / Gọi chung là tam khôi Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ tam danh: Thám Hoa / Tiến sĩ đệ nhị giáp: Hoàng Giáp: thường chỉ có một người Tiến sĩ đệ tam giáp: Đồng tiến sĩ xuất thân: số người đỗ không nhất định. Sau khi thi Hội được trúng cách, có lễ xướng danh, các ông Nghè được vào thi Đình (cùng gọi là Điện thí). Thi ở Điện, sĩ tử có bàn ngồi đàng hoàng, chứ không phải khom lưng viết bài trong lều như ở thi Hương, thi Hội; và chính nhà vua ra đề thi. Sau khi các quan Nghè bái mạng xong, vua lui về cung, để cho Bộ Lễ điều khiển cuộc tranh tài.
(2) Hiện nay tại quận 1, Tp.HCM có đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm là con đường nối liền đường Điện Biên Phủ và Lê Thánh Tôn, chạy ngang trước Thảo Cầm Viên. Tên đường ngày trước là đường Docteur Angier.
(3) Cũng tại quận 1, Tp.HCM, đường Phùng Khắc Khoan là con đường nối liền đường XVNT với đường ĐBP. Đầu đường phía XVNT giáp với cổng sau tòa Tổng Lãnh sự Pháp. Ngày trước đường có tên là đường Miche.
(4) Đường Mạc Đĩnh Chi hiện nay cũng ở quận 1, Tp.HCM, nối liền đường ĐBP và đường Nguyễn Du xuyên qua đường Lê Duẩn, bên hông tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ. tên ngày xưa là đường Massige.




VVM.08.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .