Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tượng Nguyễn thị Lô và Nguyễn Trãi tại Lệ Chi Viên



THIÊN DIỄM TÌNH
NGUYỄN TRÃI – NGUYỄN THỊ LỘ








M ột trong những thiên tình sử để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt chúng ta, đó là mối tình của vĩ nhân Nguyễn Trãi và kì nữ Nguyễn Thị Lộ. Tuy nhiên, phải chăng vì quy luật “tạo vật ố hoàn danh” (tạo vật ghét sự hoàn thiện) mà thiên diễm tình đó đã phải hứng chịu một số phận nghiệt ngã, phải ngậm một nỗi oan khiên khốc hại nhất? Từ chính sử triều Hậu Lê đến gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê, rồi dã sử với cậu chuyện hoang đường “Rắn báo oán”… dường như tất cả đều xúm lại phủ nhận và bôi nhọ mối tình ấy, chà đạp lên nhân phẩm của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, coi bà như loài yêu quái đoạ vào cuộc đời Nguyễn Trãi đễ hãm hại ông! Từ gần 600 năm nay, không thể đếm xuể có bao nhiêu người đã bị đầu độc bởi cái thành kiến ác hại ấy.

Thế nhưng, như nhân dân vẫn nói “trời có mắt”, cái mầm chân lí của sự thật và chân giá trị của mối tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đã tồn tại ngay từ thế kỉ XV (trước và sau thảm án Lệ Chi Viên). Nhân dân xã Khuyến Lương, những người đã chung sống, đã tận mắt chứng kiến cuộc sống và mối tình của hai con người ấy, đã tôn vinh họ và mối tình phu phụ của họ thông qua hai công trình kiến trúc lịch sử Đền thờ Đức Ông Đền thờ Đức Bà tại địa phương. Một số thơ văn còn sót lại tản mát ở nhiều nơi cũng khẳng định điều đó. Thế rồi trải qua biết bao sóng gió của lịch sử, cho đến ngày nay, cái mầm chân lí ấy đã mọc thành một đại thụ đầy sức sống.

Trong một thiên diễm tình phải hội đủ các yếu tố sau: một là cả hai người nam nữ phải có nhân tính phát triển cao về ba phương diện trí tuệ, tình cảm và đạo đức; hai là phải có sự hoà hợp và ái mộ nhau cao độ cả về thể xác lẫn tinh thần; ba là mối tình đó phải mang tính cách một tình yêu cao cả đứng trên đỉnh cao của thời đại, phải phát huy ảnh hưởng giáo dục tình cảm, đạo đức và thẩm mĩ tới toàn thể cộng đồng. Như vậy, một diễm tình chính là sản phẩm của một nền văn minh thuộc một xứ sở đã phát triển tới tầm cao. Tuyệt đối không có diễm tình trong những xã hội, những thời đại mông muội.

Đến nay những phát hiện sử học đã tập hợp đầy đủ các cứ liệu (được trình bày cặn kẽ trong cuốn sách Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin 2004). Cuốn sách đã chứng minh rằng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là hai con người có nhân tính phát triển cao bậc nhất của cộng đồng người Việt ở thế kỉ XV. Giữa hai người có sự hoà hợp mãnh liệt và sự tôn thờ lẫn nhau, tạo nên một tình yêu đích thực. Và tình yêu của hai người đã và sẽ được toàn thể dân tộc ta tôn vinh.

Thật vậy, Nguyễn Trãi sinh ra đời với bản chất và sứ mệnh của một đấng vĩ nhân của thế kỷ XV và của mọi thời đại. Vậy mà vừa gặp Nguyễn Thị Lộ lần đầu ở Thăng Long dưới cái lốt của một cô gái quê bán chiếu gon, ông đã hoàn toàn bị choáng ngợp, bị lãnh một “tình yêu sét đánh”. Bởi vì cô nàng bán chiếu gon ấy đâu phải một nhi nữ tầm thường? Nàng chính là một cô gái quê sắc nước hương trời của làng Hải Triều, một tuyệt phẩm mà non sông Đại Việt đã sản sinh ra. Trong nàng hội đủ những phẩm chất tuyệt vời mà một người phụ nữ có thể có được: sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, sự duyên dáng, khối óc thông minh sáng láng, có học vấn (được tích luỹ từ cả hai nguồn văn hoá dân tộc và Nho học), tài đối đáp sắc sảo, đức hạnh cổ truyền, tính năng động trong mọi công việc, và sự nhạy bén về tình cảm. Không phải chỉ Nguyễn Trãi phát hiện ra nàng mà chính nàng, chỉ trong chớp mắt cũng đã đã phát hiện ra Nguyễn Trãi, người đàn ông kiệt xuất của thời đại, và tình yêu trong lòng nàng lập tức được đánh thức! Cuộc gặp gỡ đầu tiên ở Thăng Long với giai thoại xướng hoạ thơ Nôm nổi tiếng, thật xứng hợp với thành ngữ “trai anh hùng gái thuyền quyên”. Hai người yêu nhau say đắm, và Nguyễn Trãi đã cưới Nguyễn Thị Lộ làm vợ, đưa nàng về “góc thành nam” chung sống với mình trong cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Ngày ngày, chàng đi dạy học, nàng đi bán chiếu gon, tối tối hai vợ chồng lại cùng nhau sum họp trong một cái tổ ấm nhỏ bé bên đê sông Hồng. Cảnh sống vô cùng hạnh phúc và tương đắc này còn để lại dấu vết trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi:

Trà thuở tiên thời mình kín nước,
Cầm khi đàn khiến thiếp thiêu hương.

Ngay trong thời kì này, khi người anh hùng Nguyễn Trãi nung nấu quyết tâm hành động cứu nước cứu đời khỏi ách giặc Minh và khởi thảo Bình Ngô sách thì người vợ thuộc nòi “cân quắc anh hùng” cũng lập tức “tuỳ” chồng, và khối óc sáng láng của nàng ắt đã đóng góp cho Nguyễn Trãi nhiều ý kiến bổ ích. Sau đó hai người trù tính đến một việc lớn lao và táo bạo: bỏ Thăng Long trốn vào Thanh Hoá giúp Lê Lợi! Rõ ràng ngay từ thuở ban đầu chung sống tại Khuyến Lương, quan hệ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đã không dừng lại ở tầm mức một mối tình phu phụ thông thường, trái lại, đã mang đậm màu sắc của một mối tình lớn mà vận mệnh của nó gắn chặt với vận mệnh của đất nước và dân tộc. Nguyễn Thị Lộ, trong những chuyến thuyền xuôi ngược sông Hồng chở chiếu đi bán ở Thăng Long và những vùng lân cận, đã thu thập mang về cho Nguyễn Trãi rất nhiều tin tức thời sự chính trị trong nước, nhất là tin tức về cuộc dấy nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Nguyễn Thị Lộ đã sớm đảm lãnh vai trò của một nữ chiến sĩ vô danh trong công cuộc kháng Minh. Có thể nói, những yếu tố căn bản của thiên diễm tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đã hiện hình khá rõ nét.

Trong suốt muời năm phò Lê Lợi chống Minh, Nguyễn Trãi luôn có bên mình một người vợ yêu, một người tâm phúc. Tình yêu đẹp, tương đắc đã theo ông rong ruổi khắp các nẻo đường kháng chiến, giúp ông có được sự sung mãn về tình cảm, sự yên tĩnh về tâm hồn để mang hết khả năng phò vua giúp nước. Công lao của Nguyễn Thị Lộ ẩn ở dưới bề sâu trong trách nhiệm bình thường của một người vợ, ít được người đời nhắc đến nhưng đó là một tồn tại hiển nhiên với những ý nghĩa không thể phủ nhận.

Năm 1430, do lời sàm tấu của lũ gian quan, Nguyễn Trãi bị Lê Lợi tống ngục. Đó là một nghịch cảnh rất lớn của vợ chồng ông. Nguyễn Thị Lộ đã lập tức chứng tỏ bản lĩnh “thuyền quyên” của mình. Bà đã đến cầu cứu bà phi Huy Chân (công chúa con vua Trần cuối cùng, tự nguyện làm cung phi cho Lê Lợi). Huy Chân cảm kích trước đức độ của Nguyễn Trãi và tình cảm sắt son của hai vợ chồng ông, đã dũng cảm vào ngục thăm ông, biếu ông sâm, mực, giấy, bút để ông viết sớ kêu oan với vua. Rồi bà đích thân trao tờ sớ ấy cho vua. Lê Lợi suy xét lại, thấy mình đã xử oan vị đại thần liền xuống chiếu tha Nguyễn Trãi (theo tài liệu lịch sử của Nguyễn Gia Linh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Paul Pascal, Bordeaux, nước Pháp). Hành vi ấy của Nguyễn Thị Lộ đã tô thêm một nét son cho thiên diễm tình đang mỗi lúc càng thêm rực rỡ.

Khi ông vua trẻ Lê Thái Tông mời Nguyễn Trãi vào triều giúp triều đình trị nước, nhà vua cũng sáng suốt phát hiện chân giá trị của người phụ nữ kiệt xuất Nguyễn Thị Lộ và trân trọng trao cho bà chức Lễ nghi học sĩ (dạy lễ nghi cho các cung phi và công chúa). Đó là một bước thăng tiến lớn, xứng hợp với tài đức của bà. Ở thời kì này, khi Nguyễn Trãi trở thành một yếu nhân của triều đình với những chức vụ rất cao (Nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ) thì Nguyễn Thị Lộ cũng vẫn “sánh vai” cùng chồng trên tầm cao của cuộc đời, của thời đại. Thiên diễm tình lại viết thêm một chương mới thật là tráng lệ.

Một sự việc nổi bật trong thời kì này là việc hai vợ chồng Nguyễn Trãi cùng “xắn tay vào cuộc” một cách đắc lực và kiên quyết để cứu mạng cho hai mẹ con bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, bảo vệ được vị minh quân của Đại Việt trong tương lai: Lê Thánh Tông. Có thể nói đó là kì tích của của cặp vợ chồng quốc sĩ để lại tiếng thơm mãi mãi cho muôn đời.

Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chính trong thời kì này, tình yêu Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đã gặp phải một cơn sóng gió dữ dội. Thần phi Nguyễn Thị Anh thù ghét vợ chồng Nguyễn Trãi, đã hiểm độc dựng chuyện Nguyễn Thị Lộ có tư tình với vua để chia rẽ hai người, để phá hoại một thiên diễm tình vốn không một vết nhơ. (Bà ta bất chấp sự thực rằng Lễ nghi học sĩ lúc ấy nhiều hơn vua đến trên dưới 25 tuổi). Nhưng Nguyễn Thị Anh sức mấy mà thực hiện nổi độc kế ấy? Nguyễn Thị Lộ chỉ bằng một bức huyết thư gửi cho chồng với những lời lẽ của một người vợ đức hạnh, đã phá tan một âm mưu thâm độc:

Làu làu như gương chẳng vết nhơ
Im lìm như nước không gợn sóng
... Chiều sớm sắt cầm vẫn nhớ
Khổ than mộng mị khó quên
Nỗi gái tình thâm nhớ đến trai
Nỗi trai chí lớn sao ngờ gái?
... Chớ nghĩ ai quên mối tình muộn màng
Núi tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết
Chớ lo ai nhạt lời thề cố cựu
Sông dù vơi mà ý thiếp chẳng vơi!...


(Vân Trình dịch)

Cho hay, một thiên diễm tình mà không có thử thách là điều không hề có trên đời này vậy.

Thảm án Lệ Chi Viên mà vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ phải hứng chịu, có một nguyên nhân trực tiếp chính từ thiên diễm tình của hai người. Chính nỗi nhớ chồng gay gắt không kiềm chế nổi đã xui khiến Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ xin với Lê Thái Tông trong kì đi duyệt quân ở miền Đông cho phép mình đi theo, chỉ với mục đích riêng tư duy nhất: được gặp lại chồng sau quá nhiều xa cách. Giả sử không có nỗi nhớ nhung ấy và niềm khao khát tình yêu ấy thì Nguyễn Thị Lộ không có lí do gì để xin vua cho mình đi theo về Côn Sơn, nơi có ngôi nhà của vợ chồng bà, nơi bao lâu nay chồng bà ngày đêm mong ngóng nhớ thương bà. Và như vậy thì sự kiện vua mất tại Lệ Chi Viên không liên quan gì đến vợ chồng bà, do đó vụ án Lê Chi Viên cũng không có lí do gì xảy ra được. Quả thật có gì trùng hợp nhau giữa thảm hoạ của tình yêu Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ với câu “tình là dây oan” của Nguyễn Du.

Bằng những phẩm chất cá nhân trác việt, bằng tình yêu son sắt, cao cả, bằng việc suốt đời cùng nhau sống và hành động vì đại nghĩa, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã sáng tạo nên một thiên diễm tình bậc nhất trong lịch sử dân tộc ta. Diễm tình ấy càng đạt tới tính hoàn mĩ bằng hình ảnh một cặp vợ chồng sống có nhau, chết có nhau (đồng sinh đồng tử) – một khái niệm mà từ xưa đến nay được coi là mực thước cao nhất của những mối kết giao giữa con người với con người.

Thật đúng như câu danh ngôn “Không thể lấy máu mà gìm được chân lí”, phẩm chất sáng ngời như trăng sao của bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được xác minh qua cuộc gọi hồn Nguyễn Trãi tại Hà Nội năm 2009 do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (Hội trưởng hội những người kính yêu Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ) và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thực hiện với sự chứng kiến của học giả Vũ Khiêu và nhiều nhà văn hoá khác. Nguyễn Trãi đã nói rõ tất cả sự thật về vụ thảm án Lệ Chi Viên trong đó có tình tiết: sau khi vợ chồng ông bị chém, thái hậu Nguyễn Thị Anh lệnh cho bọn thủ hạ phải mang thủ cấp của hai người về cung cho bà ta trông thấy tận mắt để bà ta tin chắc. Nguyễn Trãi khẳng định về bà Nguyễn Thị Lộ rằng: “Trong đền thờ của nàng, nàng xứng đáng được đề bốn chữ trung trinh - tiết liệt.”.

(Bài đã đăng báo và in trong sách
“Văn chương Thái Bình mười thế kỉ” của soạn giả Gia Dũng.
Trong bản này, tác giả có bổ sung đôi chút.)




VVM.08.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .